ĐẦU SÁCH THỨ BA MƯƠI HAI CỦA TRẦN XUÂN AN:
BÊN KIA DỐC “MẠ ƠI!”
Đầu sách thứ ba mươi hai của Trần Xuân An:
Bên kia dốc “Mạ ơi!”
truyện – hồi ức
(gồm 5 truyện ngắn liên hoàn):
1) Nụ cười Suối Hương (Đạ Hương)
2) Món nợ Suối Hương (Đạ Hương)
3) Nỗi đau Suối Hương (Đạ Hương)
4) Lối thoát Suối Hương (Đạ Hương)
5) Biểu tượng Suối Hương (Đạ Hương)
Phụ lục: Thơ Trần Xuân An về HƯƠNG LÂM (Đạ Hương)
Hoàn tất bản thảo vào cuối tháng chín HB12 (9-2012)
Đã gửi đăng ở Tạp chí Sông Hương qua đường bưu điện.
30-9 HB12

Vùng KTM. (“kinh tế mới”) HƯƠNG LÂM tại Lâm Đồng.
Kề một bên, phía trái, là ĐẠ LÂY.
Nguồn: Google Map
Lời thưa ngỏ
riêng về nguyên mẫu nhân vật và bối cảnh cụ thể
Ở cuốn truyện vừa (gồm năm truyện ngắn liên hoàn) này, tôi tự hư cấu tôi thành nhân vật tên Đình, trong bối cảnh có phần hư cấu và giữa những nhân vật khác ít nhiều cũng phải hư cấu, theo thủ pháp nghệ thuật điển hình hoá.
Lúc viết lại hồi ức về niên khoá 1979-1980, cách đây đã suýt soát ba mươi ba năm, vào tháng chín 2012, tôi đã năm mươi sáu tuổi. Tôi viết về chuyện mình, chuyện những người quanh mình, như thể viết về một người nào đó, những ai đó, xa lạ. Nhưng đây không phải là hồi kí – tự truyện mà là tiểu thuyết, một tiểu thuyết không dài (khoảng 120 trang sách – không kể phần phụ lục –, thường gọi là truyện vừa), và có phần hư cấu. Vâng, đúng vậy, có phần hư cấu, chứ không phải hoàn toàn hư cấu, tất nhiên là hư cấu theo một nguyên tắc nhất định, với ý thức tôn trọng hiện thực.
Nhìn tổng thể, hiện thực là như vậy, nhưng về chi tiết, tôi xin thưa trước, không phải hoàn toàn là chi tiết thật như vốn có. Có chi tiết cần phải tô đậm hay hư cấu thêm, hư cấu khác đi để làm nổi rõ nhân vật, tình huống hiện thực, bản chất hiện thực, theo yêu cầu của nghệ thuật viết truyện văn chương (khác với truyện sử kí), và đặc biệt, để bảo mật về thông tin riêng tư của các nguyên mẫu, về thực trạng thời sự thuở đó của một vùng đất.
Nói thế, nghĩa là vẫn thật sự có bóng dáng chính tôi và đồng nghiệp giáo viên cùng những người tôi quen biết, thân mến, quý trọng ở vùng đất tôi xin được gọi là Suối Hương (Đạ Hương), trong cuốn truyện vừa này. Đồng thời, nói thế, để tránh những ngộ nhận đáng tiếc, trên tất cả mọi khía cạnh, mọi lĩnh vực, chẳng hạn như về nhân thân, tư tưởng, hành vi của các nguyên mẫu nhân vật. Thậm chí, có thể xem như tất cả những con người thật, tình huống thật trong bối cảnh thật đều chỉ là các diễn viên sắm vai, các phân cảnh được bài trí trên sân khấu hay ở phim trường. Tuy vậy, nói thế, truyện vừa này vẫn rất chân thực, theo cách của tiểu thuyết nói chung và đặc biệt, theo cách của truyện văn chương – hồi ức, hồi ức được tiểu thuyết hoá.
Cũng xin được nhấn mạnh, vấn đề nguyên mẫu nhân vật, bối cảnh cụ thể không phải là chủ yếu của truyện văn chương (cho dù tiểu thuyết trường thiên, trung thiên hay đoản thiên).
Lời thưa ngỏ này được viết với tất cả lòng trân trọng, chân thành.
TXA.
20-9 & 03-10 HB12 (2012)
Suối Hương, tức là Đạ Hương (Hương Lâm, huyện Đa Huoai, Lâm Đồng, nay thuộc về huyện Đạ Tẻh) với dốc “Mạ ơi!”, dòng sông Đạ Dưng (Đạ Dung) — quãng cuối thượng nguồn sông Đồng Nai.
——— Nguồn bản đồ: Google ———
Xem bản đồ lớn hơn
Phụ lục:
Trần Xuân An
THƠ VỀ HƯƠNG LÂM *
_______________________
Bài 1
MÙA NGÔ
Ở VÙNG ĐẤT ẤM ÁP
1
tháng tư,
bắt đầu mùa mưa
giọt mưa rơi trên mái nhà
lăn vào lòng em câu hát
bắp ngô giống sáng ngời từng hạt
rơi vào gùi mây
âm thanh tháng tư
mưa tháng tư, mưa tháng tư
cao nguyên, cao nguyên đỏ thắm đến không ngờ
cơ hồ tình ca cao nguyên viết trên mặt đất
bàn tay ai làm tươi thêm triền dốc
dòng chữ màu xanh náo nức, bung ra!
bung ra! bung ra! ơi mưa!
thắm thiết mùa ngô
giọt mưa trong ngần long lanh từng khoé lá
soi nụ cười hồn nhiên rạng rỡ
và đôi mắt ngoan lành lóng lánh ai ơi…
vào mùa rồi! vào mùa rồi!
ơi bồi hồi
náo nức
bung ra!
âm thanh tháng tư tháng tư…
và cô gái kia ơi, ai hát tình ca?
trên cao nguyên Huế mới mẻ không ngờ…
2
anh trở về giữa bát ngát mùa ngô
nghe tiếng lá bổng trầm sao trở thành điệu hát
(dòng suối nhỏ dạo này chảy xiết
ngày chủ nhật vội vàng, mong sao kịp tìm em!)
ấm áp sao xóm làng người đồng hương
giữa cao nguyên bao la vô cùng yêu dấu
nơi anh thầm trao nỗi nhớ
nơi anh lắng nghe xôn xao tiếng hát mùa màng
ơi bao triền ngô quanh đồng lúa mênh mang!
sao làn điệu quê hương
gọi anh đến
bồi hồi trong tiếng lá
anh vẫn tìm ra em trong bao âm thanh
quen thân, bỡ ngỡ
(cho anh tìm ra anh trong khúc hát ông cha…)
xanh thắm mùa màng xanh thắm tình ca
anh bàng hoàng
giữa bát ngát mùa ngô
với tiếng lá bổng trầm long lanh đôi mắt
biết bao ấm áp quê nhà…
1979
Bài 2
MÙA VÀNG MIỀN CAO
nắng mùa khô đến rồi
trời xanh Ma-đa-gui
gió buổi chiều núi đồi
ngân nga trong mùa vui
mùa khô trên vùng cao
đồi vàng hươm sắc lúa
ai kia, trong chiều về
gùi vàng, chiều vàng hoe
nhớ cánh đồng tháng hạ
lòng sôi lên mùa ve
đây mùa mưa, tháng tư
lưỡi cuốc vung ngoài rẫy
tháng mười, đang mùa khô
trưa vàng, chiều rét ngọt
thóc vàng, lâng hương mơ
chờ mùa ngô mẩy bắp
một vùng đồi ấm áp
một vùng trời mưa bay
ơi đất nước rộng dài
bao nhiêu tháng mười hai?
cứ mong ai ngoài ấy
trong chiều Ma-đa-gui
giọng Huế nào ngọt vậy
giữa mênh mông núi đồi
nhớ mưa làng, phố cũ
nên nắng vàng chờ ai
quê hương là đất ở
là giọng nói không phai
nỗi nhớ quê lạ quá
hoá nỗi chờ mong ai
đất đỏ, vàng nắng gió
ngày xanh năm tháng dài
muốn về thăm ngoài đó
mùa vỡ đất đến rồi
ai vào cho đỡ nhớ
cùng gieo hạt ngày mai.
1979
Bài 3
THÁNG NĂM NÀY Ở LÀNG MỚI
làng giữa cánh rừng Tây Nguyên
mỗi tấm lòng vẫn trải ra đến từng ngọn cỏ xanh
biên giới
nương khoai chưa mênh mông
dãy nhà con dựng vội
vẫn vút lên tiếng hát trẻ thơ
từ thăm thẳm nghìn năm
đất nước là lòng mẹ, tiếng cười em
soi vào đấy, thấy mình hoài bé bỏng
soi vào đấy, hiểu mình không thể không khôn lớn!
người lên đường vì một làng mới đang xanh
lịch sử nghìn năm
thấm từng hạt đất Tây Nguyên
yêu làng mới
bằng lưỡi gươm Chi Lăng, Hàm Tử
nương khoai xanh hơn cho biên giới lửa
thì giặc đến, chỉ để núi sông này
sống dậy những chiến công
Tổ Quốc gọi lên đường
Tổ Quốc nghìn năm
đây, thác rừng Tây Nguyên hùng vĩ
làng mới dựng trên truyền thống cũ
dọc biên giới, từ trận đầu đã có mặt Hương Lâm.
1979
Bài 4
GẶP HUẾ Ở VÙNG ĐẤT THÁNG GIÊNG
Kính tặng làng Kẻ Vạn, thành phố Huế
trời vùng cao xanh mặt nước sông Hương
bé ngủ ngon lành dưới lời ru rất Huế
câu hát mới trên môi người mẹ
cho anh gặp quê nhà giữa bát ngát Tây Nguyên
qua những ngọn đồi tháng giêng
bồi hồi ngắm hai dãy nhà
bên con đường đỏ nắng
(tháng năm nào như kiếp lục bình,
nổi trôi bên bờ sông rác rến!)
nghe mơ hồ giọng hát mênh mông
đôi mắt đen tròn, sáng ấm nhìn anh
vẫn màu mắt bình thường của Huế
(gặp người Huế nơi đây
có lạ chi mà mừng rỡ!)
nhưng anh công tác xa nhà, nên thấy quá thân thương
xanh ngời lời hát ru, xanh ngời mái tóc sông Hương
hoa dầu Tây Nguyên quay nghiêng vành nón Huế
giấc ngủ em thơ mơ sân trường mướt cỏ
đủ xanh ngời buổi sáng riêng anh
anh sẽ còn yêu mãi Tây Nguyên
bởi rừng hoang đã ngời xanh chất Huế!
bé thơ ơi, rẫy lúa vàng
bướm chở hương về nôi nhỏ
anh muốn giữ mãi nụ cười
trong đôi mắt giữa mùa ngô.
1979 – 1980
Bài 5
NGƯỜI ĐÀN BÀ
GIỮA VÙNG RỪNG KHAI HOANG
người đàn bà ấy có đôi mắt thoáng buồn
hàng mi đen lấp lánh nắng
ngồi xới đất cho luống rau xanh non
hai bàn tay trắng hồng
trên màu đất của cánh rừng na-pan đốt cháy
ướt đẫm màu nắng mai đến muộn
người đàn bà ấy và tôi đều giật mình
tiếng trẻ con khóc
chị chạy vào nhà rửa tay và khẽ hát
lời ca thoáng buồn như đôi mắt
long lanh
giọng hát ấm áp như đôi tay trắng hồng
đặt trong nắng trộn hoà với đất
và tiếng cười trẻ thơ trong vắt
tiếng nựng con trong mái tranh
trên vùng rừng cháy đen đang sáng biếc chồi non
người đàn bà bỗng sáng loà trong khung cửa
cúi xuống mỉm cười
chợt thấy nụ cười mình nơi nụ cười con
và vùng rừng cháy đen bát ngát chồi non
lấp lánh trong mắt.
1980
Bài 6
DỐC ‘MẠ ƠI!’
Tặng các cô Thanh niên xung kích
thành phố Huế đã có công khai canh
làng Hương Lâm, Lâm Đồng.
ngang qua đỉnh dốc ‘Mạ ơi!’
nghe tươi trong tiếng gió vời vợi reo
năm nào, vách núi cheo leo
bủa quanh em, mây rừng treo, gai dày
mưa trôi giọt lệ chảy dài
khóc dưới núi này, em gọi: Mạ ơi!
Mạ ơi! đồng đội nghe rồi
tựa vai nhau vượt đỉnh trời, buốt tê
phát cây, xe lối, mù che
ánh trăng lòng mẹ, bạn bè soi thêm
dốc đời đá thủng gót mềm
lại nâng từng bước chân em vào đời
‘Mạ ơi!’ – dốc có tên rồi
tiếng yêu thương giữa lưng trời, âm vang
hóa hừng đông sáng xóm làng
là cửa ngõ, bay hương ngàn, nắng khơi
dẫu qua bao núi bao đồi
nâng lòng nhau – tiếng Mạ ơi năm nào
dốc dù vơi cạn trôi hao
tiếng yêu thương mãi ngân vào mùa xanh.
1980 – 1981
Bài 7
TỰ TRẤN AN
TRONG ĐÊM VỀ PHÉP
xa nhà mấy năm trời
ngẩn ngơ con đường nhỏ
cây em trồng ngày đó
xanh tốt đến không ngờ
ôi tóc mẹ bạc phơ
vẫn nắng chiều óng ánh
sờ tóc mình đen nhánh
có sợi cằn đang rơi!
ngẩng mặt nhìn đất trời
xấu hổ cùng cây cỏ
trước tuổi già đời mẹ
con vẫn chưa nên người!
một thoáng gió thở dài
giữa rừng khuya mưa lũ
để bây giờ, mẹ ơi
xoáy lòng con, bão tố
đêm, bên bàn học cũ
giọt lệ ngời Gương Soi
từ mắt con nóng hổi
hạt bụi nào tan, trôi…
tóc mẹ trắng chân trời
sáng cho con tầm mắt
con đường quê êm mát
cũng chỉ đường về thôi!
con hiểu rồi, mẹ ơi
tháng, năm như ghềnh, thác!
lòng vẫn trong mạch nước
từ nguồn đến biển khơi?
1981
Bài 8
RỪNG TRĂNG
khuya trăng mùa cũ vô ngần biếc
nghe từ thăm thẳm giọng ru hời
gió buốt giạt gần xa thác réo
chim gì kêu vun vút tiếng roi
mọt nghiến thanh giường, rền rất bệnh
nỗi niềm sốt rét chưa đành ghi
hăm hở cày sách và cuốc đất
đôi đêm nằm thèm giấc ngủ khì
thuốc rê giấy bổi họng đắng khét
đắp tấm chăn rách vá, ngó trời
y hệt mối đùn thân đàn đá
hóa nấm mồ, nhang lập lòe ngời
thống nhất mới lên xanh thấy vượn
thú hú buồn thơ hú được đâu
hỡi ơi, trồng tóc tiên thạch thảo –
hoa cằn, sợi mượt ai cạo đầu?
thầy giáo ở rừng thành cán bộ
chốn chiến khu súng chẳng cầm tay
cá suối gay bắt dù đóng khố
lá rau lưng lửng bước say bay
toan sống lang bang lính bỏ ngũ
làm thằng thi sĩ sầu điên mê?
nhưng lẽ chi đầu hàng cơ cực?
quỳ hôn bóng mình in lòng khe?!
học mót tiếng Thượng, đọc sách Mẽo
với học trò tuần bốn giờ gào
dẫu biết không mình thì kẻ khác
rừng đói cơm còn đói chữ sao!
cảm ơn người anh hùng lãng mạn
lay trái tim bằng ước mơ hồng
– thư viện xây trên đồi độc lập
điện sáng rừng – hào sảng cười ngông
cao nguyên một thuở trăng lộng ngát
sương móc rơi lạnh vỡ quanh nhà
thiếp mê hoảng đuối trước ghềnh xoáy
bật cười, tự nguyền rủa. Nắng òa.
1980 & 1995
Bài 9
NỤ CƯỜI ƯỚT MƯA SAU DỐC ‘MẠ ƠI!’
cổ thụ chết đứng lau tre quắt
rừng già còn ngấm chất da cam
tứ thơ sao để trơ và trụi
mưa xối hồn ào ạt thét gầm
lá rụng ngàn năm đất tơi xốp
mưa nhào dẻo quánh dọc triền sông
sên vắt nhảy búng xuyên vào ngực
tim hoài rỉ máu, thác ghềnh hồng
thác ghềnh ghềnh thác chảy xé đá
bom xô trái núi suối lệch nghiêng
mấy mùa mưa dội lên trang sách
thì đọc nỗi đời trong mắt hiền
mưa xanh rừng lửa, mưa làng mới
sũng mũ-tập-kết, nón bài thơ
già nua bủng và con gái bẫm
bầm cuồng sĩ ngố, beo giáo khờ
mưa chiến khu thời-chưa-hậu-chiến
trạm xá lán tranh sắp lớp nằm
mưa kháng chiến chống rách và đói
cấm vận, giặc phương bắc, tây nam!
mưa bom mưa truyền đơn, thuốc độc
tuổi nhỏ nhìn bay đặc góc trời
và mưa. Mười lăm năm ngẫm lại
ơn Nụ Cười sau dốc nghẹn ‘Mạ ơi!’.
1980 & 1995
TXA.
* Vùng KTM. Hương Lâm. Hương Lâm có nghĩa là người dân Huế (sông Hương) ở Lâm Đồng (vùng cao nguyên Lâm Viên [Liang Biang] – thượng nguồn sông Đồng Nai). Về sau, cuối thập niên 80/XX, vùng KTM. Hương Lâm tách thành hai xã Hương Lâm và Đạ Lây. Trong tiểu thuyết “Bên kia dốc ‘Mạ ơi!’”, tôi gọi vùng Hương Lâm (1977-1980) là Suối Hương (Đạ Hương).
Các bài thơ về Hương Lâm này đã đăng trên báo chí, tuyển thơ (1979-1982…) và in trong các tập thơ riêng đã xuất bản.
_________________________
ĐÃ ĐĂNG TRÊN TTTĐT. HỘI NHÀ VĂN
TP.HCM. (25-10-2012):
LINK: BẤM VÀO ĐÂY
http://nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/tieu-thuyet/truyen-vua-tran-xuan-an-suoi-huong-p1.html
&