Chiếc cầu Ý Hệ (cầu Hiền Lương)

Người bắn nhau nhưng đâu phải bắn nhau, Bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó (TrầnXuânAn)

HAI BÀI THƠ SỬ VIẾT ĐàLÂU

Posted by Trần Xuân An trên 28.11.2010

hidden hit counter

28-11 HB10 (2010): Trần Xuân An — HAI BÀI THƠ SỬ ĐƯỢC VIẾT ĐÃ LÂU
Vui lòng bấm vào tiêu đề đã link-hóa


 



Ngôi nhà tranh của thân sinh Bác Hồ

Nguồn ảnh: web CtHCM. blogspot.
com (Google)


 

HAI BÀI THƠ SỬ VIẾT ĐÃ LÂU

Lời thưa trước: Thơ ca vốn rất phong phú về đề tài. Có thơ đời (xã hội), cũng có thơ nước (yêu nước), thơ nhà (kính thương cha mẹ, yêu vợ quý con), thơ tình (yêu đương thời trẻ tuổi). Lại có thơ triết (triết lí, triết học), thơ đạo (như thơ thiền chẳng hạn). Tất nhiên cũng lâu rồi, đã có thơ sử, rất đậm nét trong thơ thế giới và thơ Việt.

Tuy thơ yêu đương luôn luôn được người đọc mọi nơi, mọi lứa tuổi đón nhận, đồng cảm nhiều nhất, nhưng bó hẹp thơ trong lĩnh vực ấy là làm nghèo thơ đi, thậm chí là đẩy thơ vào lối nhỏ, so với con đường truyền thống thơ và ca dao Việt vốn rộng rãi, khiến thơ thua kém những thể loại khác, như truyện ngắn, kí tiểu thuyết, kịch…

Thơ sử, không phải diễn ca lịch sử, mà là thơ trữ tình về lịch sử, góp phần làm phong phú thơ và cũng rất cần thiết cho cuộc sống.

Cho dù viết về lĩnh vực nào, cái tôi của tác giả trong thơ trữ tình chỉ cần có một thái độ nhất định với ý thức về tính lịch sử – cụ thể, để khỏi đưa tâm hồn, tư tưởng mình và người đọc đi lạc. Thiết nghĩ như thế là đã đủ trách nhiệm cầm bút.

TXA.
02 – 26-11 HB10 (2010)

Bài 1
Trần Xuân An
MÁI TRANH

1

dưới hai hàng cây xanh
tôi về thăm quê Bác
nắng dọc đường đi êm ả hiền lành
hiện dần trong tôi nho nhỏ mái nhà tranh
tôi đã thấy qua thơ qua tiếng hát
(khúc ca nào lắng sâu hóa nỗi niềm riêng)
tôi đã thấy qua bao xóm làng quê hương
thân thuộc
một nếp tranh vàng rất đỗi dân gian
dưới bóng tre xanh, xanh tự ngàn năm

2

lần đầu tiên ra thăm
sao như trở lại lòng mình

3

ngõ hóp chống cao, vạt lúa, đất phèn
hàng giậu xanh non dẫn vào nhà Ngoại
nếp nhà tranh lùi lại cuối góc vườn
ôi tiếng khóc sơ sinh của Bác Hồ cất lên
ở đấy

4

mảnh sân con tuổi thơ Người chật chội
bước chập chững vin vào khung cửi
giữa tiếng ngâm thơ và tiếng xa quay
dĩa đèn dầu dập dềnh bóng tối
khát vọng trăm miền nặng tiếng à ơi
nói tiếng đầu tiên
khi ánh đuốc nghĩa quân rực cháy
nên Đất nước đau thương từ đấy có Người!

5

đứng lên! đồng bào ơi! –
ngân vang gió suốt chiều dài Đất nước
ai hát trên rừng xưa, bây giờ tôi hát
bỗng thấy cả vòm trời bao la
dưới mái tranh nghèo
hiểu khung vải dệt thời gian
dệt tiếng ru
trĩu nặng
hóa cờ bay phấp phới cả trời sao
từ dĩa đèn dầu hắt hiu ấu thơ Người đó
đến hừng đông cho bao dân tộc tôi đòi
từ mái tranh nho nhỏ
Bác Hồ ơi…

6

“Miền Nam trong trái tim tôi”
Miền Nam ơi
nỗi khổ mỗi người
nỗi khổ mỗi nhà
thành nỗi đau trĩu nặng lòng ai
nỗi cháy bỏng nhớ thương về Huế
cả Phan Thiết, Sài Gòn và trăm nơi
trái tim Người ấp ủ…
tuổi trẻ Người đi qua dưới cơn mưa nô lệ
chưa nắng đủ lòng vui, mưa Miền Nam
đã ướt lại áo Người
rồi cơn đau cuối đời! Bác không về
được nữa
Di Chúc vẫn lên đường, phấp phới nắng trăm nơi

7

con đường Bác đi, từ mái tranh nho nhỏ
nơi dừng lại bao la là giữa loài người
con đường Việt Nam, từ bùn đen loang máu
đã bừng lên rạng rỡ đóa sen tươi
mái tranh nho nhỏ
trở thành nơi hội tụ lòng người

8

tôi về thăm
gặp cả vòm trời
thu lại rất sâu trong từng đôi mắt
ánh mắt nào cũng chan chứa yêu thương
sáng lên từ Bác –
nhân hậu mênh mang sâu thẳm ngàn năm
tôi về thăm
mái tranh vàng sắc nắng dân gian
bóng tre tỏa hòa bình yêu thương lên
mặt đất
và ai rưng nước mắt
thấm nụ cười ấm áp sâu xa
khúc ca nào vọng về thầm lặng ngân nga…

9

tôi cảm nhận Cõi Người
qua hồn ông cha, Đất Nước
dưới vòm trời xanh bao la
xanh sắc Quê Nhà.

TXA.
Vinh – Huế, 1977






Tác giả, tại Gò Đống Đa – Hà Nội, trước tượng đài Quang Trung

 

 

Bài 2
Trần Xuân An
SÁNG THÁNG GIÊNG Ở GÒ ĐỐNG ĐA

1

lặng mình trước tượng đài Quang Trung
gò Đống Đa dưới chân tôi!
Nắng tỏa
từ quản bút lưng trâu và chú bé Hồ Thơm (1)
trên đèo núi chập chùng
từ thanh gươm Nguyễn Huệ Tây Sơn
nghe sử thi thắp tim mình chói lóa

2

ông cha vào khai khẩn đất phương nam
mãi xót lòng nỗi cằn cỗi Nghệ An
phải đổi họ lấy chút yên thân nơi xứ lạ
vua, và hai chúa hai Đàng
Đất nước nát tan
và chất chứa nguy cơ nát tan
đành dựng cờ đào trên nguy cơ rối bời tàn phá
với thanh gươm nghĩa cả

3

lần đầu tiên ra đây đến ngồi trên ghế đá
tôi ngẩng mặt trên bàn đá
đọc lời hịch hào hùng chói ngời dân dã
chạm lên tảng đá
sáng rọi nghìn sau
ngước nhìn tượng đài Ông cao vút trời sâu
mắt Quang Trung
nhìn tận Cửu Long
– lũ lũ đàn đàn quân Xiêm tan rã – sạch làu!
mắt Quang Trung
vượt qua gò đất chiến công
– một núi xác Tàu –
tầm kế sách vượt bao triều vua vương giả

4

sao để mãi hồn dân tộc bao đời dài lâu
đành sáng ngời trong văn tự rất quen mà vẫn “lạ”!
(dẫu hai ngàn năm, vẫn không buồn nói tiếng Tàu)
bắt con Trời Càn Long đầu gật mày chau
Quang Trung lấy lại Lưỡng Quảng nghìn xưa
bằng hào quang và một cỗ cau trầu!
(ôi lịch sử loài người!
những dân tộc
những quốc gia
dồn đuổi nuốt tươi nhau!)

5

thực dân Phương Tây từ lâu
dò la Bắc – Nam
run rẩy đưa cao thập giá
run rẩy đưa cao nhánh lá (2)
kèm bản đồ
giấu trong hàng hóa:
thư về nước, ngẩn ngơ, kinh hoàng
phơi lòng dạ!
ngợi ca Át-ti-la Phương Nam (3)
nét chữ bần thần nghiêng ngả
nguyện cầu!

6

danh sĩ Bắc Hà tâm phục đến chầu (4)
Hoàng đế Phương Nam, áo vải,
da sạm nâu
rất mưu lược
sao hiền hòa chân thành quá
rất bản lĩnh
và ân tình đến lạ

7

lặng mình trước tượng đài Quang Trung
hiểu tuổi sống của thiên tài Tây Sơn
thắp sức sống nhân dân
sáng bừng vận nước
nhưng “Ai tư vãn” muôn đời còn đau! (5)
đau đến muôn trùng!

8

tôi ngồi trên ghế đục ra từ núi đá
ngẩng mặt trên bàn đục ra từ núi đá
trên xác thù bạo ngược
gò Đống Đa
ngập nắng sáng, tháng giêng
lá xanh, xanh mướt
thầm hát câu thơ về người áo vải anh hùng
cảm khái dân tộc mình dựng lên tầm cao Tổ quốc
phải bằng sông máu núi xương
và gò xác giặc điên khùng!
ôi, gò xác này chỉ là biểu trưng
một tầm cao, cao thẳm, không biết
lấy gì đo được!

9

đâu rồi đền miếu, bát hương thuở trước
đã thắng giặc bằng căm thù
và bằng cả bao dung!
hương khói
tỏa lên dăm nét chữ chỉ đích danh:
lũ rối sắt máu, từ tim đen Càn Long
luôn chờ cớ xua quân cướp nước!
ôi lịch sử
nhân và nghĩa
cho vô cùng!

10

Quang Trung
người dựng mùa xuân
trên nỗi tan hoang hai miền Tổ quốc
bằng muôn triệu kiếm cung
trổ lên từ đồng Nam ruộng Bắc
bằng thanh gươm lóe thép Tây Sơn
bằng mùa mai thắm tươi ra Bắc
bằng mùa đào sáng bừng vào Nam
mùa xuân nối liền
vết thương sông Gianh
hai trăm năm
đau thắt Miền Trung

11

Hồ Thơm: Nguyễn Huệ: Quang Trung!
từ Nghệ An cỗi cằn
ông cha vào phương nam khai hoang
cánh chim Phượng Hoàng
mơ về đậu đỉnh xanh núi Quyết
chỗ đòn gánh kê vai gánh trĩu mùa vàng
chín rạn và bầm huyết
phải chăng
Trung Đô (6)
chiến lược nối liền Nam – Bắc hai Đàng?
và phải chăng
lệch tình ruột thịt cố hương nên nghiêng đổ hết?

12

Quang Trung
chỉ là lực biến dịch
cho sông Gianh thôi gào thét?
để vận nước nối liền bằng thanh gươm Gia Long
cựu thần Đàng Ngoài cuồng trung giẫy chết
Nguyễn Du khóc Kiều đứt ruột đắng lòng
qua Đèo Ngang, buổi nắng tà uá rét
“quốc quốc gia gia” hoài Lê thê thiết
Bà huyện Thanh Quan
tự đục tên khỏi gia phả nhà chồng? (7) (7b)
ngỡ mình là Hán tộc Hồng Tú Toàn,
Cao Bá Quát huà theo lũ châu chấu điên ngông (8)
quyển thơ thiên tài máu bết!
Phê-rô Tạ Văn Phụng (9)
mạo danh con vua Đa-vít Viễn Đông
Kinh Thánh rao giảng ngược,
ngược ngôi sao Na-za-rét (10):
“Nhà Nguyễn là đế quốc La Mã bên sông Hương!”
– ngược lời,
lâu la hú hét –
máu chảy ngược sông Hồng!
ôi, Quang Trung! Quang Trung!
chỉ là lực biến dịch
cho sông Gianh thôi gào thét?
để Đàng Ngoài cứ mãi hoài Lê
với nỗi cuồng trung!

13

từ Hà Nội mùa xuân
ngậm ngùi tưởng tiếc
ngồi trên gò Đống Đa
trên đỉnh cao chiến công Quang Trung
nắng hồng xanh non cỏ cây tháng Tết
tôi ngước nhìn Quang Trung
Quang Trung, Quang Trung, lực biến dịch
loé chớp
lành lặn vết thương sông Gianh
nối liền non sông nối liền biển biếc
trước thanh gươm vó ngựa Gia Long
Đàng Ngoài phải chăng tự dựng mùa đông?
mùa đông lan vào Đàng Trong
trăm năm thực dân tàu đồng súng thép…
Giê-su vô can, mười chín thế kỉ Người đã chết
sao giáo đường sáng trưng
thắp bằng máu mỡ Việt?
Đàng Ngoài – Đàng Trong
bỗng chung một nỗi lạnh tê rỉ rét…

14

từ Hà Nội mùa xuân
ngậm ngùi tưởng tiếc
Quang Trung, Quang Trung
tôi chợt hiểu chút máu thái thú bao đời trong Ông
mãi vỡ mạch muôn đời trên trang sử chép
vết thương Bến Hải đã xa, xa lắc, trập trùng
nếu tôi viết từ uẩn khúc Miền Nam,
uẩn khúc thuyền nhân:
“nội – nội phân tranh
ngoại – ngoại phân tranh”
thì lịch sử viết thẳng hay uốn cong?
và sao vang ra tận đây
– Hà Nội mùa xuân –
những tiếng khóc ròng?
vết thương Bến Hải
thiếu vắng một Quang Trung?
Quảng Trị quê hương
đau thương, hào hùng, quyết liệt
sao vang ra đây
câu hỏi nghẹn ngào róng riết
thiên tài Lê Duẩn là Quang Trung?
ý chí kiên cường Lê Duẩn là Gia Long? (11)
lịch sử đã lặp lại chăng?
lịch sử đã hoán vị hai Đàng?
đâu rồi bao tấm lòng đau niềm chung da diết
ai đó còn thao thức, khắc khoải, chờ mong
(ta chờ mong trái tim ta rất Việt!)?
sông Gianh – Bến Hải, nắng nỏ, bão bùng
nỗi niềm đứt ruột Miền Trung
vết thương chưa thôi gào thét?

15

ra thăm Hà Nội, ngắm hoa đào mùa Tết
tôi mỉm cười, bâng khuâng.

TXA.
Hà Nội, 05.03.1997
Tp. HCM., 20.03.1997 & 02.2004

(1) Nguyễn Huệ có tên thật là Hồ Thơm, vốn là hậu duệ của dòng họ Hồ Quý Ly (họ Hồ huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An; về sau chuyển ra Thanh Hoá…). Hồ Quý Ly lại là hậu duệ của thái thú Hồ Hưng Dật, người thiểu số (?) Trung Hoa, sang cai trị nước ta thời Bắc thuộc. Mặc dù có gốc gác rất xa đời là người thiểu số (?) Phương Bắc (Trung Hoa), nhưng thực chất huyết thống dòng họ Hồ Thơm (Nguyễn Huệ, chi nhánh ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đã pha trộn qua mấy chục đời để trở thành huyết thống Việt. Dẫu vậy, vẫn có một bộ phận nhân dân không ủng hộ Quang Trung Nguyễn Huệ vì lẽ đó.

Có tư liệu cho rằng: Tổ tiên dăm ba đời trước của Hồ Thơm (Nguyễn Huệ) là lính thuộc quân binh họ Trịnh Đàng Ngoài. Trong một đợt giao chiến với quân Đàng Trong, người lính ấy bị bắt sống, và may thay, được chuá Nguyễn cho đưa vào Bình Định khai hoang lập ấp, rồi được phép định cư hẳn ở đấy. Từ đó, đất Tây Sơn tỉnh Bình Định có một nhánh họ Hồ vốn thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An sinh sôi nẩy nở, nhưng lại đổi sang họ Nguyễn. Tư liệu này cần được khảo chứng thêm.

Nhân đây, nên chăng cũng cần xác định cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh chủ tịch Hồ Chí Minh – Nguyễn Sinh Cung) hoàn toàn không phải thuộc họ Hồ này. Đó chỉ là tin đồn lưu truyền trong dân gian, không có căn cứ. Cụ đích thực là hậu duệ của họ Nguyễn Sinh ở Làng Sen, Nam Đàn, Nghệ An.

(2) Nhánh lá trong ngày lễ Phục sinh (theo sự tích lịch sử – Kinh Thánh: nhân dân Do Thái tung hô Chuá Giê-su [Jésus], hậu duệ vua Đa-vít [David]).

(3) Attila (người Hung Nô [Les Huns, Mông Cổ], 406? – 453): một danh tướng có tầm vóc thế giới, xét về mặt thiên tài quân sự. Các cố đạo Thiên Chuá giáo vừa khâm phục, vừa lo sợ trước thiên tài quân sự của Quang Trung; họ so sánh Attila với Quang Trung trong những bức thư gửi về Pháp, Tây Ban Nha…

(4) Tất nhiên vẫn có rất nhiều cựu thần vua Lê, chuá Trịnh chống đối: Phạm Thái (tác giả “Sơ kính tân trang”), Nguyễn Công Tấn (thân sinh Nguyễn Công Trứ)…

(5) “Ai tư vãn”, một bài thơ dài của Lê Ngọc Hân (công chuá nhà Lê), vợ Quang Trung, khóc thương vị vua này khi ông băng hà.

(6) Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế tại Huế (lấy hiệu là Quang Trung), nhưng về sau lại có kế hoạch dời đô về nguyên quán Nghệ An. Địa điểm xây dựng kinh đô là vùng đất dưới chân núi Quyết, bên bờ sông Lam. Tên kinh đô là Phượng Hoàng Trung Đô. Tuy nhiên, kế hoạch bất thành.

(7) Xin đừng hiểu Bà huyện Thanh Quan đồng cảm với những người Chăm (““chợ” mấy nhà”), khi dừng bước ở Đèo Ngang, vốn là biên giới Đại Việt – Chăm-pa thuở nào. Cũng đừng đẩy xa ý tưởng đó, rồi cho rằng, người Đàng Ngoài với người Chăm có chung một kẻ thù là các chuá Nguyễn, vua Nguyễn, khi cảm nhận hai câu luận và hai câu kết của bài “Qua Đèo Ngang”:

Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc
Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta

Đặc biệt là câu thơ “một mảnh tình riêng, ta với ta”! Ấy chỉ là cảm xúc khi chỉ còn mình đối diện với chính mình trong nỗi cô đơn. Cũng đừng đẩy xa hơn nữa ý tưởng đó, để kết luận Bà huyện Thanh Quan vốn có gốc gác là Chăm, tuy không ít người Đàng Ngoài đích thực là người Việt gốc Chăm (người Chăm phải ra Đàng Ngoài nhập cư, từ thời Lý đến thời Nguyễn).

Tôi nghĩ thi sĩ đài các, trang trọng rất mực trong ngôn từ thơ ca này có thể bị ám ảnh về biên giới lịch sử bởi câu sấm kí của Trạng Trình: “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” (Đèo Ngang một dải vạn đời dung thân), khi chuá Nguyễn Hoàng đến xin gặp Trạng Trình để tham khảo ý kiến. Mặc dù trong thực tế, sông Gianh mới là biên giới Đàng Trong – Đàng Ngoài, nhưng trong tâm thức người Đàng Ngoài, Hoành Sơn (Đèo Ngang) mới là biên giới có tính lịch sử.

Phải liên hệ với các bài thơ khác của Bà huyện Thanh Quan, nhất là “Thăng Long thành hoài cổ”, khi cảm thụ “Qua Đèo Ngang”.

(8) Phong trào Thái Bình thiên quốc (bài Thanh phù Hán) ở Trung Hoa do Hồng Tú Toàn lãnh đạo; về sau biến tướng thành giặc Cờ, quấy nhiễu các tỉnh biên giới nước ta để chiếm cứ đất, xưng hùng xưng bá.

(9) Tạ Văn Phụng là một giáo dân, có tên thánh là Pierre (Phê-rô). Tuân theo lời các cố đạo, các tên thực dân Pháp, Tây Ban Nha, y mạo danh là hậu duệ vua Lê, với cái tên Lê Duy Phụng hoặc Lê Bảo Phụng. Pierre Tạ Văn Phụng gây nên một cuộc nổi loạn phản quốc, kéo dài nhiều năm, tạo thêm sức ép ở phía Bắc Kì, để triều đình Huế phải kí nhượng ước Nhâm tuất 1862, và mưu toan lập “xứ Bắc Kì thuộc Pháp “bảo hộ””. Sau khi đạt mục tiêu, thực dân, cố đạo Pháp và Tây Ban Nha liền bỏ rơi Pierre Tạ Văn Phụng!

(10) Nazaret, quê hương của Chuá Jésus. Theo Kinh Thánh, lúc Đức mẹ Maria sinh ra Chuá Jésus, trên trời có xuất hiện một ngôi sao lạ. Ngôi sao này dẫn đường cho ba vị vua Trung Đông đến chầu.

(11) Không phải chỉ khi đề cập đến Gia Long (Nguyễn Ánh), mới cần nhận thức theo quan điểm lịch sử – cụ thể, nhưng không thể không nhấn mạnh như thế khi cần làm sáng tỏ, thoả đáng thêm về vấn đề này.

Chủ quyền Đất nước dưới chế độ quân chủ cũng là một hình thức quan hệ sở hữu phong kiến (Đất nước và thần dân là tài sản và tôi tớ của hoàng tộc cầm quyền, nối đời thừa kế). Do đó, Nguyễn Ánh (Gia Long) đánh đổ triều Tây Sơn (ba anh em Nguyễn Huệ và Nguyễn Quang Toản) là để giành lại cái gọi là quyền sở hữu Đất nước Đàng Trong và thần dân của dòng họ mình, và thừa kế luôn cả Đàng Ngoài mà dòng họ ông ta có công trung hưng (vai trò công thần của Nguyễn Kim). Chủ quyền Đất nước và nhân dân được xác lập theo quan hệ sở hữu phong kiến về tài sản và nô bộc là một quan niệm phản động, cực kì phản động, nếu đứng ở giác độ dân chủ để phê phán. Tuy nhiên, ở cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, Nguyễn Ánh vẫn chính nghĩa theo quan niệm phong kiến! Và cũng cần khẳng định rõ: mối quan hệ giữa Nguyễn Ánh và cố đạo thực dân Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) chỉ là quan hệ lợi dụng lẫn nhau mà thôi! Sau khi nắm được ngai vàng hoàng đế, chính Gia Long (Nguyễn Ánh) đã hạn chế sự bành trướng Thiên Chúa giáo! Như thế, trên cơ sở đó, có thể có một nhận định: Quang Trung (Nguyễn Huệ) đáp ứng được yêu cầu bức thiết của lịch sử là phải thống nhất Đàng Trong – Đàng Ngoài (mặc dù công lao ấy phần nào còn bị hạn chế do tình trạng tam phân giữa ba anh em Tây Sơn). Tuy nhiên, Gia Long (Nguyễn Ánh) không phải không chính nghĩa, xét theo quan hệ sở hữu phong kiến về vương quốc, thần dân; và Gia Long còn kế thừa cả sự nghiệp thống nhất Đàng Trong – Đàng Ngoài của Quang Trung một cách tốt đẹp. Đó không phải là một nhận định “ba phải”, mà xét trên cơ sở sự thật lịch sử và xét theo quan điểm cụ thể – lịch sử tiên tiến, khoa học nhất của chúng ta, trong thời đại dân chủ hiện nay. Mặc dù đối với chúng ta hiện nay, chế độ phong kiến nói chung (chứ không phải chỉ riêng triều Nguyễn) vốn đã trở nên quá lạc hậu, cực kì phản động, “một đi, không bao giờ trở lại”, nhưng cũng phải công bằng, thỏa đáng trong việc nhận định lịch sử.

Nói một cách giản dị, Nguyễn Ánh không dễ dàng gì để mất vào tay Tây Sơn sự nghiệp suốt hai trăm năm của dòng họ ông ta. Đó là sự nghiệp chín chuá Nguyễn đã lãnh đạo nhân dân Đàng Trong khai phá đất phương nam, từ Phú Yên đến Cà Mau!

Cũng nói một cách giản dị, nếu lấy tiêu chí dân chủ hiện nay, nhất là dân chủ xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực sở hữu ruộng đất (sở hữu toàn dân hay còn gọi là công hữu), để nhận định về chế độ phong kiến quân chủ … rồi trách cứ, thì chẳng khác nào trách cứ sao Nguyễn Du không sáng tác Truyện Kiều trên máy vi tính và phát hành trên mạng VnExpress hoặc Cinet! Nhưng có người sẽ vặn lại tôi: Đâu rồi quan điểm so sánh đồng đại? Từ năm 1848, giữa thế kỉ XIX, Karl Marx và Fridrich Engels đã xuất bản “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” kia mà! Tôi chỉ biết bảo người ấy nhìn ra thế giới ngay vào thời điểm này: Hiện còn bao nhiêu nước theo chính thể quân chủ lập hiến (lập hiến nhưng vẫn còn vua chuá!)? Còn năm 1848, cách thời điểm Gia Long lên ngôi (1802) đến bốn mươi sáu (46) năm! Nếu chọn thời điểm so sánh tương đồng, phải là 1789, năm cách mạng tư sản Pháp nổ ra và cũng là năm Quang Trung đánh tan hai mươi vạn quân Thanh, triều đại vua Lê – chuá Trịnh hoàn toàn tiêu tan; và lúc đó, Nguyễn Ánh vẫn còn trường kì chiến đấu khôi phục. Nhưng cách mạng tư sản Pháp tồn tại không bao lâu; rồi chính giai cấp phong kiến Pháp cũng xé toạc Tuyên ngôn Nhân quyền, Dân quyền 1789 để phục hồi đế chế quân chủ! Vả lại, nên hiểu giới hạn tầm nhìn thời bấy giờ, cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XIX, trong điều kiện chung là thông tin liên lạc còn hạn chế. Do đó, giới hạn tầm nhìn thời bấy giờ là chỉ trong phạm vi khu vực Đông Nam Á và rộng hơn, là phạm vi châu Á… Hơn nữa, tầm nhìn còn bị quy định bởi bao nhiêu điều khác, nhất là nền tảng kinh tế (lực lượng sản xuất…), dân trí toàn xã hội! Hiểu như thế, mới thật là lịch sử – cụ thể. Không nên kéo lùi lịch sử hiện tại vào sự lạc hậu (tụt hậu), cũng không nên cưỡng bức lịch sử quá khứ phải thật dân chủ xã hội chủ nghĩa về quyền sở hữu Đất nước, tức là quyền làm chủ Đất nước.

Ngoài ra, tưởng cũng cần nhắc lại một nhận định xác đáng và công bằng của nhiều nhà nghiên cứu sử học về Gia Long Nguyễn Ánh: Ông là một con người có nghị lực mạnh mẽ, vị vua sáng nghiệp từ hai bàn tay đã trắng (có khi quân lính không còn một đội, lương thực không có để dùng). Ông chỉ có một điều kiện thuận lợi, ấy là lòng trung thành của nhân dân Đàng Trong đối với các chuá Nguyễn tiền bối.

Ở chú thích này, tôi chỉ nhấn mạnh đến nghị lực mạnh mẽ hay còn gọi là đức tính kiên cường của Nguyễn Ánh, nhất là sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, từ Nam Quan đến Cà Mau. Và khi so sánh tổng bí thư Lê Duẩn với Quang Trung, Gia Long ở khía cạnh thống nhất Tổ quốc, tôi hiểu “so sánh nào cũng có sự khập khiễng”. Có thể nói rõ ra, cả Quang Trung, Gia Long cộng lại mới có thể so sánh với nhân vật lịch sử Lê Duẩn (1907-1986).

TXA.
04.HB3 & 26.02.HB4
(07.02 Giáp thân HB4).

Đã và đang gửi đăng trên báo chí (in giấy, điện tử – công lập & tự lập):
http://trannhuong.com/news_detail/7185/…

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.