Chiếc cầu Ý Hệ (cầu Hiền Lương)

Người bắn nhau nhưng đâu phải bắn nhau, Bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó (TrầnXuânAn)

Hoà giải dân tộc, 30-4: VIỆT NAM, ĐÀ TRƯỢT ĐỎ & CHỖ NÍU VÀNG (phần 2)

Posted by Trần Xuân An trên 27.04.2015

hidden hit counter

 
.

Hòa giải dân tộc, hàn gắn vết thương chiến tranh:

Kỉ niệm lần thứ 40
Ngày 30-4
VIỆT NAM, ĐÀ TRƯỢT ĐỎ VÀ CHỖ NÍU VÀNG
Trần Xuân An

25 – 27-4 HB15 (2015)
(phần 2)

Xem ảnh chữ lớn hơn — Xin bấm vào đây

2.

Lâu nay, có quá nhiều bài báo, nhiều cuốn sách đủ thể loại viết về Miền Nam theo quan điểm, lập trường của cấp lãnh đạo cao nhất tại Miền Bắc. Gần đây, cũng có một ít bài viết trên mạng toàn cầu thể hiện sự khác biệt, độc lập nhận thức về Miền Nam. Trường hợp thứ nhất, quá giống nhau, sự giống nhau của những chiếc loa tuyên truyền được sản xuất hàng loạt (chưa nói tốt hay xấu). Trường hợp thứ hai, có những cái nhìn riêng, nên khá phong phú, nhưng tựu trung đều cho Miền Nam phồn thịnh hơn, dân chủ hơn, tân tiến hơn và đa dạng hơn.

Có phải như thế không? Có thể đúng. Nhưng đó có phải là vấn đề trung tâm nhất hay không?

Tại sao đã hình tượng hoá tiến trình cách mạng vô sản ở Việt Nam (từ 1920, 1930 đến nay) là “đà trượt đỏ”, lại còn gọi gần 30 năm Quốc gia Việt Nam (1947-1955) – Việt Nam cộng hoà (1955-1975) là “chỗ níu vàng”?

Vàng, bắt đầu từ đâu? Từ lá cờ vàng của triều Nguyễn. Đó là lá cờ mà sau cuộc kinh đô quật khởi và thất thủ tháng 7-1885, bị thực dân Pháp gắn vào một góc của nó lá cờ tam sắc (cờ “tam tài”), rồi vẫn nền vàng cố hữu nhưng không còn góc tam sắc, mà trải dài theo chiều dọc, ở giữa, là quẻ li (trong Kinh Dịch) màu đỏ, dưới thời Bảo Đại – Trần Trọng Kim (3-1945), rồi quẻ càn đỏ, thời thành lập Quốc gia Việt Nam với quốc trưởng Bảo Đại (1947). Đó là cờ nền vàng (căn bản) ba sọc đỏ (có biến đổi). Lá cờ vàng này phấp phới trên đỉnh Đệ nhất cộng hoà Ngô Đình Diệm (1955-1963) cho đến Đệ nhị cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu (1967-1975). Nó có truyền thống, bắt nguồn từ các đời chúa Nguyễn, vương triều Nguyễn độc lập và còn độc lập (1558-1802-1885). Về mặt hình thức, nó cũng độc lập, không giống một chút gì cờ Pháp, cờ Nhật, cờ Mỹ.

Khi gọi chế độ chính trị ở Miền Bắc xã hội chủ nghĩa là đỏ, ấy là căn cứ vào màu cờ cộng sản (Khối Cộng sản), nhưng ở dạng Việt Nam (cờ Việt Nam hiện hành). Còn gọi vàng, tức là nói đến chính thể quân chủ lập hiến, tổng thống chế, nói chung là không cộng sản (phi cách mạng vô sản), thuộc Thế giới Tự do (Khối Tư bản). Chính xác hơn, đỏ (với hình tượng ngôi sao năm cánh, búa liềm) là màu biểu tượng của cộng sản toàn cầu, còn vàng chỉ là màu quốc gia Việt Nam, Miền Nam Việt Nam, trong Khối Tự do, vốn đa dạng, tuỳ ý của mỗi nước.

Vàng, xuất phát từ vương triều chính thống Nguyễn. Mặc dù có giai đoạn bị thực dân Pháp xâm chiếm, phải nhượng đất, phải chịu “bảo hộ” bởi Pháp sau đỉnh điểm mâu thuẫn giữa phe chủ chiến yêu nước và thực dân Pháp (1885-1945), rồi bị phát-xít Nhật khống chế (22-9-1940), nhất là sau khi Nhật đảo chính Pháp (09-3-1945, đến khi Nhật đầu hàng Đồng minh, 14-8-1945), vương triều Nguyễn cũng chỉ bị xem như nàng Kiều của Nguyễn Du, tuy phải hoàn toàn làm gái lầu xanh đến 60 năm (1885-1945).

Hẳn đến nay, ai cũng biết Bảo Đại trao ấn tín cho Việt Minh (Việt Minh được sự ủng hộ trực tiếp của Mỹ), thoái vị, kết thúc vương triều phong kiến Nguyễn, trong Cách mạng Tháng 8 năm 1945, chỉ là bất đắc dĩ.

Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà do Hồ Chí Minh khai sinh bằng bản “Tuyên ngôn độc lập” tuyệt vời của ông, không có màu sắc đỏ, cộng sản chủ nghĩa kiểu Liên Xô. Bấy giờ, Đảng Cộng sản Đông Dương đã giả vờ giải thể, chỉ còn là một cơ quan nghiên cứu chủ nghĩa Mác (Marx). Mặt trận Việt Minh (Việt Nam độc lập đồng minh hội) không phải đơn thuần, độc nhất cộng sản. Nó ủng hộ Đồng minh, mà Đồng minh ở Việt Nam là Mỹ, một cường quốc mới cùng Liên Xô đánh tan trục phát-xít Đức, Ý, Nhật trên toàn thế giới. Chính điều đó đã tập hợp được toàn thể nhân dân Việt Nam. Nhân sĩ, như cụ Huỳnh Thúc Kháng. Chính đảng quốc gia, ngoại trừ các nhánh Đại Việt đảng bị giải thể, cấm hoạt động, còn lại đều tham chính, như Việt Nam quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mệnh đồng minh hội (Việt Cách).

Nhưng hầu như ai cũng đoán biết đó chỉ là sự thoả hiệp tạm thời của Hồ Chí Minh mà thôi. Họ không phải ngây thơ, ấu trĩ đến mức không hiểu bản chất của cộng sản là độc quyền, toàn trị. Cách mạng Tháng Mười Nga 1917, đến thời điểm đó, 1945, đã trải qua 28 năm, và cả thế giới, đặc biệt là giới trí thức, chính giới đều hiểu chủ trương, đường lối, phương pháp cách mạng của cộng sản mác-xít, lê-nin-nít (marxiste – léniniste).

Từ 16-3-1946, Bảo Đại đã thoát sang Hồng Kông. Đầu tháng 7-1946, xảy ra vụ án ở đường Ôn Như Hầu, Hà Nội, thực chất là cuộc tranh chấp quyền lực giữa Cộng sản với Việt Quốc, Việt Cách. Như vậy, đã có sự tan rã, sự thanh trừng trong chính phủ liên hiệp Việt Nam dân chủ cộng hoà mới được khai sinh. Vàng, bộ phận quốc gia chủ nghĩa, phi cộng sản, gồm các chính đảng quốc gia, các tôn giáo, biết rằng không thể hợp tác lâu dài với đỏ, phe cộng sản, với chủ tịch Hồ Chí Minh, vốn chủ trương chuyên chính vô sản. Họ tìm sang Côn Minh, Hồng Kông, để gặp Bảo Đại, vận động thành lập Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Một khi Hồ Chí Minh đã kí thoả ước chấp nhận đặt Việt Nam dân chủ cộng hoà vào Khối Liên hiệp Pháp, thì họ, lực lượng quốc gia, cũng thế.

Tháng 12-1946, toàn quốc kháng chiến, vì thực dân Pháp sau mấy tháng theo Anh – Ấn vào giải giới Nhật ở các tỉnh phía Nam vĩ tuyến 16, đã thực sự tái xâm lược Việt Nam. Những người quốc gia vào chiến khu, lại xung đột với Cộng sản, nên trở về thành, tìm đến Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại đứng đầu.

Lá cờ vàng với nền vàng tượng trưng cho Phương Nam của các đời chúa Nguyễn rồi cả vương triều Nguyễn nhất thống, thêm quẻ càn (tượng trưng cho Trời) là ba sọc đỏ, đã trở nên “chỗ níu vàng” cho bộ phận chính trị theo khuynh quốc gia, phi cộng sản. Họ chấp nhận đặt Quốc gia Việt Nam vào Khối Liên hiệp Pháp với nền độc lập tương đối, có bị hạn chế và nền thống nhất đất nước cả ba kì Trung – Nam – Bắc, và hi vọng sẽ tranh đấu dần dần cho độc lập dân tộc hoàn toàn. Họ không thể chung vai sát cánh, cùng ý thức hệ với bộ phận cách mạng đỏ, do nhà cộng sản kì cựu Hồ Chí Minh đứng đầu. Mỹ cũng đang và sẽ ủng hộ Quốc gia Việt Nam.

Từ đó, sự phân hoá đỏ – vàng trở nên gay gắt trong tình thế Chiến tranh lạnh (1945-1991) diễn ra trên thế giới. Đỏ, ngả hẳn về phía Liên Xô, Đông Âu, và đến năm 1949, đồng thời ngả về Trung Quốc đỏ. Mao Trạch Đông (từ nội chiến cách mạng, rồi liên minh quốc – cộng chống Nhật, đến đuổi hẳn Trung Hoa quốc dân đảng ra đảo Đài Loan) đã thành lập Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đỏ, vào năm 1949 ấy. Vàng, ngả hẳn về phía Pháp và Mỹ, khi biết rõ Mỹ là nguồn ủng hộ chính. Mỹ đã viện trợ cho Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại, thông qua Pháp. Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập từ đó, với mục đích chống cộng, bảo vệ nước Việt Nam thoát khỏi “quốc hoạ cộng sản”, nói theo ngôn từ của phe vàng.

Tuy nhiên, đến tháng 7-1954, chính phe cộng sản do Hồ Chí Minh đứng đầu, với sự viện trợ, huấn luyện, cố vấn của Liên Xô, Trung Quốc, mới là lực lượng hoàn toàn đánh bại thực dân Pháp, cho dù Pháp nhận viện trợ của Mỹ (đến 80% chiến phí).

20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève) được kí kết, chia đôi hai miền Nam – Bắc, ranh giới tạm thời là Vĩ tuyến 17. Bản đồ Việt Nam từ đó bị tô hai màu rõ rệt: Bắc đỏ – Nam vàng.

Mặc dù Trung Quốc, Liên Xô đều thoả thuận với Pháp và các cường quốc khác để lấy Vĩ tuyến 17 làm giới tuyến, nhưng Mỹ và Quốc gia Việt Nam vẫn không kí tên. Điều đó sẽ được thể hiện thành thực tế là Mỹ cùng Ngô Đình Diệm (07-7-1954, thủ tướng, đại diện Thiên Chúa giáo, dưới trướng quốc trưởng Bảo Đại) quyết chia cắt lâu dài nước ta, quyết không chấp nhận Tổng tuyển cử.

Trong hai năm 1955-1956, Pháp hoàn toàn rút quân khỏi hai miền Nam, Bắc, không còn dính líu gì đến nước ta nữa.

Trong quãng thời gian đó, 26-10-1955, Ngô Đình Diệm, được sự ủng hộ của Mỹ, nhất là Vatican, đã trở thành tổng thống, mở đầu nền Đệ nhất Cộng hoà tại Miền Nam Việt Nam, với quốc hiệu là Việt Nam cộng hoà. Quân đội Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại cũng đã được đồng hoá thành Quân đội Việt Nam cộng hoà.

Lá cờ nền vàng (Phương Nam, triều Nguyễn) với ba sọc đỏ (quẻ càn: Trời) vẫn là quốc kì. Quốc ca vẫn là bài hát chống Pháp, Nhật của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1939), vốn không có nội dung cộng sản, xã hội chủ nghĩa.

Từ đó cho đến 30-4-1975, suốt 21 năm, trải qua giai đoạn Đệ nhất Cộng hoà (1955-1963), thời biến động (1963-1967, nhiều chính phủ thay nhau) và giai đoạn Đệ nhị Cộng hoà (1967-1975, Nguyễn Văn Thiệu), Miền Nam như một quốc gia riêng biệt, tương tự như Tây Đức, Nam Hàn (Hàn quốc), Đài Loan, được nhiều nước trên thế giới công nhận, thiết lập quan hệ ngoại giao, và đưa quân đội sang tham chiến bảo vệ.

Vàng, chỗ níu của bộ phận cách mạng quốc gia, của bộ phân nhân dân không thể sống dưới chế độ đỏ, vô thần, vô sản hoá (nguyên gốc là “tam vô”), độc tài, đảng trị, lệ thuộc “quan thầy Nga Sô, Trung Cộng” (nói theo ngôn ngữ vàng), là như thế. Nói cách khác, vàng, không gì khác hơn là chính thể vàng (chế độ chính trị – kinh tế tự do, tư bản chủ nghĩa). Chính thể phi cộng sản, phi đỏ (dĩ nhiên là tư bản chủ nghĩa), là tất cả, chứ không phải cá nhân quốc trưởng hay vua, tổng thống này hay tổng thống khác.

Ở thế bắt buộc, cũng như tại Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tố giai cấp (tước đoạt tài sản tư sản, địa chủ…), thanh trừng, tiêu diệt Quốc dân đảng và các thành phần không thân thiện với chế độ đỏ, thì tại Miền Nam, là đánh bại và thu phục các lực lượng Hoà Hảo, Bình Xuyên, Cao Đài vốn chủ trương ủng hộ Bảo Đại, đồng thời tố cộng, diệt cộng sản “nằm vùng”, lẫn lộn vào dân cư để kích động bạo loạn. Máu đổ ở cả hai miền, trong đó hầu hết là những người yêu nước khác chính kiến, và những dân oan vô tội…

Từ 1956, Lê Duẩn đã bắt đầu viết “Đề cương cách mạng Miền Nam”, chủ trương phát động chiến tranh bằng bạo lực cách mạng, kết hợp với đấu tranh chính trị. Nghị quyết 15 (tháng Giêng 1959) của Đảng Lao động Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam) đã ban hành, chính thức đưa quân Bắc đỏ vào Nam, tiến hành chiến tranh.

Sau 21 năm chiến tranh, cả hai miền Nam – Bắc Việt Nam mới được nối liền vào Ngày 30-4-1975, dưới ngọn cờ đỏ, gây ra một cuộc trốn chạy, di dân bằng cách vượt biên, vượt biển lớn nhất trong lịch sử dân tộc và chắc hẳn cả lịch sử nhân loại…

Bốn mươi năm qua, sách, báo, đài, giáo dục không ngớt bôi nhọ, sỉ nhục Việt Nam cộng hoà…

Dù sao thì lịch sử cũng là chuyện đã rồi.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã có công đánh đuổi thực dân Pháp. Đó là công lao thực sự, cho dù còn có người đòi hỏi phải cộng thêm vào công lao ấy cái tội ác là đã theo cộng sản, rước cộng sản vào đất nước Việt Nam. Dẫu vậy, với công lao to lớn đó, Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn còn xứng đáng để lãnh đạo dân tộc Việt Nam. Tuy thế, nếu thật tâm nhận thức rõ, chủ nghĩa xã hội là ảo vọng, không thể thực hiện trong xã hội loài người, cụ thể là trong xã hội Việt Nam, thì nên tỉnh táo và dũng cảm tuyên bố tự giải phóng khỏi “vòng kim cô” đỏ ấy, để dân tộc ta được hưởng tự do, dân chủ, và lấy tự do, dân chủ làm động lực phát triển đất nước, như hầu hết các nước trên thế giới hiện nay, kể cả Nga và các nước Đông Âu khác (các cựu đảng viên cộng sản vẫn lãnh đạo).

T.X.A.
25 – 27-4 HB15 (2015)

Ghi chú:
Bài “Việt Nam, chỗ níu vàng” này có thể xem như phần 2 của bài: “Việt Nam, đà trượt đỏ” (phần 1). Cả hai bài gộp lại theo thứ tự, có nhan đề chung là “Việt Nam, đà trượt đỏ và chỗ níu vàng”.

Đã đăng ở Facebook:
https://www.facebook.com/notes/tran-xuan-an/phan-2-viet-nam-da-truot-do-va-cho-niu-vang-bai-viet-cua-tran-xuan-an/1569875399953072?pnref=story

.
.
http://www.tranxuanan-writer.net
http://www.txawriter.wordpress.com
http://www.facebook.com/tranxuanan.writer
.

2 bình luận to “Hoà giải dân tộc, 30-4: VIỆT NAM, ĐÀ TRƯỢT ĐỎ & CHỖ NÍU VÀNG (phần 2)”

  1. […] Hoà giải dân tộc, 30-4: VIET NAM, DA TRUOT DO & CHO NIU VANG (phan 2) […]

  2. […] Hoà giải dân tộc, 30-4: VIỆT NAM, ĐÀ TRƯỢT ĐỎ & CHỖ NÍU VÀNG (phần 2) […]

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.