Chiếc cầu Ý Hệ (cầu Hiền Lương)

Người bắn nhau nhưng đâu phải bắn nhau, Bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó (TrầnXuânAn)

Archive for Tháng Mười, 2011

NGƯ TRƯỜNG TỪ XA XƯA

Posted by Trần Xuân An trên 29.10.2011

hidden hit counter

VIDEO: TÁC GIẢ ĐỌC THƠMới!

 

Thắng cảnh BÀN THAN tại Kỳ Hòa, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam — Nguồn ảnh: Du lịch Quảng Nam


NGƯ TRƯỜNG TỪ XA XƯA

Trần Xuân An

trước cả xa thẳm Chúa Tiên (1)
Hoàng Sa đã là quê xứ (2)
quốc sơ, mờ dăm nét sử
“tự thời nào” vẫn quốc sơ! (2)
lộng khơi, gần và xa bờ
ngư trường, giạt đến bất ngờ, Trường Sa!

“đông dài tận nam, bao la
nổi chìm biết mấy ngàn dặm”
(2)
mươi đời, sử như trà đậm
tĩnh lòng. Như sóng, nhắc hoài!
ngư trường bát ngát tương lai
thuyền công quản, thuyền sinh nhai, chung đường

sóng chao, bõ nhớ đại dương
suốt đời võng nôi tấm bé
chèo đẩy, buồm che – dáng mẹ
dù con tóc sóng bạc đầu
Bạch Sa tròn một nong cau
Bàn Than đất Quảng, đây màu cơm thơm (3)

bá trạo múa nam hát nồm (4)
thả sức lưới giăng câu ném
ngư trường rộng dần mắt đếm
thuyền con liếc dọc lượn ngang
theo bước vó ngựa dặm ngàn
cảng đầm Thị Nại liền dần Óc Eo

khoang ghe no cá, bớt nghèo
quánh ruốc, óng vàng nước mắm
thêm vích đồi mồi ngừ nhám…
thương cảng thôi thúc ngư trường
hai bàn tay mở mười phương
Hoàng Sa khẽ vẫy là Trường Sa ơi

nằm lòng triều bãi đảo khơi
dẫn đường thuỷ quân vua Nguyễn
thuyền công ghe chài quyến luyến
Cồn Chùa Phật nối Côn Lôn (3)
Hoàng nối Trường, cũng Trường Sơn
bình phong vạn lí, đường mòn Biển Đông.

TXA.
22:30, 28-10 HB11
10:50, 29-10 HB11

(1) Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

(2) Trong “Đại Nam thực lục”, còn gọi là “Hoàng Sa xứ”. Ở những dòng thơ này, có sử dụng cụm từ và câu trong sử, địa chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn và của Nguyễn Thông (tác giả “Việt sử cương giám khảo lược”, người Nam Bộ, sống ở tị địa Bình Thuận). Nhân đây, xin khẳng định thêm một lần nữa: Hoàng Sa theo Quốc sử quán là bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa (Paracel) lẫn quần đảo Trường Sa (Vạn lí Trường Sa, Spratly), và chắc hẳn còn gồm cả bãi ngầm ở phía đông nam Paracel, được các nhà hàng hải quốc tế gọi là Macclesfield bank.

(3) Bạch Sa, còn được gọi là núi Phật Tự (đảo Chùa Phật), và Bàn Than là tên các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa (Paracel). Bàn Than (với nghĩa là hòn đá lớn và bãi cát hay bãi đá chỉ nhô lên khi thuỷ triều xuống) cũng là tên một động đá nhỏ ở bãi biển Kỳ Hoà, xã Tam Hải, huyện Núi Thành (Lý Tín), thuộc tỉnh Quảng Nam.

(4) Bá trạo (trăm chèo): tên gọi một điệu hát có vũ đạo của dân chài Nam Trung Bộ.

Đã gửi đăng trên báo chí công lập & tự lập

Tttđt. Hội Nhà văn TP.HCM.
Tcđttl. PhongDiepNet

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , | Leave a Comment »

LỄ HỘI CỦA LÒNG DŨNG CẢM

Posted by Trần Xuân An trên 26.10.2011

hidden hit counter

VIDEO: TÁC GIẢ ĐỌC THƠMới!

 

Nghi thức thả thuyền trong Lễ Khao lề thế lính

ở đảo Lý Sơn (Cù lao Ré), Quảng Ngãi

Nguồn ảnh: Trà Minh (TTO)


LỄ HỘI CỦA LÒNG DŨNG CẢM
Trần Xuân An

biển chờ nắng hẹn tháng ba
dâng hương tạ ơn Đất – Nước
cơm cá trống cờ nến đuốc
kì yên, thế lính khao lề (1)
thề trăm đi, nguyện trăm về
hội đình vượt suất, đảo quê gọi người

thêm buồm, Bình Thuận ra rồi
Cảnh Dương đã vào chèo góp (2)
mấy tỉnh một bờ tụ họp
tuần đội Bắc Hải chung tay
theo đội Hoàng Sa đảo này
sau lễ tế, toả rộng dài Biển Đông

chầu bên linh vị, song song
hai hàng nối vai sóng cuộn
pháp sư giọng trầm quán tưởng
như kẻ sơn tràng, rừng ơi
biển hỡi, ngư dân bao đời
khác chi lính, có ra khơi, không về…

kìa thuyền giấy (chuối làm bè)
hình nhân, thạp, lu… (hàng mã)
thế mạng, không chùn chí cả
thấy chiếu bọc thây, vẫn đi
ra khơi, khát vọng lạ kì
máu dân biển chỉ yên khi dong buồm

không thể sống đời ao chuôm
Hoàng Sa – Trường Sa bất tận!
như tế sống người ra trận
pháp sư vái cùng dân làng
hai đội ưỡn ngực hiên ngang
hẹn ngày về, sau thời gian canh tuần…

tháng ba tháng ba đã gần
tháng tám không xa mãi mãi
thần ra khơi, người về lại
phải đâu phép thuật đời thường
nghi thức như lau tấm gương
sáng trưng đảo Lý, trầm hương ảo huyền.

TXA.
09:53 – 16:15, 25-10 HB11
____________________

(1) Có thể phối kiểm với các thông tin cơ bản, được mô tả khách quan (thiếu vắng chất thơ) bởi nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu, về lễ hội khao lề thế lính ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đã đăng trên nhiều báo chí.

(2) Cảnh Dương thuộc tỉnh Quảng Bình. Thời hạn mỗi chuyến tuần hành trong mỗi năm là khoảng từ 5 đến 6 tháng, từ tháng ba đến tháng tám. Xem: “Đại Nam thực lục tiền biên”, bản dịch VSH., tập 1, Nxb. Giáo Dục (tái bản), 2002, tr. 164…

Đã gửi đăng trên báo chí công lập & tự lập:
http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=13893

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , , , | Leave a Comment »

ĐỊA CHÍ VÀ LÒNG TA NHẤT THỐNG

Posted by Trần Xuân An trên 20.10.2011

hidden hit counter

VIDEO: TÁC GIẢ ĐỌC THƠMới!

 

Nghi thức thả thuyền trong Lễ Khao lề thế lính

ở đảo Lý Sơn (Cù lao Ré), Quảng Ngãi

Nguồn ảnh: Võ Kim Ngân (vokimngan. vnweblogs)


ĐỊA CHÍ VÀ LÒNG TA NHẤT THỐNG

Trần Xuân An

“Đại Nam toàn đồ” mãi tươi (1)
Hoàng Sa – Trường Sa thuở đó
vẽ phác, hơi chênh toạ độ
“một trăm ba mươi đảo hơn”
trải “mấy ngàn dặm” nước – non (2)
đảo – khơi gắn bó sông son – rừng huyền

Tổ quốc vạn đời thiêng liêng
nhất thống lòng thành địa chí
sách quý trong dăm sách quý:
cương vực đất nước huyện làng
rẻo rừng xanh, chấm đảo vàng
ghi trân trọng giữa thế gian soi nhìn

sử càng sáng niềm yêu tin (3)
in từ bao đời mộc bản
dụ lệnh đỏ hoài triện ấn
Lý Sơn lễ hội khao lề
xương máu thành hồn nếp quê
đi vào quốc sử lại về ca dao

Hoàng Sa – Trường Sa, vạt sao
trong nghìn đêm trăng óng ánh
ngực áo vảy rồng lấp lánh
nghìn khi sóng đội vầng dương
ra khơi chuyền đảo, lẽ thường
chèo theo truyền thuyết khởi nguồn Rồng – Tiên

người triều Thanh, cả Minh, Nguyên (4)
giữa Biển Đông đều là khách
chiến tranh đất liền, sông rạch
chưa bởi Hoàng Sa – Trường Sa!
tìm xuyên sử sách gần xa
những triều đó, bút chưa ngoa vơ quàng (5)

toạ độ quần đảo chênh chăng?
ta kéo gần vì thương nhớ!
nhất thống đậm nồng máu đỏ
địa chí trong da thịt mình
ai lay nổi niềm đinh ninh
Hoàng Sa liền một hải trình Trường Sa.

TXA.
09:09 – 16:57, 19-10 HB11
________________________

(1) “Đại Nam nhất thống toàn đồ”.
(2) Trích “Đại Nam nhất thống chí”; xem thêm: “Phủ biên tạp lục” (Lê Quý Đôn).
(3) “Đại Nam thực lục”, tiền biên và chính biên. Đặc biệt, xin xem kĩ: “Đại Nam thực lục tiền biên”, quyển X, đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (Võ vương), năm 1754; bản dịch VSH., tập 1, Nxb. Giáo Dục (tái bản), 2002, tr. 164.
(4) Các triều đại ở Trung Hoa.
(5) Theo vài bài khảo cứu trên báo chí, trên mạng vi tính toàn cầu (internnet) của các nhà nghiên cứu, dịch thuật tư liệu sử học.

Đã gửi đăng trên báo chí, điểm mạng…:
http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=13840
http://trannhuong.com/news_detail/11434/ĐỊA-CHÍ-VÀ-LÒNG-TA-NHẤT-THỐNG

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , , , , , | Leave a Comment »

LẠI NIỀM SỬ VỀ BIỂN ĐẢO

Posted by Trần Xuân An trên 15.10.2011

hidden hit counter

VIDEO: TÁC GIẢ ĐỌC THƠMới!

Ảnh minh họa (TXA.)

 

 



 

Ảnh bản đồ (TXA. thực hiện từ
bản đồ gốc của “Vietbando. com”.

LẠI NIỀM SỬ VỀ BIỂN ĐẢO

Trần Xuân An

sóng khơi vọng vào rừng sâu
Cửa Tùng nghe A Sao thở
mắt thuyền vời trông Cồn Cỏ
mắt lòng nhìn tận Hoàng Sa
vượt đèo, leo núi Bà Nà
ngó vô đảo Lý buồm nhà nồm đưa

ngàn năm trăm năm ngày xưa
gần – xa, tính mồ hôi đổ
xa – gần, tính bằng hướng gió
như thương nhớ đo yêu đương
chút cơ duyên ngắn lại đường
Trường Sa đâu biệt một phương cách vời!

cửa sông: sông Mã rộng trời
lồng lộng, sông Gianh uốn khúc
mênh mang, Đà Rằng trống thúc
tù và Cà Ty, sương bồng
Đồng Nai trải rộng tấm lòng
Biển Đông ngân cả chiêng cồng Đa Nhim

Hạ Long buồm trôi như im
Kiên Giang neo ghe Phú Quốc
trĩu lúa hai đầu đất nước
đòn gánh Miền Trung hoá chèo
ngư trường vạn lí hiểm nghèo (*)
lưới Hoàng Sa giăng chung lèo Trường Sa

miếu thờ dân đắp thuở xa
mộ gió trăm đời niềm biển
dựng bia chủ quyền, chúa Nguyễn
dặn lính đo đạc Trường Sa (*)
mấy trăm năm lặng phong ba
nhân Tây – Nhật, Tàu ô qua, lại Tàu…

Hoàng Sa, Trường Sa, biển sâu
mấy trăm năm không tranh chấp
Tàu ô, Bắc Kinh cướp đoạt
kéo ta đàm phán, phân chia…
không thể mai đây cắt lìa
máu nhoè trang sử, ai kia reo cười?

TXA.
10:42 – 17:15, 14-10 HB11

________________________

(*) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục tiền biên” (quyển VIII, Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu, 1711), bản dịch VSH., tập 1, Nxb. Giáo Dục, 2002, tr. 126. Và rất nhiều đoạn “Thực lục” khác xuyên suốt thời chúa Nguyễn, vua Nguyễn, gộp Trường Sa vào Hoàng Sa và gọi chung tên với Hoàng Sa (để phân biệt với hai bờ biển Tiểu Trường Sa và Đại Trường Sa – hai bờ cát ở đất liền hà tất phải đo đạc). Xem thêm: “Đại Nam nhất thống chí” (QSQTN., phần tỉnh Quảng Ngãi: “Vạn lí Trường Sa”) & “Phủ biên tạp lục” (Lê Quý Đôn)…v.v… Thông tin quốc tế rộng mở từ thời Pháp xâm chiếm cho đến nay đã tỏ rõ: Nước ta liên tục xác lập chủ quyền ở cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa.

Đã gửi đăng trên báo chí, trang thông tin điện tử…
Đã đăng: PhongDiepNet, TranNhuongCom, Hội Nhà văn TP.HCM.:
http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=13794
http://trannhuong.com/news_detail/11364/LẠI-NIỀM-SỬ-VỀ-BIỂN-ĐẢO
http://www.nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/tho/tran-xuan-an-lai-niem-su-ve-bien-dao.html

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , | Leave a Comment »

BIỂN ĐẢO CÔNG LÍ

Posted by Trần Xuân An trên 07.10.2011

hidden hit counter

VIDEO: TÁC GIẢ ĐỌC THƠMới!


BIỂN ĐẢO CÔNG LÍ

Trần Xuân An

ném sử kí, dìm xuống đáy biển sâu
sáu tỉ chiếc đầu rỗng không, sáu tỉ bong bóng bay, và vỡ
thôi thì dong thuyền ra Biển Đông, trùng trùng trang sử mở
đọc chương hiện thời, chờ những chương mới, tương lai

hát đi, người bạn Pháp của hôm nay ngày mai
quốc giao hôm nay ngày mai, hát đi, người bạn Nhật
cũng quốc giao hôm nay ngày mai, người bạn Mỹ hát
Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt Việt Nam!

và hát về Biển Đông – Biển Công Lí vạn năm!
cùng ba giọng hát kia là giọng Nga, giọng Anh, giọng Ấn…
dịu mềm nhưng cứng rắn
mười giọng Đông Nam Á hát với cả loài người

hai người bạn Trung Hoa của hôm nay ngày mai đâu rồi?
hãy nối tiếp năm ngàn năm, nhưng không bằng bành trướng
mà bằng sự rút lui, rút lui để cùng hợp xướng
Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt Việt Nam!

và hát về Biển Đông – Biển Công Lí vạn năm!
biển rộng đường sáng ngời nhân loại
cho bao chương sử tương lai, ước mơ không là khờ dại
nhà thơ không là kẻ ngu ngơ!

TP.HCM., 19 – 21:55, 06-10 HB11
TXA.

Xin cáo lỗi:
Tác giả có tự sửa chữa lại 2 từ ở 2 câu 6 & 7, nhưng ý nghĩa vẫn không đổi khác.
Quốc giao: sự giao thiệp giữa nước này với nước khác; quan hệ hữu nghị.

Bài đã được gửi đăng trên báo chí, điểm mạng…
Tttđt. Hội Nhà văn TP.HCM., TranNhuongCom, PhongDiepNet:
http://www.nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/tho/tran-xuan-an-bien-dao-cong-ly.html
http://trannhuong.com/news_detail/11261/BIỂN-ĐẢO-CÔNG-LÍ
http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=13733

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , | Leave a Comment »