
.
“MẠ” (má, mẹ) VÀ NHỮNG TIẾNG ĐẦU TIÊN TRẺ CON TẬP NÓI THUỘC VỀ NHÂN LOẠI
Trần Xuân An
Khi trẻ con tập nói, môi bập bẹ các tiếng: ba, cha, má, mạ, mẹ, mệ, bà… Đó là trẻ con người Việt. Nhưng trẻ con trên thế giới hình như ở chủng tộc nào cũng vậy, vì đó là các âm dễ nhất khi phát ra bằng thanh quản trẻ con. Có lẽ ai cũng biết các tiếng gọi cha, mẹ của người Pháp, người Anh, Mỹ… cũng tương tự như thế. Theo Google (dịch), “mạ”, “má” hay “mẹ” (dùng để gọi) trong tiếng Việt, ở các ngôn ngữ khác là:
Tiếng Anh: Mom; mama
Tiếng Pháp: Maman
Tiếng Bồ Đào Nha: Mãe
Tiếng Đức: Mama
Tiếng Hà Lan: Mama
Tiếng Hàn Quốc: 엄마 [eomma]
Tiếng Hindi (Ấn): मां [maan]
Tiếng Ý: Mamma
Tiếng Hy Lạp: μου [mou]; μαμά [mamá]
Tiếng Kh’Mer: ម៉ាក់ [meak], ម៉ែ [me]
Tiếng La-tinh: Mater
Tiếng Đan Mạch: Mor
Tiếng Mã Lai: Mak
Tiếng Tây Ban Nha: Mamá
Tiếng Nga: Мама [mama]
Tiếng Hoa (phồn thể): 媽媽 [māmā]
…v.v…
Tiếng Chăm: amaik [amek] và inư [i nư]
(tra thêm: Inrasara, Từ điển Việt – Chăm, Nxb.KHXH., 1995).
Tôi từng có cặp câu lục bát:
ba, ba, mạ, mạ, bà ơi
ngọn nguồn cái đẹp cũng lời đầu tiên
Từ “MẠ” (má, mẹ) của người Bắc Trung bộ được dùng để gọi thân mẫu của mình. Dĩ nhiên, từ đồng âm dị nghĩa trong từng ngôn ngữ khá phổ biến, nhưng không liên quan gì nhau.
Những âm thanh bập bẹ đầu đời ở trẻ thơ là những từ (tiếng) của nhân loại, vì loài người có thanh quản giống nhau, chứ không của riêng dân tộc nào, thuộc về ngôn ngữ của dân tộc nào.
T.X.A.
tối 21-11-2021
…………
Xem thêm:
http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/txa-ben-kia-doc-ma-oi/tho-txa-ve-huong-lam-suoi-huong
Bài 6
DỐC ‘MẠ ƠI!’
Trần Xuân An
~~ Tặng các cô Thanh niên xung kích thành phố Huế đã có công khai canh làng Hương Lâm, Lâm Đồng. ~~
ngang qua đỉnh dốc ‘Mạ ơi!’
nghe tươi trong tiếng gió vời vợi reo
năm nào, vách núi cheo leo
bủa quanh em, mây rừng treo, gai dày
mưa trôi giọt lệ chảy dài
khóc dưới núi này, em gọi: Mạ ơi!
Mạ ơi! đồng đội nghe rồi
tựa vai nhau vượt đỉnh trời, buốt tê
phát cây, xẻ lối, mù che
ánh trăng lòng mẹ, bạn bè soi thêm
dốc đời đá thủng gót mềm
lại nâng từng bước chân em vào đời
‘Mạ ơi!’ – dốc có tên rồi
tiếng yêu thương giữa lưng trời, âm vang
hóa hừng đông sáng xóm làng
là cửa ngõ, bay hương ngàn, nắng khơi
dẫu qua bao núi bao đồi
nâng lòng nhau – tiếng Mạ ơi năm nào
dốc dù vơi cạn trôi hao
tiếng yêu thương mãi ngân vào mùa xanh.
T.X.A.
1980 – 1981
Bài 9
NỤ CƯỜI ƯỚT MƯA SAU DỐC ‘MẠ ƠI!’
Trần Xuân An
cổ thụ chết đứng lau tre quắt
rừng già còn ngấm chất da cam
tứ thơ sao để trơ và trụi
mưa xối hồn ào ạt thét gầm
lá rụng ngàn năm đất tơi xốp
mưa nhào dẻo quánh dọc triền sông
sên vắt nhảy búng xuyên vào ngực
tim hoài rỉ máu, thác ghềnh hồng
thác ghềnh ghềnh thác chảy xé đá
bom xô trái núi suối lệch nghiêng
mấy mùa mưa dội lên trang sách
thì đọc nỗi đời trong mắt hiền
mưa xanh rừng lửa, mưa làng mới
sũng mũ-tập-kết, nón bài thơ
già nua bủng và con gái bẫm
bầm cuồng sĩ ngố, beo giáo khờ
mưa chiến khu thời-chưa-hậu-chiến
trạm xá lán tranh sắp lớp nằm
mưa kháng chiến chống rách và đói
cấm vận, giặc phương bắc, tây nam!
mưa bom mưa truyền đơn, thuốc độc
tuổi nhỏ nhìn bay đặc góc trời
và mưa. Mười lăm năm ngẫm lại
ơn Nụ Cười sau dốc nghẹn ‘Mạ ơi!’.
T.X.A.
1980 & 1995
* Vùng KTM. Hương Lâm. Hương Lâm có nghĩa là người dân Huế (sông Hương) ở Lâm Đồng (vùng cao nguyên Lâm Viên [Liang Biang] – thượng nguồn sông Đồng Nai). Về sau, cuối thập niên 80/XX, vùng KTM. Hương Lâm tách thành hai xã Hương Lâm và Đạ Lây. Trong tiểu thuyết “Bên kia dốc ‘Mạ ơi!’”, tôi gọi vùng Hương Lâm (1977-1980) là Suối Hương (Đạ Hương).
Các bài thơ về Hương Lâm này đã đăng trên báo chí, tuyển thơ (1979-1982…) và in trong các tập thơ riêng đã xuất bản.
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/3031841893756408/
.
Sách của Trần Xuân An: “Bên kia dốc ‘Mạ ơi!'”:
.

.
Ảnh: Google search:

.

.