Chiếc cầu Ý Hệ (cầu Hiền Lương)

Người bắn nhau nhưng đâu phải bắn nhau, Bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó (TrầnXuânAn)

VUA, THẦY, CHA (bàn luận thêm về “Phạm Quỳnh, Phạm Tuyên”)

Posted by Trần Xuân An trên 13.01.2023

hidden hit counter

.
VUA, THẦY, CHA
(bàn luận thêm về “Phạm Quỳnh, Phạm Tuyên”)
Trần Xuân An

Khi viết bài bình luận sử về “Phạm Quỳnh, Phạm Tuyên”, tôi có nhắc đến Mạc Cảnh Huống (*), với bi kịch lịch sử – gia đình tương tự. Và không thể không suy ngẫm về chữ hiếu, khi một bạn học cố tri có ý trách Phạm Tuyên một cách nhẹ nhàng, xa xôi.

Hồi nhỏ, tôi đã có dịp bàn cãi về một vấn nạn có chứa đựng ý nghĩa giáo dục, trong một câu gần như là câu hỏi trắc nghiệm: “Quân, sư, phụ, tam cương dã / Thuyền đầy bị ngã, con cứu ai?”. Vua, thầy, cha, đó là ba giềng mối lớn của đạo làm người, của quân tử, trượng phu. Cả ba người đi trên một chiếc thuyền, nhưng thuyền đầy, cả ba vị bị té xuống sông cùng nhiều người. Trong trường hợp đó, may chăng chỉ cứu được một trong ba người thuộc tam cương. Vậy con cứu ai? Cứu vua chăng? Cứu thầy giáo chăng? Cứu cha đẻ chăng?

Nếu vận nước cần có vua để lãnh đạo toàn dân cứu nước, chẳng lẽ chúng ta đành đoạn để vua chết chìm theo vận nước nổi trôi? Nếu hiểu thầy giáo là người khai sinh cho chúng ta tâm và trí, sinh đẻ ra chúng ta thành một con người về phương diện tinh thần, chúng ta nỡ nào không cứu thầy giáo! Nhưng vua có thể thay vua khác, thầy giáo có thể còn có thầy giáo khác, còn cha đẻ chỉ một và chỉ một mà thôi. Lẽ nào chúng ta không cứu người sinh ra, nuôi ta lớn và ít nhiều bảo ban chúng ta điều hay lẽ phải?

Thời tấm bé, hầu như ai cũng bật ra câu trả lời: Tôi cứu cha đẻ tôi, vì không thể cứu ai thêm được nữa, trong điều kiện ấy. Chữ hiếu chỉ dành cho cha mẹ, ông bà ruột thịt. Chữ trung mới dành cho vua. Chữ nghĩa mới dành cho thầy giáo. Chữ hiếu là tình cảm tự nhiên.

Nhưng yêu nước không phải là tình cảm tự nhiên ư? Ở thời điểm nước cần có vua để cứu nước, mất vua có khả năng mất nước, chí ít cũng loạn lạc kéo dài. Vai trò của cha chỉ trong phạm vi gia đình, còn vai trò của vua liên can đến mất còn của Tổ quốc. Ai quan trọng hơn? Nhân dân cần vua sống, chỉ riêng cá nhân mỗi chúng ta cần cha ruột sống. Thầy giáo, chúng ta mang nặng ân sâu, nghĩa dày, với ý thức cha ta chỉ cho ta con người xương thịt, còn các thầy cô giáo mới cho ta con-người-tinh-thần, tâm được khai sáng, trí có kiến thức. Lẽ nào chúng ta bất nghĩa, bỏ rơi thầy, không cứu? Đối với thầy giáo, các bạn thuở nhỏ của tôi còn phân vân, khi so với minh quân và cha đẻ.

Vấn đề là vua có phải minh quân không? Vị vua ấy có phải là không thể có người thứ hai như thế không? Vận nước có cần đến vị vua ấy không? Còn thầy giáo, thành thật mà nói, cho dù mang tiếng bạc bẽo, vô ơn, rằng chỉ có Đức Phật, Đức Chúa, Đức Khổng Tử, Đức Lão Tử, Đức Mahomet là không thể có người thay thế mà thôi. Có điều, các vị thánh nhân ấy chỉ xuất hiện ở thời đại họ, họ không cần chúng ta phải cứu họ. Và trong điều kiện bình thường, chúng ta cũng có thể quên đi chữ trung với một vị vua, chữ nghĩa đối với một thầy giáo, để giữ chữ hiếu, cứu cha đẻ độc nhất của mình.

Mạc Cảnh Huống thì ở trường hợp khác. Phải chăng trong bối cảnh lịch sử – cụ thể, Mạc Cảnh Huống quên đi mối thù nhà mà tác nhân là Chúa Nguyễn, để trung với Chúa Nguyễn, thật ra là trung với nước, Nước-Đàng-Trong. Ông yêu đất nước Đàng Trong hơn yêu tình cốt nhục. Ông buông tay khỏi hoàng gia họ Mạc. Phạm Tuyên cũng thế chăng? Ông trung với nước, hiếu với dân theo nhận thức của ông. Ông không trung với Triều Nguyễn. Hiếu của ông là thế, với dân, không phải với cụ Phạm Quỳnh, cha đẻ. Do dó, ông có nhiều sáng tác nhạc ca ngợi đất nước, Bác Hồ, cách mạng Đỏ. Vấn đề đó, ở người khác cùng thời, lại là yêu nước, thương nhà, trọng thầy thì phải chống chủ nghĩa cộng sản tam vô (vô tổ quốc, vô gia tộc, vô tôn giáo), như học giả, chính khách Trần Trọng Kim.

Tôi nghĩ rằng Mạc Cảnh Huống giữ được cả chữ trung lẫn chữ hiếu: Ông trung với đất nước Đàng Trong dưới sự trị vì của Chúa Nguyễn nhưng vẫn cúng giỗ thân sinh, ông bà họ Mạc, vốn bị Nguyễn Hoàng góp công sức lớn đánh bại. Hiếu thuộc về tình cảm gia đình, gia tộc, không để vướng mắc với chính trị thì có gì là lạ đâu. Ông đã điều hòa được mâu thuẫn giữa hiếu và trung của riêng ông, bởi ông có lí trí để phân tích, luận giải. Tôi cũng liên tưởng đến Ngọc Hân công chúa, hoàng hậu của Quang Trung, tác giả “Ai tư vãn”, bà cũng điều hòa được mâu thuẫn hiếu với cha (vua Hậu Lê) và tình với chồng (Quang Trung đánh đổ triều Hậu Lê). Đọc “Ai tư vãn”, ai dám bảo tình cảm bà dành cho vua Quang Trung không chân thành, sâu đậm, nồng hậu, và bi thương tận đáy lòng?

T.X.A.
chiều 13-01-2023
……………..

(*) Mạc Cảnh Huống (1542-1677), con trai của vua Mạc Đăng Doanh, cháu nội của thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung.
.
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/3352185025055425/

“Tình Bắc duyên Nam”… Tình Đỏ duyên Vàng… Cuộc đời vốn phong phú, có nhiều trường hợp khác nhau… Dưới đây là vợ chồng cùng cảnh cùng quê…
Tục ngữ:
NỒI NÀO ÚP VUNG NẤY
LẤY CHỒNG LÀNG, VÀNG CHÔN CỬA NGÕ
THUẬN VỢ THUẬN CHỒNG, TÁT BỂ ĐÔNG CŨNG CẠN
Ngạn ngữ:
NGƯU TẦM NGƯU, MÃ TẦM MÃ
(trâu tìm đến với trâu, ngựa tìm đến với ngựa)
kẻo rồi “ông nói gà, bà nói vịt”.
ĐỒNG SÀNG DỊ MỘNG KHỔ THÂN
(cùng giường khác mộng ước, khổ thân)
Nói mặt này phải nói mặt kia, kẻo bị oán, thậm chí bị chửi.
.
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/3352786021661992/
.
Nói mặt này, phải nói mặt khác:
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/3352678945006033/

Xem thêm:
NHÂN ĐỌC BÀI THƠ “PHẠM QUỲNH, PHẠM TUYÊN” CỦA THÁI BÁ TÂN
Trần Xuân An

NHÂN ĐỌC BÀI THƠ “PHẠM QUỲNH, PHẠM TUYÊN” CỦA THÁI BÁ TÂN


.

.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

 
%d người thích bài này: