Chiếc cầu Ý Hệ (cầu Hiền Lương)

Người bắn nhau nhưng đâu phải bắn nhau, Bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó (TrầnXuânAn)

Archive for Tháng Năm, 2022

TIẾNG DÂN KÊU MUÔN LẦN

Posted by Trần Xuân An trên 30.05.2022

hidden hit counter

        
.

.
TIẾNG DÂN KÊU MUÔN LẦN
Trần Xuân An

lịch sử là chuyện đã rồi
những mưu trí, sai lầm xương máu
máu xương không sống lại cùng con cháu
chỉ nến hoa mặc niệm, tự vấn thôi

Vàng dựa giặc này, Đỏ dựa giặc kia, lô-gic rối bời
ngũ cường đều ngoại xâm của cả dân tộc
chống giặc nào cũng công,
                nhưng tội nào thành giặc?
Đỏ phất cờ Liên Xô đế quốc,
                nên thành giặc. Nghẹn lời

bên Vàng yêu nước, bẻ súng, buông xuôi
cũng dựa giặc, như bên Đỏ, nhưng giặc khác
cả hai Miền đều ơn Bác
cũng đều trách Bác, phất cờ ngoại Liên Xô

thế giới hai cực, nước mình như bàn cờ
con đường Bác đi dù sao cũng toàn thắng
nhưng mị lừa quốc kì, còn cay đắng
không thể cờ Tổ quốc là Ngôi sao Mác Lê

Bác khôn thiêng, xin Người lắng nghe
tiếng dân muôn lần, đó là Sao-chính-thể
nước độc lập, lại chào cờ Liên Xô thế
đau mỗi công dân, động thấu bốn nghìn năm

đế quốc Nga Sa hoàng thành Liên Xô thâm
ơn súng đạn Liên Xô đặt lên cân với oán
nhưng lịch sử là chuyện đã rồi, thôi tủi hận
toàn thắng, nhưng chưa thắng thói nô sao?

Búa liềm Sao, cờ chính thể, đâu hư hao
chủ nghĩa Lenin thôi tiếm xưng Hồn nước
máu xương không sống lại được
hỡi ơi hình thái xâm lăng bằng mị quốc kì!

đâu hiểu Ngôi sao là Mác Lê Liên Xô dẫn lối đi *
bên thắng, lính chết oan, ngỡ chết vì cờ Tổ quốc
bên bại, chết càng oan, bị sỉ nhục lòng yêu nước
yêu nước, họ chống Búa liềm Sao xâm lăng

cũng như danh dự cả dân tộc, khác gì chăng
danh dự bên Vàng, hiện nay, thuở đó
bao gia phong Vàng yêu nước, dù xưa chống Đỏ
máu xương oan thấu rõ hoà giải đồng bào

tội nghiệp quá Bác Hồ, Tướng Giáp thuở nào
Bác học dưới cờ Bảo hộ, cờ Pháp, làm lính ở Pháp
Tướng cũng học rồi làm giáo sư dưới cờ giặc *
ta dưới Búa liềm Sao Liên Xô, kiến nghị thử xem

luật dân chủ, “Cởi trói” rồi, hỡi anh em
“sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”
cũng hô khẩu hiệu khi bị áp đặt
nhưng kiến nghị quốc kì Quốc sử bốn nghìn năm

có đảng viên nhưng trái tim Việt Nam
không bị thay máu Liên Xô, rót vào Trung Quốc
để cứu danh dự dân tộc, cần quyền chức
sáng ngời quốc kì Quốc sử bốn nghìn năm.

T.X.A.
09:17-11:23, 30-05-2022
……………

(*) ~ Tất cả các bản Hiến pháp Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều không giải thích quốc kì nền đỏ sao vàng năm cánh có ý nghĩa gì. ~ Giáo sư trung học, môn lịch sử, tại Trường tư thục Thăng Long, Hà Nội, trước 1940.

https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/3168577303416199/
.

.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , | Leave a Comment »

NHỚ HỘI NGHỊ YALTA 1945

Posted by Trần Xuân An trên 26.05.2022

hidden hit counter

         .
Hoà giải dân tộc
NHỚ HỘI NGHỊ YALTA 1945
Trần Xuân An

Nga xâm lăng Ukraina
bỗng đau Krym, nơi Yalta chia lưỡng cực
đầu năm một chín bốn lăm, còn giặc Nhật
Đông Nam Á thuộc vùng ảnh hưởng Mỹ rồi

Mỹ giúp Bác Hồ đuổi hổ Nhật cụp đuôi
sáng Tuyên ngôn Cách mạng Tháng Tám
Đảng giải thể cho hợp Yalta phân định sẵn
Hiệp định Sơ bộ nhịn Pháp cũng vì Yalta!

giấu Búa liềm, nhưng Sao vẫn sáng loà
toàn quốc kháng chiến, Mỹ lợi dụng Pháp
Mỹ giúp cờ Vàng
, chống cờ Sao Mác Lê của Bác
Tàu Đỏ chiếm đại lục và Đảng nước ta

Yalta của Krym, đất Ukraina
nhắc nhớ thời thế giới lưỡng cực
nhưng rồi cột cờ Vàng thuần Việt gãy gục
bên bờ Bến Hải bắc, nguyên Búa liềm Sao

Roosevelt, Churchill, Stalin, trắng huyệt sâu
Chiến tranh Lạnh, tắt ba mươi năm trước
Krym đã thuộc Ukraina, sao Nga lại cướp
nhắc nhớ Yalta thế giới lưỡng cực xưa!

chuyện thế giới, máu xương như trò đùa
thế cuộc nước mình, từ Yalta lưỡng cực
có những xoay vần, phân hoá, bước ngoặt
thống nhất, ngỡ mừng, rồi khó sống biết bao!

từ Yalta, Genève, Triều – Hàn còn nguyên vết đao
chém xuống Vĩ tuyến Ba mươi tám
chúc Krym về với Ukraina yên ấm
Hàn, Triều bên thắng, bên bại, không dễ sống đâu!

T.X.A.
08:47-11:40, 26-05-2022
…………

(*) Hội nghị Yalta tại Krym (Crimea), diễn ra ngày 4–11 tháng 2 năm 1945: Roosevelt (Mỹ), Churchill (Anh), Stalin (Liên Xô).
Xem thêm về sự phân chia thế giới thành hai cực (lưỡng cực) do quyết định từ Hội nghị Yalta: Trần Trọng Kim, “Một cơn gió bụi”, viết 1949, Nxb. Vĩnh Sơn, 1969, tr. 189:
“… cái vị trí nước Việt Nam ở trong cái phạm vi Anh Mỹ theo cái hiện tình bây giờ, thế nào người ta cũng không để đất này thành cộng hóa. Chỉ trừ khi nào trống mái rõ rệt, thì thiên hạ hoặc là đều bị cộng hóa cả, hoặc là đều sống ở trong cái chế độ tư bản cả. Lúc ấy dù muốn hay không cũng chẳng làm gì được. Trong khi hai cái lý tưởng còn đối lập, thì mình chưa sao thoát khỏi cái thế lực của Anh Mỹ. Như vậy mình cố chấp muốn cộng hóa, thì tất là chỉ có phần thiệt hại mà thôi, chứ khó lòng thành công được…”.
Cộng hoá, tức là cộng sản hoá, còn gọi là xích hoá (đỏ-hoá).
Ông viết tiếp: “… Dù hay dở thế nào mặc lòng, đảng Việt Minh đã có cái công lớn tổ chức được cuộc kháng chiến ấy mà nước Pháp phải cho nước Việt Nam được độc lập và thống nhất. Song trong cái tình thế quốc tế hiện thời, thì đảng Việt Minh chỉ làm được đến đấy thôi, không làm hơn được nữa. […] Lẽ nào ta lại theo một cái lý tưởng chưa thực hiện được mà đem mình làm nô lệ một dân tộc khác…”. (sđd., tr. 190). Ý nói chịu nô lệ Nga Xô.

https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/3165447980395798/

Nguồn ảnh: Wi-ki-pe-di-a


.

.
NHỚ HỘI NGHỊ YALTA 1945
.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , | Leave a Comment »

LÍ LỊCH NGƯỜI NHƯ ĐƠN THUỐC

Posted by Trần Xuân An trên 19.05.2022

hidden hit counter

        
.
SINH NHẬT BÁC, KÍNH NHỚ
LÍ LỊCH NGƯỜI NHƯ ĐƠN THUỐC
Trần Xuân An

công lao phần lớn thuộc về sóng gió Đỏ
cùng lí lịch là di sản để lại núi sông mình:
thất thủ kinh đô, thân sinh Bác cứ yên ấm tổ
Tây vênh váo, cụ Sắc vẫn thi hội, tiếc thi đình

cụ thành tri huyện “nguỵ”, rồi sa cơ thất thổ
anh chị Người không ai đỏ, vẫn trắng tinh
Bác đi lính Pháp, thay cho con thầy thợ *
trước còn xin học trường quan thuộc địa —
        (cải lương, ái quốc trung trinh)

lí lịch, lí lịch Bác Hồ, điểm ấy đau máu rỏ
Người rước cả lí lịch “nguỵ quyền, nguỵ binh”
và điểm Nghệ Cần vương, cụ Sắc đóng ngõ
trau bút, hướng nẻo quan vào kinh

sinh nhật Bác, lí lịch Người, xin kính nhớ
để tổ chức cầm quyền biết giật mình!
đó là toa thuốc cứu bệnh trầm kha cán bộ
gỡ tuyên truyền thành định kiến đóng đinh!

nhân dân có hỗn không, khi giữa sóng gió Đỏ
lí lịch Bác là phao cứu sinh
thật ra, thế nào cờ Vàng? Thế nào cờ Đỏ?
phao cờ Vàng thuần chất dân tộc mình

sinh nhật Bác, kính thưa Bác rõ
xưa lính Vàng vì cờ Vàng, thuần dân tộc, hi sinh
họ nghĩ, Búa liềm Sao Liên Xô mới tội nợ
họ mong sử sách đến ngày công minh

lí lịch như sông, quanh co, thác ghềnh, bồi lở
vin thân thế Bác, nhân dân tự giải minh
khe suối nguồn, mưa sông, đục, trong, ngọt, lợ
sinh nhật Bác, nghĩ lí lịch mỗi người đều tự sinh

ơn cha mẹ như núi cao, biển sâu, muôn thuở
học điều hay,
        tránh nhiễm lây điều núi biển tự khinh
mọi danh nhân cũng là biển núi đó
có chút chi bất thiện, núi biển cũng tự bất bình

Bác không tin di truyền làm nên phận số?
hiền hay dữ, phần nhiều do giáo dục
        — Người đinh ninh? *
tự giáo dục mới là chiều sâu, quá rõ
sinh nhật Bác, hiểu Bác tự sinh là
        nội tâm tự mở cuộc trường chinh

cụ Sắc “nguỵ” quan,
        cờ Vàng bị đính Tam khoanh, “bảo hộ” *
Bác xin học làm quan Pháp thuộc địa
        bị Pháp nhạt tình
Bác vào lính Pháp mẫu quốc,
        giả nhận Tam khoanh là cờ nước tổ
rồi phất thật cờ Xô viết, Việt Minh,
        “hữu” và “tả” khuynh

dưới cờ Tam khoanh Pháp, thực dân man rợ
rồi dưới cờ Búa liềm Sao Liên Xô, trọn hành trình
đường Bác đi, Chiến tranh Lạnh, nội chiến sầu khổ
cờ Vàng dân tộc bại, cờ Đỏ “liên lập” khó lòng vinh

năm đoá đỏ chiến công, hiển hách chưa từng có
trẻ ngợp hào quang — Bác giản dị, thần linh
so các nước, máu xương ta — già trầm tư kinh sợ
mong quốc kì Quốc sử,
        dài bốn nghìn năm, rộng rinh.

T.X.A.
19-05-2022
………………

(*) ~ Quốc Phong & GS. Song Thành: Trao đổi về quãng thời gian “trống” trong tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Quốc Phong & GS. Song Thành: Trao đổi về quãng thời gian “trống” trong tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh


Cần xem thêm:

https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/3164568663817063/



~ Về bức thư xin học trường thuộc địa:
Trích từ “Biên niên tiểu sử”, Bảo tàng Hồ Chí Minh:
https://baotanghochiminh.vn/nguyen-tat-thanh-viet-don-gui-tong-thong-phap-va-bo-truong-bo-thuoc-dia-phap.htm
(Bắt đầu trích)
“Sự kiện: Nguyễn Tất Thành viết đơn gửi Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp
Thời gian: 15-9-1911
Nguồn trích :
– Đơn ngày 15-9-1911 của Nguyễn Tất Thành gửi Tổng thống Pháp. Bản chụp bút tích lưu tại Viện Hồ Chí Minh.
Từ khóa: Nguyễn Tất Thành, Bộ trưởng Bộ thuộc địa, Tổng thống Pháp, Trường thuộc địa
Nội dung sự kiện :
Tháng 9, ngày 15
Nguyễn Tất Thành viết đơn gửi Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp trình bày nguyện vọng muốn vào học Trường Thuộc địa (École Coloniale)(1). Đơn được gửi từ Mácxây ngày 15-9-1911, có đoạn viết: “Tôi vinh hạnh, xin một đặc ân với lòng nhân từ cao cả của ông được thu nhận vào học Trường Thuộc địa như một học sinh nội trú.
Hiện tại tôi là nhân viên của Hãng Sácgiơ Rêuyni (Chargeurs Réunis) tàu Amiran Latusơ Tơrêvin”.
—————
(1) Trường Thuộc địa (École Coloniale) được thành lập năm 1885 tại Pari với mục đích đào tạo những công chức để gửi sang các nước thuộc địa làm việc. Học viên chủ yếu là người Pháp, rất ít người của các nước thuộc địa, trừ một số do chính quyền ở thuộc địa gửi sang. Lá đơn trên đây viết ngày 15-9-1911 từ Mácxây đặt ra một vấn đề mới để nghiên cứu thêm: sau khi tàu Amiran Latusơ Tơrêvin đến Lơ Havơrơ, Nguyễn Tất Thành chưa rời tàu để đi làm vườn như các tài liệu trước đây viết. Trong sổ lương còn ghi rõ: Văn Ba lĩnh lương tại Sài Gòn vào ngày 16-10-1911 trong chuyến đi của tàu từ Đoongkéc về Hải Phòng” (hết trích).
~ Trong bài “Dạ bán” (Nửa đêm), thuộc tập “Nhật ký trong tù”, câu kết: “Đa do giáo dục đích nguyên nhân” (Phần nhiều do giáo dục mà nên). “Phần nhiều”, nghĩa là có phần ít. Phần ít là do di truyền, thời thế, xã hội, môi trường… Tuy vậy, xét cho cùng, nhất là ở giữa thế kỉ XX, có sự giáo dục nào lại giáo dục cái ác để đối tượng được giáo dục trở thành “ác nhân”, tội phạm xã hội (nguyên văn, bản dịch: “kẻ dữ”)… Vấn đề là có giáo dục hay không được giáo dục mà thôi, gồm cả giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình. Mở rộng ra, cũng có nền giáo dục sai lầm ở khía cạnh nào đó, ví dụ như thiếu khách quan, trung thực, chạy theo thành tích thiếu thực chất, hoặc mua bằng bán điểm…
~ Quốc kì Pháp gồm ba hình chữ nhật đứng liền nhau: xanh, trắng, đỏ. Các cụ xưa gọi là cờ Tam khoanh, cờ Tam khoang, cờ Tam sắc hay gọi xã giao là cờ Tam tài.

LÍ LỊCH NGUYỄN ÁI QUỐC TỰ KHAI NĂM 1934

https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/3160025484271381/

Ảnh: Cố chủ tịch Hồ Chí Minh thuở còn trẻ — Nguồn: Google search.


.

Theo “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, “anh Ba” đã rời nước Anh, “ra đi, không hành lí”. Chỉ có thể đi nhập ngũ mới không có hành lí mang theo. Và “anh Ba” đến Pháp, như đã xác định: “Anh đi đâu?”, “Tôi đi Pháp”. Đến Pháp, có lẽ trong một dịp nghỉ phép nào đó, “anh Ba” có gặp Phan Châu Trinh.

Nếu kết hợp với phần bị cắt bỏ khỏi bản thảo đầu tiên của cuốn sách trên, mà GS. Song Thành cung cấp, người ta có thể hình dung. “Anh Ba” muốn đăng kí đi lính Anh, nhưng không đủ điều kiện (quốc tịch chẳng hạn), nên đi lính Pháp thay cho con trai ông vua đầu bếp Escoffier người Pháp.

Xem nguyên văn:
“NHỮNG MẨU CHUYỆN VỀ ĐỜI HOẠT ĐỘNG CỦA HỒ CHỦ TỊCH”
Trần Dân Tiên
(Trích, cuối phần 1):
“Thế giới đại chiến bùng nổ. Người Pháp ở Luân Đôn nhận lệnh động viên. Nhiều người khóc, nhất là những người đàn bà Pháp.
Người Đức bị bắt nhốt vào trại tập trung. Họ cũng khóc. Lính Anh bị đưa ra mặt trận, cha mẹ, vợ con họ đều khóc.
Anh Ba đến nói với tôi:
“Xin từ biệt anh Nam.”
“Anh đi đâu?”
“Tôi đi Pháp.”
“Không nói chơi chứ? Nước Pháp đang có chiến tranh. Anh đến Pháp làm gì?”
“Tôi đi xem. Tôi sẽ viết thư cho anh.”
Anh Ba bắt tay tôi, chúng tôi hôn nhau. Và cứ thế anh Ba đi, không hành lý.
Chiến tranh tiếp tục. Lính Anh bị thương trở về. Cả những người lánh nạn Bỉ cũng đến. Các công việc đều đình trệ. Lôi–Gioóc (Loyd George) lật đổ At–quish (Asquish) và lên làm thủ tướng. Số người nhà bếp của chúng tôi chỉ còn lại một nửa. Đồng vàng và đồng bạc không lưu hành ở Pháp nữa. Quân Đức đã tiến đến sông Mác–nơ (Marne). Nước Pháp bị ngạt thở vì khói lửa chiến tranh. Ở Anh, các thức ăn, thức dùng đều bị Chính phủ hạn chế.
Sau khi rời Luân Đôn, anh Ba viết thư cho tôi.
Đại ý thế này:
“Tôi đã gặp nhà ái quốc Phan Chu Trinh. Anh biết không? Ông bị án tử hình. Nhờ Hội Nhân quyền và ông Giô–rét (Jaurès) can thiệp, ông Phan được thả và sang Pa–ri. Tôi cũng gặp luật sư Phan Văn Trường và những người khác. Tôi nói với họ: Trong khi vua Duy Tân nổi dậy ở Huế, nhân dân Thái Nguyên và nhiều nơi khác khởi nghĩa, thì chúng ta phải làm gì chứ?”
Từ ngày ấy. Tôi không biết gì về anh Ba nữa”.
(Hết trích)

.

.
LÍ LỊCH NGƯỜI NHƯ ĐƠN THUỐC
.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , | Leave a Comment »

DUY NGÃ ĐỘC TÔN

Posted by Trần Xuân An trên 14.05.2022

hidden hit counter

        
.
DUY NGÃ ĐỘC TÔN
Trần Xuân An (lạm bàn)

“Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn”.

Theo một số học giả, thượng toạ Phật giáo, trong bản kinh gốc được viết bằng tiếng Pali, chỉ có hai dòng vỏn vẹn như thế thôi. Theo tôi, thiển nghĩ, nếu thế thì cũng đủ rồi; còn hai dòng tiếp theo thuộc loại vô ngôn. Vô ngôn, để người học tập Phật học tự hiểu thêm. Hai dòng đó, “Thiên thượng thiên hạ / Duy ngã độc tôn” (天上天下, 唯我獨尊) là nhận định của Đức Phật (tuy mới đản sinh, chưa thành Phật) về thế gian: TRÊN TRỜI, DƯỚI TRỜI, [thế gian, thế nhân] CHỈ VÌ CÁI-TÔI-ĐỘC-TÔN, hoặc CHỈ-VÌ-CÁI-TÔI [là] ĐỘC TÔN, tức là muôn loài chúng sinh toàn ích kỉ, tự xem cái tôi của mình là to nhất. Ngài không nói thêm.

Ngài không nói thêm, nhưng theo logic, người học Phật về sau sẽ hiểu rằng, vì thế, nên mãi còn luân hồi nhân quả, sinh lão bệnh tử, sát sinh để sống (ăn thịt nhau), nhất là súc sinh, cứ mãi tạp hôn, quần hôn — mãi trầm luân trong cái khổ (khổ đế).

Mặc dù chỉ hai dòng trên, nhưng người học Phật hiểu đầy đủ là, khổ não triền miên trên cõi thế là do bản chất chúng sinh ích kỉ, hoàn toàn chỉ vì cái-tôi-to-nhất-thiên-hạ của bản thân.

T.X.A. (lạm bàn)
15-04 Phật đản sinh 2566 (15-05-2022)

https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/3156226714651258/


.
Xem thêm:

RẰM PHẬT ĐẢN NĂM NAY, NHỚ VẦNG TRĂNG DUY NGÃ ĐỘC TÔN


.

Ở PHẦN BÀN LUẬN:

Nguyễn Đức Kim Long thân mến,
Phật giáo thuộc về khuynh hướng duy tâm chủ quan, hữu thần. Duy tâm khách quan là triết học thừa nhận thực thể tối linh bên ngoài bản thân, nghĩa là thừa nhận có thượng đế, đấng tạo nên hoặc tiêu huỷ trời đất, muôn loài. Còn duy tâm chủ quan là thừa nhận cái tâm của bản thân là chính yếu. Vui, buồn, khổ, sướng … đều do cái tâm nhìn nhận, cảm thấy. Thế gian, vũ trụ có đó nhưng vẫn hư ảo. Phật giáo không tin có linh hồn như một nhân cách, thượng đế như một nhân cách (nói cách khác là không tin linh hồn, thượng đế cũng nói năng, khóc cười, giận ghét… giống con người) mà là các siêu linh, khi thụ thai là thì gọi là hương ấm, khi chết thì gọi là hương linh… Chuỗi luân hồi là do con người tự quyết định trong tư tưởng, hành vi, chứ không có thượng đế, phật thánh nào can thiệp vào được. Cụ thể là anh ABC khi sống làm ác, tội lỗi thì luân hồi thành súc sinh, ngạ quỷ chứ không thượng đế phật thánh nào cứu giúp được. Kiếp này nghiệp nặng thì quả báo nhãn tiền hoặc kiếp sau phải trả nợ, thế thôi. Phật chỉ giác ngộ cho chúng sanh chân lí đó. Mọi cầu nguyện, cầu siêu của người thân, chùa chiền chỉ phụ trợ, chứ không quyết định được.
Nếu Phật giáo vô thần, duy vật thì làm sao còn là tôn giáo!
T.X.A.

.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Phe VÀNG xưa tôn trọng phụ nữ & nông dân – qua đồng kẽm

Posted by Trần Xuân An trên 13.05.2022

hidden hit counter

        
.
Là công dân chính thể Đỏ, nhưng không chê ghét Vàng…

Ngắm mấy đồng tiền kẽm, thấy phe Vàng (Quốc gia Việt Nam, Việt Nam cộng hoà) thể hiện ý thức tôn trọng phụ nữ và nông dân ở các hình hoạ điêu khắc được đúc trên đó.
.
Ba người nữ Trung, Nam, Bắc
& nông dân gặt lúa:


.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , , , , | Leave a Comment »

ĐA THÊ, NẾP XƯA, HOÀI CẢM

Posted by Trần Xuân An trên 11.05.2022

hidden hit counter

        
.
ĐA THÊ, NẾP XƯA, HOÀI CẢM
Trần Xuân An

thời Jésus theo nếp cũ
dụ ngôn mười nàng trinh nữ
một rể, năm đèn đầy dầu
(hẳn chàng mong đầy đều nhau
mười bấc, mười cô dâu, thắm?) *

thời Nguyễn Du chưa xa lắm *
mẹ cả khay rượu mâm trầu
cưới về cho cha vợ thứ
mẹ thứ rượu cau, lễ đủ
cưới thêm, thêm chị em dâu

nếp nghìn năm không còn nữa
giáo hội khác Chúa từ lâu *
Xuân Hương, nữ quyền, “chém kiếp”
thì thôi, độc thê không thiếp
”con một cháu bầy”, còn đâu!

phong tục xưa chẳng ghen sầu
cái ghen thăng hoa thành mến
đàn con đùm bọc, quyến luyến
khác mẹ sinh, khác cuống dau
nhưng chung ban thờ trên đầu

thương con chồng như con ruột
nhưng không mang nặng đẻ đau
sợ rồi xa thế hệ sau
quê dì thứ, thành quê vợ
cát đằng, giàn chung bí bầu

quê cháu, dì thứ một cội
quê con chồng, xa vời vợi
chẳng một gien máu chung nhau
hiếu với dì thứ và mẹ
nén hương toả ngát cao sâu

cái biểu đạt cổ nguyên màu
Do Thái xưa đa thê thật
cái được biểu đạt không mất
đa thê Nguyễn Du cau trầu *
cúi đầu hương khói trắng phau

chợt nhớ Đông Hà điêu khắc
tượng trông sông Hiếu chậm mau
trong ngực có hai người vợ
từ thuở kháng chiến dãi dầu
Bích La Đông vang năm châu

bao lớp người xưa, hoài cảm
miền thiên cổ nơi tâm khảm
kinh và thơ xưa không nhàu
như răng hạt huyền lưu ảnh
còn hồn như tục trầu cau.

T.X.A.
07:45-12:05, 10-05-2022
(10-04 năm Nhâm Dần)
………………

(*) ~ Theo Kinh Thánh, dụ ngôn “Một chàng rể và mười trinh nữ” – cả mười đều chờ chàng rể ấy. Cái biểu đạt: phong tục đa thê (lịch sử – cụ thể)… Cái được biểu đạt: Thế nhân (năm trinh nữ) tâm hồn đầy ân phước (như đã chuẩn bị dầu đầy đèn cho lễ cưới) sẽ được đón vào lễ thánh ở nước Chúa; thế nhân (năm trinh nữ khác) tâm hồn khô kiệt đức tin và tinh thần phụng sự (như đèn không dầu) sẽ bị khước từ khỏi lễ thánh… ~ Theo Vũ Tiến Quỳnh, “Nguyễn Du”, Nxb. Văn nghệ TP.HCM., 1995: Thân phụ Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm. Nguyễn Nghiễm có tám người vợ, hai mươi mốt người con. Theo Nguyễn Thạch Giang, “Truyện Kiều”, Nxb. ĐH.&THCN., 1976, tr.XXXIII: Nguyễn Du có ba người vợ, mười tám người con (12 trai, 6 gái). ~ Qua ẩn dụ trong dụ ngôn “Mười trinh nữ chờ chàng rể”, người ta thấy Chúa Jesus không phê phán phong tục đa thê Do Thái thuở đó, bằng chứng là Chúa vẫn dùng ví von ấy. Luật hôn nhân một vợ một chồng là của Giáo hội La Mã về sau.

https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/3153265731614023/

Ảnh của anh Tôn Thất Thọ:
Ba người nữ Trung, Nam, Bắc.


.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , | Leave a Comment »

ĐIỆN BIÊN PHỦ, LẠI NGHĨ, 2022

Posted by Trần Xuân An trên 07.05.2022

hidden hit counter

        
.
ĐIỆN BIÊN PHỦ, LẠI NGHĨ, 2022
Trần Xuân An

Điện Biên! Nửa nhân loại cảm phục
đánh đuổi được Pháp bằng trận Điện Biên
nhưng âu lo Việt Nam sóng thần, đỏ hực
nửa dân tộc mình cũng thế. Bến Hải ưu phiền

nửa nhân loại ấy, nửa dân tộc mình ấy
đi với Mỹ, thực dân cũ cáo chung
Pháp đánh thuê, cuốn gói.
        Nhưng sóng thần La Mã!
Miền Nam tự vệ trước Đỏ,
       bi kịch nghẹn đắng bi hùng

trước và sau Điện Biên thắng Pháp
cải cách ruộng đất, Trung Quốc giết bao người
thư Chu Đình Xương, thơ Văn Cao, thầm thét rõ *
Tàu thay máu yêu nước, bằng máu thân Tàu rồi!

Điện Biên, đoá hoa đỏ rực trong Chiến tranh Lạnh
Trung Quốc ngoại xâm, khác gì Pháp đâu!
cả nước ơn chiến thắng Điện Biên, hận Tàu Đỏ
thuở phân hoá dân tộc mãi còn đau

Điện Biên, sau gần trăm năm, Pháp thảm bại *
tay Trung Quốc, tay Mỹ đều lộ rõ tay thù
rồi Nga cũng xô Liên Xô sụp đổ
đoá Điện Biên càng đẹp đến nghìn thu

ta đặt Pháp và Nhật ra ngoài Chiến tranh Lạnh
Pháp suy tàn, Mỹ nuôi Pháp đánh thuê *
khi Tàu đã đỏ, được Liên Xô uỷ nhiệm
trong Chiến tranh Lạnh, vẫn Đại Hán xưa kia

một thuở lịch sử vừa ân vừa oán
Trung đối Pháp, Xô đối Mỹ, ở Điện Biên
chính kẻ cướp thành lính đánh thuê là Pháp
ta thắng ở Điện Biên cuối cùng,
                thắng ở Đà Nẵng đầu tiên *

tự hào Đà Nẵng, Chí Hoà, Gò Công, Nhật Tảo
Ô Cầu Giấy, Tân Sở Cần vương,
             Yên Thế, Yên Bái, Đô Lương
tự hào bao chiến công thuần dân tộc đánh Pháp
vẫn mãi đẹp Điện Biên,
         nhưng lấn cấn Nga, Trung, Mỹ ngoại cường.

T.X.A.
trước 13:02, 07-05-2022
………………

(*) ~ Bức thư của ông Chu Đình Xương, viết vào tháng 02-1983, nguồn: FB GS. Ngô Vĩnh Long (10-09-2020):
https:// www. facebook. com/100001520170749/posts/3562853937108577/
Bài thơ “Đồng chí của tôi” (1956) của nhạc sĩ Văn Cao, nguồn: nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, thivien. net.
Có thể xem hai tư liệu trên theo link dễ truy cập:
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/3150883638518899/
~ 1858-1954 (96 năm, gần trăm năm).
~ Sau Thế chiến 2, Pháp kiệt quệ. Mỹ cung cấp cho Pháp đến 80% chiến phí ở Việt Nam. Hồi kí của tướng Pháp Henri Navarre: “Địa vị của chúng ta [nước Pháp] đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ”.
~ Trận đầu tiên ta thắng liên quân Pháp – Tây Ban Nha tại Đà Nẵng, 1858-1859.

https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/3150803165193613/


.

.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , , | Leave a Comment »

Ý NGHĨA VÀ XUẤT XỨ CỜ VÀNG, CỜ ĐỎ

Posted by Trần Xuân An trên 06.05.2022

hidden hit counter

        
.
Ý NGHĨA VÀ XUẤT XỨ CỜ VÀNG, CỜ ĐỎ
(Hoà giải dân tộc)
Trần Xuân An

Tôi đã chép lại lời cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói, “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn” (2004). Tôi cũng đã nghĩ và viết: Nếu không hiểu cờ đỏ sao vàng có ý nghĩa gì, xuất xứ từ đâu, chúng ta cũng không hiểu chính niềm vui hoặc nỗi buồn của chúng ta.

NẾU KHÔNG HIỂU CỜ ĐỎ SAO VÀNG CÓ Ý NGHĨA GÌ, XUẤT XỨ TỪ ĐÂU, CHÚNG TA CŨNG KHÔNG HIỂU CHÍNH NIỀM VUI HOẶC NỖI BUỒN CỦA CHÚNG TA.

Và tôi đã nhiều lần giải mã cờ đỏ sao vàng, với sự cố gắng bảo đảm tính khoa học đến mức tối đa. Kết luận cuối cùng là, ngôi Sao vàng ấy, trên nền đỏ, chính là một bộ phận trong hai bộ phận (bộ phận kia là Búa liềm vàng) cấu thành một chỉnh thể đơn nghĩa: Sao vàng là chủ nghĩa Mác Lê; còn Búa liềm vàng chính là liên minh công nông. Không thể có ý nghĩa nào khác. Nguồn gốc của nó chính là quốc kì Liên Xô.

Xin trích lại từ chú thích của tôi cuối một bài thơ, tôi mới viết. Chúng ta có thể giải mã Sao vàng trên nền cờ đỏ, bắt đầu từ các câu thơ, ca từ có giá trị tuyên giáo cao nhất:

“… “Ngôi sao Chân lí giữa đời” (thơ Tố Hữu), “Sao vàng phấp phới, dắt giống nòi quê hương qua nỗi [/nơi] lầm than” (Quốc ca, Văn Cao), “Mãi mãi là sao sáng dẫn đường” (thơ Vũ Cao): Ngôi sao vàng là biểu tượng của chủ nghĩa Mác – Lênin, trong chỉnh thể Búa liềm – Sao (hay trong hoạ cảnh, ngữ cảnh, khung cảnh Búa liềm – Sao).

Đảng huy Liên Xô có ngôi sao năm cánh vàng toàn bộ và búa liềm vàng toàn bộ (Búa liềm Sao ở nước ta giống nguyên mẫu 100%). Tuy nhiên, biểu trưng cơ bản chỉ gồm Búa liềm và Sao năm cánh, vị trí Sao năm cánh ở trên Búa liềm hoặc sóng đôi với Búa liềm, hay tách ra thành hình tượng chính của “quốc kì” và của Đảng kì (nhưng vẫn một chỉnh thể), còn màu sắc thường thấy là đỏ hoặc vàng, cũng có thể trắng, và nền thường là đỏ…

Trong bài thơ “Thuỵ bất trước” (Không ngủ được), thuộc tập “Nhật ký trong tù” (1942-1943), Bác Hồ cũng chỉ viết “Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh” 夢魂環繞五尖星 (trong giấc mộng, hồn quanh quẩn, quấn quýt ngôi sao năm cánh). “Ngũ tiêm tinh” là ngôi sao năm cánh, không có từ “vàng” như ở bản dịch của nhà thơ Nam Trân:

Thuỵ bất trước
Nhất canh… nhị canh… hựu tam canh,
Triển chuyển, bồi hồi, thuỵ bất thành;
Tứ, ngũ canh thì tài hợp nhãn,
Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh.
(Hồ Chí Minh, “Nhật ký trong tù”, 1942-1943)

Không ngủ được
Một canh… hai canh… lại ba canh,
Trằn trọc băn khoăn, giấc chẳng thành;
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt,
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.
(bản dịch của Nam Trân).


Tôn giáo không có Tổ quốc, chỉ có địa bàn cụ thể hình thành tôn giáo. Tôn giáo thuộc lĩnh vực tâm linh, nghìn đời xưa, nên biểu trưng tôn giáo là thiêng liêng nhất hoặc ngang với Tổ quốc mà ở các nước đó, tôn giáo nào đó là quốc giáo. Những lá quốc kì có biểu trưng tôn giáo là dấu tích còn sót lại của hình thái nhà nước kết hợp với thần quyền cổ xưa. Nhưng hiện đại, chính trị thuộc lĩnh vực trần thế hoàn toàn, cốt tuỷ là chủ quyền Đất nước, nhất là chính trị chống ngoại xâm, không thể không thao thức về Tổ quốc. Và chính trị, chính thể của nó không bao giờ có thể là tôn giáo với tư cách là quốc giáo. Bác Hồ chấp nhận Sao năm cánh (chủ nghĩa Mác Lê) là do sức ép của bối cảnh quốc tế thời đó. Phan Bội Châu đã từng bị Liên Xô mặc cả về viện trợ và cách mạng công nông (“Tự phán”), muốn được viện trợ thì phải thực thi chủ nghĩa Mác Lê, tức là chịu phiên thuộc Liên Xô”.

Thiết nghĩ, chú thích được trích lại trên cũng đã đầy đủ về nội dung giải mã cờ đỏ sao vàng.

Về lá cờ vàng ba sọc đỏ của Quốc gia Việt Nam – Việt Nam cộng hoà, nguồn gốc và ý nghĩa của nó là gì? Đó là lá cờ bắt nguồn từ lá cờ vàng của Hai Bà Trưng * và màu vàng đặc trưng của Triều Nguyễn. Trước khi Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp (1863), lá cờ vàng ấy chỉ là cờ hiệu của vương quyền, nhưng từ đó, nó trở thành quốc kì với hai chữ quốc hiệu “Đại Nam” thêu may vào thêm, bằng chỉ đỏ, vải đỏ. Quốc kì vàng là lá cờ chống Pháp từ triều Tự Đức (1847 – 1864 – 1883) cho đến triều Hàm Nghi và phong trào Tân Sở – Cần vương (1884 – 1888 – 1896). Lá cờ vàng ấy còn được tiếp nối tinh thần chống Pháp ở triều Duy Tân. Đến thời chính phủ Trần Trọng Kim dưới triều Bảo Đại, bị phát xít Nhật uy hiếp với chiêu bài Đại Đông Á, lá cờ vàng ấy được Trần Trọng Kim tự thêm quẻ li (ba vạch, vạch giữa đứt), đồng thời với Tuyên ngôn độc lập, cởi bỏ ách Pháp thực dân. Sau đó, từ 1947-1949, nó thành lá cờ vàng ba sọc dọc màu đỏ ở giữa (quẻ càn, không có vạch đứt). Ba sọc đỏ ấy cũng có ý nghĩa là sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long. Đó là quốc kì của nước Quốc gia Việt Nam, đứng về phía Thế giới Tự do do Mỹ đứng đầu, tuy vẫn còn tái xuất hiện thực dân Pháp (1945 – 1947 – 1954), — Pháp đã suy tàn, bị Mỹ lợi dụng —, để rồi, trong dự kiến, sẽ hất cẳng Pháp nhằm cáo chung chủ nghĩa thực dân cũ. Cờ vàng ba sọc đỏ ấy cũng là quốc kì của Việt Nam cộng hoà (1955 – 1975), không còn thực dân Pháp, chỉ còn Mỹ là đồng minh nhưng đồng minh Mỹ can thiệp quá sâu vào nội bộ Việt Nam cộng hoà.
.

.
Quốc kì các triều Tự Đức – Hàm Nghi với hai chữ quốc hiệu ĐẠI NAM
.
Tóm lại, cờ vàng có biến thể ở hình tượng trên nền vàng, nhưng nền cờ vàng là nhất quán. Nó là lá cờ hoàn toàn của người Việt Nam, không phải có nguồn gốc là từ cường quốc bên ngoài, như lá cờ đỏ sao vàng nói trên, vốn có xuất xứ là Liên Xô. Nhiều người tham gia Việt Minh, nhưng rời bỏ Việt Minh về với Quốc gia Việt Nam, cờ vàng ba sọc đỏ, vì lí do đó.

Phần kết của bài viết này, tôi xin để ngỏ cho mỗi người trong chúng ta. Còn tôi, tôi vẫn là công dân trên đất nước mình, chấp hành Hiến pháp và luật pháp hiện hành, nhưng không ngừng mơ ước một lá quốc kì dân tộc với bốn chữ “Quốc sử Việt Nam”, và lá cờ đỏ sao vàng chỉ là cờ chính thể (chế độ chính trị) hoặc chỉ thuộc về bảo tàng lịch sử.

T.X.A.
06-04-2022
………….

(*) Trần Trọng Kim, “Một cơn gió bụi”, hồi kí, viết 1949, xuất bản 1969.
Đính chính: lá cờ vàng của Triệu Thị Trinh (Bà Triệu): “Đầu voi phất ngọn cờ Vàng” (Trần Trọng Kim, “Một cơn gió bụi”, Nxb. Vĩnh Sơn, 1969, tr.60-61).

.

.

NGÔI SAO VÀNG TOÀN BỘ,
BÚA LIỀM ĐEN TOÀN BỘ
Cộng hoà Xô viết Trung Hoa (Trung văn: 中華蘇維埃共和國, âm Hán Việt: Trung Hoa tô duy ai cộng hoà quốc) là cơ cấu chính quyền do Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập tại Thuỵ Kim, tỉnh Giang Tô vào ngày mồng 7 tháng 11 năm 1931, thủ đô là Thuỵ Kim.
https:// vi. unionpedia. org/C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a_X%C3%B4_vi%E1%BA%BFt_Trung_Hoa
Thành lập: 7 tháng 11, 1931
Ngày/năm tan rã: 22 tháng 9, 1937
(Wikipedia)
https:// en. m. wikipedia. org/wiki/Chinese_Soviet_Republic
.

.

https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/3149926361947960/
.

.

.
Cờ “Quốc sử Việt Nam”:

.

.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Ý nghĩa ngôi sao tuỳ ngữ cảnh cụ thể, nhất định

Posted by Trần Xuân An trên 04.05.2022

hidden hit counter

        
.
CHÙM THƠ CŨ: HÌNH ẢNH NGÔI SAO
(ý nghĩa ngôi sao tuỳ ngữ cảnh cụ thể, nhất định)

Bài nhất
NHÀ SAO
Trần Xuân An

hơn mười lăm năm qua rồi
tôn thời chiến tranh còn đó
mảnh đạn găm dày lỗ chỗ
ngày đêm, sao mọc khắp nhà!

trăng chiếu vào, đèn soi ra
nắng cũng thắp ngàn sao lạ
nhưng đợi nhà xây khắp đã
chuyện khổ thành tứ nên thơ

hơn mười lăm năm cứ chờ
ha hả bật cười, chờ mãi
nhà xây mới vài mươi cái
làng vẫn ngân hà, nhà sao!

thì biết chờ đến khi nào
nói đùa không rơi nước mắt
nhắc lại những cơ cực khác
nói trạng và cười, nhìn nhau.

T.X.A
19.10.1990

Bài nhì
THƠ TÌNH CỦA NGƯỜI DU KÍCH
Trần Xuân An

1.
gió dừng trên tóc mình ơi
lòng em cháy bỏng mặt trời ban trưa

ra sân ủ mắm phơi dưa
nhớ da diết những mùa mưa có mình
nước dâng giấc ngủ dập dềnh
ngồi hầm cứ tưởng dầm kênh bủa chài
nghiêng lưng ngước mắt ra ngoài
trời lên nắng hửng nhớ ngày trồng dưa…

nắng bù bóng tối năm xưa
em bù công sớm việc trưa hộ mình!

2.
có nhau, hầm chật nằm nghiêng
có đất đai, có xóm giềng, mất nhau!

máu rơi máu ứa hào sâu
bưởi trồng chỗ đất còn đau suốt đời
hoa thơm trĩu nhánh mình ơi
trắng lòng em những nụ cười đánh đêm
bưởi ra trĩu nhánh lung liêng
trái nghìn giọt lệ, cứng thêm lòng người

ta như hạt giống đất vùi
bom xô cành chiết, vói trời nở sao!

T.X.A
1976

Bài ba
MỘT TUỔI HÒA BÌNH
Trần Xuân An

dường như ai cũng là trẻ thơ
lòng nôn nao khó ngủ
sông trôi nhanh đưa hai bờ thành phố
ngóng hừng đông ngoài khơi xa

thức giấc với chuông chùa ngân nga
sao mai treo đầu ngõ
đi bên ni trông sang bên nớ
hân hoan hồng sương bay

nụ cười là hoa lục bình mai nay
xuôi theo dòng người dự hội
nắng lên phơi phới
tỏa ra từ tiếng chim

mặt trời nháng hồi chiêng
trống ran lồng ngực mở
người kéo cờ thắp lên búp lửa
rực Văn Lâu cây nến trắng reo vui

gió chuyền đưa lời chúc trăm nơi
cả đất nước về với Huế
Huế mai nay ngạo nghễ
nhớ một thời không làm sao quên

Huế mai nay đạp bóng tối đứng lên
từng mẩu gạch cũng ngời sức sống
trái chín hương lồng lộng
đất vun trồng bao nhà máy ước mơ

ôi Huế chúng ta và thơ
dẫu hòa bình chưa đầy một tuổi
vững vàng đôi chân bước tới
bởi lòng dân trong vắt nước sông Hương

Huế là Yêu Thương
sum vầy ngày hội lớn
khẩu hiệu như bàn tay trên nón
chỉ đường đi, đi lên.

T.X.A
1976

Bài tư
TẬP QUÂN SỰ
Trần Xuân An

bước đều qua tháng bảy
giậm gót chân rập ràng
hiểu núi rừng năm ấy
đỉnh trời sao dọc ngang.

T.X.A
1977
(Bốn bài trên trong tập thơ “Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên”)
.

Bài năm
VÌ SAO
Trần Xuân An

~~ tặng Nguyễn Tấn Sĩ ~~

ngày mai ngày mai ra sao
bài ca nao nao tuổi nhỏ
nửa đời vẫn còn bỡ ngỡ
trắng đêm trời cao xa mờ

băn khoăn thuở ấy ngây ngô
sao gọi vì sao lạ thế
và phải như lời bà kể
người có vì sao riêng chăng?

trời cao xa xanh ngàn năm
nỗi hồn nhiên thành kinh sợ
suốt ngày xôn xao không nhớ
đêm khuya hiện về, lắng sâu

vì sao, vì sao, vì sao
đời chung sao riêng phần số?
vì sao chia tan, gặp gỡ?
một nhà mơ ước khác nhau?

đường đời khởi tự nơi đâu?
từ giọt máu hồng lòng mẹ?
từ hạt mưa xanh trí nhớ
hoá vì sao nhỏ đưa đường?

nắng gió thổi loà trăm phương
chỉ lọt vào hồn một phía?
mắt ấy mẹ cho? đời mở?
hay hồn xoay lốc loạn cuồng?

hay để đời lung linh hơn
vì sao? vì sao? mờ? tỏ?
vì sao lung linh chuyện cổ
còn lung linh mãi ngàn sau?

bóng ma khói sương nào đâu
bụt tiên chỉ trong giấc ngủ
chỉ thấy lòng ai quỷ dữ
tình ai nhân hậu nhiệm mầu

đêm đêm ngước nhìn trời sao
thương ai tật nguyền từ nhỏ
ai chết bất ngờ mắt mở
ơi những kiếp người khổ đau!

qua bao đèo vui vực đau
ngẫu nhiên xui thêm run sợ
bao người co ro bé nhỏ
đêm đêm, mắt ướt, nhìn sao

mặc ngẫu nhiên thành trời cao
chen ngang bao điều định rõ
cho đời vẫn còn đối phó
thấy không thừa thãi chiếc đầu!?

trời xưa nào có mắt đâu
người phải cho trời đôi mắt
đâu phải chỉ là mơ ước… ?
phải chữa tận cùng khổ đau?!

tự thắp cho mình vì sao
hiểu đời hiểu mình, tất cả
và hồn nhiên như hoa lá
và sống không chịu cúi đầu

mỗi người là một vì sao
mỗi phận đời riêng, ẩn số
cuộc đời cứ như câu đố
có Trời cũng mặc Trời cao.

T.X.A.
1985
(Trong tập thơ “Nắng và mưa”, 1991)

————————————

ĐÍNH THÊM VÀO ĐÂY:

Bài sáu, phụ đính
HỒN HẬU CHÚT NIỀM CA DAO ĐẤT MỚI
CỦA NGƯỜI LÍNH “NGỤY” THƯƠNG MẾN
Trần Xuân An

về thăm mai mốt mình lên
rẫy nương ơi, nhớ đừng quên đâm chồi
mình đi, nhớ lắm đi thôi
rẫy ở lại, có nhớ lời mình không?

lưng cà mang nặng đừng cong
lắm em, ngô nhớ hông bồng cõng vai
còn khoai nữa, nhớ chưa khoai
sinh con bụ bẫm bằng hai mùa rồi
giàn bí cũng đừng ham chơi
cùng ong bướm, quên ru nôi em nằm
bầy heo giữ tạng ăn tham
gà cũng vậy, đừng xéo mầm phá cây
mình dặn đi dặn lại hoài
thương mình đừng bỏ ngoài tai lời mình

một quê ở, một quê sinh
xa đất mới để gặp mình phố xưa
lên đây quen nắng quen mưa
nửa lòng muốn, nửa lòng chưa muốn về.

T.X.A.
1976
(Trong tập thơ “Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên”)
.
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/3148059698801293/


.

.


1.
Hồi 19 tuổi, học chính trị chính khoá mấy tháng trời, bỗng hăng say CÁCH MẠNG THẾ GIỚI, tôi cũng
VÔ THỨC chấp nhận VÔ TỔ QUỐC, hát chào cờ đỏ sao vàng rất chân thành.

2.
Thật ra không một người Việt Nam nào chấp nhận VÔ TỔ QUỐC, theo yêu cầu bắt buộc của Liên Xô (chủ nghĩa tam vô, nhị các), cho nên Đảng và Nhà nước mới gọi cờ đỏ sao vàng là cờ Tổ quốc! Nhân dân mình bị lừa mị.
3.
Tôn giáo không có Tổ quốc, chỉ có địa bàn cụ thể hình thành tôn giáo. Tôn giáo thuộc lĩnh vực tâm linh, nghìn đời xưa, nên biểu trưng tôn giáo là thiêng liêng nhất hoặc ngang với Tổ quốc mà ở các nước đó, tôn giáo nào đó là quốc giáo. Những lá quốc kì có biểu trưng tôn giáo là dấu tích còn sót lại của hình thái nhà nước kết hợp với thần quyền cổ xưa. Nhưng hiện đại, chính trị thuộc lĩnh vực trần thế hoàn toàn, cốt tuỷ là chủ quyền Đất nước, nhất là chính trị chống ngoại xâm, không thể không thao thức về Tổ quốc. Và chính trị, chính thể của nó không bao giờ có thể là tôn giáo với tư cách là quốc giáo. Bác Hồ chấp nhận Sao năm cánh (chủ nghĩa Mác Lê) là do sức ép của bối cảnh quốc tế thời đó. Phan Bội Châu đã từng bị Liên Xô mặc cả về viện trợ và cách mạng công nông (“Tự phán”), muốn được viện trợ thì phải thực thi chủ nghĩa Mác Lê, tức là chịu phiên thuộc Liên Xô.


T.X.A.
Bổ sung, 05-04-2022


04-04-2022

.

.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , , , | Leave a Comment »

Trên bị Liên Xô buộc và dưới bị lừa

Posted by Trần Xuân An trên 01.05.2022

hidden hit counter

        
.

~~~ “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn” (Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu, 2004). Tôi nghĩ và viết: NẾU KHÔNG HIỂU CỜ ĐỎ SAO VÀNG CÓ Ý NGHĨA GÌ, CHÚNG TA CŨNG KHÔNG HIỂU CHÍNH NIỀM VUI HOẶC NỖI BUỒN CỦA CHÚNG TA. ~~~
.
Từ 1930, Xô-viết Nghệ Tĩnh đến nay (rõ nhất là từ 1941), hát chào quốc kì là hát chào biểu tượng chủ nghĩa Mác Lê (Sao vàng, nền đỏ): Chủ nghĩa Mác Lê là Tổ quốc! Trên bị Liên Xô buộc và dưới bị lừa!


T.X.A.
30-04-2022

.

30-04, HOÀ GIẢI, 2022


.

.
HOÀ GIẢI HOÀ HỢP DÂN TỘC: TIẾN SĨ NGUYỄN THIỆN TỐNG, TRONG BÀI VIẾT CÔNG BỐ NGÀY 30-04-2022, ÔNG CHÂN THẬT BÀY TỎ VỀ SỰ THIẾU TRỌNG DỤNG NGƯỜI XUẤT THÂN TỪ MIỀN NAM. ÔNG CHO RẰNG SỰ TRỌNG DỤNG SẼ THÚC ĐẨY TIẾN TRÌNH HOÀ GIẢI HOÀ HỢP NHANH HƠN. NHƯNG ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC CÓ THỰC TÂM MUỐN HOÀ GIẢI HOÀ HỢP DÂN TỘC KHÔNG? HAY HỌ CHỈ MUỐN CHIÊU HỒI, TỎ RA CHO THẾ GIỚI THẤY HỌ ĐẠI LƯỢNG, KHOAN DUNG, THẾ THÔI? HỌ KHÔNG TỰ KIỂM ĐIỂM, NHÌN NHẬN NHỮNG SAI LẦM, THÌ HOÀ GIẢI HOÀ HỢP THẾ NÀO ĐƯỢC! THỰC CHẤT CHỈ CHIÊU HỒI THÔI, NHƯNG CHIÊU HỒI CHO CÓ VẺ, KHÔNG THỰC TÂM, THỰC CHẤT TRONG THỰC TẾ. TẠI SAO? GIẢI PHÁP?

T.X.A.
01-05-2022
.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , , | Leave a Comment »