Chiếc cầu Ý Hệ (cầu Hiền Lương)

Người bắn nhau nhưng đâu phải bắn nhau, Bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó (TrầnXuânAn)

Từ ngữ

hidden hit counter

A. TIẾT KIỆM CHỮ ĐẾN MỨC HIỂU SAI CHỮ Ở MỘT NƠI GIÀU CHỮ NHẤT
B. NHÀ THƠ, NHÀ VĂN, NHÀ NGHIÊN CỨU, NHÀ PHÊ BÌNH

C. TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ TỰ LẬP, CÓ HAY CHƯA?
D. MỘT SỐ TỪ NGỮ VỀ MẠNG VI TÍNH TOÀN CẦU ĐÃ TỰ TẠM DỊCH ĐỂ SỬ DỤNG

A

TIẾT KIỆM CHỮ ĐẾN MỨC HIỂU SAI CHỮ
Ở MỘT NƠI GIÀU CHỮ NHẤT

Trần Xuân An

Đâu là nơi mọi người có thể cho là giàu có chữ nghĩa nhất? Nếu hỏi một trăm học sinh, có thể hơn chín mươi bạn trẻ sẽ đáp ngay là các hội nhà văn, Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội Nhà văn tại các thành phố lớn (Hà Nội, Huế, TP.HCM, Hải Phòng….). Tôi cũng đồ rằng có học sinh sẽ thưa, ấy là Viện Văn học. Và cũng chắc chắn có học sinh sẽ hỏi lại: Thưa chú, vậy có hội nhà thơ hay không? Hoặc, thưa chú, sao lại có nhà thơ ít sáng tác văn xuôi mà lại là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM.?

Câu hỏi này, tôi đã thử hỏi một nhà văn thuộc loại tầm cỡ. Ông đáp: Không hiểu vì sao lại “lạ” như vậy. Nể ông, tôi cũng im lặng rồi lảng sang chuyện khác.

Thật ra, trong ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ nói, người ta có thói quen nói tắt (rút gọn từ ngữ), nhưng nhờ quy luật chung của ngôn ngữ là bao giờ từ ngữ cũng được dùng trong một văn cảnh, ngữ cảnh cụ thể của một đoạn văn hoặc một cuộc trao đổi giao tiếp trong cuộc sống, nên người ta hoàn toàn có thể hiểu được. Tuy vậy, một số tác giả của các bài báo bàn về chữ và nghĩa rất phàn nàn một cách hợp lí là không nên nói tắt, viết tắt quá đáng như “hợp tác xã” thành “hợp”. Ở đây, chưa bàn cái sai về phân biệt thành tố chính, thành tố phụ của một ngữ, và khi rút gọn, sao không giữ lại thành tố chính, mà chỉ giữ một thành phần của thành tố phụ “hợp tác”. Đúng ra, trong trường hợp này, từ chính là “xã” chứ không phải là “hợp tác”. Nhưng “xã” lại trùng với một từ rút gọn khác: Trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, gọi tắt là “xã” (mặc dù từ chính trong ngữ “Uỷ ban nhân dân xã” là “uỷ ban”)! Với ví dụ đó, chỉ lạng qua một chút thế thôi. Xin trở lại vấn đề đang nêu: Phải chăng chúng ta không nên viết và nói tắt tên của các hội nhà văn chương, nhất là không thể đặt tên của những tổ chức ấy theo tệ nói tắt, viết tắt (chính xác hơn là nói lược, viết lược) (1) sai quy tắc ngữ pháp, đặc biệt là ngữ nghĩa, trong việc rút gọn từ ngữ.

Nên chăng, chúng ta nên thêm vào một chữ “chương” trong từ “văn chương” cho đủ và đúng nghĩa? (2) Cố nhiên, mọi nhà thơ, nhà văn, nhà lí luận – phê bình văn chương, nhà dịch thuật văn chương, xưa nay đều được gọi chung là “nhà văn chương” (văn thi sĩ). Nhà văn chương có nghĩa rộng bao gồm cả nhà văn học (nhà nghiên cứu khoa học về văn chương). Như vậy, theo đó, Hội Nhà văn Việt Nam, nên chăng, sửa lại tên gọi thành Hội Nhà văn chương Việt Nam? Và các hội nhà văn tại các thành phố trung tâm văn hoá vùng miền cũng vậy: Hội Nhà văn chương TP.HCM., Hội Nhà văn chương Huế, Hội Nhà văn chương Hà Nội, Hội Nhà văn chương Hải Phòng

Chữ và nghĩa cần rõ ràng, đúng mức, nhất là tên gọi của một tổ chức vốn dĩ giàu có chữ nghĩa nhất, giàu có hơn cả Viện Văn học (xét số lượng trang in, đầu sách mỗi năm) (3), không thể “kiệm” đến độ sai, sót kéo dài. Đó là một sai, sót không đáng có.

TP.HCM., ngày 22-7 HB7

Trần Xuân An
____________________

(1) Phân biệt nói tắt, viết tắt: An toàn khu = ATK.; Hội Nhà văn = HNV.; Association of South-East Asian Nations = ASEAN. … v.v…

(2) Quốc văn, ngữ văn, văn đàn… là những từ có thành tố “văn”. Thành tố “văn” này là một từ rút gọn của từ đầy đủ: “văn chương”. Nhưng ở trường hợp “nhà văn” thì lại không thể, vì chúng ta đã có và quen dùng đến mức phổ biến từ “nhà văn” với nghĩa là nhà văn xuôi (văn sĩ), phân biệt với “nhà thơ”, “nhà phê bình văn học”…. Do đó, khi rút gọn “nhà văn chương” thành “nhà văn” (trong ngữ Hội Nhà văn Việt Nam…) là rơi vào trường hợp trùng từ, buộc phải tránh.

Mặc dù Vũ Ngọc Phan (1907-1987) trước đây có xuất bản bộ sách “Nhà văn hiện đại” (1942-1945), với nghĩa “nhà văn” bao gồm cả nhà biên khảo, nhà văn xuôi, nhà viết kịch bản lẫn nhà thơ… Đây điểm không chuẩn về từ ngữ tiếng Việt của Vũ Ngọc Phan.

Dẫu sao, cũng có thể thực hiện theo hai cách sửa đổi khác, ngoài cách thứ 1 đã được trình bày ở phần chính văn:

► Cách thứ 2: Hội nhà văn vẫn là hội nhà văn, nhưng nhà văn (viết tiểu thuyết, truyện ngắn, kí…) phải được gọi là nhà văn xuôi hay nhà tản văn, theo nghĩa 1 của từ điển (1. tản: không kiềm thúc; tản văn là văn xuôi, khác với thơ, chịu sự kiềm thúc về vần, đối…; 2. một thể văn thuộc loại kí, chẳng hạn như tuỳ bút, đoản văn) và tất nhiên cụm từ “nhà tản văn” cũng là quy ước; tuyệt nhiên không được gọi là nhà văn nữa.

► Cách thứ 3: Vừa chỉnh đổi hội nhà văn thành hội nhà văn chương, vừa chỉnh đổi nhà văn (viết tiểu thuyết, truyện ngắn, kí…) thành nhà tản văn.

Có lẽ cách thứ 3 là trọn vẹn, chính xác, triệt để nhất. Tuy nhiên, cách thứ 1 vẫn dễ thực hiện hơn…

Xin “phiếm đàm” trong tinh thần xây dựng như thế. Mong được chỉ giáo.

(3) Nếu tính về số lượng trang in, Hội Nhà báo Việt Nam, các hội nhà báo tỉnh, thành khác, trong thời điểm hiện nay, có thể giàu hơn hẳn các hội nhà văn chương trên cả nước? Đó là chưa kể đến số lượng giờ phát thanh, truyền hình của “báo nói”! Nhưng theo tôi nghĩ, vốn từ văn chương bao giờ cũng phong phú, xét về các loại từ ngữ thuộc mọi lĩnh vực của đời sống, và đặc biệt là giàu tính biểu cảm hơn ngôn ngữ thông tấn của báo chí, kể cả phóng sự. Khi nói thế, tất nhiên phải nhấn mạnh đến đặc thù của ngôn ngữ thông tấn, không kể đến loại báo chí chuyên ngành văn chương cũng như các trang văn chương trên các báo thời sự chính trị – xã hội; ngược lại, cũng không tính đến các mục thông tấn thời sự chính trị – xã hội, vốn là các mục nhỏ, mục phụ, trên các báo chí chuyên ngành văn chương.

Bài đã đăng trên Tạp chí điện tử Văn Chương Việt (Văn Nghệ Sông Cửu Long), bản 22-7 HB7:

http://www.vannghesongcuulong.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=6653&LOAIID=29&LOAIREF=5&TGID=1343

B

NHÀ CẦM BÚT & CÁI NHÀ Ở

TIÊU CHUẨN NÀO ĐỂ ĐƯỢC GỌI LÀ NHÀ TRONG LĨNH VỰC VĂN NGHỆ, HỌC THUẬT? (nguyên văn câu hỏi).

WebTgTXA. xin trả lời ông Nguyễn Hoàng Hựu (Gò Vấp, TP.HCM.):

Nói một cách “bài bản”, tại nước ta, mỗi người cầm bút viết văn, làm thơ hay nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn, nếu có 2 đầu sách riêng được xuất bản chính thức ở các nhà xuất bản, là đã đủ tiêu chuẩn để được kết nạp vào các hội nhà văn hoặc các hội nghiên cứu theo chuyên ngành.

Tuy vậy, đó là nguyên tắc chung, có tính chất lí thuyết. Trong thực tế, không phải nguyên tắc chung ấy được vận dụng đúng đắn. Có thể nói một cách chân thật như vậy, bởi vì ở nước ta cho đến nay vẫn còn nhiều ”di chứng hậu chiến”, như vấn đề “mặc cảm” tự tôn hay tự ti (bất cần hay gạt bỏ…), vấn đề lí lịch (không phải “người của ta” thì rất khó vào hội), vấn đề hạn chế tự do báo chí (không phải người cầm bút nào cũng được bình đẳng trong việc chọn bài để đăng), vân vân…

Do đó, không nhất thiết đã vào hay chưa vào hội nhà văn hay hội nghiên cứu chuyên ngành, nếu đã có tối thiểu là 2 đầu sách được xuất bản chính thức, với hình thức in giấy, trong nước hay ngoài nước, qua nhà xuất bản chính thức nào đó, thì đương nhiên xứng đáng là nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu… với tất cả sự nghiêm chỉnh của danh xưng. Nếu khiêm tốn thái quá, chẳng hạn đã có trên 2 đầu sách xuất bản, vẫn không ”dám” tự nhận hay từ chối danh xưng ấy, sẽ khiến người khác chạnh lòng, chột dạ.

Trên đây cũng chỉ là nói chung. Trong văn học sử cũng như trong thực tế, vẫn có trường hợp ngoại lệ: có nhiều nhà thơ đích thực chỉ có dăm bài hoặc mươi bài hiện còn lưu truyền.

Ngoại lệ tất nhiên là có, nhưng, như bất kì cách hành xử nào, phải lấy tiêu chuẩn chung làm cơ sở: Dẫu sao cũng phải có tiêu chuẩn quy định chung là 2 đầu sách xuất bản riêng như vậy.

Nói cách khác, nhà phải ra cái nhà, có nền tảng, cột kèo, mái lợp, phên vách, cửa nẻo.

Xin dựa vào tiêu chuẩn chung (của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP.HCM…) và theo quan niệm thông thường của chúng ta về cái nhà ở để trả lời như vậy.

Điều cuối và cũng là điều cơ bản nhất, ấy là chất lượng của tác phẩm. Chất lượng của tác phẩm thì phải do thời gian phán quyết. Không ai thay thế được thời gian, cho dù là ban chấp hành hội hay công chúng độc giả. Lịch sử văn chương, học thuật từ xưa đến nay và ở mọi nước trên thế giới đều đã có những trường hợp bị ‘quên lãng’ (hay bị ‘dìm’) trong hiện tại, nhưng lại được tôn vinh về sau và mãi mãi. Tất nhiên thời “bùng nổ thông tin” hiện nay, việc bị cố tình quên lãng, bị ‘dìm’, đã có thể vượt qua. Và cũng tất nhiên là điều cuối và cơ bản nhất này, trước mắt, cũng rất khó phân định. Vì thế, tiêu chuẩn chung nêu trên vẫn là nguyên tắc hành xử chung.

Xin lưu ý giúp: Phần trả lời trên đây là thuộc thời điểm sau Đổi mới (1986). Thời đoạn từ đó đến nay, vấn đề xuất bản sách tương đối rộng mở hơn báo chí (mặc dù có thể bị khống chế về phát hành sách). Ai cũng biết trong thời “bao cấp”, xuất bản sách là một đặc quyền đặc lợi, do đó cực kì khó khăn, trở ngại.

Cảm ơn ông đã nêu vấn đề.

Trân trọng,

WebTgTXA.:
Trần Xuân An
29 Tháng Tám, 2007

C

TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ TỰ LẬP, CÓ HAY CHƯA?

Bao giờ cũng thế, trước sự xuất hiện các thực thể mới (hiện tượng, sự vật mới), chúng ta cần động não để tìm từ ngữ nhằm gọi tên chúng cho thật thích đáng. Khi tìm từ ngữ mới, đặc biệt là thuật ngữ mới (1), cũng rất cần tôn trọng tính trong sáng, tính thuần Việt của tiếng Việt.

Và ai cũng ngầm hiểu, khi sử dụng từ ngữ, có nhiều lí do, khiến người ta phải “lách”. Dĩ nhiên, “lách” là không tốt. Vậy nên, rất cần tường minh.

Một số điểm mạng vi tính toàn cầu hiện nay ở nước ta như Trần Nhương, Văn chương Việt, Phong Điệp, Lê Thiếu Nhơn, Bô-xit Việt Nam, Anh Ba Sàm (Xàm?), Lục bát, Tôn vinh văn hóa đọc… và còn khá nhiều điểm mạng khác của các Việt kiều cũng ở tầm mức tương tự, như Sách hiếm, Chuyển Luân, Chim Việt cành Nam…, khiến chúng ta lúng túng không biết gọi bằng danh từ gì cho đúng. Chẳng lẽ cũng gọi là web-site, web-blog? Và các người chủ trương, các tác giả viết trên đó đều là blogger? Chưa thấy xuất hiện từ websiter! Như thế, vừa không thích đáng, vừa chứng tỏ ta thiếu sự động não, sáng tạo các cụm từ mới để dịch ra tiếng Việt và để sử dụng chăng? Thậm chí, có người sẽ bảo, ở nước ngoài thực tiễn cuộc sống xã hội vẫn vượt trước các viện hàn lâm ngôn ngữ và các viện lập pháp cũng bị thực tiễn xã hội vượt qua.

Để khỏi lúng túng về từ ngữ, tôi gọi chung các điểm mạng vi tính toàn cầu của các cá nhân tự sáng lập (chủ sở hữu) và tự điều hành (chủ biên), có tầm mức hoạt động tương tự như các tạp chí điện tử nhà nước (2) ở nước ta, là tạp chí điện tử tự lập (hay tự lực); còn các điểm mạng vi tính toàn cầu chủ yếu đăng bài của cá nhân người chủ trương, gọi chung là điểm mạng vi tính toàn cầu tự lập (hay tự lực, và lược bớt từ tự lập hay tự lực thì người ta cũng hiểu với nội hàm ý nghĩa như thế). Cũng cần nói thêm, các tạp chí điện tử tự lập, các điểm mạng vi tính toàn cầu tự lập mặc dù không có giấy phép nhưng vẫn hoàn toàn hợp pháp (căn cứ vào Thông tư 07/2008/TT.-BTTTT. của Bộ Thông tin & Truyền thông).

Có người sẽ bảo, xét trong phạm vi lãnh thổ nước ta, như vậy là vi phạm luật báo chí hiện hành, vì hiện tại, làm gì có báo, tạp chí điện tử tùy nghi cập nhật hay định kì hoàn toàn tự do, tự lập, tồn tại một cách chính danh! Nhục lắm, phải “chui”, phải núp dưới một danh từ khác! Do đó, về từ ngữ, phải “lách” thôi. Chỉ được gọi chung là điểm mạng vi tính toàn cầu (web-site, web-blog).

Nhưng ai “lách” kệ họ, tôi không “lách”. Tôi hi vọng nhiều người khác cũng không “lách”, để xã hội quen dần, Nhà nước quen dần.

Cũng cần tỉnh táo nhận ra, việc xác định danh xưng thích đáng cho các điểm mạng là cần thiết. Nhưng nếu không cân nhắc, sẽ đưa đến ít ra là hai tình huống: 1. danh xưng quá mức so với thực trạng sẽ làm lố bịch hóa; 2. danh xưng dưới tầm so với thực trạng sẽ khiến xã hội bất bình.

23-5 HB10
Trần Xuân An
______________________

(1) Thuật ngữ có nội hàm chặt chẽ và có tính đơn nghĩa, cố định. Hiện nay có nhiều người sử dụng từ “thuật ngữ” không chính xác.

(2) Tạp chí điện tử nhà nước: Tạp chí điện tử của Nhà nước, của tổ chức chính trị, xã hội hay văn hóa, tôn giáo hoặc nghề nghiệp nào đó, do Nhà nước chính thức quản lí, có giấy phép của Bộ Thông tin & Truyền thông.

Tài liệu xem thêm:
1) http://mic.gov.vn/uploads_file/DOC/2009/07/241235564.doc
2) http://phapluattp.vn/237958p0c1021/thong-tu-quan-ly-blog-ca-nhan-nam-dieu-cam-doi-voi-blogger.htm

Bài viết đã đăng trên Tcđttl. TranNhuongCom:
trannhuong.com/news_detail/4875/TẠP-CHÍ-ĐIỆN-TỬ-TỰ-LẬP-CÓ-HAY-CHƯA?

D

MỘT SỐ TỪ NGỮ VỀ MẠNG VI TÍNH TOÀN CẦU
ĐÃ TỰ TẠM DỊCH ĐỂ SỬ DỤNG

I. Từ ngữ, dịch và phỏng dịch:

1) Internet: Nguyên nghĩa net, web: mạng lưới đánh cá, mạng nhện… Inter: có tính toàn cầu, quốc tế. Tạm dịch, có bổ sung nghĩa cho đủ nghĩa: Mạng vi tính toàn cầu; mạng thông tin toàn cầu. Viết gọn (cũng 3 âm tiết, như in-ter-net), sau khi đã sử dụng nguyên cụm từ trong bài, là: Mạng toàn cầu.

2) Weblog (web-log, web-blog, blog): Nguyên nghĩa là nhật kí mạng, nhật trình mạng (vì log có nghĩa là nhật kí đi biển của thủy thủ đoàn). Tạm dịch: Điểm mạng vi tính toàn cầu cá nhân hay dùng riêng cho một nhóm. Viết gọn (cũng 2 âm tiết, như web-blog, web-[b]-log), như cách thức trên, là: Điểm mạng. Đủ nghĩa hơn: Điểm mạng riêng.

3) Blogger: Người viết (tác giả) điểm mạng riêng, cây bút mạng riêng, tay phím mạng riêng. Viết gọn, như cách thức trên: Bút mạng (tay phím mạng).

4) Web site, website (web-site): Nguyên nghĩa site là chỗ, nơi, địa điểm, vị trí… Cả từ: Địa điểm mạng (một trong hàng triệu, hàng tỉ điểm trên mạng lưới). Tạm dịch, như cách trên: Điểm mạng vi tính toàn cầu. Viết gọn, như cách thức trên: Điểm mạng.

5) Host: Nguyên nghĩa: vật chủ. Tạm dịch: cơ sở chủ quản lưu phát thông tin. Gọn hơn, thoát hơn: Phần lưu phát.

6) …

II. Từ ngữ, gọi theo chức năng:

Các từ ngữ bên trên được dịch sát nghĩa và có bổ túc nét nghĩa (phỏng dịch). Tuy nhiên, đó cũng chỉ là các từ ngữ chỉ chung về cơ sở vật chất (phần cứng, phần mềm), chứ chưa phải chỉ cụ thể về chức năng. Có weblog được người sử dụng như một tạp chí điện tử (chuyên đăng bài mới) hay tập thông tin điện tử tổng hợp (chuyên đăng lại bài từ báo chí…) nhưng cũng có website, thậm chí có cả phần lưu phát (host) riêng, tên miền (domain name) riêng hẳn hoi, vẫn chỉ được sử dụng như tập thông tin điện tử cá nhân. Vì thế, ngoài các từ ngữ chỉ về cơ sở vật chất, ta nên gọi từng điểm mạng theo chức năng mà người sử dụng đặt ra cho chúng. Điểm mạng này là tạp chí điện tử, điểm mạng kia là điểm mạng thông tin cá nhân (điểm mạng riêng), điểm mạng nọ là diễn đàn (forum)…

Ghi chú: Ta quen gọi tờ báo. Tờ là một bản giấy gồm hai trang, trang mặt và trang trái (trang trước và trang sau) hoặc tờ đôi, gồm 4 trang. Tại sao quen gọi là tờ báo? Vì ngày xưa, khởi đầu báo chỉ một tờ, dán lên cột, lên vách cho công chúng xem. Dần dà, báo tăng trang, từ 2 trang đến 4 trang. Như vậy gọi tờ báo vẫn ổn. Nhưng không dừng lại ở mức đó, báo mỗi thời mỗi tăng trang, tăng đến 16 trang và nhiều hơn, thành tệp báo (không đóng gáy). Rồi thành tập, có đóng gáy, có bìa, gọi là tập san, tập tạp chí… Riêng về cụm từ hay từ “tờ báo”, hiện nay là quen gọi theo buổi khởi đầu của lịch sử báo. Còn weblog, website mà gọi là “trang mạng”, “trang thông tin điện tử” thì không chuẩn chăng? Trang mạng là webpage. Weblog / website nên chăng phải gọi là tập thông tin điện tử (riêng / chung, còn tùy). Nhưng tốt nhất là gọi weblog, website bằng điểm mạng (riêng hay chung).

TXA.
7:00 & 14:30, 30-5 HB10 (2010)

7 bình luận to “Từ ngữ”

  1. TXA. said

    — TỪ NGỮ NÀO BỊ SAI, PHẢI SỬA LẠI CHO ĐÚNG.
    — KHÔNG CHẤP NHẬN PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ NHƯ VẬY.

    Một độc giả:
    HVBT.

  2. TXA. said

    Vâng, xin ghi nhận ý kiến của ông HVBT. và cảm ơn ông.

    Thưa ông, không ai chấp nhận dùng từ ngữ sai, lệch và cũng không ai chấp nhận bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, biết làm thế nào được!

    Những biện pháp trên tôi đưa ra là bất đắc dĩ, trước thực trạng phân biệt đối xử. Các nhà cầm bút bị phân biệt đối xử phải lên tiếng, chứ sao lại chỉ một mình tôi?

    TXA.

  3. txawriter said

    Thưa ông HVBT.,

    Xin nói rõ, đây chỉ là trang bàn về một số từ ngữ, nhưng ông lại nghĩ lệch về sự phân biệt đối xử trong giới cầm bút. Dẫu vậy, cũng xin bày tỏ sự hoan nghênh ý kiến phản hồi của ông.

    Nếu ông không thích các giải pháp trên về danh xưng nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn chương, nhà dịch thuật văn chương, về tạp chí điện tử tự lập, thì không còn cách nào khác, ngoài việc làm đơn xin thành lập Hội Nhà văn Việt Nam 2 (Hội Nhà văn chương Việt Nam 2) và đơn xin được làm báo chí tư nhân, nghĩa là kêu đòi quyền tự do lập hộiquyền tự do báo chí như trong Hiến pháp nước ta hiện nay và như trong Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền do Liên hiệp quốc ban hành, mà nước ta là một thành viên. Đó là đấu tranh trong khuôn khổ Hiến pháp hiện hành của Nước CHXHCN. Việt Nam chúng ta, phù hợp với tinh thần Nhân quyền của nhân loại.

    Nếu thành công, sẽ đạt được không những sự chính danh của danh xưng nghề nghiệp (nhà văn chương), danh xưng tổ chức nghề nghiệp (hội nhà văn chương), danh xưng loại hình báo chí chuyển tải sản phẩm nghề nghiệp (tạp chí điện tử tự lập), mà còn có tư cách pháp nhân nữa (có quyết định thành lập, có giấy phép, khuôn dấu…). Tất nhiên phải chấp hành hiến pháp và pháp luật của nước ta, chịu sự chế tài nếu vi phạm.

    Tôi cũng chúc Hội Nhà văn chương Việt Nam 2 và Tạp chí Nhà văn chương 2 ngang tầm với Hội Nhà văn chương Việt Nam 1 (Hội Nhà văn Việt Nam hiện hữu) và Tạp chí Nhà văn chương 1 (Tạp chí Nhà văn hiện hữu).

    Kính chúc ông thành công.

    Trân trọng,
    TXA.

  4. txawriter said

    CÁI SAI TRONG BÀI CỦA TS. NGUYỄN HƯNG QUỐC
    TRÊN TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ TỰ LẬP (TCĐTTL.) TRANNHUONGCOM (NHÀ THƠ TRẦN NHƯƠNG)

    Trước hết, xin mời đọc mấy dòng thưa ngỏ tôi viết:

    “Dưới đây là hai bài viết cũ của tôi, nhân đọc bài của TS. Nguyễn Hưng Quốc (Việt kiều) xuất hiện trên tạp chí điện tử tự lập TranNhuongCom tại Hà Nội (18-6 HB10), tôi chợt nhớ lại. Trong mùa đại hội của các nhà văn chương, “cấp địa phương” và “cấp toàn quốc” (theo cách phân cấp, cách nói hiện nay ở nước ta), tôi lại gửi đăng, xem thử công luận ra sao. Kính mong Tcđttl. TranNhuongCom tạo điều kiện cho sự “rộng đường công luận”. — TXA.”

    (Vài dòng thưa trước, viết khi gửi bài ra TranNhuongCom)

    Xin xem trên Tạp chí điện tử tự lập TranNhuongCom:
    Xin bấm vào đây

    Cũng mạn phép trích một đoạn bài viết của TS. Nguyễn Hưng Quốc:

    “Người ta thường hỏi: Nhà văn là ai?
    Câu trả lời chắc chắn không đơn giản. Khái niệm nhà văn thay đổi theo thời gian: ngày xưa, ở Việt Nam, bất kể ở những tài năng lớn hay nhỏ, tư cách nhà văn đều bị chìm khuất, thật mờ nhạt, đằng sau tư cách của những ông quan, ông đồ, ông cử hay ông tú. Khái niệm nhà văn cũng thay đổi theo thể loại: trong ý nghĩa này, nhà văn chỉ là tên gọi chung cho nhiều loại người khác nhau, từ một nhà thơ đến một nhà tiểu thuyết, một nhà tuỳ bút, một nhà viết kịch hoặc một nhà phê bình và lý luận văn học. Khái niệm nhà văn còn thay đổi theo phương pháp sáng tác người ta sử dụng: một nhà cổ điển, một nhà lãng mạn, một nhà hiện thực, một nhà siêu thực, một nhà hiện đại chủ nghĩa hoặc một nhà hậu hiện đại chủ nghĩa… Khái niệm nhà văn cũng thay đổi theo những mục tiêu mà người ta, qua động tác viết, nhắm tới: có người viết để độc giả tiêu khiển, có người viết để tuyên truyền cho một quan điểm và để kích động tâm lý của quần chúng, có người viết để thoả mãn lòng say mê đối với chữ nghĩa, cũng có người viết để chỉ gửi lòng mình vào thiên cổ, với hy vọng, may ra…”.

    Nguồn đoạn trích:
    NHÀ VĂN KHÔNG PHẢI NHÀ BÁO VÀ CÁN BỘ – Nguyễn Hưng Quốc

    Về danh từ “nhà văn”, phải chăng Nguyễn Hưng Quốc cũng sai theo cái sai của Vũ Ngọc Phan trước 1945!

    TXA.

  5. TXA. said

    THƯ CỦA MỘT ĐỘC GIẢ:

    Nói đến chuyện hội nghề nghiệp văn chương, chợt liên tưởng đến hội đoạn trường trong Truyện Kiều! Xót xa lắm thay!

    195. “Hàn gia ở mé tây thiên,
    Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu.
    Mấy lòng hạ cố đến nhau,
    Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng.
    Vâng trình hội chủ xem tường,
    200. Mà sao trong sổ đoạn trường có tên.
    Âu đành quả kiếp nhân duyên,
    Cùng người một hội, một thuyền đâu xa!
    Này mười bài mới mới ra,
    Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời”.
    205. Kiều vâng lĩnh ý đề bài,
    Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm.
    Xem thơ nức nở khen thầm:
    “Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường
    Ví đem vào tập đoạn trường
    210. Thì treo giải nhất chi nhường cho ai”.

    […]

    Lần lần thỏ bạc ác vàng,
    1270. Xót người trong hội đoạn trường đòi cơn

    Chúc Hội Nhà văn chương Việt Nam 2 không phải là HỘI ĐOẠN TRƯỜNG mà là hội nghề nghiệp chính danh của những người cầm bút đồng thời là những công dân tự do, tự chủ và độc lập.

  6. TXA. said

    Ý kiến phản hồi bằng trích đoạn Truyện Kiều (Nguyễn Du) và lời chúc Hội Nhà văn chương 2 của một độc giả tạm thời giấu tên đã được đưa lên 2 trang chủ http://www.tranxuanan-writer.nethttp://www.tranxuanan-poet.net, với lời giáo đầu như sau:

    “19-6 HB10:
    Nhân mùa đại hội, xem một ý kiến phản hồi:
    Thúy Kiều của Nguyễn Du đã vào Hội Nhà văn chương lúc mấy tuổi?
    Thể thức kết nạp như thế nào?
    Lời chúc của một độc giả thời nay (tạm giấu tên).”

    Có nhiều người đọc cho rằng rất vui, thâm thúy, và lời chúc phản đề cũng rất chí lí.

    Đặc biệt, có vị (tạm thời tôi giấu tên) lại phân tích cụ thể:

    1) Thúy Kiều của Nguyễn Du vào Hội Nhà văn (Hội Nhà văn chương) vào độ tuổi “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” (khoảng từ 13 đến 16 tuổi).

    2) Thể thức kết nạp: Thúy Kiều cùng “hồn ma” hội viên Đạm Tiên cảm mến nhau; Đạm Tiên đem tác phẩm của Kiều trình lên hội chủ (chủ tịch hội). Hóa ra, trong danh sách hội viên dự tính kết nạp, vốn được những ai đó (theo tư tưởng xưa, là tiền định) kín đáo đề cử, đã có tên Vương Thúy Kiều! Ngay sau đó, hội chủ liền cử Đạm Tiên đem mười bài thơ đoạn trường mới của các hội viên trong hội cho Thúy Kiều họa, như một cách thử tài, kiểm định năng lực viết lách, sáng tác theo đề tài, thể và vần cố định, trước khi chính thức kết nạp. Và Thúy Kiều đã vượt yêu cầu. Theo nhân định của Đạm Tiên, 10 bài họa thơ của Kiều xứng đáng được trao giải nhất, vượt lên tất thảy các tác giả hội viên trong tập thơ đoạn trường (đoạn trường thi tập).

    Thể thức kết nạp rất hay! Phải nói ngay như thế. Nay có thể vận dụng sáng tạo, vì đâu còn họa thơ nữa.

    3) Lời chúc phản đề của một người đọc (tạm thời, tôi — TXA. — giấu tên) tất nhiên là chí lí, vì chúng ta đang sống trong thời đại độc lập, tự do, dân chủ (hi vọng dân chủ nhiều hơn) và bản thân mỗi nhà văn chương đều tự chủ (hi vọng tự chủ nhiều hơn), không một người cầm bút nào lại “đánh đĩ văn chương” (“làm đĩ ngòi bút”) của mình (hi vọng dân quyền, nhân quyền nhiều hơn).

    Thúy Kiều sau 15 năm “làm đĩ văn chương – nghệ thuật”, đã được Đạm Tiên trao quyết định khai trừ, đòi lại “Đoạn trường thi tập”, một tuyển tập của toàn thể hội viên: “Đoạn trường sổ rút tên ra / Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau” (câu 2721-2722). Và chính Thúy Kiều cũng oán thơ và âm nhạc của chính mình: “Nàng rằng: ‘Vì mấy đường tơ / Lầm người cho đến bây giờ mới thôi'” (c. 2193-2194); “Nàng rằng: ‘Vì chút nghề chơi / Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu / Một phen tri kỉ cùng nhau/ Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa'” (c. 3211-3214). Sự thể ấy có căn nguyên từ bản chất văn chương, nghệ thuật và quan niệm văn chương, nghệ thuật cũ; mặt khác, trong những chế độ chính trị – xã hội thiếu nhân quyền, dân chủ, thi sĩ, nhạc sĩ chỉ là con dĩ, con hát cho những kẻ “mua dâm lắm tiền”. Nhiều người đã bàn nát nước ra rồi. Ở đây, khỏi bàn lại.

    Thật là vui! Mặc dù một độc giả (tạm thời tôi giấu tên) cho rằng “tếu táo cho dzui”, nhưng theo tôi, thế là vui lắm… Tôi cứ cười mãi, có khi bật ra thành tiếng, vì thú vị thật… — thú vị do sự phát hiện mới mẻ.

    Cái vui, cái cười này, cái thú vị này xem ra cũng quá tàn nhẫn với người tài hoa bạc mệnh trong xã hội ngày xưa, cái ngày xưa trong Truyện Kiều của Nguyễn Du!

    Nay cũng đã khác xưa rồi! Các hội nhà văn chương địa phương và hội nhà văn chương toàn quốc nước ta trong mấy chục năm qua cho đến hiện nay hoàn toàn không phải như thế.

    “Chúc Hội Nhà văn chương Việt Nam 2 [nếu có thể thành lập] không phải là HỘI ĐOẠN TRƯỜNG mà là hội nghề nghiệp chính danh của những người cầm bút đồng thời là những công dân tự do, tự chủ và độc lập.”

    TXA.

  7. PING BACK tự động (?) của WORDPRESS.
    Xin cảm ơn WordPress.

    Tôi ghi chú thêm:
    Hai lời bàn 5 & 6, tôi đã viết lại thành bài báo thuộc dạng phiếm đàm, tiểu phẩm vui:

    THÚY KIỀU CỦA NGUYỄN DU ĐÃ VÀO HỘI NHÀ VĂN?

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.