“NGUYỄN VĂN TƯỜNG TRÌNH BÀY
VỀ ÂM MƯU CƯỚP ĐẤT CỦA PHÁP Ở NAM KỲ” (*)
Trần Xuân An
Bài viết “Phan Thanh Giản có dâng thành cho Pháp?” của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn vừa được đăng trên Tập thông tin điện tử Hội Nhà văn TP.HCM., vào lúc 23 giờ 45 ngày 29-4-2011, có đề cập đến cái mà ông Lê Nguyễn gọi là “dự thảo hiệp ước mới lại ra đời vào những ngày đầu tháng 2.1868, thay thế hoà ước 1862”. Đó là sự lầm lẫn. Để góp phần làm sáng tỏ sự lầm lẫn ấy, tôi kính gửi đến Ban biên tập đoạn trích từ truyện kí – khảo cứu “Phụ chính Nguyễn Văn Tường (1824-1886)” (Nxb. VN.TP.HCM., 2004, tr. 164-168) dưới đây, trong đó có nguyên văn bản tấu đã được Viện Sử học đặt tên là “NGUYỄN VĂN TƯỜNG TRÌNH BÀY VỀ ÂM MƯU CƯỚP ĐẤT CỦA PHÁP Ở NAM KỲ”. Thiết nghĩ, với tư liệu đó và đầu đề đó, đã đủ làm sáng tỏ vấn đề. — TXA. —
Thời điểm đàm phán bị Pháp bức ép, ngay ngày Tết Nguyên đán, chứng tỏ chúng thiếu tinh thần tôn trọng văn hoá của dân tộc khác. Nội dung cuộc đàm phán cũng không mang đến một kết quả nào. Thực dân Pháp chỉ muốn chúng hoàn toàn có lợi và ngày càng có lợi nhiều hơn!
Non hai tháng sau, Trần Tiễn Thành bị giáng xuống một bậc, tả tham tri Bộ Công. Tuy thế, ông ta vẫn được giữ chức năng thượng thư bộ ấy (85). Nhưng Nguyễn Văn Tường lại được vua và thân phiên, đình thần đánh giá cao. Đó là nghị luận, bình xét về cuộc đi sứ, đàm phán vào dịp áp Tết và đúng ngày Tết cổ truyền mừng năm mới của nước ta.
Vua Tự Đức thấy cần chủ động đặt vấn đề tiếp tục đàm phán, nhưng chưa biết phải tiến hành thế nào để khỏi tốn công vô ích.
Phủ suý Pháp tại Gia Định từ sau ngày bức chiếm được ba tỉnh Miền tây Nam Kì, chúng đã dự thảo “hoà” ước mới, “định lại điều ước mới, đem tờ thay đổi đến bắt ta phải đóng ấn kí tên” (86) như Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp đã làm! Phủ suý Pháp còn đề nghị triều đình Đại Nam cử luôn sứ bộ cùng y sang Paris để định ước.
Vua Tự Đức và triều đình đã thảo luận, đề ra mục đích của chuyến đi sứ này: Trong sáu tỉnh Nam Kì bị Pháp bức chiếm, phải biện thuyết thế nào để chúng trả lại ba tỉnh, đồng thời hoàn toàn bãi bỏ điều khoản về số tiền “bồi thường chiến phí” khổng lồ và ngược ngạo. Lần này, vua cùng đình thần cũng bàn việc đề cử. Thượng thư Bộ Lễ Nguyễn Văn Phong, người Tuy Viễn, Bình Định, có văn tài rất hứa hẹn là văn tài lớn nhưng thi hoài không đỗ (87), làm chánh sứ. Tả thị lang Bộ Lễ, sung làm việc ở Nội các Phan Đình Bình, người huyện Quảng Điền, Thừa Thiên, hội nguyên tiến sĩ khoa Bính thìn (1856) (88), làm phó sứ. Và bồi sứ, nhân vật thứ ba của sứ bộ, là bang biện khâm phái Thành Hoá, cử nhân Nguyễn Văn Tường, người vừa được gia hàm thị độc học sĩ (chánh tứ phẩm) trong dịp này. Sứ bộ không những sang thủ đô nước Pháp mà còn đi các thủ đô nhiều nước ở châu Âu, như Anh, Tây Ban Nha để vận động ủng hộ Đại Nam (86).
Khi được chiếu chỉ triệu về triều phụng mệnh sung vào sứ bộ, Nguyễn Văn Tường đau lòng cảm thấy việc đó cũng chỉ vô ích. Với kinh nghiệm sau nhiều lần chứng kiến sự đàm phán ngoại giao ở Huế cũng như trực tiếp biện thuyết ở Gia Định vừa rồi, Nguyễn Văn Tường đã đau xót thấm hiểu, không chiến và thủ, sẽ không đàm được gì hết. Thắng lợi ở bàn đàm phán là do chiến và thủ có kết quả ở mặt trận. Nguyễn Văn Tường và mọi người, từ quan đến dân, đều hiểu điều đó. Đàm phán với ý thức giữ gìn quốc thể của một nước, không thể van nài, kêu xin bọn thực dân rũ lòng thương hại được. Chính trong dịp Tết Nguyên đán Mậu thìn (1868) vừa rồi, ông đã thấy tận mắt và thấm thía điều đó. Vả lại, đây là âm mưu của bọn tướng tá Pháp và tay sai của chúng tại Gia Định. Chúng chỉ mong triều đình nước ta kí vào “hoà” ước mới để chúng được hợp thức hoá chủ quyền trên cả lục tỉnh Nam Kì. Triều đình đã bị nhân dân Biên Hoà, Gia Định, Định Tường kết án là “khí dân”, bỏ rơi dân trong tay bọn cướp nước. Nay nếu bị mắc mưu chúng lại kí tiếp, thì chứng tỏ triều đình đã cam tâm nhượng đứt, nếu không muốn nói là “bán đứt” để mua thời gian cầm cự. Thực dân Pháp cầm được “hoà” ước mới, sĩ dân ba tỉnh Miền tây Nam Kì sẽ hết đường ăn nói với bọn chúng, không biết vin vào đâu để đấu tranh bằng hình thức này hay hình thức khác với chúng. Thực ra, sứ bộ không thể đàm phán theo mục tiêu của triều đình là buộc Pháp trả lại ba tỉnh trong sáu tỉnh và xoá bỏ khoản “bồi thường chiến phí” được! Muốn đàm phán đạt mục tiêu ấy, sĩ dân phải lũ lượt nổi dậy, quân binh triều đình phải tấn công đánh bại chúng ở nhiều nơi, với nhiều trận thắng. Nhưng, thực tế trận mạc là đáng buồn!
Dã tâm của bọn phủ suý Pháp tại Gia Định là chúng chỉ muốn ép ta, lừa ta chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán mà thôi! Ai chẳng rõ điều đó. Nhưng hơn ai hết, Nguyễn Văn Tường quá hiểu điều này. Ông xác định rõ và còn phải xác định mãi: Nếu không chiến và thủ thì đừng đàm phán, thương thuyết làm gì! Chỉ tốn công vô ích. “Hoà” nghị để lấy lại ba tỉnh đã mất và khỏi “bồi thường chiến phí”, khoản “bồi thường” theo yêu cầu ngược ngạo của chúng, chỉ là ảo tưởng! Kinh nghiệm lịch sử đã bao đời đúc kết: Đấu tranh bằng phương thức “hoà” nghị, lấy lẽ phải, đạo lí để đấu tranh với tham vọng cuồng bạo là ảo tưởng, trong tình huống cán cân lực lượng, giữa chính nghĩa chống ngoại xâm là ta và phi nghĩa thực dân là địch, quá chênh lệch!
Vào đến Huế, ông viết ngay bản sớ kính trình vua Tự Đức, với sự đồng thuận của Nguyễn Văn Phong, Phan Đình Bình:
“Ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên đã vào trong bụng người, hình [thể] cách [lìa], [địa] thế cấm [ngặt], ta đã khó giữ được, mà người Tây cũng coi là vật ở trong túi. Năm trước Dô Du Anh Đê [-Luy] [Drouyn de Lhuys, ngoại trưởng nước Pháp – ct. (**)] thường cùng Phô Na [Bonard – ct.] từng đến yêu cầu ta giao cho. Gần đây Gia Lăng [De Lagrandière – ct.] lại nói là sáu tỉnh ấy không thể cắt đứt được. [Xem thế] thì mưu kế thôn tính, tưởng [vua, tướng] nước ấy cùng hội bàn [với nhau] từ lâu. Tỉnh Gia Định hiện nay, sửa sang nền nếp đã thành, nước ấy mới lấy đấy làm thế trọng yếu. Tuy ta có phí nhiều lời khúc chiết, [chúng – ct.] đâu có chịu bỏ. Nếu [chúng] hư ứng [:vờ đồng ý], nhất thời nhường giả ít nhiều, rồi [chúng] lại bội ước mà lấy, tưởng cũng như việc tỉnh Vĩnh Long trước mà thôi. Huống chi sinh việc cầu công [:gây việc hòng lập công] là thói thường của quan ở biên giới [:biên thần; ở đây, chỉ tướng Pháp tại Gia Định thuộc Pháp – ct.], mà ghen công tranh giỏi cũng là lòng người tất có. Tướng Pháp mà còn ở lại Gia Định, thì sứ thần đến thẳng [Ba Lê (Paris) – ct.] làm việc quyền nghị, hoặc [:có thể] còn có cơ; nay hắn đến [Ba Lê (Paris) – ct.] trước, thêu dệt che đậy, [vua] nước ấy tất uỷ cho hắn cùng nói [:đàm phán] với ta. Nếu hắn vẫn [còn] có lòng tốt thì trong khi bàn nói ở Gia Định, tưởng [hắn] đã làm điều hay cho người, để ơn về mình, đâu phải đợi [sứ thần nước ta] đến nước ấy mà để cho người khác cướp mất cái tốt ư? Xem thư hắn gửi đến, thứ nhất thì nói rằng: không phải nói nữa; thứ hai thì nói rằng: có hắn ở đấy [:Paris] để cùng chước định; [xem thế,] thì ý cự tuyệt [hắn] nói kín đã rõ. Về việc [ta yêu cầu Pháp] nhường trả đất đai, mười phần đã khó dắt lời. Nếu hoặc nước Tây [:Pháp] đã lợi về đất đai, mà tha hết tiền bồi thường, thì đường đường sứ bộ một nước mà cầu xin chỉ có bốn mươi vạn (400.000) đồng! [Với chừng đó], không kể không đủ tiền phí tổn, mà ý kiến [về sự] nhỏ mọn [kia] đồn vang, e [rằng sẽ đến nỗi triều đình ta] bị nước láng giềng dòm dỏ [xem thường hoặc mưu thôn tính]. Sự tình [nếu] đến thế, thực đáng ngại.
Trộm nghĩ, từ xưa nghị hoà, yếu mà xin hoà thì có. Nước Pháp đối với ta, [chúng đang] chiến thắng, đánh đâu được đấy, thì khó gì mà [chúng] cùng ta ước hẹn [:giao ước]! [Chẳng qua] bởi vì [bọn Pháp] vượt mấy lần biển mà đến, ở đất nước ta, [chúng] thấy sĩ dân ta phần nhiều đem lòng ngờ vực [chúng], cho nên [nước Pháp – ct.] tất muốn được khoán ước [:“hoà” ước] của ta, cho khiến nước ta tự nhận là trái, [và] để [ta – ct.] cô phụ [:bỏ mặc trong cô lập – ct.] tấm lòng mong mỏi của sĩ dân. Không thế thì hoà ước năm trước, rõ ràng biết là nhường nào, mà nay [chúng] cho là hư văn hết, [chúng] lại cầu [mong] định lại [“hoà” ước]. Một lần [định ước] đã là quá lắm, còn làm lại sao được! Thà rằng [cứ để cho bọn Pháp – ct.] tạm bợ mà thành [:không có khoán ước (tức là không có “hoà” ước) – ct.], mối lo [của Pháp, khi chúng chiếm cứ ba tỉnh Miền Tây – ct.] không gì lớn bằng [vì dân lục tỉnh còn có cớ nổi dậy – ct.] .[Còn nước ta, việc chấp nhận kí kết “hoà” ước] sao bằng không thể giữ được thì bỏ đi, mà [không kí kết thì còn có lí lẽ để] lo toan về sau.
[Xin trộm nghĩ, ngay] kinh sư là nơi căn bản, đồn luỹ đã kiên cố chưa? [Cả nước] khí giới đã sắc bén chưa? Chí quân lòng dân đã hăng hái chưa? Đường thuỷ, đường bộ phòng bị đã chu đáo, bền vững chưa? [Tỉnh Bình Thuận đương xung yếu, các tỉnh khác cũng có hải phận – ct. (86)]. Lương quân, khí giới làm sao cho đầy đủ? Hào mục, sĩ dân làm thế nào cho cố kết? Chỗ nào hiểm yếu mà phải giữ thì phải canh giữ bằng cách nào cho tất bền vững? Hoặc nên đặt viên quan chuyên trách để uỷ làm việc ấy, hoặc nên sai người địa phương để cho [dễ] am hiểu. Phàm những việc ấy tưởng nên tính kĩ, cho thi hành ngay, ngõ hầu khỏi ngại về sau. Hoặc thế của ta còn có thể đợi, xin [đức vua] làm quốc thư, [và] cả thư của viên Thương bạc, mỗi thứ một bức, đưa cho tướng [Pháp] ấy, xem nước ấy trả lời thế nào mới được” (86).
Vua Tự Đức sau khi nghiền ngẫm, suy nghĩ và bàn bạc với Cơ mật viện, thân phiên, đình thần xong, liền vời Nguyễn Văn Tường cùng hai sứ thần kia vào điện Cần Chính để hỏi thêm ý kiến.
– Ngươi, Nguyễn Văn Tường! Trẫm cùng các đại thần đã đọc rất kĩ bản sớ của ngươi. Trẫm nghe nói, nhiều kẻ ở ngoài cũng có ý kiến như vậy. Ngay cả tên giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ, mấy tháng trước và cách đây mươi ngày nằng nặc kiến nghị lập sứ bộ đi Pháp, bây giờ cũng đổi ý kiến, xin bãi bỏ chuyến đi sứ (89). Nhưng trẫm biết, những kẻ kia và tên Nguyễn Trường Tộ cũng nhận định tình hình là bế tắc nhưng nói điều đó với mục đích khác, ý hướng khác. Còn ngươi, ngươi phân tích rất sâu, vạch trần rất rõ âm mưu của bọn rợ Pháp ở Nam Kì. Đúng như ngươi nói, Gia Lăng (De Lagrandière) chỉ muốn lừa sứ bộ ta sang Pháp, trong khi hắn đã về trước để đấu hót trước rồi! Hắn ngỡ trẫm lại một lần dại dột nữa như hồi cử sứ bộ Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp! Đúng như bản sớ của ngươi, quả thực dã tâm của chúng là muốn ta lần này lại kí kết “hoà” ước để “khí dân” (bỏ rơi dân), “cô phụ” (bỏ mặc trong cô lập) lòng mong mỏi của dân ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, để rồi đến khi chúng đã cầm “hoà” ước mới trong tay, chúng tha hồ thao túng, bóp nặn dân, dân chẳng biết kêu ai, vin vào đâu để còn chống đỡ được chúng. Đúng như ngươi viết trong bản sớ, ta quyết không kí thêm một “hoà” ước nào nữa. Chúng bức chiếm ba tỉnh rồi cả sáu tỉnh, chứ ta không thuận, lại không kí kết gì thêm cả, để sau này ta còn có lí lẽ mà tranh biện với chúng và với công luận các nước. Trẫm còn thấy đúng như bản sớ ngươi viết, chúng nuốt vào họng rồi, ta khó bề moi ra được. Muốn lấy lại sáu tỉnh hoặc ba tỉnh ấy, chỉ còn một cách là chém đầu nước Pháp, mổ bụng moi ra! Nhưng ta chưa đủ sức! Tình hình Bắc Kì lại rất nước sôi lửa bỏng!
Nguyễn Văn Tường thi lễ và tâu:
– Tâu hoàng thượng, không thủ để chiến thì không thể đàm phán được. Vả lại, vận động rợ Anh Cát Lợi, rợ Tây Ban Nha và các nước Tây Âu thế nào được trong khi chúng đang liên minh với nhau để xâu xé nước ta và các lân bang da vàng máu đỏ láng giềng với nước ta. – Nguyễn Văn Tường lại tiếp tục tâu –. Nhưng thần cũng kính mạn phép trình bày trong sự ngu dốt của thần, kính mong được bệ hạ soi sáng thêm. Muôn tâu hoàng thượng, thủ để chiến và chiến được mới đàm được với bọn rợ Pháp. Điều đó thần không dám nói suông. Thần đã kính trình bày ở đoạn kết của bản sớ rồi ạ. Và, về tình hình Bắc Kì hiện nay, ít nhiều thần cũng có biết đến. Muôn tâu…
– Trẫm và các đại thần còn biết tình hình lương – đạo ở các tỉnh, đạo thuộc hữu trực kì, hữu kì nay lại gay gắt lắm! Nay mai thượng thư Vũ Trọng Bình lại còn phải ra kinh lí, trấn dẹp, vỗ về ngoài ấy…
Vua Tự Đức nghe theo bản sớ ấy của Nguyễn Văn Tường, sai viên Thương bạc viết thư cho tướng Pháp, rồi lại phát quốc thư đưa đến nước Pháp. Nhà vua cũng bảo Nguyễn Văn Tường trở về Cam Lộ làm việc như cũ (86).
Trần Xuân An
(“Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)”,
Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004, tr. 164-168)
_________________
(*) Đầu đề tác giả (TXA.) đặt lại cho những trang trích này, theo đúng nguyên văn của Viện Sử học, cuối tập 38 bản dịch bộ “Đại Nam thực lục”, trong phần “Sự kiện và tư liệu”, tr. 225. (30-4-2011).
(**) ct. = chua thêm (TXA.)
(85) ĐNTL.CB. (Đại Nam thực lục, chính biên), tập 31, sđd., 1974, tr. 194 (chú thích trong “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)”, Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004).
(86) ĐNTL.CB., tập 31, sđd., 1974, tr. 202 – 204. Bản này thiếu một câu: “ … Tỉnh Bình Thuận đương xung yếu, các tỉnh khác cũng có hải phận”, nối tiếp vào câu: “Quân lương, binh lính làm thế nào cho sinh và đủ? Hào mục, sĩ dân làm thế nào cho chuyên luyện?…” (chú thích, như trên).
(87) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện (ĐNLT.), bản dịch Viện Sử học, tập 4, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 243 – 244 (chú thích, như trên).
(88) QTHKL. (Quốc triều hương khoa lục), sđd., 1993, tr. 297 (chú thích, như trên).
(89) Nhiều tác giả, Nguyễn Trường Tộ và vấn đề canh tân đất nước (NTT. & VĐCTĐN.), Nxb. Đà Nẵng, 2000: phần Niên biểu, tr. 393 – 394 (chú thích, như trên).
Tôi đã gửi đoạn trích trên cùng với đôi lời ngỏ mở đầu (chapeau), đăng trên Tttđt. Hội Nhà văn TP.HCM., nhưng ông Lê Nguyễn chỉ viết “lời bàn” (comment), đưa ra những ý “ngoài học thuật”… Vì thế, tôi đã viết bài “TRAO ĐỔI THÊM VỚI ÔNG LÊ NGUYỄN (vì ông Lê Nguyễn chưa bằng lòng)” và đã kính gửi đến BBT. Tttđt. Hội Nhà văn TP.HCM..
Xin quý người đọc vui lòng chờ xem bài viết ấy.
Trân trọng,
TXA.