Chiếc cầu Ý Hệ (cầu Hiền Lương)

Người bắn nhau nhưng đâu phải bắn nhau, Bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó (TrầnXuânAn)

Archive for Tháng Mười Hai, 2008

Ve “Hoi ky Nguyen Dang Manh”

Posted by Trần Xuân An trên 04.12.2008

hidden hit counter

02-12 HB8:
Về “Hồi kí Nguyễn Đăng Mạnh”

 

 

GS. Nguyễn Đăng Mạnh — Nguồn ảnh: BBCVietnamese

1

Cuối tháng 9 vừa qua, khi từ Đà Lạt về lại TP.HCM., WebTgTXA. nhận được một thông tin qua một người bạn trẻ: “Hồi kí Nguyễn Đăng Mạnh” đã được ai đó công bố trên mạng vi tính toàn cầu. Bận nhiều việc, WebTgTXA. chưa kịp đọc để giới thiệu cùng quý người đọc (bấy giờ cũng thoáng nghĩ là không “có vấn đề” gì). Cách đó chỉ khoảng hơn hai mươi ngày sau (25-10 “08), lại thấy trên tạp chí điện tử BBC Tiếng Việt có bài viết về cuốn sách ấy, cùng lời phát biểu về nó của 3 vị khoa bảng từ Việt Nam: PGS.TS. Trần Ngọc Vương, GS.TS. Trần Đình Sử, GS.TS. Mai Quốc Liên. Qua đó, mới giật mình: vậy là hồi kí của GS. Nguyễn Đăng Mạnh “có vấn đề”, chứ chẳng đùa. Thế rồi, trong những ngày gần đây, trên báo chí in giấy, báo chí điện tử thuộc loại chính thống như Tạp chí Nhà văn số tháng 11 “08 (nhà thơ Đỗ Hoàng), tuần báo Văn nghệ Trẻ, 2 số — số 47 (629), 23-11 “08 và số 48 (630), 30-11 “08 — (nhà thơ Đặng Huy Giang & PV.; Ô. Nguyễn Hữu Thăng), tạp chí điện tử Hội Nhà văn Việt Nam (cập nhật 09-11 “08 — nhà văn Văn Chinh), Tạp chí điện tử Sông Cửu Long (cập nhật 02-11 “08 — nhà văn Vũ Tú Nam), vân vân, còn thấy có những bài phê phán. Như vậy, dẫu thận trọng đến mấy cũng phải tin đó là cuốn hồi kí có thật, cho dù chỉ mới ở dạng PDF (hình như một số điểm mạng [website, weblog] khác đã bẻ khóa, đăng luôn ở dạng doc./word/ html).

 

Và tuy chưa thật tin lắm vào vào từng chữ, từng trang ở loại sách trên mạng vi tính toàn cầu, vì nó có thể bị sửa chữa, thêm bớt, nhưng không thể không tin là cuốn sách ấy có thật. WebTgTXA. biết rằng một khi đã được báo chí chính thống ở Việt Nam xới lên như thế, chắc “vấn đề” phải được giải quyết rốt ráo, nhất là những gì liên quan đến đời tư nhà thơ Hồ Chí Minh, nhà thơ Tố Hữu và nhiều nhà thơ, nhà văn, họa sĩ thuộc loại chức quyền hoặc tên tuổi khác: Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Hoài Thanh, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, Thanh Tịnh, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Hoàng Ngọc Hiến, Dương Thu Hương, Lưu Công Nhân, Hữu Thỉnh, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Đăng Khoa …

 

Phải chăng đó là một tín hiệu để giới sử học, văn học, lịch sử hội họa đi đến tận cùng sự thật nhằm làm sáng tỏ “vấn đề”? Oan, phải chính thức minh oan. Đúng lỗi, phải được chính thức ghi lỗi; đúng khuyết, nhược điểm (gồm cả khuyết tật bẩm sinh [*]), phải chính thức ghi khuyết, nhược điểm (và tật nguyền bẩm sinh). Tai nạn danh dự, phải chính thức ghi là tai nạn danh dự. Sống làm con người, ai cũng có lỗi hay có khuyết điểm, nhược điểm, tật điểm, ai cũng bị tai nạn danh dự, vấn đề là nặng hay nhẹ mà thôi.  

 

2

Từ nhiều năm qua, WebTgTXA. được biết GS. Nguyễn Đăng Mạnh vốn là một giảng viên đại học khả kính, một nhà nghiên cứu, phê bình văn học vượt trội trong làng văn Việt Nam, đặc biệt là mảng văn chương Miền Bắc. Điều đáng quý ở GS. là ông giảng bài, viết phê bình, nghiên cứu có văn và văn ông mang một vẻ đẹp có chiều sâu trí tuệ, nhưng đáng quý nhất là ông đã rất nhiều lần nhấn mạnh, đề cao, kêu gọi các nhà sáng tác văn chương cần phải chú trọng đến phong cách (style) và tư tưởng (ideology) riêng. Phải nói đó là cả một thái độ dũng cảm trong giai đoạn “bao cấp tư tưởng”, thời mà người cầm bút sợ hãi, bấn loạn đến co rúm lại do bị săm soi về tư tưởng, vì chỉ cần có một nét riêng tư tưởng cho dù chỉ trong giới hạn ý hệ đương thời là cũng đủ bị “ngâm tôm”… Nói như thế, có nghĩa là WebTgTXA. không hề có ý vô phép đánh đồng GS. Nguyễn Đăng Mạnh vào loại “phản động về chính trị”. Và nói như thế, cũng không có nghĩa WebTgTXA. dám nhận định chung về toàn bộ trước tác của GS. Nguyễn Đăng Mạnh, gồm cả cuốn hồi kí của ông mới “bị” ai đó công bố trên mạng vi tính toàn cầu, theo ông, là ngoài ý muốn của ông.

 

Theo ý kiến sơ khởi của WebTgTXA., “Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh” đã được tung lên trên mạng vi tính toàn cầu như một “quả bóng thăm dò dư luận”, trước khi ông hoàn chỉnh bản thảo. Dẫu sao, đó mới chỉ là bản sơ thảo. Chúng ta hãy đợi nhiều ý kiến phản hồi rộng rãi, trước hết là từ những nhà văn chương, nhà hội họa, đặc biệt là những nhà chính trị, được đề cập hoặc nhiều, hoặc ít, trong hồi kí sơ thảo của ông (vì họ có quyền tự bảo vệ, tự thanh minh), và thêm vào đó, rất quan trọng, là những ý kiến khác của nhiều người thân, người quen biết với họ (nhất là đối với các nhân vật đã quá cố) và nhiều người đọc từ nhiều giới cấp, nhiều nơi chốn. Chúng ta cũng mong rằng, việc thu thập ý kiến phản hồi công khai, dân chủ ấy không chỉ do GS. Nguyễn Đăng Mạnh, mà do nhiều người đọc, nhiều kẻ sĩ, nhiều tòa soạn trong và ngoài nước khác nữa. Và không ai có quyền ngăn chận những ý kiến phản hồi ấy. Cuối cùng, GS. Nguyễn Đăng Mạnh có thể chỉnh sửa và hoàn tất hồi kí của ông, hoàn toàn theo ý ông một cách độc lập. WebTgTXA. hi vọng, tin tưởng GS. Nguyễn Đăng Mạnh không mị dân chủ, không uốn con ngòi bút. Có điều, những ý kiến phản hồi cũng được in chung như là phụ lục của hồi kí, cho dù trái ngược với những gì ông viết. Có lẽ như thế là công bằng, dân chủ, công khai, lại điều hòa được quyền tự do, độc lập trước tác của người viết hồi kí và quyền tự thanh minh, tự nhận thức, tự phản tỉnh, tự định giá của người được đề cập đến trong hồi kí (có thể cả người không được đề cập đến một cách thiếu công bằng hoặc do ông không có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc).

 

WebTgTXA. phỏng đoán và kính đề xuất như thế.

 

——– WebTgTXA. ———

Viết tại TP.HCM., 02 & 03-12 HB8 —— Cập nhật: 10 : 41′, 04-12-HB8.

[*] Xem: Trần Xuân An — “Mùa hè bên sông”, chương 14 (>>>>> find on this page: Bác Hồ)

Posted in Ve Hoi ky Nguyen Dang Manh | Thẻ: | 28 Comments »

Ý nghĩ về dự kiến sửa đổi sách giáo khoa văn & sử

Posted by Trần Xuân An trên 02.12.2008

hidden hit counter

ĐỂ HÒA HỢP, HÒA GIẢI, HÀN GẮN VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH – HẬU CHIẾN, VỚI NIỀM CẢM THÔNG THỰC SỰ, KHÔNG ĐẦU MÔI CHÓT LƯỠI, VÀ ĐỂ THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC Ở CHIỀU SÂU, TRÊN CƠ SỞ SỰ THẬT LỊCH SỬ KHÁCH QUAN, XÁC THỰC (SỰ THẬT LỊCH SỬ KHÔNG BỊ VO TRÒN, BÓP MÉO), WEBTGTXA. ĐĂNG LẠI BÀI NÀY Ở ĐÂY:

Ý NGHĨ VỀ DỰ KIẾN

SỬA ĐỔI SÁCH GIÁO KHOA VĂN HỌC & SỬ HỌC

Trần Xuân An

Không phải đến những ngày tháng gần đây, vấn đề khác biệt về nhận thức và bình giá văn học cũng như sử học trong nhà trường và trên sách báo mới được đặt ra. Như ở một số bài viết tôi đã có dịp bàn đến sự thể này, đó là một bức xúc có thật, thật đến mức hiển nhiên, ai cũng thấy, cũng biết, chứ không chỉ là nhà giáo, không chỉ là học trò từ cấp I phổ thông (tiểu học) đến đại học. Bức xúc ấy có tính chất toàn xã hội, trên cả nước, nhất là ở Miền Nam, diễn ra từ sau Ngày Thống nhất 30-4-1975, khi chiếc cầu Hiền Lương (1954-1972) và cầu Thạch Hãn (1972-1975) không còn là vết thương chia cắt đất nước.

 

.

Cầu Hiền Lương (ảnh trái, 1) & sông Thạch Hãn (ảnh phải, 2)

Nguồn ảnh: 1. Web Tuổi Trẻ (search) 2. Tập sách “Quảng Trị, tiềm năng & triển vọng đầu tư”, Sở KH.&ĐT.QT., 1996, tr.50

Trước hết, đó là sự khác biệt giữa hai hệ tư tưởng: Marx-Lénine và dân chủ tư hữu. Hệ tư tưởng thống trị, bao trùm của mỗi Miền là nền tảng của mọi nhận định, bình giá văn học, sử học.

Kế đến, đó là hậu quả tàn dư do sự chia cắt trước đó, thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, mà vết thương hơn 200 năm (1558-1786) là sông Gianh. Sử học đã ghi nhận về sự phân biệt, kì thị giữa hai Đàng, Đàng Trong và Đàng Ngoài, từ sau khi Quang Trung, Gia Long thống nhất đất nước, quy hai Đàng về một mối. Dẫu muốn dẫu không, sự thật ấy đã diễn ra từ đó cho đến tận cuối triều Tự Đức và cho đến mãi về sau này. Thực trạng chính trị, xã hội ấy tạo nên tâm thế của người cầm bút, ở cả nhà viết sử lẫn nhà làm thơ. Tàn dư Trịnh – Nguyễn phân tranh lại có dịp thể hiện rõ trong giai đoạn 1954-1975.

Có thể khẳng định hai nguyên nhân, ngoại sinh (hệ tư tưởng ngoại nhập) và nội sinh (tâm thế kì thị Đàng, Miền), một cách cụ thể hơn, qua vài nét khái lược về văn học và sử học Miền Bắc. Tôi cũng chỉ giới hạn ở bài viết này trong phạm vi 117 năm cận – hiện đại (1858-1975), chưa tính đến giai đoạn kế tiếp, với sự chỉnh đổi sách giáo khoa sau khi cuộc chiến tranh biên giới Tây – Nam, biên giới phía Bắc bộ nổ ra, thực chất chính là chiến tranh Việt – Trung (1975-1989).

Hoàn toàn không phải là vu khoát, cường điệu, khi nói thật rằng, văn học và sử học Miền Bắc chính là sự kéo dài văn học và sử học Đàng Ngoài. Sách giáo khoa các bậc từ phổ thông 3 cấp cho đến đại học Miền Bắc lên án đến mức nguyền rủa hết lời nhà Nguyễn, từ các chúa Nguyễn cho đến các vua Nguyễn, nặng nhất là các vua Nguyễn (từ 1802), ngay cả trong giai đoạn triều Nguyễn nhất thống còn độc lập (1802 – 1885), kể từ Tự Đức trở về trước, và ngay cả triều đình dưới thời Hàm Nghi; đồng thời, lại đề cao những cuộc phản loạn do Phan Bá Vành hay Cao Bá Quát khởi xướng. Song song với sử học, nhận định sách giáo khoa văn học về thời kì này, lại đề cao đến mức tột đỉnh các thiên tài văn chương từ Nguyễn Du cho đến Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, nhất là ca ngợi tư tưởng chống đối, bất mãn nhà Nguyễn của họ. Thực sự, đó cũng là những thiên tài văn chương trác tuyệt của văn học sử nước ta, phần lớn do bi kịch lịch sử sản sinh, nhưng thực chất là phản động về chính trị, “hoài Lê, kháng Nguyễn”, những thiên tài thuộc loại Lamartine, “kẻ phản động có lời thơ tao nhã” (lời nhận định của Karl Marx).

Chỉ có giai đoạn chính triều nhà Nguyễn đã trở thành nguỵ triều đích thực, từ Đồng Khánh cho đến Bảo Đại (ngoại trừ cá nhân hai vị vua yêu nước là Thành Thái, Duy Tân), và cả xã hội nước ta, từ Nam chí Bắc, đã nằm dưới gót giày thực dân, tả đạo, thời kì này (1885-1945), là sự lên án đạt được tính hợp lí, nếu gạt đi một số nét hạn chế do nhận thức sai lệch về giai đoạn lịch sử trước 1885 trong tâm thức nhà sử, nhà thơ Đàng Ngoài thuở bấy giờ, mà Phan Bội Châu là tiêu biểu (riêng ông còn có những sai lầm nghiêm trọng), mặc dù giai đoạn này còn có những thiên tài kiệt xuất thuộc dạng khác, như Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương. Tôi chưa nói đến giai đoạn nhỏ trong thời kì ấy, đó là thời thịnh hành, nở rộ nhất loại văn chương quốc ngữ ABC, thường được các nhà văn học sử xác định là từ 1930 đến 1945, với sự phân chia 3 dòng chủ lưu văn học: hiện thực phê phán, lãng mạn và cách mạng.

Sở dĩ có một sự hợp lí trong chừng mức nhất định như vậy trong nhận định văn học, sử học về giai đoạn 1885-1945 (kể cả bộ phận văn học thời Cần vương, 1885-1896), là bởi, ưu thế chính trị của sĩ dân Đàng Trong hoàn toàn suy sụp một khi triều Nguyễn đã là bù nhìn, tay sai, sau cuộc Kinh đô quật khởi và bị thất thủ (1885). Từ 1885, Đàng Trong cũng thảm hại như Đàng Ngoài.

Một điểm khác, đó là sự đề cao thái quá văn học cách mạng, đặc biệt từ 1930, về phương diện tư tưởng cho đến giá trị nghệ thuật. Nếu có sự bình tâm và không cần thiết phải phục vụ cho nhiệm vụ tuyên truyền chính trị trong văn học, có lẽ phải thấy rằng, văn học lãng mạn, hiện thực phê phán có giá trị nghệ thuật cao vượt hẳn dòng văn học cách mạng, mặc dù về tư tưởng, nói chung là còn quá nhiều hạn chế; trong khi đó, dòng văn học cách mạng có giá trị về mặt tư tưởng vì bản thân dòng văn học này là chống thực dân, phong kiến bù nhìn và có cái nhìn thiện cảm, quý trọng nông dân, công nhân, những người cùng khổ, nhưng lại non yếu về giá trị nghệ thuật (chỉ nổi bật toàn diện là thơ Tố Hữu).

Cũng trong giai đoạn 1930-1945, về sử học, nếu lúc này đụng chạm đến, vẫn còn là một vấn đề “nhạy cảm” chết người! Nhưng nếu phải nói thật, chắc hẳn ai cũng nhận thấy thái độ phân biệt địch – ta quá cứng nhắc, phần nào đó, không phải là nhỏ, có thể nói là sai với sự thật lịch sử. Nếu nhiều người thuộc thời kì trước, căm ghét và lo sợ câu nói cực đoan của Jésus, “ai không tin ta thì đó là kẻ thù của ta” (*), thì ở giai đoạn này, lại sợ hãi tính cực đoan thể hiện ở chỗ ai không theo Đảng Cộng sản, ai còn sống và làm việc ở vùng thực dân, phong kiến tay sai thống trị, là đều đáng ngờ, là kẻ thù, thậm chí các đảng phái chống Pháp, chống phong kiến nhưng không cộng sản thì dứt khoát là nguy hiểm bội phần. Nhưng điều đáng phải ghi vào sử học chân chính là từ 1930 (có thể kể thêm dăm bảy năm trước đó): Có sự phân hoá rõ rệt giữa các bộ phận yêu nước, chống Pháp, chống phong kiến hay thoả hiệp cầm chừng với nguỵ phong kiến; nguyên nhân chủ yếu do Đảng Cộng sản Việt Nam (kể cả Việt Minh) là một tổ chức chính trị mang hệ tư tưởng và ngọn cờ ngoại nhập. Tôi đã viết, đại để, trong lịch sử 4.000 năm của dân tộc, chưa từng có một anh hùng dân tộc nào lại là cán bộ của một tổ chức quốc tế, đứng đầu và chỉ huy là những người ngoại quốc. Hồ Chí Minh là một anh hùng dân tộc kiểu ấy, thì rất khó để không xảy ra sự phân hoá dân tộc. Bảo Đại là tay sai, nhưng y vẫn là người Việt, con cháu nhà Nguyễn, vốn đã có hàng trăm năm chính danh trong lịch sử. Tai hại thay, nhưng cũng đáng suy nghĩ thay: không phải ít, quả thực cả một bộ phận lớn sĩ dân Việt Nam lại ngả vào phía y. Chưa biết ngôi nhà mới và chủ ngôi nhà ấy cùng “quan thầy Nga Sô, Trung cộng” ra sao, ai dám bỏ ngôi nhà cũ kĩ, mục nát với tên chủ nhà tuy bù nhìn nhưng còn chút hào quang chính danh do tổ tiên y để lại. Một lẽ khác, các đảng cộng sản, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam, lại chủ xướng hệ tư tưởng vô thần, không thờ cúng tổ tiên nữa! Cho nên, sự phân hoá xã hội là tất nhiên. Và không phải những ai ở vùng tề, nguỵ, thậm chí làm quan cho nguỵ triều Bảo Đại, làm lính cho thực dân Pháp với ngọn cờ “bảo hộ” cũng đều là bán nước, cầu vinh. Bộ phận này chống cộng với hi vọng có ngày sẽ chống được Pháp và cả triều Nguyễn tay sai. Nói cách khác, họ tâm nguyện chân thành, là dựa vào giặc Pháp, vào nguỵ triều để chống “giặc Cộng” (sic), trong khi chờ thời cơ mới, để có thể quay lại chống Pháp và nguỵ triều ấy. Dẫu sao, sử học cũng phải ghi rõ điều đó: có sự phân hoá xã hội vì chưa có một lực lượng cách mạng nào là hoàn toàn có sức mạnh từ nội lực dân tộc, mà đều dựa vào ngoại bang, giương cao ngọn cờ ngoại bang, thậm chí có lực lượng mang hệ tư tưởng vô thần, xa lạ với truyền thống dân tộc.

Một điểm khác, đó là nhận định về lịch sử Thiên Chúa giáo ở nước ta trong quá trình truyền đạo gắn liền với sự câu kết cùng quá trình bành trướng của chủ nghĩa thực dân Phương Tây. Về điểm này, chỉ có loại sách chuyên sâu và “lưu hành nội bộ” mới đi sâu vào, viết đúng thực chất. Nhưng trong sách giáo khoa phổ thông, đại học, lại lướt nhẹ (mặc dù những nét lướt nhẹ ấy cũng thành vấn đề với bộ phận linh mục, giáo dân cuồng tín, với bộ phận lãnh đạo giáo hội, toà thánh). Chắc hẳn cần phải sửa sách giáo khoa cho sát đúng với sự thật lịch sử: Thiên Chúa giáo là lực lượng phản quốc, “nội xâm” từ 1858 đến 1975, mà giai đoạn từ 1885 đến 1954, Pháp còn muốn sử dụng bù nhìn nhà Nguyễn, mặc dù thực chất vẫn trọng dụng người của Thiên Chúa giáo, như Nguyễn Hữu Bài, Ngô Đình Khả, Ngô Đình Diệm, đặc biệt từ 1954 đến 1975, ở Miền Nam, thực chất là “đỉnh cao” của quá trình Thiên Chúa giáo câu kết với chủ nghĩa thực dân, đế quốc, từ đệ nhất cộng hoà với Ngô Đình Diệm đến đệ nhị cộng hoà với Nguyễn Văn Thiệu. Sự tự do, tự chủ của nhân dân dưới ách tả đạo là do quá trình đấu tranh của nhân dân Miền Nam, trong đó lực lượng Phật giáo là rất quan trọng. Sử học cần ghi nhận tinh thần quật cường, bền bỉ của nhân dân Miền Nam, Phật giáo Miền Nam chống Thiên Chúa giáo và đế quốc Mỹ, mặc dù vẫn chống cộng như một lực lượng ngoại xâm của Nga Sô, Trung Cộng (mà Trung Cộng cũng thoát thai từ Nga Sô).

Điểm cuối, sử học phải ghi nhận như lâu nay đã ghi nhận: Công lao đánh đuổi thực dân Pháp, đánh đổ nguỵ triều Bảo Đại, góp phần đánh đuổi phát xít Nhật, bền bỉ đánh đuổi đế quốc Mỹ và đánh đổ nguỵ quyền Sài Gòn của Đảng do Hồ Chí Minh – Lê Duẩn lãnh đạo thật sự là vĩ đại. Tuy nhiên, công lao ấy mặc dù vĩ đại nhất lịch sử 4.000 năm của dân tộc, nhưng cũng không thể so sánh với công lao thuần tuý dân tộc, thuần tuý nội lực của các anh hùng dân tộc trước đó, như Ngô Quyền, Lê Lợi…

Không phải là sửa đổi sách giáo khoa vì cần phải thích nghi với thời “hội nhập”, “thoái trào cách mạng”, hay vì con cháu vua quan nhà Nguyễn, lính nguỵ Miền Nam (kể cả bộ phận đồng bào Bắc Việt, giáo dân Thiên Chúa giáo di cư) không chịu học, chán học (**), mà cần thiết phải sửa đổi sách giáo khoa vì tính khoa học cần phải có của văn học, sử học: Nhận định văn học, sử học phải xác thực, đúng với thực trạng văn học và sự thật lịch sử.

Tôi tự ý thức những ý nghĩ trên một khi được nêu ra một cách công khai một lần nữa, hẳn sẽ còn có những phản ứng gay gắt, thậm chí tôi sẽ bị quy chụp là “phản động”, “phản quốc”. Nhưng thực trạng văn học sử, sự thật lịch sử (1858-1975) là như thế. Chỉ có thể thống nhất đất nước về chiều sâu, thực sự hoà giải, hoà hợp dân tộc trên nền tảng sử học và văn học, khoa học – lịch sử, khoa học – nghệ thuật của sự thật và về sự thật, trong đó, sử học là quyết định.

Bài viết tạm kết thúc ở đây, mặc dù vẫn còn một vài thiếu sót – những thiếu sót tôi đã viết đầy đủ ở những bài viết, trong những cuốn sách đã xuất bản, in giấy hay đang ở dạng văn bản kí tự điện tử.

Bài viết sẽ còn được sửa chữa và có thể sẽ bổ sung thêm, chẳng hạn về văn học hai Miền từ 1954 đến 1975.

Làm thế nào có thể viết thật bình tâm trước những vấn đề to lớn và đầy kích ứng đến thế!

TP.HCM., khoảng 8 : 30 đến 11 : 26’, thứ sáu (thứ bảy cũ), ngày 14-7 HB7

& lúc 15 giờ cùng ngày

Trần Xuân An

____________________________

(*) “Kinh Thánh”, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam ấn hành, 1986: Nguyên văn trọn câu ở bản dịch này: “Ai không ở với ta, thì nghịch cùng ta; ai không thâu-hiệp với ta, thì tan ra” (Ma-thi-ơ : 12 : 30; sđd., Tân ước, tr. 15). Một đoạn khác, Jésus cũng nói đến niềm tin vào Đức Thánh Linh là điều kiện tối thượng và tiên quyết, nhưng còn ngụ thêm ý: phải truyền đạo, làm lợi cho tôn giáo của Jésus đến mức tối đa, vì Jésus tự ví mình cũng như một lãnh chúa, “là người nghiêm ngặt, hay lấy [tiền của – chua thêm] trong nơi không để [tiền của – ct.], gặt trong chỗ không gieo” (Lu-ca : 19 : 22; sđd., Tân ước, tr. 96), một lãnh chúa từng răn bảo đầy tớ không làm lợi cho y: “Ta nói cùng các ngươi, ai có, thì sẽ cho thêm; song ai không có, thì sẽ cất luôn của họ đã có nữa. Còn như những kẻ nghịch cùng ta, không muốn ta cai-trị họ, hãy kéo họ đến đây, và chém đi trước mặt ta” (Lu-ca : 19 : 26-27; sđd., Tân ước, tr. 96). Jésus (theo loại “Kinh Thánh” đã bị sửa chữa bởi Vatican qua nhiều đợt chỉnh lí có tổ chức) là một giáo chủ độc tài, chuyên chế, bành trướng. Đối chiếu với hiện thực lịch sử 2000 năm của châu Âu và vài ba trăm năm của châu Mỹ (Tân Thế giới), cho thấy, không một tôn giáo nào không tin “Kinh Thánh” Thiên Chúa giáo có thể truyền đạo, phát triển được trên 2 châu lục ấy, dưới ách chuyên chế độc tài của Thiên Chúa giáo. Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo chỉ là các chi phái tôn giáo li khai khỏi Thiên Chúa giáo. Quá trình li khai cũng đẫm máu. Riêng Do Thái giáo xuất hiện trước cả Thiên Chúa giáo, cố nhiên tin vào Cựu ước (thuộc “Kinh Thánh”), cũng chịu đẫm máu bởi những cuộc “thập tự chinh”.

(**) Đây là một luận điệu bị phóng đại để tuyển sinh đại học chủ yếu là học sinh Miền Bắc và đưa cán bộ, giáo viên Miền Bắc cùng gia đinh họ vào Miền Nam.

Xem trên WebTgTXA. (bấm vào đây)
Bài cũng đã được cậy đăng trên Web Ngô Hữu Đoàn:
LINK (bấm vào đây)

Posted in Sua doi sach giao khoa van su | Thẻ: | 26 Comments »