
.
.
Bài đã được gửi đăng trên báo chí
THỬ TRẢ LỜI BÀI BÁO CỦA NHÀ BÁO KÌ CỰU PHAN QUANG
(Vua Hàm Nghi nghỉ lại nhà ai trên đường từ Huế ra Tân Sở năm thất thủ kinh đô 1885?)
Trần Xuân An
I. BĂN KHOĂN TỪ LỜI KỂ ĐẾN SÁCH SỬ
Trong một bài báo, đăng trên tạp chí Sông Hương năm 1989 (1), nhà báo Phan Quang nêu ra một băn khoăn từ thời tấm bé, liên quan đến lộ trình vua Hàm Nghi từ Huế bôn tẩu ra Tân Sở, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, sau cuộc kinh đô quật khởi và bị thất thủ năm Ất Dậu (1885). Điều đó khiến ông không nguôi trăn trở, thắc mắc. Trong nhiều năm qua, bài báo ấy ông đã cho đăng ở nhiều báo khác và cũng in trong một cuốn sách ông viết về quê hương Quảng Trị. Mới nhất, ngày 05-3-2016, ông cho đăng lại trên báo Lao Động cuối tuần, với những bổ sung mới liên quan đến nghi vấn ấy, nhằm góp phần làm sáng tỏ thêm. Ông viết: “Cha tôi thường kể: “Vườn mình xưa kia rộng lắm, nó trải từ bờ sông ra đến gần sát đường quan, cách đường có một dải ruộng rộc. Vì cảnh nhà sa sút, khoảnh vườn phải chia bốn xẻ ba, còn lại có thế này”. Cha lại kể: “Nhà mình xưa kia giàu lắm”. “Vì sao nhà mình nghèo đi?”. Cha thì thầm: “Vì vua đến rồi vua đi. Bất kỳ nhà ai, hễ vua ghé rồi vua đi thì không về nhà đó sẽ sa sút” (2). “Vua nào vậy?”. Trẻ thơ bao giờ cũng tò mò. Cha ghé sát vào tai tôi, tiếng thì thầm càng nhỏ hơn: “Đức Hàm Nghi” (3). Nhưng cả bài viết và phần bổ sung vẫn đọng lại ở một câu hỏi!
Như thế, băn khoăn, thắc mắc ấy vẫn còn đó, và ông chưa tìm ra lời giải đáp.
Điều người đọc nhận ra trước tiên, câu hỏi Phan Quang nêu ra, không phải khởi xuất từ sách vở, mà do chính chuyện thân phụ ông thầm thì kể lại cho ông. Người chị ruột của ông cũng như nhà báo Lê Bân, người gọi ông bằng cậu, cũng được nghe kể lại như vậy. Theo Phan Quang, sau này, khi ông lớn lên, có dịp đọc “Việt Nam sử lược” của học giả Trần Trọng Kim, câu hỏi ấy càng lớn dần trong ông. Phan Quang trích dẫn:
“… Lúc bấy giờ, vương tôn công tử, người đi ngựa, kẻ đi chân, dân gian thì trẻ cõng già, đàn bà dắt trẻ con, ai nấy chạy hốt hoảng tìm đường tránh cho khỏi chỗ binh đao.
Xa giá đến Trường Thi (*) vào nghỉ được một lát, thì Tôn Thất Thuyết lại giục lên đường, nói rằng quân Pháp đã sắp đuổi tới. Tối ngày 23 tháng 5, xa giá vào nghỉ nhà một người bá hộ, sáng ngày 24 ra đi, đến tối mới tới thành Quảng Trị. Quan tuần phủ Trương Quang Đản ra rước xa giá vào Hành cung và đặt quân lính để phòng giữ…” (4).
Do đó, nhà báo Phan Quang viết tiếp: “Tôi hằng trăn trở: “Người bá hộ” ấy có đúng là cụ Phan Duy Tân ông nội mình?” (3).
Và về sau nữa, trải qua mấy chục năm, mãi đến năm 2014, Phan Quang bắt gặp được một tư liệu khác, tuy không phải là sử kí hay nghiên cứu sử học, mà chỉ là hồi kí của một cá nhân: “Khúc tiêu đồng” của Hà Ngại. Viên quan triều Nguyễn ấy, làm quan sau thời 1885 khá xa, nên mức độ khả tín của cuốn sách cũng hạn chế. Dẫu vậy, Phan Quang trích dẫn:
“Vua và Thái hậu xa giá vừa đến Cửa Hữu, Nguyễn Văn Tường chực sẵn để xin hộ giá. Có chỉ truyền: “Tường nên ở lại lo việc nước”. Xa giá đến chùa Thiên Mụ, Tôn Thất Thuyết đến xin vua nghỉ một chút rồi tiếp tục đi ra Quảng Trị. Đêm ấy nghỉ tại nhà một bá hộ. Chiều ngày 24 đến Quảng Trị, quan Tuần vũ Trương Quang Đản rước vào Hành cung, tuần phòng cẩn mật…” (5).
Xem ra, riêng đoạn trích này, Hà Ngại (HN.) viết hầu như không khác gì Trần Trọng Kim (TTK.), như thể tác giả “Khúc tiêu đồng” đã chép lại của tác giả “Việt Nam sử lược”:
1) Vua Hàm Nghi cùng Ba Cung (thái hoàng thái hậu Từ Dụ, hai hoàng thái phi – vợ của tiên đế Tự Đức) và đoàn tuỳ tùng có nghỉ lại trong đêm 23-5 năm Ất Dậu (tức đêm 05-7-1885) tại nhà một bá hộ trên đường từ Huế ra đến hành cung tại Thành Quảng Trị;
2) Sáng 24 (tức 06-7-1885), vua Hàm Nghi cùng Ba Cung và đoàn lại đi tiếp, đến tối (theo TTK.) hoặc chiều (theo HN.) mới tới Thành Quảng Trị.
Chính Trần Trọng Kim (sách xuất bản lần thứ nhất, 1921) và Hà Ngại (sách xuất bản năm 2014) đã củng cố thêm, để lời kể thì thầm từ cha ruột trong thời tuổi nhỏ của Phan Quang trở thành như là một sự thật được xác nhận: Vua Hàm Nghi có nghỉ đêm tại nhà một bá hộ thật. Nhưng bá hộ ấy có phải là ông nội của Phan Quang, tức là cử nhân Phan Duy Tân, làm quan đến chưởng ấn (6), vì nhiều lần can vua, nhưng không hợp, nên bị huyền chức (theo gia phả), hay không, như thân phụ ông đã kể?
Riêng bản thân tôi (Trần Xuân An), tôi cũng đã nhiều lần từng nghe đọc lịch sử làng Diên Sanh, mỗi khi vào dịp tế lễ tại đình làng (7) trong những năm tôi có mặt tại làng ấy, và mới đây cũng đọc được một văn bản có nhan đề là “Sơ lược lịch sử làng Diên Sanh”, do ông Nguyễn Tín Thừa chấp bút ngày 20-02 Quý Tị (31-02-2013). Cả hai nguồn này, trong đó đều có thông tin: Đình làng Diên Sanh là nơi vua Hàm Nghi nghỉ lại, trên đường từ Huế ra Quảng Trị, sau khi kinh đô thất thủ (05-7-1885, tức ngày 23-5 Ất Dậu), tuy không xác định thời gian dừng chân, nghỉ lại là giờ nào, bao lâu.
Như vậy, đâu là sự thật? Vâng, đâu là sự thật, mặc dù phải nói thẳng rằng đây không phải là một tình tiết lịch sử cực kì quan trọng đối với sử học mà, đúng ra, nó vô cùng quan trọng đối với nhà báo lão thành Phan Quang chỉ vì liên quan đến kỉ niệm gia đình, quê hương và tuổi thơ ông, đặc biệt là đối với ngày giỗ chung của nhiều gia đình trong họ, trong làng, vì đã có người ra đi theo vua Hàm Nghi, từ sáng hôm sau của đêm hôm ấy, và mãi mãi không về nữa?
Dẫu sao, tôi không thể không mạn phép truy vấn vào vấn đề, vì Ngày Giỗ chung ấy ở Thượng Xá đã tác động vào tôi, một đứa cháu ngoại của làng quê đó (mẹ tôi thuộc họ Phan nhánh Văn).
Tôi ngẫm nghĩ, và thấy có hai điểm cần nêu ra từ bài viết trên của Phan Quang:
1) Theo thông tin trong bài viết ấy, thì người bá hộ có thể là thân sinh của cử nhân, chưởng ấn Phan Duy Tân, tức là ông cố nội (cụ nội) của Phan Quang, cũng là người gọi chưởng vệ, thống chế Phan Bân (8) là anh ruột, chứ không nhất thiết là ông Phan Duy Tân. Vị cố nội này, một người giàu có, nhưng không làm quan, nên gọi là bá hộ, hẳn hợp lí hơn.
2) Nếu vua Hàm Nghi cùng Ba Cung và đoàn tuỳ tùng nghỉ đêm tại nhà em ruột thống chế Phan Bân ở làng Thượng Xá, Hải Thượng, Hải Lăng, tức nhà của gia tiên ông Phan Quang, thì không được hợp lí lắm, nếu theo trích đoạn từ sách Trần Trọng Kim, sách Hà Ngại. Bởi lẽ, từ làng của Phan Quang ra đến Thành Quảng Trị (nay thường gọi là Thành Cổ hay Cổ Thành) chỉ khoảng 5 km đường bộ, không có sông giữa quãng đường ấy, mà phải đi từ sáng đến chiều hoặc đến tối mới tới sao? Vua và Ba Cung cùng tuỳ tùng đang chạy giặc, để tìm cách khôi phục kinh đô, nghĩa là trong tình huống cực kì khẩn cấp, chứ đâu phải nhẩn nha du ngoạn! Vì vậy, có thể đặt giả thiết: Vua Hàm Nghi và đoàn nghỉ đêm tại Văn Xá. Tuy nhiên, Văn Xá là nơi có nhà cửa ruộng vườn của gia tộc thân mẫu vua Minh Mạng và có đền thờ bên ngoại của tiên đế (ngoại từ nhà Nguyễn), sao Trần Trọng Kim, Hà Ngại lại gọi là nhà một người bá hộ, một từ dùng để phong cho nhà giàu thường dân (bá hộ, thiên hộ)?
Tôi phải tra cứu từ tư liệu chuẩn cứ là “Đại Nam thực lục”.

II. TRA CỨU TƯ LIỆU CHUẨN CỨ
Quốc sử quán triều Nguyễn viết trong “Đại Nam thực lục” như sau:
“(Khi đó, [đoàn] tùy [tùng và xa] giá, chỉ có xe loan [:xe vua Hàm Nghi, xe Tam Cung] và lính biền binh lẻ tẻ chầu chực, trên dưới ước một trăm (100) người. Còn dư [:số còn lại là] các dinh vệ, sau khi thua trận, đều [lập] tức tìm đường tản về quê quán).
Giờ ngọ [11 – 13 giờ], [đoàn tuỳ tùng, xa giá] mới đến xã Văn Xá [gần Huế]. Nghỉ một chút, [phụ chính Tôn Thất] Thuyết tức thì kèm vâng mệnh vua, [tường thuật] đêm qua, tình hình vua phải ra đi, thông báo cho thiên hạ cần vương (9). [Ông sai phái lính trạm] lần lượt [thông] tư cho Nam Bắc tuân làm.
Ngày bính thìn [hai mươi tư tháng năm (06.07.1885)], vua cùng với xa giá Ba Cung [Tam Cung] đến tỉnh Quảng Trị; dừng nghỉ ở hành cung” (10) (11).
Trước đoạn trích này, “Đại Nam thực lục” còn cho biết: “Giờ thìn [07 – 09 giờ sáng] hôm ấy, [xa giá vua Hàm Nghi và xa giá Tam Cung] bắt đầu từ cửa Tây Nam ra”; “[Nguyễn] Văn Tường vâng ý chỉ của Từ Dụ thái hoàng thái hậu và lưu lại giảng hòa” (12); “[Phụ chính Tôn Thất] Thuyết ra sau, gặp [xa] giá, bèn một mình hộ chuyển [xa giá] đến Trường Thi (ở xã La Chử). Nhân [thế, ông] kèm [xa giá] đi ra ngoài [phía] bắc (10).
Theo đó, mặc dù Trần Trọng Kim và Hà Ngại đều viết gần y hệt như vậy, chỉ khác là hai ông này có thêm chi tiết vua Hàm Nghi và đoàn nghỉ đêm 23-5 Ất Dậu tại một nhà bá hộ, còn “Đại Nam thực lục” không viết rõ nghỉ đêm tại nhà ai cả, cũng không phải tại đình làng nào.
Rút gọn và rõ hơn, theo “Đại Nam thực lục” về lộ trình:
1) Từ khoảng 7 đến 9 giờ, sáng ngày 23-5 Ất Dậu, vua Hàm Nghi và Ba Cung, với khoảng một trăm quan lính, từ Cửa Tây Nam Thành Nội ra khỏi thành, lên chùa Thiên Mụ, ra Trường Thi ở La Chử;
2) Từ khoảng 11 giờ trưa đến 13 giờ trưa mới đến Văn Xá;
3) Ngày hôm sau, 24-3 Ất Dậu (06-7-1885), mới đến Hành cung tại tỉnh Quảng Trị (tức là tại Thành Quảng Trị) (11).
Thử làm một phép tính, khi biết quãng đường từ kinh thành Huế đến thành tỉnh Quảng Trị là khoảng 54 km (tạm theo cách tính sau này), trong đó có các đoạn đường:
Từ kinh thành Huế ra đến Văn Xá, quãng cách là khoảng 13 km;
Văn Xá – Thượng Xá = khoảng 36 km;
Thượng Xá – thành tỉnh Quảng Trị = khoảng 5 km;
Mỗi giờ đi bộ được cỡ 5 km, theo cách tính thông thường;
5 km x 7 giờ = cỡ 35 km (cho tương đương 36 km)
Từ Văn Xá ra đến Thượng Xá có quãng cách là 36 km, phải đi trong khoảng 7 giờ đồng hồ. Vậy, nếu khởi hành từ Văn Xá lúc 12 giờ trưa, vua Hàm Nghi và đoàn đến Thượng Xá vào thời điểm sớm nhất là từ 18 giờ chiều đến 19 giờ tối, muộn nhất là 20 giờ tối (thời điểm đường đi tối tăm, không thể dùng đuốc, đèn lồng, vì sợ lộ, dễ trở thành mục tiêu). Có thể tính thêm vào đó quãng thời gian dừng chân uống nước tại đình làng Diên Sanh.
Nhưng điểm bất cập vẫn còn đó, nếu theo Trần Trọng Kim, Hà Ngại: Tại sao từ Thượng Xá đến thành tỉnh Quảng Trị chỉ 5 km mà vua Hàm Nghi và đoàn lại đi suốt cả ngày 24-3 Ất Dậu, đến chiều hay tối 24 ấy mới tới? Phải chăng nên viết là: mờ sáng tinh sương 24-3 Ất Dậu, lại đi tiếp, tới lúc trời còn tối đã đến thành Quảng Trị?
Chính Quốc sử quán triều Nguyễn, trong “Đại Nam thực lục”, không viết tới nơi vào giờ nào cả: “Ngày bính thìn [hai mươi tư tháng năm (06.07.1885)], vua cùng với xa giá Ba Cung [Tam Cung] đến tỉnh Quảng Trị; dừng nghỉ ở hành cung” (10). Theo đó, có thể vua Hàm Nghi và đoàn đã tới thành tỉnh Quảng Trị vào buổi sáng sớm 24-3 Ất Dậu, vì quãng đường 5 km, chỉ cần đi một giờ đồng hồ là tới rồi.
Như vậy, cho đến dòng chữ này, chúng ta thấy về thời gian đi đường có thể xem như là hợp lí, còn câu hỏi Phan Quang nêu ra: vua Hàm Nghi và Ba Cung cùng đoàn tuỳ tùng nghỉ đêm ở nhà bá hộ nào, thì cũng chưa chắc là nhà bá hộ, vì “Đại Nam thực lục” không xác nhận, còn bá hộ ấy tên gì, thì cả hai nguồn tư liệu Trần Trọng Kim và Hà Ngại đều không ghi, và dĩ nhiên “Đại Nam thực lục” đã không ghi nghỉ đêm tại nhà bá hộ hay tại đâu, thì cũng chẳng ghi tên chủ nhà có được hân hạnh đó. Chỉ còn mỗi một gia đình và những người cùng họ tộc của nhà báo Phan Quang có người ra đi cùng vua Hàm Nghi, vĩnh viễn không về, nên có chung Ngày Giỗ 23-5 Ất Dậu, là còn ghi nhớ.
Thật ra, với bài viết này, ngoài việc tôi góp phần vào việc phân tích, nhận xét, đánh giá tính hợp lí về lộ trình – thời gian của vua Hàm Nghi và đoàn, nếu Thượng Xá, Hải Thượng là nơi vua và đoàn ghé nghỉ đêm, tôi cũng đồng thời góp phần củng cố thêm “lời-thì-thầm-cha-kể” mà Phan Quang không bao giờ quên, bằng cách viết rõ hơn về nhân thân, hành trạng và tiết tháo của chưởng vệ (được truy phong thống chế) Phan Bân, để thấy rằng Tôn Thất Thuyết đã tin cậy khi chọn nhà của em ruột Phan Bân, kề nhà vợ con Phan Bân, làm chỗ nghỉ đêm cho vua và tam cung cùng tuỳ tùng: tính hợp lí về nơi nghỉ đêm. Thêm vào đó, ở đây, tôi bổ sung thêm một chi tiết: Thượng Xá là nơi có nhà trạm thuộc hệ thống bưu chính, liên lạc của nhà nước thời đó (13). Do đó, càng củng cố thêm về tính hợp lí trong việc vua Hàm Nghi và đoàn dừng chân, nghỉ ngơi tại đây.
Vả lại, có người đọc sẽ thắc mắc, vì sao không có vật chứng nào, như kỉ vật áo bào, thanh kiếm vua Hàm Nghi đã trao tặng như đã thưởng công cho những gia chủ các nhà vua ghé lại ở Cam Lộ, Hướng Hoá, Quảng Trị hay ở Hương Sơn, Hà Tĩnh? Lời đáp chỉ là thế này: Khi dừng chân nghỉ đêm tại Thượng Xá, Hải Thượng, vua Hàm Nghi và đoàn còn nhiều hi vọng trở về Huế, không nghĩ là ra đi biền biệt, không hẹn ngày về, nên cũng không vội trao kỉ vật như một cách tưởng thưởng, mà nghĩ rằng sẽ hậu thưởng về sau; còn khi trao kỉ vật tại Cam Lộ, Hướng Hoá, Hương Sơn là khi lòng vua và đoàn nhận thấy khó có dịp trở về Huế để hậu thưởng cho họ được nữa.
Tuy vậy, một khi “Đại Nam thực lục”, vốn là tư liệu chuẩn cứ, không ghi nhận, cả đến những tư liệu tham khảo khác cũng không ghi nhận, thì đó chỉ là gia sử, hương sử, dã sử. Như đã nói, có những vụ việc cực kì quan trọng đối với một gia tộc, đối với một số người, đặc biệt quan trọng đối với tuổi thơ một cá nhân như tuổi thơ nhà báo lão thành Phan Quang, nhưng đối với lịch sử dân tộc thì không phải là sự kiện trọng đại cần ghi chép.

III. THỬ ĐƯA RA LỜI GIẢI KHẢ TÍN
Cuối cùng, để tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi mà nhà báo Phan Quang nêu ra, tôi xin viết vắn tắt như sau: Trên đường từ Tử cấm thành – Đại nội (trong kinh thành thuộc kinh đô) tại Huế ra đến tỉnh thành Quảng Trị (thành gạch tại phường Thạch Hãn, nay gọi là Thành Cổ, chứ chưa phải là Tân Sở, thuộc huyện Cam Lộ, Quảng Trị), vua Hàm Nghi và Ba Cung cùng đoàn tuỳ tùng đã dừng chân tại nhiều nơi, như Trường Thi (La Chử), Văn Xá, và chắc thêm vài nơi khác nữa trên đường đi, trước khi ra Diên Sanh, Thượng Xá (hai điểm dừng chân cuối cùng trên lộ trình này), rồi mới tới tỉnh thành Quảng Trị. Chúng ta chỉ nói là vua và đoàn có dừng chân, nghỉ ngơi, chứ đừng xác quyết có nghỉ đêm. Vả lại, trên đường chạy giặc, không thể không lo giặc Pháp sẽ truy kích, mặc dù đã phân công Nguyễn Văn Tường chịu hi sinh ở lại Huế để cản hậu giặc bằng ngoại giao, thì việc vua và đoàn nghỉ đêm là đáng ngờ! Do đó, việc các tộc phả tại Diên Sanh có ghi chép và việc nhà báo Phan Quang có nghe thân phụ kể đều đúng, đúng là vua và đoàn có ghé lại, nghỉ chân.
Với thông tin từ “Đại Nam thực lục” (không nói việc nghỉ đêm), chúng ta có thể lí giải như vậy. Lời giải này cũng khớp với thông tin truyền lại từ thuở đó đến bây giờ tại Diên Sanh và khớp với điều nhà báo Phan Quang nghe kể từ thân phụ ông (“Vua Hàm Nghi ghé làng tôi”, tôi nhấn mạnh từ “ghé”).
Kết luận này không vượt ra khỏi “Đại Nam thực lục”, cho nên mức độ khả tín là rất cao.
Tuy vậy, nếu đẩy vấn đề đến tận cùng, chúng ta cũng có thể hình dung ra, cho dù không thể đoan chắc, rằng: Nhóm chủ chiến triều đình Huế đã lường trước lộ trình nhà vua, Tam Cung sẽ chạy ra thành tỉnh Quảng Trị, lên thành Tân Sở, nên có thể có khả năng là họ đã tổ chức các điểm phục kích chặn đường quân Pháp truy kích, họ cũng đã tổ chức dàn cảnh nghi binh, đánh lừa giặc Pháp, chẳng hạn như xa giá và tuỳ tùng (giả) dừng chân ở điểm X, nhưng thực ra xa giá, tuỳ tùng (thật) đã ở điểm Y.
IV. ĐỀ XUẤT THÊM
Riêng tôi, tôi xin tỏ bày lòng trân trọng và quý mến một trang gia sử của nhà báo Phan Quang, một kỉ niệm đầy ấn tượng từ lời-thì-thầm-cha-kể của tuổi thơ ông. Và đối với tôi, tôi cũng xin cảm ơn bài báo của ông, trong đó có những chi tiết về một nhân vật lịch sử mà tôi vô cùng ngưỡng mộ, đã viết thành một đoạn truyện kí lịch sử và thành một bài thơ. Đó là chưởng vệ, thống chế Phan Bân (Phan Thanh Bân), ông cụ nội thúc bá (ông cố bác), tức là anh ruột của cụ nội nhà báo Phan Quang:
1
PHAN BÂN (? – 1869), QUAN CHƯỞNG VỆ ANH HÙNG,
TỬ TIẾT TRÊN MẶT TRẬN CHỐNG PHỈ “GIẶC CỜ” Ở BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
“… Ngoài những trận đánh tán tương Nguyễn Văn Tường trực tiếp xung trận, ông còn thu thập, nghiên cứu nhiều trận đánh tiễu trừ bọn phỉ ở các quân thứ khác trên khắp núi rừng biên giới phía Bắc. Trận quân Thanh phối hợp với thảo nghịch tả tướng quân Nguyễn Hiên ở Kỳ Lừa, Chu Quyển, Đồng Đăng cũng rất đáng nhớ. Đáng nhớ nhất là bọn phỉ Thái bình thiên quốc đã chia rẽ nhau đến mức trầm kha. Phỉ Cờ vàng do Hoàng Sùng Anh (Hoàng Anh) làm đầu sỏ đang quyết đánh với phỉ Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc. Giữa chúng với nhau đã nhiều phen máu đổ thịt rơi. Lưu Vĩnh Phúc từng toan chiếm cứ Cao Bằng, giết chóc dân ta ở biên giới không ít, nhưng nay chừng như muốn quy thuận quan quân ta. Hắn quyết đánh Hoàng Sùng Anh để lập công chuộc tội. Hắn không dám về nước Thanh, sợ sẽ bị xử tử hình! Tuy nhiên, có lẽ không việc nào gây xúc động cho ba quân, và chắc hẳn không bao giờ phai nhạt trong trí nhớ Nguyễn Văn Tường, trong kí ức quan binh như cái chết tử tiết dũng cảm của đề đốc quân thứ Thái Nguyên Phan Bân. Phan Bân người huyện Hải Lăng, thuộc tỉnh Quảng Trị. Vị tướng này vốn là quan chưởng vệ, lãnh đạo một vệ quân lớn ở Hải Dương – Quảng Yên. Dân làng quê ông thường gọi là Ông Chưởng. Tướng Phan Bân, trước đây sung làm đề đốc quân thứ Lạng – Bằng, sau đó được điều chuyển qua quân thứ Thái Nguyên để truy kích tên tướng phỉ Ngô Côn. Năm ngoái, Phan Bân bị giặc bắt sống được, khi ông dẫn quân đánh đồn Chợ Mới. Vua Tự Đức rất buồn khi được tin, liền chuẩn cho các quan quân thứ tìm cách đòi về cho bằng được. Nhưng, cảm phục thay người đã giữ tiết tháo! Phan Bân đã không chịu khuất phục bọn phỉ Tàu, quyết tự tử để khỏi chịu nhục. May là các quan quân đã tìm được hài cốt mang về. Vua Tự Đức thương tiếc, truy phong hàm thống chế…” (14).
2
TÌM MỘ ÔNG CHƯỞNG PHAN BÂN (?-1869)
mộ Người tìm ở nơi đâu
để dân hương khói, nghìn sau vẫn còn
phỉ Tàu thuở quấy nước non
nghe Phan Bân đã lạnh hồn trốn xa
máu tử tiết mãi chói loà
người Hải Lăng, phút trót sa bẫy thù
đọc ngàn vạn sách vẫn mù
một hôm sáng mắt tuổi ngu ngơ nào
phải đâu huyền thoại trời cao
đất quê là sử, trót xao lãng lòng!
bỗng thèm học tại nguồn sông
mạch khe chóp núi cánh đồng quê xa (15).
(19: – 21:07, 27-10 HB10)
Việc dựng tượng đá, tượng đồng vị tướng anh hùng Phan Bân trong khu vườn của ông (nay của hậu duệ ông), nơi vua Hàm Nghi và Tam Cung ghé lại, nghỉ chân trên đường chạy giặc, khởi đầu phong trào Cần vương là thể hiện sự phối hợp thực lục chính sử với kí ức gia sử, vừa chân thật tuyệt đối vừa lung linh tương đối. Tính chân thực lịch sử về nhân vật lịch sử Phan Bân là rất đỗi minh xác. Còn chuyện vua Hàm Nghi và đoàn ghé lại, nghỉ chân vẫn còn lung linh, lung linh đẹp vì sự tồn tại của mẩu chuyện này chỉ có ý nghĩa, tác dụng tốt, không gây hại gì, tổn thương đến ai.
T.X.A.
13:10 – 23:05, 06-3-2016 & 07-3-2016 (HB16)
_________________________________
(1) Phan Quang, “Vua Hàm Nghi ghé làng tôi”, hồi kí, Tạp chí Sông Hương, số 37, tháng 05 & tháng 06-1989.
(2) Lỗi gõ phím. Có lẽ nguyên văn đúng là thế này: “Bất kỳ nhà ai, hễ vua ghé, rồi vua đi, không về, nhà đó sẽ sa sút”. Theo bản trên tạp chí Sông Hương, số 37, tháng 05 & tháng 06-1989: “Bất kỳ nhà ai, hễ vua ghé rồi vua ra đi thì nhà đó sẽ sa sút”.
(3) Báo điện tử Lao động: Lao Động cuối tuần, mục văn hoá – xã hội, đăng lúc 10:5 AM, 05/03/2016:
http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/vua-ham-nghi-nghi-lai-nha-ai-tren-duong-tu-hue-ra-tan-so-nam-that-thu-kinh-do-1885-524812.bld
Xem thêm ở chú thích (6).
(4) Trần Trọng Kim, “Việt Nam sử lược”, bản in lần thứ 7, Nxb. Tân Việt, 1964, tr.552. Chú thích của Trần Trọng Kim: Trường thi thuở bấy giờ ở làng La Chử (in sai: Đa Chử), cách kinh thành Huế 10 cây số.
(5) Hà Ngại, “Khúc tiêu đồng – Hồi ký của một vị quan triều Nguyễn”, Nxb. Trẻ TP.HCM., 2014, tr.5-14.
(6) Cao Xuân Dục và Quốc sử quán triều Nguyễn, “Quốc triều hương khoa lục”, bản dịch, Nxb. TP.HCM., 1993, tr.402: cử nhân số 2768, khoa Canh Ngọ 1870, triều Tự Đức, trường thi Thừa Thiên, vị thứ 17: “Phan Duy Tân, người Thượng Xá, huyện Hải Lăng, làm quan đến chức chưởng ấn”.
(7) Xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, ở phía nam và cách làng Thượng Xá, xã Hải Thượng, cùng huyện, của ông Phan Quang, khoảng 5 km.
(8) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục, chính biên” (ĐNTL.CB.), tập 32, Nxb. KHXH., 1975, tr. 11; Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam liệt truyện” (ĐNLT.), bản dịch Viện Sử học, tập 4, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 395 – 396.
(9) Đây là thông báo cần vương, chưa phải là “Dụ Cần vương” phát đi vào ngày mồng 02 tháng 6 Ất Dậu (13.7.1885), từ Tân Sở, cùng lúc, cùng điểm xuất phát với “Dụ Nguyễn Văn Tường”.
(10) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 221. Các chữ trong dấu móc vuông [ ], tôi chua thêm.
(11) Thành tỉnh Quảng Trị (có thời gian cấp tỉnh đổi thành cấp đạo, rồi trả lại cấp tỉnh), theo Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam nhất thống chí”, tập 1, Nxb. Thuận Hoá, 1992, tr.117: “đầu đời Gia Long, thành ở địa phận phường Tiền Kiên, huyện Đăng Xương”, sau đó, “dời đắp ở xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng”. Đó là Thành Cổ trước 1972, hiện nay chỉ còn là di tích.
(12) Tác dụng quan trọng và trước hết của việc Nguyễn Văn Tường nhận sự phân công của Nhóm Chủ chiến, mà ông là một trong hai người đứng đầu, và nhận lệnh Thái hậu Từ Dũ (hay Từ Dụ, cùng nghĩa, khác âm đọc) ở lại là bằng các động tác ngoại giao, ông đã CẢN HẬU (tôi nhấn mạnh: cản hậu) thành công đối với De Courcy, ngăn chận sự truy kích của tên tướng giặc Pháp này và quân lính của y đối với vua Hàm Nghi và đoàn trên lộ trình ra tỉnh thành Quảng Trị, kinh đô kháng chiến Tân Sở.
(13) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam nhất thống chí”, tập 1, Nxb. Thuận Hoá, 1992, tr. 180, ghi rõ: “Trạm Trị Xá: ở xã Thượng Xá, huyện Hải Lăng…”.
(14) Trích nguyên văn từ bộ sách “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)” của Trần Xuân An, Nxb. Văn Nghệ, 2005, tr.200-201.
(15) Trích từ tập thơ “Thơ sử và những bài thơ khác” của Trần Xuân An, Nxb. Thanh Niên, 2011, tr. 47.

——- 0o0o0o0o0o0 ——-
XEM THÊM:
TRẦN XUÂN AN,
bài “NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824-1886)
VỚI NHIỆM VỤ LỊCH SỬ
SAU CUỘC KINH ĐÔ QUẬT KHỞI (05 THÁNG 7. 1885)”, trong đầu sách “Nguyễn Văn Tường (1824-1886), một người trung nghĩa”, Nxb. Thanh Niên, 2007
http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/nvt-mot-nguoi-trung-nghia/tep-1b1
.
ĐÃ ĐĂNG TRÊN FACEBOOK:
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/1677660015841276?pnref=story
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1675761956031082&set=a.1398271570446790.1073741831.100007918808885&type=3&theater
.
.
http://www.tranxuanan-writer.net
http://www.txawriter.wordpress.com ( cauyhe.net )
http://www.facebook.com/tranxuanan.writer
.