Chiếc cầu Ý Hệ (cầu Hiền Lương)

Người bắn nhau nhưng đâu phải bắn nhau, Bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó (TrầnXuânAn)

Hòa giải dân tộc, 30-4: VIỆT NAM, ĐÀ TRƯỢT ĐỎ VÀ CHỖ NÍU VÀNG (phần 1)

Posted by Trần Xuân An trên 26.04.2015

hidden hit counter

 
.

Hòa giải dân tộc, hàn gắn vết thương chiến tranh:

Kỉ niệm lần thứ 40
Ngày 30-4

VIỆT NAM, ĐÀ TRƯỢT ĐỎ VÀ CHỖ NÍU VÀNG
Trần Xuân An

25-04 HB15 (2015)

“Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn”, câu nói của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt cách đây khoảng mười năm, nhanh chóng lan truyền và thấm sâu, đồng thời giải tỏa uẩn ức lịch sử cho hàng chục triệu người Việt Nam. Trước đó, người ta biết hễ đến Ngày 30-4 là chỉ được nói lên niềm vui mà thôi, còn nỗi đau, nỗi buồn mang màu sắc có thật là “nội chiến đỏ – vàng” lại phải tự dìm xuống, lảng tránh đi. Ông Võ Văn Kiệt đã “cởi trói” giúp toàn dân tộc.

Đỏ, hàng triệu người vui. Đó là sự thật. Nhưng liệu từ sau ngày 30-4-1975 khoảng vài ba năm, niềm vui đỏ có còn trọn vẹn không? Trập trùng khó khăn, do các chủ trương nóng vội, nghiệt ngã. Và Trung Quốc đã lộ rõ bộ mặt bành trướng. Rồi tiếp theo đó, giữa những năm 80 đến đầu thập niên 90/XX, Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Đỏ, như một giấc mộng vỡ. Sự thể khiến chúng ta lại trăn trở, suy tư.

1.

Đà trượt đỏ? Tại sao không gọi là đà tiến đỏ?

Khởi đầu là Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước, vào năm 1911. Đến Pháp, anh cũng đã từng xin vào học ở trường đào tạo quan chức thuộc địa của Pháp, nhưng bị từ chối. Dù vậy, việc xin vào học đó chứng tỏ, Nguyễn Tất Thành vẫn chỉ là người cải lương chủ nghĩa. Nhưng 9 năm sau, khi Lê-nin (Lénine) công bố “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” vào năm 1920, Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Tất Thành) mới khởi đầu con đường cách mạng đỏ của mình. Đà tiến cách mạng đỏ Việt Nam khởi đầu từ đó, nếu không kể đến anh lính thợ Tôn Đức Thắng phất cờ đỏ ở Hắc Hải trước đó 1 năm với ý thức giai cấp công nhân, chứ chưa phải là ý thức giải phóng dân tộc (vì từ Cách mạng Tháng Mười Nga, 1917, đến 1919, Lê-nin chưa nói gì đến vấn đề này, vấn đề mà Mác [Marx], Ăng-ghen [Engels], lẫn Lê-nin và cả Sta-lin [Staline] đều xem là thứ yếu!).

Quả thật, thuở đó, không có một nước nào, chính đảng nào ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Dù muốn dù không, Nguyễn Ái Quốc cũng không tìm ra chỗ dựa nào ngoài Liên Xô.

Nhiều tư liệu còn cho thấy Nguyễn Ái Quốc không quan tâm nhiều đến đấu tranh giai cấp, vốn là vấn đề chủ yếu của Lê-nin và của cả chế độ cộng sản ở Liên Xô, cũng như của Quốc tế Cộng sản III, một tổ chức mà thực chất là của chính Liên Xô. Nguyễn Ái Quốc bị bỏ rơi suốt gần mười năm, không được phân công công tác và trả lương, phụ cấp. Ông bị Liên Xô xem là thuộc loại dân tộc chủ nghĩa (nationaliste).

Cách mạng Tháng Tám với “Tuyên ngôn độc lập” do Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) đọc tại Quảng trường Ba Đình, cho thấy ông thuộc khuynh hướng cách mạng quốc gia, phi vô sản. Có thể do tư tưởng chính của ông và cũng một phần quan trọng là do sự ủng hộ của Mỹ — lúc bấy giờ Mỹ, là lực lượng quan trọng nhất nhì trong phe Đồng minh, đang có mặt tại Việt Nam, đánh phát-xít Nhật và buộc được Nhật đầu hàng trên toàn châu Á.

Nhưng Mỹ nhanh chóng nhận ra Hồ Chí Minh là nhà cách mạng đỏ kì cựu, có thâm niên theo chủ nghĩa cộng sản. Mỹ bỏ rơi Hồ Chí Minh, không trả lời nhiều thư Hồ Chí Minh kêu gọi sự ủng hộ tiếp tục của Mỹ để có thể kháng chiến chống thực dân Pháp, bấy giờ chúng đang tái xâm lược Việt Nam.

Mỹ, đến lúc này, những năm cuối thập niên 40/XX, lại rơi vào sự sai lầm nghiêm trọng. Đó là việc Mỹ xem việc lợi dụng thực dân Pháp để chống làn sóng đỏ cộng sản ở Đông Dương và cả Đông Nam Á là thuận lợi nhất cho Khối Tự do (tư bản). Mỹ thỏa hiệp với thực dân cũ là Pháp, khi Mao Trạch Đông đã chiếm được toàn bộ lục địa Trung Hoa, thành lập thêm một nước cộng sản khổng lồ. Năm ấy, 1949, Mỹ bắt đầu viện trợ cho Bảo Đại (quốc trưởng, đứng đầu Quốc gia Việt Nam), thông qua Pháp.

Như vậy, không còn con đường nào khác, Hồ Chí Minh phải tiếp tục đi theo con đường đỏ, cộng sản chủ nghĩa, nhận viện trợ của Sta-lin và Mao, lệ thuộc hai lãnh tụ đỏ này. Và Mao được Sta-lin phân công phụ trách công việc đỏ hóa cả châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, trong đó có Đông Dương (Việt, Miên, Lào).

Hai văn kiện được trích dưới đây là những dẫn chứng không thể bác bỏ:

“Đảng Lao động Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Ǎngghen – Lênin – Xtalin và tư tưởng Mao Trạch Đông kết hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng”.

(trích “Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam”, Đại hội Đảng lần II, 1951).

“Cuốn sách ‘Sơ lược lịch sử Trung Quốc hiện đại’, xuất bản năm 1954 ở Bắc Kinh, có bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc bao gồm cả nhiều nước chung quanh, kể cả ở Đông nam châu Á và vùng Biển Đông.

Ý đồ bành trướng của những người lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt lộ rõ ở câu nói của chủ tịch Mao Trạch Đông trong cuộc hội đàm với đại biểu Đảng Lao động Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963:

“Tôi sẽ làm chủ tịch của 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông nam châu Á”.

Cũng trong dịp này, chủ tịch Mao Trạch Đông so sánh nước Thái Lan với tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, về diện tích thì tương đương nhưng về số dân thì tỉnh Tứ Xuyên đông gấp đôi, và nói rằng Trung Quốc cần đưa người xuống Thái Lan để ở; đối với nước Lào đất rộng người thưa, chủ tịch Mao Trạch Đông cũng cho rằng Trung Quốc cần đưa người xuống Lào để ở.

Chủ tịch Mao Trạch Đông còn khẳng định trong cuộc họp của Bộ Chính trị ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, tháng 8 năm 1965:

“Chúng ta phải giành cho được Đông nam châu Á, bao gồm cả Miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malayxia và Singapo… Một vùng như Đông nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy… Sau khi giành được Đông nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô – Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây…”.”. (*)

(trích “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua”, Nhà xuất bản Sự Thật, 1979).

Như vậy, đến thời điểm đầu thập niên 50/XX này, và sau đó, có thể tính đến 1965, đà trượt đỏ đã hiện rõ.

Nhưng khoan vội, hãy quay lại với thời điểm 1954.

Năm ấy, với chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ (có sự huấn luyện, cố vấn và viện trợ vũ khí, khí tài của Liên Xô, Trung Quốc), hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève) được kí kết.

Cũng không còn con đường nào khác hơn là phải xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc Việt Nam. Do đó, công đoạn đấu tố giai cấp (tước đoạt tài sản tư sản, địa chủ…) và tiêu diệt các chính đảng quốc gia như Quốc dân đảng đã diễn ra với sự cố vấn của Trung Quốc. Cán bộ cố vấn Trung Quốc có mặt ở từng đơn vị, từng địa phương thôn, xã.

Kế tiếp, để bảo vệ Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh và Lê Duẩn đã phát động chiến tranh tại Miền Nam Việt Nam, bên kia Vĩ tuyến 17. Đó cũng chính là chủ trương của Liên Xô, đặc biệt là của Trung Quốc: đỏ hóa Đông Dương và cả Đông Nam Á, đồng thời ghìm Mỹ, buộc Mỹ càng sa lầy tại Việt Nam càng tốt cho họ và cho Khối Cộng sản.

Dĩ nhiên, Hồ Chí Minh và Lê Duẩn đã nắm chắc quan điểm: để phòng ngừa chiến tranh, để chấm dứt chiến tranh, tốt nhất là phải bằng bạo lực chiến tranh, và, “chính quyền từ họng súng”.

Sau 21 năm, từ 1954 đến 1975, đất nước Việt Nam cả hai miền đã được thống nhất, dưới ngọn cờ đỏ.

Từ đó, không còn con đường nào khác, là vẫn duy trì ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, mặc dù Trung Quốc đã lộ rõ bản chất bành trướng từ 1956, 1974 ở Hoàng Sa, 1975 ở biên giới Tây Nam, ở Campuchia, 1979 ở biên giới phía Bắc, 1988 ở Gạc Ma và các đá, bãi khác tại Trường Sa, và, 1991, chỗ dựa quan trọng nhất là Liên Xô cũng đã sụp đổ.

Khi gọi là đà trượt đỏ, hậu thế chúng ta phải thấy rõ là trước 1920, không có nước mạnh nào, chính đảng ngoại quốc có thực lực nào ủng hộ Việt Nam chúng ta, để có thể đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập cho dân tộc. Từ 1920, chỉ có Liên Xô, và sau Liên Xô, là cả khối cộng sản ủng hộ, dĩ nhiên với điều kiện phải lệ thuộc vào Liên Xô, phải đi theo con đường đỏ, con đường Cách mạng Tháng Mười Nga. Trong đó, về địa chính trị, Trung Quốc là nước gần kề, được sự ủy nhiệm của Liên Xô, và Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp phụ thuộc Trung Quốc.

Mỹ có ủng hộ Cách mạng Tháng Tám 1945, nhưng sau đó Mỹ đã xem việc chống cộng sản là quan trọng hơn việc ủng hộ phong trào giành độc lập dân tộc.

Với quan điểm bạo lực cách mạng là tiên quyết, “lấy công làm thủ”, và tương kế tựu kế theo tham vọng bành trướng và bá quyền Liên Xô – Trung Quốc, Hồ Chí Minh và Lê Duẩn ở Hà Nội không thể không lao theo đà tiến đỏ (hay đà trượt đỏ). Vả lại, thống nhất đất nước vốn là nguyện vọng có tính truyền thống nghìn đời của dân tộc Việt Nam (mặc dù thực chất toàn dân không thích đỏ cũng không thích vàng). Do đó, tình thế đã hội đủ điều kiện thuận lợi cho Hà Nội phát động chiến tranh vào Miền Nam nước ta.

Đà tiến đỏ hay đà trượt đỏ, như vậy, là từ 1920 cho đến nay, 2015.

Một bộ phận rất lớn trong dân tộc ta thuộc khuynh hướng chính trị vàng (vì không đỏ), nhất là những ai thuộc Miền Nam Việt Nam trong giai đoạn chia cắt Nam – Bắc (1954-1975), xin cảm thông cho bộ phận đỏ như thế.

Nhưng đỏ có thấu hiểu vàng không? Thấu hiểu như thế nào?

T.X.A.

(*) Mặc dù có sự rạn nứt, thậm chí thù địch, giao tranh giữa Liên Xô và Trung Quốc, nhưng cả hai đều viện trợ cho Bắc Việt Nam chống Việt Nam cộng hoà và chống Mỹ; đường tiếp tế từ Liên Xô ngang qua Trung Quốc không bị gián đoạn. Bài viết này không đề cập đến vấn đề đó, nhưng vẫn được trích dẫn như trên để thấy rõ tư tưởng Mao Trạch Đông, Staline…

(còn tiếp)

XIN XEM TIẾP PHẦN 2:
https://txawriter.wordpress.com/2015/04/27/txa-viet-nam-cho-niu-vang/

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1568942480046364&set=a.1398271570446790.1073741831.100007918808885&type=1&theater

.

https://txawriter.files.wordpress.com/2015/05/2-trang-16-17-su-that-quan-he-vn-tq_nxb-su-that-ha-noi-1979.jpg

https://txawriter.files.wordpress.com/2015/05/2-trang-18-19-su-that-quan-he-vn-tq_nxb-su-that-ha-noi-1979.jpg

.

Đã đăng ở Facebook:
https://www.facebook.com/notes/1568973653376580/?pnref=story

Xem ảnh chữ lớn hơn — Xin bấm vào đây

.
.
http://www.tranxuanan-writer.net
http://www.txawriter.wordpress.com
http://www.facebook.com/tranxuanan.writer
.

Một bình luận to “Hòa giải dân tộc, 30-4: VIỆT NAM, ĐÀ TRƯỢT ĐỎ VÀ CHỖ NÍU VÀNG (phần 1)”

  1. […] Hòa giải dân tộc, 30-4: VIỆT NAM, ĐÀ TRƯỢT ĐỎ VÀ CHỖ NÍU VÀNG (phần 1) […]

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.