.
NHÁNH TRẦN XUÂN TỘC TRÚC LÂM
Ở NHĨ TRUNG, CÙNG HUYỆN
Trần Xuân An
.
YOUTUBE
https://youtu.be/PyV86Grm1g4
.
làng Rừng Trúc, triều Lý xưa *1
nam Ma Linh cũ, vua đưa lính vào
mấy trăm năm tiếp, dài sao
“Ô châu cận lục” ghi bao người hiền *2
Dụ vua Nguyễn lùng Tây phiên *3
thua Sơn Chà, Pháp xô nghiêng Sài Gòn
Ngài đọc sách cầm kiếm côn *4
sau “Nhâm tuất” rời Trúc thôn, lánh mình
từ Nhĩ Hà đất cổ kinh *5
thành Nhĩ Trung ở Gio Linh, biển gần
quê vợ, Ngài được dung thân
nhà ngoài làng, kề tiếng chân liên làng *6
nhánh Trúc Lâm xanh cồn hoang
bên sông Cánh, mươi mùa vàng bến ghe *7
Trúc Lâm, quê gốc, Ngài về
đời con, đời cháu sống quê Nhĩ này *8
đời chắt, huyết thống đổi thay
sông Cánh Hòm tình đong đầy An Cư *9
thời Bến Hải đạn lửa mù
Nhĩ Trung, mồ mả hoang vu… Dời về…
về Rừng Trúc, đồi vắng hoe
“Ô châu cận lục”: vọng nghe người hiền
nghìn xưa còn đó, tương liên
vọng Nhĩ Trung lối ngàn liền nẻo khơi
Trần Xuân tộc không bỏ rơi
ông vô sinh vẫn nối đời khói hương *10
khác huyết thống, sống nhiều phương
con cháu nuôi vẫn bình thường Trần Xuân
ơn vô tận, nặng vô ngần
ba đời giỗ, việc họ dần giỗ chung
hai quê nội, không ngập ngừng
để tròn hiếu Nguyễn Văn cùng Trần Xuân
ân tình, ân nghĩa, thắm ân
cành huyết thống ghép căn phần dưỡng nuôi
hai họ nội, cha nên người
dù bi kịch, đều vẹn cười, bà ơi
nếu “Cởi trói” thuở sinh thời
hẳn cha thôi ngại luỵ đời cháu con
ghi gia phả: sinh, dưỡng tròn
An Cư son, Trúc Lâm son, điểm hồng
chuyện xưa ấy, lạ gì không
bà trung trinh, kính yêu chồng đó thôi
vuông thư ông Nguyễn, dặn rồi *9b
nhìn nhận con tuổi ba mươi… Khóc bà…
cha nhìn con, con nhận cha
chuyện đời trước, trước tôi ra chào đời
hai nội thân, từ thiếu thời
nghĩa nghiêm đạo lí, nắng soi ấm tình.
T.X.A.
12:23-16:02, 26-03-2021
(hai hôm sau ngày giỗ Bà Cố, 12-02 âm lịch)
………..
(*) 1. ~ Trúc Lâm (tên làng ở Gio Quang, Gio Linh, Quảng Trị): Rừng Trúc. Đất làng Trúc Lâm ở phía nam châu Ma Linh, thuộc về Đại Cồ Việt từ 1069, cách bờ phía bắc sông Hiếu không xa (sông Hiếu có lẽ là ranh giới giữa châu Ma Linh và châu Ô).
2. ~ Dương Văn An (1514-1591), “Ô châu cận lục”: “Trong xóm Trúc Lâm đâu thiếu người hiền nghỉ ngơi bên trúc” (Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc hiệu đính, dịch chú, Nxb. Thuận Hoá, 2001, tr.75); “Miền thôn ổ Trúc Lâm phải chăng là nơi hiền nhân ẩn dật?” (Văn Thanh, Phan Đăng dịch, chú giải, Nxb. Chính trị quốc gia, 2009, tr.71).
3. ~ Dụ lùng bắt người Tây phương xâm nhập trái phép của vua Tự Đức và trước đó (triều Minh Mạng, Thiệu Trị). “Hoà” ước Nhâm tuất 1862.
4. ~ Theo phong tục, từ Ngài (đại danh từ biểu thị sự tôn kính, nói chung) cũng được dùng để gọi các vị gia tiên trong dòng họ, từ đời vải (trên đời cố/cụ) trở lên.
5. ~ Nhĩ Thượng, Nhĩ Trung, Nhĩ Hạ (+ Nhĩ Hà), theo các nhà nghiên cứu, vốn là cư dân ven bờ sông Hồng (Hà Nội), vào đất châu Ma Linh (Minh Linh), từ thời Lý, vị trí cũng gần kề đất Châu Ô (đất sính lễ Ô, Lý từ Chế Mân, vị vua Chăm cưới công chúa Huyền Trân triều Trần). Sách “Ô châu cận lục” viết: “Một dòng nước Nhĩ Trung đáng là chi lưu sông Nhĩ” (bản dịch TĐV. & HVP., sđd., tr. 78); “Sông ở Nhĩ Trung xứng là chi lưu của sông Nhĩ” (bản dịch VT. & PĐ., sđd., tr. 74). Tuy vậy, vẫn có tác giả cho rằng dân cư Nhĩ Trung, tuy cũng từ thời Nhà Lý, nhưng từ Thanh Hoá, Nghệ An, vào định cư tại đây (sau năm 1069, đời vua Lý Thánh Tông, Ma Linh, tức Minh Linh, đã thuộc về Đại [Cồ] Việt). Làng Nhĩ Trung trước 1975 thuộc xã Gio Mỹ, nay phân định lại, thuộc về xã Gio Thành (cùng xã với hai làng Nhĩ Hạ [+ Nhĩ Hà], Tân Minh), cũng thuộc huyện Gio Linh, Quảng Trị. Còn làng Nhĩ Thượng vẫn thuộc xã Gio Mỹ như xưa.
6. ~ Nhà ở gần miếu Âm hồn (mộ ông Trần Xuân Điền trước đây ở vị trí sát miếu này), thuộc xóm Phường, rìa làng Nhĩ Trung xưa, gần kề đường liên thôn, bên kia đường là bờ sông Cánh Hòm.
7. ~ Sông Cánh Hòm nối liền sông Thạch Hãn với sông Bến Hải.
8. ~ Ông khuyết danh họ Trần Xuân lấy vợ, sinh con, sống ở Nhĩ Trung được mươi năm, rồi ông lại về Trúc Lâm, vì tình trạng phân biệt ngụ cư, chính cư, và vì thời gian sau khi hoà ước Nhâm Tuất (1862) kí kết đã khá lâu. Đời con: Trần Xuân Khai (mộ phần trước đây ở cồn Chùa, xóm Phường, Nhĩ Trung); đời cháu: Trần Xuân Điền (nông dân, có học Nho Lão Phật, biết việc địa lí phong thuỷ, nghi thức cúng tế); đời chắt (khác huyết thống): Trần Xuân Khuê.
9 & 9b. ~ An Cư (Triệu Phước, Triệu Phong, Quảng Trị) là nguyên quán của đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886). Ở đây, nói đến hậu duệ (ông Nguyễn, tức là ông Nguyễn Văn Tương, cha đẻ của ông Trần Xuân Khuê).
10. ~ Ông nội Trần Xuân Điền vô sinh.
Xem thêm:
Bài XXIV (trong tập thơ “Trong tôi Bến Hải & Thạch Hãn”):
SÔNG CÁNH HÒM
ĐỰNG CHUYỆN TÌNH XƯA
Trần Xuân An
dân dã tên sông, nhưng như huyền thoại
chiếc rương tư trang bay bay: Cánh Hòm
đặt bên Biển Đông, cánh đông biển biếc
cánh tây Rừng Trúc, mặt trời chiều hôm
sông quê mệ, song song bờ biển trắng *
Thạch Hãn bắc qua Bến Hải thanh ngang
Nhĩ Trung bên sông, An Cư liền mạch
tình ông Nguyễn buồn, nước mặn triều dâng
ông Trần là gốc trúc, từ Rừng Trúc
suốt đời cưu mang chuyện tình Cánh Hòm
rương tư trang, ngoài muối và cọng chiếu
đâu chỉ lúa mặn mòi, khoai đậm thơm
thương kính chiếc rương, cũ xưa, nắp kép
cùng chái tan, mệ chết, máu chảy ròng
– đạn Pháp bắn bừa –, nát thư vuông lụa
đọng tình An Cư – Nhĩ Trung, thắm dòng
thư vuông lụa, gặp con, ông Nguyễn nhắc
cũng đều hay, trong huyết tộc thân sơ
mệ trung trinh dâu họ Trần đến mất
“sống gửi nạc, thác gửi xương”, nếp xưa
từ nách cánh – Nhĩ Trung, đã cải táng
quy tập về, trên đầu cánh – Trúc Lâm
thăm ông mệ, ngỡ lăng như khoá mở
rương bồ câu bay, trải lòng trăm năm *
Trúc Lâm vọng, sóng Cửa Tùng – Cửa Việt
sông Cánh Hòm, biển Triệu Phong – Gio Linh
rương tâm sự xưa: chim phơi đôi cánh
rưng rưng Bến Hải – Thạch Hãn quê mình
rương tâm sự bay, cứ như truyền thuyết
chân đậu Nhĩ Trung, gác mỏ An Cư
một cánh biển xanh, thuở tình bát ngát
một cánh Trúc Lâm, nghĩa nặng thiên thu.
T.X.A.
07:24-10:01, 26-5-2018 HB18
…………….
(*) ~ Ở Quảng Trị, Thừa Thiên, mệ là bà, người phụ nữ già cỡ tuổi bà, như mệ nội (bà nội), mệ ngoại (bà ngoại), mệ đồng hương… ~ Chim bồ câu trắng là biểu tượng hoà bình trong tự do, chứ không phải hoà bình trong nô lệ.
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2058080964465844/
. Đọc tiếp »