.
Trích tiểu thuyết “NGÔI TRƯỜNG THÁNG GIÊNG” của Trần Xuân An
(bản vi tính, 1998; Nxb. Thanh Niên, 2003)
VỀ CHỮ QUỐC NGỮ ABC:
http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/ngoi-truong-thang-gieng/tep-4
[…]
16
Lộc Biếc ngồi đối diện với ông Binh. Trên bàn tiếp khách hình chữ nhật, giữa họ là cây đèn dầu cỡ trung, được vặn bấc sáng, hai cuốn sách và hai cuốn vở. Lộc Biếc giảng bài vừa đủ để ông Binh nghe. Ông lặng lẽ nhìn xuống mặt bàn, thỉnh thoảng lại ghi chép vào vở. Trong những quãng im lặng, Lộc Biếc nghe tiếng đọc bài ê a của mấy đứa cháu nội ông Binh dưới nhà vọng lên.
– Thưa bác, đây là bài đầu tiên của chương trình lớp mười. Từ nãy đến giờ, cháu nói chuyện như thế có nhanh quá không?– Lộc Biếc cố tránh hai chữ “giảng bài” –.
– Không, như vậy là vừa. Cô giáo cứ tiếp tục cho.
Lộc Biếc lại trình bày tiếp. Trước khi vào bài học, cô đã đề nghị ông Binh chia vở ra làm hai, không kể lề vốn là một đường kẻ đỏ mờ. Một bên, cô đọc để ông ghi dàn ý của bài giảng. Không phải đọc hết, ghi hết một lần, cô vừa giảng vừa nhắc ông ghi các tiêu đề, các ý chính. Một bên khác, cô theo dõi cách ghi thêm những gì ông lưu ý trong bài giảng của cô. Lộc Biếc muốn kiểm tra một cách tế nhị sự tiếp thu của ông Binh, xem ông nhạy cảm với điều gì nhất, để từ đó cô rút kinh nghiệm, dạy sát hợp với trình độ và tuổi tác của ông hơn. Cô cảm thấy mừng vì sẽ không vất vả lắm cho cả hai người. Kiểu chữ của thế hệ ông Binh khá rõ nét, Lộc Biếc đọc ngược vẫn đễ dàng.
– Thưa bác, như cháu đã trình bày, chữ quốc ngữ với hai mươi bốn chữ cái La Tinh có thuận lợi hơn chữ Nôm của ông cha mình không?
Ông Binh gật đầu:
– Rất thuận lợi. Cố gắng một tuần là đọc thông viết thạo
– So với các nước láng giềng, dân tộc mình hơi … lạ đấy.– Lộc Biếc mỉm cười –. Nhật, Nam – Bắc Triều Tiên, Thái Lan, Căm-pu-chia … vẫn giữ “chữ Nôm” của dân tộc họ. Lào cũng thế … Bác nghĩ sao ạ?
Trầm ngâm một lát, ông Binh hơi ấp úng:
– Cũng lạ thật. Chẳng lẽ …
– Trong quá trình bị thực dân, một số nước không sử dụng cả tiếng nói lẫn văn tự của nước họ trong hành chính, ngay trong giao dịch hàng ngày nữa, như Ấn Độ, Phi-líp-pin … Họ dùng tiếng Anh!
Ông Binh buông bút, bóp tay vào trán:
– Ấn Độ là nước cực kì văn minh kia mà!
– Vâng. Văn minh Ấn Độ lan tỏa khá rộng, cũng như La Mã, Ai Cập, Hy Lạp, Do Thái ở châu Âu, châu Phi và Trung cận Đông. Cũng như Trung Hoa, Ấn Độ là cái nôi văm minh của châu Á.
– Nhưng sao lạ thế?– Ông Binh nhíu mày, trong ánh mắt ông có một tia lửa lóe lên –. Mất gốc à?
– Cháu không dám lạm bàn. Chữ Pháp, chữ Anh, chữ Nga, chữ Đức, chữ Tây Ban Nha … cũng là các dạng chữ nôm của các nước châu Âu ấy. Họ vay mượn bộ chữ cái La Tinh, Ả Rập để kí âm. Nhật, Triều Tiên, Việt Nam mượn các kí hiệu văn tự của Trung Hoa để ghi tiếng nói của dân tộc. Cũng tương tự thế, chữ Phạn đã được Thái Lan, Căm-pu-chia vay mượn. Tạm nói giản đơn như vậy.– Cô tiếp –. Tiếng nói và chữ viết! Tiếng nói là hồn nước, là di sản của cả dân tộc, hàng nghìn năm …
– “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn” … “Tiếng ta còn, nước ta còn” … Tôi nhớ không chính xác, hồi xưa, Phạm Quỳnh có viết đại để như vậy.– Ông Binh buột miệng, ngắt lời Lộc Biếc –.
– Đó là một vấn đề. Nước mất dài lâu, dân tộc bị đồng hóa, bị cai trị suốt nghìn năm, tiếng nói dân tộc vẫn tồn tại. Không những tiếng nói vẫn tồn tại mà dân tộc ta còn biết tiếp thu và phát triển vốn từ vựng một cách rất phong phú, cực kì tinh tế. Nước ta trước Cách mạng Tháng tám, vẫn dùng chữ Hán nhưng ngôn ngữ hàng ngày trong giao dịch vẫn sử dụng tiếng Việt; hơn nữa, còn đọc chữ Hán theo cách Việt, đồng thời sáng tạo và sử dụng chữ Nôm. Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm … được viết bằng chữ Nôm. Sau này, Pháp lại buộc dùng tiếng Pháp và chữ Pháp … Chữ Nôm, ấy là thành quả của trí tuệ dân tộc, vẫn bị bị một bộ phận người vong bản trong nước xem “nôm na là cha mách qué”!?! Đó là vấn đề chữ Nôm.– Lộc Biếc ngừng lại, nhìn ông binh ghi –. Còn câu nói của Phạm Quỳnh, cháu nghĩ thế này. Truyện Kiều, tuy là tinh hoa của tiếng ta và chữ Nôm, vẫn chưa phải là “từ điển” (kho từ vựng) chữ Nôm đầy đủ. Chữ còn, tiếng còn nhưng nước mất vẫn cứ mất. Nếu cứ mất như thế, rất nguy hiểm, có nguy cơ mất cả chữ lẫn tiếng, như Do Thái chẳng hạn … Nhắc đến Do Thái cho dễ thấy, chứ Do Thái còn khá, còn phục hồi lại được. Nhiều dân tộc có quốc gia hẳn hoi vẫn mất … Phải cứu nước, để còn tất cả, trong đó có tiếng nói dân tộc, chữ viết dân tộc. Câu nói của Phạm Quỳnh, có người phê phán là tay sai, mị dân, hay tiêu cực (chấp nhận sống dưới gót giày thực dân “bảo hộ”) … Thưa bác, thế hệ bác đã cứu được nước, đánh đổ được chữ Hán lẫn chữ Pháp khỏi vị trí thống trị của chúng. Thế hệ chúng cháu xin nhớ ơn.
Cả ông Binh lẫn Lộc Biếc đều sững người. Ông Binh chớp chớp mắt. Lộc Biếc cũng không ngờ đã thốt ra một lời nhớ ơn, biết ơn đậm đà đến vậy, như một tình cảm hồn nhiên từ vô thức.
– Trở lại vấn đề chữ quốc ngữ với mẫu tự La Tinh: cái “lạ” của dân tộc mình, thưa bác, có lạ không?
– Không. Cô giáo đã khảo sát qua nhiều dân tộc, Anh, Pháp, Mỹ … với chữ của họ. Riêng so sánh với các nước láng giềng, quả hơi “lạ”. Nhưng vậy thì dễ học, dễ đọc, mình vẫn giữ được hồn nước.
– Bác có nghĩ rằng, với chữ quốc ngữ với mẫu tự La Tinh, mình đã li khai, thoát khỏi sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa để độc lập hơn không?
– Tôi chưa nghĩ …– Ông Binh ngập ngừng –.
– Có thể đó là một biểu hiện của sức mạnh Việt Nam, một phản ứng văn hóa, theo tinh thần Nguyễn Trãi, “Nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu; núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc, Nam] cũng khác” .– Lộc Biếc chú thích với giọng nhỏ hơn –. Ở đây, Bắc là Phương Bắc, tức Trung Hoa; Nam là Phương Nam, tức Việt Nam. – Cô nói tiếp –. Đó chỉ là phản ứng văn hóa, chứ không phải theo Tây. Phải xét phản ứng ấy trong điều kiện cụ thể – lịch sử. Chưa dân tộc nào chống Tây kịch liệt, lâu dài như Việt Nam. Mượn Tây chống Tàu, mượn Tây chống Tây, để Việt rất Việt, trong thế đứng của mình, ở châu Á và trên thế giới.
Ông Binh gật gù:
– Thế hệ chúng tôi chỉ biết hành động theo lòng yêu nước. Chính ý thức độc lập, tự do đã dẫn dắt như vậy. Tôi cũng không hiểu hết …– Ông nói chân thành –.
– Không ai hiểu hết tiềm lực của mình.– Lộc Biếc kết luận –. Chúng cháu cảm ơn bốn nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam ta. Cháu cảm ơn bác.
Ông Binh ngơ ngác, sững nhìn cô giáo trẻ.
Cô nhìn vào đồng hồ đeo tay của ông Binh, thấy đã hơn chín giờ tối. Ngoài trời tối đen và chắc khá lạnh. Cô cũng cảm thấy hơi mệt, vội nói:
– Thưa bác, tạm ngừng ở đây. Xin bác lưu ý lại nguồn gốc của tiếng nói các nhân tộc nói chung, trong đó có nhân tộc Kinh chúng ta, theo quan điểm duy tâm và duy vật. Xin bác lưu ý thêm vấn đề chúng ta mới mở rộng, đó là chữ quốc ngữ. Lần sau, bác cháu mình sẽ nhắc lại chữ viết thời Hùng Vương, cả nguồn gốc chữ quốc ngữ theo chữ cái La Tinh, để bổ sung vào vấn đề mới bàn. Xin phép bác cho cháu về lại nhà tập thể.
Ông Binh cảm ơn cô giáo, tiễn cô ra tận ngõ. Lộc Biếc thấy ở khu trung tâm vẫn còn ánh đèn le lói qua các kẽ ván. Gió khuya thổi lạnh buốt. Nền trời đầy sao sáng, nhấp nhánh, xanh biếc. Cô nảy ra ý định sẽ nhờ Hoán, trong chủ nhật tới, sẽ mua giúp cô một cây đèn pin ở Đa Công. Cô mỉm cười hình dung một người cầm vầng trăng thu nhỏ đi trong đêm. Bỗng dưng cô nhận ra hình như cô đang có cảm giác cồn cào của người đói bụng, ngực khao khao rất lạ, có lẽ là cảm giác mệt của người thiếu dinh dưỡng, lao tâm. Lộc Biếc vẫn bước trong đêm một mình.
[…]
T.X.A.
.
.
Bài 38 trong tập thơ “Bốn năm chữ thập đỏ”:
KHÔNG BIẾT LẦN MẤY,
NGHĨ VỀ CHỮ QUỐC NGỮ ABC
Trần Xuân An
thuở đứng trước bảng đen phấn trắng
nói với học trò về chữ quốc ngữ ABC
nhắc đến các cố đạo Bồ và De Rhodes
liên tưởng Yersin với Đà Lạt! Họ vì ai, xưa kia?
sử ghi tên họ, đâu hẳn ân, nhưng nặng oán
chữ quốc ngữ ABC là những khẩu súng tây
Pháp bắn vào dân tộc ta! Thôi xưa rồi, quên thù hận
chỉ nhớ ơn những Cao Thắng rèn chữ quốc ngữ này.
T.X.A.
06:14 – 08:10, 19-03-2018 HB18
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2023718917902049
Bài 38 trong tập thơ “Độc lập thật, khát vọng!”:
CHỮ QUỐC NGỮ ABC
Trần Xuân An
— tặng bạn học Đoàn Thị Lệ Thanh —
cố đạo dùng kí tự la tinh
(không phải bảng chữ cái có cội nguồn nước Pháp)
phiên âm tiếng Việt
trải qua trăm năm, mới viết “Phép giảng tám ngày”…
rồi bằng ABC và bút sắt
học giả phiên âm Truyện Kiều chữ Nôm
— thứ chữ quốc âm, quốc hồn
Hàn Thuyên đuổi kình ngạc
ra biển ta: Biển Đông
(cá dữ nước mình, tai chúng chỉ quen tiếng Việt) (*) —
chữ Nôm, ngót ngàn năm ta gọt giũa sớm hôm
từ cưỡng ước Nhâm Tuất, nhạt nhoà, xơ xác
nhân thể, như cây tre uốn mình trong bão táp
Hán tự ngàn năm ta vẫn canh chừng
âm đọc khác, giữ xa quãng cách
để khỏi vong thân
càng thêm lạ xa quãng cách
học chữ “nhu” hay chữ nho (**)
ca dao Nam bộ thiết tha, ngấm ngầm chống giặc
rồi thức tỉnh hẳn, sau nhiều lần thức giấc
dùng vũ khí Tây, là kí tự Tây, chống Tây
lấy chữ Pháp ABC, chống Pháp
Việt ngữ ABC vẫn mang quốc âm, hồn Việt
sau luỹ tre làng, dạy nhau chép hịch
viết truyền đơn chuyền tay
sau gần trăm năm ta gọt giũa đêm ngày
chữ quốc ngữ Nôm
chế tác lại vỏ mượn Phương Bắc
Phương Bắc ngơ ngác
chữ quốc ngữ ABC
chế tác lại vỏ mượn Phương Tây
Phương Tây sửng ngây
vẫn chứa đựng tiếng nói Việt Nam, duy nhất
thế giới đâu còn bó chật
một cõi trung tâm Hán Hoa
thế giới ABC mênh mông, bát ngát
hầu hết năm châu, gần xa
ta dễ học chữ người, người dễ học chữ ta
chế tác vỏ chữ giặc, đánh giặc
cũng vỏ chữ kia, ta mở rộng lòng ra
giữ mãi quốc hồn, quốc âm nguyên chất.
T.X.A.
trước 17:25, 23-02-2017
………
(*) Đây cũng là một cứ liệu để xác định Biển Đông là biển nước ta.
(**) Ca dao Nam bộ: “Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ / đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu / khuyên anh về học lấy chữ nhu (nho?) / chín năm em cũng đợi, mười thu em cũng chờ”.
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/1834321510175125/