
.
Ngày Thơ Việt Nam (15-01 âl.)
& Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-02 (2021)
Bài 39, viết tiếp “Tổ quốc ơi… “
VACCINE COVID-19 RẰM NGUYÊN TIÊU
Trần Xuân An
vầng trăng tròn, tròn làm chi
để khiếm khuyết rồi chờ khi trăng tròn
tròn trăng Cuội, lại hao mòn
triệu năm nữa trăng vẫn còn nguyên trăng
phi thuyền không chở theo Hằng
vì trăng không Cuội! Truyện gần thực hơn
hình tượng Hằng lẻ, Cuội đơn
mơ cây thuốc, chín như non, trăng ngời
sự thật trần trụi lâu rồi
trăng vẫn đẹp cho cõi người ánh trăng
đẹp trăng chia sáng thế gian
rằng Cuội giấu thuốc thành chàng chiếc thân!
mặt trời, tới gần, thành than
tội nhân độc nhất, tối dần sáng ra:
gương Cuội treo cõi người ta
án “tù” thuốc giấu xưa xa muôn đời
nếu chiết cành cho khắp nơi
nếu khắp nơi biết, cử người đến canh
cây chẳng lên trăng trời xanh
Cuội không níu rễ, sao đành Hằng xa!
trừ mặt trời lửa cháy loà
cõi trần này, sáng nhất là Cuội thôi
triệu năm một tấm gương soi
tội ích kỉ lớn nhất đời phải chăng?
tôi và bạn, đêm Giêng trăng
cầm điện thoại, ngồi khác bàn, cách li
trăng Covid, trăng siêu vi
có nghe “tù” Cuội khóc gì Hằng ơi!
đày lên hoang vắng đơn côi
sáng là rõ án mặt trời soi cho
cây thuốc nghìn năm chết khô
truyện dân gian Cuội nhờ thơ nhắn Hằng
án không bản án, sáng trăng
ánh trăng đủ nhắc luật nhân quả đời
sự tích xưa định hình rồi *
giải mã này, đâu cưỡng lời nào đâu!
thời Covid ngồi xa nhau
nỗi cô độc treo trên đầu rõ hơn
ích kỉ, không ai sống còn
nhìn trăng, kẻo dịch vùi chôn loài người!
T.X.A.
06:34-08:02, 26-02-2021
………………
(*) Tôi giải mã căn cứ vào bản sưu tầm từ lâu đã cố định của học giả Nguyễn Đổng Chi.
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2837456903194909/

Xem thêm (nhưng chủ yếu căn cứ vào bản sưu tầm của Nguyễn Đổng Chi):
Dưới đây là bản rút gọn, cải biên một ít tình tiết, nhưng ý tứ không khác bản do Nguyễn Đổng Chi sưu tầm, lâu nay được xem là bản gốc:
Sự tích chú Cuội cung trăng
1. Ngày xửa ngày xưa có một tiều phu tên là Cuội. Một hôm Cuội vào rừng, bỗng đâu gặp một con hổ con xông đến. Không kịp tránh, anh đành liều mạng vung rìu lên đánh nhau với hổ. Hổ còn non nên thua sức người, bị Cuội bổ một rìu, lăn quay ra đất. Vừa lúc đó, hổ mẹ về tới nơi. Cuội chỉ kịp quăng rìu, leo tót lên cây. Từ trên cao nhìn xuống, Cuội thấy hổ mẹ chạy đến một bụi cây gần đó, đớp một ít lá về nhai mớm cho con. Khoảng giập bã trầu, hổ con tự nhiên cựa quậy, vẫy đuôi rồi sống lại. Chờ cho hổ mẹ tha con đi nơi khác, Cuội tìm đến bụi cây kia, đào gốc mang về.
2. Từ khi có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Một lần, Cuội cứu được con gái một phú ông, được phú ông gả cô gái ấy cho. Vợ chồng Cuội sống với nhau thật êm ấm. Nhưng một lần, vợ Cuội trượt chân ngã vỡ đầu, Cuội rịt lá thuốc cho mà mãi không tỉnh lại. Thương vợ, Cuội nặn thử bộ óc bằng đất cho vợ rồi rịt thuốc lại. Không ngờ vợ Cuội sống lại, tươi tỉnh như thường. Nhưng từ đó, người vợ mắc chứng hay quên.
3. Một lần, vợ Cuội quên lời chồng dặn, đem nước giải tưới cho cây thuốc. Vừa tưới xong, ai ngờ cây thuốc lững thững bay lên trời. Thấy thế, Cuội nhảy bổ đến, túm vào rễ cây. Nhưng cây thuốc cứ bay lên, kéo theo cả Cuội lên tít cung trăng.
Ngày nay, khi nhìn lên mặt trăng, ta vẫn thấy chú Cuội ngồi dưới gốc cây thuốc quý.
(Theo TRUYỆN CỔ VIỆT NAM, do Nguyễn Đổng Chi sưu tầm.
Nguồn: Sách giáo khoa lớp 3 (truyện đã được rút gọn, cải biên) – web loigiaihay. com).
——————
Trọn vẹn văn bản trong
“Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi (5 tập, in nhiều lần, Hà-nội, 1957 – 1982):
Cây thuốc cải tử hoàn sinh hay là sự tích thằng Cuội cung trăng
Ngày xưa ở một miền nọ có thằng Cuội làm nghề đốn củi. Tất cả tài sản của Cuội chỉ có một chiếc rìu. Một hôm như thường lệ, Cuội vác rìu đi vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi lội qua một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang hổ. Nhìn trước nhìn sau, chỉ thấy có bốn con hổ con đang vờn nhau trước hang, Cuội bèn xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay ra đất. Nhưng vừa lúc đó, con hổ mẹ cũng về tới nơi. Nghe một tiếng gầm kinh khủng ở sau lưng, Cuội chỉ kịp quăng rìu leo thoăn thoắt lên một ngọn cây cao. Từ trên cây nhìn xuống, Cuội thấy hổ mẹ lồng lộn trước đàn con đã tắt thở.
Nhưng chỉ một lát sau, hổ mẹ bỗng bỏ con nằm đấy, lẳng lặng chạy đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, miệng đớp lấy một ít lá cây rồi trở về nhai mớm cho đàn con. Khoảng giập bã trầu, bọn con hổ tự nhiên cục cựa, vẫy đuôi rồi sau đó lại đi đứng chạy nhảy như thường. Biết đấy là cây thuốc thần, Cuội chờ cho hổ mẹ tha con đi nơi khác, lần xuống tìm đến cây thuốc kia, đào gốc vác về.
Dọc đường, Cuội gặp một ông lão nằm vật trên bãi cỏ. Cuội ghé lại xem thì ra ông lão đã chết. Chàng đốn củi liền đặt gánh xuống, không ngần ngại rứt ngay mấy lá cây quý rồi cúi xuống nhai mớm vào miệng ông lão. Mầu nhiệm làm sao, mớm vừa xong, ông lão đã mở bừng mắt tỉnh dậy. Ông hết lời cảm ơn chàng trai cứu mạng và hỏi chuyện. Thực tình, Cuội kể lại tất cả. Nghe xong, ông lão kêu lên:
– Trời ơi! Lão từng nghe nói cây này vốn tên là cây đa có phép “cải tử hoàn sinh”. Thật là lão có phúc mới được gặp con. Con hãy chăm vun bón cho nó để cứu thiên hạ. Nhưng nhớ đừng có tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó.
Nói rồi ông lão chống gậy ra đi. Còn Cuội thì gánh cây về trồng ở góc vườn để tiện chăm sóc hàng ngày. Luôn luôn nhớ lời ông lão dặn, ngày nào Cuội cũng tưới cây bằng nước giếng trong.
Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai vừa nhắm mắt tắt hơi là Cuội lập tức mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi.
Một hôm, Cuội lội qua sông thấy xác một con chó chết trôi. Thương tình, Cuội vớt lên rồi giở lá giắt trong mình ra cứu chữa cho chó sống lại. Con chó quấn quýt theo Cuội tỏ lòng biết ơn. Từ đấy Cuội có thêm một con vật tinh khôn làm bạn.
Một lần khác có một lão phú hộ ở làng bên cạnh hớt hơ hớt hải chạy đến tìm Cuội vật nài xin Cuội cứu cho con gái minh vừa sẩy chân chết đuối. Cuội vui lòng theo về nhà và đưa lá ra chữa. Chỉ một lát sau, mặt cô gái đang tái nhợt bỗng hồng hào hẳn lên. Rồi nàng mở bừng mắt ra, vươn vai ngồi dậy. Lão phú ông xiết hao mừng rỡ, bảo Cuội muốn lấy gì cứ việc chọn tùy thích. Cuội ngỏ ý chỉ muốn lấy cô gái làm vợ.
Biết Cuội là ân nhân của mình, cô gái thuận làm vợ chàng. Lão phú ông cũng bằng lòng gả con cho Cuội.
Vợ chồng Cuội sống với nhau thật vui vẻ êm ấm. Nhưng trong vùng có bọn con trai hồi trước vẫn ngấp nghé cô gái của lão phú ông, nay thấy bông hoa thơm tự nhiên lại lọt vào tay anh chàng đốn củi thì ngấm nghầm ghen tỵ và cố tìm cách làm hại cho bõ ghét. Một hôm chờ lúc Cuội lên rừng, chúng xông đến định bắt lấy vợ Cuội. Không ngờ vợ Cuội chống cự quyết liệt, chúng bèn giết chết. Giết đoạn, chúng vẫn sợ bị lộ vì biết Cuội có phép chữa cho người ta sống lại, nên chúng lại moi ruột người đàn bà vứt xuống sông rồi mới kéo nhau đi. Khi Cuội gánh củi trở về thì thấy vợ đã chết lạnh từ bao giờ rồi. Cuội vội bứt lá để mớm nhưng mớm bao nhiêu vẫn không công hiệu, vì không có ruột thì làm sao mà sống lại được.
Thấy chủ khóc lóc thảm thiết, con chó lại gần xin hiến bộ ruột của mình để thế vào bộ ruột của cô chủ. Cuội chưa từng làm thế bao giờ nhưng cũng liều nhắm mắt mượn bộ ruột chó thử cứu cho vợ mình xem sao. Quả thực sau khi lắp ruột vào, vợ Cuội lại sống lại như trước.
Thương con chó vì chủ mà chết, Cuội bèn nặn thử một bộ ruột bằng đất lắp vào bụng chó rồi nhai lá thuốc dịt vào; không ngờ chó cũng đứng dậy, vẫy đuôi liếm vào tay Cuội. Vợ với chồng, người với vật từ đây lại quấn quýt hơn trước.
Nhưng Cuội không ngờ rằng cũng từ dấy tính nết của vợ mình có phần thay đổi. Người đàn bà ấy dường như lú ruột lú gan, bảo một đàng làm quàng một nẻo. Điều đó làm cho Cuội lắm lúc bực cả mình. Cuội rất lo, vì không biết bao nhiêu lần chồng dặn vợ – “Có đái thì đái bên Tây, chớ đái bên Đông, cây giông lên trời”. Thế mà vợ Cuội nào có nhớ cho lời dặn quan trọng ấy.
Một buổi chiều, chồng còn kiếm củi chưa về, vợ Cuội đang hái rau ở vườn phía Đông bỗng thấy mót, bèn chạy vội lại gốc cây quý của chồng, chẳng còn nhớ gì đến lời dặn: cứ thế vén váy đái. Không ngờ vừa đái xong, tự nhiên cả một vùng đất chuyển động, cây cối xung quanh rung lên và gió thổi ào ào. Được một chốc cây đa long gốc bật rễ rồi lừng lững bay lên trời.
Giữa khi ấy Cuội đã bước chân về đến cổng. Thoáng thấy cây quý sắp bay mất, bên cạnh đó có cả người vợ đang kêu om sòm, Cuội đoán ra nông nỗi, lập tức vứt ngay gánh củi, nhảy bổ đến toan níu cây lại.
Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ còn kịp móc rìu vào rễ cây cốt để kéo cây xuống, nhưng cây vẫn một mực bốc lên không sức nào có thể ngăn lại. Về phía Cuội, chàng cũng nhất định không chịu buông rìu, thành thử cây thần kéo cả người Cuội bay lên mãi, lên mãi, cuối cùng đến tận cung trăng.
Từ đấy Cuội ở luôn tại cung trăng với cây đa của mình. Cho nên ngày nay mỗi khi nhìn lên mặt trăng ta luôn luôn thấy bóng của Cuội dưới gốc cây thuốc quý. Người ta kể rằng mỗi năm cây đa chỉ rụng có mỗi một lá mà thôi. Ai nhặt được lá cây ấy thì có thể dùng để cứu chữa người chết sống lại. Những con cá heo cũng biết như vậy, cho nên nếu lá rơi xuống biển, chúng tranh nhau đớp lấy coi như của quý để làm thuốc cứu chữa cho tộc loại.
(Nguồn bản vi tính: sachhayonline. com)
——————–
——————–
Trích tiểu thuyết “Ngôi trường tháng giêng” của Trần Xuân An (1998), Nxb. Thanh Niên ấn hành 2003:
“… Vầng trăng cổ tích! Cổ tích có chút châm biếm thói ích kỉ của chú Cuội khư khư giữ kín thuốc giấu, có niềm khát vọng chữa lành mọi vết thương đau trần thế, và còn có cả hai tâm trạng cô đơn nghìn năm vời vợi – nỗi nhớ trần gian –, dân dã thôi nhưng sâu thẳm hơn cả Xen Ê-xuy-pe-ri (Saint-Exupery). Lộc Biếc ngẩng mặt lên vầng trăng, vầng sáng của cô Hằng. Vâng, ích kỉ đồng nghĩa với cô đơn và cô độc, tuy có vợ có chồng ngày ngày bên nhau. Và cũng bởi ích kỉ, cây đa thần dược thành nơi phóng uế phàm tục! Vâng, ích kỉ sẽ tự đày mình vào một hành tinh hoang vắng. Vầng sáng tự ngàn xưa mờ mờ in dáng cây đa cổ thụ như một vết nhơ đa nghi, ích kỉ, cô độc!…”
.
