. SƠ ĐỒ HÓA NỘI DUNG HÒA GIẢI DÂN TỘC (sự thật lịch sử khách quan giai đoạn 1945-1954-1975)
– Màu đất (phần nền): màu đất Tổ quốc Việt Nam; màu trống đồng; màu biểu trưng về nhân dân; màu da Việt Nam
– Màu đất (phần giao của hai hình thuẫn tượng trưng cho Miền Bắc – Miền Nam): đều chiến đấu vì độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền đất nước; chống các loại ngoại xâm: thực dân Pháp, phát xít Nhật, can thiệp Mỹ; đế quốc đỏ Nga Sô, bành trướng Trung Quốc…
– Màu đỏ (Miền Bắc): chủ nghĩa xã hội; chuyên chính vô sản, dân chủ tập trung; kinh tế hoạch định
– Màu vàng (Miền Nam): chủ nghĩa tự do; đối lập – đa nguyên, dân chủ tự do; kinh tế thị trường
pdf
.
Tệp SÁCH PDF này bị thiếu một bài chưa bổ sung:
https:// txawriter. files. wordpress. com/2015/08/0_b-final_txa_tap-tho-14_co-sach-in_in-ra-giay-20-8hb15.pdf
Xem bản đầy đủ liền kề phía dưới.
PHỤ LỤC TẬP THƠ THỨ 14 “ĐỂ LÒNG NGƯỜI THÔI TRẦM UẤT” CÓ BỔ SUNG THÊM 3 BÀI NGẮN:
1) NGUYÊN DO TÂM TRẠNG, TƯ TƯỞNG TÔI CÓ VẺ MÂU THUẪN
(thuộc mục HOÀ GIẢI DÂN TỘC) — 22-7 HB15 (2015) — Trần Xuân An
2) HOÀ GIẢI DÂN TỘC, NHƯNG TÔI CÓ DÍNH LÍU GÌ, TRÁCH NHIỆM GÌ
VỀ CUỘC CHIẾN TRANH HAI PHÍA 1945-1954-1975? – 01-8 HB15 (2015) — Trần Xuân An
3) SỰ THẬT LỊCH SỬ KHÁCH QUAN (1945-1954-1975) MÃI MÃI VẪN VẬY, CHO DÙ BÓP MÉO, CHẤP NHẬN HAY PHỦ NHẬN — 06-8 HB15 (2015) — Trần Xuân An
THƠ BỔ SUNG VÀO TẬP (3 bài):
1) HAI PHÍA RỒI MỘT THƯƠNG YÊU — Trần Xuân An
2) SAU CHIẾN TRANH HAI PHÍA — Trần Xuân An
3) KẾT — Trần Xuân An
đúc chuông tim, bằng ống liều mũi đạn
bút thôi gõ rồi, sao cứ ngân nga:
– đâu tượng lính, vàng Nam kề đỏ Bắc?
vọng vang niềm Cầu Ý Hệ quê nhà
sông trắng nắng, giữa bờ vàng bờ đỏ
trắng vở học trò, trắng tóc nhân dân
ván cầu Hiền Lương liền bao dòng chữ
Bến Hải trải lòng, trầm uất cũng ngân
cả tập thơ nối hai bờ, đồng vọng: người bắn nhau, nhưng đâu phải bắn nhau
bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó! (*)
tiếng chuông ngân nhắc nhở mãi ngàn sau
thơ viết, “Để lòng người thôi trầm uất”
nở từ xương máu, đâu chỗ khai sinh?
phế liệu đạn bom, chuông tim đã đúc
bút thôi gọi về mấy triệu hương linh…
siêu thoát ngoa vinh, dây oan – “cởi trói”
văn, sử thật, là hồn vía, mãi còn
mấy triệu hương linh còn lên tiếng nói
sống chan hoà cùng muôn thuở nước non.
(*) Hai câu thơ trong tập thơ thứ 14 của Trần Xuân An:
“Để lòng người thôi trầm uất”.
Trong bài thơ có từ ngữ “ống liều”, tức là catut đạn (cát-tút, cạc-tút; tiếng Pháp: cartouche).
.
.
Tự đọc vào video một bài viết — phụ lục
cho tập thơ “Để lòng người thôi trầm uất” của tác giả: Hoà giải dân tộc đúng nghĩa: VIỆT NAM, ĐÀ TRƯỢT ĐỎ VÀ CHỖ NÍU VÀNG
Trần Xuân An
— 25-04 HB15 (2015) —
— Ảnh lớp Văn 3B (khoá 1975-1979), ĐHSP. Huế, trong chuyến đi lên chùa Linh Mụ, lăng Minh Mạng, lăng Gia Long với nhà thơ Lưu Trọng Lư vào khoảng năm 1977 hay 1978. Trần Xuân An và Nguyễn Vịnh (nhiếp ảnh) lớp Ngữ văn 4 (khoá 1974-1978) là khách, đi theo.
— TXA. ngồi hàng đầu, vị trí 1, tính từ trái sang phải, tay có chiếc mũ cối.
— Ảnh do GS.TS. Hoàng Dũng (trong ảnh, có mặt, thuở sinh viên) gửi tặng bản scan.
Hoà giải dân tộc:
SỰ THẬT LỊCH SỬ KHÁCH QUAN (1945-1954-1975)
MÃI MÃI VẪN VẬY,
CHO DÙ BÓP MÉO, CHẤP NHẬN HAY PHỦ NHẬN
Trần Xuân An
Từ cuộc chiến tranh chống sự xâm lược và ách đô hộ của thực dân Pháp (1858-1945), phát xít Nhật (1941-1945) và sự tái xâm lược của Pháp (1945-1954), dân tộc Việt Nam lại bị cuốn vào cuộc Chiến tranh Lạnh của thế giới (1945-1991) và chiến tranh Biên giới (1975-1989).
Riêng 21 năm (1954-1975) bị rơi vào Chiến tranh Lạnh (chiến tranh ý thức hệ), cuộc chiến Miền Bắc chống Mỹ, Miền Nam chống Liên Xô, Trung Cộng, đồng thời mang rõ nét tính chất nội chiến Nam – Bắc, có ít nhất là 3.500.000 người Việt Nam, thường dân và quân lính hai Miền phải thiệt mạng, chưa kể số người bị thương tật về thể xác, tâm hồn. Nếu tính từ 1858, với trận đầu ở Đà Nẵng, cho đến 1989, ngày quân lính Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam rút khỏi Campuchia, số lượng người Việt đã thiệt mạng, bị thương tật là vô cùng khủng khiếp!
Chúng ta, những người Việt Nam, tổn thất quá nặng nề về mọi mặt, nhưng đến nay, 2015, đất nước vẫn chưa toàn vẹn lãnh thổ (biển đảo còn bị Trung Quốc xâm chiếm)…
Do đó, không thể phủ nhận chiến thắng và công lao (cho dù một phía thất bại vẫn là công lao):
— Miền Bắc (Việt Nam dân chủ cộng hoà, 1945-1975):
1) Góp phần đánh đuổi phát xít Nhật – Cách mạng Tháng Tám (vai trò chính là Mỹ)
2) Đánh thắng thực dân Pháp (có viện trợ và vai trò Trung Cộng, Liên Xô)
3) Đánh thắng can thiệp Mỹ (có viện trợ và vai trò Trung Cộng, Liên Xô và nhiều nước thuộc khối Đỏ)
— Miền Nam (Quốc gia Việt Nam – Việt Nam cộng hoà, 1949-1975):
1) Chống cộng sản Trung Quốc bành trướng
2) Chống cộng sản, đế quốc đỏ Nga Sô, tức Liên Xô
Khối cộng sản đã dùng tư tưởng của lãnh tụ chính trị nước họ để thống trị nước ta. Đó là chủ nghĩa Lê-nin (Lénine), chủ nghĩa Sta-lin (Staline), chủ nghĩa Mao…
(trước 1954, có vai trò của Pháp, nhưng viện trợ của Mỹ; sau 1954, có viện trợ Mỹ, đặc biệt từ 1965, có quân lính Mỹ và các nước thuộc khối tư bản – tự do tham chiến)
— Kết quả:
1) Miền Bắc toàn thắng, thống nhất hai Miền làm một và cầm quyền, từ 1975; Miền Nam thất bại.
2) Chủ nghĩa chống cộng, mà Miền Nam (Quốc gia Việt Nam – Việt Nam cộng hoà) cũng có đóng góp, hầu như đã toàn thắng trên thế giới: Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ (Liên Xô, các nước Đông Âu) hay đã chuyển qua kinh tế thị trường (Trung Quốc, Việt Nam, một số nước châu Phi, Cu Ba…). Chế độ Việt Nam cộng hoà tại Miền Nam có thể xem như liệt sĩ (tử sĩ) chống cộng đã hi sinh (1975) trước ngày chiến thắng (1991).
Đó là sự thật lịch sử khách quan.
Phủ nhận hay thiên lệch (theo lập trường, quan điểm địch – ta) trong nhận thức, đánh giá thì sự thật lịch sử khách quan vẫn là sự thật không thể chối cãi.
Tốt nhất là chấp nhận cả chiến thắng và công lao của cả hai miền Nam – Bắc, vì lịch sử là lịch sử chung của cả dân tộc Việt Nam trên toàn quốc, vì cả hai miền đều đã hi sinh, tổn thất nặng nề, đau thương vô hạn, và đều chính nghĩa trong sự nghiệp chống ngoại xâm (các thứ ngoại xâm gồm Pháp, Nhật, Mỹ, Nga Sô, Trung Quốc…):
“người bắn nhau nhưng đâu phải bắn nhau
bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó” (*)
Sau 1954 ở Miền Bắc và từ 1975 ở hai miền trên toàn quốc, học sinh đều phải học sử theo quan điểm của riêng Miền Bắc, gồm cả quan điểm đấu tranh giai cấp – ý thức hệ (trong Chiến tranh Lạnh), do đó hình thành nên nếp tư duy thiên lệch, thiếu khách quan, trung thực. Đến nay, phải chăng cần chấn chỉnh lại, chỉ đứng trên lập trường dân tộc truyền thống Việt Nam, không thiên về Miền Nam, không thiên về Miền Bắc, để đạt được tính khoa học, công bằng và khách quan?
Và như thế cũng là hoà giải dân tộc.
Nhưng biết đến bao giờ nhà cầm quyền nước ta (vốn chỉ đạo trực tiếp cho giới sử học, giáo dục, hệ thống cơ quan báo chí, xuất bản, tuyên truyền) mới chấp nhận sự thật lịch sử khách quan đó?
Chưa chấp nhận sự thật lịch sử khách quan đó có nghĩa là hoà giải dân tộc chỉ là khát vọng của nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, nhà giáo và giới sử học, giới văn chương. Đó là một khát vọng giản đơn nhưng sao xa vời đến thế!
T.X.A.
05:19, 06-8-2015
(viết gọn lại một điều ngẫm nghĩ đã viết)
____________________________________
(*) Thơ trích trong bài “Đất vàng màu da” của T.X.A..
Hoà giải dân tộc: SAU CHIẾN TRANH HAI PHÍA
Trần Xuân An
xót thương ruộng rừng cây lá
bao mùa gần, bao mùa xa
nắng mưa rơi muôn dấu hỏi
nghìn năm, trăm năm đã qua
bán đảo, nỗi niềm Bến Hải (1)
có trước khi tôi sinh ra
sao đạn nát đời bút phím
sao mìn tan bao mùa hoa?
ta khổ gió độc tám hướng
đành đánh mười phương, đánh ta
ta phân liệt cùng nhân loại!
tự hào, phải mới sử ca (2)
đất nào máu xương đến thế?
sông nào đành đoạn ruột rà?
sau cuộc chiến tranh hai phía
sửa lòng thương người, thương ta
tượng đài ngã ba Sa – Hải (3)
lính vàng chặn ngoại xâm tà
lính đỏ xua ngoại xâm dữ
lại siết tay giữa bao la
Biển Đông ngàn đời, đất – nước
còn đau Hoàng Sa, Trường Sa
nhân loại chung tay diệt dục
đỏ sao đỏ ngầu Hán – Hoa!
T.X.A.
sáng 31-7 HB15
(1) Bán đảo Đông Dương.
(2) “Trong cuộc chiến tranh Hai Khối, mang tính chất nội chiến đau thương đó, dân tộc Việt Nam đã có niềm tự hào là: phe Đỏ đánh thắng Pháp, góp phần đánh thắng Nhật *, đánh thắng Mỹ với ngọn cờ cộng sản; phe Vàng đã quyết đánh cộng sản xâm lược, bành trướng, đứng đầu là Nga Sô, Trung Cộng, và phe Vàng tuy thất bại, nhưng phong trào cộng sản trên toàn cầu đã sụp đổ, đã chuyển qua kinh tế thị trường, chỉ còn mỗi một Bắc Triều Tiên là còn kinh tế hoạch định, nhưng cũng không hoàn toàn là mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa thuộc hệ thống Đỏ trước 1975. Riêng dân tộc ta, gộp chung lại, cả hai miền Nam và Bắc đều có công chống các thứ ngoại xâm, và trong đấu tranh, đã có công làm sáng tỏ, định giá đúng – sai về hai ý thức hệ chính của thời đại, đối với lịch sử” (trích từ một bài viết của Trần Xuân An, 01 & 02-8 HB15).
(3) Ngã ba sông, nơi sông Sa Lung đổ vào sông Bến Hải, gần cầu Hiền Lương.
Về tượng đài này, chỉ là đề xuất, có thể được nhà cầm quyền cấp phép thực hiện hay không được thực hiện. Xin nói thêm: Vị trí tôi đề nghị vốn thuộc Miền Bắc, theo Hiệp định Geneve 1954. Đáng lẽ ra, nên chọn đặt tượng đài trên cầu Hiền Lương hay ngay giữa dòng sông Bến Hải (đúng vị trí giới tuyến). Tuy nhiên, như thề thì chi phí cao hơn nhiều lần. Vả lại, đất nước đã nối liền 40 năm, nên dựng tượng ở đất bên này hay đất bên kia thì cũng vậy. Chỉ cần trên tượng đài có hai người lính với hai lá cờ, cờ một sao và cờ ba sọc, là đủ thể hiện chủ đề.
.
Nói thêm đôi lời:
HOÀ GIẢI DÂN TỘC,
NHƯNG TÔI CÓ DÍNH LÍU GÌ, TRÁCH NHIỆM GÌ
VỀ CUỘC CHIẾN TRANH HAI PHÍA 1945-1954-1975?
Trần Xuân An
Bài viết ngắn này xin được gửi đến các bạn trẻ tuổi Hàn Quốc, Nước Cộng hoà nhân dân Triều Tiên và cũng xin gửi đến các bạn trẻ tuổi Việt Nam…
Khi chiến tranh hai khối tại điểm nóng Việt Nam kết thúc vào ngày 30-4-1975, tôi đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Sư phạm Huế. Điều đó có nghĩa là tôi chưa từng cầm súng đạn cho bên Đỏ (Miền Bắc) hay bên Vàng (Miền Nam) – súng đạn của các cường quốc thuộc phe này hay phe kia –, với nghĩa đen, chính xác của từ.
Vậy thì tôi có dính líu gì, trách nhiệm gì về cuộc chiến tranh 1945-1954-1975 ấy?
Tuy vậy, vào tháng 4 năm 1975, tôi đã gần tròn 19 tuổi. Tuổi đó, không thể gọi là chưa trưởng thành. Tôi đã trải nghiệm chiến tranh, mặc dù chỉ với tư cách một người học trò thuần tuý tại hệ thống trường học Miền Nam vốn tương đối độc lập với chính trị.
Tôi lại là người cầm bút làm thơ, viết truyện và nghiên cứu, phê bình, từ những bước tập tành trước đó. Cho đến nay, với 24 đầu sách đã chính thức xuất bản và 10 đầu sách chưa in thành sách in giấy được (cộng với một đầu sách sưu tập sử liệu từ “Đại Nam thực lục”), tôi tự thấy bản thân mình cần phải tự giác nhận lấy trách nhiệm hoà giải dân tộc, với tư cách một người cầm bút. Đó chỉ là sự dấn thân riêng lẻ của cá nhân tôi. Tôi biết tiến trình hoà giải dân tộc không thể do một người, mà đã và đang có nhiều người khác thuộc các lĩnh vực khác tham dự vào tiến trình đầy gai góc này. Có điều, tuy cùng mục đích, nhưng không phải ai cũng giống ai, về cách thức và về nội dung.
Tuy có những cảm nhận mang tính bản sắc mỗi cá nhân, những quan điểm – lập trường còn mang tính thiên lệch của mỗi người, nhưng nội dung sự thật lịch sử về cuộc chiến tranh hai khối 1945-1954-1975 về cơ bản là giống nhau (1).
Tôi đã từng viết, công bố, và đọc vào một video của mình:
“Nói trắng ra, cách mạng đỏ vừa có tính chất tay sai Nga đỏ, Tàu đỏ *, vừa có tinh thần đấu tranh cho độc lập dân tộc (chống Pháp, góp phần chống Nhật…); phe vàng cũng vừa mang tính chất nguỵ (trước 1954) nhưng lại vừa mang tinh thần chống cộng sản xâm lược (Nga, Tàu tạo dựng tay sai, bành trướng, di dân xuống Đông Nam Á), và chống thực dân đỏ kiểu mới với sự thống trị bằng hệ tư tưởng (Stalinisme, Maoisme…), cũng trước 1954 và trước 1975”.
Tôi muốn nói thêm: Trải qua cuộc chiến tranh 30 năm ấy, riêng trong giai đoạn 1954-1975, một vài con số thống kê cho thấy, cả thường dân và quân lính hai miền đã phải thiệt mạng ít nhất là khoảng 3.500.000 người, chưa kể số bị thương tật về thể xác và tâm hồn… Hậu quả vẫn còn đau xót, bi thảm cho đến ngày hôm nay. Nhưng từ trong cuộc chiến tranh Hai Khối, mang tính chất nội chiến đau thương đó, dân tộc Việt Nam đã có niềm tự hào là: phe Đỏ đánh thắng Pháp, góp phần đánh thắng Nhật (2), đánh thắng Mỹ với ngọn cờ cộng sản; phe Vàng đã quyết đánh cộng sản xâm lược, bành trướng, đứng đầu là Nga Sô, Trung Cộng, và phe Vàng tuy thất bại, nhưng phong trào cộng sản trên toàn cầu đã sụp đổ, đã chuyển qua kinh tế thị trường, chỉ còn mỗi một Bắc Triều Tiên là còn kinh tế hoạch định, nhưng cũng không hoàn toàn là mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa thuộc hệ thống Đỏ trước 1975. Riêng dân tộc ta, gộp chung lại, cả hai miền Nam và Bắc đều có công chống các thứ ngoại xâm, và trong đấu tranh, đã có công làm sáng tỏ, định giá đúng – sai về hai ý thức hệ chính của thời đại, đối với lịch sử. Đó là sự thật lịch sử, thoạt nhìn, có vẻ nghịch lí, nhưng thực chất là vậy: mỗi miền đều vì độc lập dân tộc, chống ngoại xâm, và đều dựa vào các cường quốc vốn đối đầu với nhau về ý thức hệ (do đó, phần nào đều là nguỵ hay đều là tay sai, mà về từ ngữ là đồng nghĩa).
Cả hai miền đã chạm trán trực tiếp hay gián tiếp, đánh bại và góp phần đánh bại Pháp, Nhật, Mỹ, Nga Sô, Trung Cộng (và Kh’Mer Đỏ của Bắc Kinh). Đó là điều tự hào dân tộc, trong và sau cuộc chiến hai khối đồng thời cũng là nội chiến, 1945-1954-1975, tại Việt Nam nước ta (3).
Tôi đã viết về ý tưởng này thành thơ:
“người bắn nhau nhưng đâu phải bắn nhau
bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó”
(Đất vàng màu da)
Tôi cũng muốn khẳng định lại, với tôi, động cơ, ý thức và nội dung hoà giải dân tộc đó đều do sự thôi thúc nội tâm và cũng thuộc nhận thức của riêng tôi, trên cơ sở ước muốn của hàng chục triệu người Việt Nam chúng ta, và của hàng chục triệu người nước ngoài nữa.
Khát vọng hoà giải dân tộc là một yêu cầu lịch sử hết sức bức thiết và chính đáng.
Điều cần nhấn mạnh là tôi chỉ phân giải giai đoạn chiến tranh 1945-1954-1975 mà 30 năm ấy đã trở thành lịch sử. Tôi chỉ nói đến nó như một người nghiền ngẫm lịch sử về một giai đoạn bản thân mình đã trải nghiệm sống, và phát biểu bằng văn chương, đặc biệt là bằng thơ. Tôi không nói đến thời sự đang diễn ra. Tôi cũng không vẽ vời tương lai của nước ta và thế giới, rằng dân tộc chúng ta, nhân loại chúng ta sẽ đi đến đâu, tiến tới đâu. Tôi cũng chỉ là người phát biểu những nội dung hoà giải dân tộc ấy bằng các văn bản ngôn từ, chứ không phải là một người hành động, một người hoạt động chính trị, kinh tế hay xã hội.
Xin thưa rõ như thế để tránh những búa rìu công luận và gông cùm pháp luật. Không phải tôi hèn nhát, không dám đối đầu, nhưng tôi thừa hiểu công luận và luật pháp lắm khi quá bất thường, bất chấp và rất vô tội vạ. Tôi dám can đảm, nhưng cũng không liều lĩnh, và cũng biết rào đón trước, biết tự giới hạn.
Trân trọng và cảm ơn.
T.X.A.
17: – 17:37, 01-8 HB15 (2015)
Có bổ sung, làm rõ thêm vào sáng 02-8 HB15
——————————————–
(1) Nếu trong lĩnh vực văn chương, nội dung tác phẩm của tác giả này so với nội dung tác phẩm của tác giả khác phải tuyệt đối khác biệt, thì trong lĩnh vực khoa học lịch sử, sự tiếp cận, ghi chép lại sự thật lịch sử về cơ bản là giống nhau (trừ trường hợp có kẻ lạm dụng sử học để xuyên tạc hoặc vì ngây thơ mà ngộ nhận, hoặc vì lập trường địch – ta mà quan điểm cũng sai khác, đối nghịch nhau, hoặc do thiếu sót tư liệu nhưng lại vội quy kết).
(2) Chính Mỹ (trong phe Đồng Minh) tại Việt Nam đã đuổi phát-xít Nhật và hỗ trợ Cách mạng Tháng Tám 1945 do Việt Minh lãnh đạo.
(3) Chiến tranh Lạnh giữa Hai Khối trên toàn cầu: 1945-1991. Liên Xô vẫn là “hòn đá tảng” (nền móng) đối với Nước CHXHCN.VN. cho đến khi Liên Xô tự tan rã. Sự tự tan rã của Liên Xô là do quy luật kinh tế khách quan, do khát vọng dân chủ của người dân và do ý chí độc lập của các nước bị gộp vào thành Liên Xô, do nước Nga thống lãnh (do đó ở Miền Nam gọi Liên Xô là Nga Sô). 1991, Liên Xô hay Nga Sô tự tan rã còn do sự phê phán, chống lại nó vì sự bành trướng, thực dân kiểu đỏ của nó, từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam cộng hòa (Miền Nam Việt Nam, trước 1975).
.