
Bài 1:
BÀN LUẬN CHO VUI VỀ DÂN CHỦ MỸ
VÀ RIÊNG VỀ BẦU CỬ MỸ
Trần Xuân An
Nền dân chủ kiểu Mỹ có một đặc điểm là báo chí không thuộc về Chính phủ Mỹ, mà thuộc về tư nhân. Thêm vào đó, mạng viễn thông toàn cầu quá phát triển, không giới hạn. Vì thế, mọi xấu tốt, ưu khuyết của các cá nhân chính trị gia đều bị phơi trần, thậm chí bị bôi nhọ thêm. Thời Chiến tranh tại Việt Nam, chưa có internet, chỉ mới có vô tuyến truyền hình, cũng đã khiến Chính phủ Mỹ bị phơi trần tình trạng thảm khốc do bom đạn, khiến dân chúng Mỹ phản chiến kịch liệt. Nay xã hội Mỹ càng bộc lộ hết thực chất, cụ thể là cuộc bầu cử 11-2020. Ông Trump, ông Biden thể hiện rõ thực chất năng lực trí tuệ, tính cách, cả đời tư trước thế giới. Bầu cử, cách thức thì hiện đại, dân chủ, và rất hấp dẫn như được xem đá bóng, nhưng cũng cho mọi người thấy rõ sự gian lận, “chơi xấu”.
Dân chủ kiểu Mỹ là thế: công khai, mọi công dân đều có quyền phát biểu chính kiến, ủng hộ ai đó mà không cầu lợi, chống đối ai đó mà không sợ bị hãm hại trả thù. Cơ chế ấy có thể ngăn chận, trừng phạt phe gian lận bằng pháp luật và đồng thời không che giấu là các đảng chính trị, cá nhân ứng cử viên cũng có thể xấu tính trong tranh luận, cũng gian lận phiếu, mua phiếu. Nước nào, chế độ nào, phe phái chính trị nào mà chẳng gian lận! Vấn đề là cơ chế dân chủ Mỹ công khai bộc lộ, còn các nước độc tài hoặc chuyên chính khác thì gian lận mà không ai được phép giám sát, kiểm tra, kể cả báo chí, vì ở các nước đó, bầu cử chỉ có tính chất hình thức chủ nghĩa, mị dân, phỉnh lừa quốc tế! Tất thảy đều đã được sắp xếp, bổ nhiệm, cơ cấu; bầu cử cho có vẻ mà thôi!
Bầu cử kiểu Mỹ cũng quá tốn kém tiền bạc. Bầu cử kiểu hình thức chủ nghĩa thì tốn công đi bầu của cử tri!
Dân chủ ồn ào, rối rắm. Độc tài hoặc chuyên chính có vẻ sạch sẽ, đứng đắn, yên tĩnh, ổn định.
T.X.A.
16:34-17:45, 06-11-2020 (HB20)
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2751359731804627/
.

.
Bài 2:
CŨNG BÀN LUẬN CHO VUI:
BẦU CỬ Ở MỸ CŨNG “ĐẢNG CHỌN, DÂN BẦU”
Trần Xuân An
Từ rất lâu rồi, trong các khẩu hiệu bầu cử ở nước ta đã có câu “Đảng chọn, dân bầu”. Bốn chữ ấy được viết rõ to ở các bức vách dọc phố, dọc đường làng khi chưa có đủ tiền chi phí để làm biển, bích chương tuyên truyền. Không ít người từ đó đến nay vẫn còn cười cợt, chê bai khi khẩu hiệu ấy được nhắc đến, trong các cuộc chuyện trò trước đây hoặc trên mạng xã hội ngày nay.
Sự thật là ở Mỹ, nước được thế giới xem là tự do, dân chủ nhất, cũng bầu cử theo khẩu hiệu đó. Cũng “đảng chọn, dân bầu”, nhưng ở Mỹ chính đảng không độc nhất. Mỹ có nhiều chính đảng, nhưng hai đảng Cộng hoà, Dân chủ là đứng đầu, chủ yếu, còn các chính đảng khác lại quá nhỏ như Đảng Cộng sản Hoa Kỳ, Đảng Xanh Hoa Kỳ chẳng hạn, đến mức người ta gọi nền dân chủ Mỹ là dân chủ lưỡng đảng.
Hầu như ai cũng biết việc ứng cử và chọn lựa ứng cử viên ở Mỹ là rất hệ trọng. Đảng viên Dân chủ hay Cộng hoà nào cũng có quyền tự ứng cử, nhưng rồi các ứng cử viên ấy lại được đảng của họ bầu chọn từ hội nghị cơ sở cho đến đại hội toàn quốc, để đại diện cho mỗi chính đảng ra tranh cử. Còn các ứng cử viên độc lập, chắc hẳn đã được uỷ ban bầu cử điều tra kĩ lưỡng, có đủ số chữ kí ủng hộ mới được ra tranh cử. Có điều, thường là ứng cử viên độc lập bị thất bại. Các ứng cử viên của các chính đảng nhỏ cũng thế. Do đó, chỉ còn đại diện tranh cử của hai chính đảng lớn mà thôi. Như vậy, rõ ràng, ở Mỹ, cũng “đảng chọn, dân bầu”.
Thậm chí, tuy là phổ thông đầu phiếu, nhưng cử tri dân chúng Mỹ hầu như chỉ bầu cử tri đoàn, tức là các nhóm đại cử tri (cử tri đại diện cho tiểu bang), để bước tiếp theo là các đại cử tri này bầu ra tổng thống theo ý nguyện cử tri dân chúng (cử tri phổ thông). Tuy vậy, các đại cử tri cũng có thể tự mình quyết định lá phiếu khác với đa số ở tiểu bang. Có lẽ nước Mỹ lo ngại dân chúng bầu nhằm ứng cử viên không có lợi cho nước Mỹ hoặc bị các nước thù địch lợi dụng dân chủ để cài gián điệp vào. Nói chung bầu cử ở Mỹ ngó thế nhưng rất kĩ lưỡng về “công tác nhân sự”, từ bầu chọn ứng cử viên cho đến cử tri đầu phiếu.
Đó là chưa nói đến quyền bãi miễn, truy tố tổng thống ra toà án để luận tội và kết án, cho dù tổng thống đang trong nhiệm kì.
Tuy đều là “đảng chọn, dân bầu”, nhưng tuỳ mỗi chính thể, độc đảng hay đa đảng (lưỡng đảng cũng là đa đảng). Mấu chốt là ở đó.
T.X.A.
06:23-07:01, 07-11-2020 (HB20)
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2751914645082469/
Bài 3:
BÀN TIẾP CHO VUI:
BẦU CỬ THEO THỂ CHẾ DÂN CHỦ TẬP TRUNG (DÂN CHỦ TRONG CHUYÊN CHÍNH)
Trần Xuân An
Ở nước ta, cụm từ “chuyên chính vô sản” đã được xác lập trong các văn kiện quan trọng nhất, và luôn luôn được xác định là phải “nắm vững chuyên chính vô sản”. Chuyên chính là gì? Là chuyên nhất theo một đường lối chính trị. Từ đó, chuyên chính vô sản là nghiêm ngặt tuân thủ đường lối chính trị theo lập trường giai cấp vô sản. Nhưng chỉ vậy là chưa đủ, còn phải xác định thêm: lập trường vô sản theo chủ nghĩa Mác-Lênin, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin. Phải hiểu là vận dụng thế nào cũng trong khuôn khổ chủ nghĩa Mác-Lênin mà thôi. Hẹp càng hẹp hơn nữa.
Do đó, các đảng viên không có gì khác nhau về lập trường tư tưởng, quan điểm. Cho nên, cũng không có gì khác nhau nhiều về biện pháp giải quyết công việc cụ thể.
Vậy thì bầu cử để làm gì? Cứ như chế độ quân chủ phong kiến, bổ nhiệm quan chức theo cách thức trung ương tập quyền, quyết định cho rỗi việc.
Tôi nhận thấy hầu như mục đích bầu cử ở nước ta là chọn người có năng lực hơn, đạo đức hơn, còn khác biệt về lập trường tư tưởng, quan điểm thì đã bị loại trừ từ đầu rồi. Nhưng về năng lực, đạo đức, thì ban tổ chức cán bộ theo dõi, nắm chắc rồi, cần chi qua bầu cử mới biết. Vả lại, thật ra, khi xem danh sách ứng cử viên đã được chọn lọc, cử tri hầu như chẳng biết gì về họ. Trước đây, chỉ biết những cái tên. Sau này, có in bích chương (tờ dán vách), biết thêm cái ảnh, ngày tháng năm sinh, quê quán, chức vụ, trình độ học vấn, thế thôi. Thành ra, xem như bầu cử là chuyện làm chiếu lệ cho xong.
Dân ta cũng chỉ có quyền bầu hội đồng nhân dân các cấp và đại biểu quốc hội mà thôi. Các vị hội đồng nhân dân sẽ tự bầu ra uỷ ban nhân dân; các vị đại biểu quốc hội bầu ra chủ tịch nước, thủ tướng, chánh án toà án tối cao… Còn về phía đảng cầm quyền, thì các đảng viên bầu trong nội bộ với nhau. Đại hội cơ sở bầu đại biểu đi dự đại hội huyện, huyện bầu đi tỉnh, tỉnh bầu đi đại hội toàn quốc, toàn quốc bầu uỷ viên trung ương, trung ương bầu bộ chính trị, bộ chính trị bầu tổng bí thư. Nói tắt là thế.
Bầu cử chính quyền, quốc hội hay đảng thì không ngoài “chuyên chính vô sản”, “theo chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Mà đã độc đảng cầm quyền, thì tồn tại song song hai hệ thống, hệ thống chính quyền và hệ thống đảng, làm gì. Thời Lênin còn sống, chính quyền ban đầu có cả quan chức sa hoàng cũ, quan chức thời Kerensky (Kerenskii) dân chủ tư sản, nên mới có “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lí”, chứ đến giai đoạn chính quyền cũng bolchevik (bolshevik), đảng cũng bolchevik thì tồn tại hai hệ thống làm gì! Mặt khác, trong cơ chế hai hệ thống, người trong đảng, người không thuộc diện vào đảng, mặc dù tài đức đảng viên còn kém hơn người ngoài đảng, rất là khó chịu, không hay ho gì! Trước đây, tôi cũng từng đề xuất, các đảng viên độc đảng cầm quyền ở các cơ quan ban ngành từ trung ương đến cơ sở nên hoạt động ngầm đi, để sự khó chịu ấy khỏi gây khó chịu cho cả đôi bên.
Chúng ta thử suy nghĩ xem. Tôi cũng chỉ luận bàn cho vui thôi. Dĩ nhiên khi nói tới chuyên chính đến mức như phong kiến trung ương tập quyền, rõ ràng tôi đã bày tỏ thái độ phê phán. Thế giới từ lâu rồi và nhất là trong giai đoạn này, ngày càng dân chủ, và dân chủ thực chất, dân chủ hơn nữa.
T.X.A.
07-11-2020
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2752012671739333/
Bài 4:
BỔ SUNG BÀN LUẬN THÊM CHO VUI: BẦU CỬ ĐỘC ĐẢNG & BẦU CỬ LƯỠNG ĐẢNG, CHỢT NHỚ ĐẾN ĐẢNG XÃ HỘI VIỆT NAM, ĐẢNG DÂN CHỦ VIỆT NAM TRƯỚC 1988
Trần Xuân An
Theo không khí bàn luận sôi nổi trên FB., tôi cũng bàn cho vui về bầu cử lưỡng đảng ở Mỹ, rồi theo mạch liên tưởng, lại đề cập đến bầu cử trong chính thể độc đảng cầm quyền ở nước ta, và cảm thấy bản thân cũng như nhiều bạn không biết ơn ông Lênin, ông Stalin chút nào về thực trạng xã hội, guồng máy công quyền độc đảng, bầu cử độc đảng.
Đã gọi là chính đảng (đảng chính trị) thì không thể kết nạp toàn bộ nhân dân trong xã hội, từ trẻ con đến người già, ốm. Thành ra, có một bộ phận trở thành đảng viên cầm quyền, còn đại đa số trở thành đại bộ phân bị trị, với sự cách biệt rất rõ rệt, và tình trạng cách biệt ấy không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Không vào đảng, có nghĩa là bị trị, mà vào đảng, chưa chắc lòng đã muốn (đảng ngoại lai), nhưng cũng phải vào để tiến thân. Ông Lênin, ông Stalin thật đáng trách, phải không các bạn?
Có lẽ các bạn trên Facebook, tự ý thức hay không, cũng thích chính thể lưỡng đảng (đa đảng) hơn! Xã hội đa đảng, có nhiều người được mời vào đảng chưa chắc họ đã vào, nhưng nếu họ muốn, họ gia nhập chính đảng nào cũng được. Nếu đảng này không phù hợp, họ vào đảng kia. Chẳng hạn như Đảng Xã hội Việt Nam, Đảng Dân chủ Việt Nam (rất tiếc hai chính đảng này hầu như trong thời gian tồn tại cũng không hoạt động gì đáng kể). Thế đó, phải không các bạn FB?
Tôi cảm nhận như thế. Nếu không đúng, xin bỏ qua. Và tôi cũng tự nhủ rằng, xã hội chúng ta, đất nước chúng ta hiện nay thế nào đi nữa, chúng ta cũng cam đành chấp nhận thực tại thôi.
T.X.A.
trước 21:01, 07-11-2020
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2752443028362964/
.
Bài 5:
BÀN LUẬN CHO VUI VỀ BẦU CỬ:
ĐỆ NHẤT PHU NHÂN, ĐỆ NHẤT PHU QUÂN
Trần Xuân An
Trong bầu cử, người dân các nước theo tổng thống chế chỉ bầu liên danh hai người là tổng thống và phó tổng thống. Không hiểu tại sao lại có vai trò quá chướng kì của đệ nhất phu nhân (vợ của ông tổng thống) hay đệ nhất phu quân (chồng của bà tổng thống)! Đó là sự lạm quyền.
Sở dĩ trong các cuộc công du nước ngoài, tổng thống sợ bị mĩ nhân kế (mĩ nhân nam hoặc nữ) nên có vợ hoặc chồng đi theo. Thế thôi. Vậy đó mà dần dà thành gia đình trị, rất kì quặc. Lạm quyền!
Người dân các nước ấy bầu phiếu cho tổng thống chứ có bầu phiếu cho vợ hoặc chồng tổng thống đâu! Việc nước, chứ nào phải việc nhà, doanh nghiệp tư nhân đâu! Có người còn đem cả con trai, con gái, dâu, rể vào làm việc nước nữa! Thói gia đình trị rất bậy bạ!
T.X.A.
trước 09:30, 09-11-2020
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2754019698205297/
.