Chiếc cầu Ý Hệ (cầu Hiền Lương)

Người bắn nhau nhưng đâu phải bắn nhau, Bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó (TrầnXuânAn)

Archive for Tháng Tám, 2010

Thông tin: Những bài học lịch sử từ sự sụp đổ của ĐCS.LX.

Posted by Trần Xuân An trên 31.08.2010

hidden hit counter

Thông tin: Từ báo Nhân Dân điện tử,
cơ quan ngôn luận trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam,
từ 17-8 đến 30-8-2010:
NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ TỪ SỰ SỤP ĐỔ CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ

1.)

* Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô: Phần 1: Sự tan rã của Đảng CS
Liên Xô và Liên bang Xô Viết
 

2.)

* Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô: Phần 2: Lý luận cơ bản và
phương châm chỉ đạo của Đảng CS Liên Xô (kỳ 1)
 

3.)

* Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô: Phần 2: Lý luận cơ bản và
phương châm chỉ đạo của Đảng CS Liên Xô (kỳ 2)
 

4.)

* Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô: Phần 3: Công tác tư tưởng và
tác phong của Đảng CS Liên Xô (kỳ 1)
 

5.)

* Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô: Phần 3: Công tác tư tưởng và
tác phong của Đảng CS Liên Xô (kỳ 2)

6.)

* Những bài học lịch sử về sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô: Phần 4: Tầng lớp
đặc quyền của Đảng CS Liên Xô (kỳ 1)

7.)

* Những bài học lịch sử về sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô: Phần 4: Tầng lớp
đặc quyền của Đảng CS Liên Xô (kỳ 2)

8.)

* Những bài học lịch sử từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô: Phần 5: Những vi
phạm về nguyên tắc xây dựng Đảng (kỳ 1)

9.)

* Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô: Phần 5: Những vi phạm về
nguyên tắc xây dựng Đảng (kỳ 2)

10.)

* Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô: Phần 6: Chân dung một số
nhà lãnh đạo Đảng CS Liên Xô (kỳ 1)

11.)

* Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô: Phần 6: Chân dung một số
nhà lãnh đạo Đảng CS Liên Xô (kỳ 2)

12.)

* Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô – Phần 7: Các thế lực thù địch
tiến công Đảng CS Liên Xô bằng “diễn biến hòa bình” (Kỳ 1)

13.)

* Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô: Phần 7: Các thế lực thù
địch tiến công Đảng CS Liên Xô bằng “diễn biến hòa bình” (kỳ cuối)
  (Cập nhật theo báo ND.:2-9-2010)

(hết)


Ảnh lớn hơn: Những loại cờ, phù hiệu Nga & Liên Xô qua các thời kì

Về “Tầng lớp đặc quyền của Đảng Cộng sản Liên Xô”,
xem thêm: Tạp chí Xưa & Nay (in giấy), số 362, tháng 8-2020:
NGA: TỪ “QUÝ TỘC ĐỎ” ĐẾN THƯỢNG LƯU MỚI
Bài tổng hợp của Lê Đỗ Huy

Posted in Chưa phân loại | Leave a Comment »

Thông tin: “ĐỌC VĂN CHƯƠNG VÀ CẢM NGHĨ” đã được xuất bản thành sách giấy

Posted by Trần Xuân An trên 21.08.2010

hidden hit counter

CUỐN “ĐỌC VĂN CHƯƠNG VÀ CẢM NGHĨ” CỦA TRẦN XUÂN AN ĐÃ ĐƯỢC XUẤT BẢN VỚI HÌNH THỨC SÁCH IN GIẤY

Nxb. Thanh Niên (12-2009)

 >>>>>Ảnh bìa 1 lớn hơn>>>>>

 

>>>>>Ảnh bìa 1 lớn hơn>>>>>
(Ảnh chân dung tác giả [TXA.] với quốc phục truyền thống, ở phần gấp bìa 1)

Nhà sách Thành Nghĩa (hệ thống nhà sách – siêu thị Nguyễn Văn Cừ toàn quốc) liên kết in ấn & phát hành:
Địa chỉ nhà sách tại TP.HCM.:
288B An Dương Vương, P.4, Quận 5, TP.HCM., ĐT./Fax: (08) 38392516

>>>>>Ảnh bìa 4 lớn hơn>>>>>

Tác giả chân thành cảm ơn.
TXA.
____________________________________________________

Cập nhật ngày 07-9 HB10 (2010):
Tạp chí điện tử Sông Cửu Long giới thiệu sách mới
(chiều 06-9 HB10 [2010])
http: //www. vannghesongcuulong. org. vn/ modules.php? name =News&op =viewst&sid =7222

___________________________________________________________

Cập nhật, 12-9 HB10 (2010):

THÀNH THẬT CẢM ƠN TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ NGUYỄN HUỆ (TAM KỲ, QUẢNG NAM) VÀ NHÀ THƠ VÕ QUÊ ĐÃ GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: “ĐỌC VĂM CHƯƠNG VÀ CẢM NGHĨ” (Trần Xuân An, Nxb. Thanh Niên, 12-2009; Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa liên kết ấn hành):

1) Link THCS. Nguyễn Huệ, Tam Kỳ, Quảng Nam

2) Link Điểm mạng toàn cầu Nhà thơ Võ Quê

Trân trọng cảm ơn.
TXA.
12-9 HB10 (2010)

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , | 4 Comments »

THẮP LÊN Ý NGHĨA SỐNG — Ý THỨC TRONG THƠ NGUYỄN VÂN THIÊN

Posted by Trần Xuân An trên 19.08.2010

hidden hit counter


THẮP LÊN Ý NGHĨA SỐNG — Ý THỨC TRONG THƠ NGUYỄN VÂN THIÊN
(Đọc tập thơ “Điếu thuốc, cây nến và que diêm”)

Trần Xuân An

https://i0.wp.com/lh3.ggpht.com/_HTtozhP6bR4/TGzy6VphwVI/AAAAAAAATOc/uv-s2u-PKDw/s800/biasach_tho-ngvthien_photoTXA.JPG

Ảnh bìa lớn hơn

Khởi đầu tập thơ “Điếu thuốc, cây nến và que diêm” (*) của mình, Nguyễn Vân Thiên khiến người đọc mở ra một kênh tôn giáo, tín ngưỡng trong tâm thế tiếp nhận, cho dù nhiều người chỉ có kiến thức về loại đó. Nhưng ngay sau bốn dòng thơ đề từ, với bài đầu tiên trong tập, dăm dấu hỏi lại hiện ra trong tâm thế ấy: Người làm thơ này, liệu có thực một niềm tin tôn giáo trong anh? Hẳn anh ta không phải là người thật sự tin vào Yê-su (Jésus), theo đúng như tín điều về Yê-su, Thiên Chúa giáo và các tôn giáo có chung cội rễ Thánh Kinh thường xuyên rao giảng?

Điếu thuốc như gã bụi đời ăn chơi tự tử
Cây nến giống nhà tu hành khổ hạnh hi sinh
Cả hai đều tự đốt mình
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu diêm không bật lửa?!”

Que diêm nào trong đề từ ấy? Phải chăng ý nghĩa sẽ khác đi, nếu Nguyễn Vân Thiên viết: “như điếu thuốc, gã bụi đời ăn chơi tự tử / giống cây nến, nhà tu hành khổ hạnh hi sinh… / nếu Thượng Đế, Ma vương không là que diêm bật lửa?!”. Nhưng không phải anh viết về hai loại người đối lập hẳn nhau về ý thức đạo đức và cũng không phải viết về Thượng Đế, đấng siêu linh tối cao, hay quỷ sứ ma vương nào đó chăng? Đúng vậy chăng, với ba hình ảnh “điếu thuốc”, “cây nến”, “que diêm” được anh chọn làm tên tập thơ đồng thời được anh cho in đậm ở đề từ, Nguyễn Vân Thiên xác định rõ, anh chỉ viết về những vật dụng trên bàn làm thơ của chính anh: điếu thuốc lá ngún khói trên chiếc gạt tàn, cây nến đang tỏa sáng, soi xuống những trang bản thảo, và bàn tay anh, chứ không tác nhân siêu hình nào cả, đã đánh diêm, bật lên ngọn lửa, để thắp thuốc và thắp nến? Có điều, phải vậy chăng, anh băn khoăn, nếu lỡ cả bao diêm đều ướt nước, thì anh và tất cả đều chìm trong bóng tối?

Thật ra, đúng hơn, Nguyễn Vân Thiên khi viết bốn dòng đề từ ấy, anh viết về những vật dụng cụ thể là “điếu thuốc”, “cây nến”, “que diêm” trên bàn viết của anh, chỉ vì chúng đã gợi cho anh liên tưởng… Đó là ba ẩn dụ có tính biểu tượng, theo quan niệm của riêng anh, về thiên chức thi sĩ (bật lửa) và “ông ác” (độc dược), “ông thiện” (ánh sáng) của chính đời sống anh, của cõi thế gian này.

Nhưng ngay sau đó, Nguyễn Vân Thiên còn cho người đọc biết, ở một khía cạnh khác, vật dụng góp phần đắc lực vào thiên chức thi sĩ không chỉ là que diêm bé mọn, mà còn là cây đinh không tên tuổi, hay chính xác hơn, là que diêm hay cây đinh thì vẫn là bé mọn, không tên tuổi. Bé mọn, không tên tuổi, nhưng quả là có ích hay gây tác hại, thậm chí có trường hợp, những vật bé mọn, không tên tuổi ấy lại gây tác hại để rồi được tồn tại một cách đầy mỉa mai, phi lí. Bài thơ có tên “Cây đinh” với nội dung đó, anh chọn là bài đầu tiên của tập thơ.

Tuy nhiên, ở bài “Cây đinh” này, tôi tin chắc người đọc sẽ chú ý đến hai chữ Thánh nhân anh dùng để gọi Chúa Yê-su. Yê-su đối với Nguyễn Vân Thiên, không phải là Thiên Chúa (Thượng Đế) giáng sinh làm người trần gian, để rao giảng đức tin vào Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Đức Chúa Thánh thần và sự cứu rỗi, mà chỉ là con người có phẩm chất vượt trội mọi người chung quanh, trở thành bậc thánh nhân. Thượng đế xuống thế gian làm người và người phàm tốt đẹp đến mức được tôn vinh là thánh, là hai sự thể trái ngược nhau. Đó là cả một vấn đề hết sức nghiêm trọng, đối với tín đồ Thiên Chúa giáo, Chính Thống giáo, Anh giáo, Tin Lành… Với các tín đồ ấy, họ sẽ nghĩ Nguyễn Vân Thiên chỉ là kẻ ngoại đạo, không có đức tin vào giáo điều tối thượng, một giáo điều trên tất cả mọi giáo điều trong tôn giáo của họ.

“Có cây đinh qua tay quỷ dữ
Treo đời Thánh nhân lên thập tự
Lại được tôn thờ cùng với Thánh nhân (!)”

Cũng như thế, anh viết ở bài “Nghi vấn nụ hôn” (sđd., tr. 82):

“Ba mươi đồng có đắt đỏ gì đâu
Giá mạng Thánh nhân và một linh hồn”

Ở một bài thơ khác, cũng như tôi trước anh khá lâu, từng nhại (vâng, nhại, một cách lễ độ) câu khấn niệm khi làm dấu thánh và trong kinh Sáng danh (“nhân danh Cha, và Con, và Thánh thần, A-men”), anh viết:

“Nhân danh sao và trăng và mặt trời
Quì gối nói yêu em bằng lời Kinh Thánh
Xin một góc tim em ta xây lại thiên đường
Nhân danh thơ và rượu và hương
Xin được gởi nhớ thương vào nước Chúa

Nhân danh cỏ và hoa và bông lúa
Xin được chôn tình mình
trên cánh đồng quê
Bia đá xin đề:
Không tên không tuổi
Mắt nhớ môi mong đồng phụng lập
Mai lưu lạc khắp trời cao đất thấp
Biết chốn tìm về thắp nén hương yêu”
.

(Tương tư kinh, sđd., tr. 23)

Đó là cả một điều tối kị, là phạm thượng, là mắc trọng tội, đối với Thiên Chúa giáo…

Những tín đồ Thiên Chúa giáo thuần thành theo quan niệm thời Trung Cổ cũng như không ít ở một số địa phương, quốc gia hiện nay, còn có một giới răn là tuyệt đối không can dự đến những nghi thức, lễ hội, phẩm vật và cả phạm vi cúng tế của các tôn giáo khác, kể cả cúng giỗ cha mẹ, tổ tiên, anh hùng dân tộc, mà theo họ, tất cả đều là tà giáo, dị đoan. Vì thế, thơ Nguyễn Vân Thiên hẳn sẽ bị những tín đồ ấy vứt vào sọt rác, chẳng hạn như bài “Kinh xuân” (sđd., tr. 16-17), cho dù chỉ thể hiện một dịp anh đến viếng chùa Phật giáo bằng tâm thái của một thi sĩ – tình nhân, chứ không phải là đạo hữu, theo cảm hứng “thơm như tình ái của ni cô”, Hàn Mặc Tử từng viết.

Một lần khác, anh viết về “Nụ hôn trong căn nhà ổ chuột” (sđd., tr. 34-35), với cách nói đậm nghi thức lễ cúng Ngày Xá tội vong nhân của Phật giáo dân gian, tuy đó cũng chỉ là cách nói của một người không có niềm tin siêu hình, tín ngưỡng về ngày lễ ấy:

“Đốt thơ cúng tình tháng bảy
Cô hồn khóc đói môi hôn”

Cùng âm hưởng và giọng điệu ấy, anh còn viết “Đám giỗ tình yêu” (sđd., tr. 38):

“Hằng năm anh vẫn nhớ ngày
Thắp hương kỉ niệm chắp tay vái tình
Chết oan tình chắc hiển linh
Thơ xưa đem đọc thay kinh nguyện cầu

Kể từ tình chết chôn sâu
Mộ hồn cỏ nhớ xanh màu đìu hiu
Mây hoàng hôn rớt lệ chiều
Nghiêng tim rót chén thương yêu cúng tình

Nhớ ơn cha mẹ dưỡng sinh
Ba năm tang chế sáng tình cháu con
Kể từ tình khuất bóng non
Hơn mười năm lẻ hồn còn khăn sô”.

Nguyễn Vân Thiên còn vô tình hay hữu ý hé lộ cho người đọc biết, quả thực, anh vốn là đứa con của một gia đình chỉ theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên hay là Phật giáo:

“Mười năm vin cửa dấu tay mòn
Cha đứng nhìn ngõ khuya xào xạc gió
Thắp mười năm, chân tàn hương còn đó
Đếm từng đêm nguyện cầu,
mẹ khóc nhớ con xa”

(Ngã ba, sđd., tr. 50-51)

Bằng kết cấu đối sánh, Nguyễn Vân Thiên còn biểu hiện hai mặt đối lập, tôn giáo và trần thế:

“Linh mục và chim ăn chung cơm bánh
Chẳng biết là chim theo Đạo hay Đời?
Đang đứng ngẩn ngơ lặng nghe nhạc Thánh
Vụt bay ra đồng, chim nhặt thóc rơi

Linh mục áo dòng đen
Bồ câu lông mượt trắng
Linh mục cầu kinh
Chim vờn giỡn nắng
Linh mục một mình
Chim có đôi”

(Linh mục và chim câu, sđd., tr. 64-65)

Chỉ vì chim bồ câu thích tự do và tình yêu đôi lứa, như những dòng thơ đầu bài, Nguyễn Vân Thiên đã thể hiện! Rồi ở câu kết, hóa ra, tự do chân chính mới là tất cả, chứ không phải là những giáo điều siêu hình chết cứng: Chim bồ câu đã bay xa cuối trời…

Thật ra, Nguyễn Vân Thiên không chỉ làm thơ với những từ ngữ, nghi thức tôn giáo hay bóng dáng giáo đường, chùa chiền, linh mục, ni cô… Anh còn có nhiều bài thơ không vương víu gì đến tôn giáo, chỉ thuần những khía cạnh tình cảm trong trắng thời trai trẻ hay tình bạn thuở thơ dại ở quê nhà, một làng quê Quảng Nam nào đó.

Đọng lại trong tôi về thơ Nguyễn Vân Thiên là mảng thơ bình thường nhưng tinh tế, dễ thương, sau khi trừ đi những bài tương tự, làm nhẹ hẫng đi tập thơ. Tuy nhiên, mảng thơ tôn-giáo-mà-không-tôn-giáo của anh có gì đó gần gũi với mấy tập thơ của tôi, đã được xuất bản từ 1991, 1992, 1993… Tôi cũng nghĩ, có thể tôi đã mang tâm thức của riêng tôi để phóng chiếu vào thơ Nguyễn Vân Thiên, chứ thật ra, Nguyễn Vân Thiên không phải như tôi đang viết về thơ anh. Có điều, dẫu sao văn bản thơ của anh đã xác tín giúp tôi những gì tôi đang viết. Đời sống tâm linh đích thực của anh ư? Quả thật, bẵng đi gần hai mươi năm, tôi không rõ anh hiện nay như thế nào, chỉ biết anh đang là một thành viên trong ban biên tập Tạp chí Người Đương Thời…

Dẫu sao, hi vọng Nguyễn Vân Thiên luôn ý thức về ý nghĩa sống với hai biểu tượng sóng đôi, “điếu thuốc”, hiểu như phần tệ hại trong mỗi con người, bản thân mỗi người tự tiêu phí, tự hủy hoại, thậm chí làm ô nhiễm không khí, và “cây nến”, hiểu như phần tốt đẹp cũng trong mỗi con người, bản thân mỗi người không ngừng tự thắp lên, tự soi sáng, không chỉ cho mình mà cả cho những người xung quanh, cho xã hội, cùng với biểu tượng thứ ba, “que diêm”, hiểu như sát-na bừng thức, bật lên ngọn lửa nội tâm, ngọn lửa sự sống, cảm hứng sáng tạo thi ca. Chúng ta làm ô nhiễm và tự làm ô nhiễm đâu chỉ bằng khói thuốc lá, mà còn bằng khói xăng, bằng âm nhạc cuồng loạn, rượu chè bê tha… Chúng ta cũng thắp sáng chính mình và cõi đời, đâu chỉ bằng ánh nến, mà còn bằng nụ cười thân thiện trước kẻ lỗ mãng, sự kìm nén thất tình, lục dục trong chính mình… Cảm hứng sáng tạo, sáng tạo nên cái đẹp (cái tốt, cái công bằng, cao cả, nhân hậu…) và truyền bá, tỏa sáng cái đẹp đích thực ấy cho đời, đâu chỉ từ que diêm hay những vật dụng đánh lửa hiện đại khác, mà còn là và chính là tia chớp của trí tuệ, cảm xúc thiện tâm… Phải chăng đó là thông điệp thi ca Nguyễn Vân Thiên gửi đến chúng ta?

Trần Xuân An
TP.HCM., buổi sáng, ngày 19-8 HB10

__________________________

(*) Nguyễn Vân Thiên, “Điếu thuốc, cây nến và que diêm”, Nxb. Đồng Nai, 1996, 11,5 x 18,5 cm, 82. tr.

Tác giả bài viết (TXA.) có điều chỉnh lại nhan đề tập thơ cho đúng nguyên tác, sau khi đọc lại. Thành thật cáo lỗi.

Đã gửi đăng trên Tạp chí điện tử Sông Cửu Long, các tạp chí điện tử tự lập TranNhuongCom, PhongDiepNet, Văn chương Việt, lúc khoảng 14:00, ngày 19-8 HB10

ĐẴ ĐĂNG:

Bấm vào đây: PhongDiepNet, TranNhuongCom

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Minh sư nào trong”chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi”?

Posted by Trần Xuân An trên 14.08.2010

hidden hit counter


MINH SƯ NÀO TRONG “CHUYỆN NGUYỄN HOÀNG MỞ CÕI”?
(Đọc tiểu thuyết Thái Bá Lợi)

Trần Xuân An

( Xem trên Tập Thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam )

 

https://i0.wp.com/lh6.ggpht.com/_HTtozhP6bR4/TGYBjGD3XVI/AAAAAAAATN4/NOkcZZhCUqQ/s400/biasach-minhsu-thbaloi_webtxa-14-8hb10.JPG


Ảnh bìa lớn hơn & rõ nét hơn

Cũng có thể xem bài viết ở PhongDiepNet, TranNhuongCom

Tôi vào Google để tìm thăm hai bài viết gần đây nhất của tôi, ít nhiều có đề cập đến nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng (1525-1613) (1), và tình cờ gặp được cuốn tiểu thuyết mới xuất xưởng, nộp lưu chiểu vào tháng 7 vừa qua của Thái Bá Lợi, trong một nhà sách trên mạng. Qua nhà sách trực tuyến có tên là Đất Việt ấy, tôi có được trong tay “Minh sư – chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi” (Nxb. Hội Nhà văn).

Trong khi chờ nhân viên nhà sách giao hàng, ấn tượng quá lâu rồi về tác giả của tiểu thuyết “Minh sư” chợt hiện ra trong tôi. Có lẽ sau “sự kiện” nhà lí luận – phê bình Hoàng Ngọc Hiến tung ra bài viết bàn về “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” trong văn học nước ta, khoảng vào năm 1979, và có lẽ trước “sự kiện” Tố Hữu đăng bài thơ “Đêm cuối năm”, đậm chất thế thái nhân tình kiểu Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, vào đầu năm 1982, tác giả Thái Bá Lợi đã được chú ý đến bởi “Hai người trở lại trung đoàn”. Đó là một truyện vừa đánh dấu sự thoát khỏi “chủ nghĩa hiện thực phải phép”, với nhân vật bị “bóc trần” phần nào đó, không còn được “tô hồng” đến tuyệt đối.

Khi cầm cuốn tiểu thuyết “Minh sư – chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi”, những trang đầu ghi lại cuộc chuyện trò giữa chị Tư Trà, một người vợ liệt sĩ, cùng một nhà nghiên cứu sử học trẻ, có tên là Đoàn Minh Thành, về “chuyện đàn đúm trai gái”, con rơi con rớt của thủ trưởng bộ đội cùng với sự thật là không phải trăm trận trăm thắng, mà có khi cả sư đoàn bị Mỹ đánh tan tác, cũng khiến tôi nhớ lại ấn tượng ấy.

Thật ra, những mảng hồi ức về cuộc chiến 1954-1975 với thực tại của hai nhân vật Tư Trà và Thành – những năm 2004-2009 gần đây – cũng chỉ là những đoạn xen kẽ, có tính chất dẫn truyện. Đoàn Minh Thành đang nghiên cứu về đề tài sử học có bối cảnh chính là xứ Thuận Hóa – Quảng Nam vào thời đoạn Nguyễn Hoàng (1525-1613) trấn nhậm. Vì thế, mặc dù đang chuyện trò hay cùng đi với chị Tư Trà ra Hà Nội tìm người cùng cảnh ngộ là vợ liệt sĩ bộ đội cùng đơn vị, Thành luôn bị ám ảnh bởi đề tài nghiên cứu. Đó cũng chính là kết cấu của cuốn tiểu thuyết “Minh sư – chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi”. Kết cấu ấy đại để cũng như “Mùa hè bên sông” (2) của tôi, với hai nhân vật Hiền Lương và Hành ở lứa tuổi hai mươi đang tìm hiểu và bị ám ảnh bởi quá khứ của các nhân vật đã trải qua các giai đoạn chiến tranh trước và sau các mốc lịch sử 1945, 1954, cho đến 1975, lúc Hiền Lương và Hành mới chào đời hay chỉ dăm bảy tuổi.

Trong “Minh sư – chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi”, ở bình diện lịch sử “mở cõi”, hầu như Thái Bá Lợi đã dồn hết tâm sức để tái hiện nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng và ba nhân vật hư cấu khác, cùng thuở bấy giờ: Đỗ Chiêu, Phạm Dữ và Nguyễn Thiệu; nhưng ở bình diện thực tại hiện nay, anh chỉ thỉnh thoảng nhấn nhá vẽ nên hai nhân vật hư cấu là Thành và chị Tư Trà.

Dẫu sao, Thái Bá Lợi cũng đã dành khoảng hai phần ba của cuốn tiểu thuyết dày 418 trang (13 x 21 cm) để viết về các nhân vật lịch sử có thật và các nhân vật hư cấu đương thời thuộc về một giai đoạn cách đây bốn, năm hoặc sáu thế kỉ, có thể bắt đầu từ các mốc lịch sử như chính Thái Bá Lợi đã để cho nhân vật Thành đoán định, áng chừng, 1471, 1558, 1602, và xoay quanh chúng (sđd., tr. 18).

Nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng trong sử kí Đàng Ngoài (“Đại Việt sử ký toàn thư”) hay Đàng Trong (“Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, “Đại Nam thực lục, tiền biên”…) đã được Thái Bá Lợi khắc họa thành hình tượng văn chương với những thao thức, trăn trở nội tâm, những nét tâm lí khá sinh động, gắn liền với những sự việc có thật, đã được sử sách ghi chép, trải dài theo hành trạng trọn cuộc đời của Nguyễn Hoàng (1525-1613). Ấn tượng chung, Thái Bá Lợi tạo ra trong trí tưởng người đọc, đó là một con người đức độ, có tài năng chính trị lẫn quân sự, luôn bình tĩnh, sống chan hòa với mọi người, kể cả thuộc cấp và nhân dân; và chính nhờ những ưu điểm đó, nên Nguyễn Hoàng chinh phục được quan tướng, sĩ dân Thuận – Quảng và danh tiếng còn vang lừng trong mọi tầng lớp ở Đàng Ngoài. Tuy vậy, vẫn có hai điểm khiến nhà nghiên cứu sử học Đoàn Minh Thành quên mất phương pháp sử lạnh lùng, khách quan để trôi hẳn vào suy tưởng, hình dung của nhà tiểu thuyết với rất nhiều cảm xúc và trăn trở:

— Đó là lúc Nguyễn Hoàng hi sinh người thiếp Ngọc Lâm (Ngô Thị Lâm) để thực thi kế mĩ nhân nhằm giết chết tên tướng nhà Mạc là Lập Bạo.

— Đó là lúc Nguyễn Hoàng gợi ý, tác động cho các tướng Lê – Trịnh là Bùi Văn Khuê, Lê Ngạn, Ngô Đình Kha làm phản, để rồi chính Nguyễn Hoàng lại tâu xin vua Lê, chúa Trịnh cho ông cất quân đi đánh dẹp, và nhân đó, ông cùng quyến thuộc, tướng sĩ trung thành trốn thoát vào Thuận – Quảng (vùng đất đầu tiên của cõi bờ Đàng Trong về sau) mà không còn lo có viên tướng nào đem quân cản chân, truy kích.

Nói đúng hơn, nhà nghiên cứu Đoàn Minh Thành này nghiên cứu nhưng không chỉ để làm luận án sử học mà còn để thỏa sức tưởng tượng trên cái nền nghiên cứu ấy. Do đó, chính Thành đã tự nhủ về truyền thuyết Trảo Trảo phu nhân cùng sự kiện nàng thiếp Ngọc Lâm, viên tướng Lập Bạo: “Thành có ý định tái hiện câu chuyện mà nhiều người đã biết, nó sẽ khác đi đôi chút so với những điều anh đã từng nghe, từng đọc…” (sđd., tr. 279). Cũng do đó, Thành băn khoăn về mưu kế Nguyễn Hoàng xúi các tướng làm phản để lừa Trịnh Tùng, nhằm loại bỏ nanh vuốt của y, và nhờ vậy, ông trốn thoát an toàn vào Thuận – Quảng: “Thành thì cứ băn khoăn về một nhân cách lớn lao ấy lại phải dùng đến mưu kế không lấy gì làm cao đẹp này”, “Thành cứ nghĩ Nguyễn Hoàng quay về Thuận Quảng bằng một cách khác chứ không phải bằng cái mưu kế này thì nhân vật của anh sẽ hoàn hảo xiết bao” (sđd., tr. 391). Thật ra, chính Trịnh Tùng, trong thư gửi Nguyễn Hoàng cũng viết là không rõ thực hư: “Không biết đó là bản ý của cậu, hay là nghe lầm gian kế của bọn phản nghịch. Nay Bùi Văn Khuê, Phan Ngạn đánh lộn lẫn nhau, và đều bị giết cả” (3), mặc dù sử thần “Đại Việt sử ký toàn thư” vừa chép lại lá thư ấy, vừa viết rõ: “Nguyễn Hoàng ngầm sai bọn Kế quận công Phan Ngạn, Tráng quận công Ngô Đình Nga, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê mưu phản” (3). Và có lẽ đúng với sự thật lịch sử hơn nữa, ấy là lúc Trịnh Tùng bạo nghịch, bức ép vua Lê và công thần đã đến mức không thể chịu nổi, nên Nguyễn Hoàng cũng như các tướng đành phải lánh xa hoặc chống lại Trịnh Tùng để mưu tìm đường sống. Lô-gích của lịch sử ở sự kiện này là vậy. Tuy nhiên, nhân vật Đoàn Minh Thành (nhà nghiên cứu sử học) của Thái Bá Lợi hình như vừa không muốn (đúng hơn, một cách vô thức, chưa thể) thoát khỏi tư duy lí tưởng hóa nhân vật vừa chưa thấu triệt sự thật lịch sử như tôi mới thử nhận định (là các tướng đành phải lánh xa hoặc chống lại Trịnh Tùng để mưu tìm đường sống). Nói cách khác, phải chăng các viên tướng ấy có quyền tự vệ chính đáng?

Nếu nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng được xây dựng thành một hình tượng văn chương đúng nghĩa nhưng không thoát li sử kí (cũng như sử học) thì các nhân vật lịch sử khác quanh Nguyễn Hoàng như Nguyễn Ư Dĩ (Tỵ), Tống Phước Trị, Mạc Cảnh Huống lại quá mờ nhạt, chưa có tính cách để trở thành những hình tượng nhân vật tiểu thuyết. Qua chuyện kể của chính mình, Bùi Tá Hán xem ra có phần sinh động hơn, nhưng việc Thái Bá Lợi để cho nhân vật hư cấu Phạm Dữ tiếp xúc với nhân vật lịch sử Bùi Tá Hán, nghe Bùi Tá Hán kể chuyện mình, hình như tình huống cũng hơi gượng ép.

Những nhân vật hư cấu như Đỗ Chiêu, Nguyễn Thiệu, Phạm Dữ hẳn đã được Thái Bá Lợi sáng tạo nhằm phản ánh tình hình cõi biên địa, qua các chuyến vào ra Thuận – Quảng của họ để vận động, góp phần vào công cuộc an dân, gồm cả hòa giải các xung đột giữa các sắc dân Chiêm – Việt – Thượng, cùng với việc dẹp cướp, trị các thứ phỉ vốn là tàn dư của quân binh nhà Mạc. Đúng là Thái Bá Lợi đã dành rất nhiều trang tiểu thuyết của mình để giúp người đọc hình dung ra toàn cảnh vùng đất Thuận – Quảng qua các đời Trần – Hồ – Lê – Mạc, đặc biệt là thời Lê – Trịnh, về địa lí, trình trạng các tầng lớp lưu dân, sắc dân cùng văn hóa nghìn đời ở họ, hoặc từ Đàng Ngoài mang vào, thể hiện trong ngữ ngôn, nếp ăn, cách ở, phong tục, tập quán, lối tư duy và ngành nghề (4), hoặc kết đọng ở những phương diện tương tự và ở đền đài, kinh đô Chiêm quốc suy tàn. Ba nhân vật Đỗ Chiêu, Nguyễn Thiệu, Phạm Dữ là các hình tượng có tính cách khá rõ nét, chứ không trừu tượng, mờ nhạt như Nguyễn Ư Dĩ (Tỵ), Tống Phước Trị, Mạc Cảnh Huống.

Qua tiểu thuyết, Thái Bá Lợi hình như cũng muốn nêu ra những băn khoăn về những vấn nạn lịch sử như xung đột Chiêm – Việt để góp phần hóa giải. Có điều, nỗi băn khoăn, tự tra vấn về mối liên hệ mà nhân vật Đoàn Minh Thành khiên cưỡng đặt ra giữa mâu thuẫn Chiêm – Việt với các vấn đề hậu chiến hiện nay (sau cuộc chiến 1945-1954-1975) vẫn chỉ là khiên cưỡng, thậm chí là áp đặt. Thật ra, vấn đề người Chiêm sinh tụ, chịu lưu chuyển, hoán đổi nơi cư trú, sinh sống là từ nghìn xưa, ít ra từ dăm bảy trăm năm trước, không chỉ ở Đàng Trong mà cả ở Đàng Ngoài… Sử sách thuộc loại kinh điển đã ghi chép rất rõ.

Nhưng rốt cục, theo Thái Bá Lợi, Minh sư là ai?

Đây chính là điểm mấu chốt để nhận định đúng thực chất của nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng. Minh sư không ai khác, mà chính là những ai đã nói đúng sự thật. Thái Bá Lợi để cho nhân vật Nguyễn Hoàng trò chuyện với những người lính hồn nhiên đã nói lên sự thật về ông: “… đúng là ta sợ chết mà thoát thân vào xứ này. Nào ta có nghĩ ngay được chuyện mở cõi như giờ đâu. Nhưng gặp vận mà không làm là có tội. Cũng như các anh quý mến ta cho ta một bữa ăn khi đang đói, nếu ta tham lam đòi ăn thật nhiều, hoặc khinh khi các anh, chê bữa ăn dở thì hai tội ấy ngang nhau. Các anh đã nhắc ta biết một sự thật mà ta có thể quên thì đó là Minh sư của ta” (sđd., tr. 414). Nhân vật Đoàn Minh Thành xem đó là câu kết: “Đối với Thành, hình ảnh người thống soái già rót trà mời lính và tôn họ là Minh sư đã khép lại những suy tưởng của anh về Nguyễn Hoàng” (sđd., tr. 415). Tuy thế Thái Bá Lợi còn cho nhân vật Thành nghĩ ngợi thêm: “Vậy ông có nhận quả báo nào không? Câu trả lời là có. Một thời, người ta xóa tên ông khỏi những trường học, những công trình, những con đường mà người trước đặt ra để nhớ ơn ông. Nhưng nếu bây giờ có sống lại, ông sẽ nói rằng ngay cả chuyện đó cũng là Minh sư của ta và ông lại nở một nụ cười xả bỏ với Thành” (sđd., tr. 418).

Liệu có gì đó chưa thỏa đáng chăng? Chúng ta biết, hiện nay, vấn đề đặt tên đường, tên trường học bằng tên một số nhân vật lịch sử vẫn còn gây tranh cãi: Liệu các nhân vật lịch sử ấy có xứng đáng hay không? Mặc dù vậy, nhưng những nhân vật liên quan đến vấn đề mở cõi, chiến tranh hai Đàng (Ngoài & Trong) vẫn được tôn vinh bằng cách đó: Nguyễn Ư Dĩ, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Chu… Vậy thì vì nguyên nhân nào Nguyễn Hoàng (1525-1613) lại bị xóa danh tính trên các biển đường phố, trên các cổng trường học? (1).

Chúng ta còn nhận thấy, những băn khoăn về cách nhận thức, lí giải các sự kiện lịch sử liên quan đến Nguyễn Hoàng và thời đại của ông, cũng như các nhân vật quanh ông, phò giúp ông rất đắc lực, như Mạc Cảnh Huống (vốn là một hoàng tử triều Mạc, trong khi hành trạng suốt đời Nguyễn Hoàng là diệt Mạc), cùng vấn đề, khát vọng đau đáu của nhân vật chị Tư Trà là hòa giải thời hậu chiến (chị những muốn vợ liệt sĩ, tử sĩ hai bên chiến tuyến chia sẻ niềm đau với nhau, với cả đại gia đình các dân tộc Việt Nam), Thái Bá Lợi dồn lại ở vài phần cuối của tiểu thuyết. Anh dồn lại và chỉ luận giải qua suy tư của nhân vật nhà nghiên cứu Đoàn Minh Thành, với ngôn từ trừu tượng và lập luận thuần lí, chứ không triển khai thành các chương đoạn tiểu thuyết với ngôn từ và tình huống hiện thực, cụ thể, sinh động, trực cảm của người kể chuyện. Và chính qua luận giải của nhân vật nhà nghiên cứu Đoàn Minh Thành, người đọc thấy được một số xuất xứ sử liệu anh ta sử dụng (hay chính Thái Bá Lợi đã tham khảo). Tuy nhiên, nếu Thái Bá Lợi chịu khó chú thích nguồn sử liệu kĩ lưỡng hơn, hẳn sẽ thỏa đáng hơn trong vấn đề xuất xứ tư liệu.

Những yêu cầu của người đọc như vậy không phải là thái quá với nhà văn Thái Bá Lợi hoặc sai lệch với thể loại tiểu thuyết (mặc dù Thái Bá Lợi không ghi rõ là thể loại gì ở cuốn sách này).

Trần Xuân An
Chiều 13-8 HB10 (2010) tại TP.HCM.

_______________________________

(1) Trần Xuân An, “Quanh vấn nạn lịch sử: Kẻ cát cứ hay anh hùng mở cõi?” & “Về cái chết của Nguyễn Diễn (Nguyễn Miện) và về hậu duệ của ông”, TranNhuongCom, PhongDiepNet (cuối tháng 7-2010).

(2) Trần Xuân An, TranXuanAn-WriterNet

(3) “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nội các quan bản 1697, tập 3, Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long dịch và chú giải, GS. Hà Văn Tấn hiệu đính, ĐHKHTH. Hà Nội làm sách dẫn, Nxb. VHTT., 2003, tr. 326-329.

(4) Tôi nhấn mạnh: Tất thảy các lưu dân vào Thuận – Quảng thuở bấy giờ đều mang theo trong tâm khảm, hành trang của họ nền văn hiến bốn ngàn năm của dân tộc, như một sự thể tất nhiên. Do đó, người Đàng Ngoài thuộc các thế hệ sau đó cũng như gần đây rất ngạc nhiên và khâm phục về bề sâu văn hóa Đàng Trong, nhận ra một cách tức thời Đàng Ngoài – Đàng Trong, Bắc – Nam chỉ là một, chung một cội nguồn Văn Lang – Đại Việt. Đó là chưa kể đến sự tiếp biến văn hóa từ các nguồn khác, trên căn bản bản sắc Việt, để trở thành giá trị văn hóa Việt.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , | 7 Comments »

Thông tin: BẦU CỬ TẠI ĐẠI HỘI HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM LẦN VIII

Posted by Trần Xuân An trên 05.08.2010

hidden hit counter



Thông tin từ VietNamNet:
KẾT QUẢ BẦU CỬ VÒNG 1 TẠI ĐẠI HỘI HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM LẦN VIII, 05-7-2010

Trích từ bài báo của Hạnh Phương – Vân Nam

Sau hơn 7 tiếng đồng hồ làm việc vất vả, Ban kiểm phiếu đã tìm được 30 người có số phiếu đề cử cao nhất trong tổng số 712 phiếu phát ra, thu về 693 phiếu, phiếu hợp lệ 692.

Danh sách 30 nhà văn được phiếu cao (xếp từ trên xuống dưới):

Hữu Thỉnh
Nguyễn Trí Huân
Trần Đăng Khoa
Nguyễn Quang Thiều
Hữu Ước
Lê Quang Trang
Trung Trung Đỉnh
Nguyễn Thị Ngọc Tư
Hồ Anh Thái
Đào Thắng
Nguyễn Thị Thu Huệ
Phan Trọng Thưởng
Phan Thị Vàng Anh
Đỗ Bích Thúy
Bằng Việt
Lê Văn Thảo
Trần Đức Tiến,
Trương Nam Hương,
Đình Kính,
Vũ Hồng
Văn Công Hùng
Dương Thuấn
Võ Thị Xuân Hà
Linh Nga Niếc Đam
Thanh Thảo
Nguyễn Hoa
Lê Minh Khuê
Đinh Quang Tốn
Nguyễn Thị Mai
Khuất Quang Thụy

Sau đó, có 12 người xin rút là:

Trần Đăng Khoa
Hữu Ước
Nguyễn Thị Ngọc Tư
Hồ Anh Thái
Phan Thị Vàng Anh
Đỗ Bích Thúy
Bằng Việt
Lê Văn Thảo
Trương Nam Hương
Thanh Thảo
Lê Minh Khuê
Nguyễn Thị Mai

Danh sách còn lại 18 người (*). Đại hội đứng giữa 2 lựa chọn: “đôn” những người thấp phiếu hơn cho đủ 30 người để bầu lấy 15 theo tỉ lệ bầu 2 lấy 1, hay chỉ bầu 18 người còn lại để lấy 15. Cuối cùng, bằng hình thức biểu quyết giơ tay, đại hội đã thông qua phương án 2.

Vào lúc 19h, Đại hội Hội nhà văn VN tiến hành bỏ phiếu bầu BCH mới. Với việc bầu 15 người từ 18 ứng cử viên, hy vọng đại hội nhà văn lần thứ 8 sẽ chọn được số lượng BCH như mong muốn.

Có lẽ đây là ngày làm việc mệt mỏi và muộn nhất của các đại biểu. Nhưng những người mệt nhất phải là các thành viên Ban kiểm phiếu, bởi họ sẽ phải làm việc suốt đêm nay để có kết quả bầu cử cho đại hội vào sáng ngày mai.

Hạnh Phương – Vân Nam

http:// vietnamnet. vn/ vanhoa/ 201008/ DH-Hoi-nha-van- Tham-luan -va- vo-tay- 927060/
______________________________

(*) Danh sách còn lại 18 người (để bầu vòng 2):

1. Hữu Thỉnh
2. Nguyễn Trí Huân
3. Nguyễn Quang Thiều
4. Lê Quang Trang
5. Trung Trung Đỉnh
6. Đào Thắng
7. Nguyễn Thị Thu Huệ
8. Phan Trọng Thưởng
9. Trần Đức Tiến
10. Đình Kính
11. Vũ Hồng
12. Văn Công Hùng
13. Dương Thuấn
14. Võ Thị Xuân Hà
15. Linh Nga Niếc Đam
16. Nguyễn Hoa
17. Đinh Quang Tốn
18. Khuất Quang Thụy

Thông tin trên được ông (bà) Cốc Tùng gửi tới điểm mạng này. Xin cảm ơn.

__________________________________________

__________________________________________

Thông tin từ Tạp chí điện tử tự lập TRANNHUONGCOM:
Sáng 6-8-2010

Hôm nay Đại hội VIII chính thức khai mạc. Nhân vật quan trọng đến dự là ông Trương Tấn Sang, thường trực Ban Bí thư. Chủ tịch Hữu Thỉnh đang đọc báo cáo chính trị.
Tranh thủ, TNc. đăng tải kết quả bầu cử Ban chấp hành khóa VIII

DANH SÁCH BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ VĂN KHÓA VIII

* Tổng số phiếu phát ra: 671
* Tổng số thu về 667
– Số phiếu không hợp lệ: 1

1. HỮU THỈNH 618
2. NGUYỄN TRÍ HUÂN 574
3. NGUYỄN QUANG THIỀU 509
4. LÊ QUANG TRANG 490
5. NGUYỄN THỊ THU HUỆ 440
6. VÕ THỊ XUÂN HÀ 414
7. ĐÀO THẮNG 424
8. VĂN CÔNG HÙNG 371
9. ĐÌNH KÍNH 399
10. TRUNG TRUNG ĐỈNH 506
11. KHUẤT QUANG THỤY 455
12. TRẦN ĐỨC TIẾN 434
13. NGUYỄN HOA 372
14. PHAN TRỌNG THƯỞNG 354
15. VŨ HỒNG 390

Nhận xét của nhà thơ Trần Nhương (TNc.), trong số đó:
– 9 vị 60 tuổi trở lên
(9 vị đã về hưu hoặc quá tuổi theo luật lao động chưa kịp về hưu)
– 5 nhà thơ
– 9 nhà văn xuôi
– 6 học viên Nguyễn Du khóa 1

__________________________________________

__________________________________________

Tin nhanh từ đại hội

BCH Hội nhà văn khóa 8 đã có phiên họp đầu tiên vào lúc 14g 30.

Tại buổi lễ bế mạc diễn ra vào hồi 15g 45 BCH mới đã ra mắt tòan thể hội viên và bước đầu có sự phân công nhiệm vụ, chức danh cụ thể cho từng thành viên như sau:

Chủ tịch:
Hữu Thỉnh
Phó chủ tịch:
Nguyễn Trí Huân
Lê Quang Trang
Nguyễn Quang Thiều
Ban Thường vụ:
Hữu Thỉnh
Nguyễn Trí Huân
Lê Quang Trang
Nguyễn Quang Thiều
Nguyễn Thị Thu Huệ
Trưởng ban kiểm tra:
Khuất Quang Thụy

Cuối tháng 9 phiên họp thứ hai của BCH sẽ diễn ra để tiếp tục triển khai các công việc cụ thể.

Thông tin từ PhongDiepNet

__________________________________________

__________________________________________

TỰ ỨNG CỬ (ĐÚNG NGHĨA CỦA TỪ NGỮ)
VỚI TINH THẦN TRÁCH NHIỆM CAO
LÀ MỘT ĐIỂM SON HIẾM HOI CỦA NỀN DÂN CHỦ GIAI ĐOẠN ĐỔI MỚI


Nhà văn Vũ Hồng

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , , | 4 Comments »

Thông tin: CÁC NHÀ VĂN CHƯƠNG KIẾN NGHỊ HỘI NÊN TỰ TÚC TỰ QUẢN

Posted by Trần Xuân An trên 05.08.2010

hidden hit counter






Nguyên văn trên Tạp chí điện tử tự lập BauxiteVN:
KIẾN NGHỊ TRÌNH ĐẠI HỘI VIII HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Hà Nội, ngày 03.8.2010

Để bớt đi một gánh nặng chi phí lớn cho Nhà nước (lấy từ tiền dân đóng thuế), chúng tôi, các nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ký tên dưới đây khẩn thiết kiến nghị Đại hội VIII của Hội quyết định dứt khoát rời bỏ cơ chế bao cấp, chuyển từ hội xin tiền Nhà nước lâu nay thành hội tự nuôi tự quản.

Tự thấy đây là kiến nghị rất hợp lòng dân, xin trân trọng nhờ các cơ sở truyền thông công bố rộng rãi để nhân dân biết rõ tâm nguyện của chúng tôi và các hội viên đồng tình với kiến nghị này tiếp tục ký tên nhằm nối dài thêm danh sách.

NHÓM KHỞI XƯỚNG KÝ:

https://i0.wp.com/lh4.ggpht.com/_HTtozhP6bR4/TFocCte7acI/AAAAAAAATLs/wHaKlajrYIQ/s800/danhsach-knghi-xoa-baocap-HNVVN.jpg

Xem tiếp danh sách với các chữ kí.

____________________________________

Một người đọc quý mến gửi danh sách được gõ bằng chữ vi tính đến:

1. Nguyễn Huệ Chi
2. Lại Nguyên Ân
3. Trần Nhương
4. Trần Thùy Mai
5. Tô Nhuận Vỹ
6. Nguyễn Quang Hà
7. Nguyễn Khắc Phê
8. Hoàng Phủ Ngọc Tường
9. Lâm Thị Mỹ Dạ
10. Bùi Minh Quốc
11. Ngô Minh
12. Võ Văn Trực
13. Võ Thị Hảo
14. Trần Kỳ Trung
15. Dư Thị Hoàn
16. Nguyễn Khắc Thạch
17. Trần Hoài Dương
18. Nguyễn Đắc Xuân
19. Cao Duy Thảo

… còn tiếp …

 

___________________________________________________________
___________________________________________________________

KHÔNG BIẾT CÁC NHÀ VĂN CHƯƠNG CÓ KÍ TÊN TRONG DANH SÁCH ĐÃ BIẾT NHỮNG LỜI VIẾT THÊM CỦA ÔNG NGUYỄN TƯỜNG THỤY, CUỐI DANH SÁCH, ĐĂNG TRÊN TCĐTTL. BAUXITE VN., 06-8-2010, HAY CHƯA BIẾT? TRONG LỜI VIẾT THÊM ẤY, CÓ MỘT Ý TƯỞNG ĐƯỢC DIỄN ĐẠT RẤT RÕ VỚI NỘI DUNG LÀ XÓA BỎ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI, CHỈ ĐỀ CAO KHẨU HIỆU “TỔ QUỐC TRÊN HẾT” MÀ THÔI. ĐỌC XONG, TÔI NGHĨ 27 NHÀ VĂN CHƯƠNG NÀY CÓ LẼ ĐÃ CAN ĐẢM BÀY TỎ CHÍNH KIẾN, DÁM THÁCH THỨC CÔNG AN VÀ NHÀ TÙ, ĐỒNG THỜI CŨNG NGỜ LÀ ÔNG NGUYỄN TƯỜNG THỤY ĐÃ XUYÊN TẠC Ý HƯỚNG CỦA 27 NHÀ VĂN CHƯƠNG ẤY.

TÔI VÔ TƯ ĐĂNG LẠI Ở ĐÂY VÀ NÊU CÂU HỎI NHƯ VẬY.

— TXA. —

Hoan nghênh các nhà văn

đề xuất kiến nghị bỏ cơ chế bao cấp

cho Hội Nhà văn


Đăng bởi bvnpost on 06/08/2010

Nguyễn Tường Thụy

Tiếp theo con số 20 người đã ký vào bản Kiến nghị trong ngày 4-8-2010, trong buổi sáng 5-8-2010 có thêm 7 nhà văn sau đây ký tên:

20. Thanh Thảo

21. Trần Công Tấn

22. Hoàng Tiến

23. Nguyễn Quang Lập

24. Nguyễn Vũ Lệ Hà

25. Lê Vân

26. Trần Ninh Hồ

Lập danh sách: Bauxite Việt Nam

Những nhà văn ký tên vào Bản kiến nghị trình Đại hội VIII Hội Nhà văn Việt Nam ngay ngày khai mạc đã làm một việc cao cả: Yêu cầu Đại hội VIII của Hội quyết định dứt khoát rời bỏ cơ chế bao cấp, chuyển từ hội xin tiền Nhà nước lâu nay thành hội tự nuôi tự quản nhằm giảm đóng góp của dân.

Tôi tin rằng Bản kiến nghị không có điều kiện để lấy hết chữ ký vì theo dõi tin tức thấy buổi sáng họp Trưởng đoàn nhà văn các khu vực, các hội viên còn lại đọc tài liệu ở nhiều nơi nhiều chỗ. Buổi chiều thì hội nghị các nhà văn đảng viên, các nhà văn ngoài đảng không biết làm gì nên chắc tản mạn mỗi nhóm một chỗ.

Tôi không rõ mỗi năm kinh phí cấp cho Hội Nhà văn cụ thể là bao nhiêu, hình như vài chục tỷ gì đó. Vài chục tỷ, chỉ bằng số tiền tham ô của một quan tham cỡ thường thường bậc trung mà sao có vẻ nghiêm trọng vậy! Một tỷ lệ qua nhỏ nhoi, bằng chừng phần vạn ngân sách Nhà nước nhưng đấy là cái tát vào mặt bọn tham nhũng nhung nhúc khắp nơi, khắp các bộ phận của bộ máy điều hành, quản lý xã hội.

Mặt khác, hơn ai hết, các nhà văn là những người yêu tự do. Họ không muốn để đồng tiền sai khiến, làm họ phải đắn đo mỗi khi cầm bút. Tại một đại hội, việc thảo luận về tính chất của Hội “là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp” hay “là tổ chức xã hội – nghề nghiệp” cũng là chuyện đau đầu. Vấn đề này cũng có ràng buộc. Nếu bỏ chữ “chính trị” đi thì không được cấp kinh phí hoạt động. Cuối cùng vì đồng tiền mà phải thêm chữ “chính trị” vào. Tờ báo Văn nghệ vẫn phải để dòng chữ “Vì chủ nghĩa xã hội” ở măng-set, cái chủ nghĩa có thể hô hào ngoài miệng nhưng chẳng có ai tin kể cả những người cổ xúy cho nó. Bao giờ thì thay được dòng chữ ấy bằng “Tổ quốc trên hết”? Hẳn điều này đã làm nhức nhối lương tâm của nhiều nhà văn. Riêng tôi thì nghĩ: một tác phẩm văn học nghệ thuật không thể nằm ngoài chính trị nhưng làm nghệ thuật không phải là làm chính trị.

Mừng thay còn nhiều nhà văn vẫn còn chất kẻ sĩ. Chúc cho Kiến nghị của các anh, chị được Đại hội thảo luận và nhất trí thông qua.

NTT

HO Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Đường dẫn lúc 7:41′, ngày 06-8-2010. Bấm vào để xem

VUI LÒNG ĐỌC BÀI THƠ CÓ CÂU “GỠ LỐI ‘BAO’ XƯA, NGƯỜI MỌC CÁNH” CỦA TỐ HỮU Ở PHẦN BÀN LUẬN (COMMENTS)

ĐÍNH CHÍNH & CÂP NHẬT BỔ SUNG:

Trong danh sách 20 nhà văn chương khởi xướng (đợt 1), sót tên họ dịch giả Đoàn Tử Huyến, và lầm danh tính Trịnh Hoài Giang thành Trần Hoài Dương. Thay mặt ông (bà) Cốc Tùng (người gửi danh sách đến), xin cáo lỗi cùng những vị có tên kể trên.

Cũng theo thông tin mới nhất do ông (bà) Cốc Tùng cung cấp, trong danh sách đợt 2, đã có thêm danh tính nhà thơ Thái Thăng Long.

Như vậy, đến hôm nay, 17-8-2010, tổng cộng cả hai danh sách là 28 vị.

WebTXA. sẽ không cập nhật bổ sung tiếp. Xin quý người đọc xem tiếp trên Tạp chí điện tử tự lập Bauxite VN. hay ở “Google tìm kiếm”.

TÂM NGUYỆN TỐT, PHÁP LUẬT MỞ, THÀNH CÔNG ĐẸP!

Trân trọng,
TXA.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , | 14 Comments »

VỀ CÁI CHẾT (1597) CỦA NGUYỄN DIỄN (NGUYỄN MIỆN)…

Posted by Trần Xuân An trên 02.08.2010

hidden hit counter






VỀ CÁI CHẾT (1597) CỦA NGUYỄN DIỄN (NGUYỄN MIỆN)
& VỀ HẬU DUỆ CỦA ÔNG

(SỬ KÍ, SỰ TÍCH LƯU TRUYỀN VÀ TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ)

Trần Xuân An

Hào quận công đích thực là ai?
Hào quận công đích thực đã chết như thế nào?
Những ai là hậu duệ đích thực của Hào quận công đích thực?

I. Hào quận công đích thực là ai?

Trong lịch sử cũng như trong đời sống hiện thực, có một số nhân vật trùng tên họ lẫn nhau. Còn về chức vụ, hàm và tước, sự trùng nhau là chuyện không đáng bàn. Thậm chí, ở trường hợp trùng cả mĩ hiệu lẫn tước, cùng trên một địa phương và cùng thời điểm, như “Hào quận công” cùng ở Hải Dương, cùng vào quãng thời gian từ 1596 đến 1598 là việc cũng có thể xảy ra, nhất là hai “Hào quận công” ở hai chiến tuyến khác nhau, một là quan tướng vua Lê chúa Trịnh đang truy quét tàn binh đối phương, một là quan tướng của nhà Mạc suy tàn đang cố sức phản kích.

“Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ tục biên” ghi chép về nhân vật Hào quận công trong thời điểm tháng giêng năm Bính thân (1596) như sau:

“Ngày mồng 2, Tráng vương ngụy Mạc Kính Chương dời ra đóng ở Yên Quảng… […] Ngày mồng 3, đến sông ở các huyện Thanh Lâm, Thanh Hà, đánh nhau với quân của Phan Ngạn từ giờ tý đến giờ ngọ, kịch chiến trên sông.[…] Viên tướng người Giao Thủy là Lễ quận công thấy thế giặc mạnh, tự liệu quân ít, sức không chống nổi, tự đem quân của mình lui trước. Phan Ngạn cho là nhát sợ, [chiếu theo quân pháp – TXA. chua thêm], chém chết đem rao cho mọi người biết. Thế là ai nấy đều liều chết cố đánh. […], bắt sống được mấy viên tướng giặc là bọn Hào quận công (không rõ tên)…[…] (1).

Đoạn sử ấy còn được ghi chép về việc quân của Phan Ngạn giả mặc áo quần của quân Mạc, bắt tướng Mạc Hào quận công, đang là tù binh, phải chấp nhận dẫn đường đến nơi Mạc Kính Chương (Mạc Tráng vương) đang đóng. Nhờ Hào quận công ấy nên quân của Phan Ngạn đi qua những chốt gác của quân Mạc một cách dễ dàng, lại được Mạc Kính Chương đích thân ra đón. Lúc ấy, Phan Ngạn tấn công, Mạc Kính Chương không kịp trở tay, bị bắt sống.

Như vậy, Hào quận công này, vốn không rõ tên họ, vốn là quan tướng nhà Mạc, hoàn toàn không phải là Hào quận công Nguyễn Diễn (còn có tên là Miện), quan tướng vua Lê chúa Trịnh, con trai thứ tư của Nguyễn Hoàng (1525-1613).

Qua đoạn sử ấy và đoạn sử vào năm Ất dậu (1598), người đọc còn thấy ngoài “Hào quận công”, còn có sự trùng mĩ hiệu và tước khác, đó là “Lễ quận công”. Hai Lễ quận công thuộc về hai chiến tuyến khác nhau, bên Lê – Trịnh và bên Mạc.

Nếu không có sự phân biệt như thế, người đọc sẽ rất khó tiếp thu, vì chúng ta biết rằng, trong nhiều trường hợp, mĩ hiệu, tước hàm đã được nhà viết sử gọi thay tên họ thật, lại có trường hợp không biết cả danh tính, nên chua thêm là “không rõ họ tên”.

II. Hào quận công đích thực đã chết như thế nào?

Chúng ta thử đối chiếu 4 đoạn sử dưới đây, từ các nguồn khác nhau:

1) “Đại Việt sử ký toàn thư”, bản kỷ tục biên [ĐVSKTT.BKTB., gọi tắt là “Toàn thư”, tục biên], bản Nội các quan bản 1697, bản dịch & chú thích: Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long; hiệu đính: GS. Hà Văn Tấn, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2003, tập 3, tr. 309-310, ghi chép như sau:

“… Đinh dậu, năm thứ 20 [1597] […] Tháng 11, ngày 20, Tiết chế Trịnh Tùng sai bọn Đô đốc đồng tri Hòa [Hào – TXA. sửa lỗi chính tả] quận công Nguyễn Miện, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê, Kế quận công Phan Ngạn đem thủy quân gồm 50 chiếc thuyền ra Hải Dương đánh phá đảng ngụy, khởi hành ngay ngày hôm ấy. Nguyễn Miện một mình tự kiêu khinh địch, tự cho là bọn giặc tàn chẳng đáng lo, không bàn bạc với các tướng, tự mình đem 4 chiếc binh thuyền bản bộ, khinh suất xông thẳng vào trong trận, đến chỗ giặc mai phục, gặp thuyền giặc. Hào quận công sai bắn súng lớn vào giặc. Lễ quận công bị trúng đạn chết ở trong thuyền. Giặc ở trong thuyền mặc áo của Lễ quận công, thúc quân đánh bừa, lại đâm chết Hào quận công tại trận. Quân hai bên đánh giết lẫn nhau, quan quân bị chết cũng đến hơn 80 người, quân lính đều chạy. Gặp quân của Bùi Văn Khuê tiếp đến, quân giặc bỏ thuyền lên bờ chạy tan. Văn Khuê lấy được thủ cấp của Nguyễn Miện rồi về. Sau Văn Khuê lại đem quân lùng tìm, lấy được đầu của Lễ quận công đem về kinh dâng nộp; [vua / chúa –TXA. chua thêm] sai đem bêu 3 ngày. Tiết chế Trịnh Tùng xét thưởng cho Văn Khuê 10 cân vàng, thăng chức thiếu bảo”.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục, tiền biên” (ĐNTL.TB.), Bản dịch của Tổ Phiên dịch Viện Sử học (Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính), Nxb. Giáo Dục tái bản, tập 1, 2002. tr. 34-35:

“Đinh dậu, năm thứ 40 [1597] […] Mùa đông, tháng 11, thổ phỉ Hải Dương là bọn Thủy, Lễ, Quỳnh, Thụy (đều không rõ họ, tự xưng quận công) kết bè đảng mấy nghìn, đánh úp giết tướng trấn thủ, cướp phá các huyện Thủy Đường, Nghi Dương và Tiên Minh. Hoàng tử thứ tư là Diễn (có tên nữa là Miện, làm quan triều Lê, chức Tả đô đốc Hào quận công) cùng tướng nhà Lê là Bùi Văn Khuê và Phan Ngạn lĩnh 50 binh thuyền đến đánh ở sông Hổ Mang. Diễn đem 4 chiếc binh thuyền bản bộ vào trước xông lên đánh, mất tại trận. Vua Lê truy tặng Thái phó”.

3. Quốc sử quán triều Nguyễn, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” (KĐVSTGCM., gọi tắt là Cương mục), Bản dịch của Tổ Phiên dịch Viện Sử học, Nxb. Giáo Dục, tập 2, 1999. tr. 217-219:

“Mậu tuất, năm thứ 21 (1598) […] Tháng 4, mùa hạ. Mưa. Lính thổ ở Hải Dương làm phản. Thái tổ Gia dụ hoàng đế ta đi đánh, dẹp yên được.

Lúc ấy ở xứ Hải Dương có Thủy quận công (không rõ họ tên) người làng Thủy Đường và Lễ quận công (không rõ họ tên) người Nghi Dương đều làm phản, cướp bóc ở quận huyện; lại có người ở Tiên Minh mạo xưng là anh em quận Quỳnh, quận Thụy (đều không rõ họ tên) họp bè đảng cướp bóc, bọn này cùng quận Thủy liên kết với nhau. Các huyện ở Hải Dương sợ hãi sự bạo ngược của họ, đều phải miễn cưỡng đi theo. Về phía nhà Lê thì Hào quận công Nguyễn Miện cùng bọn Phan Ngạn đem quân đi đánh. Miện vì khinh thường quân địch, bị giết chết. […] Trước đây… […] Đến nay, Thái tổ Gia dụ hoàng đế ta [tức Nguyễn Hoàng – TXA. ct.] thống lĩnh quân thủy, đem bọn thiếu bảo Bùi Văn Khuê đi trước đánh dẹp; hữu tướng Hoàng Đình Ái thống lĩnh quân bộ; Kế quận công Phan Ngạn thống lĩnh các cơ binh Nội Thủy. Ba đạo quân tiến đánh cùng một lúc. […] Bình định được hết xứ Hải Dương. Sau khi thắng trận, dẫn quân về, các tướng đều được thăng thưởng…”.

4. Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam liệt truyện, tiền biên” (ĐNLT.TB.), Bản dịch của Tổ Phiên dịch Viện Sử học (Đỗ Mộng Khương dịch, Hoa Bằng hiệu đính), Nxb. Thuận Hóa, tập 1, 1993. tr. 36-37:

“Hoàng tử thứ 4: Diễn. Sinh mẫu là ai không rõ. Diễn làm quan nhà Lê đến tả đô đốc, Hào quận công. Năm Mậu tuất [1598, Lê – Quang hưng 21 – Viện Sử học chỉnh & chua]. Mùa đông, thổ phỉ Hải Dương là lũ Lễ, Quỳnh và Thụy (không rõ họ ba người này) kết đảng vài ngàn người, giết tướng trấn thủ, cướp bóc các huyện Thủy Dương, Nghi Dương. Diễn cùng các tướng Lê Văn Kim, Phan Ngạn cùng đánh nhau với giặc ở sông Hổ Mang. Diễn đem binh thuyền dưới quyền mình xông vào trước, đâm chết tên Lễ. Giặc họp quân lại để đánh, Diễn bị chết trận. Vua Lê truy tặng thái phó, thụy là Nghĩa Liệt”.

Chúng ta thấy có sự khác biệt về cái chết của Lễ quận công (hay chỉ gọi là Lễ) thuộc phe nhà Mạc. Cái chết ấy thực sự là chết vì bị quân của Hào quận công Nguyễn Diễn (tức Nguyễn Miện) bắn bằng súng (theo ĐVSKTT.BKTB.) hay bị đâm bằng gươm dáo (theo ĐNLT.TB.)? Tuy nhiên, đó không phải là nhân vật chúng ta quan tâm khảo sát.

Cái chính ở đây chính là cái chết của Hào quận công Nguyễn Diễn (Nguyễn Miện). Cả bốn trích đoạn đều cho chúng ta thấy Nguyễn Diễn chết tại trận đánh, chứ không phải chỉ bị thương vì một mũi tên độc ở cánh tay, đến khi về đến doanh trại hay nhà người thiếp (vợ bé) mới chết. Trong cả bốn trích đoạn, trích đoạn từ ĐVSKTT.BKTB. là chứa đựng nhiều chi tiết cụ thể nhất: “… Giặc […] lại đâm chết Hào quận công tại trận. […] Gặp quân của Bùi Văn Khuê tiếp đến, quân giặc bỏ thuyền lên bờ chạy tan. Văn Khuê lấy được thủ cấp của Nguyễn Miện rồi về…”. Có thể nói gọn hơn: Quân Mạc đâm chết Hào quận công Nguyễn Diễn, cắt đầu ông; Bùi Văn Khuê sau khi đánh tan quân Mạc, tìm được thủ cấp của ông, mang về. Chúng ta cũng có thể suy đoán: Hình như phần thây không đầu của Nguyễn Diễn đã bị quân Mạc ném xuống sông, Bùi Văn Khuê (tướng Lê – Trịnh) không tìm ra. Chúng ta cũng có thể khẳng định: trong trường hợp tìm được thủ cấp với mặt mũi râu tóc (bị đâm chết và cái đầu bị cắt để bêu), thì không thể lầm lẫn.

Bốn đoạn trích bên trên là từ các bộ sử khác nhau, chủ yếu là của hai bên đối nghịch nhau về lập trường trong các giai đoạn sau, ở những thời đoạn các bộ sử được biên soạn. Đó là sử triều Nguyễn (Đàng Trong) và sử triều Lê – Trịnh (Đàng Ngoài).

III. Những ai là hậu duệ đích thực của Hào quận công đích thực?

Chắc hẳn đây cũng là điều đã quá rõ ràng, khi đọc đoạn truyện sử (tiểu sử) dưới đây:

“Diễn có bốn trai là Tuấn, Đường, Cơ, Phú, đều theo Thái tổ vào Nam. Hi Tông hoàng đế [Nguyễn Phúc Nguyên – TXA. ct.], năm thứ 19, Nhâm thân (1632), Tuấn làm Quảng Bình trấn thủ, hiệu lệnh nghiêm túc, quan lại và nhân dân đều được ở yên. Sau đó Tuấn được triệu về làm đến đô đốc. Đường và Cơ đều làm đến chưởng doanh. Phú làm đến đội trưởng” (2).

Chúng ta cũng có thể khẳng quyết sự thật là như vậy, vì trong trận đánh trên, có cả Nguyễn Hoàng (cha đẻ của Nguyễn Diễn):

“Mậu tuất, năm thứ 41 [1598], mùa xuân, tháng 3, chúa [tức là Nguyễn Hoàng – TXA. chua thêm] đem thủy quân đánh dẹp Hải Dương, phá tan quân thổ phỉ ở dãy núi Thủy Đường, bắt được đồ đảng giặc đem về” (3).

Đoạn trích từ “Cương mục”, ở phần trên (I.3.) của bài viết này, cũng diễn tả sự có mặt tại trận đánh của Nguyễn Hoàng:

“Trước đây… […] Đến nay, Thái tổ Gia dụ hoàng đế ta [tức Nguyễn Hoàng – TXA. ct.] thống lĩnh quân thủy, đem bọn thiếu bảo Bùi Văn Khuê đi trước đánh dẹp; hữu tướng Hoàng Đình Ái thống lĩnh quân bộ; Kế quận công Phan Ngạn thống lĩnh các cơ binh Nội Thủy. Ba đạo quân tiến đánh cùng một lúc. […] Bình định được hết xứ Hải Dương. Sau khi thắng trận, dẫn quân về, các tướng đều được thăng thưởng…”.

Như thế, Nguyễn Hoàng biết rất rõ cái chết của con trai mình (Nguyễn Diễn [tức Miện]) cũng như hoàn cảnh vợ con của Nguyễn Diễn. Khi Nguyễn Hoàng đem thân bằng quyến thuộc, tướng sĩ thuộc hạ trung thành vào Đàng Trong như một cuộc ra đi không hẹn ngày về, “một đi không trở lại”, vào hai năm sau (1600), ông đã mang theo 4 đứa cháu nội mồ côi cha (con của Nguyễn Diễn). Bấy giờ, nếu thật có đứa con cuối cùng của Nguyễn Diễn, tên là Năng, như trong một cuốn tiểu thuyết gần đây (tác giả cho rằng đó tư liệu lưu truyền trong gia tộc, được viết lại) (4), thì chú bé Năng ấy cũng đã 3 tuổi. Theo kinh nghiệm quan sát được, đứa bé ở tuổi nhỏ hơn thế, vẫn có thể đi đường biển dài ngày. Vả lại, khi Nguyễn Hoàng vào Đàng Trong, ông còn để lại một người con trai và một người cháu để làm con tin cho Lê – Trịnh, đó là Nguyễn Hải và Nguyễn Hắc:

“Canh tý, năm thứ 43 [1600] (Lê – Thận Đức năm 1, mùa đông, tháng 11, đổi kỷ nguyên là Hoằng Định; Minh – Vạn Lịch năm 28), mùa hạ, tháng 5, chúa từ Đông Đô trở về. Bấy giờ chúa đã ở Đông Đô 8 năm, đánh dẹp bốn phương đều thắng, vì có công to, nên họ Trịnh ghét. (5) […] chúa nhân dịp đem quân tiến đánh, liền đem cả tướng sĩ thuyền ghe bản bộ, đi đường biển thẳng về Thuận Hóa, để hoàng tử thứ năm là Hải và hoàng tôn là Hắc ở lại làm con tin. Nghe tin ấy, lòng dân xao xuyến. Trịnh Tùng ngờ chúa vào chiếm Tây Đô, bèn đưa vua Lê chạy về Tây Đô, để giữ vững căn bản. Đi đến huyện An Sơn, bọn hoàng tử Hải đón đường nói rằng chúa về Thuận Hóa, chỉ nghĩ việc bảo vệ đất đai, thực không có ý gì khác. Vua Lê vỗ về, vẫn cho bọn Hải quản binh như cũ. Chẳng bao lâu vua Lê lại về Đông Đô” (6).

Đó là chưa kể, sau khi đi biệt vào Thuận Hóa (Đàng Trong) (1600) không lâu, ông còn gả thêm một người con gái út là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng (con trai của Trịnh Tùng) nữa. Như vậy, Nguyễn Hoàng trước sau đã để lại trên đất Bắc (Đàng Ngoài) hai người con ruột, một cháu nội, chưa kể số cháu ngoại (7)… Với số lượng thân nhân ấy, lại đều là những người đang ăn bổng lộc Lê – Trịnh, chức quyền cao đến tót vời, chẳng lẽ họ không tìm cách nuôi dưỡng chú bé Năng nào đó; hoặc giả, mẹ chú bé Năng ấy chẳng lẽ không có dịp nào tìm kiếm thân thuộc vốn cùng huyết thống của chú bé Năng, trên đất Bắc?

Do đó, vấn đề đặt ra ở đây, là khi viết tiểu thuyết lịch sử, người viết sẽ xử lí như thế nào giữa sử kí với sự tích lưu truyền trong dân gian (thậm chí chỉ trong gia tộc nào đó), nếu giữa chúng có sự mâu thuẫn. Theo tôi nghĩ, người viết tiểu thuyết lịch sử không thể quên các thao tác của một người nghiên cứu khoa học, cụ thể là khoa học lịch sử, tối thiểu cũng phải ghi chú xuất xứ sử liệu, ý tưởng sử học vay mượn, và cẩn trọng ghi rõ đâu là tư liệu sử kí thành văn và đâu là các nguồn dân gian khác. Ngoài ra, những chỗ nào hư cấu vượt ra khỏi sử liệu thành văn đã được giám định, cũng phải chú thích rõ. Nếu không, tình trạng nhiễu loạn thông tin (kể cả bản quyền – sở hữu trí tuệ) là không thể khắc phục được. Tôi cũng nghĩ rằng, yêu cầu như vậy sẽ không hạn chế tính tiểu thuyết của tác phẩm.

Trần Xuân An
TP.HCM., khoảng 09:00 đến 16:37, ngày 02-7 HB10 (2010).

_________________________

(1) “Đại Việt sử ký toàn thư”, bản kỷ tục biên, sđd., tập 3, tr. 299-301: Bính thân [1596]; đối chiếu với Cương mục: Quốc sử quán triều Nguyễn, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, sđd., tập 2, 1999, tr. 209-201: Bính thân, năm thứ 19 [1596].

(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam liệt truyện, tiền biên”, sđd., tập 1, 1993. tr. 37.

(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục, tiền biên”, sđd., tập 1, 2002. tr. 34.

(4) Tố Hoài, “Ký tự chìm trên bia đá cổ”, Nxb. Thanh Niên, 12-2009. Biết đâu bài viết bổ cứu này sẽ góp phần giúp nhà văn Tố Hoài tìm ra những ẩn số lịch sử, từ lâu đã khiến anh trăn trở, thao thức kiếm tìm.

(5) Tôi tách khỏi đoạn này một ít chữ viết về sự chống đối của các tướng Lê – Trịnh về sau (1600), khi chúa Trịnh ngày càng vô đạo đến mức quá đáng: “… Gặp lúc bọn tướng Lê là Phan Ngạn, Ngô Đình Nga và Bùi Văn Khuê làm phản ở cửa Đại An (nay thuộc Nam Định)…” ĐNTL.TB., sđd., tập 1, 2002. tr. 34-35).

(6) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục, tiền biên”, sđd., tập 1, 2002. tr. 34-35.

(7) Nguyễn Hoàng còn có một người chị gái (Ngọc Bảo), thân sinh (Nguyễn Kim) gả cho Trịnh Kiểm trước đó (1600) khá lâu, tức là mẹ đẻ của Trịnh Tùng. Bà mất năm 1586.

Đã gửi đăng trên Tcdttl. TranNhuongCom & Tcđttl. PhongDiepNet
vào lúc khoảng 18:00, 02-7 HB10 (2010)

http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=10744

Có dăm chữ viết nhầm (về thế thứ thân nhân Nguyễn Hoàng), đã được sửa lại.

BÀI LIÊN QUAN:
QUANH VẤN NẠN LỊCH SỬ:
KẺ CÁT CỨ HAY ANH HÙNG MỞ CÕI?
(những ý tưởng ngoài lề
khi đọc tiểu thuyết “Ký tự chìm trên bia đá cổ” của Tố Hoài):
Bấm vào đây

Trần Xuân An

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , , , , , , , | Leave a Comment »