Chiếc cầu Ý Hệ (cầu Hiền Lương)

Người bắn nhau nhưng đâu phải bắn nhau, Bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó (TrầnXuânAn)

Archive for Tháng Ba, 2011

HOÀNG HỮU XỨNG VÀ THỰC LỤC

Posted by Trần Xuân An trên 28.03.2011

hidden hit counter

HOÀNG HỮU XỨNG (1831-1905) VÀ THỰC LỤC
Trần Xuân An

Cửa Bắc thành Hà Nội

Ngày 25/04/1882: Vết bắn phá thành của các pháo thuyền "Surprise" và "Fanfare"

Quảng Trị, vốn là nơi đóng dinh thời Nguyễn Hoàng mở cõi và sau đó, từng là một phần kinh sư của vương triều Nguyễn. Trên vùng đất này, dòng họ Hoàng ở làng Bích Khê, huyện Triệu Phong đã có nhiều đóng góp để làm rạng rỡ quê hương. Dẫu vậy, phải đến Hoàng Hữu Xứng (1831-1905), vị tổ đời thứ 13, trở đi, họ Hoàng ấy mới thật sự có nhiều người còn lưu lại tên tuổi trong sử sách. Tuy nhiên, bản thân sự nghiệp vị tổ khai sáng họ tộc – Hoàng Hữu Xứng – vẫn còn ít nhiều những tranh luận trên sách báo hiện nay. Cũng cần phải nói ngay rằng, sở dĩ còn tồn tại những ý kiến này nọ là bởi hai nguyên nhân: Thứ nhất, dư luận dân gian không xác đáng khởi xuất từ những bài thơ, truyện thơ nặc danh hoặc có tác giả thì tác giả ấy (Nguyễn Văn Giai, tục gọi Ba Giai) vốn không am hiểu tường tận, lại thiên kiến, quen nếp đả kích. Thứ hai, bản thân Hoàng Hữu Xứng vừa là một nhân vật lịch sử lại vừa là phó tổng tài Quốc sử quán khi chỉnh lí kỉ Tự Đức (1947-1883), biên soạn kỉ Kiến Phúc (1883-1885), về hưu vào năm 1900, và còn sống sau khi kỉ Kiến Phúc đã được khắc in, đưa vào kho sử, lưu hành trong nội bộ triều đình, hoàng tộc (1902).

Nguyên nhân thứ nhất, thiết tưởng không cần bàn luận nhiều, vì các bài thơ, truyện thơ ấy vốn thuộc lĩnh vực văn chương nghệ thuật không được bảo chứng bằng tư liệu. Đó không phải là sử học. Sử học là một lĩnh vực cần đến rất nhiều tư liệu và phải là các tư liệu được khảo chứng, có giá trị. Thứ đến, lại là một nguyên nhân nẩy sinh từ sự không am hiểu phương thức biên soạn tập thể của Quốc sử quán. Đó là phương thức mà mọi tư liệu đều được khảo chứng, thẩm định và mọi chi tiết thuật sự đều được bàn luận, cân nhắc bởi hàng vài ba chục người, lại trải qua nhiều tập thể sử quan.

Để sáng tỏ hơn, chúng ta thử xem Quốc sử quán đã viết về Hoàng Hữu Xứng như thế nào. Cụ thể hơn, trong “Đại Nam thực lục” (gọi tắt là Thực lục) (*), hành trạng của ông có phải đã được ghi chép lại chỉ theo một chiều hướng đề cao, ngợi ca? Rõ ràng không phải vậy. Như mọi người khác, Hoàng Hữu Xứng dĩ nhiên vẫn có những ưu điểm cùng với những hạn chế khác. Có điều, ưu hay khuyết nhược điểm được ghi chép vào Thực lục đều là những gì đã được triều nghị, đã được chính bản thân vua Tự Đức hay các vua sau đó ban dụ, hoặc chí ít cũng căn cứ vào những bản tấu của các vị đại thần có uy tín rõ rệt, và chính những bản tấu ấy cũng đã được chính nhà vua châu phê (nên gọi là châu bản).

I. Trước khi mất nước (7-1885): vị quan đáng kính

1. Vị quan mẫn cán và thanh liêm: Về mặt ưu điểm, sự mẫn cán của Hoàng Hữu Xứng thể hiện ở chỗ ông đặc biệt có tài điều tra các vụ án. Chính vì tài Bao Công này, nên suốt đời làm quan của ông đã có nhiều giai đoạn ông được giao phó phụ trách Đô sát viện (1). Sự mẫn cán của ông còn thể hiện ở thời điểm ông cùng đồng sự đã được vua Tự Đức khen thưởng là mặc dù đảm đương những khối lượng công việc nặng nề nhưng vẫn xử lí một cách tinh tường, nhanh chóng (2).

Thanh liêm cũng là một đức tính thuộc vào loại ưu điểm của Hoàng Hữu Xứng. Phạm Phú Thứ đã có lần tìm hiểu ý dân ở Thanh Hoá và tâu về triều như vậy (3).

2. Nhân vật lịch sử chống ngoại xâm:

2a. – Thực thi chính sách “cấm đạo”: Quốc sử quán đã chép trong Thực lục như sau: “Tỉnh Bình Định bắt được tên đạo trưởng người Tây dương tên là Y-ty-Anh. Các quan tỉnh, huyện đều được thưởng gia một cấp và tiền vàng, tiền bạc có thứ bậc khác nhau ([…] đi đốc bắt là quyền huyện Tuy Viễn Hoàng Hữu Xứng, được thưởng tiền “Triệu dân” bằng bạc hạng lớn, hạng nhỏ mỗi thứ đều năm đồng […])” (4). Cũng vụ việc ấy, ở đoạn khác, được ghi chi tiết hơn: “Duy Hữu Xứng khi làm quyền huyện, tiết thứ bắt được một người đạo trưởng người Tây dương và bốn người đạo trưởng người nước ta và bọn người theo đạo cùng là đồ dùng ở nhà thờ đạo, giải nộp để xét” (5). Phải nói là Quốc sử quán rất trung thực, vì lưu lại một thành tích như thế dưới thời thực dân Pháp và bộ phận tả đạo Thiên Chúa giáo (không vơ đũa cả nắm) đã thống trị đất nước ta, là trở thành tì vết, thậm chí có thể rơi vào nguy cơ bị trả thù, ít ra cũng bị “trù yếm”. Cũng có thể kể thêm về vai trò của Hoàng Hữu Xứng trong vụ đánh dẹp cả “dữu dân” thuộc cố đạo Pháp lẫn lực lượng “sát tả” của Trần Tấn, Đặng Như Mai ở Thanh – Nghệ – Tĩnh – Bình (6). Đây là trường hợp Hoàng Hữu Xứng và đồng sự đã bị rơi vào hai gọng kìm thù oán, nhưng Quốc sử quán vẫn ghi lại.

2b. – Đối phó với phỉ Tàu: Thời đoạn những năm 60 của thế kỉ XIX, nước ta phải đối phó với bọn Tàu đã biến tướng thành phỉ, tràn sang xâm chiếm đất đai, dân cư để xưng hùng xưng bá, mặc dù triều đình đã hết sức vỗ yên, cho phép tự giải giáp để làm ăn sinh sống. Năm 1869, Hoàng Hữu Xứng là biện lí Bộ Binh, rất tích cực trong việc xử lí các việc quân từ các quân thứ tâu về, và được vua khen thưởng, như đã nói trên (2). Nhưng khi ông trấn nhậm tại tỉnh Thanh Hoá, với chức trách quan văn (bố chánh), lại bị khiển trách chung với đồng sự. Quốc sử quán chép lại nguyên văn bản dụ của vua Tự Đức, lời lẽ rất thậm tệ: “Trước phái đi đánh dẹp, chưa thấy có tình trạng gì khó, bèn thác là lương hết, quân tan, đều đem quân rút về quân thứ, thực là hèn nhát quá lắm” (7). Xin nhớ rằng, dụ của vua, không ai có quyền xuyên tạc, thêm bớt! Giả định như Quốc sử quán có thiên vị với Hoàng Hữu Xứng, họ chỉ cần thêm vào vài dòng diễn giải, để làm nhẹ tội đi, nhưng trong Thực lục vẫn chỉ như vậy.

2c.- Tinh thần chống Pháp: Giữ khí tiết và linh hoạt ứng phó trong sự kiện thất thủ thành Hà Nội lần thứ hai: Với quan điểm lịch sử – cụ thể, chúng ta đều biết rằng, chống sự xâm nhập của tả đạo Thiên Chúa giáo (không phải Thiên Chúa giáo mọi thế kỉ, mọi nước), lúc bấy giờ, là chống thực dân Pháp, chống thực dân Tây Ban Nha. Nhưng ở thời điểm 1882, lúc Hoàng Hữu Xứng làm tuần vũ Hà Nội, ông mới thực sự cùng đồng sự vạch ra phương án phòng thủ (8), trực tiếp chiến đấu với giặc Pháp. Đây là trường hợp ông bị Ba Giai chê bai, châm biếm một cách đầy thiên kiến. Tuy nhiên, sự thật đó, Thực lục chép nguyên văn như sau: “… Diệu uỷ án sát Tôn Thất Bá ra ngoài thành để thương thuyết, Bá vừa ra khỏi thành, quân Pháp đã bắn ngay. Diệu cùng tuần phủ Hoàng Hữu Xứng chia đường đốc thúc quân lính chống đánh rất lâu, quân ta và quân Pháp đều có bị thương và chết. Chợt thấy kho thuốc súng phá, quân ta rối loạn, quân Pháp bắc thang lên thành, thành bèn bị mất (chống nhau tự giờ mão đến giờ mùi mới mất). Diệu đi lẫn vào trong đám quân hỗn loạn, một mình đến trước đền Quan Công (ở ngoài tường ngăn trong thành), thắt cổ ở dưới gốc cây to. Đề đốc Lê Văn Trinh, bố chính Phan Văn Tuyển, lãnh binh quan Lê Trực, phó lãnh binh quan Hồ Văn Phong, Nguyễn Đình Đường đều chạy cả. Ngay lúc ấy Hữu Xứng đi tìm hỏi Diệu, không biết Diệu ở đâu, bèn vào thềm bên tả hành cung, bỗng bị phái viên nước Pháp bắt giữ (Phái viên nước Pháp muốn lấy lễ độ dụ Xứng. Xứng không chịu khuất phục, chửi mắng hắn, cũng không bị giết. Rồi sai đem Xứng về dinh tuần phủ cũ giam lại). Sau rồi phái viên nước Pháp đón Bá về (Bá chạy đến xã Nhân Mục) giao tỉnh thành cho. Bá vào thành cùng với Xứng. Xứng có bàn tạm nhận (Lúc ấy, Xứng đã nhịn ăn thành ốm. Bá mời vào, Hữu Xứng lại [từ] chối ngay. Bá hai lần khóc, nói sự lợi, hại. Xứng lại nghĩ, không tạm nhận [thành], sợ thêm khó, nhân cũng gượng dậy, nghe theo. Nhưng [lại] bàn [chỉ] do Bá nhận một mình, mà [cũng] cùng kí tên [thông] tư cho Hoàng Tá Viêm, Nguyễn Chính [:Chánh] cùng các tỉnh láng giềng: Xem thế có thể thừa cơ được, nên làm [:đánh] ngay thì làm [:đánh], chớ lấy [việc] nhận thành làm ngại. Và đem việc ấy nhận tội, tâu lên). Nhưng quân Pháp vẫn đóng giữ ở hành cung” (9).

Sau đó khoảng 3 tháng, hậu quả của sự kiện thất thủ thành Hà Nội lại được Thực lục chép rõ: “Tháng 5, vua sai bắt trói ngay quan tỉnh Hà Nội (tuần phủ Hoàng Hữu Xứng, bố chính Phan Văn Tuyển, án sát Tôn Thất Bá, đề đốc Lê Văn Trinh, chánh lãnh binh Hồ Như Phong, phó lãnh binh Nguyễn Đình Đường, Lê Trực) về kinh đợi án. Vua dụ rằng: Vừa rồi Hà Thành có việc, Hoàng Diệu quyết chí cố giữ, thà chết không hai lòng. Các quan chính nên cố sức làm việc đến chết, mới hợp nghĩa hiến thân cho nước. Thế mà hết lòng trung, chết vì tiết nghĩa, chỉ có một mình Hoàng Diệu. Bọn [quan võ] Lê Văn Trinh [, Hồ Như Phong, Nguyễn Đình Đường, Lê Trực] đều là quan to một tỉnh, sợ chết, tham sống, bỏ thành chạy trốn. Phan Văn Tuyển lại trốn trước, đến Sơn Tây, thì hèn nhát, không tài quá lắm. Hoàng Hữu Xứng tuy không ra khỏi thành nhưng không biết sống thác với thành. Tôn Thất Bá ra ngoài thành thương thuyết lại cùng với chúng dần dà trốn khéo. Quan giữ đất đai, gặp khi hoạn nạn, há nên như thế! [Tất cả] đều phải [bị] cách chức trước, trói giải ngay về kinh, xét rõ, để tỏ rõ phép luật. Còn quản suất giữ thành và quan phủ huyện, thông phán, kinh lịch giao cả cho đốc phủ mới xét rõ, tâu lên. (Sau đến năm Tự Đức thứ 36, tháng 11, nghị chuẩn cho Diệu được bày thờ ở Đền Trung Nghĩa. Bọn Xứng đều cách chức cho làm việc chuộc tội (sau đều cho khai phục), Tuyển phải cách chức về quê chịu sai dịch)” (10).

Xin nhấn mạnh: Thực lục thuộc kỉ Kiến Phúc, ở mục tháng 11 nguyệt lịch năm Quý mùi (1883), cũng ghi rõ như thế, với lí do “vì cớ lần ấy đường lối chiến hay hoà chưa xác định, tình hình diễn biến quá bất ngờ, việc phòng thủ có khó khăn, nên ra đặc ân giảm tội đến mức thấp nhất”. Theo đó, Hoàng Hữu Xứng cùng với những viên quan đồng sự đều chỉ bị “phái đi hiệu lực”, tức là chịu sai đi làm việc chuộc tội (11).

Đây là sự kiện mà sử sách hiện nay vẫn còn khắc hoạ ra hai Hoàng Hữu Xứng khác nhau. Một, theo cách của Ba Giai. Hai, ông vẫn giữ được khí tiết của một vị quan yêu nước (mắng giặc khi đã thua trận, sa cơ), có trách nhiệm, tuân thủ quân luật bấy giờ (không bỏ thành, tuyệt thực) nhưng biết linh hoạt ứng biến với tình hình (ông gửi thư cho Hoàng Tá Viêm: “xem thế có thể thừa cơ được, nên làm ngay [đánh Pháp ngay tại thành Hà Nội] thì làm [tức là cứ đánh], chớ lấy [việc] nhận thành làm ngại [vì có ông trong thành, ông có thể bị đạn quân ta bắn trúng]”). Tuy vậy, Quốc sử quán vẫn chép lại nguyên văn lời dụ của vua Tự Đức với ngôn từ rất mực hoàng đế phong kiến, với dụng ý răn đe mọi quan quân khác, hơn là lời lẽ đúng mực của tập thể thẩm phán (triều nghị) (10 & 11).

II. Sau khi mất nước (7-1885): nhà soạn sách giữ được lòng yêu nước

1. Quyết giữ từng tấc đất Tổ quốc trong việc soan sách địa lí: Trong Thực lục, kỉ Đồng Khánh (1885-1888), có chép lại bản phàm lệ do chính bản thân Hoàng Hữu Xứng viết, với tư cách là đổng lí việc biên soạn “Đại Nam cương giới vựng biên”. Trong đó, có đoạn thể hiện rõ ý thức giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc, kể cả những vùng đất bị Trung Hoa chiếm lấy dưới các triều Hồ và Mạc, đặc biệt là Nam Kỳ từ 1862, 1867: “Sáu tỉnh Nam Kỳ xin phải chép cả vào trong khoản chép tổng quát, và chép riêng biệt để cho còn danh hiệu” (12). Ông muốn lưu lại chứng cứ để về sau khôi phục lại chủ quyền, chứ không cam đành mất hẳn cho Trung Hoa và Pháp. Ngoài ra, trong sách về cương giới ấy, còn có một bản đồ. Có thể đó là bản đồ còn thiếu sót về chủ quyền biển, nhưng chúng ta phải hiểu ấy là quyền mặc nhiên, không nhất thiết phải khẳng định, nhất là trong điều kiện thế nước suy vi như vậy, thì mối quan tâm có khi không bao quát hết (*).

2. Trung thực trong quá trình biên soạn Thực lục với phương thức tập thể: Là một toản tu, rồi là phó tổng tài trong ba vị phó, dưới quyền của một tổng tài khác, thuộc tập thể sử quan vài ba chục người (các tập thể này trải quan nhiều thời kì, có thay đổi), Hoàng Hữu Xứng vẫn hiện diện trong Thực lục đúng mức như hành trạng thực trong đời làm quan của mình. Như đã nói, chính nhờ phương thức biên soạn tập thể, có bàn luận, tranh cãi, để đi đến nhất trí từng chi tiết, từng câu chữ khi biên soạn Thực lục, nên Thực lục có thể xứng đáng để được gọi là tín sử. Trong bài viết trước, tôi đã nghĩ rằng, giữa tài điều tra hình án (tài Bao Công), đức tính thanh liêm, năng lực học vấn, vai trò chứng nhân lịch sử với công việc ghi chép sử kí của Hoàng Hữu Xứng, hẳn có một mối quan hệ rất hữu cơ. Tôi cũng đã viết: Khi là nhà chép sử, mặc dù dưới bóng tối thực dân Pháp, ông vẫn giữ được vẹn nguyên tinh thần chống Pháp, chống Trung Hoa (nhà Thanh) và đặc biệt là tôn trọng sự thật lịch sử. Đến nay, hậu thế có thể đọc thấy cái tâm ấy bên trong, đằng sau những dòng chữ của Quốc sử quán triều Nguyễn thời Hoàng Hữu Xứng, mặc dù đó là công trình của nhiều tập thể sử quan trải qua nhiều thời kì, với phương thức làm việc nghiêm ngặt, cân nhắc từng câu chữ (đến mức không những thực dân Pháp, mà ngay cả hoàng thân, hoàng đế cũng bị phê phán nếu có hành vi sai trái). Nói cho cùng, Hoàng Hữu Xứng và Quốc sử quán ít nhất là đã có công lao to lớn trong việc ghi chép lại các bản dụ, cáo, bản án, tấu, sớ vốn có giá trị xác tín rất cao, cao nhất, trong công việc khảo chứng tư liệu lịch sử, mà không bộ sử nào có thể so sánh được. Đối với hậu thế chúng ta, dĩ nhiên, cũng cần có các thao tác xới lật cần thiết với quan điểm khoa học, dân tộc nhất khi sử dụng bộ sử kí ấy, đặc biệt là các kỉ ấy (13).

Trần Xuân An
9:50 — 15:06, 22-02 HB11 (2011).

(*) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục, chính biên” (ĐNTL.CB.), kỉ Tự Đức, kỉ Kiến Phúc và kỉ Đồng Khánh, bản dịch Viện Sử học, Nxb. KHXH., 1973-1976, 1976, 1977-1978.

(1) đến (12): (1) Kỉ Tự Đức, tập 34, sđd., tr. 275-276; (2) Tập 31, sđd., tr. 333; (3) Tập 33, sđd., 1975, tr. 284; (4) & (5) Tập 29, sđd., tr. 48, 245 & 293; (6) Tập 33, sđd., tr. 68-70. Xem: Trần Xuân An, ““Ngọc đá đều cháy”, chủ trương tạm thời trong vụ trấn áp cuộc nội chiến lương – giáo ở Thanh – Nghệ – Tĩnh – Bình vào năm 1874”, Tạp chí Xưa & Nay trích đăng, số 284, tháng 5-2007, tr.42; (7) Tập 32, sđd., tr. 276; (8) Tập 35, sđd., tr. 100-101; (9), (10) & (11) Tập 35, sđd., tr. 108-109, tr. 128; kỉ Kiến Phúc, tập 36, sđd., tr. 33; (12) Kỉ Đồng Khánh, tập 37, sđd., 1977, tr. 217-220.

(13) Xem thêm: Trần Xuân An, “Hoàng Hữu Xứng (1831-1905), hành trạng biên niên”, bài khảo luận, đã đăng tải.

(*) Bản đồ nầy có một phó bản hiện được ông Hoàng Thạch Thiết – hậu duệ họ Hoàng đời 17, đích tôn của cụ Hoàng Hữu Xứng – bảo quản tại nhà riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh theo chế độ trách nhiệm của dòng trưởng. Đặc biệt trên bản đồ, chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa đã được xác lập dưới địa danh Hoàng Sa Thổ. Có thể xem ảnh chụp lại bản đồ được giới thiệu ở cột NHÂN VẬT của trang web họ Hoàng. — www.hoangtocbichkhe.com

Bài đã đăng:
http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=12422
http://trannhuong.com/news_detail/8663/HOÀNG-HỮU-XỨNG-(1831-1905)-VÀ-THỰC-LỤC
http://www.nhavantphcm.com.vn/tran-xuan-an-hoang-huu-xung-va-thuc-luc.html

Posted in Chưa phân loại | Leave a Comment »

GIỌNG ĐIỆU THƠ CAO QUẢNG VĂN

Posted by Trần Xuân An trên 25.03.2011

hidden hit counter

GIỌNG ĐIỆU THƠ CAO QUẢNG VĂN
Trần Xuân An

10:52, 25-03 HB11 (2011)

Chắc hẳn đối với nhiều người cầm bút tại thành phố này, ở mắt nhìn trong đôi lần gặp gỡ hay tận sâu trong những trang nhật kí của trí nhớ họ, đều hiện hữu một người hiền hoà, chân tình, tận tuỵ trong sinh hoạt thơ ca. Đó là nhà thơ Cao Quảng Văn.

Riêng tôi, sau gần hai mươi năm có cơ duyên quen biết, chuyện trò và đọc thơ anh, tôi cảm thấy xác tín hơn bao giờ hết về một điều không mới trong cảm nhận thơ. Quả thật, điều ấy không mới, nhưng mãi mãi vẫn là tiêu chí muôn thuở. Đó là giọng thơ, âm điệu thẩm mĩ riêng trong thơ của mỗi nhà thơ.

Tuy đến với các trang thơ trên báo chí từ những năm còn rất trẻ, nhưng nhà thơ Cao Quảng Văn, khi đã đứng tuổi, mới xuất bản, ấn hành các tập thơ riêng: “Thầm lặng màu xanh” (1995), “Mây trắng về đâu” (2001), “Những chân trời” (Nxb. Thanh Niên, 2010-2011).

Chính tập thơ mới nhất, “Những chân trời”, đã khiến tôi tự ngẫm nghĩ lại một câu hỏi rất thông thường: Mỗi người có đặc điểm, ấn tượng nào giúp ta dễ nhận ra nhất? Cố nhiên đó là giọng nói, chất giọng riêng không ai giống ai, cứ như dấu vân tay không người nào y hệt người nào. Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là giọng thể chất. Và giọng thể chất cũng có nhiều cung bậc cảm xúc. Tuy cũng vậy, có điều, trong thơ, giọng thơ (hay giai điệu thơ, âm điệu thẩm mĩ thơ ca) lại không thể phát lộ thành nét riêng nếu chưa từng trải qua một quãng thời gian hàm dưỡng nội lực và thoát khỏi sự pha tạp, lai giọng buổi ban đầu sáng tác. Điều đáng nói ở đây, chính là giọng thơ thuần nhất với cung bậc cảm xúc hầu như ít thay đổi, rất đáng lưu ý trong tập “Những chân trời”. Giọng thơ thuần nhất là đặc điểm đáng quý nhưng cảm xúc thẩm mĩ ít thay đổi cung bậc lại dễ khiến người đọc cho là đơn điệu. Tuy vậy, đối với tôi, đọc một thi tập, khoảng trên 70 bài thơ, như “Những chân trời”, tôi lại có những giờ khắc nhẹ nhàng, bâng khuâng đầy hoài niệm mơ hồ về những quãng thời gian trong đời người đã vĩnh viễn trôi qua. Và đôi khi, cũng cùng “Những chân trời”, tôi cảm thấy không thể không nhói thắt với tác giả. Ấy là những lúc Cao Quảng Văn thao thức tự vấn về trách nhiệm cầm bút trước bao mảng tối đầy quỷ sứ giữa đời. Nhưng rồi những thoáng cảm giác nhói thắt khiến xót lòng ấy lại được âm điệu chung của “Những chân trời” phủ lấp, điều hoà.

Như một điều tự khẳng quyết, trong quãng đời anh viết tập thơ này, Cao Quảng Văn vẫn không nguôi khát vọng đi khắp, trải khắp, nối lại tất cả “những chân trời” với nhiều địa dư, chiều kích, bản sắc, thời đoạn, nhưng anh hầu như đắm chìm trong tâm trạng của một người luống tuối, với những bước chân vào tuổi xế chiều. Tuy thế, thật ra rồi cũng như những phút giây tự vấn về thiên chức cầm bút và sứ mệnh cao cả của thơ ca, khát vọng “những chân trời” của anh hình như chỉ là những hồi quang ở ráng chiều. Ráng chiều ấy, tuy có thoáng chốc bừng lên rực rỡ, nhưng vẫn rực rỡ của hồi quang – hồi quang của bao tia nắng ban mai, bao ánh nắng giữa trưa trong những năm tháng trai tráng của đời người chưa thoả nguyện. Tuổi trẻ đã trôi qua, nhưng khát vọng cũng chưa thực hiện được! Vì thế, hồi quang rất đỗi ngậm ngùi. Nhưng may mắn thay, chính những thoáng dư vị ngậm ngùi ấy không trở nên đắng chát, cay xé là nhờ âm điệu dịu ngọt, thanh tao chủ đạo trong tâm hồn Cao Quảng Văn, đặc biệt thể hiện trong tập “Những chân trời”. Chung nhất, giai điệu thơ anh vẫn là an nhiên, hiền hoà, điềm đạm, chan chứa trong đó bao hoài niệm mênh mang cùng những hoài niệm mơ hồ mà thơ anh chỉ hé mở.

Lá rơi hoài như thế
Mà sao thu không đầy?
Nắng dịu dàng như thể
Em lại vừa qua đây?

Thơ Cao Quảng Văn không mới mẻ, đột phá về tư tưởng – nghệ thuật, tứ thơ, cách cấu tạo hình ảnh thơ cũng như ngôn từ. Thơ anh đẹp một cách cổ điển về giai điệu thơ, và có thể nói thêm, ở khá nhiều bài, vẻ đẹp ấy còn là tính hàm súc. Tuy không nhiều trong tập thơ, nhưng đơn cử như bài thơ ngắn gọn “Và mùa thu” (tr. 79, sđd.), không phải là tuyệt tác sao?

Trong một đời thi sĩ, có gì hạnh phúc hơn khi tìm ra được điệu hồn đích thực của mình và viết được dăm bài thơ thuộc vào loại in sâu mãi mãi vào tâm hồn người đọc?

Trần Xuân An
2:00, 25-03 HB11 (2011)

_______________

(*) Cao Quảng Văn, “Những chân trời”, tập thơ, Nxb. Thanh Niên, 2010; cỡ sách 10,5 x 20,5 cm, 139 tr..”Những chân trời” được in trên giấy quý màu vàng nhạt. Các bài thơ đều là thủ bút của tác giả, ngoại trừ một vài trang là thủ bút Hán – Nôm của hai nhà thư pháp Phạm Thăng và Hải Trung. Đầu tập thơ, có những trang cảm nhận của GS.TS. Huỳnh Như Phương. Xen kẽ giữa trang thơ là phụ bản của hai họa sĩ Đinh Cường, Mai Châu. Cuối tập, có những bài thơ đã được phổ nhạc bởi các nhạc sĩ Văn Lương, Lê Trung Tín, Nguyễn Đức Vinh.

ĐÃ ĐĂNG TRÊN BÁO CHÍ ĐIỆN TỬ:
– Tttđt. HNV. TP.HCM.
http://www.nhavantphcm.com.vn/the-gioi-sach/nhung-chan-troi-du-luan.html
– TranNhuongCom
http://trannhuong.com/news_detail/8616/GIỌNG-ĐIỆU-THƠ-CAO-QUẢNG-VĂN
– PhongDiepNet
http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=12403

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , | Leave a Comment »

“THƠ NHỮNG MÙA HƯƠNG” & IN PHỤ LỤC ĐỂ GHI NHỚ

Posted by Trần Xuân An trên 15.03.2011

hidden hit counter

 

https://i0.wp.com/lh5.googleusercontent.com/_HTtozhP6bR4/TYU54ktFXDI/AAAAAAAAVK8/3eguiObH754/s1000/bia-BEST_TXA-tho-nhung-mua-huong_ng-b-bac_thuc-hien_14-3hb11.jpg

Tập thơ đang được tiến hành việc xuất bản với dạng sách giấy,
nhờ sự tài trợ một phần của anh Diện & chị Huệ cùng các cháu.
Bìa do họa sĩ đồ họa Nguyễn Bình Bắc thực hiện

Bìa 1 + Phần gấp 1

IN PHỤ LỤC NHƯ MỘT CÁCH
TRÂN TRỌNG GHI NHỚ

I. 1. Nhà văn Trần Hữu Lục (Tạp chí Văn TP.HCM., số tháng 8.1999), về tiểu thuyết “Có một nơi lá mãi xanh”, Nxb. Hội Nhà văn, 1998.

Các tác giả khác đã viết bài về đầu sách này:

2. Nhà thơ Inrasara (bài bạt, chưa in).

3. Nhà văn Nguyễn Khắc Phê (Báo Thừa Thiên – Huế số 1520, 22-9-1999; & tạp chí Cửa Việt, 1999, số 61, tháng 10 năm 1999, tr. 78 – 79).

4. Nhà thơ Nguyễn Tiến Đạt (Báo Quảng Trị, số 1012 [cuối tuần], 05-11-1999 [28 tháng 9 Kỉ mão], tr. 5).

II & III. 5. Nhà báo Giao Hưởng (Báo Thanh Niên, số 178 [2743], 27-6-2003 [28-5 Quý mùi], tr. 9), đưa tin về hai tiểu thuyết được ấn hành cùng lúc: “Ngôi trường tháng giêng”“Sen đỏ, bài thơ hòa bình”, Nxb. Thanh Niên, 2003.

IV. 6. Tác giả Chu Thuỵ (Báo Quảng Nam, số 1694 [4916], cuối tuần, 08-10 – 09-10-2005), về cuốn “Ngẫu hứng đọc thơ”, phê bình văn học, Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2005.

7. GS.TS. Huỳnh Như Phương cũng viết bài giới thiệu (2005) về đầu sách “Ngẫu hứng đọc thơ”.

V, VI, VII & VIII. 8. Tác giả Trà Điêu Phan Thành Nhơn (Tạp chí Xưa & Nay, số 270, 10.2006), về hai đầu sách biên soạn, khảo luận được xuất bản một lượt: “Tiểu sử biên niên phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886), kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp”“Nguyễn Văn Tường (1824-1886), một người trung nghĩa”, Nxb. Thanh Niên, 2007.

9. Nhà thơ Cao Quảng Văn (Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 591, 11.01.2007, tr. 33-35 & số 597, 10.3.2007, tr. 63), về hai đầu sách cùng đề tài ghi trên và cả đầu sách “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)”, Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004.

10. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan (Đặc san Tình Quê, số 7, Tết Đinh hợi, 2006/2007), về bốn đầu sách cùng đề tài Nguyễn Văn Tường (1824-1886), gồm ba đầu sách vừa kể và cả đầu sách “Thơ Nguyễn Văn Tường – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng” (đến năm 2008, do Nxb. Thanh Niên ấn hành).

11. Nhà báo Hồ Sĩ Bình (Báo Kinh tế hợp tác Việt Nam, 25-7-2007), về bốn đầu sách cùng chuyên đề Nguyễn Văn Tường (1824-1886) (đã liệt kê và như ở tiểu mục 10).

12. Tập thông tin điện tử Sông Cửu Long, lúc 10:22, 10-07-2008, đưa tin về đầu sách biên khảo “Thơ Nguyễn Văn Tường – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng”, Nxb. Thanh Niên, 2008.

IX. 13. Tập thông tin điện tử Sông Cửu Long, lúc 17:42, 06-09-2010, đưa tin về đầu sách “Đọc văn chương và cảm nghĩ”, Nxb. Thanh Niên, 2009.

X. 14. Nhiều tạp chí điện tử tự lập trong và ngoài nước: trích đăng, giới thiệu tập thơ tự tuyển “Tưởng niệm Mẹ”, Nxb. Thanh Niên, 2010.

XI. 15. Tập thông tin điện tử Hội Nhà văn TP.HCM., lúc 00:35, 28-01-2011: đưa tin về tập thơ “Thơ sử và những bài thơ khác”, Nxb. Thanh Niên, 2011.

16. Nhà thơ Nguyễn Tường Văn (Báo Phú Yên, số 1286 [3089], ngày 24-02-2011, tr.7), về “Thơ sử…”, tập thơ thứ 11 (đầu sách 27/28 của TXA.), ghi trên.

Và các điểm mạng toàn cầu thân quen: về các đầu sách đã nêu.

Trên đây là số còn lại của những bài viết, mục báo giới thiệu 18/28 đầu sách của tôi (18 đầu sách đã được xuất bản qua các nhà xuất bản, chưa kể Thơ những mùa hương), nhưng rất tiếc là trong các đầu sách mà tôi mới xuất bản gần đây, ở các phần phụ lục, tôi chưa có dịp để in lại (kể cả phần đính chính kĩ thuật in ấn trên báo chí, nếu có), nhằm mục đích thể hiện sự trân trọng ghi nhớ, như đã thực hiện ở những đầu sách trước.

Xin chân thành cảm ơn và hi vọng sẽ có điều kiện để thực hiện phần phụ lục ghi nhớ ấy ở những đầu sách thích hợp sắp tới.

Trần Xuân An
15-03 HB11 (2011)

Xem thêm:
NHỮNG BÀI PHÊ BÌNH, GIỚI THIỆU VỀ CÁC TÁC PHẨM TRẦN XUÂN AN
(18 đầu sách đã xuất bản qua các nhà xuất bản)

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: | Leave a Comment »

VÕ QUÊ, NHÀ THƠ KHÔNG THỂ BỊ LÃNG QUÊN

Posted by Trần Xuân An trên 03.03.2011

hidden hit counter

 

VÕ QUÊ, NHÀ THƠ KHÔNG THỂ BỊ LÃNG QUÊN
(01–03-03 HB11 [2011]) —
phê bình văn học
Trần Xuân An

 


Nhà thơ Võ Quê

Nguồn ảnh: Bee . net . vn

“… Đó là thời sôi động “Phong trào Đô thị Miền Nam”, một phong trào bao gồm cả sư sãi, Phật tử, tiểu thương, công nhân, công chức, nhà báo, và cả thương phế binh nữa, thậm chí gồm cả một ít linh mục tiến bộ, nhưng nổi bật vẫn là học sinh, sinh viên. Hầu như những người trong mọi tầng lớp xã hội có chút tâm huyết đều tham dự phong trào, và bao giờ cũng thế, tuổi trẻ là năng nổ nhất. Thực chất đó là phong trào chung của nhiều khuynh hướng chính trị – xã hội khác nhau… (…)”…
“… Võ Quê là một trong những người cộng sản trẻ tuổi ấy. Và bối cảnh đã tạo nên nhà thơ Võ Quê… (…)”…
“… Có lẽ không thừa khi tôi muốn nói thêm một điều về anh trong đời sống thật: Nhà thơ Võ Quê là một người cầm bút thuộc lứa tuổi đàn anh luôn luôn đối xử tốt với nhiều người cầm bút trẻ hơn mình, trong đó có bản thân tôi. Điều đó, tôi đã chứng nghiệm trong 36 năm quen thuộc anh, kể từ Ngày Thống nhất (1975)”…
— TXA. —

Bài đang được gửi đăng trên báo chí qua đường bưu điện

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , | 2 Comments »