Chiếc cầu Ý Hệ (cầu Hiền Lương)

Người bắn nhau nhưng đâu phải bắn nhau, Bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó (TrầnXuânAn)

Archive for Tháng Hai, 2013

HẬU CHIẾN, KHÔNG RIÊNG AI (I) & (II) – còn tiếp

Posted by Trần Xuân An trên 26.02.2013

hidden hit counter

HẬU CHIẾN, KHÔNG RIÊNG AI
Chương I
Trần Xuân An

1

Sau một chốc hửng nắng, trời lại mưa nhẹ hạt rồi nặng dần lên. Không thể đi tiếp, ông Huyên và hai người bạn của ông dừng chân, núp mưa dưới mái hiên một hiệu tân dược. Cả ba người đàn ông đều nghĩ là cuộc dạo phố Đà Lạt đã đến lúc phải ngừng. Họ bàn với nhau là nên gọi một chiếc taxi hay nên ghé vào quán cà phê gần nhất nào đó. Trong khi còn phân vân, ông Trường bước hẳn vào hiệu tân dược, hỏi mua loại thuốc ông thường dùng mỗi khi cái bụng làm ông khó chịu. Bất giác, ông Huyên nhìn vào, bắt gặp một người đàn bà còn khá đẹp với dáng người thon thả như một cô gái đang ngồi bên bàn nước nhỏ, cúi mặt đọc vào cuốn sổ lớn để mở, chốc chốc lại nhìn lên với đôi mắt tìm kiếm ở các ngăn tủ đựng thuốc. Sau quầy gỗ lắp kính, một người đàn bà khác, với chiếc áo trắng y tế, mặc bên trong áo ấm không cài nút, hình như đang chờ người đàn bà vừa đọc vừa tìm kia để lấy một loại thuốc nào đó xuống, đặt trên mặt quầy. Khi ông Trường bước vào, cuộc kiểm tra, có lẽ vậy, cũng ngừng lại.
Không hiểu vì sao ông Huyên không thể quay mắt sang chỗ khác. Ánh mắt ông như dán chặt vào gương mặt đàn bà vẫn còn nhan sắc kia. Hình như đó là một người đã từng quen biết với ông từ nhiều năm về trước. Và có lẽ vì ánh mắt đăm đắm của ông Huyên, linh tính khiến người đàn bà gấp nhanh cuốn sổ lại, nhìn thẳng vào ông. Bà không chỉ nhận ra dáng tuổi trạc trên năm mươi của ông Huyên, nên bà vụt đứng dậy, quên cả việc cần phải giữ gìn, ý tứ như vốn có.
– Ông… Thầy có phải là thầy Huyên không ạ? – Người đàn bà nói nhanh với vẻ vui mừng, khi bất giác đã bước vội ra chỗ ông Huyên và ông Nguyên Việt đang đứng –.
Ông Nguyên Việt, khoảng trên sáu mươi tuổi, mỉm cười, nụ cười pha lẫn nét tò mò và thú vị về cuộc gặp gỡ bất ngờ này. Trong khi đó, ông Huyên biết mình đã không nhìn lầm.
– Đúng rồi, tôi là Huyên. Và tôi tin chắc… cô là Cúc Trắng, em gái của Hồng Vàng.
– Dạ, thầy vẫn chưa quên. – Bà Cúc Trắng nói, với nụ cười vỡ ra thành tiếng –. Em rất vui vì thầy chưa quên hai cái tên dân dã, mộc mạc đó.
Ông Trường đã bước ra sau khi mua xong mấy viên thuốc. Ông đứng sững.

2

Ông Huyên và hai người bạn của ông đã sẵn sàng đến nơi bà Cúc Trắng đã mời hôm trước, sau cuộc điện thoại của bà Hồng Vàng nhắc lại lời mời. Họ đang ngồi quanh một chiếc bàn nước ở tiền sảnh khách sạn.
Ông Huyên hơi ngã đầu ra phía sau, đôi mắt nhìn lên một góc trần đúc. Thật ra ông không nhìn vào đâu cả. Ông Huyên đang nhớ về những năm tháng cũ, thuở ông còn là một giáo viên trẻ của một trường phổ thông trung học tại một huyện lị không xa Đà Lạt lắm. Ngày ấy, Huyên thường được Phòng Phổ thông thuộc Sở Giáo dục Lâm Đồng điều động lên Đà Lạt, mỗi đợt khoảng năm bảy ngày hay nửa tháng, và thường được sắp xếp chỗ ở tại Trường Phổ thông trung học Bùi Thị Xuân. Trong những dịp ấy, Huyên tình cờ quen biết hai chị em Hồng Vàng và Cúc Trắng, nữ sinh lớp mười hai và lớp mười. Nhưng chắc chắn trong họ sẽ không lưu lại những gì thường được gọi là kỉ niệm, nếu không có vài ngẫu nhiên khác.
Bây giờ, sau hơn hai mươi bảy năm, chính những hộp thuốc ở tiệm tân dược buổi chiều tránh mưa ấy đã khiến ông Huyên nhớ đến một kỉ niệm, và ông cảm thấy có chút gì đó gần như là cảm giác xấu hổ pha lẫn với buồn cười đang dấy lên nhè nhẹ trong lòng ông, khi ông đang ở trong những giây phút sắp gặp lại hai nữ sinh ngày ấy.
Ông Nguyên Việt và ông Trường có lẽ đều nghĩ bạn của họ – ông Huyên – đang chìm vào hồi ức thơ mộng hoặc cao quý về chính Huyên với hai chị em Hồng Vàng, Cúc Trắng. Họ không thể đoán được tâm trạng của bạn.
Cắt ngang sự im lặng của các ý nghĩ ở ba người đàn ông, một người vận đồng phục của một hãng taxi từ ngoài tiền sảnh bước vào, khẽ chào, chìa ra một tấm danh thiếp:
– Bà Hồng Vàng ở địa chỉ này mời quý ông lên taxi, bà đã gọi sẵn, để đến nơi đó.
Ông Huyên cầm lấy tấm danh thiếp của bà Hồng Vàng, đọc lướt qua, và gật đầu. Ông mời hai người bạn cùng ra xe.
Qua vài quãng đường đồi dốc, hai bên là các biệt thự đầy hoa và các triền thông, chiếc taxi chạy vào cổng một tiệm cà phê thanh lịch, sang trọng, đỗ lại trên sân.
Khi ba người đàn ông bước ra khỏi xe, hai chị em Hồng Vàng, Cúc Trắng với hai nụ cười tươi tắn, rạng rỡ đã đứng ở chân bậc cấp của biệt thự cà phê để đón họ. Một tiếp viên đi nhanh đến người tài xế, chỉ một thoáng đứng lại cúi đầu chào khách, rồi bước tiếp. Không cần nhìn ngoái lại, họ biết tiếp viên ấy đang thanh toán tiền xe.
Sau những lời chào hỏi niềm nở khiến ông Huyên vừa cảm động, vừa vui mừng, quên bẵng cảm giác xấu hổ pha lẫn buồn cười dấy lên trong lòng ông hồi nãy, họ bước hẳn vào phòng khách gia đình ở phía sau.
Ông Huyên không ngờ hai nữ sinh gặp nhiều khó khăn về đời sống năm nào bây giờ lại giàu có, thành đạt đến thế. Ông bất giác mỉm cười với ý nghĩ của mình, quyết định cứ để mặc cho tình cờ đưa đẩy, xem thử ông sẽ còn trải qua những gì trong cuộc gặp gỡ này và trong hơn mười ngày ông cùng hai người bạn còn ở lại Đà Lạt. Cũng trong một thoáng, ông giật mình, tự hỏi, liệu sau cuộc gặp thứ hai với Cúc Trắng, chính là lần đầu gặp lại Hồng Vàng đang diễn ra, còn có cuộc gặp gỡ nào nữa không?

3

Nhìn vào bức tranh được sao chép lại từ một kiệt tác hội hoạ nổi tiếng, thường thấy ở các quán cà phê – cái nhìn không chủ ý –, ông Huyên cảm thấy thật khó trả lời câu hỏi của bà Hồng Vàng. Đó là câu hỏi hơi lạnh của một người đàn bà ở tuổi bốn mươi lăm. Chỉ có thể hỏi như thế với âm sắc tỉnh táo như thế, khi một người nữ đã trải qua nhiều cảnh đời với nhiều cảm xúc, tâm trạng, đến độ đã đạt được một bề dày bản lĩnh! Tuy vậy, trầm ngâm khá lâu, ông thấy cần phải nói câu nào đó thay vì câu trả lời.
– Sau lần chúng ta gặp lại nhau ở biệt thự cà phê của em, tôi không hiểu tại sao tôi lại tự động mời riêng em đến quán cà phê nhỏ bé này. – Ông Huyên nói, cố gắng mỉm cười –. Tôi không còn trẻ nữa, em cũng không còn là cô sinh viên năm thứ hai. Và điều cay đắng nhất là tôi không thể ngờ em lại hỏi tôi một câu hỏi tàn nhẫn, lạnh lùng như em vừa hỏi.
Bà Hồng Vàng cúi mặt xuống bàn nước, ngón tay bà xoay xoay chiếc tách trên dĩa sứ một cách vô thức. Bà tự biết, chính bà đã tàn nhẫn, lạnh lùng quá đáng, khi bất giác bật ra câu hỏi “Thầy mời em đến cái quán ngày ấy chúng ta thường tới để làm gì?”. Ở ngần này tuổi, bà còn vụng về đến thế sao, khi muốn bày tỏ một thái độ nào đó để khỏi bị xem thường? Không, bà Hồng Vàng tự biết năng lực ứng xử không đến nỗi nào của bà. Có điều, trước người thầy giáo chỉ dạy bà vài buổi thời trung học và cũng là người bà đã chịu ơn vì mẹ của mình, người đang ngồi đối diện với bà trong lúc này đây, bà bỗng trở nên luống cuống, thô kệch trong lời nói. Bà không muốn đẩy xa hơn ý tưởng.
Một đàn chim sẻ sà xuống trên lối sỏi trắng trước hiên quán, lại vụt bay đến luống hoa gần đó. Bóng dáng đàn chim và tiếng reo lích rích vui tai của chúng khiến cả hai người có cảm giác được thoát khỏi không khí hơi nặng nề vừa thoáng bao phủ lấy họ.
– Em xin lỗi thầy… – Bà Hồng Vàng đỏ mặt, và bà tự ý thức về nhược điểm của mình, bà không thể che giấu nổi cảm xúc trước người đàn ông thường khiến bà xúc động trong những tháng ngày xưa cũ ấy, người mà bà đã gọi từ bao giờ bằng từ “thầy” đầy tôn kính theo phong tục –. Em không ngờ em đã buột miệng ra câu hỏi ấy. Chắc thầy đã biết, Đà Lạt chỉ là một thành phố nhỏ, một cái hắt hơi ở hồ Than Thở cũng có thể được nghe thấy tại thác Cam Ly. Dẫu sao, một người đàn bà đã có chồng con như em cũng phải giữ gìn, ý tứ.
Ông Huyên mở to đôi mắt, mỉm cười, cảm thấy niềm vui đang tràn ngập trong lòng mình, xua hết những ý nghĩ u ám vừa rồi. Ông quyết định sẽ không thú thật với bà Hồng Vàng điều ông dự định sẽ nói. Như thế là không “lương thiện” chăng? Dẫu sao ông cũng đã không “lương thiện” với hai chị em Hồng Vàng và Cúc Trắng, với cả bà mẹ của họ – ông mới được họ cho hay là bà mẹ chỉ mới mất cách đây vài năm. Đã không “lương thiện” với họ suốt hai mươi lăm năm nay, thì tiếp tục không “lương thiện” thêm một thời gian nữa, có sao đâu. Ông Huyên nghĩ vậy. Nhưng ý nghĩ ấy ngay lập tức bị xua tan trong lòng ông. Tâm trạng này khiến ông cảm thấy nghèn nghẹn ở cổ.
Bà Hồng Vàng rút khăn tay từ túi xách, thấm vội hai giọt nước mắt đã trào ra nơi đôi khoé mắt của bà.
– Tôi không ngờ cuộc đời lại đưa đẩy, run rủi thế nào đó, để chúng ta lại có dịp gặp nhau. – Ông Huyên nói như để lấp đầy khoảng trống –. Tôi nghĩ mình đang là hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, và em chỉ mười tám, mười chín…
– Năm em hai mươi tuổi mới đáng nhớ…
Ông Huyên cúi đầu khi nghe bà Hồng Vàng nhắc.
– Đó là năm hai chị em em và má em đã được thầy giúp đỡ. Nhờ mấy hộp thuốc của thầy, má em khỏi bệnh bao tử hành hạ, và đã khỏi hẳn từ đó.
– Thuốc ấy lúc bấy giờ rất hiếm, nhưng thời này lại đầy rẫy ở các hiệu tân dược. – Ông Huyên chợt liên tưởng đến buổi chiều tránh mưa, tình cờ gặp lại Cúc Trắng –. Em biết không… – Ông Huyên không thể kìm lại được ý nghĩ thú nhận –.
Bà Hồng Vàng ngước mắt nhìn ông chờ đợi ông nói tiếp.
– Chỉ cách đây vài phút thôi, tôi quyết định sẽ để em và Cúc Trắng tiếp tục ảo tưởng về lòng tốt của tôi. – Ông Huyên đã lấy lại được vẽ trầm tĩnh –. Nhưng… tôi nghĩ cần nói thật với em và Cúc Trắng… Thật ra, cũng chẳng có gì ghê gớm lắm, chỉ có điều tôi đã thiếu thành thực, lại có ý thức tô vẽ cho bản thân tôi. Tôi nghĩ như thế là không “lương thiện”.
– Em không hiểu thầy muốn nói gì? Thầy làm ơn nói rõ hơn.
– Không có gì quan trọng đâu. Sự thật là thế này. Mấy hộp thuốc Maalox năm ấy, tôi có được, không phải do tôi bỏ tiền túi ra mua từ Sài Gòn lên đây đâu, mà do một học sinh trường tôi dạy đã gửi biếu. Cậu học sinh ấy vượt biên sang định cư ở Canada, gửi quà về giúp đỡ gia đình, nhân tiện gửi biếu thầy giáo là tôi một phần. Đó là mấy hộp Maalox ấy.
– Nếu quả thật là vậy, thì có gì khác đâu. Gia đình em vẫn chịu ơn thầy mà thôi.
Ông Huyên mỉm cười, cảm thấy nhẹ lòng.
– Tôi cảm thấy xấu hổ khi bịa ra là do chính tôi bỏ tiền ra mua. Thực ra tôi không tốn đồng nào cả… Tôi không muốn làm bài toán đố lớp hai ở đây.
– Chỉ vậy thôi sao, thầy? – Bà Hồng Vàng lại nén tiếng thở phào –.
– Chỉ vậy thôi. Nhưng tôi đã mắc một lỗi là tự tô vẽ thêm cho sự giúp đỡ của tôi, khi tôi nói tôi bỏ tiền túi ra để mua. Số tiền khá lớn…
Im lặng một lúc, bà Hồng Vàng không muốn xoáy sâu vào bản chất của việc cũ, bà nói tránh ra:
– Sao hồi đó có quá nhiều người đau bao tử đến thế hở thầy? Sau này, em được biết đó là căn bệnh có thể do căn nguyên tâm lí. Hồi ấy, bao nhiêu là lo âu, và lo sợ nữa…
– Đó là một trong những căn bệnh thời hậu chiến. Và ngẫm lại, không có thời nào kì cục như vào những năm ấy. Quà tặng nhau lại là thuốc tân dược quý hiếm hay vải vóc gì đó, chứ không phải là hoa hay những vật lưu niệm như sách, tượng… Thậm chí, người trong nước, quý nhau nhất là tặng vài lon gạo trắng.
– “Bánh mì và hoa hồng”! Thời ấy, ai cần chi hoa hồng! – Vô tình, bà Hồng Vàng nói –.
– Như vậy, tôi là một kẻ quyết tâm nhịn đói để chỉ yêu hoa hồng!
Cả hai người đều bật cười và đều cảm động. Họ không ngờ mạch chuyện lại dẫn dắt họ đến những câu nói ý vị đến thế.
– Nhưng thầy cũng đâu có yêu hoa hồng! Thầy lừa dối hoa hồng mà! –. Bà Hồng Vàng bỗng nói như buột miệng, và biết không thể không nói thêm, nhưng cảm thấy lúng túng, không thể nói thêm một lời nào –.
Ông Huyên nhìn quanh, thấy quán vắng khách, nên khá yên tâm, nhưng ông vẫn tiếp tục dùng ẩn dụ “bánh mì và hoa hồng”:
– Tôi yêu quý hoa hồng bằng tất cả tình yêu chân thành của tôi. Nhưng Hồng Vàng có hiểu giùm tôi không, tôi có lỗi là sau khi tôi ngỏ lời, Hồng Vàng gật đầu, tôi vẫn không dám xin cụm hoa hồng ấy về trồng. Bởi lẽ, tôi còn quá trẻ, đâu dám nghĩ đến chuyện nhà đất. Không có một tấc đất để cắm dùi, tôi biết rước hoa hồng về trồng ở đâu!
Bà Hồng Vàng im lặng. Bà vẫn không tin lời vừa nói của ông Huyên.
– Thầy không biết thầy đã gây tổn thương cho cụm hoa hồng ấy như thế nào đâu, khi thầy cố tình bặt tin. Em không thể tin trên đời này lại có một loại tình yêu thiếu sức mạnh của nghị lực vượt khó như thế. Thầy bảo là bấy giờ thầy chưa có một tấc đất nào, nhưng thực ra, hoa hồng ấy không cần nhà đất thật, nó chỉ cần một tình yêu có thật.
– Hoa hồng trừu tượng, siêu thực! “Bánh mì và hoa hồng”! Cơm gạo và tình yêu! Chúng ta cần cả hai. – Chìm vào suy tưởng, ông Huyên nói chậm rãi –. Vả lại, em biết không, ngày ấy, dẫu không rơi vào tình huống của Puskin, tôi vẫn rất yêu mến hai câu thơ được lẩy ra khỏi bài thơ chân thành nhất của nhà thơ đó, như hai câu độc lập. Chắc em còn nhớ hai câu thơ ấy. Không, chỉ cần một câu mà thôi: “Cầu cho em có được người tình như tôi đã yêu em”.
Bà Hồng Vàng nhăn mặt thật sự:
– Thầy vẫn còn giả dối với em sao? Nhưng dẫu sao cũng không thể cứu vãn được gì hết. Tất cả đã muộn. – Bà Hồng Vàng bật cười, đau đớn đến trào nước mắt –. Em sắp được lên chức bà ngoại rồi!
Chính câu nói cuối vừa thốt ra khiến bà sực tỉnh. Bà biết mình đã đến lúc phải ra về. Ngồi im lặng một lúc, sau khi chấm khăn tay vào hai khoé mắt, bà tỏ ý sẽ ra về để tránh sự đột ngột. Một phút sau, bà Hồng Vàng đứng dậy, từ giã ông Huyên. Ông Huyên đành ngậm ngùi gật đầu, đứng dậy tiễn bà. Không một lời hẹn sẽ gặp lại nào được thốt ra.
Trời Đà Lạt bất chợt nắng lên một cách quái ác, không sướt mướt chút nào.
Ông Huyên một mình lững thững trở vào quán cà phê cách đây hai mươi lăm năm Huyên và Hồng Vàng thường ngồi, và họ mới cùng ngồi với nhau cách đây dăm bảy phút. Ông không ngờ cuộc đời lại có những tháng năm và giờ phút như thế.

4

Mười lăm ngày đã trôi qua gần hết. Ngày bế mạc hội thảo về văn học chiến tranh và hậu chiến sắp đến. Cho dù đây là hội thảo có hạn định thời gian khá rộng rãi, không vội vã trong vài ngày như các hội thảo khác, nhưng vấn đề được nêu ra, bàn luận trầm tĩnh hay tranh luận sôi nổi, vẫn không tránh khỏi những bỏ ngỏ. Dẫu thế, đây cũng là cuộc hội thảo im lặng nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Mọi người đều không hiểu nguyên nhân từ đâu.
Ông Huyên cũng chuẩn bị tham luận, cũng đăng đàn đọc tham luận và tham dự không sót buổi thảo luận nào, như những thành viên khác. Ngoài ra, ông lại có dịp để hồi tưởng lại chuyện cũ rất riêng tư giữa ông và bà Hồng Vàng ngày ấy, cách đây đã hai mươi lăm năm. Nhưng ngẫm nghĩ lại, ông tự bảo, liệu có chuyện riêng tư nào thoát khỏi âm hưởng và dấu vết của thời thế! Một cụm hoa hồng tươi tắn hay cằn cỗi, héo rũ cũng tuỳ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Một dấu hỏi tại sao được đưa ra cũng cần phải truy vấn đến bao nhiêu giai đoạn lịch sử trong và ngoài nước.
Ngồi trên ghế đá ở một vườn hoa, ông Huyên lặng lẽ nghĩ ngợi. Trong khi ấy, ông Nguyên Việt và ông Trường đang tha thẩn nhìn ngắm những bức tượng của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng được trưng bày quanh đó.
Quãng xế chiều Đà Lạt bao giờ cũng se lạnh, cái se lạnh của trời đất thật tuyệt vời nếu không có một giọt mưa nào, đường phố khô ráo trong nắng nhạt. Ông Huyên khẽ khép lại hai thân áo ấm trước ngực. Nghe tiếng chân bước trên lối sỏi rồi trên cỏ, ông quay đầu lại, bắt gặp nụ cười của ông Nguyên Việt:
– Tôi cảm thấy thú vị khi đọc tham luận của cậu về biểu tượng hai mặt trong văn chương nước ta thời chiến tranh và thời hậu chiến. Cảm giác thú vị ấy được nhân lên nhiều lần khi được nghe cậu kể lại câu chuyện giữa cậu và bà Hồng Vàng ở một quán cà phê thuở còn trẻ hai người thường ngồi để tâm tình. – Ông Nguyên Việt nói khi đã ngồi bên cạnh ông Huyên –.
Ông Huyên giật mình, quay phắt sang ông Nguyên Việt với ánh mắt thắc mắc:
– Giữa tham luận của tôi và chuyện thời trẻ của tôi với bà Hồng Vàng, có lẽ chỉ liên quan trực tiếp với nhau ở biểu tượng “bánh mì và hoa hồng”. Đó là một cặp ẩn dụ đã trở thành biểu tượng trong ngữ cảnh nhất định. Chỉ có thế thôi. Nếu mở rộng sự liên quan, thì tất thảy đều liên quan trong một bối cảnh lịch sử nhất định, chẳng cứ gì chuyện tôi với bà Hồng Vàng ngày ấy và cách đây mấy hôm.
Ông Nguyên Việt cười khoái trá, vỗ tay vào đùi ông Huyên:
– Tất nhiên cậu đã nghiên cứu kĩ về mặt lí luận cũng như trong văn chương hình tượng về ẩn dụ, kể cả trường dụ, nhất là “biểu tượng hai mặt”… Tuy vậy, tôi nghĩ, có lẽ sẽ có những kẻ diễn dịch, xuyên tạc chi tiết “mấy hộp thuốc Maalox”, nhất là mấy hộp tân dược ấy lại do một học sinh vượt biên gửi biếu.
Ông Huyên nhếch môi nhưng không cười, dù chỉ là cái cười mỉm:
– Nói thế thì không cùng! Trên đời, đáng sợ nhất là những người kém hiểu biết mà giỏi tung tin nhảm hoặc có quyền lực trong tay. Nhưng … anh nghĩ những kẻ đó sẽ diễn dịch như thế nào do kém hiểu biết về thủ pháp văn chương hay do ác ý?
– Tôi chỉ đùa, hù doạ cậu cho vui mà thôi. Nhưng biết đâu, có kẻ đã diễn dịch hay xuyên tạc chi tiết “Maalox do Việt kiều gửi tặng” là tài liệu phản động, gây rối nhiễu thông tin nào đó thì ai cấm được chúng!
Ông Huyên bật cười:
– Đến thế thì quả là mạt vận! Nhưng về nguyên tắc, bất kì một ẩn dụ nào, một biểu tượng nào cũng ở trong văn cảnh nhất định, nó phải có những chi tiết phụ để xác định ý nghĩa cho nó và tính chất của nó. Không phải chi tiết nào cũng là ẩn dụ hay biểu tượng. Ai cũng thấy là chi tiết “Maalox do Việt kiều gửi tặng” có những chi tiết khác quanh nó xác định cho nó, rằng, đó chỉ là một chi tiết tả thực, chứ không phải là ẩn dụ, biểu tượng gì cả… – Ông Huyên định giải thích thêm về biểu tượng sóng đôi “bánh mì – hoa hồng” để khẳng định đó là biểu tượng đúng nghĩa nhưng không phải là biểu tượng hai mặt, có điều ông thấy quá thừa, và ông bỏ dở câu nói –.
Một lần nữa, ông Nguyên Việt vỗ đùi bạn:
– Thế thì cậu nên yên tâm, vì cậu đã là một chuyên gia về lí thuyết đồng thời là một nhà văn có tay nghề điêu luyện trong thực hành văn chương.
Ông Huyên mặc dù được người bạn lớn hơn về tuổi đời, tuổi văn khen, nhưng cũng cảm thấy hơi tự ái về ngữ điệu hơi đùa cho nhẹ bớt trọng lượng. Tuy thế, ông cũng mỉm cười vui vẻ.
– Chắc cậu đã biết, – Ông Nguyên Việt nói tiếp –, có kẻ bảo rằng tai hoạ đời cậu là do những kẻ kém hiểu biết nhưng lại có quyền lực trong tay hoặc giỏi xúc xiểm. Đầu óc chúng quá nặng nề “chủ nghĩa lí lịch” lại kém kiến thức về thủ pháp văn chương, và khả năng cảm thụ văn chương thì méo mó, thô thiển. Chúng đặt một mũi tên giữa lí lịch của cậu với văn chương cậu viết. Cái mũi tên diễn dịch thô thiển, dốt nát hoặc xấu xa ấy đã bắn vào số phận của cậu. Và cậu đã chết ngắc ngoải hai mươi lăm năm nay.
– Nguyên nhân trực tiếp còn kinh khủng hơn nhiều! – Ông Huyên cười đau đớn –.
Ngoài đường, dưới ánh nắng chiều Đà Lạt như hừng đông của những phố phường, làng mạc miền xuôi, một chiếc xe Attila dừng lại. Bà Cúc Trắng, em gái của bà Hồng Vàng, ngồi trên xe cười thật tươi, đưa một tay lên vừa vẫy chào vừa báo hiệu bà đã đến như lời hẹn. Hai người đàn ông đang bàn chuyện và cả ông Trường đang ngắm tượng điêu khắc đằng kia đều đưa tay chào bà Cúc Trắng. Đứng dậy, ông Huyên vẫn nói tiếp ý nghĩ vừa thoáng hiện trong đầu, như chưa dứt khỏi mạch chuyện:
– Dược sĩ Cúc Trắng này kiểm tra chủng loại và chất lượng thuốc, ở hiệu thuốc tân dược mà bà ta cho thuê bằng, bà ta đứng tên chịu trách nhiệm, chẳng nhằm nhò gì nếu so với hải quan – các đội kiểm soát cửa khẩu. Họ xé từng thùng quà, giũ từng xấp vải, bóc từng hộp thuốc, thậm chí đập vỡ dăm bảy viên thuốc họ lấy ra từ vỉ khằng nhôm, rồi lấy mẩu đưa cho phòng phân chất. – Vừa bước ra lề đường, ông Huyên vừa nói –.
Bà Cúc Trắng thấy nét căng thẳng còn vương trên mặt hai người đàn ông khi họ chào hỏi bà, nhưng bà vẫn tươi cười, niềm nở với tất cả lòng mình.
Từ phía sau, ông Trường cũng đang cười, bước tới với máy ảnh trên tay. Một tấm ảnh lưu niệm đã được ghi vào thẻ nhớ.
Ông Huyên chợt bâng khuâng, tự hỏi thầm, không biết vài ngày còn lại của đợt hội thảo trên đất Đà Lạt này sẽ còn những bất ngờ nào. Ông biết đôi mắt của ông là hai chiếc máy ảnh kì diệu, đang ghi lại hình ảnh lúc này của bà Cúc Trắng và đang sắp xếp vị trí bên cạnh hình ảnh bà Hồng Vàng mà ông đã thu nhận, trong kí ức vĩnh viễn không phai mờ của ông, trên những trang viết nào đó của ông, ông chủ quan tin là thuộc về vĩnh cửu.
Xế chiều Đà Lạt vẫn như thể là hừng đông.

T.X.A.
04:, 17.9 HB8
06: 35’, 18.9 HB8
Viết tại Nhà Sáng tác Đà Lạt

* * * * * *

HẬU CHIẾN, KHÔNG RIÊNG AI
Chương II
Trần Xuân An

Đã đăng ở TTTĐT. Hội nhà văn TP.HCM.:
http://nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/tieu-thuyet/tran-xuan-an-hau-chien-khong-rieng-ai.html

1

Đà Lạt đã bắt đầu vào mùa mưa, nhưng sáng chủ nhật hôm ấy trời vẫn như thể tháng giêng, nắng trong sáng và gió se lạnh. Mặt nước hồ Xuân Hương lấp lánh khiến Huyên có cảm giác nắng cơ chừng toả lên từ bao gợn sóng. Vừa thả bước trên lối đi ven hồ, vừa phóng mắt nhìn quang cảnh đồi Cù xanh màu cỏ, nhìn dăm chiếc xe thổ mộ với các chú ngựa dừng đỗ bên lề con đường dẫn tới Thanh Thuỷ, một quán cà phê nửa bờ nửa nước, không hẳn là thuỷ tạ, Huyên quên bẵng mình đang sóng vai với Ngàn, một người bạn dạy học cùng trường ở Đa Nông. Bỗng Ngàn hích khẽ khuỷu tay vào Huyên làm anh giật mình quay lại, ngay cùng một lúc giọng nói của Ngàn bật nhẹ ra với nụ cười, nhắc anh:
– Kìa, hai học sinh trường Bùi Thị Xuân chào thầy Huyên kìa!
– Xin chào thầy, chào anh Ngàn. – Hồng Vàng, chị của cô học sinh nhỏ tuổi hơn, tên Cúc Trắng, đang đi ngược chiều, khẽ cất lời sau cái cúi đầu chào cách đó vài bước chân –.
– Chào hai em. – Huyên chào đáp với đôi mắt bắt chợt sáng lên niềm vui do cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên giữa đường –.
Hoá ra, chỉ có mỗi một mình Huyên là người mới gần đây quen biết, còn Ngàn với hai cô gái học trò kia chẳng xa lạ gì hay ít ra cũng đã ít nhiều biết nhau, giữa thành phố không đông dân, quá thơ mộng này. Qua vài câu chuyện trò, thăm hỏi, Huyên được biết hai chị em mới đi chợ Hoà Bình, chợ trung tâm của Đà Lạt, đến hiệu sách ở đường phố chính, gần đó, và đang trên đường về nhà.
– Em vừa tìm mua thêm tài liệu ôn tập, luyện thi à? – Huyên hỏi, nhìn vào mấy tập sách cô học trò đang ôm trên ngực –.
– Dạ… Thưa thầy, nếu có thể, em cũng xin ý kiến thầy… – Hồng Vàng bỏ lửng câu nói, và gương mặt vốn trắng hồng như bao cô gái miền cao khác lại ửng hồng thêm –.
– Về điều chi? Hồng Vàng cứ nói đi – Huyên khích lệ –.
– Dạ, về việc em chọn thi vào đại học theo ngành ngữ văn Việt. – Hồng Vàng đã thoát khỏi sự ngượng ngập, nói rõ ràng ý định của mình –.
– Nếu em nghĩ kĩ rồi, thì quá chừng tốt đẹp. – Huyên tỏ sự vui mừng khi có thêm người sẽ bước đi trên con đường văn chương Huyên đã chọn lựa từ những năm tuổi nhỏ và sẽ mãi đi trọn cuộc đời mình –.
– Thưa thầy, tuy vậy, em vẫn còn phân vân… – Cô học trò lớp 12, chuẩn bị thi tốt nghiệp rồi sẽ thi vào đại học lại bày tỏ sự băn khoăn của mình –.
Ngàn thân tình đề nghị:
– Thế thì mấy anh em, thầy trò mình bước thêm một đoạn nữa, đến quán Thanh Thuỷ kia, ngồi chuyện trò, bàn bạc thêm. Đồng ý chứ? Hai chị em đâu phải đi chợ mua thức ăn, sợ gì trễ giờ. – Ngàn xem đồng hồ đeo tay –. Lúc này, mới 8 giờ sáng!
Huyên thốt lên:
– Một đề xuất rất chí lí, phải không, Hồng Vàng, Cúc Trắng?
Đến lúc này, Cúc Trắng mới lên tiếng:
– Em nghĩ… chị Hồng Vàng cũng cần phải xin thêm ý kiến của thầy Huyên và anh Ngàn. Chọn lựa chuyên ngành là quan trọng nhất cuộc đời, má và chị chẳng thường nói thế là gì!
– Quay gót, Hồng Vàng, Cúc Trắng! Quán Thanh Thuỷ chỉ cách đây một đỗi, ở ngay sau lưng hai chị em rồi kìa! – Ngàn nói, với giọng đùa vui của một giáo viên thể dục chuyên nghiệp trẻ tuổi nhất trường –.
Cả bốn người cùng bước về phía quán cà phê nửa bờ nửa nước ấy.
Nắng buổi sáng Đà Lạt lúc này chỉ để sưởi ấm, nên họ đến ngay bộ bàn ghế ngoài trời, dưới những cành liễu rủ lá xanh, buông những chuỗi hoa màu đỏ. Họ cũng không ngờ được gặp ở đây hai người thầy giáo già, đang thưởng thức cà phê ở bàn gần đấy. Đó là hai giáo viên trung học thuộc lứa tuổi lão làng vẫn đang giảng dạy tại Trường Phổ thông trung học Thăng Long ở Đà Lạt này. Trong khi Ngàn vào quầy mua phiếu thức uống – cà phê phin, loại thức uống độc nhất vào giờ này, ở đây, Huyên bước đến chào họ rồi quay trở lại với hai chị em Hồng Vàng, Cúc Trắng.
Cà phê được tiếp viên mang tới ngay. Trong khi chờ những giọt cà phê rơi xuống chén sứ trắng muốt đủ để có thể nhấc phin ra, Huyên hỏi Hồng Vàng, lúc cô học trò này đang nhìn xuống mặt nước hồ Xuân Hương gần kề, chỉ cách một hàng lan can sơn trắng, và đang mải ngẫm nghĩ về sự chọn lựa chuyên ngành đại học của mình:
– Hồng Vàng đã chọn lựa, sao còn phân vân gì nữa?
Ngẩng mặt lên, Hồng Vàng khẽ đáp:
– Dạ, em vốn thích môn ngữ văn. Ba em thuở còn sống cũng rất đam mê văn chương. Má em kể, thuở còn trai trẻ, ông ấy đã như thế. Chính em và Cúc Trắng, từ tuổi bé tí đã được ba em truyền cho niềm đam mê ấy rồi. Nhưng, có điều, hình như ông không biết, cũng không tìm đọc văn chương nước mình giai đoạn về sau.
Huyên chợt hiểu ra, anh nói, sau ba chữ “à ra thế” thốt thầm trong lòng:
– Nếu chỉ riêng trong phạm vi văn chương nhà trường, sự thể đó cũng bình thường thôi, vì ở Miền Nam mình, các bậc tiểu học, trung học và đại học trước Ngày Thống nhất không giảng dạy những gì về văn chương sau 1945 cả, kể cả môn sử cũng thế. Chế độ cũ vốn xem những gì mới xảy ra, quá gần, là chưa thể định hình, đánh giá, và cũng vì chế độ cũ không đủ tự tin!
– Thật là vậy hở thầy? – Hồng Vàng bỗng rõ ràng hơn một điều cô học trò này đã mơ hồ cảm thấy –.
Huyên gật đầu:
– Nhưng… – Huyên hơi dè dặt –, nếu ba em không tìm đọc văn chương giai đoạn 1945-1954, cả sách báo lĩnh vực này ở Miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 thì quả là hơi độc đáo đó. – Huyên mỉm cười, nụ cười chân thành, cảm thông, và nói tiếp –. Thật ra, sách báo từ 1945 đến 1954 cũng chẳng bao nhiêu, và ở Miền Nam mình, chỉ còn lưu trữ trong thư viện, chứ chẳng lưu hành nhiều ngoài xã hội, nên mấy ai đọc được. Còn văn chương trong các tiệm sách, quầy báo Miền Nam sau 1963 thì hầu hết là cùng một dòng với bộ phận văn học lãng mạn và cùng một dòng với bộ phận văn học hiện thực phê phán thời “Tiền chiến” (1930-1945) mà thôi, tuy có hiện đại hơn. Một dòng suy đồi hơn, một dòng mạnh bạo hơn. Riêng dòng thứ ba, dòng văn chương yêu nước và cách mạng, thì bảy chìm ba nổi. – Huyên trở lại với thực tế là đang trao đổi với Hồng Vàng, anh gợi mở để dễ hình dung –. Hai dòng văn chương lãng mạn và hiện thực phê phán 1930-1945 mà năm lớp 12 này em đã được học khái quát, ít nhiều có trích giảng đó: lãng mạn về thơ như các tập thơ “Thơ thơ”, “Gửi hương cho gió”, “Lửa thiêng”, “Điêu tàn”…, kể cả thơ của nhóm “Xuân thu nhã tập”; lãng mạn về văn như các tiểu thuyết “Đoạn tuyệt”, “Nửa chừng xuân”…; hiện thực về văn như tiểu thuyết “Tắt đèn”, truyện ngắn “Chí Phèo”… Tôi kể sơ lược như thế thôi, nhưng chắc chắn học sinh giỏi ngữ văn như Hồng Vàng phải nhớ chứ, đúng không? Hai dòng ấy, có thể nói, vẫn còn kéo dài đến 1975 với những cách tân, sáng tạo mới nào đó…
– Dạ, thưa thầy, ý em muốn nói là ba em không thích văn chương đậm chất chính trị, thời sự.
Huyên lại gật đầu:
– Tôi hiểu ý em. Nhưng thế hệ của ba em khác thế hệ em… Ba em chắc hẳn cũng suýt soát hoặc trẻ hơn lứa tuổi của thầy giáo Vui kia kìa. – Huyên khẽ hất đầu, nhướng mắt về phía hai giáo viên lão làng đang ngồi thưởng thức cà phê mà hồi nãy anh đến bắt tay chào –. Phải không, Hồng Vàng?
Hồng Vàng khẽ dạ. Huyên nói tiếp:
– Thậm chí, tôi xin lỗi phép nghe, ba em là ba em, em vẫn là em chứ! Có phải vậy không? Và dẫu sao đi nữa, chương trình giảng dạy, nghiên cứu, học tập các phân môn ngữ văn ở bậc đại học được cấu trúc khác với cấp cơ sở và cấp trung học.
Thầy giáo Ngàn mỉm cười:
– Ông cứ nói thẳng, nói rõ cho Hồng Vàng đi. – Ngàn nhìn Cúc Trắng, nói tiếp –. Mình cùng cùng nghe, phải không Cúc Trắng?
Cúc Trắng chỉ mỉm cười, mặt hơi ửng đỏ trong một thoáng:
– Em lại thích hai môn hoá học và sinh vật nhất…
– Việc chọn ngành của Cúc Trắng vẫn còn dài thời gian để chọn lựa. Tất nhiên hoá, sinh đều rất cần thiết… – Huyên nói, và anh trở lại câu chuyện với Hồng Vàng –. Ừ, thì tôi nói rõ, nói thẳng ra, vì đây không phải là lớp học, việc này lại rất quan trọng trong cả cuộc đời của Hồng Vàng –. Tôi đã học gần ba năm rưỡi đại học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, sau đó đã giảng dạy ở cấp 2 (cấp cơ sở) một năm, giảng dạy chỉ mỗi một lớp mười trọn một năm học tiếp theo, và hiện tại giảng dạy ba khối lớp cấp 3 (cấp trung học) gần trọn năm học này. Vả lại, tôi đã làm việc gì thì đến đầu đến đũa, nên tôi nghĩ tôi không mơ hồ gì khi góp ý cho Hồng Vàng. Thế này nghe, chưa kể phân môn tiếng Việt, phân môn tập làm văn và một phần lí luận văn học, thì cấu trúc chương trình môn giảng văn cấp 3 là thế này: học kì một của ba khối lớp (10, 11, 12), học sinh được học theo trình tự loại hình như văn học dân gian Việt Nam trước, văn học viết Việt Nam sau, còn phần văn học nước ngoài thì không nhiều lắm, chỉ học dặm thêm cho biết. Riêng về văn học viết Việt Nam, thì theo các thời kì, giai đoạn văn học sử Việt Nam. Nhưng ở học kì hai, ở cả ba khối lớp, chủ yếu là văn học hiện đại được sáng tác dưới sự lãnh đạo của cách mạng. Cụ thể hơn: ở lớp mười, suốt năm học, học văn học dân gian cho đến tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm, là ngắt, để học văn học hiện đại của cách mạng (cả chống Pháp lẫn chống Mỹ); ở lớp mười một, học tiếp văn học cổ từ sau Nguyễn Bỉnh Khiêm là “Chinh phụ ngâm”, rồi Nguyễn Du cho đến Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Phan Bội Châu, là ngắt, để học thêm văn học hiện đại của cách mạng (cũng chống Pháp lẫn chống Mỹ); ở lớp mười hai, học giai đoạn văn học 1930-1945 gồm ba dòng là lãng mạn, hiện thực phê phán và cách mạng, cho đến các tác giả như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, là hết phần học theo văn học sử, để học thêm một số bài trích giảng văn chương của các tác giả khác thuộc giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội Miền Bắc. Có đúng như vậy không, Hồng Vàng? Đặc biệt là còn có thêm một số tiết giảng văn (có thể ở dạng bình chú) tự chọn của mỗi trường, mỗi giáo viên: văn chương thời sự và địa phương. Hiện nay, đó là văn chương chống Trung Quốc xâm lược, bành trướng, bá quyền.
– Dạ vâng. Em thấy văn học cách mạng được học khá nhiều.
– Nhưng ở bậc đại học, phần văn học cách mạng (chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc) chỉ là một học phần chiếm tỉ lệ không quá nhiều như thế, bởi ở đại học là đã đi vào khoa học rồi. Nơi đó có mục đích đào tạo nên những nhà khoa học về văn chương hay ít ra cũng có tinh thần khoa học về văn chương. Bậc đại học khác với bậc trung học. Ở bậc trung học phổ thông, chủ yếu là để giáo dục, dùng văn chương để giáo dục nên những công dân lao động là những con người mới, xã hội chủ nghĩa.
Hồng Vàng mỉm cười, cảm thấy vui vì được hiểu ra sự thể là như thế:
– Xin thầy nói rõ cho em hơn về tính khoa học ở bậc đại học…
Huyên mỉm cười:
– Thật ra, bậc đại học chỉ học trong bốn năm, nên đó cũng chỉ là giai đoạn đầu của hành trình nghiên cứu khoa học mà thôi. Sinh viên chủ yếu học tập, vận dụng phương pháp nghiên cứu khoa học, còn đối tượng, phạm vi học tập, nghiên cứu cũng đã được xác định trọng tâm, trọng điểm, chứ không thể tràn lan. Đặc biệt, các tác giả mà sự nghiệp trước tác của họ đã định hình trước 1920, 1930, 1945, như Phan Bội Châu chẳng hạn, thì có những hạn chế lịch sử nhất định trong tác phẩm này, tác phẩm khác của họ, nên phần hạn chế ấy phải đặt ra ngoài học trình (hay giáo trình)… Như vậy, để đạt tính khoa học thật sự cao và sâu, đánh giá được mặt mạnh, mặt yếu, mặt được, mặt hỏng của một tác giả, thì phải học sau đại học, đi vào chuyên môn hẹp. Chắc Hồng Vàng thừa biết là để nghiên cứu một tác giả, chỉ một tác giả mà thôi, cho tới nơi tới chốn cũng mất nhiều năm, thậm chí cả đời người, và còn hơn thế nữa, vài thế hệ kế tục nhau… – Thầy giáo Huyên lại mỉm cười –. Nhưng như thế là nói hơn xa rồi. Bây giờ, quay lại vấn đề Hồng Vàng đang vướng mắc…
Hồng Vàng lại đỏ mặt trong một thoáng như biểu hiện thường có của cô học trò này:
– Dạ, vâng… Môn ngữ văn ở cấp cơ sở, cấp trung học, đúng là quá nhiều tính chất chính trị… Theo như thầy nói, em tin rằng ở bậc đại học, văn chương mang tính chất văn chương nhiều hơn, và nghiên cứu văn chương cũng khoa học hơn.
– Lưu ý một điều nữa, Hồng Vàng à! Ở bậc đại học, học tập, nghiên cứu và giảng dạy đều được quán xuyến trong một hệ tư tưởng nhất định. Hi vọng rằng dần dần sẽ bớt tính chất máy móc, giáo điều… Nếu em đã chấp nhận được ở bậc cơ sở, bậc trung học, thì em sẽ thoải mái hơn ở bậc đại học. Nhưng học cái gì, học thế nào, ra sao thì cũng tuỳ giai đoạn, còn văn chương vẫn mãi mãi là vĩnh cửu. Mỗi thời người ta nghiên cứu, giảng dạy, học tập về “Truyện Kiều”, “Chinh phụ ngâm”, thơ Nguyễn Khuyến khác nhau ít nhiều, nhưng “Truyện Kiều”, “Chinh phụ ngâm”, thơ Nguyễn Khuyến vẫn mãi mãi là vĩnh cửu. Mỗi phương pháp luận đều có thế mạnh của nó… Phải hiểu điều đó, nếu không, chẳng lẽ ở Miền Nam sẽ không có ai là nhà nghiên cứu, phê bình văn chương, không có ai là nhà giáo văn chương, cũng không có ai là nhà cầm bút sáng tác văn chương?
Ngàn bật cười:
– Tôi nhớ ông đã có lần cho tôi mượn tờ báo Văn nghệ đăng bài của Hoàng Ngọc Hiến với nội dung phê phán “văn học ‘phải đạo’” mà!
Huyên cũng bật cười:
– … Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến trong văn chương cũng như Kim Ngọc, Võ Chí Công trong kinh tế! Nhưng đó chỉ mới là tín hiệu đổi mới. Bài báo đó của Hoàng Ngọc Hiến đã bị “đập” tơi tả… – Giọng Huyên trở nên chua chát –. … Dẫu sao thì cũng phải đi trên con đường văn chương mình đã đam mê, đã chọn lựa. Cứ học đi, với ý thức như vậy về thực trạng văn chương… Văn chương cũng phải vận động, phát triển theo quy luật của chính nó, theo lẽ phải, không thể suy đồi, truỵ lạc, không thể vong bản, nô bộc, không thể máy móc, chính trị hoá, tuyên huấn hoá, cổ động hoá…
Nhấp ngụm cà phê đen quánh cuối cùng trong tách sứ trắng, Huyên nhìn ra mặt hồ nước, phía nhà Thuỷ Tạ và ngẫm nghĩ xem thử còn điều gì để nói với Hồng Vàng nữa không.
– Hồng Vàng à, tôi nói thế, để rồi em tự quyết định lấy đó nghe. – Huyên nhìn vào đôi mắt của cô học trò –. Tôi muốn nhấn mạnh là em cần nhận thức rõ thực trạng văn chương hiện nay là như vậy, với những phía rộng mở, những phía giới hạn, phải tránh né của nó, kể cả những gì cực đoan, “quá tả”, trói buộc. Và có lẽ cũng nên biết thêm là em có quyền tự do chọn lựa đề tài khi làm khoá luận tốt nghiệp ở năm thứ tư đại học. Sau đó, nếu em muốn và được học thêm chương trình sau đại học, em cũng có quyền chọn phân ngành chuyên sâu mà em yêu thích, về ngôn ngữ hay về văn chương. Về ngôn ngữ thì có các phân ngành như ngữ pháp, ngữ âm, tu từ… hay Hán – Nôm. Về văn chương lại có các phân ngành như trung đại, cận đại, hiện đại (… giai đoạn 1930-1945 hay văn học cách mạng sau 1945)… hoặc lí luận văn học hay văn chương nước ngoài… Nghĩa là càng học lên cao, càng có điều kiện tự do chọn lựa.
Gương mặt Hồng Vàng đã giảm bớt nét ưu tư, phân vân, trở nên tươi vui hơn:
– Dạ, thưa thầy, em yêu thích văn chương, nhưng vẫn băn khoăn chọn lựa, tự nghĩ có nên dấn thân cả cuộc đời trên con đường đó hay không, là bởi quanh em, trong lớp, trong trường và ở xã hội hiện nay, có rất nhiều phản ứng khác nhau trước thực trạng văn chương.
Huyên mỉm cười thông cảm:
– Tôi nói là nói cho hết lẽ thế thôi, chứ em đã yêu thích hai bài giảng văn gần đây, chính tôi dạy tại lớp 12 của em và tại một lớp 10 khác cũng ở trường em, bài “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” của Chế Lan Viên và bài “Mẹ Tơm” của Tố Hữu, thì tôi nghĩ em không có gì phải trăn trở nhiều lắm đâu, phải không?
– Dạ, em bị chi phối bởi những ý kiến chê bai, chỉ trích văn chương hiện nay bên ngoài xã hội…
– Em cứ đi trên con đường em yêu thích, chọn lựa và hãy đồng hành cùng thời đại với ý thức góp phần điều chỉnh cho văn chương phát triển đúng quy luật của nó, cởi bỏ dần những trói buộc, những gì gọi là “thiết quân luật”, “giờ cấm, nơi cấm” trong văn chương thời chiến tranh. Và dĩ nhiên, cho dù cởi mở đến đâu, cho dù văn chương không thể máy móc, chính trị hoá, tuyên huấn hoá, cổ động hoá… thì văn chương cũng không thể suy đồi, truỵ lạc… cũng không thể vong bản, nô bộc…
Hai ông giáo già cũng cùng dạy bộ môn ngữ văn như Huyên đang rời bàn, bước ngang qua, chào Huyên, Ngàn và hai cô học trò Đà Lạt rồi bước ra khỏi quán.
Thầy giáo Ngàn cũng góp ý một cách giản dị nhưng thiết thực:
– Ngành nghề nào cũng có những việc, những phần mình yêu thích nhất, bên cạnh những việc, những phần mình ít yêu thích hay đành phải chấp nhận cho “phải đạo”.
– Nhưng cho dù giá trị văn chương thấp hay cao thì giá trị tư tưởng yêu nước, chống ngoại xâm vẫn là vĩnh cửu… Những gì là cực đoan, “quá tả”, ngộ nhận, trói buộc hay phải tránh né, rồi sẽ được thay bằng những gì là nhân nghĩa, nhân văn, tôn trọng tính toàn thể của sự thật… – Huyên lặp lại ý kiến của mình như muốn khắc sâu điều đó –.
– Dạ, em cảm ơn thầy và anh Ngàn rất nhiều ạ. – Hồng Vàng nói –.
Huyên mỉm cười, rồi nhìn theo hai người giáo viên ngữ văn già vừa bước lên con đường dẫn về khu công viên trước chợ Đà Lạt và cũng trước bến xe liên tỉnh. Huyên nói:
– Nhờ được đề cử tham dự cuộc thi giáo viên dạy giỏi của tỉnh Lâm Đồng mình, với hai bài thơ tự tôi chọn là “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” của Chế Lan Viên, “Mẹ Tơm” của Tố Hữu mà tôi với Hồng Vàng quen nhau, và từ đó quen cả hai chị em, vì Hồng Vàng thích hai bài thơ ấy, nhưng thầy Ngàn và hai em biết không, ông giáo Vui mới từ quán này ra đó, ông ấy lại rất không thích hai bài thơ kia, đã đề xuất ý kiến trong ban giám khảo, hạ bậc kết quả của tôi từ A xuống B.
– Thật thế hở thầy? – Hồng Vàng buột miệng –.
Huyên lại cười:
– Nhắc đến việc đó như vậy để Hồng Vàng hiểu rằng, cuộc sống từ bao giờ đến bao giờ cũng rất phức tạp, không bao giờ là một khối đồng nhất… Tuy nhiên, biết thế, để chúng ta không nản lòng, và biết thế, để mình tự cố gắng khắc phục những hạn chế chung, cố gắng nhẫn nại, nhất là trong giai đoạn giao thời lịch sử này.
Ngàn giật mình khi sực nhớ, thời điểm này đang giữa tháng ba của năm 1981. Anh cũng buột miệng:
– Còn khoảng một tháng rưỡi nữa là kỉ niệm lần thứ sáu Ngày Thống nhất!
Trong khi đó, Cúc Trắng vẫn lặng lẽ tráng bằng nước trà cho bốn chiếc tách, lại rót trà vào mỗi chiếc. Cô bé đứng dậy, bưng từng chiếc tách đặt vào từng chiếc dĩa đặt trước mỗi người.
Huyên khẽ nói cảm ơn Cúc Trắng. Anh nhấp một ngụm trà, nhìn cô học trò lớp 12 tên Hồng Vàng và mỉm cười. Hồng Vàng cũng nhấp trà, bắt gặp nụ cười của thầy giáo Huyên, cô hơi ửng hồng thêm đôi má trong một thoáng bẽn lẽn.
Hồng Vàng đứng dậy:
– Thưa thầy và anh Ngàn, hai chị em chúng em xin cảm ơn rất nhiều. Bây giờ chúng em xin phép về nhà.
– Chúng tôi cũng chuẩn bị về lại trường trung học Đa Nông trong chiều nay. Đây với nơi đó cách nhau một con đèo Prenn, cũng gần thôi…
Tiễn chân hai cô học trò ra khỏi quán Thanh Thuỷ, hai thầy giáo trẻ quay lại bàn nước. Họ ngồi lặng lẽ, không nói gì, nhìn mông lung ra hồ Xuân Hương sáng nắng. Huyên thầm nghĩ, khi góp ý, anh không nói với giọng điệu bài bản cứng nhắc, mà với một sự linh hoạt để phù hợp với thực tế, với tâm thế riêng của Hồng Vàng, vì ngay như việc cung cấp thuốc bổ nhằm nâng cao thể trạng của một cơ thể vô bệnh, cũng không thể máy móc cung cấp bừa!

2

Sau tiết dạy thứ ba, trở lại phòng hội đồng giáo viên, liền kề với văn phòng nhà trường, Huyên nhận được một lá thư từ Đà Lạt gửi về. Phong thư đó đã được người bưu tá mang đến trong khi Huyên đang giảng bài ở lớp. Tay còn bụi phấn trắng, Huyên vẫn xé thật khéo một cạnh phong bì trong khi bước về nhà tập thể phía sau. Anh biết đó là thư của Hồng Vàng, cho dù tên họ người gửi được viết tắt. Đây cũng là lần đầu tiên Huyên biết được địa chỉ nhà của cô học trò Đà Lạt này.
Vừa đi, Huyên vừa đọc:
“Đà Lạt, ngày 19 tháng ba năm 1981
Kính gửi: Thầy Nguyễn Phan Huyên,
Thưa thầy,
Hôm kia, em và Cúc Trắng may mắn được gặp thầy và thầy Ngàn trên đường ven bờ hồ Xuân Hương, được hai thầy cho uống cà phê tại Thanh Thuỷ, và đặc biệt là được thầy nhiệt tình, tận tâm góp ý, bảo ban em về việc em dự định chọn chuyên ngành ngữ văn Việt trong đợt thi vào đại học năm nay. Hôm đó, em muốn nói nhiều điều lắm, nhưng không hiểu sao em quá chừng bối rối, chỉ thưa gửi ít câu rồi ngồi im lặng khiến thầy phải nói nhiều để lấp đầy những giây phút trống.
Em có hồi ức, tái hiện lại nhưng gì thầy trò chúng ta đã nói trong buổi sáng hôm đó, và ngẫm nghĩ lại, thấy cũng đáng mừng vì em đã nói được điều này: “Em yêu thích văn chương, nhưng vẫn băn khoăn chọn lựa, tự nghĩ có nên dấn thân cả cuộc đời trên con đường đó hay không, là bởi quanh em, trong lớp, trong trường và ở xã hội hiện nay, có rất nhiều phản ứng khác nhau trước thực trạng văn chương”.
Tuy vậy, em vẫn viết thư này để một lần nữa cảm ơn thầy và cảm ơn cả thầy Ngàn nữa, đồng thời cũng để khẳng định thêm sự quyết tâm chọn lựa của em. Em cũng qua thư này, mong rằng thầy sẽ giúp thêm ý kiến cho em, qua thư từ, vì thầy dạy ở Đa Nông, trong khi em đang học ở Đà Lạt, không thể gặp thường xuyên được. Em cũng mong rằng, nếu em đỗ tốt nghiệp rồi, lại may mắn đỗ vào đại học tại TP. Hồ Chí Minh, chuyên ngành ngữ văn Việt, em sẽ còn được tiếp tục nhận sự góp ý, bảo ban của thầy qua thư từ. Nói thế, nhưng em vẫn tin, vẫn mong thầy và em sẽ có nhiều dịp cùng ngồi chuyện trò tại những nơi dễ thương như quán Thanh Thuỷ, ở Đà Lạt và ở cả Sài Gòn.
Em không những muốn được đọc thư thầy viết mà còn muốn được ngồi chuyện trò với thầy nữa kia đó! Em càng rất mong được đọc thơ do thầy sáng tác.
Em,
L.T.H.V.”

Thầy giáo Huyên mỉm cười, cảm thấy niềm vui tràn ngập lòng mình.
Chiều hôm sau, không phải như những lần khác, Huyên thường nhờ học sinh tiện đường, ghé vào bưu điện gửi thư hộ, lần này, chính Huyên đạp xe qua vài ba con dốc để trực tiếp bỏ vào thùng thư chính tại bưu điện huyện Đa Nông.
“Đa Nông, ngày 22-3-1981
Hồng Vàng quý mến,
Tôi rất vui khi lần đầu tiên nhận được thư của em.
Tôi không những đồng ý một mà đồng ý cả ba: sẽ có nhiều dịp cùng ngồi chuyện trò với em ở những nơi dễ thương như quán cà phê Thanh Thuỷ và sẽ nhiều lần viết thư cho em, gửi cả thơ phản ánh hiện thực do tôi sáng tác nữa. Tuy nhiên, tôi nghĩ cả ba điều đó chỉ có thể diễn ra sau khi Hồng Vàng đã thi đỗ vào đại học, chuyên ngành ngữ văn Việt, ở Đại học Tổng hợp hay Đại học Sư phạm, tại TP.HCM..
Thời điểm này, Hồng Vàng phải dồn hết thì giờ cho việc ôn thi, luyện thi, để vượt qua tuổi phổ thông trung học, bước vào tuổi đại học một cách thật vinh dự.
Cho tôi gửi lời thăm cô bé Cúc Trắng.
Một lần nữa, chúc em thành công.
Thân quý,
Nguyễn Phan Huyên”.

T.X.A.
TP.HCM., 10:19, 21-02 – 16:30, 22-02 HB13

— CÒN TIẾP —

ĐÃ GỬI ĐĂNG Ở TTTĐT. HỘI NHÀ VĂN TP.HCM.
22-02 HB13 (2013)

http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-ii

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , | Leave a Comment »

Câu đối chào đón Tết Quý tị HB13 (2013)

Posted by Trần Xuân An trên 04.02.2013

hidden hit counter

 

 

CÂU ĐỐI TẾT QUÝ TỊ HB13 (2013)

 


vảy Rồng kết lũy, thuyền Xuân Việt


nọc Rắn luyện đan *, đảo Tết Nam

 

 

oOoOo

 

– triết lí Rồng ha?

mười loại phận người,

phận người nào

cũng lắm người hóa thánh;

– văn chương Rắn hả?

một giáp chi thú**,

chi thú gì

vẫn nhiều thú thành thiêng.

 

TXA.

 

* Con rắn + chén bào chế thuốc; con rắn + cây gậy: Biểu tượng của ngành y dược.
** Thường gọi là 12 con giáp. Đúng ra, 12 địa chi thuộc mỗi giáp: tí, sửu, dần, mão, thìn, tị, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi (ứng với 12 loài thú: chuột, trâu, cọp, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, heo).

Đã đăng (07-02 & 09-02 HB13 [2013]):
Báo Phụ nữ TP.HCM. online
Tttđt. Hội Nhà văn TP.HCM.

TẬP HỢP CÂU ĐỐI TẾT
CỦA TRẦN XUÂN AN

HƯƠNG MÙA CỔ NGÀY XUÂN MỚI
(những cặp câu đối)

– hương Xuân trời đất trên hoa lá
– ý Tết nhân gian ở nụ cười

( hương Xuân trời đất trên chồi mở
ý Tết non sông ở nụ cười )

(Cuối năm Đinh Mão 1987-1988)

o0O0o

– cuối chạp đã thật Xuân, tiếng cháu giục,
hoa Xuân sớm thắm;
– qua Xuân càng rõ Tết, lòng nội bừng,
nắng Tết không phai.

( sắp Tết đã thật Xuân, tiếng cháu giục,
hoa Xuân sớm thắm;
sang Xuân càng rõ Tết, lòng nội bừng,
nắng Tết không phai )

(Cuối năm Đinh Mão 1987-1988)

o0O0o

– chào Đinh Mão, cũng muốn viết dăm bài thơ,
ngại thơ “bực”, báo không đăng,
đọc một mình ngán thật;
– đón Mậu Thìn, thì gắng làm vài câu đối,
mặc đối “đùa”, tường cứ dán,
nghe trăm bạn cười chơi.

(Cuối năm Đinh Mão 1987-1988)

o0O0o

– nâng chén rượu ngẫm Xuân,
Xuân phải mới bung ra muôn lá mới;
– nhấp ngụm trà thưởng Tết,
Tết nên thơ cởi trói triệu niềm thơ.

(Cuối năm Đinh Mão 1987-1988)

o0O0o

– chồng quanh năm gò lưng vắt sổ,
nhà giăng tơ,
gió may thay nam bấc mãi êm đềm;
– vợ theo mùa ngẩng mặt treo hàng,
vải nở hoa,
chỉ ước sao sen đào thêm ngan ngát.

(Cuối năm Đinh Mão 1987-1988)

o0O0o

– Tết đến,
ước tháng ba mươi ngày,
bán bán mua mua,
mua thừa rau đủ báo;
– Xuân về,
mong năm mười hai tháng,
may may mặc mặc,
mặc ấm áo lành thơ.

(Tết Mậu Thìn 1988)

o0O0o

– Xuân càng ước chi đây,
cho nhánh lúa ngát hương tình đất;
– Tết thêm mơ gì đó,
để cụm hoa rực nắng chất người.

(Tết Canh Ngọ 1990)

o0O0o

– muốn hóa rồng,
rồng bay,
đã tháo xiềng cởi trói?
– cam làm ngựa,
ngựa chạy,
lại che mắt cầm cương?

(Tết Canh Ngọ 1990)

o0O0o

– đông Đinh Hợi trắng,
vàng chùm thọ;
– xuân Mậu Tí lam,
hồng nụ mai.

( đông trắng, vàng chùm thọ
xuân lam, hồng nụ mai )

(Tết Mậu Tí HB8 [2008])

o0O0o

– bốn năm,
sự nghiệp tung lên mạng,
mạng giăng mắt chữ, ảo hoa Xuân;
– một thuở,
tính danh ném thấu trời,
trời đọng màn hình, thật nắng Tết.

(Tết Kỉ Sửu HB9 [2009])

– Xuân cổ thời,
tục nõn nường,
khởi sắc núi khe;
– Tết hiện đại,
lí âm dương,
thăng hoa trời đất.

(Tết Kỉ Sửu HB9 [2009])

o0O0o

– cọp gầm rừng báo,
đất liền: Xuân!
nâng phím, bút, đều không cọp giấy;
– hùm thức chốn quyền,
đảo thẳm: Tết!
giữ khơi, bờ, tất đúng hùm thiêng.

(Tết Canh Dần HB10 [2010])

o0O0o

– nến truyền thống,
sáng láng chào Xuân,
đấng nghĩa hùng, tim thành sử nhớ;
– hoa bản sắc,
bâng khuâng đón Tết,
bậc bi trầm, óc hóa thơ thương.

(Tết Tân Mão HB11 [2011])

o0O0o

– Sài Gòn, nắng hạ tâm công Tàu,
chồi cuối chạp còn lưu luyến Mão;
– Hà Nội, mưa hè hòa giải Việt,
đóa đầu giêng vẫn xuyến xao Thìn.

(Tết Nhâm Thìn HB12 [2012])

o0O0o

– vảy Rồng kết lũy, thuyền Xuân Việt;
– nọc Rắn luyện đan*, đảo Tết Nam.

* Con rắn + chén bào chế thuốc; con rắn + cây gậy: Biểu tượng của ngành y dược.

oOoOo

– triết lí Rồng ha?
mười loại phận người,
phận người nào
cũng lắm người hóa thánh;
– văn chương Rắn hả?
một giáp chi thú*,
chi thú gì
vẫn nhiều thú thành thiêng.

* Thường gọi là 12 con giáp. Đúng ra, 12 địa chi thuộc mỗi giáp: tí, sửu, dần, mão, thìn, tị, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi (ứng với 12 loài thú: chuột, trâu, cọp, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, heo).

(Tết Quý Tị HB13 [2013])

Trần Xuân An

o0O0o
o0O0o

PHỤ ĐÍNH:

1. Vế mời đối:

NĂM NGẤT XỈU (SỬU) SẮP QUA,
NĂM BÁN DẦN ĐANG TỚI;
TRÂU CHẲNG CHỊU TRÂU,
HỔ KHÔNG CHỊU HỔ;
DẦN NHAU RA DẦN

Phan Hồng Giang sưu tầm.
http://trannhuong.com/news_detail/3624/MỜI-CHƯ-VỊ-ĐỐI-CHƠI

2. Vế đối lại:

SÁCH VANG RẦN (DẦN) (*) NÊN VIẾT,
SÁCH IN “CỌP” (**) PHẢI THÔI;
NGHÉ CHƯA XỨNG NGHÉ,
HÙM CHỬA XỨNG HÙM;
“CỌP” (**) CHI, CHỚ “CỌP” !

T.X.N.V.

(*) Phát âm không chuẩn (theo chữ quốc ngữ ABC), như ở vế mời đối.
(**) Cụm từ thường dùng là “đọc ‘cọp’”. Ở đây là in “cọp”. “Cọp” cũng là một biến âm của cóp (copy). Sách “cọp” là “sách nhái”, in giả, in lậu…

TẾT PHANH DỪNG (DẦN) (*) CÒN ĐẾN,
TẾT XEM “CỌP” (**) HÃY THÔI;
NGHÉ CÀNG NÊN NGHÉ,
HÙM PHẢI NÊN HÙM;
CỘP (CỌP) CÙNG, CHỚ CỘP ! (***)

T.X.N.V.

(*) Một số địa phương phát âm “dần” thành “dừng” (như “sửu” thành “xỉu”).
(**) Xem “cọp”, đọc “cọp”: Xem ké, đọc hết chương này đến chương nọ ngay trong tiệm sách nhưng không mua. Nói cho đúng, đó cũng là thói xấu đáng quý (rất đáng trân trọng) của người mê đọc sách, nhưng thiếu tiền mua sách.
(***) Xem (*). Cũng có thể viết: CỌP [RỌP] CÙNG THÌ CỌP. Cọp rọp, cụm rụm (gầy hốc hác, yếu ớt, tiều tụy, đến mức còng lưng, rùn vai, rụt cổ). Cọp má: hai lõm má trên mặt bị hóp (hóp má).

23-01 HB10 (09-12 Kỉ sửu HB9-10)

NẾP SÀNG GIẦN (DẦN) (*) RỒI NẤU,
NẾP MUA “CỌP” ĐÃ THÔI;
NGHÉ NÊN RA NGHÉ,
HÙM PHẢI RA HÙM;
“CỌP” XƯA, CHỚ “CỌP” (**) !

T.X.N.V.

(*) Canh Dần, phát âm không chuẩn nên thành “ken giần”. “Ken giần”: Dày đặc trên cái giần (dùng để giần [gạo] nếp, gạo [tẻ]…). Tuy nhiên, “giần” trong ngữ “ken giần” là danh từ! Cũng không có động từ ghép “ken giần” mặc dù trong trường hợp ví dụ này, “giần” là động từ! Vì vậy, phải chọn động từ ghép “sàng giần” (khá phù hợp với “ngất xỉu” ở vế mời đối).
(**) “Cọp” với nghĩa mua “cọp” (mua chui, thời bao cấp, cấm vận).

SÁCH “ĐỂ DÀNH” (DẦN) (*) RỒI XUẤT,
SÁCH IN “CỌP” NẾU CẦN;
NGHÉ NÊN THỎA NGHÉ,
HÙM HÃY THỎA HÙM;
“CỌP” SAU, CỨ “CỌP” (**) !

T.X.N.V.

(*) Âm “dần”, phát âm lệch chuẩn thành “dành”.
(**) “Cọp” với nghĩa đọc “cọp”, thậm chí in “cọp” (làm tư liệu), chứ không phải là “cóp” (copy) với nghĩa “đạo văn”. Không ai chấp nhận đạo văn cả!

Xem thêm:
Ngày Tết, xem thêm câu đối tưởng niệm gia tiên

TẬP HỢP TẤT CẢ CÂU ĐỐI CỦA TRẦN XUÂN AN, tính đến 26-01-2020 (mùng hai Tết Canh Tí HB20):

https://txawriter.wordpress.com/2020/01/26/tap-hop-cau-doi-cua-tran-xuan-an/
.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , | Leave a Comment »