LỜI NGỎ
Ý ĐỊNH BAN ĐẦU CỦA NGƯỜI LẬP RA ĐIỂM MẠNG VI TÍNH TOÀN CẦU NÀY, ĐÂY LÀ NƠI THẢO LUẬN, NÊN LẤY TÊN “Ý KIẾN NGƯỜI ĐỌC & GIỚI CẦM BÚT”. NHƯNG Ý KIẾN BÀN LUẬN Ở ĐÂY CŨNG THƯA THỚT. DO ĐÓ, TỪ NGÀY 28-10 HB14 (2014), ĐIỂM MẠNG ĐƯỢC ĐỔI TÊN LÀ “CHIẾC CẦU Ý HỆ (CẦU HIỀN LƯƠNG, 1945—1954-1975—1991)” ĐỂ GHI NHỚ MỘT GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ VÀ NÔI ĐAU HẬU CHIẾN CÙNG Ý HƯỚNG HÒA GIẢI DÂN TỘC.
Trân trọng kính báo,
T.X.A.
THƠ VĂN SỬ TRIẾT & ĐỜI VỐN ĐA DẠNG & PHONG PHÚ …
Đến nay, tôi đã trải qua 19 năm sống dưới chế độ cũ tại Miền Nam và 34 năm sống trong thời hậu chiến – đổi mới (trong đó, có 38 năm cầm bút làm thơ, viết văn, nghiên cứu…).
Tôi tự thấy những người cùng thời, cùng hoàn cảnh, nhân phận như tôi có trách nhiệm phải thể hiện tâm trạng, tư tưởng của chính mỗi người và cho cả một vài thế hệ tại Miền Nam, đặc biệt là trong thời hậu chiến – đổi mới. Người Miền Bắc viết thay chúng tôi ư? Không thể. Người Việt hải ngoại viết thay ư? Không thể. Người cách mạng sinh trưởng tại Miền Nam viết thay ư? Cũng không thể. Đối với tôi, đó là điều không ai có thể thay thế chính tôi. Và hẳn đối với những người cầm bút tương tự cũng vậy. Đối với bao người cùng nhân phận thuộc một vài thế hệ, chúng tôi gần gũi với họ nhất. Nếu tôi và những người cầm bút như tôi không làm được điều đó, có nghĩa là một khoảng trống văn học sử mãi mãi không bao giờ có thể lấp đầy. Với ý hướng đó, tôi viết, và mãi còn viết.
Mặc dù chân lí và sự thật lịch sử đều chỉ là một, nhưng thơ, văn, sử, triết và hiện thực cuộc đời vốn da dạng, phong phú.
Mỗi phân số xã hội trong dân tộc Việt Nam đều có tiếng nói riêng.
Trong từng phân số xã hội, những người cầm bút cùng thời, cùng hoàn cảnh, gần nhau về nhân phận, cũng đều có tiếng nói riêng.
Trên điểm mạng này, chủ yếu chỉ là 24 đầu sách do một cá nhân là bản thân tôi viết (ngoại trừ dăm bài trong đầu sách thuộc loại biên soạn, khảo cứu [*]) [**].
Trân trọng mời đọc.
Trần Xuân An (17-12 HB9)
[*] Thơ Nguyễn Văn Tường (1824-1886) – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (TXA. biên soan, khảo cứu, Nxb. Thanh Niên, 2008).
[**] 17-03 HB10 (2010): Nếu kể thêm cuốn “Những trang Đại Nam thực lục về Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và những sự kiện thời kì đầu chống thực dân Pháp” do tôi tuyển chọn, số sách hoàn chỉnh là 25. Những bài mới viết, chưa kể.
—
LỜI NGỎ
Thi ca, tiểu thuyết, triết luận và sử học là những gì tôi trân trọng, yêu mến, sáng tạo và nghiên cứu. Nhưng điều quan trọng là qua đó, nhất là ở những tác phẩm sáng tác, tôi đã cố gắng phản ánh trung thực nhận thức, tâm trạng của con người Việt Nam, đặc biệt là vài ba thế hệ ở phần đất Miền Nam, bên này Vĩ tuyến 17, từ 1954 cho đến hôm nay (2006 [ HB6 ]). Trong đó, đậm nét nhất vẫn là bao suy tư, bao nỗi niềm hậu chiến – âm hưởng khôn nguôi của cuộc chiến tranh dài dằng dặc, trên một trăm ba mươi năm (1858 – 1989). Và điều quan trọng khác: Tôi tự nghiền ngẫm để sáng tạo cho mình và gửi đến cuộc đời một hệ tư tưởng mới, gạt bỏ những yếu tố ngoại lai, nhục quốc thể, khiến cả dân tộc đã hao tổn biết bao xương máu. Tuy vậy, không dám nói là những trang viết của tôi hoàn toàn được viết trong không khí tự do chân chính về sáng tác, nghiên cứu và tự do chân chính về báo chí, xuất bản. Sự áp chế ấy không phải chỉ ở trong nước, mà cả ngoài nước, vì những đối tượng cần thiết phải phê phán lại thiếu trung thực để chấp nhận sự phê phán. Những đối tượng ấy lại là những thế lực thuộc loại bạo quyền, luôn tìm mọi cách để hãm hại người cầm bút.
Tưởng cũng không thừa, khi nhấn mạnh rằng, đề từ này, 70% tỉ trọng của nó dành riêng cho phần sáng tác. Về phần nghiên cứu sử học, chủ yếu là giai đoạn nửa sau thế kỉ XIX, tôi đã đương đầu được trước sức ép nhẹ hơn. Sức ép trong hiện tại với quãng cách thời gian lịch sử rõ ràng có mối quan hệ tác động qua lại (thời đoạn lịch sử càng xa, sức ép trong hiện tại càng giảm độ cuồng bạo, nham hiểm), tùy thuộc vào sự dính líu của những thực thể xã hội, chính trị vào mỗi thời đoạn lịch sử. Đó là một lẽ. Lẽ khác, bởi sự phê phán ở bình diện lịch sử, các thế lực đó dễ chấp nhận hơn (hoặc khó phủ nhận), so với bình diện bản chất, nền tảng của giáo thuyết, ý thức hệ.
Và chắc hẳn các người đọc kính mến đâu cần hỏi: Những bạo quyền nào vậy? Cũng xin thưa trước, cho dù có người vẫn muốn chất vấn đến cùng, với thái độ thân mật hay giận dữ, tôi cũng chỉ lễ độ trả lời: Xin tinh mắt nhận diện những bạo quyền ấy trong những trang sách của tôi.
Trần Xuân An
Thứ sáu (thứ bảy cũ), 25-02 HB6 ( 2006 ) [ 28-01 Bính tuất HB6 ],
lúc 15 g 26′ cùng ngày
& 01-3 HB6, tại TP. HCM., Việt Nam
Trả lời