một giọng hát đậm đà Quảng Trị
gần năm mươi năm, lại lắng nghe “Tình ca Quê hương” lòng xưa xa xứ
hành trang trĩu tiếng hò — nỗi nước niềm quê
người Việt mình nơi nào cũng thế
suốt đời “yêu thương Đất Mẹ mà thôi”
ơn hột lúa “dân cày”, “đồng chua nước mặn”
ru cơn bão năm nay, tiếng hát ấy trong tôi
nghe “Tình ca Quê hương” quên đi nội chiến
nhạc đỏ như nhạc vàng, thời hết đạn bom
Bến Hải hai bờ đều là Quảng Trị
ngỡ chiến tranh tan nhanh, như bão hồi hôm
dòng nhạc bình dân nhiều người thấm thía
họ hát theo Duy Khánh như hát lòng mình
lính Vàng chỉ tự vệ, quân thù là ai trong nội chiến?
như bão lụt, đạn bom hai Khối —
là quẫy động âm dương siêu hình
Duy Khánh lính Vàng, Trần Hoàn lính Đỏ
hậu chiến rồi, lứa tuổi tôi đều nỏ biết thù *
cộng hai ông thành hận ngũ cường giặc ngoại
ngũ cường là bão, chiến tranh là bão mắt mù
(“Sao đành bỏ quê hương?”, khi liền sông núi *
ảo tưởng nguôi bão Chiến tranh Lạnh, chan hoà
sẽ chan hoà nhạc lính Vàng, nhạc lính Đỏ
giũ sạch ngoại cường mới thật “anh em ta”!
giũ sạch ngũ cường, hai Miền đều dân tộc
quốc sử sẽ chân thật để yên bão lòng dân “Sao đành bỏ quê hương?”, thật thà ảo vọng
một nỗi niềm thống thiết, vỡ không tan)
lứa tuổi tôi hoà giải, xoá tan định kiến
lính Vàng đó, “yêu thương Đất Mẹ mà thôi”
ơn “dân cày”, “đồng chua nước mặn”
bão đạn bom, oan khiên, bốn bảy năm xa rồi!
T.X.A.
20:03-23:00, 29-09-2022
……………….
(*) ~ Những từ ngữ trong ngoặc kép là nhan đề và ca từ bài hát do nhạc sĩ, ca sĩ Duy Khánh sáng tác và trình bày bằng giọng ca của ông: “Tình ca Quê hương” (1966). ~ Nỏ biết thù: không biết thù. ~ Bản nhạc “Sao đành bỏ quê hương” (1976).
Ca từ bài hát (nguồn: nhacpro. me; đã chỉnh sửa lại theo tiếng hát của chính nhạc sĩ, đúng nguyên bản ca từ của ông, ở video: https:// youtu. be/ S5vEXXlymrY )
Tôi sinh ra giữa lòng miền Trung
Miền thuỳ dương
Ruộng hoang nước mặn đồng chua
Thôn xóm tôi sống đời dân cày
Quê hương tôi ấp ủ Trường Sơn
Quê hương tôi là đây
Nước chảy xuôi nguồn
Sông cát dài biển xanh Thái Bình
Đêm trăng cao tiếng hò à ơi
Lời mẹ ru trẻ thơ giấc ngủ hiền ngoan
Và trai gái quê gửi lời chân tình
Qua bao nhiêu tuổi đời ngả nghiêng
Quê hương tôi tả tơi khói lửa điêu tàn
Thôn xóm làng ngẩn ngơ lầm than.
Hò ơi, quê hương ơi
Giã từ những ngày mộng mơ
Tuổi đời xanh
Chia tay nhau biết trở về mô, ơi hò
Đây Phương Nam
Lúa xanh bóng dừa uốn quanh
Ta sức trai đem cánh tay
Vẫy vùng ngày mai.
Người đi, đem dân ca
Tiếng hò, tiếng hò miền Trung
Về miền Nam cho nhau nghe
Những lời thở than giống nòi
Ta chia nhau
Tiếng vui tiếng buồn nước non
Ta quên đi
Bao tiếc thương tủi hờn tuổi son.
Hôm nay đi giữa dòng lệ rơi
Mẹ Việt ơi, từ nay hiến trọn đời trai
Theo bước chân những người qua rồi
Ta yêu thương Đất Mẹ mà thôi
Quê hương ơi dù sinh thác gởi cho người
Trong tiếng cười giọng khóc đầy vơi.
Sao đành bỏ quê hương
Sao đành bỏ phố phường
Bỏ ruộng vườn muôn đời yêu dấu
Ông cha ta đã bao đời hi sinh
Anh em ta bao nhiêu người quên mình
Hơn trăm năm kiếp nô lệ điêu linh
Ba mươi năm sống gian khổ quyết giành
Độc lập cho nước mình
Sao đành bỏ quê hương
Sao đành bỏ cửa nhà
Bỏ đồng bào muôn đời yêu mến
Con chim kia khi xa rừng kêu thương
Con sông kia khi xa biển nhớ nguồn
Sao quê hương ta đành bỏ ra đi
Đem thân chôn nơi đất lạ xứ người
Bỏ cuộc đời cho ai
Sao đành bỏ quê hương
Sao đành bỏ quê hương
Bỏ sao đành
Bỏ sao đành tiếng nói Việt Nam!
DK.
(1976)
(Nguồn: lyric. tkaraoke & các video ghi âm, video karaoke khác )
Ghi chú để nhớ:
NHỮNG BÀI THƠ MỚI VIẾT SAU KHI KHÉP LẠI TẬP THƠ “MÁU VIỆT CỜ XÔ — CHIẾN TRANH” (04-09-2022):
1) BÃO NORU 09-2022 (26-09-2022)
2) “TÌNH CA QUÊ HƯƠNG” DUY KHÁNH (29-09-2022)
3) NHẬP THÂN, SAY VONG NHÂN VẬT (04-10-2022)
4) BÌNH ĐẲNG KHI KHOẢ THÂN (10-10-2022)
5) HẰNG NĂM ĐẠI LỄ NỘI CHIẾN SƠN TINH THUỶ TINH (15-10-2022)
.
nắng thu đi
bão dữ đang tới
sóng cuộn tận đáy li
vẫn hiền hơn bom đạn, sợ gì!
bão tham sân si
bão tham sân si tạo ra ác nhất
bão nước mắt
so với bão máu, có là chi!
nghìn năm điềm nhiên chống đỡ bão
không tang chế là yên thắng nguy
bao đời chọn Miền Trung làm xứ sở
cứng cỏi thì còn, mềm dẻo cũng còn y
cây tre uốn theo chiều gió bão
tre dựng lại mái tranh, xả thân từ bi
vững hơn nhà rường, mai này bê tông cả
chỉ tiếc rau lúa ngã, nhưng mùa sau xanh rì
không cốt cái ăn, nhưng chủ cái ở
ngàn năm ưu tư nếp nhà vững — xứ bão lùa
bia mồ đâu lo bão, cỏ xanh bền nấm đất
bay bướm hương hoa trên lim đá, Miền Trung xưa
đâu cũng con người với cốt cách
đất không sinh ra người bình minh hay tà huy
đất với người, tương tác
bão tập trận, luyện rèn nghìn năm trường kì.
Ảnh: Cửa Việt lúc 16 giờ chiều 27-09-2022 – Nhà báo Phạm Xuân Dũng cho mượn ảnh này:
.
Ghi chú để nhớ:
NHỮNG BÀI THƠ MỚI VIẾT SAU KHI KHÉP LẠI TẬP THƠ “MÁU VIỆT CỜ XÔ — CHIẾN TRANH” (04-09-2022):
1) BÃO NORU 09-2022 (26-09-2022)
2) “TÌNH CA QUÊ HƯƠNG” DUY KHÁNH (29-09-2022)
3) NHẬP THÂN, SAY VONG NHÂN VẬT (04-10-2022)
4) BÌNH ĐẲNG KHI KHOẢ THÂN (10-10-2022)
5) HẰNG NĂM ĐẠI LỄ NỘI CHIẾN SƠN TINH THUỶ TINH (15-10-2022)
.
. “HOÀ HỢP NHƯNG KHÔNG ĐỒNG NHẤT” KHI GIA NHẬP HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM —
ĐỒNG CẢM, TRẢ LỜI ANH HÀ HUY HOÀNG
Trần Xuân An
Anh Hà Huy Hoàng là một nhà cầm bút về phê bình văn học, hiện sống ở Quảng Ngãi, có nhã ý góp lời bình luận. Tôi cảm ơn và đã trả lời, nhưng anh ngại hay ai đó (người quản lí Facebook chăng?) đã xoá mất! Thật đáng tiếc.
Tôi trả lời anh Hà Huy Hoàng với sự đồng cảm: Hẳn cũng như anh, tôi không chống chế độ chính trị hiện hành, nên tôi vẫn không rút đơn gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam, mặc dù tôi nộp đơn đã mười chín năm (*) nay, mấy lần bổ sung danh mục tác phẩm, nhưng vẫn “chưa” được kết nạp. Tôi hẳn cũng như anh, thuộc khuynh hướng cải lương chủ nghĩa, góp ý, viết về đề tài hoà giải hoà hợp dân tộc tám năm gần đây và ít nhiều trước đó nữa, thậm chí phê phán các khía cạnh sai lầm của chế độ, với thiện chí mong chính thể hiện hành công bằng, dân chủ, văn minh, phong phú, cường thịnh (giàu và mạnh) hơn.
1)~ Hẳn Hội Nhà văn Việt Nam cũng như các cơ quan, hội đoàn khác ở nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa đều chú trọng tư tưởng chính trị chỉ đạo về sử học, văn học và về chủ nghĩa lí lịch:
1a) Viết theo quan điểm, lập trường Nhà nước (“Tổ chức Đảng và văn học theo tính Đảng Cộng sản” – Lenin; sử học cũng thế). Như vậy, văn và sử chỉ là công cụ tuyên truyền thực dụng về chính trị. Văn không còn văn, sử không còn sử đúng nghĩa.
1b) Lí lịch ba đời phải Đỏ hoặc không dính líu gì đến chế độ cũ.
1c) Lí lịch ba đời “trắng” và không viết một cách thiện cảm đối với các tác phẩm, tác giả, nhân vật lịch sử, tôn giáo, trào lưu văn học, triết học, sử học phi mác-xít còn tồn tại sau Cách mạng tháng Mười Nga 1917, thì hẳn cũng thuận lợi trong việc gia nhập Hội, làm việc ở cơ quan nhà nước…
2) Quan điểm “Hoà nhi bất đồng”: Giá như chúng ta, người Miền Nam cũ, lí lịch ba đời là Miền Nam cũ, chan hoà được với người Miền Bắc cũ, lí lịch ba đời cộng sản (do phân hoá chính kiến, chia cắt đất nước), nhưng chúng ta vẫn giữ cốt cách của chính mình, không viết gì thiên lệch, tổn hại đến dân tộc, Tổ quốc, tín ngưỡng, tôn giáo dân tộc (gồm cả Phật giáo hai nghìn năm đồng hành với dân tộc, đã không can dự đến chính trị thế tục), đặc biệt không viết gì gây tổn thương người Miền Nam cũ và làm sáng tỏ cho họ. “Chan hoà nhưng không đồng nhất” thì càng phong phú, đa dạng, đa thanh, đa chiều, đa giác độ…
3)~ Tôi cũng bày tỏ với anh Hà Huy Hoàng về chế độ toàn trị: Chế độ cộng sản là chế độ toàn trị. Toàn trị là độc quyền thống trị mọi lĩnh vực, tận mỗi tế bào xã hội. Người ta muốn kiểm soát tư tưởng nghệ thuật (gồm quan điểm văn học, sử học, triết học, kinh tế, chính trị… — kiến thức và nhân sinh quan, vũ trụ quan) của người cầm bút, như đã từng quốc doanh hoá, hợp tác hoá mọi ngành nghề, kể cả tiểu thương ở chợ, thợ dịch vụ ở các cửa tiệm, thợ thủ công, sản xuất nhỏ ở góc phố… Họ phát triển Đoàn, Đảng, đưa cán bộ quốc doanh vào tận chợ, tổ hợp, hợp tác xã để đoàn viên, đảng viên, cán bộ làm một trong hai nhiệm vụ là phản gián, kiểm sát từng mảy may tư tưởng, hành vi của đồng nghiệp, đồng sự…
Mọi người đều biết. Học giả Trần Trọng Kim trong “Một cơn gió bụi” (1949) cũng đã viết rõ. Đến nay, họ vẫn thế, lại còn dùng tiền bạc hối lộ, thủ đoạn ngoại giao “đổi chác” hay gì đó để vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (United Nations Human Rights Council — UN HRC) nữa! Thế thì làm sao vin vào Tuyên ngôn Nhân quyền để mong họ sửa sai, mở rộng nhân quyền cho nhân dân Miền Nam!
Đại để tôi đã trả lời bình luận của anh Hà Huy Hoàng như trên, nhưng tiếc thay, bị xoá mất (do anh hay do người quản lí Facebook?). Dẫu sao, một lần nữa cảm ơn anh đã góp ý, ủng hộ, đồng cảm chủ nghĩa cải lương (cải tiến cho tốt lành hơn).
Xin nói thêm: Tôi mong muốn những người cầm bút gốc Miền Nam (gia tộc, gia đình Vàng thuộc Miền Nam 1954-1975) tiếp tục làm đơn gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam, đừng để Hội bị độc chiếm bởi người Miền Bắc (Đỏ, 1954-1975).
Đặt ra vấn đề vượt quá hai chữ “chuyên chính” không phải là ngây ngô, không tưởng vì đã viết rõ thế nào là toàn trị, nhưng để thấy hậu chiến, thống nhất kiểu Đỏ nó bi kịch thế nào.
T.X.A.
21-09-2022
………….
(*) Chính xác là hai mươi mốt năm, kể từ ngày nộp hồ sơ lần đầu: 24-07-2001.
. BỐI CẢNH 1945-1949,
BÀN LUẬN 20-09-2022 VỀ “NGƯỜI MẸ TRONG CHIẾN TRANH”
1.~ Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến 1949, năm Bảo Đại thành lập Quốc gia Việt Nam, hầu hết người Việt, kể cả công chức Nam triều, thuộc địa, bảo hộ, Đế quốc Việt Nam, lính Khố Vàng, Khố Xanh, Khố Đỏ, đều ít nhiều tham gia Việt Minh (đại để như đại tướng QĐND. Chu Văn Tấn, vốn là lính dõng, lính Khố Đỏ gì đó, gia nhập Đảng Cộng sản trước 1945). Từ 1949, bắt đầu có sự phân hoá Đỏ – Vàng (Cộng sản – Quốc gia) rõ rệt thành chiến tuyến ở nước ta. Tổng thống Thiệu cũng từng tham gia Việt Minh sau 8-1945, rồi gia nhập quân đội Quốc gia từ 1949.
2.~ Giai đoạn 1945-1949 chỉ có một chính quyền duy nhất là Việt Minh trên khắp cả nước. Mặc dù Pháp đã quay lại từ sau Cách mạng tháng Tám không lâu (theo chân quân Anh – Ấn vào Sài Gòn giải giáp quân Nhật), nhưng thực lực Pháp không bao nhiêu. Từ sau Hiệp định Sơ bộ 06-03-1946 giữa Pháp và Việt Nam dân chủ cộng hoà, quân Pháp vào nhiều hơn, đóng quân cả ở Bắc bộ. Bấy giờ, khoảng 1947, ở Quảng Trị có một cuộc tản cư gọi là “chạy Tây” (chạy khỏi các nơi Pháp đến theo Hiệp định Sơ bộ 06-03-1946). Nhưng rồi thật sự đến 1949, Bảo Đại về nước, chính thức lập Quốc gia Việt Nam (Quốc gia Việt Nam đã khởi động từ 1947 sau Hiệp ước Vịnh Hạ Long giữa Pháp và Bảo Đại). Từ 1949, Bảo Đại mới tái lập được chính quyền, gọi là “chính quyền Bảo Đại”, sau khi tổng thống Pháp và Bảo Đại kí kết Hiệp định Élysée (08-03-1949), công nhận Quốc gia Việt Nam độc lập trong Các nước Liên hiệp Pháp.
3.~ Trong giai đoạn 1945-1949, phụ nữ tham gia hội phụ nữ, trai tráng vào dân quân du kích, nông dân trung niên vào nông hội… Mọi người đều là Việt Minh. 1947, “chạy Tây” nhưng vẫn còn các tổ chức hội đoàn Việt Minh ấy. Đến 1949, phân hoá mới rõ rệt: vùng chiến khu (Cộng sản) và vùng tạm bị chiếm (Quốc gia).
4.~ Trong ngâm khúc tự sự “Người Mẹ trong chiến tranh”, nhân vật mẹ thời 1945-1948 là bí thư hội phụ nữ thôn hay xã gì đó (danh xưng bấy giờ gọi là bí thư nhưng không phải bí thư chi bộ Đảng). Chạy Tây, nhân vật mẹ bị bắt, giam tại nhà lao Quảng Trị. Nhân vật ba từng là đại đội trưởng dân quân du kích Việt Minh (hầu hết sử dụng giáo mác, gậy gộc thô sơ tự chế), 1945-1949, nhưng từ 1949 quay về Quốc gia Việt Nam, đóng ở Cầu Nhùng, cứu (bảo lãnh) nhân vật mẹ khỏi nhà lao. Rồi cưới nhau, họ vào Huế, mua một cái nhà tranh sau Tam Toà (1949). Nhân vật ba làm bảo an (bảo vệ an ninh trật tự) ở Huế cho đến 1954.
. SƠ YẾU LÍ LỊCH Xem lại ngâm khúc tự sự “Người Mẹ trong chiến tranh” và mấy bài về lí lịch:
.
.
————————-
Trong 52 đầu sách do Trần Xuân An viết (01 đầu sách sưu tập), có 17 đầu sách (thơ, truyện) gần đây nhất, tập trung vào đề tài: HOÀ GIẢI DÂN TỘC ĐỂ HOÀ HỢP DÂN TỘC & BẢO ĐẢM CÁC QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ theo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Agreement on Ending the War and Restoring Peace in Viet Nam), thường gọi là: HIỆP ĐỊNH PARIS 27-01-1973
Trích nguyên văn bản tiếng Việt và bản tiếng Anh , ĐIỀU 11:
“… – thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia;
– bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức [lập hội], tự do hoạt động chính trị, tự do tín nguỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm việc, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh…”.
( “… – achieve national reconciliation and concord, end hatred and enmity, prohibit all acts of reprisal and discrimination against individuals or organizations that have collaborated with one side or the other;
– ensure the democratic liberties of the people: personal freedom, freedom of speech, freedom of the press, freedom of meeting, freedom of organization, freedom of political activities, freedom of belief, freedom of movement, freedom of residence, freedom of work, right to property ownership, and right to free enterprise…”).
.
2)~ Bài 44 trong tập “”Nguỵ” và “phiến”, hoà giải thời hậu chiến” (hoà giải dân tộc): NHÁNH TRẦN XUÂN TỘC TRÚC LÂM
Ở NHĨ TRUNG, CÙNG HUYỆN
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2858811371059462/
.
3)~ Bài 14 trong tập “Tổ quốc ơi, con kính thưa lời nói thẳng” (hoà giải dân tộc) TANG CHẾ RUỘT THỊT
CỦA MỘT CỤ ÔNG THỜI BOM ĐẠN
Trần Xuân An
1
ít năm, sau ngày Tuyên ngôn Độc lập
cuộc Chiến tranh Đỏ – Vàng
mẹ ông bị giết bởi đạn giặc Pháp
máy bay bủa trời, lê-dương lùng đất! Nát tan!
suy tư về phiên bản quốc kì Liên Xô
ông rời Việt Minh, nuốt cay ngậm đắng
về với cờ vàng Quốc gia, cờ triều Nguyễn
(ơn Chúa Nguyễn mở rộng cõi bờ)
quốc kì vàng Quốc gia Việt Nam
không giống cờ thực dân, phát xít
ông về với “Thế giới tự do”
thời thực dân tàn, giặc Pháp sẽ phải cút!
ít năm, sau ngày núi sông thống nhất
cuộc chiến tranh đồng chí Đỏ láng giềng
con trai ông, trong trại sĩ quan Vàng cải tạo
máu tràn biên giới Việt – Miên
gậy gộc chung chiến tuyến, bộ đội, đồng bào
con trai ông chết vì pháo kích
bởi quân Kh’Mer máu cuồng mao-ít
xương cốt chẳng biết tìm đâu!
cuộc chiến 30 năm, rồi chiến tranh biên giới
ruột thịt ông chỉ chết hai người
bởi đạn giặc Pháp và Kh’Mer Đỏ
(đứa con trai khác, chết vì sóng dữ biển khơi)
2
ông là thiếu tá bảo an, quân trấn
thời Mỹ – Nga, hai Khối ngoại xâm, giao tranh
chọn lựa con đường biết ơn Chúa Nguyễn
nửa đường nửa đoạn không thành
trước ngày núi sông thống nhất, hai mốt năm
con cháu ông học sử chống Pháp, đuổi Nhật
Miền Nam bừng sáng Việt Nam
(không phải không còn sai lạc)
học sử mất nước gần trăm năm ấy
Miền Nam (dải đất thuở Đàng Trong)
trả mối nhục phải dựa vào lũ giặc
rõ ràng sử xanh, sáng tỏ ra sách lược, nỗi lòng
thời gian đã qua
cũng là ruột thịt
hoài niệm thời dựa giặc để đuổi giặc
là khói hương
suốt đời ông tự hào mình không sùng bái
lãnh tụ ngoại quốc, như Mác Lê Xta Mao
từ cuốn sử ở nhà ông vẫn sáng ảnh Bác
giũ ngoại cường!
Người thắng Pháp, khung đặt trên cao
ông là dân đen bình yên
sau ngày núi sông thống nhất
máy bay đoàn tụ đưa ông rời xa Tổ quốc
vầng trán trĩu nặng buồn phiền
tuổi đời đã qua cũng là ruột thịt
hồi ức, lòng không đối phương
Chiến tranh Lạnh, Hàn Triều, Đông Tây Đức
và nỗi nhớ Việt Nam hậu chiến là khói hương
suốt đời ông kiên tâm thờ cúng
Quốc tổ gia tiên
đau nỗi đau: Thập giá áp đặt trên nấm mộ
mộ không phải đất Tổ quốc thiêng liêng
trong tang chế chính mình
xác ông rơi hoài nước mắt
cách nửa vòng Trái Đất
nghe tiếng thở dài huyệt sâu
3
từ bao giờ, trầm tư thành thật
trầm tư sâu, một lịch sử những nẻo đường
mấy thế hệ xa gần đã khuất
tâm trí chúng ta đổi mới, sang chương
thế hệ chúng ta
đã khác
con đường Đỏ, nhìn quanh, muôn phương
cũng tự đổi khác
hơn ba mươi năm trường, tang chế Liên Xô
văn sử Đỏ, với nghìn nhà Đỏ, là ruột thịt
lời ai điếu thời sách báo tuyên truyền tự chết
Nguyễn Minh Châu viết chẳng bất ngờ!
tác phẩm tôi, tôi không tang chế
viết yêu thương, để đất trời tốt nắng tươi mưa
viết chiến tranh, để hoà giải, không thù hận
tôi cũng khát khao Đổi mới, khác xưa.
.
4)~ Bài 40 trong tập thơ “Bốn năm Chữ thập đỏ” (hoà giải dân tộc): ĐỀN HÙNG Ở VƯỜN NON NƯỚC * – TP.HCM.
(Nhớ buổi sáng tiễn ba tôi, 1982)
Trần Xuân An
dâng hương, trước chuyến đi xa
người rời Tổ quốc bay qua biển buồn
đất này thành đất cội nguồn
vẫn Vua Hùng ngự miếu đường Hùng vương
xoá thời Pháp dựng súng cuồng
Sài Gòn thu gọn một vườn nước non
bảo tàng lịch sử vàng son
bốn ngàn năm đó, cháu con trước Ngài
dâng hương, nước mắt chảy dài
như lưu đày tận nước ngoài xa xăm
người rời Tổ quốc, khóc thầm
chuyến bay, chim Lạc hướng tâm bay vòng!
người đi, quyến luyến núi sông
nơi đoàn tụ lại là không nước mình!
bình yên, từ độ hoà bình
bay rời nước, lòng trùng trình, ngấm đau
ba cây nhang thắp trên đầu
một Quốc Tổ, một xưa sau, một người
tôi thầm vái sống cha tôi
xin Vua Hùng, xin giống nòi, chung nhang
vườn nước non, sâu bảo tàng
thiêng Đền Hùng, mặn nắng vàng sáng kia
ba mươi sáu năm xa lìa…
chưa về thăm kịp, mộ bia dựng rồi
sẽ thành đất của nước tôi
đời tôi, cha dặn, trọn đời Việt Nam
vườn non nước bốn ngàn năm
trao khai sinh gốc, khóc thầm cha đi
cha đi, không lao cải gì
một mai trắng nở, vô vi tận hồn
cha mừng đời mới cho con
Đền Hùng, vẫn giữa Sài Gòn, nghiêm tên.
T.X.A.
06:23 – 09:47, 19-03-2018 HB18
………..
(*) Thảo cầm viên ở TP.HCM., hiện nay vẫn còn nguyên vẹn kiến trúc, tên gọi “Bảo tàng Lịch sử Việt Nam” và “Đền thờ Vua Hùng”, rất trang nghiêm. Thảo cầm viên có nghĩa là vườn cây cỏ chim muông, còn được hiểu là vườn thiên nhiên non nước.
.
5)~ Bài 40 trong tập “”Nguỵ” và “phiến”, hoà giải thời hậu chiến” (hoà giải dân tộc): SINH RA TRONG CHIẾN TRANH,
GIÀ ĐI TRONG HẬU CHIẾN
Trần Xuân An
nghề văn cũng như nghề thuốc *
hậu chiến cũng trầm trọng vết thương
phẫu thuật bằng lí lẽ vô trùng, đanh thép
thấu hiểu nỗi đau, tâm hồn cũng máu tuôn
vải trắng như giấy trắng, máu đọng
đỏ chữ thập, đỏ trăng non, đỏ kim cương
những mũi kim khâu hoà giải lành lặn
trông như vài cầu Hiền Lương
suốt đời tôi chưa từng cầm súng
cha anh là sĩ quan bàn giấy, công chức phố phường
nên kính nhân lên nghìn lần nỗi đau hậu chiến
bao gia đình oằn lưng tang chế máu xương
lí giải chính mình bằng chủ nghĩa lí lịch
là hạ mức độc lập mỗi người xuống tầm thường
nhưng thôi thì mỗi người tự hoà giải
chữ và tâm, tự phẫu thuật, khâu lấy vết thương
có nhà văn, cha là Việt Minh tập kết ra Bắc
một đời cầm bút chống cộng kiên cường
có nhạc sĩ, cha là đại thần, bị Việt Minh hành quyết
một đời bao bài ca Đỏ, chẳng hoen sương
vượt lên chủ nghĩa lí lịch, hồng lãng mạn
rồi đỏ chữ thập, đỏ trăng non, đỏ kim cương
nhưng viết — phẫu thuật, dưới ánh sáng trắng
ánh sáng đỏ hay vàng, hoà giải vô phương.
T.X.A.
13:34-15:01, 27-02-2021
…………..
(*) Ngày Thơ Việt Nam (15-01 âl., năm Tân Sửu HB21, nhằm ngày 26-02-2021) & Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-02 / 2021). Năm nay, hai ngày này kề nhau.
.
6)~ Bài 38 trong tập thơ Trần Xuân An, “”Nguỵ” và “phiến”, hoà giải thời hậu chiến” (hoà giải dân tộc): KHĂN TANG TRONG LÍ LỊCH
Trần Xuân An
1
bốn mươi tư năm chiến tranh
ruột thịt gia đình không có ai chết trận
tất cả đều được bình an
nhưng vẫn có ba nỗi niềm khăn tang
đã lắng
trong quãng dăm năm Việt Minh
bà nội kính yêu, máy bay Pháp bắn
Kh’Mer Đỏ tấn kích, chết người anh
trong trại tù sĩ quan, sau tàn cuộc Sài Gòn
một đứa em chìm theo ghe ngoài biển
hai nỗi đau do giặc ngoại xâm
nói chi một nỗi đau do bão và sóng mặn
không là gì, so với đồng bào chung số phận
tràn ngập máu xương
non nước li tan
2
chiến tranh trong bao chiếc khăn tang
ở trăm triệu công dân, trăm triệu lí lịch
có loại lí lịch trích ngang về máu, nước mắt
bốn mươi tư năm chiến tranh
từ lâu siêu thoát khói nhang
dẫu sao, không dễ gì bị lí lịch giam cầm
nếu mọi người tự do tư tưởng, tự do cầm bút
(ruột thịt gia đình nội ngoại Miền Nam
có thời không chủ nghĩa lí lịch
tự quyết tự thân)
tự quyết con đường chính mình
trong đời sống, trên từng trang viết
có thể bị ngã, do đâu đó đẩy xô oan nghiệt
vẫn gượng lên, tự quyết chính mình
mỗi trang viết thách thức với nghìn năm
giải thoát cho mọi nhà sử, nhà văn
cho dù lí lịch Vàng hay Đỏ
cái tâm của mỗi người trên trang viết đó
hãy thách thức tác phẩm mình
với nghìn năm!
3
không phải khăn tang trong lí lịch
mà chính là ba chiếc khăn tang
về ba cái chết Chân, Thiện, Mĩ
tầm mắt không thấu trần gian vạn năm
ba chiếc khăn tang này mới bịt mắt sử, văn…
.
7)~ Bài 25 trong tập thơ “Tổ quốc ơi, con kính thưa lời nói thẳng” (hoà giải dân tộc): CHÍ ĐỘC LẬP BÌNH SINH
THỜI LƯỠNG CỰC
Trần Xuân An
bước vào tuổi sáu lăm, lại tự hỏi
đời ta sao? Từ Huế thuở lọt lòng
dòng sống chảy tương tác cùng thế Đất
vận Nước là hai Khối chẻ dòng sông
sáng Nam Tư, Tito nhân vật sử *
đau, cầm súng cho Đế quốc Áo – Hung
buồn, cầm súng cho nước Nga xô-viết
chống hai Khối, đỏ riêng sắc trung dung
du kích quân Cu Ba từ Nam Mỹ
thắng, ngồi cao, ghê máu chảy hoà bình
Che tự thành hòn đá của Sisyphe *
tự lăn lên rồi tự thả, hiện sinh!
tuổi trung học, hai người như đất sét
ta nhào nặn một thần tượng nước mình
vào đại học, ta đỏ màu sáng tạo
a ha ha, chí độc lập bình sinh!
sau mấy năm Việt Minh, quãng độc lập
cha hồi quy chính danh, về Quốc gia
mạ tản cư, bị bắt, rồi được cứu
nhưng tư tưởng, ta tự sáng tạo ta
đỏ thống nhất, thật lòng ta cũng đỏ
đùa đỏ ớt, đỏ cà chua, cay chua
bị chối từ vào Đoàn (nói chi Đảng!)
vẫn thành tâm nhà giáo đỏ lạc mùa
ta từng viết ta như giáo sĩ đỏ
“Kẻ tuẫn đạo” của Unamuno *
(ông làm lễ, nhưng lướt câu kính tín!)
lãnh tụ ngoại, Nga – Trung, ta phớt lờ
ba bảy năm, dân đen công dân đỏ
thời “Cởi trói”, văn sử đỏ, đỏ vàng
ta vẫn vậy, họ Trần nhưng gốc Nguyễn
sách ta đỏ, sắc đỏ Trần Xuân An
thời trẻ tuổi, ta nhà thơ, nhà giáo
mất một nhà, chỉ còn lại một nhà
may “Cởi trói”, ta xây thêm nhà sử
nhà tiểu thuyết, nhà luận — xương máu ta
Đảng cầm quyền muốn đỏ thì cứ đỏ
Đảng vẫn đỏ, ta công dân đỏ thôi
Đảng dân tộc, ta mừng thuần dân tộc
học trăm phương văn minh của loài người
trong đời thường, dân đen công dân đỏ
với hiến pháp, luật pháp, ta tuân hành
trước trang viết, ta một chí độc lập
bóng lãnh tụ ngoại cường đè, sao đành!
cuộc đời ta, bao giờ cũng minh bạch
tác phẩm ta cũng giấy trắng mực đen
cống hiến đời gần năm mươi đầu sách
sự nghiệp còn, vượt thắng mọi lãng quên.
T.X.A.
20-01-2021
…………..
(*) Josip Broz Tito (1892-1980); Che Guevara (1928-1967). ~ Sisyphe, nhân vật thần thoại, bị hình phạt của Thượng thần chúa tể Zeus, cứ phải lăn đá lên đỉnh núi rồi thả xuống chân núi. Đó là một hình phạt khiến nạn nhân cảm thấy vô nghĩa, phi lí, nên đành phải tìm ý nghĩa sống trong tình cảnh chung thân, muôn kiếp vô nghĩa, phi lí của kiếp người, của trần gian. Albert Camus, nhà văn, triết gia hàng đầu của chủ nghĩa hiện sinh, đã viết lại thần thoại này. Chủ nghĩa phát-xít Hitler từng vận dụng hình phạt ấy, ở giếng nước (múc lên, đổ xuống), khiến nhiều tù nhân tự tử vì không thể chịu đựng nổi sự vô nghĩa, phi lí. ~ “Kẻ tuẫn đạo” (“San Manuel Bueno, Mártir” – Thánh Manuel Bueno, tuẫn đạo) của Unamuno, tác giả người Tây Ban Nha, Trần Xuân Kiêm dịch, Nhà xuất bản Quế Sơn – Võ Tánh, Sài Gòn, 1971: Nhân vật giám mục trong truyện được phong thánh sống, nhưng ông không bao giờ đọc câu kinh thể hiện đức tin về sự tồn tại Đức Chúa Trời. Ông không tin có Chúa Trời, mặc dù đó là điều răn số một, cơ bản nhất của Thiên Chúa giáo.
NÓI LẠI CHO RÕ:
Hồi còn là sinh viên và dạy học, dĩ nhiên tôi tuân thủ đường lối, chủ trương của Đảng cầm quyền và truyền giảng theo tinh thần chủ nghĩa xã hội, nhưng tránh đến mức tối đa việc nhắc đến các lãnh tụ ngoại, như Marx, Lenin, Stalin, Mao, vì chí độc lập bình sinh của người Việt nói chung. Việc đó cũng như giám mục được phong thánh trong “Kẻ tuẫn đạo” không đọc câu kinh thể hiện điều răn số một của Thiên Chúa giáo, vì giám mục ấy không tin có Đức Chúa Trời.
.
TRẦN TRỌNG KIM: TƯ TƯỞNG CHỐNG CỘNG CỦA PHE QUỐC GIA (Quốc gia Việt Nam, Việt Nam cộng hoà) (Trích: TRẦN TRỌNG KIM, “MỘT CƠN GIÓ BỤI”, viết xong 1949, Nxb. Vĩnh Sơn, 1969)
.
.
Để hoà giải hoà hợp dân tộc thời hậu chiến (2022, năm thứ 47 sau 1975) theo tinh thần các phát biểu của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt (2004-2005), chúng ta cần phải hiểu tư tưởng của người Quốc gia (Quốc gia Việt Nam, Việt Nam cộng hoà). Họ có tinh thần dân tộc và ý chí độc lập dân tộc nhưng họ phải “uyển khúc”, “từ từ”, vì không thể rước thêm cường quốc ngoại xâm? Tại sao họ chống cộng? Họ nhận thức thế nào về cộng sản?
Mặc dù quá muộn, — vì theo Hiệp định Paris 27-01-1973, lẽ ra đất nước chúng ta đã thực thi hoà giải hoà hợp dân tộc từ đó —, nhưng đến nay, yêu cầu lịch sử ấy vẫn bức thiết. Cần hiểu nhau, để dễ sống, chung sống hoà bình.
1.~ PHE QUỐC GIA CHỦ TRƯƠNG UYỂN KHÚC (MỀM DẺO) ĐỂ GIÀNH ĐỘC LẬP:
Nguyên văn lời ông Trần Trọng Kim đối thoại với người Việt Minh: “Sự mưu cầu cho nước được độc lập cũng là mục đích của chúng tôi, nhưng vì đi đường thẳng có nhiều sự khó khăn, nên chúng tôi phải uyển khúc mà đi từ từ có lẽ chắc chắn hơn” (sđd., tr. 86). Trần Trọng Kim cũng như phái Quốc gia không hề ảo tưởng về thực dân Pháp và phát xít Nhật: “Thường tôi gặp người Pháp, tôi cũng nói thẳng rằng: Nếu trong cái hoàn cảnh này, người Pháp hiểu rõ tình thế mà buông tha chúng tôi ra thì không những là nước Pháp không thiệt thòi gì mấy về đường kinh tế mà về đường văn hóa và thực tế lại có phần lợi […] Song, đó là một cái mộng tưởng không thể có ở trong đời này, là đời đầy những sự tham, sân, si […]. Trong khi nước Pháp đang bị cái nạn chiến tranh, người Pháp đối với người Việt Nam không đổi thái độ chút nào, mà người Nhật thì lại muốn lợi dụng lòng ái quốc của người Việt Nam để quyến dụ người ta theo mình. Người Việt Nam không phải là không hiểu cái tâm địa người Nhật, song có nhiều người muốn thừa cái cơ hội hiện tại mà phá vỡ cái khuôn khổ bé hẹp nó ràng buộc mình đã bao lâu để gây ra cái không khí mới, rồi sau thế nào cũng tìm cách đối phó” (sđd., tr.11).
2.~ VÔ TỔ QUỐC, DÂN TỘC
(THỰC CHẤT LÀ NGA XÔ BÀNH TRƯỚNG, XÂM LƯỢC)
Năm Trần Trọng Kim hoàn tất hồi kí “Một cơn gió bụi (Kiến văn lục)” là 1949, nhưng chắc hẳn trước ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc chiếm trọn đại lục Trung Hoa. Năm 1950, Trung Quốc mới công nhận Việt Nam dân chủ cộng hoà và sau đó được Liên Xô uỷ nhiệm “trợ giúp” Việt Minh. Trong sách chưa nói gì về Trung Quốc cộng sản.
Xin nhắc lại, với tinh thần hoà giải, hoà hợp dân tộc, chúng ta cần hiểu người Quốc gia, tiêu biểu là Trần Trọng Kim (1883-1953), đã nhận thức như thế nào về phong trào Cộng sản nói chung và về Việt Minh nói riêng. Thiết tưởng, chỉ cần trích nguyên văn và đặt tiêu đề là đủ, không phải bình luận gì thêm:
“… Ông Hồ Chí Minh (…) dùng danh hiệu cũ là Việt Nam độc lập đồng minh, tức Việt Minh, và dùng cờ đỏ sao vàng của Cộng sản” (sđd., tr.76). [không phải cờ Tổ quốc (quốc kì) Việt Nam — chua thêm].
“… Gia đình, xã hội, phong tục, chế độ cũ đều bỏ hết, bỏ đến tận cội rễ, để thành lập xã hội mới theo chủ nghĩa cộng sản. Cái xã hội mới ấy không tranh đấu cho quốc gia hay cho dân tộc. Dù có nói tranh đấu cho quốc gia hay cho dân tộc nữa, cũng chỉ là cái phương pháp dùng tạm thời trong một cơ hội nào để cho được việc mà thôi, chứ mục đích cốt yếu là tranh đấu cho giai cấp vô sản. Khi ở đâu sự tranh đấu cho giai cấp ấy đã được thắng lợi, thì cứ tranh đấu mãi để bảo vệ quyền lợi của giai cấp ấy và xóa bỏ hết những cương giới nước nọ với nước kia để thực hiện một thế giới đại đồng, đặt dưới quyền chỉ huy của giáo chủ Cộng sản ở bên Nga. Vì vậy cho nên bất kỳ nước nào đã theo cộng sản là phải phục tùng mệnh lệnh bên Nga, còn nước nào tuy theo chế độ Cộng sản, nhưng còn muốn giữ tư tưởng quốc gia như nước Nam Tư Lạp Phu (Yougoslavie) bên Ðông Âu là bị trục xuất ra ngoài hội nghị của các nước Cộng Sản.
Cái phương thuật của đảng cộng sản bên Nga không khéo ở chỗ ấy, tuy nói là bài trừ đế quốc chủ nghĩa và tiêu diệt những chế độ độc tài áp chế đời xưa, nhưng lại áp dụng chế độ độc tài áp chế hà khốc và tàn ác hơn thời xưa, và gây ra một thứ đế quốc chủ nghĩa theo một danh hiệu khác, để tự mình thống trị hết thiên hạ. Thành ra các nước đã theo cộng sản đều phải là những nước phụ thuộc nước Nga, cũng như bên Tàu ngày xưa các nước chư hầu phải phục tùng mệnh lệnh thiên tử. Thì ra trong thế gian này chẳng có gì là mới lạ. So chế độ Cộng sản ở nước Nga ngày nay có khác gì chế độ nhà Tần thời chiến quốc bên Tàu? Có khác là khác ở những phương tiện theo khoa học và những mánh khóe hiện thời mà thôi, còn thì cũng tàn bạo gian trá như thế và cũng cùng những quyền mưu quỷ quyệt để thống trị hết cả các nước…” (sđd., tr.115-116).
“… Cái mục đích của họ không phải là vì quốc gia, nhưng họ phải lợi dụng hai chữ quốc gia để chống với quân địch mà đứng vào cái địa vị tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà…” (sđd., tr.130).
“… Lẽ nào ta lại theo một cái lý tưởng chưa thực hiện được mà đem mình làm nô lệ một dân tộc khác…” (sđd., tr.190).
3.~ VÔ THẦN (THỰC CHẤT LÀ TÔN GIÁO CHÍNH TRỊ):
“… Cộng sản đảng, theo cách tổ chức và hành động của họ, là một thứ tôn giáo mới, giống như các tôn giáo cũ cốt lấy sự mê tín mà tin, chứ không hoài nghi hay đi lệch ra ngoài. Song các tôn giáo cũ nói có cõi trời, có thiên đường là nơi cực lạc, Cộng sản giáo ngày nay thì hoàn toàn duy vật, nghĩa là ngoài vật chất ra, không có sự tin tưởng nào khác nữa, cho thiên đường không phải ở cõi trời mà chính ở cõi trần gian này. Ai tin theo đạo ấy là phải tin lý thuyết của Các Mác và Lê Nin là tuyệt đối chân chính, đem áp dụng là được sung sướng đủ mọi đường, tức thực hiện được cảnh thiên đường ở cõi đời. Còn về đường tín ngưỡng, thì đạo Cộng sản đã là đạo hoàn toàn duy vật, tất không ai thờ phụng thần thánh nào khác nữa, nhất thiết nghỉ [họ] phải sùng bái những người như Các Mác, Lê Nin, Sử Ta Lin [Stalin] để thay những bậc thần thánh cũ đã bị truất bỏ…” (sđd., tr.113-114).
TRẦN TRỌNG KIM
(tác giả các trích đoạn nguyên văn trong sách đã dẫn).
T.X.A. đã trích dẫn trong tập thơ “Máu Việt cờ Xô — chiến tranh” (04 đến 09-2022)…
Soạn lại các trích đoạn trên: 08-09-2022
Link bài này:
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/3244022305871698/
.
.
.
. NỢ CẦM BÚT
VÀ TƯỞNG NIỆM GORBACHYOV
Trần Xuân An
.
.
1.9.5.6, được sinh ra và sống là mắc nợ
mười chín năm cuộc chiến Đỏ với Vàng *
mười bốn năm cuộc chiến Đỏ với Đỏ *
nợ thấu hiểu, tôi đã trả được gì chăng?
nhưng phải từ trận Đà Nẵng trước đó *
ta vây lấn, Pháp tan. Gia Định Pháp tràn
tới tắt Chiến tranh Lạnh! Hậu chiến Đỏ
viết và viết, nợ thấu hiểu, trả được chăng?
tôi viết gì thời tôi ngoảnh về thời cao tổ
một chồng sách, trang chất chồng trang
tôi viết gì thời hai Miền xương tan máu đổ
giữa cầu Hiền Lương,
Gorbachyov rộng tay dang
để lũ bóc lột hết làm càn, rồi như muôn thuở
không thể đảo quy luật. Pháp luật công bằng
Gorbachyov hạ cờ Xô, trả độc lập rồi,
sao ta hoảng sợ!
ta kéo lên quốc kì Quốc sử,
bốn nghìn năm nhân dân
để có thiên đường Trái Đất, cam nghẹt thở
chịu siết nhân quyền, dân quyền, hoá dã man
nếu dân chủ, tự do, tức khắc bung ra, tư hữu rộ
thì tư hữu đi! Ta chỉ quét ngũ cường thực dân
nợ thấu hiểu 133 năm, trăn trở *
là nợ cầm bút, viết xong, nhẹ nhõm, tâm an
Gorbachyov đại thọ, qua đời, tôi tưởng nhớ
Người hạ cờ Xô, ta hoà giải nội chiến Đỏ Vàng
câu hỏi xưa, Bác Hồ theo Sao Lenin cờ Đỏ?
hay theo “Tuyên ngôn Độc lập” sắc Vàng? *
cờ Xô ấy, Gorbachyov và Nga đã bỏ “Tuyên ngôn Độc lập” muôn đời nhân văn
“Luận cương 30” chưa ráo mực, Xô-viết bùng nổ *
gộp hai bước dài, đốt giai đoạn đã một lần “Tuyên ngôn Độc lập”, định bước đầu thời quá độ
hoá vĩnh cửu. Gorbachyov tiễn cờ Xô
vào cõi vĩnh hằng
kiếp tằm nhả tơ, hình tượng rêu phong xưa cổ
nợ thấu hiểu trả bằng phím bút sử văn
tác phẩm lớn bé,
cây bút bàn phím nào cũng nhỏ
nhập thân sống sâu hoạ Tàu luôn cướp nước,
hoạ Pháp xâm lăng…
thời chúng ta, viết về Liên Xô, ràng buộc trói bó đối với “nguỵ”, Búa liềm Sao
là “giặc ngoại xâm”, “Việt gian”
còn tứ cường Pháp Nhật Mỹ Trung, viết rõ
và chỉ “Tuyên ngôn Độc lập” Bác Hồ,
vượt thời gian, trầm thăng
trước thời Gorbachyov cải tổ, cởi mở
tôi thôi dạy học, khi Liên Xô liên tiếp quốc tang
Chiến tranh Lạnh tắt. Mới tám năm gần đây,
nói hộ rằng tư tưởng “nguỵ” (có phải là “chân”?): *
Búa liềm Sao xâm lược,
vô Tổ quốc, vô thần!
T.X.A.
01-09-2022
………………
(*) ~ 1956-1975. ~ 1975-1989. ~ 1858; 1862. ~ 1858-1991. ~ Nguyên văn bản đăng báo vào thời điểm 9-1945 và bản lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III: “Chúng không cho các nhà tư sản ta được giàu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”. ~ Theo “Luận cương” 1930 của Trần Phú, có hai giai đoạn cách mạng: a) Cách mạng tư sản dân quyền (về sau gọi là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân); b) Xã hội cách mạng (cách mạng vô sản gồm cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, tiêu diệt giai cấp tư sản và “cách mạng thổ địa” — cải cách ruộng đất —, tiêu diệt địa chủ; đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa). Do đó, Tuyên ngôn Độc lập chỉ thuộc về giai đoạn thứ nhất; và cả hai giai đoạn đều sử dụng cờ Sao Mác Lê, Búa liềm Công nông, thể hiện chuyên chính vô sản do Đảng Cộng sản lãnh đạo. 47 năm nay, kể cả Quốc khánh 02-09 này (2022), nhà tôi vẫn treo cờ đỏ sao vàng (cờ chính thể). Kiến nghị quốc kì Quốc sử nhưng vẫn chấp hành. ~ Xô-viết Nghệ – Tĩnh 1930-1931. ~ Trần Trọng Kim, “Một cơn gió bụi”, viết năm 1949, Nxb. Vĩnh Sơn, 1969.
Xem thêm về “Tuyên ngôn Độc lập”: https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2690129367927664/ .
Xem thêm về Trần Trọng Kim: https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/3244022305871698/ .
.