Chiếc cầu Ý Hệ (cầu Hiền Lương)

Người bắn nhau nhưng đâu phải bắn nhau, Bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó (TrầnXuânAn)

Archive for Tháng Sáu, 2014

TOÀ ÁN QUỐC TẾ VÀ MUÔN TRIỆU BÀN TAY

Posted by Trần Xuân An trên 21.06.2014

hidden hit counter

 

TOÀ ÁN QUỐC TẾ
VÀ MUÔN TRIỆU BÀN TAY
Trần Xuân An

Xem tranh vẽ minh hoạ với kích cỡ lớn hơn

Xem ảnh chữ với kích cỡ lớn hơn

TOÀ ÁN QUỐC TẾ
VÀ MUÔN TRIỆU BÀN TAY
Trần Xuân An

bàn tay in bốn dòng sông
Rồng và Bến Hải cùng Hồng với Gianh
bàn tay đọng Biển Đông xanh
mở năm hướng, nối về quanh nước mình

áp hai tay lại, đinh ninh
kết nhân loại, buộc Bắc Kinh tan hoà
còng giặc Hoàng Sa, Gạc Ma…
kéo HaiYang ra trước Toà Lương Tri!

hồ sơ tay góp chữ ghi
sáng bao thứ tiếng gửi đi, sáng ngời
triệu tay sông gõ tâm người
muôn tay biển, vỗ phương trời, sáng trong

đôi tay nỗi biển niềm sông
dụi hai khóe mắt, xa trông, bao tầm
thắng nghìn xưa, góc Á thầm
thắng nay, thế giới tay cầm tay nhau.

T.X.A.
08 :10 – 08 :55,21-06 HB14 (2014)
06:20 – 07:10, 22-06 HB14

_____________________

Kính gửi đến:

Trần Nhật Vy , Anh Son Tran Duc , Nguyễn Phú Yên , Nguyễn Vân , Nguyễn Hưng Quốc , Tan Synh , Dzung Hoang , Cu Bao , Pham Duong Nam , Song Nguyên , Thieu Khanh , Phương Dung Lê , Lephuocsinh Lephuocsinh , Thang Pham Hong , Sy Sau Pham , Nguyễn Thái Sơn , Nguyễn Chiến , Mừng Nguyễn Đặng , Nguyen Ky Nam , Mộc Khoa , Bút Lông Kim , Trung Thành Phan , Phan Văn Quang , Luyen Vo Van , Thăng Long Thái , Chu Quang Mạnh Thắng , Bùi Chí Vinh , Bùi Như Hải , Nguyễn Đăng Chín , Ngã Nguyễn Thánh , Vu Ho Nhu , Ngô Vưu , Inra Sara …

ĐỂ GIÀNH LẠI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA, NHỮNG BÃI ĐẢO Ở QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA VÀ ĐUỔI ĐƯỢC GIÀN KHOAN HAIYANG 981, VIỆT NAM CHÚNG TA CẦN PHẢI KIỆN TRUNG QUỐC RA TOÀ ÁN QUỐC TẾ.

ĐỒNG THỜI VỚI VIỆC ĐỆ ĐƠN KHỞI KIỆN LÊN TOÀ ÁN QUỐC TẾ, CẦN PHẢI DỊCH HỒ SƠ KHỞI KIỂN RA NHIỀU THỨ TIẾNG (ANH, PHÁP, ĐỨC, TÂY BAN NHA, NGA, TRUNG…) VÀ IN THÀNH SÁCH GIẤY, LÀM THÀNH SÁCH ĐIỆN TỬ, ĐỂ GIỚI TRÍ THỨC VÀ NHÂN DÂN MỌI NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI THẤU HIỂU, ỦNG HỘ, CŨNG ĐỂ TOÀ ÁN QUỐC TẾ PHẢI TUYỆT ĐỐI CÔNG MINH. — tại Tp Hồ Chí Minh.

Đã đăng ở Facebook:

.

.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , | Leave a Comment »

Dịch ra lục bát thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) về Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa

Posted by Trần Xuân An trên 19.06.2014

hidden hit counter

 

Thơ cổ về Biển Đông – Hoàng Sa, Trường Sa
NHƯ RÙA LỚN ĐỘI NÚI
thơ chữ nho Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)

Xem ảnh chữ với kích cỡ lớn hơn

Thơ cổ về Biển Đông – Hoàng Sa, Trường Sa
NHƯ RÙA LỚN ĐỘI NÚI
thơ chữ nho Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)

đáy trong, xanh khoả núi tiên
rùa nâng bầu ngọc tự nhiên sinh thành
nghểnh đầu, đá vá, trời lành
bấm chân, lăn sóng, vô thanh bãi ngầm
Biển Đông vạn dặm, ôm cầm
tay Nước Việt vững muôn năm thái bình
cứu nguy, ta gắng sức mình
níu sông ải, mấy triều kinh thành trầm.

(Trần Xuân An
dịch thành thơ lục bát từ bản phiên âm, dịch nghĩa)
13:10 – 14:59, 18-04 HB14 (2014)

THAM KHẢO
THƠ CỔ CÓ ĐỀ CẬP ĐẾN CÁC HẢI ĐẢO TRÊN BIỂN ĐÔNG:

Bài “Cự Ngao Đới Sơn”
trong “Bạch Vân Am thi tập”
của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585)

巨 鰲 戴 山

碧 浸 仙 山 徹 底 清
巨 鰲 戴 得 玉 壺 生
到 頭 石 有 補 天 力
著 腳 潮 無 卷 地 聲
萬 里 東 溟 歸 把 握
億 年 南 極 奠 隆 平
我 今 欲 展 扶 危 力
挽 卻 關 河 舊 帝 城

Xem ảnh chữ với kích cỡ lớn hơn

Nguồn: Trang quét chụp (scan) của Thư viện quốc gia Việt Nam

Nguyên văn bài thơ (bản phiên âm):

Bích tẩm tiên sơn triệt để thanh,
Cự ngao đới đắc ngọc hồ sinh.
Đáo đầu thạch hữu bổ thiên lực,
Trước cước trào vô quyển địa thanh.
Vạn lý Đông minh quy bả ác,
Ức niên Nam cực điện long bình.
Ngã kim dục triển phù nguy (# điên) lực,
Vãn khước quan hà cựu đế thành.

Ông Nguyễn Khắc Mai dịch nghĩa:

Con rùa lớn đội núi

Nước biếc ngâm núi tiên trong tận đáy,
Con rùa lớn đội được bầu ngọc mà sinh ra.
Ngoi đầu lên, đá có sức vá trời
Bấm chân xuống, sóng cuồn cuộn không dội tiếng vào đất.
Biển Đông vạn dặm đưa về nắm trong bàn tay,
Muôn năm cõi Nam đặt vững cảnh trị bình.
Ta nay muốn thi thố sức phù nguy (# ngã, nghiêng),
Lấy lại quan hà, thành xưa của nhà vua.

Nguồn: Tư liệu trong bài báo “‘Sấm Trạng Trình’ về chủ quyền Biển Đông” của Phong Cầm – Minh Thùy, đăng ở báo điện tử Tiền Phong online, 16:31 ngày 07 tháng 06 năm 2013

http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/ sam-trang-trinh-ve-chu-quyen-bien-dong-631032.tpo

Tạm dịch thơ (Trần Xuân An):
RÙA LỚN ĐỘI NÚI

Xanh khoả núi tiên tận đáy xanh
Rùa to đội đỉnh ngọc mà sanh
Nghểnh đầu, đá vá trời dư sức
Bấm móng, sóng lăn đất lặng thanh
Vạn dặm Biển Đông, thu vững chắc
Muôn năm Nước Việt, định yên lành
Ta nay muốn hiến tài phò khốn
Kéo lại ải sông, lịch đại thành (*)

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585)
T.X.A. biên dịch thơ
17-6- HB14 (2014)

Ghi chú: Mặc dù điển tích được sử dụng trong bài có thể là con ngao đội núi ở Bột Hải (biển gần Triều Tiên, Hàn Quốc) và Nữ Oa vá trời (Bất Chu Sơn, thuộc Côn Luân Sơn ở phía bắc cao nguyên Tây Tạng), vốn lấy từ sách cổ Trung Hoa, nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn muốn nói đến Đông Hải (Biển Đông) và Nam cực (cõi Nam, nước Nam).

http://www.thivien.net/viewpoem.php?UID=eTnr-ODu5WIVqNtr-EtTYA

(*) Dịch thoát: Kinh thành trải qua các triều đại từ ngàn xưa

Đã đăng ở Facebook:

Đã đăng tại:
http://nhavantphcm.com.vn/hoat-dong-hoi/ban-thao-du-lieu/tran-xuan-an-thao-thuc-rang-hong.html

.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , , | Leave a Comment »

THIÊNG LIÊNG CHỦ QUYỀN (thơ)

Posted by Trần Xuân An trên 16.06.2014

hidden hit counter

 

THIÊNG LIÊNG CHỦ QUYỀN
Trần Xuân An

Xem ảnh chữ với kích cỡ lớn hơn

THIÊNG LIÊNG CHỦ QUYỀN
Trần Xuân An

Hoàng Sa, Trường Sa !
nơi đích thực là một phần Tổ quốc
khi vào ca dao, lệ làng, quốc sử, đỉnh đồng
xây đá thành thơ, cây trồng trổ bút
biển đảo dạy ta sâu rộng tấm lòng
thiên nhiên của đất trời, liên can gì dân tộc
nếu chưa là thơ, là sách, mang hồn cha ông

Hoàng Sa, Trường Sa!
nổi chìm giữa mênh mang biển biếc
một trăm ba mươi khối thơ, chương sách tinh ròng
không thể để giặc cướp dần tâm huyết
trong nước mắt mồ hôi chan chứa Biển Đông
với duyên hải trải dài đảo xương hòn máu
thao thức rạng hồng.

T.X.A.
06 :30 – 07 :10, 15-06 HB14 (2014)
13 :20 – 02 : 42, 16-6 HB14

Đã đăng tại:
http://nhavantphcm.com.vn/hoat-dong-hoi/ban-thao-du-lieu/tran-xuan-an-thao-thuc-rang-hong.html

.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , , | Leave a Comment »

PHẢN BIỆN “THƯ BÀY TỎ LẬP TRƯỜNG” CỦA TRUNG QUỐC, 9-6-2014

Posted by Trần Xuân An trên 14.06.2014

hidden hit counter

 

PHẢN BIỆN “THƯ BÀY TỎ LẬP TRƯỜNG” CỦA TRUNG QUỐC ĐỆ TRÌNH LIÊN HIỆP QUỐC VÀO NGÀY 9-6-2014

Trần Xuân An

Xem ảnh chụp bản đồ với kích cỡ lớn hơn

PHẢN BIỆN “THƯ BÀY TỎ LẬP TRƯỜNG” CỦA TRUNG QUỐC ĐỆ TRÌNH LIÊN HIỆP QUỐC VÀO NGÀY 9-6-2014

Trần Xuân An

Trong cuốn sách “Cuộc tranh chấp Việt – Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, do Nhà xuất bản Công an Nhân dân ấn hành năm 1995, tác giả Lưu Văn Lợi đã xác nhận không những văn bản được quen gọi là “công thư Phạm Văn Đồng 14-09-1958” là có thật mà cả “tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1965 về việc Mỹ quy định khu vực chiến đấu của quân Mỹ”, và, trước hai thời điểm ấy, tức là vào năm 1956, còn có “câu nói của thứ trưởng ngoại giao Ung Văn Khiêm” (có lẽ cũng như của Lê Lộc, cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam dân chủ cộng hoà) rằng, Tây Sa (Hoàng Sa) vốn thuộc về Trung Quốc, đều là có thật. Ông Lưu Văn Lợi cho rằng “nhưng đó không phải là lời tuyên bố từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, càng không phải là từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa”, mà thực ra, bấy giờ “Việt Nam muốn gắn chặt cuộc kháng chiến của mình với Trung Quốc càng nhiều càng tốt. Việt Nam chân thành tin cậy Trung Quốc và cho rằng chiến tranh xong mọi vấn đề lãnh thổ sẽ được giải quyết tốt đẹp giữa những người ‘vừa là đồng chí vừa là anh em’”. Vả lại, Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) vốn thuộc quyền quản lí của Quốc gia Việt Nam và Việt Nam cộng hoà, sau 1954, theo Hiệp định Genève. Nói cách khác, đó chỉ đơn thuần là một thủ pháp chính trị và quân sự của Việt Nam dân chủ cộng hoà để tranh thủ sự viện trợ của Trung Quốc và để hạn chế bớt sự vây bủa của Mỹ tại Việt Nam cũng như tại eo biển giữa Đài Loan – Trung Quốc; không ngờ sau đó và hiện nay, Trung Quốc lại sử dụng hai văn bản ấy, lời nói ấy một cách xuyên tạc để biện minh cho sự xâm lược bằng vũ lực toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và đảo ngầm Gạc Ma cùng vài bãi san hô, bãi đá ngầm khác ở quần đảo Trường Sa.

Ông Lưu Văn Lợi, trong cuốn sách nêu trên, không nói gì rõ rệt về “tập Bản đồ Thế giới in vào tháng Năm năm 1972 của Cục Khảo sát và Bản đồ thuộc Văn phòng Thủ tướng Việt Nam”“sách giáo khoa địa lý lớp chín do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành năm 1974” theo như trong một văn bản mới nhất Bộ Ngoại giao Trung Quốc đệ trình lên Liên hiệp quốc vào đầu tháng 6-2014 này.

Đối với hai tài liệu mà Trung Quốc mới đưa ra lần này (09-6-2014), cũng đã có một vài người xác nhận là “sách giáo khoa địa lý lớp chín do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành năm 1974” đã ghi rõ Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) thuộc Trung Quốc là có thật, nhưng hiện chưa có ai xác nhận “tập Bản đồ Thế giới in vào tháng Năm năm 1972 của Cục Khảo sát và Bản đồ thuộc Văn phòng Thủ tướng Việt Nam” có thật là đã ghi chú với nội dung như thế hay không (1). Tuy nhiên, không một ai cho rằng cả hai tài liệu ấy là có giá trị về mặt pháp lí.

Như vậy, cũng như trên đã nói, đó chỉ đơn thuần là một thủ pháp chính trị và quân sự trong chiến tranh mà thôi.

Mặc dù sự thật là vậy, nhưng chắc sẽ có người nêu vấn đề: Trong năm loại được gọi là “bằng chứng” mà Trung Quốc đưa ra, có bốn “món” nếu xếp vào loại thuộc thủ thuật, mưu kế cũng không sao, nhưng còn loại “sách giáo khoa địa lý lớp chín do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành năm 1974”, chẳng lẽ cũng thuộc loại như vậy? Tại sao một thứ thuộc thủ thuật, mưu kế chính trị và quân sự có tính chất nhất thời như vậy lại đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy cho học sinh? Vâng, tại sao lại dạy cho học sinh như là kiến thức khoa học tự nhiên về địa lí, nhất là kiến thức ấy lại làm tổn hại về mặt chủ quyền lãnh thổ (bao gồm biển đảo, vùng biển) của Miền Nam Việt Nam, vốn thuộc đất nước Việt Nam nhất thống cố hữu?

Trả lời cho câu hỏi này chỉ có thể là phải nói rõ: Quyền lực chính trị của cường quốc ở các nước nhỏ thuộc phe xã hội chủ nghĩa luôn luôn phủ bóng lên mọi lĩnh vực và lấn át tất cả, kể cả khoa học, giáo dục, đại để cũng như hai câu thơ nổi tiếng của Việt Phương: “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”, “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ”. Quả thật, không phải chỉ dạy học sinh sai về chủ quyền đích thực đối với Hoàng Sa, Trường Sa mà còn sai nhiều thứ khác nữa.

Tuy thế, từ 1979 và từ 1991, sự thể đã khác rồi, Việt Nam không thể tiếp tục chấp nhận thân phận nhược tiểu, phải cam đành luồn lách, nhẫn nhục bằng nhiều cách như trước. Cái gì trót đã nhận thức sai, thì sửa. Cái gì bị ép phải dạy sai, thì phải dạy lại cho đúng. Đặc biệt, điều tối thượng là chủ quyền Đất – Nước (bao gồm biển đảo) của quốc gia – dân tộc, không phải vì trót bị cường quốc ép uổng đến nỗi đã chấp nhận dạy sai mà nay đành để đánh mất chủ quyền biển đảo, cụ thể là quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và tất cả những vùng biển thuộc đất nước Việt Nam.

Nói rõ sự thật đó và cũng cần khẳng định thêm như gần đây luôn được khẳng định:

1) Việt Nam dưới chính thể nào (Vương quốc Đại Nam, Việt Nam dân chủ cộng hoà, Quốc gia Việt Nam – Việt Nam cộng hoà, Cộng hoà Miền Nam Việt Nam, Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) cũng đều chưa có hiệp ước sang nhượng quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các vùng biển Việt Nam cho Trung Quốc. Trong vấn đề lãnh thổ (gồm biển đảo) thì chỉ có hiệp ước mới có giá trị pháp lí.

2) Trung Quốc sử dụng vũ lực quân sự để cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa và bãi Gạc Ma cùng với hai bãi ngầm khác thuộc quần đảo Trường Sa, chứ Việt Nam không hề làm lễ bàn giao cho Trung Quốc.

3) Việt Nam chắc chắn phải đi đến biện pháp đấu tranh hoà bình mạnh mẽ nhất là kiện Trung Quốc ra Toà án quốc tế.

4) Việt Nam chấp nhận hi sinh tất cả vì chủ quyền toàn vẹn Đất – Nước. Trong bối cảnh thế giới không có công lí, suốt mấy ngàn năm qua, Việt Nam đã nhiều lần đánh bại các cường quốc xâm lược, nhất là Trung Quốc (Trung Hoa) để giành lại lãnh thổ. Nay cũng thế, nếu Trung Quốc cứ vin vào những cái gọi là “bằng chứng” để tiếp tục cưỡng chiếm Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng biển trên Biển Đông thuộc Việt Nam.

T.X.A.
10:30 – 14:43, 13-6 HB14 (2014)

_____________________

(1) Trích nguyên văn văn bản đã dẫn của Trung Quốc: “Trong tập Bản đồ Thế giới in vào tháng Năm năm 1972 của Cục Khảo sát và Bản đồ thuộc Văn phòng Thủ tướng Việt Nam đã ghi quần đảo Tây Sa theo tên Trung Quốc (xem Phụ lục 4/5)”.

Đã đăng tại:
http://www.tranxuanan-writer.net/Home/thong-bao-cap-nhat/dacbiet-ve-hoangsa-truongsa-tr2

Trích nguyên văn VĂN BẢN TRUNG QUỐC ĐỆ TRÌNH LIÊN HIỆP QUỐC:

Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Hoạt động của giàn khoan HYSY 981: Khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc
Nguồn bản dịch ra tiếng Việt: DÂN LUẬN
Mục: Đối ngoại
http :// www. danluan. Org / tin- tuc /20140610 /bo-ngoai-giao-trung-quoc-hoat-dong-cua-gian-khoan-hysy-981-khieu-khich-cua-viet-nam

Diên Vỹ chuyển ngữ
Nguồn nguyên bản: Bộ Ngoại Giao Trung Quốc

08.06.2014

BẮT ĐẦU TRÍCH ĐOẠN NGUYÊN VĂN:

IV. Quần đảo Tây Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc

[ …. …. ]

2. Trước năm 1974, không một chính phủ kế thừa nào của Việt Nam đã thách thức chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa. Từ cổ xưa, Việt Nam đã chính thức công nhận quần đảo Tây Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Quan điểm này đã được phản ánh trong các tuyên bố và ghi chú của chính phủ cũng như trên báo chí, bản đồ và sách giáo khoa của họ.

Trong một cuộc họp với đại diện lâm thời Li Zhimin thuộc Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam vào ngày 15 tháng 6 năm 1956, Thứ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam Ung Văn Khiêm đã long trọng tuyên bố rằng “theo dữ liệu của Việt Nam, các Quần đảo Tây Sa và Nam Sa trong lịch sử là một phần của lãnh thổ Trung Quốc.” Lê Lộc, Quyền Vụ trưởng Vụ châu Á của Bộ Ngoại giao Việt Nam, người cũng có mặt tại cuộc họp, đã trích dẫn cụ thể dữ liệu của Việt Nam và chỉ ra rằng, “xét về mặt lịch sử thì các quần đảo này đã là một phần của Trung Quốc vào thời nhà Tống.”

Ngày 4 tháng Chín năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã ban hành một bản tuyên bố (xem Phụ lục 2/5), trong đó nói rằng bề rộng phạm vi lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý và nói rõ rằng “quy định này áp dụng cho tất cả các vùng lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm cả Quần đảo Tây Sa … “. Ngày 06 tháng Chín, báo Nhân Dân, tờ báo chính thức của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đã công bố trên trang nhất toàn bộ văn bản tuyên bố của chính phủ Trung Quốc về lãnh hải của Trung Quốc. Ngày 14 tháng Chín, Thủ tướng Phạm Văn Đồng của chính phủ Việt Nam đã gửi một công hàm ngoại giao (xem Phụ lục 3/5) đến Thủ tướng Chu Ân Lai của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, long trọng tuyên bố rằng “chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà công nhận và hỗ trợ tuyên bố của chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về quyết định liên quan đến lãnh hải của Trung Quốc đưa ra ngày 04 tháng Chín năm 1958 ” và “chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tôn trọng quyết định này”.

Ngày 09 tháng Năm năm 1965, chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ban hành một tuyên bố liên quan đến các “khu vực chiến sự” của quân đội Mỹ tại Việt Nam do chính quyền Hoa Kỳ chỉ định. Tuyên bố nói rằng “Việc Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson chỉ định toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và các vùng biển lân cận với giới hạn khoảng 100 dặm từ bờ biển của Việt Nam và một phần của lãnh hải của nước Cộng hòa nhân dân Trung Quốc thuộc quần đảo Tây Sa là ‘khu vực chiến sự’ của quân đội Hoa Kỳ … là sự đe dọa trực tiếp đến an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và các nước láng giềng … ”

Trong tập Bản đồ Thế giới in vào tháng Năm năm 1972 của Cục Khảo sát và Bản đồ thuộc Văn phòng Thủ tướng Việt Nam đã ghi quần đảo Tây Sa theo tên Trung Quốc (xem Phụ lục 4/5). Sách giáo khoa địa lý lớp chín do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành năm 1974 có một bài dạy mang tên “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” (xem Phụ lục 5/5). Trong đó viết, “Vòng cung đảo từ các đảo Nam Sa, Tây Sa đến các đảo Hải Nam, Đài Loan, quần đảo Bành Bồ, Châu Sơn… làm thành một bức Trường thành bảo vệ lục địa Trung Quốc….”

Nhưng giờ đây chính phủ Việt Nam lại đảo ngược lời nói của mình bằng cách tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Tây Sa của Trung Quốc. Đó là một vi phạm trắng trợn các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc không được đảo ngược thừa nhận pháp lý và các tiêu chí căn bản trong quan hệ quốc tế.”.

[….. ]

HẾT TRÍCH ĐOẠN NGUYÊN VĂN

—————————
BẢN TIẾNG ANH
Đăng ở web:
Ministry of Foreign Affairs, the People’s Republic of China
(Bộ Ngoại giao, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa)
http:/ / www. fmprc. gov. cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1163264.shtml

.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , | Leave a Comment »

tập thơ MỞ LÒNG BÀN TAY ĐỂ ĐAN TAY (Trần Xuân An)

Posted by Trần Xuân An trên 10.06.2014

hidden hit counter

 

MỞ LÒNG BÀN TAY ĐỂ ĐAN TAY
tập thơ thứ 13 (đầu sách thứ 34) của Trần Xuân An

Xem ảnh phác thảo bìa với kích cỡ lớn hơn

MỤC LỤC
tập thơ
Mở lòng tay để đan tay
24-6 HB14: Bổ sung thêm 3 bài 49, 50 và 52

1. Lần đầu nhưng thân quen
2 – 4. Chùm thơ nhỏ về Gia Lai:
~ 2. Đóa Pleiku
~ 3. Khoảng 4 giờ sáng ở Pleiku
~ 4. Trà tiên xứ núi
5. Nhà lao cũ và tranh cổ trong chùa ở Pleiku
6. Từ Tây nguyên gửi Đồng bằng Cửu Long
7. Ở cửa khẩu Lệ Thanh
8. Mùa ve, gần và xa
9. Những tầm mắt của tôi ở Gia Lai
10. Một nét khẩu vị Pleiku – Gia Lai
11. Không thể không ca dao về đắng và cay
12. Trang chữ nắm cát tiễn anh về đất
13. Bữa trưa Trảng Bàng
14. Những đóa bông dấu hỏi
15 – 18. Một ngày thơ quanh Thành phố Hồ Chí Minh:
~ 15. Ngã ba Giồng
~ 16. Xứ Bà Điểm
~ 17. Đường hầm Thủ Thiêm
~ 18. Đóa bông bốn phương
19. Nghĩ về cõi anh linh Đại tướng
20. Một tuổi lòng mẹ và năm mươi bảy tuổi đời
21. Nến và bão
22. Kính gửi Philippines
23. Khi biết tin năm Nguyễn Du tỏa sáng khắp thế giới
24. Với ba đóa biểu tượng thiên tài
25. Truyện Kiều và dấu hỏi của tôi
26. Cuộc điện chuyện trò
27 – 28. Đóa bông gió tình cảm trừu tượng – hư vô:
~ 27. Tâm ngắm ảo
~ 28. Mắt ngắm ảo
29. Gửi cô gái núi…
30. Phép tự huyễn hay lẽ thời gian?
31. Buổi chiều Ben Hur
32. Thập tự giá Spartacus và sông Hương
33. Cái nhìn thơ dại
34. Em có thể giùm tôi chăng?
35. Ba tư thế của một người thơ
36 – 40. Với góc nhìn hòa giải dân tộc:
~ 36. Màu sắc di tích Hiền Lương
~ 37. Câu hỏi sau ba mươi chín năm
~ 38. Điểm nóng Chiến tranh lạnh
~ 39. Từ chống ngoại xâm đến Hai Khối…
~ 40. Nhớ và mừng Chiến thắng Điện Biên 1954
41. Từ một ngã tư không biển cấm
42. Những cuộc biểu tình yêu nước
43. Những bi kí Tự Đức hiện nay
44. Mong thật tình quốc giao kề biển liền sông
45. Văn chương thời sự
46. Hai gọng kìm lịch sử
47. Và báo chí đã sáng lời Đất nước
48. Ngọn lửa tự thiêu trước Dinh Thống Nhất
49. Thiêng liêng chủ quyền
50. Tòa án quốc tế và muôn triệu bàn tay

Phụ lục 1:

51. Thuở đó, Đàng Ngoài
(ngỏ về dịch thơ, phỏng dịch thơ & phỏng tác thơ ra lục bát)
52. Như rùa lớn đội núi (dịch ra thơ lục bát)
53. Bài hát ngắn Đi trên cát… (phỏng dịch thơ)
54. Thấy người ngoài Bắc đến, hỏi chuyện quê cũ
(phỏng dịch thơ)
55. Đọc Truyện kí về Tiểu Thanh (phỏng dịch thơ)
56. Vọng âm khi đứng trên bục giảng:
Độc Tiểu Thanh kí (phỏng tác thơ)

Phụ lục 2:

57. Báo chí giới thiệu sách mới:
về mấy tập thơ mới xuất bản gần đây
58. Một bài viết của tác giả năm mười bảy tuổi về
“Chinh phụ ngâm”: “Tôi và nàng chinh phụ xa xưa”.

Danh mục tác phẩm của tác giả
Mục lục

Tất cả các bài thơ, bài viết của tác giả
trong tập thơ này đã đăng tại:
Tập thông tin điện tử Hội Nhà văn TP.HCM.,
Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Cửa Việt,
Tạp chí Văn nghệ Gia Lai…
Tạp chí điện tử tự lập PhongDiepNet,
TranNhuongCom (Hà Nội);
ChimViet (tại Pháp)…

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , | Leave a Comment »

HÒA GIẢI DÂN TỘC (bổ sung tư liệu chính thống)

Posted by Trần Xuân An trên 08.06.2014

hidden hit counter

 

Xem ảnh chữ lớn hơn

Xem ảnh chữ lớn hơn

THẤU HIỂU, CẢM THÔNG,
ĐỂ MIỀN BẮC THÔI BẮT NẠT MIỀN NAM,
ĐỂ CUNG NHAU ĐOÀN KẾT CHỐNG SỰ XÂM LƯỢC, BÀNH TRƯỚNG CỦA TRUNG QUỐC,
VÀ CỤ THỂ LÀ ĐỂ QUYẾT TÂM GIÀNH LẠI HOÀNG SA, TRƯỜNG SA, ĐUỔI GIÀN KHOAN HAIYANG 981 RA KHỎI VÙNG BIỂN VIỆT NAM

1) Trích “ĐIỀU LỆ ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM” (Đại hội Đảng lần II, 1951):

“Đảng Lao động Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Ǎngghen – Lênin – Xtalin và tư tưởng Mao Trạch Đông kết hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng”.

2) Trích: “SỰ THẬT VỀ QUAN HỆ VIỆT NAM – TRUNG QUỐC TRONG 30 NĂM QUA”
Nhà xuất bản Sự Thật, 1979:

“Cuốn sách ‘Sơ lược lịch sử Trung Quốc hiện đại’, xuất bản năm 1954 ở Bắc Kinh, có bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc bao gồm cả nhiều nước chung quanh, kể cả ở Đông nam châu Á và vùng Biển Đông.

Ý đồ bành trướng của những người lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt lộ rõ ở câu nói của chủ tịch Mao Trạch Đông trong cuộc hội đàm với đại biểu Đảng Lao động Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963:

“Tôi sẽ làm chủ tịch của 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông nam châu Á”.

Cũng trong dịp này, chủ tịch Mao Trạch Đông so sánh nước Thái Lan với tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, về diện tích thì tương đương nhưng về số dân thì tỉnh Tứ Xuyên đông gấp đôi, và nói rằng Trung Quốc cần đưa người xuống Thái Lan để ở; đối với nước Lào đất rộng người thưa, chủ tịch Mao Trạch Đông cũng cho rằng Trung Quốc cần đưa người xuống Lào để ở.

Chủ tịch Mao Trạch Đông còn khẳng định trong cuộc họp của Bộ Chính trị ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, tháng 8 năm 1965:

“Chúng ta phải giành cho được Đông nam châu Á, bao gồm cả Miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malayxia và Singapo… Một vùng như Đông nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy… Sau khi giành được Đông nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô – Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây…”.”.

3) Trích: VỀ THÁI ĐỘ VÀ Ý THỨC CHÍNH TRỊ CỦA LIÊN XÔ ĐỐI VỚI LÃNH THỔ VIỆT NAM VÀO THỜI ĐIỂM 1951:

“… Từ ngày 4 đến 8-9-1951, Hội nghị San Francisco được tổ chức, có đại diện 51 nước tham dự để bàn về việc ký hòa ước hòa bình với Nhật Bản. Phái đoàn Quốc gia Việt Nam đại diện cho Nhà nước Việt Nam do Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu thuộc Chính phủ Bảo Đại làm trưởng đoàn cũng được mời tham gia hội nghị. Trong phiên họp toàn thể thứ hai của hội nghị San Francisco (ngày 5-9-1951), đại biểu Liên Xô là Andrei A. Gromyko đã đề nghị giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lãnh thổ của Việt Nam cho Trung Quốc. Tuy nhiên, Hội nghị đã bác bỏ yêu cầu này với 46 phiếu chống vì chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc về Nhà nước Việt Nam từ lâu”…

Trích từ nguồn: Tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh, Bài “Từ lâu quốc tế đã công nhận Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”, đăng ngày thứ hai 26/05/2014 lúc 06:22 trên báo An ninh thủ đô:
http://www.anninhthudo.vn/Thoi-su/Tu-lau-quoc-te-da-cong-nhan-Hoang-Sa-va-Truong-Sa-cua-Viet-Nam/552232.antd

Xin lưu ý: Đây là thông tin có thể tìm thấy ở rất nhiều tư liệu về Hội nghị San Francisco 1951, được phổ biến từ 1951 đến nay.

http://www.tranxuanan-writer.net
http://www.tranxuanan-writer.net/Home/hoa-giai-dan-toc
08-06 HB14 (2014)

.
Hòa giải dân tộc — Tư liệu: THƠ VỀ STALINE VÀ MAO TRẠCH ĐÔNG ở Miền Bắc:
https://txawriter.wordpress.com/2014/08/20/tho-ve-staline-va-mao-trach-dong/
.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , | 1 Comment »

TRẢ LỜI: VỀ CÔNG THƯ PHẠM VĂN ĐỒNG 14-09-1958

Posted by Trần Xuân An trên 01.06.2014

hidden hit counter

 

Trần Xuân An đã thêm một bài đăng Facebook, từ ngày 31 Tháng 5 lúc 12:50
Ho Chi Minh City • Đã chỉnh sửa •

TRẢ LỜI ANH LANHX TRAN, thành viên Facebook, (có bổ sung):
VỀ CÔNG THƯ PHẠM VĂN ĐỒNG 14-09-1958

1) Trung Quốc càng nhắc đến cái công thư (công hàm) Phạm Văn Đồng năm 1958 ấy càng chứng tỏ Trung Quốc quá thấp kém về trình độ hành chính. Nhượng đất, nhượng biển phải có hiệp ước! HIỆP ƯỚC, chứ không phải CÔNG THƯ! Đằng này, chỉ là cái công thư thường, nội dung lại mơ hồ. Mà nội dung đã mơ hồ, không khẳng định một cách tường minh, thì có nghĩa là không công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc! Nội dung rõ rệt là chỉ công nhận hải phận (với nghĩa lãnh hải) 12 hải lí mà thôi!

Nguyên văn đoạn thứ nhất của công thư như sau:

“Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc”.

Rõ ràng bản công thư đã xác định, khu biệt rõ nội hàm của sự “ghi nhận và tán thành” bản tuyên bố ngày 04-9-1958 là “quyết định về hải phận của Trung Quốc”. Rõ nghĩa hơn nữa, ở đoạn thứ hai và cũng là đoạn cuối, công thư đã xác định “hải phận” ở đây là “hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”.

Nguyên văn đoạn thứ hai của công thư như sau:

“Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt bể”.

HIỆU LỰC THI HÀNH cũng được ghi rõ là CHỈ TRONG PHẠM VI LÃNH THỔ, LÃNH HẢI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA (nguyên văn xác định rõ bằng chữ “Nước” trong cụm từ “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”) và trong quan hệ với Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt biển, ĐỒNG THỜI CŨNG CHỈ DƯỚI CHÍNH QUYỀN (nguyên văn: “các cơ quan Nhà nước”) NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA (Vĩ tuyến 17 trở ra).

2) Tôi cũng biết có một điểm trong lập luận của Trung Quốc là: Trung Quốc vốn dĩ đã có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa rồi, nay Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa công nhận lại. Nhưng thật sự chỉ có Việt Nam mới có đầy đủ hồ sơ về lịch sử cũng như hồ sơ về sự quản lí thực tế hai quần đảo đó. Cho nên, Trung Quốc không hề có chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, thì làm sao công nhận được! Vả lại, hai quần đảo ấy thuộc Việt Nam cộng hòa quản lí.

NÓI TÓM LẠI, KHÔNG CÓ Ý NGHĨA, GIÁ TRỊ GÌ Ở SỰ CÔNG NHẬN CHỦ QUYỀN, MỘT KHI TRUNG QUỐC TỪ XƯA ĐẾN NAY KHÔNG CÓ CHỦ QUYỀN ĐỐI VỚI HOÀNG SA, TRƯỜNG SA. Trung Quốc không có chủ quyền, vậy ta công nhận chủ quyền cho Trung Quốc thế nào được! Vô nghĩa! Ví dụ tôi (T.X.A.) không có hồ sơ chủ quyền đối với một mảnh đất ở đường X, thành phố Z, thì việc anh ( Lanhx Tran ) công nhận chủ quyền cho tôi cũng vô nghĩa mà thôi! Đâu có giá trị gì!

NẾU TRUNG QUỐC CỨ KHĂNG KHĂNG CHO RẰNG CÔNG THƯ 1958 ẤY ĐÃ NGẦM CÔNG NHÂN CHỦ QUYỀN CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI HOÀNG SA, TRƯỜNG SA, TA PHẢI TRẢ LỜI DỨT KHOÁT: NẾU BẢO THẾ, THÌ ĐÓ CHỈ LÀ MỘT SỰ CÔNG NHẬN BẤT HỢP PHÁP VÀ BẤT HỢP LỆ (vì Trung Quốc không có 2 loại hồ sơ chủ quyền như trên đã nói), NÊN KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ GÌ CẢ.

3) Vả lại, Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm (1956, 1974, 1988), chứ Việt Nam (cả Nước Việt Nam cộng hòa lẫn Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) có làm lễ bàn giao cho Trung Quốc đâu!

4) VÀ GIẢ ĐỊNH: NẾU LÀ HIỆP ƯỚC RÕ RÀNG NHƯ CÁC HIỆP ƯỚC DƯỚI THỜI TỰ ĐỨC, TA CŨNG PHẢI CHIẾN ĐẤU ĐỂ LẤY LẠI!

Trần Xuân An
31-5 và 01-6 HB14 (2014)

Gửi đến quý thành viên Facebook:
Nguyễn Phú Yên , Nguyễn Vân , Thăng Long Thái , Nguyễn Hưng Quốc , Song Nguyên , Nguyễn Thái Sơn , Nguyễn Đăng Trình , Mừng Nguyễn Đặng , Bùi Chí Vinh , Bùi Như Hải , Menras André , Nga Ha Huu , Nguyen Dang Hung , Nguyễn Đăng Chín , Tan Synh , Luyen Vo Van , Khai Dinh , Nguyen Ky Nam

Cũng có thể xem tại:

NGUYÊN VĂN
CÔNG THƯ PHẠM VĂN ĐỒNG 14-09-1958:

Thủ tướng phủ
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

Thưa đồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ:

Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.

Chúng tôi xin kính gửi đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng./.

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958

(kí tên và đóng dấu)

Phạm Văn Đồng
Thủ tướng Chính phủ
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

Kính gửi:
Đồng chí Chu Ân Lai
Tổng lý Quốc vụ viện
Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
tại Bắc Kinh

Xem lại:
BỔ CỨU THÊM MỘT LUẬN CỨ, LUẬN CHỨNG NHẰM PHÊ PHÁN SỰ VIN VÀO VÀ DIỄN DỊCH SAI LỆCH CÔNG HÀM 14-9-1958

.

http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_h%C3%A0m_n%C4%83m_1958_c%E1%BB%A7a_Th%E1%BB%A7_t%C6%B0%E1%BB%9Bng_Ph%E1%BA%A1m_V%C4%83n_%C4%90%E1%BB%93ng

TUYÊN BỐ NGÀY 4/9/1958 CỦA NƯỚC CHND. TRUNG QUỐC VỀ LÃNH HẢI

(Ðược thông qua trong kỳ họp thứ 100 của Ban Thường Trực Quốc Hội Nhân Dân ngày 4 tháng 9 năm 1958)

“Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nay tuyên bố:

(1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.

(2) Các đường thẳng nối liền mỗi điểm cơ sở của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các đường cơ sở của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường cơ sở là hải phận của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường cơ sở, kể cả vịnh Bột Hải và eo biển Quỳnh Châu, là vùng nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường cơ sở, kể cả đảo Đông Dẫn, đảo Cao Đăng, các đảo Mã Tổ, các đảo Bạch Khuyển, đảo Điểu Khâu, Ðại và Tiểu Kim Môn, đảo Đại Đảm, đảo Nhị Đảm, và đảo Đông Đĩnh, là các đảo thuộc nội hải Trung Quốc.

(3) Nếu không có sự cho phép của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tất cả máy bay nước ngoài và tàu bè quân sự không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải phận này. Bất cứ tàu bè nước ngoài nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều phải tuyên thủ các luật lệ liên hệ của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

(4) Ðiều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.

Khu vực Ðài Loan và Bành Hồ hiện tại vẫn bị lực lượng vũ trang Hoa Kỳ xâm chiếm. Ðây là hành vi phi pháp, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ðài Loan và Bành Hồ đang chờ được thu phục. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền dùng mọi biện pháp thích ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai, không cho phép nước ngoài can thiệp”.

—————————-

TXA. chú thích theo Wikipedia:

a) Quần đảo Bành Hồ: quần đảo Pengu, nằm ở phía tây đảo Đài Loan thuộc eo biển Đài Loan (hiện quần đảo này do Đài Loan quản lí).
b) Quần đảo Đông Sa: Pratas, quần đảo Dong-Sha là một nhóm 3 hòn đảo nằm ở vị trí 20°43′B 116°42′Đ, phía đông bắc biển Đông, cách Hồng Kông 350 km, cách Đài Bắc 850 km. Hiện quần đảo này do Đài Loan quản lí, đặt trong thành phố Cao Hùng.
c) Quần đảo Trung Sa: Bãi Macclesfield (tiếng Anh: Macclesfield Bank).

d) Quần đảo Tây Sa: quần đảo Hoàng Sa (của nước Quốc gia Việt Nam, về sau đổi lại là Nước Việt Nam cộng hòa, nay thuộc Nước CHXHCH. Việt Nam).
e) Quần đảo Nam Sa: quần đảo Trường Sa (của nước Quốc gia Việt Nam, về sau đổi lại là Nước Việt Nam cộng hòa, nay thuộc Nước CHXHCH. Việt Nam).

.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , | Leave a Comment »