
.
HỒN ĐẤT NƯỚC ĐỈNH HẢI VÂN
Trần Xuân An

đất nước sinh thành bốn giọng nói
năm mươi ba nhân tộc: đồng bào
giải mã, đều trăm trai Âu Lạc
máu thịt xưa: biển xa, núi cao
Hải Vân ngẩng đầu, thơ xanh núi
thuở hoà nhân chủng mấy nước non
Nam – Bắc Miền Trung: hai vai đỡ
hai tay vắt giữ gánh Trường Sơn
một thuở hình dung Đền Quốc Tổ
năm mươi hai Tổ, quanh Tổ Hùng
Đền như búi tóc mây tre mượt
trán Hải Vân soi biển muôn trùng
năm mươi ba đoá, khăn đèo kết
thêm một đoá Khách, gien Khách phai
Quốc Tổ, tự ngàn xưa tạc tượng
bốn vùng giọng nói hai vai Ngài
bước trên bờm ngựa, rừng ra biển
gánh lúa càn khôn, cán giáo dài
Ngài in bóng, trải xanh Đất nước
lồng lộng thu vào sân tượng đài
một “Mùa hè bên sông” Bến Hải
ước ao giũ sạch di căn phiền
một trăm ba mốt năm ngoại nhập
hai phía ngoại xâm, nội chiến điên!
đau mỗi khi cười, ruột thịt khóc *
văn chương hoà giải mới mãi còn
mong “Để lòng người thôi trầm uất”
sự thật, không huyền thuyết tô son
Ba mươi Tháng Tư, sau Giỗ Tổ **
“Sáng đều hai nửa gương mặt” mình
chín mươi triệu đứa con Việt sáng
xưa lung linh, nay sử đinh ninh
giãi bày, khấn niệm ngày Giỗ Tổ
nỗi đau Bến Hải toả tự hào
mắt Hải Vân hai vai bốn giọng
Biển Đông, nỡ chịu ngoại xâm sao!
T.X.A.
08:12 – 12:01 – 14:58, 07-04-2016 (HB16)
(*) Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt: “… có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn…”.
(**) 10-3 nguyệt lịch (16-04-2016 dương lịch năm nay).

ĐÃ ĐĂNG TRÊN FACEBOOK, 07-04-2016 (HB16):
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1691146581159286&set=a.1398271570446790.1073741831.100007918808885&type=3&theater
.
XIN TRẢ LỜI MỘT BẠN ĐỌC KHÔNG RÕ HỌ TÊN,
NHẮN TIN ĐỀ NGHỊ TÔI BÌNH GIẢI BÀI THƠ “HỒN ĐẤT NƯỚC ĐỈNH HẢI VÂN”
Tự bình giải thơ mình là một việc tôi cảm thấy ngại ngùng. Nhưng xin chìu lòng người đã quý thơ mình, tôi chỉ chia đoạn theo bố cục với các tiêu đề nhỏ để dễ cảm thụ hơn.
HỒN ĐẤT NƯỚC ĐỈNH HẢI VÂN
Trần Xuân An
1. Đoạn 1: Cảm nghĩ về dân tộc, tưởng tượng và mơ ước có một Đền thờ Quốc Tổ:
1a. Phân đoạn 1a: Cảm nghĩ về dân tộc theo truyền thuyết Rồng – Tiên vốn thuộc vùng đất Việt cổ (Bắc bộ…), nhưng gắn liền với núi đèo Hải Vân, nơi thuộc rặng Bạch Mã, vị trí ở ngay trung tâm Đất nước (xem bản đồ), ranh giới địa lí tự nhiên cũng là địa lí nhân văn, phân chia dân tộc Việt Nam thành hai miền Nam – Bắc, với bốn giọng nói tiếng Việt (giọng Bắc bộ, giọng Bắc Trung bộ — vị trí Hải Vân / Bạch Mã — giọng Nam Trung bộ, giọng Nam bộ). Đất nước Việt Nam theo cách nhìn có từ lâu là gánh lúa mới gặt (hay gánh thóc hạt) mà đòn gánh là dải đất miền Trung, hai bó lúa (hay hai thúng thóc) là Đồng bằng Bắc bộ và Đồng bằng Nam bộ. Theo đó, chính Hải Vân là đôi vai để gánh gánh lúa ấy:
đất nước sinh thành bốn giọng nói
năm mươi ba nhân tộc: đồng bào
giải mã, đều trăm trai Âu Lạc
máu thịt xưa: biển xa, núi cao
Hải Vân ngẩng đầu, thơ xanh núi
thuở hoà nhân chủng mấy nước non
Nam – Bắc Miền Trung: hai vai đỡ
hai tay vắt giữ gánh Trường Sơn
1b. Phân đoạn 1b: Tưởng tượng và mơ ước có một Đền thờ Quốc Tổ Hùng vương cùng 52 vị Tổ của 52 nhân tộc đồng bào (cùng nhau hình thành nên đại gia đình dân tộc Việt Nam) và một bộ phận Khách kiều ngụ (phần lớn đã từ lâu đời trở thành người Việt):
một thuở hình dung Đền Quốc Tổ
năm mươi hai Tổ, quanh Tổ Hùng
Đền như búi tóc mây tre mượt
trán Hải Vân soi biển muôn trùng
năm mươi ba đoá, khăn đèo kết
thêm một đoá Khách, gien Khách phai
Quốc Tổ, tự ngàn xưa tạc tượng
bốn vùng giọng nói hai vai Ngài
1c. Phân đoạn 1c: Tưởng tượng và mơ ước có một tượng đài Quốc Tổ là một đoàn người gánh lúa (hay gánh thóc hạt) trên hai vai, bước đi trên rặng núi Bạch Mã (ngựa trắng). Đây là một nhóm hình tượng kì vĩ, có tính chất siêu nhiên nhưng rất dân dã. Ý niệm về hình tượng ảo huyền được thu vào tượng đài bằng đá trên sân Đền thờ Quốc Tổ (xem lại ảnh ghép minh hoạ, chỉ có tính chất gợi ý):
bước trên bờm ngựa, rừng ra biển
gánh lúa càn khôn, cán giáo dài
Ngài in bóng, trải xanh Đất nước
lồng lộng thu vào sân tượng đài
2. Đoạn 2: Tâm trạng và suy nghĩ về sông Bến Hải (vĩ tuyến 17), vốn là nơi chia cắt Đất nước vì ý thức hệ giữa hai Khối trên thế giới trong thế kỉ XX đã qua, với ý thức Bến Hải chỉ là giới tuyến do con người áp đặt, chứ không phải là ranh giới địa lí tự nhiên, địa lí nhân văn tự hình thành trong suốt chiều dài lich sử Nam tiến của Việt Nam chúng ta. Bến Hải chỉ là một giai đoạn chiến tranh, còn Hải Vân – Bạch Mã là vấn đề dân tộc gồm 53 nhân tộc (thêm một bộ phận Khách), thuộc về muôn đời. Tuy chỉ là một giai đoạn lịch sử, 1945-1954-1975, nhưng Bến Hải vẫn mãi là dòng sông khiến chúng ta và hậu thế muôn nghìn đời sau còn suy nghĩ, chiêm nghiệm, bình luận:
2a. Phân đoạn 2a: [ … (đã viết nhiều, xin không lại viết ở đây) … ]
một “Mùa hè bên sông” Bến Hải
ước ao giũ sạch di căn phiền
một trăm ba mốt năm ngoại nhập
hai phía ngoại xâm, nội chiến điên!
đau mỗi khi cười, ruột thịt khóc *
văn chương hoà giải mới mãi còn
mong “Để lòng người thôi trầm uất”
sự thật, không huyền thuyết tô son
Ba mươi Tháng Tư, sau Giỗ Tổ **
“Sáng đều hai nửa gương mặt” mình
chín mươi triệu đứa con Việt sáng
xưa lung linh, nay sử đinh ninh
2b. Phân đoạn 2b: Phân đoạn này cũng là đoạn kết của toàn bài thơ, có thêm một ý, hướng về Hoàng Sa, Trường Sa và biển của nước ta, nơi Trung Quốc đã, đang xâm chiếm…
giãi bày, khấn niệm ngày Giỗ Tổ
nỗi đau Bến Hải toả tự hào
mắt Hải Vân hai vai bốn giọng
Biển Đông, nỡ chịu ngoại xâm sao!
T.X.A.
08:12 – 12:01 – 14:58, 07-04-2016 (HB16)
(*) Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt: “… có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn…”.
(**) 10-3 nguyệt lịch (16-04-2016 dương lịch năm nay).

https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/1691949074412370
.
http://www.tranxuanan-writer.net
http://www.txawriter.wordpress.com ( cauyhe.net )
http://www.facebook.com/tranxuanan.writer
.