Chiếc cầu Ý Hệ (cầu Hiền Lương)

Người bắn nhau nhưng đâu phải bắn nhau, Bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó (TrầnXuânAn)

Archive for Tháng Bảy, 2020

THOÁT CHIẾC CẦU Ý HỆ LỊCH SỬ

Posted by Trần Xuân An trên 31.07.2020

hidden hit counter

        
Tập thơ 17 + bài 14
THOÁT CHIẾC CẦU Ý HỆ
LỊCH SỬ
Trần Xuân An


.
mình can chi thời ấy
mà hoà giải bão bùng!

bao lần đã khép chặt
bìa bản thảo cứ bung

mười bốn bài viết tiếp
chữ nối dòng rưng rưng

thấy cầu Chiến Tranh Lạnh
giữa ngàn năm muôn trùng

tập thơ này vẫn nhỏ
máu xương thì vô cùng!

trót sinh trong thời ấy
không cách nào quay lưng!

phơi trải cầu Ý Hệ
mong đời thôi lao lung.

T.X.A.
trước 17:01, 31-07-2017 HB17
.
Ảnh: T.X.A. tại Cầu Hiền Lương, Vĩ tuyến 17, ngày 18-03-2017 (photo: Thuận Thư Pháp).
.
Xem thêm 8 bài mới viết sau ngâm khúc 460 câu song thất lục bát:

http://www.tranxuanan-poet.net…

.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , | Leave a Comment »

ĐẠI ĐỒNG, UTOPIA, CỘNG SẢN – BÀI HỌC RÚT RA TỪ LỊCH SỬ

Posted by Trần Xuân An trên 28.07.2020

hidden hit counter

        
Bài thứ 8, viết sau ngâm khúc tự sự song thất lục bát 460 câu
ĐẠI ĐỒNG, UTOPIA, CỘNG SẢN –
BÀI HỌC RÚT RA TỪ LỊCH SỬ
Trần Xuân An

khát vọng loài người nghìn xưa
mọi quốc gia
mọi người đều đồng đẳng
thì để đi đến kỉ nguyên đại đồng lí tưởng
phải áp đặt bằng bạo lực chiến tranh
chuyên chính độc tài ư?

tất thảy các nước xã hội chủ nghĩa
đều khởi đầu bằng bạo lực chiến tranh
đạn bom, xương máu
duy trì bằng chuyên chính vô sản
trấn áp dân chủ, gông cùm tự do
chưa thấy chủ nghĩa xã hội thành công
Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ
Trung Quốc đã chạy theo kinh tế thị trường
chỉ còn lại độc tài đỏ
vậy lịch sử
vẫn đi theo quy luật muôn đời

trước mắt, nghìn năm
mỗi giai cấp có một chính đảng
(các tôn giáo chỉ như nhà thương
như hát ru
nhân từ
tránh xa chính trị)

chính đảng giai cấp công nhân
chính đảng giai cấp nông dân
chính đảng giai cấp tiểu tư hữu –
        lao động tự do – trí thức
chính đảng giai cấp tư sản
không ai có thể bóc lột, áp bức ai
vì mỗi giai cấp đều có chính đảng

khẩn thiết rõ ràng mọi hiến pháp
các chính-đảng-giai-cấp *
đấu tranh nhau trong hoà bình
cấm bóc lột, căm thù, độc ác

nhưng cho dù khẩn thiết
cũng chỉ là đề nghị thôi
nẩy sinh từ suy ngẫm sử
như một ý tưởng về khoa học chính trị
không dám là kêu đòi.

T.X.A.
28-07-2020
……………….

(*) Thực trạng xã hội cho thấy chỉ có bốn giai cấp, và tương ứng, chỉ có 4 chính-đảng-giai-cấp, không thể và không nên nhiều hơn.

https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2656847761255825/
.

Bài 9 sau ngâm khúc 460 câu
BẤT CHỢT LẠI NGẪM LÊNIN
Trần Xuân An

ông nội Người thoát phận nông nô
trước cả ngày chế độ nông nô bãi bỏ
bà nội Người quá trẻ và giàu có
cuộc chuyển hoá giai cấp tự bao giờ!
cha Người dạy học, viết sách
quan thanh tra, huân chương quý tộc
ông ngoại Người bác sĩ, chủ nô!
mẹ Người học gia sư đến ba ngoại ngữ

đều thuộc Thánh kinh
gia thế phong lưu
vẫn ám sát vua Nga
anh Người đúng tội tử hình
lí lịch phong lưu
nhưng Người đau nỗi đau thế giới
Lênin cứu đời
bằng mô thức chưa từng thành công nổi
bằng bạo lực chiến tranh
bằng xé bỏ Thánh kinh, thành lửa khói
bằng chuyên chính lạnh mình
sách cách mạng viễn tưởng, mực đỏ chói
Lênin viết trên hiện thực nóng hổi
các giai cấp phản tỉnh, quân bình

bức tranh ai vẽ Lênin
Người đứng cao hơn ngọn cờ như máu xối!
muôn đời, sử ghi công và tội
Lênin chỉ của Liên Xô, Búa liềm sao Liên Xô!

T.X.A.
07-08-2020


.

ĐỂ HOÀ GIẢI DÂN TỘC, TRẦN XUÂN AN PHẢI SUY NGẪM LỊCH SỬ VÀ CÓ VÀI ĐỀ XUẤT CHÍNH TRỊ. TUY VẬY, TRẦN XUÂN AN CHỈ LÀ MỘT NHÀ THƠ TP.HCM. (BỊ HẠN CHẾ BẰNG ĐỊNH NGỮ CHỈ ĐỊA PHƯƠNG), VIẾT TIỂU THUYẾT, PHÊ BÌNH VĂN CHƯƠNG, NGHIÊN CỨU SỬ… TRẦN XUÂN AN KHÔNG HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRỊ. MONG ĐỪNG NGỘ NHẬN.

29-07-2020

https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2657722384501696/</a
.

.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: | Leave a Comment »

Utopia, hòn đảo không tưởng

Posted by Trần Xuân An trên 26.07.2020

hidden hit counter

        
Bài thứ 7, viết sau ngâm khúc tự sự song thất lục bát 460 câu
UTOPIA, HÒN ĐẢO KHÔNG TƯỞNG
Trần Xuân An

không hiện hữu nơi nào, ngoài cuốn sách
Utopia, bán đảo vẽ vời, đùa ngông
cũng đào kênh, thành hòn đảo chia tách
bị xâm lược, khai hoá nên công xã đại đồng

Utopia, nơi không tư hữu, giai cấp
nông thôn, thành thị luân chuyển sức người
kho sản phẩm chung, quan dân đều đồng phục
đều ăn tập thể, vàng bạc dát bô chơi

Thomas More viết đầu thế kỉ mười sáu
nên thực dân mà chính nghĩa, trong Utopia
dân bản xứ kháng cự, phải bị tiêu diệt
không phải Kh’Mer Đỏ, nhưng y Campuchia!

gạt ra những dòng về thực dân, thuộc địa
Utopia, công xã đại đồng sáng tươi
không tư hữu, không giai cấp là ảo vọng đẹp
từ không tưởng đến khoa học, Liên Xô cũng đổ rồi!

T.X.A.
25-07-2020

https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2654832104790724/
.

.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , , , | Leave a Comment »

THƯA BÀN TAY ĐỎ CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN, CHO CHÚNG TÔI SỐNG VỚI

Posted by Trần Xuân An trên 24.07.2020

hidden hit counter

        
THƯA BÀN TAY ĐỎ CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN,
CHO CHÚNG TÔI SỐNG VỚI
Trần Xuân An

Karl Marx bảo chủ nghĩa xã hội như chú gà con
sẽ tự khảy vỏ trứng quan hệ sản xuất cũ
chào đời
nhưng ổ rơm là những sợi vàng ròng
xứ giàu có nhất thế giới
giàn chuồng là các nước công nghiệp cực kì tối tân
tự động hoá cực kì thần thoại
đến mức mỗi tuần công nhân lao động vài ngày

nhưng Karl Marx cũng bảo phải khởi đầu
bằng bàn tay sắt quốc hữu hoá
nâng niu bầy gà chủ nghĩa xã hội non tơ
ông khác điều đó so với tiền bối không tưởng

Lénine đốt giai đoạn
dùng bàn tay đỏ khảy vỏ trứng vàng
bất chấp phôi thai gà chưa đủ lông đủ cánh
(ôi đế quốc Nga còn lạc hậu cùng Đông Âu)
vì ông khổ đau
trước mồ hôi, bùn và máu công nông
hay bản tính ông vốn nóng nảy, dữ dội
Lénine không sống bằng bánh mì
ông sống bằng ý chí
bàn tay đỏ Lénine bóp chết dân chủ tư sản
tư sản: bọn rắn bò quanh, bò vào ổ trứng

chuyên chính vô sản
xã hội trại lính
công an trị
khủng bố, ám sát kiều Cheka mật vụ
chính là do bàn tay đỏ Lénine
bàn tay đỏ Lénine lợi dụng chiến tranh
chiến tranh đế quốc, nội chiến
chiến tranh tự cứu ở thuộc địa
để thanh lọc, xây dựng chuyên chính vô sản
sắt máu – sắt đỏ, máu đỏ
theo Lénine, phải độc tài, toàn trị
phải tước đoạt ruộng đất cho nông dân!
phải tước đoạt nhà máy cho công nhân!
không có chuyên chính vô sản với bàn tay đỏ
không thể có chủ nghĩa xã hội

bạo lực chiến tranh
bạo lực nền chuyên chính
đã khảy vỏ trứng quan hệ sản xuất cũ
ổ chưa toàn sợi vàng ròng
đã khảy vỏ trứng
rơm rạ bụi đất
quan hệ sản xuất lạc hậu
để có đàn gà non yểu chủ nghĩa xã hội
ở Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba…

Lénine khổ đau hơn Karl Marx, Engels
trước mồ hôi, bùn và máu công nông
hay bản tính nóng nảy, dữ dội
thường diễn thuyết bằng nắm đấm đỏ
ra lệnh bằng nắm đấm đỏ
như trái tim Lénine
nên đàn gà non tơ chủ nghĩa xã hội tức tưởi chết

chỉ có một bàn tay như mọi người không sơn đỏ
góp phần nào cứu được, ở ngoài đế quốc Nga cũ
phong trào giải phóng thuộc địa
vâng, chỉ phần nào
còn chủ nghĩa xã hội sụp đổ
điều chính Lénine cũng không ngờ
giành lại độc lập dân tộc
có từ nghìn xưa
nhưng chủ nghĩa xã hội
chưa từng có bao giờ

cứu nhân loại
không thể đốt giai đoạn
bằng bàn tay đỏ chuyên chính vô sản
máu xương mấy chục triệu người
cũng không thể buộc phôi thai gà mới tượng hình
chưa đủ lông đủ cánh
chào đời theo quy luật

liệu có đàn gà nào không tranh ăn
không bôi mặt đá nhau
khi đã thật sự đàn gà cùng một mẹ?
văn minh loài người tiến hoá cứu con người
đến kỉ nguyên cực kì tối tân đại công nghiệp
máy móc tự động hoá cực kì thần thoại, thần kì
cái tiêu dùng, cái ăn thừa mứa
chính bằng đạo đức, nhân văn lí tưởng ước mơ
sẽ nhẹ nhàng tiến lên chủ nghĩa xã hội
nhìn thấy thực tiễn tuyệt vời
nước này nước kia cùng theo đó tiến lên
không ai dùng bạo lực chiến tranh cách mạng
máu me
không ai dùng thủ đoạn chính trị
máu me
trên Trái Đất này
để tiến lên chủ nghĩa xã hội

nhân loại khổ đau nhục nhằn
do thực dân tư sản bóc xương lột da
nhân loại khổ đau nhục nhã
do bành trướng chuyên chính vô sản độc tài
cho chúng tôi sống với!
thi sĩ mộng mơ về đàn gà tơ non đại đồng Utopia
nhân loại vơi đi đau khổ
mộng mơ mộng mơ
Utopia đại đồng
nghìn sau
từ nghìn xưa
cho chúng tôi sống với!
quốc kì búa liềm sao Liên Xô
vẫn đang bao trùm sông núi!

T.X.A.
24-07-2020
………….

(*) Utopia, nhan đề một tác phẩm của Thomas More, xuất bản năm 1516, được dùng với ý nghĩa ảo vọng, ảo tưởng. Trong Utopia dĩ nhiên vẫn có những hạn chế do thời đại (thế kỉ XVI) và do tác giả như xâm lược, “khai hoá” thuộc địa…

https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2653550581585543/
.
Ảnh: Tượng Lenin tại Mỹ, 2020 – web TripAdvisor – Google search:
.

.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , , | Leave a Comment »

TÂM THẾ TRÊN VÕ ĐÀI PHÂN THÂN TỰ ĐẤU, TA ĐỠ ĐÒN THÔI, MÌNH ƠI

Posted by Trần Xuân An trên 22.07.2020

hidden hit counter

        
TÂM THẾ TRÊN VÕ ĐÀI PHÂN THÂN TỰ ĐẤU,
TA ĐỠ ĐÒN THÔI, MÌNH ƠI
Trần Xuân An

.

.
bởi lí lịch ba đời nội ngoại ta là vậy
mình bảo rằng, thế cho nên ta viết thế này
hai cha con Marx và Lénine đấy
cùng huyết thống tư tưởng hay gien hình hài?

lí lịch đối với mọi người là gốc xác thân, hiếu đễ
nhưng tư tưởng là cành lá gió trời
mình chụp cái gông lên ta: chủ nghĩa lí lịch
ta đành chịu đòn, ừ thì lí lịch, đỡ đòn thôi!

ta mở từng phiến gỗ, từng khoá sắt
cho mình thấy rằng ba đời nhà ta thế nào
ta thuần Việt, mình đem cái gông Liên Xô để chụp
thế thì Marx chẳng lẽ là cha ruột Lénine sao?

nói thật với mình, độc đảng là độc ác
mình chẳng cho ai được quyền sống ngang mình
chính tội ác này, phải ghi vào lí lịch cá nhân, quốc sử
sử thế giới cũng ghi! Mình hỡi, muôn đời khinh!

đố mình thoát khỏi tiểu sử, quốc sử, thế giới sử
ví dụ nước Việt Nam dùng quốc kì Liên Xô thôi
từ ngày thông Bến Hải, cai trị Nam bằng cán bộ Bắc
lại dựng vài người Nam để đánh lừa cả loài người

thách mình thoát khỏi tiểu sử, quốc sử, thế giới sử
ví dụ mình kế thừa vai trò tay sai đỏ ngoại cường
Liên Xô và Trung Quốc bóc lột máu xương người Việt
mình lại tự hào học tập lỗi lầm tiền nhiệm kính thương!

mình biết đó, ta chỉ chống ngoại xâm cướp nước
chống Pháp, Nhật, Mỹ và chống Trung Quốc, Liên Xô
xâm lược không chỉ là viễn chinh bằng súng đạn
còn bằng quốc kì búa liềm sao, chủ nghĩa như kim cô *

mình biết đó, ta cũng mộng mơ đại đồng, cộng sản
ảo vọng cổ xưa, Utopia cho thế giới đỡ buồn *
trước mắt, mỗi giai cấp nên có một chính đảng
cấm bóc lột mồ hôi, chất xám, máu xương

mình đánh ta bằng lí lịch, ừ thì đỡ đòn bằng lí lịch
mặc dù thú thực, lí lịch chỉ là huyết thống xác thân
mỗi người nên tự sinh nở ra chính mình về tư tưởng
là phàm nhân, ta còn là nhà thơ, viết nhiều thể sử, văn

ta nhìn một người bằng định kiến lí lịch
nạn nhân kia rốt cục bị trói vào lí lịch kia
tốt hơn, ta nên đỡ đòn cho bao người như thế
quốc kì Liên Xô còn trùm sông núi mình kìa!

T.X.A.
trước 09:50, 22-07-2020
……………..

(*) ~ Kim cô: cái đai, cái vòng (cô) được làm bằng kim loại, bằng vàng (kim). Thường dùng theo điển tích Tôn Ngộ Không trong Tây Du kí. ~ Utopia, nhan đề một tác phẩm của Thomas More, xuất bản năm 1516, được dùng với ý nghĩa ảo vọng, ảo tưởng. Trong Utopia dĩ nhiên vẫn có những hạn chế do thời đại (thế kỉ XVI) và do tác giả như xâm lược, “khai hoá” thuộc địa…

https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2651895728417695/
.

.
.

Posted in Chưa phân loại | Leave a Comment »

NHỚ “LỐI THOÁT CUỐI CÙNG” CỦA CONSTANTIN VIRGIL GHEORGHIU

Posted by Trần Xuân An trên 21.07.2020

hidden hit counter

.
        
NHỚ “LỐI THOÁT CUỐI CÙNG”
CỦA CONSTANTIN VIRGIL GHEORGHIU
Trần Xuân An

mơ đại đồng từ trái tim
tay bạo lực đã siết kìm thế gian
cái đẹp như mắt màu lam
dùng đinh khươi, bao nhiêu năm đui mù! *

cộng sản, cái đẹp thực hư
chuyên chính thật, nhẫn tâm, thù hận sâu
siết kìm cổ, khươi mắt nhau
đẹp chưa rõ, đã gây đau, chết đời!

đại đồng, cộng sản của tôi
là mơ mộng, mặc kệ người súng dao
mặt trời, mặt trăng trên cao
mặt tôi trên giấy, bút nào kềm, đinh!

đời tôi, cầm bút hết mình
chống ngoại xâm, yêu chân tình lúa khoai
khổ vì chuyên chính, khổ hoài
cờ Liên Xô vẫn bay đầy nước ta!

T.X.A.
21-07-2020
…………….

(*) Constantin Virgil Gheorghiu (1916-1992) là một linh mục Chính thống giáo, người Rumani, đồng thời là nhà văn. Trong tác phẩm trên (dịch thoát là “Lối thoát cuối cùng” từ “La seconde chance” [Cơ hội thứ hai], 1952, bản dịch của Hằng Hà Sa và Bích Ty, Nxb. Lá Bối, 1968), có một chi tiết gây ấn tượng đến rùng mình: Nhân vật Boris thuở nhỏ thấy đôi mắt của em gái mình quá đẹp, muốn khám phá, thu phục cái đẹp ấy, bèn lấy cái đinh khươi vào mắt em gái. Thật khủng khiếp! Lần khác, Boris rong chơi, về muộn, cửa nhà đóng, không vào nhà được. Cậu bé quỳ xuống cầu nguyện Chúa, và nói: Nếu Chúa có thật, xin mở cửa cho con vào nhà. Bất ngờ, cửa bật mở sau một cú xô đập thêm. Boris vào nhà, quỳ trước ban thờ, tạ ơn Chúa. Không lâu sau đó, ba mẹ và em gái về. Boris bị đánh, bị phạt phải ngủ ngoài hiên. Cậu oán hận Chúa: Nếu Chúa biết cửa mở, con sẽ bị đánh, bị phạt, vì là một kẻ bẻ ổ khoá, sao Chúa vẫn mở cửa giúp con?!? Từ đó, cậu không cầu nguyện Chúa nữa. Đến khi biến cố riêng trong trường học xảy ra, cậu cũng đã lớn, và đã rời đi, đi theo cái đẹp là chủ nghĩa cộng sản (đẹp như đôi mắt trẻ thơ) bằng con đường chuyên chính vô sản, chủ nghĩa vô thần (như cái đinh khươi vào cái đẹp trong trẻo). Constantin Virgil Gheorghiu là nhà văn chống cộng.

https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2651058451834756/
.

.
Ảnh chân dung nhà văn, linh mục România (Rumani) Constantin Virgil Gheorghiu (1916-1992).
.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Tư liệu: QUỐC KÌ LIÊN XÔ 30-04-1945 TRÊN NHÀ QUỐC HỘI ĐỨC

Posted by Trần Xuân An trên 19.07.2020

hidden hit counter

.
        
Tư liệu:
QUỐC KÌ LIÊN XÔ 30-04-1945 TRÊN NHÀ QUỐC HỘI ĐỨC

Bài 1

Lịch sử tấm ảnh “Cờ chiến thắng trên nhà Quốc hội Đức Reichstag”
Elena Mensenina (Nga)
Dũng Việt (dịch)

(Nguồn: Tuần báo Văn Nghệ TP.HCM. online đăng ngày 06-09-2015
http://tuanbaovannghetphcm.vn/lich-su-tam-anh-co-chien-thang-tren-toa-nha-quoc-hoi-duc-reichstag/ )

Tấm ảnh “Cờ chiến thắng trên nhà Quốc hội Đức Reichstag” ở Liên Xô trở thành biểu tượng chiến thắng nước Đức phát xít! Nhưng ít người biết rằng, trên thực tế bức ảnh này được dựng lại – tác giả chụp bức ảnh này vào ngày hôm sau, sau khi lá cờ thật đã cắm trên đó rồi.

Chú thích ảnh:
Ngày 30/4/1945, các chiến sĩ Xô viết đã cắm cờ Chiến thắng lên tòa nhà Quốc hội Đức Reichstag.

KHOẢNH KHẮC MAY MẮN CỦA KHALDEI

Ebgeni Khaldei ham mê ảnh khi còn trẻ – lúc 13 tuổi ông đã chụp tấm ảnh đầu tiên, đến 16 tuổi trở thành phóng viên ảnh. Khi được nhận vào Hãng thông tấn Liên Xô TASS, Khaldei được đi nhiều nơi trong nước, và theo hết cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại với chiếc máy ảnh bên mình. Ông đã chụp ảnh cuộc Hội nghị các vị lãnh đạo quốc gia, sự thất bại của Nhật Bản ở Viễn Đông, ký biên bản đầu hàng của Đức, nhưng tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Cờ chiến thắng trên nhà Quốc hội Đức Reichstag” Ông đến Berlin theo nhiệm vụ của tòa soạn. Ông mang theo trong túi 3 lá cờ đỏ do người bạn thợ may may giúp. Vải cờ, theo một giả thiết, Khaldei đã “mượn” trong nhà ăn của Hãng TASS vì ở đó có vải trải bàn màu đỏ; còn theo một chuyện huyền thoại khác – xin trong Ủy ban địa phương. Lá cờ đầu tiên ông phóng viên cắm trên mái nhà sân bay Tempelgof, lá thứ hai gần chiếc xe trên cổng Brandenburg, còn lá cờ cuối cùng “trang trí” tòa nhà Quốc hội Reichstag.

Còn trên thực tế, đến ngày 30-4 hầu hết lính Đức và SS tại đây đều đã chết. Ba người lính trinh sát Xô viết thuộc trung đoàn 756, sư đoàn bộ binh 150, tập đoàn quân xung kích số 3, phương diện quân Belorussia 1: trung úy Alecxei Berext, trung sỹ Mikhail Alekxeievich Egorov (người Nga) và hạ sỹ Meliton Varlamovich Kantarya (người Gruzia) đại diện cho các dân tộc Xô viết chiến thắng đã cắm quốc kỳ Liên Xô lên mái vòm Reichchtag [tôi mạn phép nhấn mạnh – T.X.A.]. Trước đây ghi nhận chỉ có 2 chiến sĩ, nhưng theo aif. ru, ngày 15/4/2015, có thêm trung úy A. Berext – NV).

Vì khoảnh khắc lịch sử ấy Khaldei không có mặt, do đó ông quyết định dựng lại một số cảnh làm phóng sự ảnh.

CHUYỆN ẤY THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Khi phóng viên đến gần chỗ chụp ảnh, chiến sự đã im ắng từ lâu, nhưng trên tòa nhà Quốc hội Đức cũng có nhiều cờ. Nhưng dù sao cũng phải có ảnh. Evgeni Khaldei đề nghị những chiến sĩ ông gặp đầu tiên giúp đỡ ông: leo lên nóc tòa nhà cắm lá cờ đỏ búa liềm và đứng tạo dáng! Họ đồng ý, phóng viên chuẩn bị máy ảnh và 2 cuộn phim. Đóng vai trong ảnh là các chiến sĩ quân đoàn cận vệ số 8: Alekxei Kovaliov (cắm cờ), Abdulkhakim Ixmailov và Leonid Goritrev (các trợ thủ). Sau khi chụp ảnh xong, phóng viên lấy cờ đem về và mang ảnh đến tòa soạn.

Theo lời con gái Evgeni Khaldei, trong Hãng TASS, mọi người đón nhận bức ảnh hồi hộp, xúc động như đón một vật linh thiêng vậy!

Mặc dù gặp bao nhiêu trắc trở, cuối cùng ảnh cũng được xuất bản. Nó lập tức trở thành biểu tượng chiến thắng của Liên Xô. Còn ông Khaldei tiếp tục thăng tiến trong sự nghiệp phóng viên, được chụp ảnh tại Tòa án Nurnberg xét xử tội phạm chiến tranh.

Năm 1996, Tổng thống Boris Eltxin phong tặng tất cả những người tham gia chụp ảnh kỷ niệm đó danh hiệu Anh hùng nước Nga. Thật ra, vào thời gian đó, Leonid Goritrev đã mất – ông chết do những vết thương sau khi chiến tranh kết thúc. Đến nay, trong 3 người tham gia chụp ảnh “Cờ chiến thắng trên tòa nhà Quốc hội Reichstag”đều không có người nào còn sống. 

Elena Mensenina (Nga)
Dũng Việt (dịch)

0o0o0

Bài 2

Chiến dịch Beclin (16/4 – 9/5/1945), phát xít Đức đầu hàng không điều kiện Hồng quân Liên Xô và quân Đồng Minh
(Nguồn:
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Tư liệu – văn kiện
đăng ngày và giờ: Thứ Sáu, 26/1/2018 10:45′(GMT+7)

http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ho-so-su-kien-nhan-chung/su-kien-va-nhan-chung/chien-dich-beclin-164-951945-phat-xit-duc-dau-hang-khong-dieu-kien-hong-quan-lien-xo-va-quan-dong-minh-3360 )

Ngày 16/4/1945, Liên Xô mở trận tấn công vào Béclin (thủ đô của Đức), sào huyệt cuối cùng của phát xít Hítle. Ngày 19/4, quân Đức bị đẩy lùi về vành đai phòng thủ ở ngoại vi Béclin. Ngày 21/4, Hồng quân đã tiếp cận đến trung tâm Béclin. Chiều 30/4/1945, quân đội Liên Xô đã chiếm được bộ phận chủ yếu của tòa nhà Quốc hội Đức, dinh lũy cuối cùng của bọn phát xít Hítle. 

Chú thích ảnh:
Hồng quân Liên Xô cắm lá cờ chiến thắng vào ngày 30/4/1945 trên Tòa nhà Quốc hội Đức ở Berlin. (Ảnh Tư liệu)

 
Tình hình chung

– Hình thức: Chiến dịch tiến công chiến lược
– Không gian: Beclin và vùng phụ cận.
– Thời gian: Từ 16-4 đến 8-5-1945.

Lực lượng tham chiến:

+ Hồng quân Liên Xô: Các phương diện quân Bêlôrutxia 1, 2, Phương diện quân Ucraina 1, một bộ phận Hạm đội Bantích và Tập đoàn Không quân tầm xa số 18; tổng cộng 162 sư đoàn bộ binh, 21 quân đoàn tăng cơ giới, 42.000 pháo cối, 7.500 máy bay, 63.000 xe tăng, với tổng số quân là 2.500.000 người.

+ Phát xít Đức: Các cụm tập đoàn quân Vixla và Trung tâm phòng ngự trên trục chính Beclin, tổng cộng 63 sư đoàn (có 15 sư tăng – cơ giới), 10.400 pháo, cối, 1.500 xe tăng, 3.310 máy bay, với tổng số quân là 1.200.000 tên (kể cả 200.000 quân đồn trú Bec-lin). Ngoài ra, còn có một số lực lượng được điều từ nơi khác đến trong quá trình chiến dịch.

– Kết quả: Hồng quân Liên Xô tiêu diệt 70 sư đoàn bộ binh, 23 sư đoàn tăng – cơ giới, bắt sống 480.000 quân, thu 1.500 xe tăng, 5.600 pháo, cối, 4.500 máy bay, giải phóng Beclin và vùng phụ cận đến bờ Đông sông Enbơ, dẫn đến sự đầu hàng vô điều kiện của nước Đức phát xít, kết thúc Đại chiến thế giới thứ hai.

Diễn biến chính

Sau một loạt các chiến dịch tiến công mùa Xuân năm 1945, trên mặt trận phía đông, Hồng quân chỉ còn cách Beclin 60km. Không những thế, quân đội Hitle còn bị uy hiếp từ phía nam.

Trong khi đó, trên mặt trận phía tây, với âm mưu bỏ ngỏ Beclin cho các nước tư bản, quân Đức liên tiếp bỏ vũ khí đầu hàng Đồng minh. Tất cả tình hình đó đã dẫn đến quyết tâm mở chiến dịch Beclin trong tháng 4, một chiến dịch đã được Bộ Tư lệnh tối cao Hồng quân dự kiến từ cuối năm 1944, và được chuẩn xác thêm qua các chiến dịch tiến công mùa Xuân năm 1945.

Rạng ngày 16-4, sau đợt phi pháo bắn chuẩn bị mãnh liệt, dưới ánh sáng của 143 ngọn đèn pha cực mạnh, Phương diện quân Bêlôruxia số 1 đột phá trên hướng chính vào tuyến phòng ngự địch. Trên 1,2 triệu quả đạn pháo các cỡ đã yểm trợ cho bộ binh ngay trong ngày đầu tiên. Nhưng địch ở đây đã chống trả mãnh liệt, nhất là trên điểm cao Dêenlop, nên đến ngày thứ tư mới đột phá qua được khu vực chiến thuật.

Nhưng cùng thời gian đó, hai phương diện quân bạn đã đột phá với tốc độ nhanh. Phương diện quân Bêlôruxia 2 vượt sông Ôđe, làm tê liệt Tập đoàn quân số3, tạo điều kiện phát triển cho cánh trái của phương diện quân Bêlôruxia. Phương diện quân Ucraina 1 vượt sông Nâyxê và sông Xpơrê, ngày 18-4 đã đột phá qua phòng ngự chiến dịch, tiến đến ngoại ô phía nam. Tất cả kết quả đó đã làm tăng tốc độ tiến công của phương diện quân Bêlôruxa 1 và từ ngày 21-4 phương diện quân này đã bước vào chiến đấu trong thành phố. Tập đoàn quân số 9 địch bị hợp vây và bị chia cắt làm đôi. Ngày 22-4 Hitle lệnh cho Tập đoàn quân 12 từ hướng tây về giải vây, nhưng vô hiệu.

Ngày 24-4, Phương diện quân Bêlôruxa 1 đập tan các ổ đề kháng ở gần trung tâm mặt trận, đồng thời một lực lượng quan trọng đã tiến theo kênh đào Ôđe Xpơrê, quặt xuống phía nam hội với Phương diện quân Ucraina 1 và ngày 25-4, hợp vây cụm địch ở phía đông nam Beclin. Cùng ngày, các lực lượng đầu tiên của quân đội Xô viết đã tiến công phòng tuyến trên sông Enbơ và bắt liên lạc với quân Đồng minh.

Từ ngày 26-4, quân đội Xô viết tổ chức tiến công nhằm tiêu diệt các cụm địch bị hợp vây.

Từ 29-4, đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt để chiếm nhà Quốc hội Đức, đến chiều 30-4, Hồng quân cắm cờ trên nóc toà nhà này [tôi mạn phép nhấn mạnh – T.X.A.].

Sau khi Hitle tự sát, chiều 2-5, Tập đoàn phòng ngự Beclin đã chấm dứt chống cự. Các phương diện quân Bêlôruxa1 và 2 tiếp tục phát triển tiến công đến bờ Đông sông Enbơ, và gặp gỡ với các lực lượng Đồng minh ở đây vào ngày 8-5-1945.

Ngày 8-5, tại Beclin, phát xít Đức đã ký văn kiện đầu hàng vô điều kiện.

Trên thực tế, văn kiện này được ký ngày 7-5, nhưng phải đến 23h01 ngày 8-5 tính theo giờ Trung Âu, văn bản mới có hiệu lực. Lúc đó ở Matxcơva, vì khác biệt múi giờ, đã sang ngày 9-5.

Do đó Liên Xô, nay là Liên bang Nga và các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) đều lấy 9-5 làm ngày chiến thắng phát xít Đức. Các nước Tây Âu và Hoa kỳ lấy ngày 8-5 làm ngày chiến thắng phát xít Đức.

Những phát triển của nghệ thuật quân sự

Chiến dịch Beclin thắng lợi rực rỡ đã chứng tỏ trình độ phát triển rất cao của nghệ thuật quân sự Xô viết, mà cốt lõi của nó là những kinh nghiệm chiến đấu của Hồng quân Liên Xô đã được tích luỹ và sáng tạo trong suốt quá trình chiến tranh giữ nước vĩ đại. Đó là chiến dịch tiến công của cụm phương diện quân nhằm bao vây, chia cắt, tiêu diệt một tập đoàn chiến lược của đối phương mạnh nhất trong lịch sử chiến tranh, đánh thẳng vào sào huyệt của chúng với một thời gian rất ngắn. Trong chiến dịch đã thực hiện đột phá đồng thời, mãnh liệt ở một loạt các địa đoạn trên toàn tuyến phòng ngự vững chắc, dài trên 300km, được bố trí binh lực và hoả lực dày đặc trên toàn bộ chiều sâu tới 100km. Sức đột phá mãnh liệt của Hồng quân đã đẩy đối phương vào thế bị động, mất khả năng điều chỉnh lực lượng và buộc phải đưa dự bị vào sớm. Đó cùng là điển hình về đột phá tuyến phòng ngự chiến thuật của đối phương trong điều kiện những nỗ lực cơ bản của chúng không phải tập trung ở dải 1 mà ở dải 2. Việc đột phá trong Chiến dịch Beclin có những đặc điểm: tiến hành hoả lực chuẩn bị mãnh liệt và chuyển vào tiến công trên chính diện rộng, vào ban đêm, và có sử dụng hệ thống đèn pha cực mạnh, thực hiện đột phá đồng thời với vượt sông, trong đó ngoài bộ đội binh chủng hợp thành, còn có 4 tập đoàn quân xe tăng và nhiều quân đoàn xe tăng – cơ giới khác: đột phá dưới sự chi viện của 4 tập đoàn quân không quân và Hạm đội trên sông Đơnhép.

Chiều sâu của các chiến dịch phương diện quân là 160 – 220km, thời gian là 13-17 ngày đêm, với nhịp độ tiến công trung bình trong đột phá là 8 – 11km. Nét đặc sắc trong hợp vây là để đảm bảo nhịp độ tiến công cao và phát triển kịp thời đến sông Enbơ, Hồng quân đã tiến hành bao vây các cụm quân của địch lại rồi để đó, tiếp tục phát triển tiến công lên phía trước. Việc tiêu diệt hai cụm quân địch bị bao vây (gồm trên 400.000 tên) được tiến hành đồng thời và hết sức sáng tạo. Cụm quân Phranphuốc – Guben bị đập tan chủ yếu không phải bằng đột phá vào nơi địch bị vây, mà bằng tác chiến phòng ngự, chốt chặn diệt địch ở nơi chúng nỗ lực phá vây để chạy về phía tây; cụm quân Beclin bị tiêu diệt bằng cách tiến công, bao vây, chia cắt, tiêu diệt từng bộ phận trên từng khu phố.

Tác chiến ban đêm được vận dụng rộng rãi trong suốt quá trình chiến dịch. Việc sử dụng bộ đội xe tăng đóng vai trò chủ chốt trong đột phá đã có hiệu quả cao trong phát triển nhanh vào chiều sâu bảo đảm nhịp độ tiến công cao trong toàn chiến dịch. Trong điều kiện địch phòng ngự dày đặc trên hướng chủ yếu, việc sử dụng tập trung tập đoàn quân xe tăng vào đột phá tuyến phòng ngự chiến thuật của chúng đã có hiệu quả tích cực. Trong các chiến dịch phương diện quân đã đạt được mật độ pháo binh cao nhất trong những năm chiến tranh, và nguyên tắc thành lập cụm pháo binh theo chỉ tiêu tổ chức biên chế chiến đấu (ở các trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn và tập đoàn quân) đã được thể hiện đầy đủ nhất. Không quân được sử dụng tập trung trên các hướng tiến công sâu của các phương diện quân. Sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các tập đoàn quân không quân với nhau, cũng như giữa không quân mặt trận với không quân tầm xa để đảm bảo cho hoạt động thường xuyên và liên tục của không quân trong suốt quá trình chiến dịch. Phương diện quân Bêlôruxa 1 đã tích luỹ được kinh nghiệm tốt về tổ chức hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh với các tàu chiến và tàu pháo của Hạm đội sông Đơnhép, và trong việc sử dụng các tàu chiến để trực tiếp chở các binh đoàn và bộ binh vượt sông bằng sức mạnh. Việc chỉ huy bộ đội trong Chiến dịch Beclin được đặc trưng bởi mức độ tập trung cao: các cơ quan chỉ huy luôn luôn phát triển lên phía trước theo sát bộ đội tiến công để đảm bảo chỉ huy chặt chẽ, linh hoạt và kịp thời trong mọi tình huống.
 
Ban Tư liệu – Văn Kiện (sưu tầm)

0o0o0

Bài 3

Huyền thoại về lá cờ đỏ chiến thắng của hồng quân Xô Viết trong ngày Chiến thắng
Nguyễn Phước Thắng

(Nguồn: báo An ninh thủ đô điện tử
https://anninhthudo.vn/doi-song/huyen-thoai-ve-la-co-do-chien-thang-cua-hong-quan-xo-viet-trong-ngay-chien-thang/768213.antd
đăng vào giờ và ngày: 16:57 18/05/2018 )

ANTD.VN -Hàng năm, cứ tới ngày 9/5, tại Quảng trường Đỏ của Liên bang Xô Viết, nay là nước Nga lại diễn ra lễ duyệt binh chào mừng kỷ niệm ngày Chiến thắng Chủ nghĩa phát xít. Dẫn đầu buổi lễ duyệt binh, trong tiếng nhạc trầm hùng của bài hát “Cuộc chiến tranh thần thánh” là một lá cờ đỏ có in hình búa liềm. 

Hàng năm, cứ tới ngày 9/5, tại Quảng trường Đỏ của Liên bang Xô Viết, nay là nước Nga lại diễn ra lễ duyệt binh chào mừng kỷ niệm ngày chiến thắng Chủ nghĩa phát xít.

Dẫn đầu buổi lễ duyệt binh, trong tiếng nhạc trầm hùng của bài hát “Cuộc chiến tranh thần thánh” là một lá cờ đỏ có in hình búa liềm. Đó là Lá cờ đỏ chiến thắng, một trong những hiện vật quý giá nhất của bảo tàng Lịch sử Quân sự Liên Xô và nay là Liên bang Nga. Người ta chỉ được phép đưa lá cờ đó ra ngoài khi có Sắc lệnh của Tổng thống…

Chú thích ảnh 1:
Hình ảnh Lá cờ Chiến thắng cắm trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức năm 1945

Từ ý tưởng của lãnh tụ Stalin…

Những ý tưởng đầu tiên của việc tạo ra lá cờ này đã được khởi xướng vào ngày 6-11-1944 do Tổng tư lệnh Tối cao, Nguyên soái I.Stalin trong phiên họp trọng thể của Xô Viết Tối cao kỷ niệm lần thứ 27 thành công của Cách mạng Tháng Mười.

Trong bài diễn văn của mình, người đứng đầu Nhà nước và quân đội Liên Xô nói: “Nhân dân Liên Xô và Hồng quân đã thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đặt ra với chúng ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Từ nay và vĩnh viễn sau này non sông gấm vóc của chúng ta đã thoát khỏi sự chiếm đóng của bọn Hitler. Bây giờ đối với chúng ta chỉ còn một sứ mệnh tất yếu cuối cùng: Cùng với quân đội các nước Đồng minh đập tan những đạo quân của chủ nghĩa phát xít, dồn con thú này tới bước đường cùng và cắm ngọn cờ Chiến thắng trên hang ổ của chúng”.

Lời phát biểu của Stalin chính là thời điểm khai sinh Lá cờ Chiến thắng. Quả thật là vào tháng 10/1944, ai cũng thấy rõ cuộc Chiến tranh Vệ quốc đã bước vào giai đoạn quyết định. Chắc hẳn Stalin đã nghĩ đến một biểu tượng nào đó thể hiện chiến thắng. Nhưng Stalin chỉ nói những câu chung chung như trên mà thôi.

Không ai dám hỏi lại ông về những chi tiết của Lá cờ Chiến thắng mà ông đề cập đến. Tuy nhiên, Nhà máy May thêu số 7 ở Moskva đã nhận được đơn đặt hàng may Lá cờ Chiến thắng. 

Lá cờ đó ở chính giữa là hình Quốc huy Liên Xô, bên trên hình Quốc huy là hình Huân chương “Chiến thắng” còn phía dưới là dòng chữ: “Sự nghiệp của chúng ta là chính nghĩa – chúng ta nhất định chiến thắng”.

Chú thích ảnh 2:
Các nhà du hành vũ trụ Liên bang Nga kỷ niệm Ngày Chiến thắng trên Vũ trụ với một phiên bản của Lá cờ Chiến thắng

Thực hiện chỉ thị đó của I.Stalin, ngày 9-4-1945, trong cuộc Hội nghị những người làm công tác chính trị của các tập đoàn quân thuộc Phương diện quân Belorussia đã thông qua một quyết định: Để tiến về Berlin mỗi tập đoàn quân cần chuẩn bị những lá cờ đỏ mang hình búa liềm để sẵn sàng cắm trên nóc nhà Quốc hội Đức.

Trên hướng tấn công chủ yếu, tập đoàn quân số 3 – đơn vị mũi nhọn đã chuẩn bị 9 lá cờ cho 9 sư đoàn của đơn vị.

…Tới lá cờ bằng vải nhẹ thay cho lá cờ bằng nhung đỏ

Trưởng ban chính trị của tập đoàn quân số 3 này là Fedor Lisisyn được giao nhiệm vụ chuẩn bị những lá cờ trên. Khỏi phải nói được sự vui mừng và tự hào của ông khi được giao nhiệm vụ này. Tuy nhiên khi có nhiều ý kiến nói rằng những lá cờ trên cần phải được làm bằng vải nhung cho đẹp và sang trọng, ông đã phản đối.

Chú thích ảnh 3:
Lá cờ đỏ Chiến thắng đi trước Quốc kỳ Liên bang Nga trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít (9/5/2015)

Bởi vì, đánh giá về mức độ ác liệt của chiến tranh khi tấn công một tòa nhà lớn được phòng ngự chắc chắn như tòa nhà Quốc hội Đức, một lá cờ nặng bằng nhung sẽ cản trở các chiến sĩ trong tác chiến rất nhiều. Yêu cầu hàng đầu là lá cờ phải nhẹ. Cuối cùng, ông đã quyết định may tất cả 9 lá cờ bằng vải đỏ thông thường lấy mẫu là quốc kỳ Liên bang Xô Viết [tôi mạn phép nhấn mạnh – T.X.A.]. Mọi việc nhanh chóng được triển khai.

Để phân biệt 9 lá cờ giống hệt nhau trên mỗi cán cờ đều đánh dấu bằng một con số riêng. Và lá cờ số 5 đã được lịch sử chọn là Lá cờ Chiến thắng. Thiếu tướng V.Shatilov, chỉ huy Sư đoàn Bộ binh số 150 đã chính thức nhận lá cờ này tại khu vực Karlov (ngoại ô Berlin).

Chú thích ảnh 4:
Lá cờ đỏ chiến thắng một mình dẫn đầu hàng quân trong dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng phát xít (9/5/2005)

Câu hỏi vì sao ngọn cờ Chiến thắng được quyết định sẽ cắm trên mái vòm cao nhất của tòa nhà Quốc hội Đức tại Berlin? Có nhiều lời giải thích lý do. Nhưng có lẽ vì chính chế độ độc tài của Hitler đã ra đời sau vụ đốt cháy tòa nhà Quốc hội này tháng 2-1933.

Lá cờ chiến thắng được “cắm” sớm hơn nửa ngày so với thực tế chiến trường…

Chiều 30/4/1945, Đài Phát thanh Liên Xô và tiếp đó là Đài Phát thanh các nước khác đưa tin: “Vào lúc 14h25’, Lá cờ Chiến thắng đã phấp phới bay trên đỉnh trụ sở Quốc hội phát xít”.

Nhưng thật ra vào thời điểm đó chưa có một chiến sĩ Xôviết nào tiến vào trụ sở Quốc hội. Sở dĩ như vậy là vì Ban Chỉ huy Sư đoàn Bộ binh Số 150 quá nôn nóng thông báo về “chiến tích” của mình. Khi Ban Chỉ huy tối cao kiểm tra và biết được sự thật thì đã không thể thay đổi được nữa và thông báo nói trên cứ thế mà lan rộng.

Các đạo quân Xô Viết tiến gần đến tòa nhà Quốc hội Đức vào ngày 29-4. Nơi đây được cố thủ bởi những đơn vị S.S cuồng tín, kể cả những tên lính lê dương tình nguyện được tuyển từ nhiều nước. Chúng chống trả một cách điên cuồng.

Ngày 30-4, hai sư đoàn bộ binh 171 và 150 nổ súng tấn công bọn lính Đức cố thủ tại tòa nhà Quốc hội. Cuộc tấn công vào lúc buổi sáng không thành công.

Một nhóm các chiến sĩ Hồng quân mang ngọn cờ đỏ đã đặt chân được tới mặt chính của tòa nhà. Nhưng phải đợi tới cuộc tấn công vào buổi chiều ngày 30-4 các chiến sĩ Hồng quân mới đột nhập được vào phía bên trong tòa nhà.

Chú thích ảnh 5:
Toàn cảnh Lễ duyệt binh mừng chiến thắng năm 1945.

Một nhóm sĩ quan, chiến sĩ của Sư đoàn Bộ binh 150 nhận được lệnh mang ngọn cờ Chiến thắng lên cắm trên mái vòm tòa nhà Quốc hội Đức. Họ gồm trung úy Aleksei Beres, trung sĩ Mikhail Egorov và hạ sĩ Meliton Kantari.

Nhóm mang cờ được sự chi viện hỏa lực áp chế bởi khẩu tiểu liên trong tay thượng sĩ Ilia Sianov. Tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan trong nhóm người cắm cờ sau này đều được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Liên Xô.

Có một sự thật không phải mọi người đều đã biết: Ngọn cờ Chiến thắng được trao để cắm trên tòa nhà Quốc hội Đức hoàn toàn giống những ngọn cờ của các sư đoàn khác, tuyệt nhiên không ghi một dòng chữ.

Những ngày sau, khi lá cờ này rời khỏi mái vòm tòa nhà Quốc hội Đức, nó được trao cho Ban tham mưu Trung đoàn bộ binh 756 thuộc Sư đoàn 150 giữ.

Và ngày 19-6-1945, vài ngày trước khi ngọn cờ Chiến thắng được chuyển về Moskva, nó được viết thêm một hàng chữ bằng sơn trắng: “Sư đoàn bộ binh 150 – đơn vị được tặng thưởng Huân chương Cutuzov hạng II”.

Sự thật là mãi đến 22h40’, 5 chiến sĩ thuộc Sư đoàn Bộ binh số 171 gồm Đại úy Vladimir Makov, 3 thượng sĩ Aleksei Bobrov, Gazi Gazitov và Aleksandr Lisimenko cùng Trung sĩ Mikhain Mimin mới cắm lá cờ của mình vào mặt tiền trụ sở Quốc hội phát xít. Vậy tại sao lá cờ này không được coi là Lá cờ Chiến thắng? Đó là vì khi trao 9 lá cờ cho 9 sư đoàn, Ban Chỉ huy Tập đoàn quân Số 3 đã nói rõ: Chỉ lá cờ nào cắm trên nóc trụ sở Quốc hội phát xít mới được công nhận là Lá cờ Chiến thắng.

Chú thích ảnh 6:
Lá cờ đỏ chiến thắng một mình dẫn đầu hàng quân trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng phát xít (9/5/1995)

Vào khoảng 3 giờ đêm – tức là 12 tiếng đồng hồ sau thông báo của Đài Phát thanh Xôviết – các thượng sĩ Mikhail Egorov và Meliton Kantaria cùng Chính trị viên – Trung úy Aleksei Berest mới cắm lá cờ của mình lên nóc trụ sở Quốc hội phát xít. Nhưng đến ngày 8-5, cũng chính Egorov và Kataria lại gỡ Lá cờ Chiến thắng đi và thay bằng một lá cờ khác có hình búa liềm ở giữa.

Tới người thợ ảnh may mắn chụp được bức ảnh lá cờ chiến thắng trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức…

Ebgeni Khaldei ham mê ảnh khi còn trẻ – lúc 13 tuổi ông đã chụp tấm ảnh đầu tiên, đến 16 tuổi trở thành phóng viên ảnh. Khi được nhận vào Hãng thông tấn Liên Xô TASS, Khaldei được đi nhiều nơi trong nước, và theo hết cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại với chiếc máy ảnh bên mình.

Ông đã chụp ảnh cuộc Hội nghị các vị lãnh đạo quốc gia, sự thất bại của Nhật Bản ở Viễn Đông, ký biên bản đầu hàng của Đức, nhưng tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Cờ chiến thắng trên nhà Quốc hội Đức Reichstag”. 

Ông đến Berlin theo nhiệm vụ của tòa soạn. Ông mang theo trong túi 3 lá cờ đỏ do người bạn thợ may may giúp. Vải cờ, theo một giả thiết, Khaldei đã “mượn” trong nhà ăn của Hãng TASS vì ở đó có vải trải bàn màu đỏ; còn theo một chuyện huyền thoại khác – xin trong Ủy ban địa phương.

Lá cờ đầu tiên ông phóng viên cắm trên mái nhà sân bay Tempelgof , lá thứ hai gần chiếc xe trên cổng Brandenburg, còn lá cờ cuối cùng “trang trí” tòa nhà Quốc hội Reichstag.
Vì khoảnh khắc lịch sử lá cờ được cắm lên, Khaldei không có mặt, do đó ông quyết định dựng lại một số cảnh làm phóng sự ảnh. Khi có mặt tại đây, chiến tranh đã im ắng từ lâu và trên tòa nhà Quốc hội Đức cũng có nhiều cờ. Nhưng dù sao cũng phải có ảnh. Evgeni Khaldei đề nghị những chiến sĩ ông gặp đầu tiên giúp đỡ ông: leo lên nóc tòa nhà cắm lá cờ đỏ búa liềm và đứng tạo dáng! Họ đồng ý, phóng viên chuẩn bị máy ảnh và 2 cuộn phim.

Đóng vai trong ảnh là các chiến sĩ quân đoàn cận vệ số 8: Alekxei Kovaliov (cắm cờ), Abdulkhakim Ixmailov và Leonid Goritrev (các trợ thủ). Sau khi chụp ảnh xong, phóng viên lấy cờ đem về và mang ảnh đến tòa soạn.

Theo lời con gái Evgeni Khaldei, trong Hãng TASS, mọi người đón nhận bức ảnh hồi hộp, xúc động như đón một vật hết sức linh thiêng.

Mặc dù gặp bao nhiêu trắc trở, cuối cùng ảnh cũng được xuất bản. Nó lập tức trở thành biểu tượng chiến thắng của Liên Xô. Còn ông Khaldei tiếp tục thăng tiến trong sự nghiệp phóng viên của mình.

Năm 1996, Tổng thống Boris Eltxin phong tặng tất cả những người tham gia chụp ảnh kỷ niệm đó danh hiệu Anh hùng nước Nga. Cho tới ngày hôm nay, không có người chiến sỹ nào tham gia chụp bức ảnh lịch sử ấy còn sống…

Vì sao Lá cờ chiến thắng không tham gia lễ duyệt binh chiến thắng năm 1945…

Ngày 19/6/1945, Stalin ra lệnh đưa Lá cờ Chiến thắng về Moskva để tham gia lễ duyệt binh chiến thắng. Sáng ngày 20/6, Egorov, Kantaria và một số chiến sĩ đã tham gia cuộc tấn công vào trụ sở Quốc hội phát xít cùng Lá cờ Chiến thắng (lá cờ có hình búa liềm ở giữa) rời sân bay Berlin về Moskva. Nhưng Lá cờ Chiến thắng lại không tham gia lễ duyệt binh lịch sử ngày 24/6.

Có nhiều giả thuyết được đưa ra. Một giả thuyết cho rằng vì lá cờ trông quá đơn giản, không có vẻ “chiến thắng”, không giống như lá cờ mà người ta đã quen nhìn thấy trên báo chí (lá cờ có hình búa liềm ở góc trên bên trái).

Giả thuyết thứ hai là theo kịch bản Lễ Duyệt binh thì Egorov và Kantaria phải mang Lá cờ Chiến thắng đi đầu, nhưng trong buổi Tổng diễn tập mới thấy họ không quen đi đứng theo kiểu duyệt binh.

Kết quả là mọi người nhận được thông báo: Lá cờ Chiến thắng sẽ không tham gia Lễ Duyệt binh Chiến thắng. Tất cả các chiến sĩ đưa Lá cờ Chiến thắng về Moskva đều theo dõi cuộc duyệt binh từ trên lễ đài.

Búa liềm và ngôi sao sẽ mãi mãi nằm trên Lá cờ chiến thắng…

Ngọn cờ Chiến thắng “bản gốc” ngày hôm nay đã được lưu giữ trang trọng và trở thành một trong những hiện vật quý giá nhất trong bảo tàng lịch sử Quân sự Liên bang Nga. Người ta đã chế tác một lá cờ khác bằng vải nhung dành cho các cuộc diễu binh vào ngày Lễ mừng Chiến thắng 9/5 hàng năm trên Quảng trường Đỏ.

Ngày 7/5/2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký đạo luật “Về lá cờ Chiến thắng” được Duma quốc gia thông qua ngày 25/4 và được Hội đồng Liên bang phê chuẩn ngày 4/5.
Theo đạo luật này, “Lá cờ Chiến thắng” là lá cờ của Sư đoàn Bộ binh 150 đã được cắm lên nóc trụ sở Quốc hội nước Đức phát xít vào ngày 1/5/1945. Lá cờ màu đỏ, ở góc trên bên trái có hình búa liềm màu vàng và ngôi sao màu trắng.

Trong những năm trước đây, có nhiều ý kiến cho rằng phải bỏ hình búa và liềm trên lá cờ, sau là đòi bỏ hình ngôi sao. Nhưng Tổng thống Nga V.Putin đã bác bỏ hoàn toàn những ý kiến trên.

Và kể từ đó cho tới ngày hôm nay, Ngọn cờ Chiến thắng vẫn luôn mang đúng màu sắc, hình vẽ của bản gốc và được giương cao trong dịp Đại lễ mừng chiến thắng phát xít ngày 9-5 hàng năm. Thậm chí trong dịp kỷ niệm những năm chẵn (50 năm: 1995, 60 năm: 2005 và 70 năm: 2015) ngày chiến thắng phát xít, Lá cờ đỏ chiến thắng đều được dẫn dầu hàng quân danh dự trong Lễ duyệt binh và đi trước cả Quốc kỳ Liên bang Nga…

(Bài của Nguyễn Phước Thắng –
ANTD. online)

.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , | Leave a Comment »

Dụ Cần vương & 2 bản Dụ khác từ TÂN SỞ

Posted by Trần Xuân An trên 14.07.2020

hidden hit counter

.
        
Vua HÀM NGHI tại Tân Sở, Cam Lộ, Quảng Trị
————————————————————————-
  LỆNH DỤ THIÊN HẠ CẦN VƯƠNG


     
      “Từ xưa chính sách chống giặc không ngoài ba điều: đánh [chiến], giữ [thủ], hoà mà thôi.

      Đánh thì chưa có cơ hội.
      Giữ thì khó chắc đủ sức.
      Hoà thì chúng đòi hỏi không chán.

      Đang lúc thế sự muôn vàn khó khăn như vậy, bất đắc dĩ phải dùng QUYỀN [NGHI, QUYỀN BIẾN].

      Thái vương dời tới đất Kỳ, Huyền Tông chạy sang đất Thục, người đời xưa cũng đã có làm như thế.

      Nước ta gần đây gặp nhiều biến cố. Trẫm tuổi trẻ nối ngôi, chưa kịp lo việc tự cường, tự trị. Bọn phái viên của Tây hoành hành áp bức ngày một thậm tệ. Vừa rồi chúng tăng thêm binh thuyền, buộc ta những điều không thể làm theo được. Ta theo thường lệ khoản đãi, chúng không chịu nhận một tí gì. Nhân dân kinh đô náo động, kinh sợ nguy biến sắp tới nơi. Các vị đại thần mưu quốc tìm kế giữ yên xã tắc, bảo vệ triều đình: [Nếu] cứ cúi đầu nó bảo gì nghe nấy, ngồi yên để mất cơ hội thì sao bằng dò xem ý chúng muốn hành động mà đối phó trước? Ví thử việc chẳng chịu lòng, thì còn có thể làm như ngày nay để mưu tính việc về sau cho ổn. Ấy là tuỳ theo thời thế mà định ý kiến như thế. Phàm những ai biết chia lo việc nước, tất cũng dự biết như vậy, mà cũng đều nghiến răng căm phẫn. Cái lòng giết giặc, giết thù, nào ai chẳng có. Vậy thì gối đòng, gõ chèo, cướp giáp, vần chum, há không có người nào hay sao? Kẻ nhân thần ở triều đình chỉ nên theo nghĩa mà làm, nghĩa ở đâu thì chết sống cũng ở đấy. Xưa Hồ Yển và Triệu Thôi nước Tấn, Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật đời Đường là hạng người thế nào?

      Trẫm đức mỏng, gặp phải biến cố này, không thể hết sức chống giữ, để kinh thành bị hãm, Từ Cung phải lên xe lánh nạn. Tội ở mình trẫm tất cả, hổ thẹn vô cùng. Nhưng mối luân thường quan hệ, trăm quan khanh sĩ không kể lớn nhỏ, chắc không nỡ xa bỏ trẫm. Người trí giúp mưu, người dũng giúp sức, người giàu xuất của để giúp quân nhu, cùng nhau đoàn kết, chẳng ngại nguy hiểm, làm cách gì mà có thể cứu nguy, đỡ ngã, gỡ chỗ khó, giúp khi bí, thảy đều hết lòng hết sức. May mà trời cũng chiều người, chuyển loạn làm trị, chuyển nguy làm an, thu lại đất đai, phục lại bờ cõi, cơ hội này thật phúc cho nước nhà, tức là phúc cho thần dân. Đã cùng nhau lo lắng được thì cùng nhau yên vui, há chẳng tốt lắm ru?

      Nhược bằng lòng tiếc chết nặng hơn lòng thương vua, việc lo cho nhà chăm hơn việc lo cho nước, quan thì thác cớ lánh xa, lính thì bỏ ngũ lánh trốn, dân thì không biết vì nghĩa, hăng hái với việc công, sĩ thì cam chịu bỏ nơi sáng đi vào nơi tối, như thế dù có sống sót ở đời thì thân tuy mặc áo đội mũ mà không khác loài chim muông. Sao nỡ làm vậy cho đành?

      Thưởng hậu, phạt cũng nặng, triều đình sẵn có phép thường, không nên để điều hối hận về sau. Ai nấy nên nghiêm chỉnh tuân theo dụ này.

           Khâm thử!

           Hàm Nghi năm đầu, tháng sáu, ngày mùng hai (13.07.1885)” (75).
…………

Chú thích số 75 theo cuốn sách: Trần Xuân An, “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)”, Nxb. Văn nghệ TP.HCM., 2004, tr.876-877.
(75) Phan Canh, Đào Đức Chương, Thơ ca Việt Nam thời Cần vương (TCVNTCV.), bài Lệnh dụ Thiên hạ cần vương, bản dịch của Lê Thước, Nxb. Văn Học, 1997, tr. 16. Xem thêm: Trung – Pháp chiến tranh tư liệu, tập 7; Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỉ XIX, với bản dịch của Chu Thiên Hoàng Minh Giám.
.

.
NGOÀI “DỤ CẦN VƯƠNG”, CÒN CÓ HAI BẢN DỤ CỦA VUA HÀM NGHI (VÀ TÔN THẤT THUYẾT) ĐƯỢC BAN RA TỪ THÀNH TÂN SỞ, CAM LỘ, QUẢNG TRỊ

42. Mật dụ của Hàm Nghi (và Tôn Thất Thuyết) từ Tân Sở gửi về Nguyễn Văn Tường, cùng một ngày phát Dụ Cần vương, 02.6. Ất dậu (13.7.1885):
 
“… Tôn Thất Thuyết còn giữ giá vua còn đóng ở Phòng Quảng Trị, đã kèm vua ra Lệnh dụ Thiên hạ cần vương, lại sẽ dụ bảo Nguyễn Văn Tường và yên ủi những người họ mạc ở trong kinh, đều một đạo, do đường dịch lộ chuyển chạy về kinh. (Khi ấy tự Phòng đến kinh ống trạm còn chuyển đệ được). Đó đều là việc từ mồng 7 tháng này trở về trước.

Ngày mồng 2 dụ Văn Tường, lược nói:

“Y [Cô-ra-xy (De Courcy) – TXA. ct.] thấy ta càng khuất, y càng ngày càng lấn, khiến Triều đình không còn mặt mũi nào, vạn bất đắc dĩ mà ta mới phải làm cái kế bỏ thành đi ra ngoài. Nay đại thần Tôn Thất Thuyết cùng ta cùng quanh quẩn, còn ngươi là phụ chính đại thần thì ở lại mà thương đàm, kẻ ở người đi đều lấy lòng yêu nước lo dân làm căn bản. Trời đất thực cũng chứng giám. Ngươi nên khéo thể tấm thịnh tình của tiên hoàng đối với nước láng giềng rất có thuỷ chung và cùng y giảng rõ về lý thế, cân nhắc về lợi hại, hết lòng thoả hiệp [:hiệp bàn thỏa mãn đôi bên, không phải “thỏa hiệp vô nguyên tắc” – TXA. ct.], phàm những khoản gì bách thiết, chung nhau bàn đổi, cốt khiến cho 2 nước như anh em, vinh nhục cùng quan hệ, vui lo cùng chung nhau mười phần chân thành, không còn dùng đến uy thuật. Lúc này ta mệnh cho hồi loan, trên để phụng dưỡng ba cung, dưới để yên lòng thần dân, khanh cùng với Tôn Thất Thuyết trung trinh chói lọi, muôn thuở cùng sáng, những phường nịnh tử gian phu, đều phải lặn hình giấu bóng. Nam triều ta há chẳng hân hạnh ư, nước Đại Pháp chắc cũng vui vẻ mà cùng giữ lấy cường thịnh vậy.

Nếu không như thế thì các miếu xã lăng tẩm và các vương công không kịp đi theo ấy thì hết thảy uỷ cho khanh. Ta duy có chọn đất lánh ở, sợ trời vui trời, rường cột cương thường, cả nước cùng thế, không đâu không phải là Triều đình và không phải là tôi con vậy. Trẫm quyết không cùng với họ tranh được thua vậy.

Tình thế ví lại không thôi, trẫm nguyện phái thêm cán viên, lấy đường đi khắp các nơi, nghiêm sắc cho Ninh Bình trở về phía bắc, bao nhiêu quan tỉnh, phủ, huyện đều để ấn lại mà đi, người nào như có trung nghĩa tài lược không kể quan hay dân, đều cho được tiện nghi làm việc [nhân dân, sĩ phu khởi nghĩa – TXA. ct.], cốt không phụ tấm lòng tốt của triều đình dưỡng dục, tác thành, yên được bóng thiêng liêng ở trời của liệt thánh, và đáp phó được nguyện vọng [khởi nghĩa chống Pháp – TXA. ct.] tha thiết của thần dân trong nước. Khanh nên nghĩ cho kỹ nhé, có muốn nên tâu đối, thì gởi theo đường trạm chờ xét cũng chẳng hại gì””.
     
(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,
1976, tr. 225 – 226).
.

.                          
43. Mật dụ của Hàm Nghi (và Tôn Thất Thuyết) từ Tân Sở gửi về hoàng tộc, ngày 07.6 Ất dậu (18.7.1885):
 
“Ngày mồng 7, dụ các người trong họ, đại lược nói:

“Dụ Thọ Xuân vương, phụ chính Hoài Đức công và các bọn hoàng phiên, công chúa nghĩ coi: Nước Nam ta nhiều lần bị kẻ khác bức hiếp nhiều khoản, phàm có tai mắt khí huyết không ai là không uất ức buồn rầu, chẳng riêng người trong họ ta mà thôi. Trẫm vâng di mệnh của tiên quân, và các vương công phụ thần cùng suy tôn lên quyền giữ việc nước. Phàm có trăm điều đều duy kiến nghị, phải ấy thì theo. Trẫm tuổi trẻ, kiến thức chưa rộng, dám đâu chuyên trái việc gì, cho nên hễ khi tiếp được thư của nước Đại Pháp gửi đến khoản gì, nếu quá lăng nhục và yêu sách quá đáng, nhân tình không thể chịu được, mật nghe vương công và các phụ chính khuyên bảo, không đâu là không cưỡng tự đau đớn nín náu, chịu theo êm việc, vì muốn bảo toàn xã tắc, để họ mạc lâu dài hưởng tôn quý giàu sang vậy. Không ngờ sứ Pháp ngang ngược ngày thêm, không còn được chút quốc thể, cúi xuống đất, ngửa lên trời, xiết bao hổ thẹn, vạn bất đắc dĩ mà phải làm ra việc này; quay nhìn nơi lăng miếu và các bậc ý thân, thực không biết bao nhiêu là tưởng nhớ, chả biết trong tôn tộc từng có tin đến sự lo xuôi nghĩ ngược của ta không? Nay đã có phụ chính huân thần là Nguyễn khanh [tức là Nguyễn Văn Tường – TXA. ct.] ở lại giảng nói, che chở nhiều việc, hơi được yên ổn; huân thần tâm sự như thế, cáng đáng như thế, thực là đau khổ quá chừng. Nhân vật nước ta, những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được. Trẫm cũng dụ cho đại thần ấy hết lòng bàn tính công việc, tâu chờ quyết định. Vương công đều là cốt nhục chí thân, đều nên thương ta khổ tâm, thể tất ta vô cùng. Phàm việc gì cùng với Nguyễn khanh châm chước thoả đáng, cốt không trái với cương thường của trời đất. Nên được nền bình trị lâu dài của quốc gia, ngõ hầu để được tiếng thơm muôn đời, thế là lành lắm, tốt lắm. Trời đất dài lâu, gặp nhau có hẹn. Nước nhà suy thịnh, gặp hội đổi thay, càng nên trân trọng di dưỡng, để yên tấm lòng xa của người tuổi trẻ. Còn ra sẽ uỷ cho Nguyễn khanh sẽ vì ý thân điều đình cho thoả đáng, vụ được như thường. Phàm người họ ta, cần tin lời ta nhé, thế thì ta mới yên lòng””.
 
(ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH.,
1976, tr. 226 – 228).

Đã trích in lại trong ba (03) cuốn sách đã xuất bản:
1 ~ TRÀN XUÂN AN, ”PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824-1886)”, NXB. VĂN NGHỆ TP.HCM., 2004
2 ~ TRẦN XUÂN AN, “NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824-1886), MỘT NGƯỜI TRUNG NGHĨA – khảo luận một vài khía cạnh sử học”, NHÀ XUẤT BẢN THANH NIÊN, 2006
3 ~ TRẦN XUÂN AN (biên soạn), “TIỂU SỬ BIÊN NIÊN PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824-1886), KẺ THÙ KHÔNG ĐỘI TRỜI CHUNG CỦA CHỦ NGHĨA THỰC DÂN PHÁP”, NHÀ XUẤT BẢN THANH NIÊN, 2006
.

.

.
Ảnh: Hồ Phú chụp.
.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , , , , | Leave a Comment »

Như ông bõ, bà vú ngày xưa & 2 bài trước

Posted by Trần Xuân An trên 12.07.2020

hidden hit counter

.
        
thơ hoà giải dân tộc
——————————————————————————
NHƯ ÔNG BÕ, BÀ VÚ NGÀY XƯA
Trần Xuân An

Người làm anh bồi, chú nô, lão bộc
cho chủ tàu Pháp đến chủ Đảng Liên Xô
Bác cam nhục nhằn, chỉ vì cứu nước
như ông bõ nghèo, về dựng lại cơ đồ

Chế Lan Viên định nghĩa về dân tộc
ngầm ví Bác như Kiều, đắng quá, nhà thơ!
mạo muội, tôi viết Bác như ông bõ, bà vú
chỉ vì nước, vì dân, dù lí tưởng là mơ

(tôi nhớ nước mắt trào, thời học trò trung học
nghe giảng Phan Châu Trinh ăn phần khách bỏ thừa
nước mắt ấy, về sau sáng ra: Người chung cơ khổ
gói mang về, là “cuồng điệt”, đã thành Bác Hồ) *

đúng hơn, từ tay trắng, Bác là thành viên Quốc tế
rồi lãnh tụ Cộng sản nước mình, một nước xác xơ
những mặc cả phải đành, từ Luận cương Thuộc địa
để được viện trợ, không thể nào khác ý hệ Liên Xô

Bác là nguyên thủ anh hùng duy nhất vậy
trong bốn nghìn năm, nên nội chiến bởi lá cờ
Bác chẳng trách Quốc gia về Triều Nguyễn
bởi Búa-Liềm-Sao, đó là cờ Liên Xô!

nô bộc để xua Nhật, thắng Pháp, đánh bại Mỹ
thu phục cả công lao Chúa Nguyễn mở rộng cõi bờ
Bác hiểu chống Bác cũng là yêu nước
bởi Búa-Liềm-Sao, đó là cờ Liên Xô!

chiến công Bác lẫy lừng năm châu bốn bể
nhưng nhãn mác Búa-Liềm-Sao,
        thành ra của Liên Xô!
lịch sử ghi lại, để phân giải Chiến tranh Vàng – Đỏ
Kiều chính trị, lão bộc chính trị,
        chẳng ai làm thế nữa bao giờ

Đất nước nghèo như nhà nghèo bị giặc chiếm
Bác làm lão bộc, bà vú lưu vong xa mờ
khi trở về, với Búa-Liềm-Sao, quốc kì Liên Xô đỏ
cứu cháu con, nhưng nội chiến, đều nuốt lệ trào vô

đúng hơn, từ tay trắng, Bác là thành viên Quốc tế
rồi lãnh tụ Cộng sản nước mình, một nước xác xơ
những mặc cả phải đành, từ Luận cương Thuộc địa
bi kịch lịch sử Quốc gia:
        Pháp & Thập giá với Liên Xô & Tam vô

tôi làm thơ hoà giải dân tộc thời hậu chiến
đâu phải trộn vào hiện thực cái-nên-có, ước mơ
sự thật vẫn thế: xua Nhật, thắng Pháp, đánh bại Mỹ
đổ máu xương chặn Trung Quốc,
        vẫn còn cờ Liên Xô, dù sụp đổ Liên Xô!

T.X.A.
11 & 13-07-2020
…………..

(*) Cuồng điệt: người cháu sôi sục nhiệt tình, lắm điều lo nghĩ trong lòng.
        Ở đây chỉ nói về hoàn cảnh khó khăn, cơ khổ khi lưu vong tại Pháp của Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Tất Thành. Con đường cách mạng của Nguyễn Tất Thành về sau là dựa hẳn vào Liên Xô, chủ trương bạo lực cách mạng, chứ không phải “bất bạo động”, “bất vọng ngoại”, “không gì bằng học tập” để duy tân, như Phan Châu Trinh.

https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2642902689316999/
.

.
Ảnh: Quốc kì Liên Xô trên toà nhà Quốc hội Đức, 30-04-1945 — ảnh của Sputnik
.
Xem lại hai bài trước:
.
Bài 1
ĐỌC LUẬN CƯƠNG LÊNIN VỀ THUỘC ĐỊA
Trần Xuân An

tôi muốn xé vụn “Truyện Kiều”,
        khi ngẫm nghĩ bài “Đọc Kiều” của Chế *
bán mình, bán nước để cứu nước, cứu mình
Kiều phản tỉnh, sao nhãn hiệu ta vẫn Liên Xô mãi thế!
Lý Tự Trọng thức giấc chắc cũng tự khinh

tôi đã đọc Luận cương về thuộc địa
Chế Lan Viên ví von Lênin là Đạm Tiên chăng?
ai tư sản, thực dân, ai là con quan, địa chủ?
xoá quốc gia, dân tộc, lầu xanh là “liên bang”?

Chế tự đay nghiến mình
        biến Kiều thành ẩn dụ xót đau chính trị
(như Nguyễn Du kí thác
        “Truyện Kiều” vượt lên bi kịch đời thường)
đã phản tỉnh, đừng sa vào tay Trung Quốc
hết “liên bang” đến “đại cục”, hòng nuốt trọn thịt xương!

đọc Luận cương của Lênin, thấy dấu vết nước mắt
trên từ “viện trợ”, trên từ “liên bang” *
cần viện trợ để đánh Pháp
nhưng vào liên bang, Việt Nam sẽ bị hoà tan

ta cần viện trợ đánh Pháp và Thập giá Pháp
Lênin buộc phải chống dân chủ tư sản toàn cầu
phải chống tôn giáo cùng người Quốc gia – dân tộc
khác nào tuyên chiến với Mỹ, nên bom nổ dài lâu!

Chế viết xưa, người hiểu ngụ đương thời,
        xót xa Đỏ đĩ, Vàng nguỵ
hai Khối ngoại xâm thành nội chiến, nội chiến nội tâm
thi sĩ kính yêu ơi, biểu tượng này của thơ tôi, tôi lặp lại:
trên bình sọ Việt Nam, bảy đoá đỏ vàng lam

tôi không bao giờ ví von dân tộc mình như Kiều làm đĩ
ta mất nước, chỉ làm nô lệ vắt xác ra mồ hôi
mất nhân quyền, chỉ nhẫn nhục như trâu như ngựa
rồi vùng lên
        như muôn ngàn Hai Bà Trưng, Lê Lợi,
        muôn ngàn Trương Định thôi

con đường Chế đặt tên Thuý Kiều *
        bị rơi vào Chiến tranh Lạnh
phất cờ Liên Xô làm phân hoá giống nòi!
ngọn cờ đỏ vẫn rực rỡ thắng
dù dằng dặc đạn bom, xương máu ngút trời

con đường vàng, dù sao, cũng đã bại
và dù sao, đường đỏ thắng lâu rồi
chỉ phân giải sử Chiến tranh Vàng – Đỏ
hiểu vì đâu mình bắn giết nhau thôi!

T.X.A.
08-06-2020
………………..

(*) ~ Trong tập thơ “Ánh sáng và phù sa”, 1960. Đến năm 1987, ở bài “Định nghĩa dân tộc”, trong bản nháp “Cầm tay”, tập 3, Vũ Thị Thường cho xuất bản, 2000, Chế Lan Viên viết: “Dân tộc trầm luân trong sóng Tiền Đường”.
~ Bản tiếng Anh: render direct aid (trao viện trợ trực tiếp). Bản dịch ra tiếng Việt khác: ủng hộ.
~ Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có bài “Địa chỉ buồn” (1989), được nhiều người yêu thích. Trong đó có câu: “Nhà tôi ở phố Đạm Tiên…”. Cả bài chỉ nói về liên tài, ái tài, “tài – mệnh tương đố” (tài năng và số phận ghét nhau), như Kiều vì tài sắc mà số phận phải truân chuyên, không nói gì về chính trị. Ở đây, tôi mượn cách lập ý của Hoàng Phủ Ngọc Tường để diễn đạt ý của Chế Lan Viên: “con đường Chế đặt tên Thuý Kiều…”

https: //www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2613144278959507/

Bài 2
XEM PHIM NGA VỀ PHẢ HỆ LÊNIN
Trần Xuân An

tìm trong phả hệ của Người *
gien thông minh mấy nhánh đời nhiều không
còn chính trị thời đại ông
đến thời đại cháu, cũ trong bảo tàng

Lênin chống cả thế gian
ngoài phả hệ, sấm sét vang, tan rồi!
Marx đẻ ra Lênin thôi
Saint Simon, ông tổ Người, thật hơn! *

gien thông minh là điểm son
phả lưu chất xám, mới còn lưu tâm!
cách mạng, Lênin thét gầm
ba đời lí lịch khác tầm suy tư!

bà nội, ông ngoại Người ư? *
họ còn sống, Người bỏ tù họ không?
xem phim huyết hệ nối dòng
gạt hết, chỉ tìm gien thông minh Người

cảm thông Người quá đau đời
bảy tư năm thét, tượng Người đổ luôn
đấu tranh là luật bình thường
đấu tranh mãi, bớt bóc xương thịt đời

nếu giúp chống thực dân thôi
Người hoá thánh từ lâu rồi, xưa sau
không vô tổ quốc, đỏ màu
thông minh tâm thiện, chẳng đâu oán Người!

phải chuyên chính đỏ đất trời
nếu không, không tưởng, nửa vời, như không?
gói Quả Đất trong cờ hồng
thoát thực dân cũ, ân tròng oán chăng!

loài người đuổi sạch xâm lăng
Liên Xô cũng đổ, công bằng có chưa
tượng Lênin một tay xưa
một tay sơn đỏ, ai vừa bảo lưu

bóc lột máu người như cừu
lí lịch nghìn nguyên thủ cưu mang vào
xâm lăng quốc kì nước nào
phả hệ nghìn nguyên thủ sao chép dày

thực tiễn, thực tiễn còn đây
Người, lãnh tụ cứu cõi này khổ đau?
hay bạo chúa với mưu sâu?
sử thế giới, phả hệ đâu sót Người!

sử thời mù mịt rối bời
vẫn còn gỡ được bao lời dối gian
bảy mươi năm Liên Xô gần
tô hồng ngọc, bôi đen than, dễ tìm!

T.X.A.
29-06 & 20-07-2020

T.X.A.
29-06-2020
………………

(*) ~ Lênin là người có dòng máu lai nhiều dân tộc (Nga, Do Thái, Trung Á, Thuỵ Điển, Đức…): Có thể đó là nguồn gốc chủ nghĩa quốc tế (vô tổ quốc) của ông (như Marx, gốc Do Thái)?
PHIM PHẢ HỆ LÊNIN (hãng phim Nga, 2020; có tham khảo thêm các tài liệu khác):
1) Bên nội:
1.a) Ông nội: Nông nô, được địa chủ cho tự do trước ngày sa hoàng bãi bỏ chế độ nông nô (1861), trở thành thợ may, có thể kiêm thương nhân.
1.b) Bà nội: Gốc Trung Á qua Nga lâu đời, thuộc gia đình giàu có.
1.c) Cha đẻ: Giáo viên, thanh tra giáo dục, viết sách khoa học thường thức, có bậc lương tương đương thiếu tướng quân đội.
2) Bên ngoại:
2.a) Ông ngoại, bác sĩ y khoa, gốc Do Thái, điền chủ có điền trang rộng, sở hữu cả trăm nông nô, Do Thái giáo cải đạo sang Chính thống giáo (mẹ ông ngoại Lênin là người Thuỵ Điển).
2.b) Bà ngoại: Gốc Đức, Tin Lành giáo.
2.c) Mẹ: Được giáo dục tại nhà bởi gia sư, có biết 3 ngoại ngữ, giáo viên tiểu học, nội trợ.
3) Anh em:
Có một người anh đầu tham gia tổ chức “cách mạng” khủng bố (ám sát Nga hoàng), bị tuyên án tử hình, và một số anh chị em khác sinh sống bình thường.
~ Các vị tổ của chủ nghĩa xã hội: Saint Simon, Owen, Fourier (không tưởng), Marx (khoa học)…

https: // www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/2633164740290794/

Xem phim:

.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: | Leave a Comment »

Đăng lại: HAI PHÍA RỒI MỘT YÊU THƯƠNG

Posted by Trần Xuân An trên 10.07.2020

hidden hit counter

.
        
10-07-2020, đăng lại:
HAI PHÍA RỒI MỘT THƯƠNG YÊU
Trần Xuân An

tôi thương người lính vàng
héo tàn chìm sử cỏ
tôi thương người lính đỏ
bia sao nhoè tàn nhang

nguỵ vàng, tay sai đỏ
đau một thuở thế gian
nến hoa thêm sáng tỏ:
đều xua giặc ngoại bang

phân cách bao nghĩa trang
tình dân không khác mộ
nước mắt mằn mặn gió
bại oan như thắng oan

tôi yêu người lính vàng
thơm danh trang sử mở
tôi yêu người lính đỏ
tuổi dài đến mênh mang.

T.X.A.
19:30 – 20-32, 24-7 HB15 (2015)

.

Posted in Chưa phân loại | Thẻ: , | Leave a Comment »