
.
NGƯỜI MẸ TRONG CHIẾN TRANH
(Tiếp theo)
Trần Xuân An

11
biển Chí Linh gần, xa tiếng sóng
nhịp thời gian vang động ruột gan
mẹ thầm hỏi vọng sông Hàn
chìm lạc biển hay yên thân về nhà?
sữa sơ sinh, tã hoa mẹ xách
xuống xà lan, thuyền tách cầu tàu
gia đình con gái đi đâu?
Vũng Tàu, mắt mẹ trũng sâu, khóc hoài
trại tạm cư, lều dài xanh bạt
màu đáy biển, đâu xác thân thương?
ra bờ, nhìn mặt sình trương
bé vâng mẹ, nhưng đại dương nghìn bờ!
nhớ cửa nhà, thẫn thờ nhớ quán
đầu tháng ba, cuối tháng tư rồi
có bom pháo nổ tả tơi?
hay Vàng bỏ cuộc này thôi tan tành?
ngoại sơ tán yên lành ngụ Đỏ
ba năm dài lút cỏ bỏ làng
sắp hồi cư, sum họp chăng
nhưng Vàng bỏ cuộc, vượt ngàn vạn ghe!
hoà bình, yên hai phe nội chiến
các ngoại cường “cai nghiện máu xương”
(mấy mươi năm phận dân thường
ghê súng đạn, ngữ văn chương rợn mình!)
trại tản cư Chí Linh nín thở
xé sóng ru xanh gió, đạn gần
lặng người, khóc bến sông Hàn
thương quê Thượng Xá, thương thân, thương đời…
(08-05-2020)

Ảnh minh hoạ nhân dân Quảng Trị tản cư và hồi cư thời chiến tranh – Google search
12
ba mẹ, em gái nuôi, còn đó
đỏ xanh ngời, gặp gỡ Sài Gòn
biển di tản, nhưng anh còn
tôi về, giã bạn, nửa hồn nhiên vui
hoà bình, nửa ngậm ngùi, đứt ruột
bao người đi, lá vượt trùng dương
thống nhất nhưng nghẹn đau thương
bốn nghìn năm, bỗng bất thường, khác xưa
ba bình thản vào chùa, hương thắp
loa quân quản rao gấp vé về
mừng lẫn lo, chờ chuyến xe
giỏ cháu ngoại, mẹ mân mê, nóng lòng
xe qua sông, qua đồng, qua phố
càng đi ra, cờ đỏ vơi xanh
ba mẹ phấp phỏng thương anh
bé lên sởi, xóc, tròng trành, sốt mê
Đà Nẵng mắt đỏ hoe, xơ xác
gặp lại chị, nước mắt mẹ cười
cháy đổ mấy chục năm rồi
người đi, chưa rõ, còn người ở nguyên
hoà bình, nghĩ không phiền, đoản hậu
mẹ hiền hoà, đau đáu hoà bình
tin bên bỏ cuộc bình minh
bên được cuộc, giũ tâm mình, sáng trong
nhớ nhà cửa, nghe lòng lửa đốt
ba mẹ ra coi sót lại gì
bé vui, ru cháu, mơ chi
hẳn mong mẹ ruột đã đi vào làng
tiễn gia đình, ngổn ngang xe khác
hoà đàm cũng tan nát vậy sao?
bước lịch sử nghiêng lệch nào
nước hoà bình, thuận lí cao sâu đời
(09-05-2020)
13
đèo Hải Vân, xe rơi, xe đổ
khải hoàn môn tre đỏ khắp nơi
chiến tranh Quảng Trị rộc người
bàng hoàng súng vẫn chĩa trời phòng không
nhà mẹ trống, gió lồng sau trước!
tủi mừng ngờ lạc nước ngoài nào
cậu dì làng ngoại chạy vào
hồi cư hai hướng, nghẹn ngào, Kẻ Diên!
Quảng Trị, nối hai miền bằng máu
nhà dân tan, tay bấu nền nhà!
xác nhà, mẹ sững lần ba
đọng rưng nước mắt nắng hoà bình ơi
làng ngoại còn cỏ bời vườn ruộng
vào giúp ba, chiều xuống cậu ra
thả râu ấm nụ cười già
bao biến động, sinh tử qua tuổi người
ba lần nát, chợ rồi đông lại
trăm dù du thay mái nhà lồng *
khổ quá nhiều, khổ như không
sạp hàng cũ ngó sanh trồng xanh xưa
từ Đà Nẵng, bé vừa ra đấy
mẹ ruột lên ôm lấy con mình
mợ ra phía Đỏ, đinh ninh
cho con nuôi, giữ nguyên tình cháu cô
mẹ nuôi, lại o cô-cậu-lại *
về Thi Ông, bé cải mới tên
bằng liệt sĩ treo đầy phên
tắt lửa đạn, sáng lửa đèn học khuya
yên hồi cư, thôi lìa Thạch Hãn
ba ra dâng mộ vắng khói hương
Trúc Lâm, thôi lấp tiếng chuông
An Cư, trầm ngát, lau vương đường vào
đình cạnh nhà, chất cao ngói vỡ
còn bàng non thay cổ thụ khô
thắp hương miếu, lạy vọng vô
nền chùa, mẹ vái, thương trơ vơ nền
trọ Bến Ngự, ra bên ba mẹ
thăm sông Nhùng tấm bé tắm hoài
hồi cư sau ba năm dài
Hiền Lương, Thạch Hãn rạn vai cậu dì
(11-05-2020)
Trần Xuân An
……………
(*) ~ Dù du: cái dù lớn, có chân đế đặt trên đất hoặc cắm vào ống tre chôn sẵn vào đất, che mưa nắng để bán hàng, có thể di chuyển. ~ O cô cậu lại: cô thuộc quan hệ cậu cô hai đời trước, mà cháu đời thứ ba gọi người chị hoặc em cậu cô với cha.

Ảnh minh hoạ nhân dân Quảng Trị tản cư và hồi cư thời chiến tranh – Google search
14
nhà Quảng Trị gỉ đi, thêm mục
lên rú rừng, cắt rút tranh mây
mười năm, hụt gạo, thiếu khoai
nhìn quanh đều đói, thở dài đói thêm
biên giới, bẻ gọng kềm Trung Quốc
máu xương, chưa nguôi được dăm ngày
Tổ quốc muôn thuở đất này
ta ở đây, mình ở đây chống Tàu
nỗi riêng, ai cũng đau, gác lại
chống Trung Quốc, mắt dại sáng ra
sáng luôn cả mắt nước Nga
chống Tàu, thống nhất Bắc và Nam chăng
xanh khoai lúa đất hoang, thơ đấy
thơ chống Tàu như mấy ngàn năm
bút ai cũng lách sai lầm
(ai khổ tâm, rời Việt Nam, đắng lòng!)
nguôi biên giới, Biển Đông gầm sóng
từ Hoàng Sa, chiếm đóng Gạc Ma!
mười năm, không gạch xây nhà
bốn năm tiếp, phế liệu là thép xây
Quảng Trị, còn tranh mây, tôn thủng
chiến trường, nay làm lụng hậu phương
thôi nội chiến chết máu xương
thì chết lí lịch, rộng đường nhà quan!
nhiều đêm, nước mắt tràn tóc bạc
con xa, con mồ lạc, hết tìm *
hoà bình, mừng sáng bừng tim
ngờ đâu hậu chiến, mẹ im lặng buồn!
(trại Ka Tum, giặc cuồng biên giới
mù bụi đỏ, loé chói: đồng bào
gậy cùng súng, chung chiến hào
pháo tan, anh thoát cõi nào, khói hương *)
………
(*) ~ Một người cùng gia đình riêng ra hải ngoại; một người bị chết vì đạn pháo kích của Kh’Mer Đỏ tại trại học tập cải tạo sĩ quan chế độ cũ ở Ka Tum, Tây Ninh. ~ Thông tin về trại cải tạo sĩ quan VNCH. sau 30-04-1975 tại Ka Tum, Tây Ninh. Trích: “… chị nhận tin anh đã được chuyển trại cải tạo đến Tống Lê Chân, thuộc Kà Tum, Sa-mát, gần với biên giới Miên…”. “… bọn Khơ-me Đỏ có thể tấn công trại bất cứ giờ giấc nào, trại phải thay đổi chỗ ở và di chuyển liên tục…”. “… anh ở trại cải tạo, trong một đêm Pôn-pốt tấn công vào trại, do lực lượng ít, quản giáo trại phải giao súng cho các anh để tổ chức phòng thủ. Song trước hỏa lực mạnh mẽ của Khơ-me Đỏ, trại tan vỡ, mạnh ai nấy chạy thoát thân…”. Trên đây là thông tin khách quan rất khớp với thông tin tôi nhận được từ lâu về trại Ka Tum: 1) Đây là trại cải tạo sĩ quan VNCH. sau 30-04-1975 ở gần biên giới Việt Nam – Kampuchia, thuộc tỉnh Tây Ninh; 2) Trại ấy bị KhMer Đỏ tấn kích [khoảng 1977] khiến trại bị tan vỡ. Còn lại, các tình tiết khác trong truyện ngắn “Chị dâu” này, dĩ nhiên là chỉ thuộc về tác giả Chinh Vũ, tên thật là Trần Vĩnh (Springfield, Masachusetts, Hoa Kỳ), và các nhân vật của ông.
https://txawriter.wordpress.com/2020/05/25/thong-tin-trai-cai-tao-si-quan-vnch-tai-ka-tum/

Ảnh minh hoạ xe khách Quảng Trị thời chiến tranh – Google search
15
chiến tranh, nỗi đau thương muôn thuở
dân tộc mình thời đó tang dày
chống ngoại xâm, cao cả thay!
nhưng quốc kì lại cờ này: Liên Xô!
nỗi nội chiến bao giờ nguôi cạn
trước 45, ngỡ bán nước rồi!
bao người về Quốc gia thôi
và Thập giá đã đoạt ngôi, phải tàn
từ Châu Âu sóng thần hai đợt *
cuốn ập vào đất nước, quê nhà
riêng cuộc “Đỏ – Vàng” chưa xa
khổ mẹ tôi, khổ ruột rà thân thương
kính nhớ mẹ, quê hương Quảng Trị
khổ rồi, thôi oan “nguỵ” chạy vô
chiến tranh, không sợ bao giờ
sợ hi sinh cho ngọn cờ ngoại bang!
như nhân dân, không vàng, không đỏ
yêu quê mình, gánh khổ nước mình
mẹ tôi mơ ước hoà bình
quên bao cháy đổ, điêu linh, nhẹ lòng
đã liền lại núi sông, mẹ ước
bên bỏ, bên được cuộc, hoà bình
cái nhìn tôi về quê mình
về nước mình, thuở chiến chinh, có phiền?
nhìn chiến tranh có nghiêng một phía?
bất công chăng? không mỉa mai chăng?
đọc bằng ánh mắt thẳng băng
đèn lương tâm sáng vĩnh hằng chiếu soi.
T.X.A.
(13 & 14-05-2020)
……………
(*) Hai đợt sóng thần từ Châu Âu: Pháp và Thiên Chúa giáo Rôma, Nga và chủ nghĩa Marx- Lénine.

Có bổ sung khúc 16
Link khúc 16:
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2605913526349249/
Link khúc 15:
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2595186230755312/
Link khúc 14:
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2594988057441796/
Link khúc 13:
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2593296374277631/
Link khúc 12:
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2591804814426787/
Link khúc 11:
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2591121351161800/
Link khúc 10:
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2589953251278610/
Link khúc 9:
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2589847697955832/
Link khúc 8:
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2589326124674656/
Link khúc 7:
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2588691898071412/
Link khúc 6:
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2587687604838508/
Link 2 khúc 4 & 5:
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2586670611606874/
Link 3 khúc 1, 2 và 3:
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2583827261891209/
.