.
Chỉ là kỉ niệm thuở học trò trường sư phạm…
Cảm nhận năm 18 tuổi (1974) về một hình tượng tiểu thuyết (một nhà giáo trẻ với công tác giáo dục học sinh cá biệt):
Tự nhận xét:
1) Tác giả bài viết là tôi, viết vào thuở còn là sinh viên năm thứ nhất, 18 tuổi. Do đó, ngôn từ có chỗ cháy bùng hoặc thấm đẫm cảm xúc, thiếu kìm chế, và tôi cũng viết rõ là tôi ý thức về điều ấy, trong bài viết và nhất là ngay ở nhan đề: “Chút mê sảng hồn nhiên”.
2) Theo pháp luật, nhà giáo không có quyền công khai yêu đương với học sinh trung học (chưa phải trên 18 tuổi, còn thuộc lứa tuổi vị thành niên), nhất là có cử chỉ thể hiện cảm xúc giới tính nam, nữ. Như thế là phạm pháp và trái đạo lí.
T.X.A.
.
CHÚT MÊ SẢNG HỒN NHIÊN
Trần Xuân An
Tôi gặp “Ngựa chứng trong sân trường” (*) thật bất ngờ. Và niềm xúc động cũng bất ngờ khi trang cuối của tác phẩm gấp lại.
‘Được chứ?
Được. Đọc đi’.
Một bạn vàng đã cho tôi mượn cuốn sách dày mấy trăm trang đó, nhưng đã cho tôi luôn một hình ảnh không những ‘được’ mà còn tuyệt vời: Hình ảnh của một nhà giáo trẻ, rực rỡ và não nùng. Tôi yêu vẻ can đảm, kiên nhẫn và tràn ngập đam mê trong tâm hồn của giáo sư Trần Minh Định. Tôi yêu luôn tác giả Duyên Anh.
Quả thật, tôi đã yêu Duyên Anh. Đúng hơn, tôi mê Duyên Anh, chỉ một Duyên Anh với “Ngựa chứng trong sân trường”.
Tôi mê? Vâng, nên có thể rất sảng, rất mù quáng. Phê bình cần sáng suốt và uyên bác, cần thông minh và thâm trầm, cần tế nhị và bay bướm. Tôi không làm công việc đó. Và làm thế nào được khi hình ảnh của nhà giáo trẻ cô độc, trơ vơ bên bảng đen đã làm tôi xúc động ghê gớm – niềm xúc động quá đỗi bất ngờ và sâu sắc. Thú thật đôi khi tôi muốn khóc, và lắm lần phẫn nộ. Nhìn dòng nước mắt chảy ngược vào hồn hoà với nỗi căm giận nuốt xuống, tôi muốn gào thét. Tôi muốn nói. Tôi thèm kể lể. Tôi xin mọi người hãy lắng nghe tôi dù chỉ một lời, ngắn ngủi và chân thật: Tôi mơ làm người Trần Minh Định. Thế thôi. Tuy nhiên lời nói đó tự nó là một cô đơn, lạc lõng, một tiếng kêu không đáp, và rất vô duyên. Tại sao tôi phải ồn ào về ước mơ của mình? Bạn ơi, làm sao để trả lời? Làm sao để dễ dàng nói lên một lí tưởng mà giữa chúng ta buông xuôi? Làm sao vẽ nên một hình ảnh chói loà giữa hôm nay tăm tối?
Quả thật, tác phẩm đã ám ảnh tôi không ngớt. Trong những sáng mai lầm lũi đến trường, qua cửa cổ thành xưa cũ lạnh lùng, bước trên vai Trường Tiền gầy yếu, tôi nhớ về một nhà giáo khắc khổ, tội nghiệp, nhưng quá đỗi hào hùng và kiên nhẫn. Tôi nhớ như nhớ một người thân tình yêu mến suốt đời tôi ngưỡng vọng. Tôi yêu vẻ cô độc căm căm cầm phấn trắng, bên bảng đen, trước những ánh mắt phẫn nộ, căm hờn. Tôi thương nét kiên nhẫn và độ lượng trong cuộc chinh phục bầy thú hung bạo và bất mãn. Tôi cảm ánh mắt đầy thương yêu nhìn xuống, rót đầy những trái tim hoang tàn, trống vắng. Tôi thương nhớ và mến phục như chưa bao giờ. Nói quá đi, tôi “tương tư”.
Quả thật, suốt đời tôi chỉ “tương tư” những bóng hình không thật. Tôi mười lăm tuổi đã điên dại với nàng chinh phụ của Đặng Trần Côn và bây giờ, với nhà giáo trẻ trong tiểu thuyết Duyên Anh. Tôi không tưởng thật hồn nhiên. Tôi phiêu bồng quá đỗi ngây thơ. Tôi biết. Nhưng làm thế nào đây?
.
.
… “Người tuỳ phái già hỏi tôi:
– Thầy bị đổi xuống đây à?
Tôi lắc đầu:
– Không, tôi chọn trường này.
Người tuỳ phái già tỏ vẻ ái ngại. Ông ta nhìn tôi, muốn nói chuyện gì đó nhưng lại ngập ngừng”… (*).
Hãy nghe nhà giáo kể chuyện qua ngòi bút của Duyên Anh. Chút ái ngại từ ánh mắt của người tuỳ phái, qua giọng kể bắt đầu, như báo trước một thử thách gay cấn trải dài trên tác phẩm. Nét bút đầu thường quyết định cho tình tiết câu chuyện, kinh nghiệm thế. Và tình tiết được trình bày tiếp theo là một trái ngược, cô đọng trong hình ảnh “vài cậu học trò, miệng ngậm thuốc lá, lững thững bước dưới nắng lửa” và “nhà giáo phải bán báo suốt bảy năm trung học, lên đại học phải kèm trẻ để kiếm cơm”. Duyên Anh muốn nói gì thế? Mới đọc, tôi có linh tính rằng mình sẽ tham dự một cuộc đối chọi kịch liệt giữa thầy và trò. Liệu họ có thông cảm nhau, hay bên này hoặc bên kia thảm bại? Với tôi, kẻ đã có lần “xung đột” (tranh cãi) trong lớp học với thầy giáo, khi tuổi vừa lớn (thú thật, bây giờ tôi rất xấu hổ mỗi khi nhớ lại), tôi quan niệm sự giáo dục trước hết phải tạo niềm thông cảm giữa hai phía. Sự cảm thông ấy như lần bắt tay thân mật giữa hai người bạn vong niên sơ giao. Có, cần phải có. Thiếu nó là bắt đầu cho một đổ vỡ. Thiếu nó là tan nát. Như thế, liệu họ có thông cảm nhau hay khởi đầu cho một đối chọi bi thảm? Tôi nóng nảy muốn biết, và những giòng chữ trả lời.
… “- Thầy biểu thầy chọn trường này à?
– Phải.
– Không hề bị đổi chứ?
– Không.
Ông tuỳ phái già hơi tò mò. Dường như, ông có cảm tình với tôi.
– Nói thiệt, tôi mà là thầy, tôi không thèm chọn trường này. Tôi mần ở đây lâu rồi. Chưa hề thấy học trò hư đốn như bây giờ. Bọn nó là giặc. Mấy ông thầy trước bị bọn nó phá quá, dạy hết nổi, cậy cục xin đổi hết trơn.
Ông ta rụt rè.
– Ông muốn dạy tôi vài kinh nghiệm chăng?
Ông tuỳ phái lễ độ:
– Đâu dám. Có điều thầy chớ nặng lời với bọn nó. Bọn đệ nhị B2 có nhiều thằng dao búa” (*).
‘Nói thiệt, tôi mà là thầy, tôi không thèm chọn trường này’. Lời ông tuỳ phái già như tiếng cảnh cáo trước một tai biến. Vâng, có thề là một tai biến nếu nhà giáo ích kỉ, nóng tính và thiếu bản lãnh. Tai biến ấy có thể thành tai nạn cho nền giáo dục, nếu nhà giáo mỉm cười sau những câu hỏi của ông hiệu trưởng:
… “Ông cầm gói thuốc mời tôi. Tôi từ chối.
– Không đúng ‘gu’ của toa, hả?
– Thưa ông, tôi không biết hút thuốc.
– Rượu?
– Không.
– Xì phé, chắn cạ?
– Cũng không.
– Toa làm moa sững sờ đấy” (*).
Ông hiệu trưởng sững sờ và quả thật, tôi cũng đã sững sờ, sững sờ trước sự từ chối những đam mê ‘nồng cháy’ nhất và cũng thường tình nhất của con người. Nhà giáo trẻ bắt đầu hiện ra với một tư cách tu trì, khắc khổ. Tôi bàng hoàng. Nhà giáo, theo Duyên Anh, có phải là kẻ tu hành hơn những kẻ tu hành vì không mặc áo nhà tu? Nếu thật, làm nhà giáo quả khó khăn hơn những nghề nghiệp khó khăn khác trong cuộc sống. Tôi muốn nói đến sự khó khăn khi chống lại những cám dỗ đã không được gọi là cám dỗ, không là những cấm kị. Nhà giáo không được giải trí bằng những cuộc đỏ đen và khói thuốc, hơi men.
Duyên Anh quá lí tưởng nên nhân vật rất đỗi lí tưởng. Chúng ta có thể nghĩ thế. Và quả thế. Nhưng sống, cách nào đó, phải hướng về một lí tưởng tuyệt vời. Lí tưởng là mặt trời và chúng ta là những đoá hướng dương đầy khao khát, chứa chan lòng ngưỡng vọng. Thiếu lí tưởng, chúng ta hoang phế, rã rời và bi thảm hơn, chúng ta sẽ héo hon, khô chết. Vì thế, nên tôi sống một đời sống ăm ắp lí tưởng. Tôi không xấu hổ khi nói thế. Tôi ngưỡng mộ nhà giáo trong tác phẩm của Duyên Anh. Tôi yêu ngay bước chân thứ nhất khi nhà giáo lần đầu đến ngồi ở văn phòng ông hiệu trưởng. Tôi phục nét bình tĩnh khi nhà giáo chạm trán với “những thằng dao búa lớp đệ nhị B2”.
… “Tôi vào lớp một mình, từ chối sự dẫn dắt của ông hiệu trưởng. Tôi muốn chứng tỏ mình đã lớn, đã là một ông thầy dạy học trò thi tú tài, dù tôi chỉ hai mươi bốn tuổi. Học trò lớp đệ nhị B2 chào đón tôi bằng tiếng hô ‘nghiêm’ dõng dạc. Tôi không giật mình. Thằng hô nghiêm đeo kính đen, ngồi đầu ghế bàn cuối lớp. Nó ngồi im, điếu thuốc lá đang cháy, kẹp giữa hai ngón tay nó. Tất cả đều đứng lên” (*).
… “Tôi thong thả bước xuống chỗ thằng đeo kính đen. Nó đã ngậm điếu thuốc và đang nhả khói. Vỗ khẽ vai nó, tôi nói:
– Cám ơn anh.
Nó hất đầu, ngạo mạn:
– Cám ơn gì?
Tôi cười làm quen:
– Cám ơn đã hô ‘nghiêm’. Tôi rất ghét nghi thức. Nghi thức thường vụ hình thức. Mà hình thức thường giả tạo. Ở lớp học, chỉ cần thành thật. Hãy ném sự giả tạo ra cuộc đời. Anh đã hô nghiêm, làm ơn hô ‘nghỉ’ giùm tôi” (*).
… “Nó dụi thuốc, đứng dậy, khoanh tay:
– Thầy mới chịu chơi số dzách. Ông khoái ‘nghỉ’, không khoái ‘nghiêm’. Vậy tụi mày ‘nghỉ’” (*).
… “Nó vẫn đứng. Một chân ghếch lên ghế. Nó búng tay tách một cái. Ba thằng cùng bàn nó đặt hết chân lên bàn y hệt những người khán giả thiếu tự trọng trong rạp chiếu bóng, thích gác chân lên thành ghế của hàng ghế trước mình” (*).
… “Đi đâu vội thế, giáo sư? Phải giới thiệu cuộc đời, ái tình và sự nghiệp của giáo sư chứ?” (*).
Tôi phẫn nộ và xót xa lạ thường. Phẫn nộ trước vẻ ngạo mạn và mất dạy của bầy thú, xót xa trước sự nhẫn nhục của nhà giáo trẻ. Nhẫn nhục để bắt đầu cho một cuộc chinh phục đầy nước mắt kiên khổ và đam mê thành khẩn? Ngạo mạn để làm gì, nếu cuối cùng không ăn năn trước một tấm lòng bát ngát thương yêu? Hẳn chưa thể trả lời.
Bầy thú đã xuất hiện. Những thằng dao búa lớp đệ nhị B2 đã xuất hiện. Nếu tiểu thuyết là cuốn phim được trình chiếu bằng ngôn ngữ tràn ngập hình ảnh, thì đấy là hình ảnh bi thảm nhất của lịch sử giáo dục trong văn chương. Bầy thú xuất hiện với màn phủ đầu kịch liệt. Buổi sơ ngộ, không ngờ giữa thầy trò mà mang chút gì đau đớn và chua chát, chút gì đổ vỡ và hoang tàn. Quả thật, tình nghĩa thầy trò đã đi đến tận cùng của tan nát. Hết rồi, không còn gì giữa xã hội hôm nay thứ tình nghĩa cao quý đó. Người ta hết ca ngợi một Hoàng Cơ Nghị yêu kính thầy như núi lớn, quên đi một Carnot coi ơn thầy là bể cả. Người ta khinh thường nghề giáo. Trường học được nhìn từ phía này hay phía khác, chỉ là nơi buôn bán chữ nghĩa, cũng mặc cả, đổi chác như mặc cả, đổi chác ở thị trường. Tôi buồn bã khi nghĩ thế. Nhưng chưa bao giờ, không bao giờ tôi đề cao cổ xuý đạo đức suông. Tôi không tin thuyết suông mà không chấn hưng phong hoá. Chỉ một chút ngậm ngùi khi đọc vài trang báo nói về giáo dục. Chỉ một chút xúc động khi thấy hoạt cảnh thảm thiết do đạo diễn Duyên Anh xây dựng. Chút ngậm ngùi, xúc động thoáng qua nhưng lâu dài còn lại, như ám ảnh không rời, như một mảnh của tâm hồn tôi nhỏ bé và buồn bã không nguôi.
… “Con ngựa chứng liếm mép:
– Hình như giáo sư chỉ đến lớp dạy Việt văn? Đã lâu rồi, tôi không được học luân lí. Và cũng chẳng anh nào khoái dạy luân lí. Giáo sư biết tại sao chưa?
– Tại sao?
– Tại vì tụi thầy nhóc con vô luân!
Tôi mỉm cười:
– Câu trả lời thấm thía lắm. Người ta bảo tuổi trẻ hôm nay không thích suy nghĩ và tàn nhẫn. Nhưng mà thành thật.
Tôi cố gắng thân thiện với con ngựa chứng:
– Anh!
Nó vênh váo:
– Tôi?
– Phải.
– Gì?
– Tên anh?
– Mai mốt giáo sư sẽ đến nhà tôi chơi phé. Có thể, tôi cùng chơi nếu thiếu người. Chúng ta sẽ tháu cáy và sẽ chửi nhau nếu có thằng chơi bịp.
Tôi thấy đau nhói tận tim. Nghẹn ngào. Chợt nhớ câu kết tội của người tuỳ phái già: chưa thấy học trò hư đốn như bây giờ” (*).
Bầy thú có lí và thành thực. Trong giáo giới hôm nay quả không thiếu những tay cờ bạc, vô luân. Hiện thực não lòng không chối cãi. Học trò hư đốn vì nhà giáo hư đốn. Tất nhiên.
Và vị giáo sư trẻ tuổi yêu mến phải cảm thấy đau nhói tận tim. Còn một chút gì gọi là thiên lương, người ta sẽ dễ đau đớn trước một sự thật như thế. Nét bút của Duyên Anh thật hiện thực khi trình bày thảm kịch đó. Hẳn Duyên Anh đã nghẹn ngào nên dòng chữ truyền cho người đọc nỗi nghẹn ngào, buồn bã. Mỗi chữ là một nét cọ vẽ nên bức tranh của sự thật, lột tả được chút xót xa ẩn chứa trong lòng người.
Không phải đến bây giờ dáng dung bầy thú mới hiện rõ, nhưng đến bây giờ, người đọc tìm thấy ở chúng một căn bệnh có thể chữa trị. Vâng, nếu chúng ta thành thật, chúng ta có thể bỏ được hay có thể được chữa trị mọi căn bệnh của tâm hồn. Thật chứ? Vâng, điều đó chắc chắn như một định luật. Và có thương yêu, người ta đã có sẵn cách chữa trị thần diệu. Thương yêu có thể làm được những điều mà luật pháp bó tay. Thương yêu là bàn tay của nàng tiên hiền dịu nhất. Thương yêu là dòng thác mãnh liệt có thể tẩy xoá mọi vết bẩn trong hồn người. Chỉ cần con bệnh học trò thành thực và nhà giáo giàu lòng thương yêu. Chỉ có thế. Nhưng cần thiết, rất cần thiết, nếu muốn. Chính Duyên Anh đã khẳng định: “Nhiệm vụ của một ông thầy khác hẳn nhiệm vụ của ông giám thị trại giáo hoá”. Phải chăng chúng ta có thể hệ luận: ông thầy cần thương yêu và ông giám thị cần uy quyền, bạo lực?
… “Con ngựa chứng cười nửa miệng:
– Không bị đi lính à?
Tôi lắc đầu:
– Tôi đã được huấn luyện quân sự chín tuần. Vì nhu cầu giáo dục, người ta cho tôi về dạy học.
Con ngựa chứng rít qua kẽ răng:
– Đó là điều tôi không ưa mấy anh giáo sư nhóc. Tại sao bạn bè tôi và rồi tôi nữa, đi lính là đi luôn?
Tôi nhún vai:
– Tại vì anh chỉ lo bất mãn, phản kháng, phẫn nộ vô duyên cớ.
Nó cầm cái kính, liệng mạnh vào tường:
– Vô duyên cớ? Ông mới về đây biết con mẹ gì. Lớp này trước hơn sáu chục mạng. Mỗi ngày một vơi đi, giờ chỉ còn ba chục. Bạn bè tôi lần lượt đi lính. Nhiều đứa đã chết. Tôi cóc muốn học. Tôi khoái nổi loạn, chờ ngày đăng lính. Ông cứ việc đuổi tôi. Tôi tởm những thằng giáo sư trẻ. Chúng nó vô tư cách. Tôi muốn ông cuốn gói càng sớm càng tốt.
Con ngựa chứng chộp cuốn vở, gấp đôi, nhét vào túi. Nó bỏ lớp ra ngoài. Ba thằng bạn đi theo nó. Tôi đưa hai tay bưng mặt. Cơn xúc động kéo dài” (*).
Duyên Anh tài tình khi cho hoạt cảnh thay xen ngang đó. Bởi thật khó trả lời trước sự buộc tội gay gắt của con ngựa đầu đàn: “Tại sao bạn bè tôi và rồi tôi nữa, đi lính là đi luôn?”. Và, một khi nhà giáo trẻ của chúng ta lúng túng, ít nhiều mẫu người lí tưởng mất đi chút lí tưởng. Chắc chắn. Một thần tượng được dựng lên phải toàn bích, tuyệt vời (!). Tâm lí chung là thế. Nhưng làm sao để trả lời câu hỏi?
Làm thế nào để giải quyết khi sự thật bất công? (Tôi muốn nói đến sự bất công theo tâm lí của tuổi mới lớn, và nhất là của kẻ sẽ chịu sự bất công ức chế. Tôi không cãi phải có sự phân công trong xã hội. Tuy nhiên, kẻ khốn cùng có lí do của họ và cần bênh vực họ, dù bênh vực vô lí). Tôi cực đoan và nguỵ biện, có lẽ, khi tôi nghĩ rằng, bầy thú đã dồn nhà giáo trẻ vào chân tường. Tôi chỉ nghĩ quê hương của chúng ta đầy máu lửa. Và máu lửa là cha đẻ của những bất công. Tự bao giờ vẫn vậy. Nếu bối cảnh của câu chuyện xảy ra ở một xã hội thanh bình, chắc chắn tác phẩm sẽ không có câu hỏi đó. Và biết đâu sẽ không có những ngựa chứng lộng trời như thế. Máu lửa, nước mắt, hận thù, ngộ nhận… là sản phẩm của chinh chiến, còn phải kể thêm nỗi bất công theo ngựa chứng đầu đàn. Nỗi bất công thật ra rất phi lí. Nhà giáo bưng mặt xúc động, để cơn xúc động kéo dài. Tôi biết, trong lòng vị giáo sư trẻ đã có điều không thể nói. Nhà giáo im lặng. Tác giả im lặng. Và có lẽ người đọc im lặng. Sự im lặng có tiếng nói của nó. Chính sự im lặng lên tiếng. Tiếng nói của im lặng là tiếng nói chân thực nhất, bằng một ngôn ngữ của mắt nhìn, của nhịp tim khẽ đập, bằng ngôn ngữ khiến hồn chúng ta xót xa, rưng rưng.
Tôi ngừng lại. Phải ngừng lại chuỗi tưởng tượng do những dòng chữ của Duyên Anh dẫn dắt. Nhà giáo bưng mặt rưng rưng, xót xa, để cơn xúc động kéo dài. Chỉ một hình ảnh thoáng phớt nhưng chứa tràn đầy ý nghĩa. Tôi ngừng lại. Phải ngừng lại. Có chút gì ấm ức, nghẹn ngào cần nuốt xuống. Có chút gì chua xót, bẽ bàng cần quên đi. Có chút gì đau đớn, tủi hận cần khuất lấp. Cho im lặng lên tiếng. Cho trái tim lên tiếng. Bằng tiếng nói chân thực, ngậm ngùi mà tràn đầy nhất, tha thiết nhất.
… “Đôi mắt Lành ngầu đỏ. Nó nhìn tôi không chớp. Và, bất thần, nó đưa tay lên trán lột miếng băng keo. Vết thương còn non, ứa máu ra. Lành nói:
– Thưa thầy, em biết chuyện ông Carnot.
Bây giờ nó mới chịu ngồi xuống, dùng ống tay áo sơ mi trắng thấm máu đỏ đang bắt dòng từ từ chảy trên má nó. Tôi muốn khóc. Quả thật, tôi muốn khóc” (*).
… “Một cậu học trò đứng dậy:
– Thầy không giống các giáo sư trẻ đã dạy ở trường này” (*).
… “Tôi lắc đầu:
– Anh sẽ thấy con chim én cô độc vẫn làm nổi mùa xuân. Tôi không gàn. Những người đã chết cho một lí tưởng nào đó không gàn.
Ông hiệu trưởng chớp mắt:
– Quả thật, toa xứng đáng là tổng trường Giáo dục” (*).
… “Ông tuỳ phái mắng con:
– Đứng trước thầy phải khoanh tay lễ phép. Ba cấm con xưng em với thầy. Thầy cũng như cha mẹ. Con phải xưng ‘con’ với thầy” (*).
… “- Bác biết gì về những ông thầy trẻ đã dạy ở đây?
– Họ khác thầy” (*).
… “- Nói hay cho thầy chắc thầy không thích. Nhưng thầy có tướng ông thầy. Nhìn qua là nhận ra liền” (*).
Như một an ủi, vỗ về, nuôi nấng cho cây lí tưởng vươn cao, cho con đường chinh phục đầy bóng râm xanh mát. Nhà giáo trẻ đang đi trên con đường đó, mặc dù chưa đến đích. Nhưng nhà giáo không độc hành. Nỗi cô độc đã biệt mù tăm tích. Bên cạnh tấm lòng dễ mến đó còn có những học trò ngoan ngoãn, có lão tuỳ phái sốt sắng, thật thà và ông hiệu trưởng già nua, mệt mỏi nhưng đầy thiện chí. Hơn nữa, còn có ngàn trăm trái tim của người đọc cùng đập một nhịp đập với trái tim lí tưởng của nhà giáo trẻ. Nhà giáo không cô đơn. Nhà giáo chưa chiến thắng nhưng chắc chắn sẽ chiến thắng, bởi ngọn đuốc lí tưởng của nhà giáo đã châm mồi cho những ngọn đuốc khác bừng cháy. Cháy nhiệt thành và rực rỡ. Cháy nồng nàn và thương yêu. Tôi nhìn thấy tự trái tim mỗi người một hừng đông lộng lẫy. Nhà giáo đã cấy những hạt giống thương yêu và can đảm vào tim họ. Và bây giờ, lúa đã xanh, toả hương thơm ngát. Thị trấn Miền Tây, khung cảnh của câu chuyện, bắt đầu phảng phất mùi hương tuyệt vời đó.
Nhà giáo lạc quan hơn bao giờ. Và nhà giáo đáng khâm phục hơn bao giờ. Một đoá hồng hiếm quý ở rừng sâu phải lan toả mùi hương cùng khắp. Mỗi ngọn lá nơi nào của rừng cũng phải có mùi hương đó, bắt buộc, nếu có sự công bình ở trái đất này. Nói cách khác, gần gũi hơn, nhà giáo đã thắp sáng cái đức sáng của mình và cho người.
Khước từ sự sung túc và tiện nghi, nhà giáo trẻ đã ẩn cư ngay trong trường dạy. Khước từ lời mời nồng nhiệt, thành thực nhất của kẻ có uy quyền nhất tỉnh, nhà giáo đã làm người đọc kinh ngạc, bàng hoàng… Người đọc mến nhà giáo. Tôi ngưỡng mộ vị thầy giáo trẻ tuổi này. Chúng ta phải nghiêng mình trước bó đuốc đạo đức, sáng ngời đó. Phải yêu và kính. Phải xúc động và suy nghĩ.
Một lần nữa, chúng ta bảo Duyên Anh quá lí tưởng hoá nhân vật đến độ lập dị hoá nhân vật. Quả thế, nhưng là một lập dị đáng yêu, đáng nhớ và đáng ca ngợi hơn bao giờ.
Đôi lúc, ngồi một mình, suy tư về người thầy đầy can đảm, kiên nhẫn và ăm ắp thương yêu, độ lượng đó, tôi quên đi cuộc đời hèn mọn, tôi ngỡ mình đang sống với tưởng tượng, mơ màng. Tư cách của nhà giáo trẻ chinh phục tôi và xâm chiếm trọn cả tâm hồn tôi. Tôi rưng rưng, một nỗi rưng rưng lạ thường. Tôi bị mê hoặc bởi một mê hoặc rực rỡ, chói loà. Nhiều lúc, tôi phải nhắm mắt, ngạc nhiên với chính tôi. Bàng hoàng. Sửng sốt. Quả là một điều tôi chưa hề nghĩ tới. Quả là một điều lạ lùng tôi bắt gặp được chính trong tâm hồn mình. Nàng chinh phụ trong tác phẩm xa xưa làm tôi khật khùng, điên dại, nhưng hôm nay, tôi nghe thần thánh, linh hiển tuyệt vời. Tôi ngơ ngác.
Rồi từ đó… Rồi từ một lớp học riêng được tổ chức vào ngày chủ nhật mỗi tuần, một cơn gió lạ thổi đến. Gió dịu dàng, gió quyến rũ, gió tha thiết và nóng bỏng, gió âu yếm và não nuột, khiến đi qua, người ta ngã xuống mơ màng. Người ta có và chỉ có một lần trong đời. Tôi muốn nói cơn gió tình yêu. Đúng hơn, cơn lốc mãnh liệt mà nhẹ nhàng nhất. Nó đã đến từ một đôi mắt nai, từ một mái tóc hiền, tử nét bút run rẩy của trang thư mực tím. Một tà áo trắng phất qua đời nhà giáo trẻ, tưởng như làm vỡ nát hết một công trình dang dở.
… “Nàng gửi thư đều đều cho tôi. Ông già Năm là người phát thư riêng cho nàng. Tôi đọc thư tỏ tình của Kim Liên, lòng dấy lên những xót xa. Xuân hồng niên thiếu của tôi đã phôi pha. Tuổi vừa lớn trải kín lối đi làm cuộc đời và tháng ngày cô đơn nghèo khổ. Mộng mơ còn đó nhưng mộng mơ không gửi vào đôi mắt thiếu nữ nào. Tôi chưa yêu ai vì sợ không ai yêu mình. Kim Liên là người con gái đầu tiên yêu tôi. Và tôi đón nhận tình yêu đó. Nàng cho tôi sống lại tuổi vừa lớn của tôi với những xao xuyến, bâng khuâng của kẻ mới ngắt bông hồng tình ái thứ nhất. Tình yêu giữa hai người trai gái có chi là xấu nếu họ hướng về mục đích tốt đẹp.
Thầy giáo giống thầy tu ở tác phong, đạo đức nhưng không giống cả trái tim. Trái tim thầy giáo rung động như những trái tim rung động mãnh liệt nhất vì tình yêu. Tôi đã thực sự rung động vì Kim Liên. Ở một nơi nào đó không phải tỉnh lị mà mỗi cuộc đời đều tự nhốt mình vào chiếc lồng son lễ giáo, chắc chắn, tôi sẽ hôn môi Kim Liên say đắm, đôi môi mọng đầy nước mắt của tôi. Nhưng ở nơi này, ở tỉnh lị mà tăm tiếng và tai tiếng dễ nổi ngang nhau, thầy giáo không được công khai yêu học trò của mình, dù tình yêu đưa tới hôn nhân. Yêu trộm mà bị dư luận khám phá, tội lỗi càng ghê gớm” (*).
Người ta đã nói quá nhiều về những mối tình đầu, đã ca ngợi và đã chê trách. Nhưng tuổi trẻ không chê trách. Chắc chắn. Nhất là người trong cuộc. Tình yêu có sương khói làm mắt họ cay mờ. Họ sẽ rưng rưng, mơ màng. Họ sẽ đắm đuối.
Duyên Anh nói đúng, “thầy giáo giống thầy tu ở tác phong, đạo đức nhưng không giống cả trái tim”. Nhà giáo trẻ tuổi, nhà giáo có quyền rung động bằng một rung động thần thánh nhất của đời người. Nhà giáo có quyền hôn những nụ hôn môi nồng cháy nhất, thắm thiết nhất, xuống đôi môi của cô học trò Kim Liên. Nhà giáo có quyền mê đắm, bởi tình yêu là đoá hồng trong khu vườn đời sống, một đoá hồng hiếm quý và dễ thương nhất, tuyệt vời nhất.
Nhưng đoá hồng đã nở trái mùa. Đoá hồng quá khao khát và nồng nàn nên bất chấp, quên hết mọi tuỳ thuộc chung quanh. Đoá hồng nở từ trái tim Kim Liên, tha thiết và kiều mị. Có thể tình yêu bắt đầu từ lòng tôn kính và ngưỡng mộ. Có thể. Nhưng tôi không nỡ tìm hiểu, không hoài công truy tầm. Không ai nỡ tìm hiểu xuất xứ của đoá hoa tuyệt vời như thế. Tôi chia sẻ nỗi đớn đau câm nín của nhà giáo trẻ. Hãy biết đợi chờ, dù đôi mắt đã cay mờ sương khói yêu thương – đợi chờ đoá hoa nở đúng mùa thơm ngát. Nhà giáo trẻ nghẹn ngào nuốt xuống tiếng yêu ngon ngọt đáng lẽ phải chia sẻ với người yêu. Đành, phải đành. Tôi khâm phục sự kìm nén kiên nhẫn đó. Bởi người ta có thể can đảm làm mọi công trình to lớn, nhưng người ta dễ mềm lòng trước tình yêu. Bởi nhà giáo ngại tiếng sấm dư luận, báo trước cơn mưa làm trôi tất cả, trôi và sụp đổ cả công trình dang dở, nửa cuộc.
Và thường thường, hạnh phúc đến một mình nhưng mang theo lắm tai hoạ, mang theo ngộ nhận, thị phi, mang theo thù hận. Ở đây, tai hoạ của nhà giáo trẻ không chỉ thế, mặc dù đã nén một tình yêu bừng bừng lửa dậy. Một tai hoạ khác.
… “- Giáo sư hả?
– Phải.
– Đi mò gái hay sao mà về khuya dữ vậy?
– Tôi dạo mát. Anh nào đó?
– Đùng tưởng bở, cóc phải học trò của ông bạn đâu. Tôi là một tay chơi.
– Anh muốn gì?
– Tí huyết” (*).
… “Vừa vặn ba bốn chiếc xe rà tới. Người ngồi sau nhảy xuống trước, đấm đá tôi túi bụi. Tôi đỡ đòn. Đỡ và không hề đánh. Tôi nghe rõ một giọng nói quen thuộc, giọng nói thường khiêu khích và khinh thường tôi trước đám học trò ngoan ngoãn của tôi
– Hạ gục thôi, để nó lết về trường.
Tôi phóng đến gần giọng nói đó. Nó thoi tôi một trái đấm, tôi ngã nhào. Tôi đứng dậy, vẫn đủ bình tĩnh để đón nhận đòn thù của nó. Nó cứ đánh và tôi cứ chịu đau. Tôi chấp nhận tất cả nên tôi đã dự đoán một trận đòn sẽ xẩy ra. Tôi mong thế. Đằng nào thì cũng một lần. Nếu tôi không bị nó đánh chết, còn đủ sức để lết về trường, tôi sẽ chiến thắng. Năm sáu đứa đánh tôi chí tình, đánh tới khi tôi mềm nhũn, nằm dài giữa đường vắng, chúng mới lên xe rồ máy, biến mất” (*).
Đó là tai hoạ, nếu ta hiểu theo nghĩa thông thường về sự kiện. Có thể đó là một chiến thắng hay bắt đầu cho một chiến thắng. Hôm sau, nhà giáo vẫn đi dạy. Đại tá tỉnh trưởng và một số kẻ có uy quyền đến lớp. Tưởng bầy thú sẽ bị bắt, nhưng không, nhà giáo đã bênh vực họ. Ít lâu sau, bầy thú gặp nạn vì ăn năn, muốn xa rời bạn bè tội lỗi, nhà giáo cứu họ. Và nhà giáo đã chiến thắng. Bầy thú đã vứt đi lớp da thú bên ngoài và gột rửa trái tim mình bằng tình thương của nhà giáo trẻ. Họ ngoan ngoãn như chưa bao giờ. Nhưng nhà giáo phải đi. Phải ra đi, đến một nơi nào thật xa để bắt đầu thực hiện lời hứa với Kim Liên, người tình rất kiều mị và lãng mạn rất học trò, rất áo trắng: cưới nàng.
.
.
(Ảnh bìa tiểu thuyết: Google search)
.
Xếp trang sách cuối, tôi bâng khuâng. Tôi đi tiếp con đường Duyên Anh bỏ lại, đã chấm dứt. Tôi mở ra một con đường của riêng tôi. Con đường không bát ngát, mênh mông. Con đường không lót đầy những bông hoa nghệ thuật. Con đường của tôi thơm ngát lá cỏ mơ màng, trìu mến và yêu thương. Tôi thương yêu nhà giáo trẻ. Tôi thương cả những nhân vật quanh nhà giáo đó. Tôi mơ về một tình yêu đương dồn nén. Tôi trìu mến tình nghĩa thầy trò. Tôi lạc loài theo những dòng chữ Duyên Anh nắn nót.
Duyên Anh đã truyền qua tôi một sức sống lạ lùng. Tôi quên đi một tôi xưa cũ. Tôi mới như đời sống mới ăm ắp trong tôi.
Quả thật, những dòng chữ cuối của tác phẩm còn vướng lại một chút gì cay đắng, can đảm và yêu thương ngập tràn mà tác phẩm gói ghém chưa xong, như hương khói còn lại sau một lễ thành chấm dứt, như chút thơm tho của đoá lan tàn rữa.
Qua rồi một giấc mơ lí tưởng, không thể có thực, người ta có thể quên mất hoặc nhớ mãi không thôi. Tôi nhớ mãi. Nhớ như nhớ một kỉ niệm trong đời. Nhớ như nhớ có lần tôi đã qua quãng đời ấy, nếu đời sống là những quãng đời góp lại.
Tôi chưa mê một tác phẩm nào của Duyên Anh mà người ta ca ngợi và ông yêu thích. Chưa hề. Mặc dù nghệ thuật tuyệt vời nhất của ông không chứa đựng ở “Ngựa chứng trong sân trường”, nhưng vẫn cứ làm tôi choáng ngợp. Tôi say mê theo nét bút ông vẽ vời. Tôi lao đao. Tôi cảm xúc như nhân vật ông cảm xúc, tưởng như tôi và họ có chung một buồng phổi, hít thở một bầu trời mà ông tạo dựng. Đời sống tôi và họ là đời sống Duyên Anh nắn nót, tạc nên.
Có lẽ tôi gàn dở. Có lẽ tôi buồn cười. Nào có sao đâu, nếu hôm nay tôi sống rất ư đáng sống. Tôi nghĩ thế. Hạnh phúc tôi có được, tìm thấy ở cuộc đời chính là dư hương của tác phẩm. Tôi quý và yêu tác phẩm, như một phần thân thể tôi. Tôi không dám nghĩ đến hôm nay, nếu hôm nay chưa có lần gặp “Ngựa chứng trong sân trường”. Phải tạ ân. Phải to tiếng ngợi ca đời sống mà tôi có được, đang có được và sẽ gắn bó với đời sống đó suốt đời.
Tôi rất sợ đau khổ vì đã lắm lần khóc ngất, cay đắng. Đau khổ như một thứ trái độc trong đời người. Không ai muốn hái. Tôi không muốn hái bao giờ. Tôi sợ một mai nào tác phẩm bỏ tôi như người tình bạc lòng. Tôi sợ tình phụ.
Tuy nhiên, tôi cũng sợ phải thất vọng. Thất vọng sẽ giết chết đời người, dần dần nhưng mãnh liệt. Thất vọng như liều thuốc đắng. Tôi sợ lần nào đó trong đời tôi phải nâng chén, nên tôi tự hứa với lòng mình, sẽ không bao giờ đọc lại tác phẩm đó lần thứ hai. Không khi nào, trong ngày sau. Tôi muốn nuôi dưỡng cảm giác đầu tiên mà mình bắt gặp, trọn đời, mãi mãi…
Có những điều ta chỉ nên nhớ và đừng mong tái ngộ.
T.X.A.
12-1974
…………………….
(*) NCTST., Vàng Son tái bản lần thứ hai, 1972.
.
Bị chú về hai nhân vật được Duyên Anh nhắc đến trong tiểu thuyết:
1) Hoàng Cơ Nghị là hiệu trưởng trường Bưởi (Chu Văn An), Hà Nội. Ông nổi tiếng tôn sư trọng đạo. Ngoài ra, ông cũng nổi tiếng chí công vô tư, qua việc đánh rớt em gái ruột trong một kì thi vấn đáp vì cô ấy đến trễ giờ.
2) Carnot là tổng thống Pháp, nổi tiếng vì lòng kính trọng, biết ơn thầy giáo: Một lần, khi về làng, ông thấy thầy giáo thời tiểu học của ông ở đằng xa, ông đã xuống xe, đi bộ đến, cung kính chào thầy.
.
Bài viết được T.X.A. gõ phím lại từ bản photocopy Giai phẩm xuân, lớp Việt – Hán 1974-1978, ĐHSP. Huế, niên khoá 1974-1975, do bạn cùng lớp Võ Thị Duy Cương tặng lại cho lớp, nhân dịp kỉ niệm 40 năm tốt nghiệp (1978-2018).
Phần 1: https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2141081656165774
Phần 2: https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2141410192799587
.