Chiếc cầu Ý Hệ (cầu Hiền Lương)

Người bắn nhau nhưng đâu phải bắn nhau, Bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó (TrầnXuânAn)

TRẢ LỜI: VỀ CÔNG THƯ PHẠM VĂN ĐỒNG 14-09-1958

Posted by Trần Xuân An trên 01.06.2014

hidden hit counter

 

Trần Xuân An đã thêm một bài đăng Facebook, từ ngày 31 Tháng 5 lúc 12:50
Ho Chi Minh City • Đã chỉnh sửa •

TRẢ LỜI ANH LANHX TRAN, thành viên Facebook, (có bổ sung):
VỀ CÔNG THƯ PHẠM VĂN ĐỒNG 14-09-1958

1) Trung Quốc càng nhắc đến cái công thư (công hàm) Phạm Văn Đồng năm 1958 ấy càng chứng tỏ Trung Quốc quá thấp kém về trình độ hành chính. Nhượng đất, nhượng biển phải có hiệp ước! HIỆP ƯỚC, chứ không phải CÔNG THƯ! Đằng này, chỉ là cái công thư thường, nội dung lại mơ hồ. Mà nội dung đã mơ hồ, không khẳng định một cách tường minh, thì có nghĩa là không công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc! Nội dung rõ rệt là chỉ công nhận hải phận (với nghĩa lãnh hải) 12 hải lí mà thôi!

Nguyên văn đoạn thứ nhất của công thư như sau:

“Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc”.

Rõ ràng bản công thư đã xác định, khu biệt rõ nội hàm của sự “ghi nhận và tán thành” bản tuyên bố ngày 04-9-1958 là “quyết định về hải phận của Trung Quốc”. Rõ nghĩa hơn nữa, ở đoạn thứ hai và cũng là đoạn cuối, công thư đã xác định “hải phận” ở đây là “hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”.

Nguyên văn đoạn thứ hai của công thư như sau:

“Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt bể”.

HIỆU LỰC THI HÀNH cũng được ghi rõ là CHỈ TRONG PHẠM VI LÃNH THỔ, LÃNH HẢI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA (nguyên văn xác định rõ bằng chữ “Nước” trong cụm từ “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”) và trong quan hệ với Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt biển, ĐỒNG THỜI CŨNG CHỈ DƯỚI CHÍNH QUYỀN (nguyên văn: “các cơ quan Nhà nước”) NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA (Vĩ tuyến 17 trở ra).

2) Tôi cũng biết có một điểm trong lập luận của Trung Quốc là: Trung Quốc vốn dĩ đã có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa rồi, nay Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa công nhận lại. Nhưng thật sự chỉ có Việt Nam mới có đầy đủ hồ sơ về lịch sử cũng như hồ sơ về sự quản lí thực tế hai quần đảo đó. Cho nên, Trung Quốc không hề có chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, thì làm sao công nhận được! Vả lại, hai quần đảo ấy thuộc Việt Nam cộng hòa quản lí.

NÓI TÓM LẠI, KHÔNG CÓ Ý NGHĨA, GIÁ TRỊ GÌ Ở SỰ CÔNG NHẬN CHỦ QUYỀN, MỘT KHI TRUNG QUỐC TỪ XƯA ĐẾN NAY KHÔNG CÓ CHỦ QUYỀN ĐỐI VỚI HOÀNG SA, TRƯỜNG SA. Trung Quốc không có chủ quyền, vậy ta công nhận chủ quyền cho Trung Quốc thế nào được! Vô nghĩa! Ví dụ tôi (T.X.A.) không có hồ sơ chủ quyền đối với một mảnh đất ở đường X, thành phố Z, thì việc anh ( Lanhx Tran ) công nhận chủ quyền cho tôi cũng vô nghĩa mà thôi! Đâu có giá trị gì!

NẾU TRUNG QUỐC CỨ KHĂNG KHĂNG CHO RẰNG CÔNG THƯ 1958 ẤY ĐÃ NGẦM CÔNG NHÂN CHỦ QUYỀN CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI HOÀNG SA, TRƯỜNG SA, TA PHẢI TRẢ LỜI DỨT KHOÁT: NẾU BẢO THẾ, THÌ ĐÓ CHỈ LÀ MỘT SỰ CÔNG NHẬN BẤT HỢP PHÁP VÀ BẤT HỢP LỆ (vì Trung Quốc không có 2 loại hồ sơ chủ quyền như trên đã nói), NÊN KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ GÌ CẢ.

3) Vả lại, Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm (1956, 1974, 1988), chứ Việt Nam (cả Nước Việt Nam cộng hòa lẫn Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) có làm lễ bàn giao cho Trung Quốc đâu!

4) VÀ GIẢ ĐỊNH: NẾU LÀ HIỆP ƯỚC RÕ RÀNG NHƯ CÁC HIỆP ƯỚC DƯỚI THỜI TỰ ĐỨC, TA CŨNG PHẢI CHIẾN ĐẤU ĐỂ LẤY LẠI!

Trần Xuân An
31-5 và 01-6 HB14 (2014)

Gửi đến quý thành viên Facebook:
Nguyễn Phú Yên , Nguyễn Vân , Thăng Long Thái , Nguyễn Hưng Quốc , Song Nguyên , Nguyễn Thái Sơn , Nguyễn Đăng Trình , Mừng Nguyễn Đặng , Bùi Chí Vinh , Bùi Như Hải , Menras André , Nga Ha Huu , Nguyen Dang Hung , Nguyễn Đăng Chín , Tan Synh , Luyen Vo Van , Khai Dinh , Nguyen Ky Nam

Cũng có thể xem tại:

NGUYÊN VĂN
CÔNG THƯ PHẠM VĂN ĐỒNG 14-09-1958:

Thủ tướng phủ
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

Thưa đồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ:

Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.

Chúng tôi xin kính gửi đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng./.

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958

(kí tên và đóng dấu)

Phạm Văn Đồng
Thủ tướng Chính phủ
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

Kính gửi:
Đồng chí Chu Ân Lai
Tổng lý Quốc vụ viện
Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
tại Bắc Kinh

Xem lại:
BỔ CỨU THÊM MỘT LUẬN CỨ, LUẬN CHỨNG NHẰM PHÊ PHÁN SỰ VIN VÀO VÀ DIỄN DỊCH SAI LỆCH CÔNG HÀM 14-9-1958

.

http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_h%C3%A0m_n%C4%83m_1958_c%E1%BB%A7a_Th%E1%BB%A7_t%C6%B0%E1%BB%9Bng_Ph%E1%BA%A1m_V%C4%83n_%C4%90%E1%BB%93ng

TUYÊN BỐ NGÀY 4/9/1958 CỦA NƯỚC CHND. TRUNG QUỐC VỀ LÃNH HẢI

(Ðược thông qua trong kỳ họp thứ 100 của Ban Thường Trực Quốc Hội Nhân Dân ngày 4 tháng 9 năm 1958)

“Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nay tuyên bố:

(1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.

(2) Các đường thẳng nối liền mỗi điểm cơ sở của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các đường cơ sở của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường cơ sở là hải phận của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường cơ sở, kể cả vịnh Bột Hải và eo biển Quỳnh Châu, là vùng nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường cơ sở, kể cả đảo Đông Dẫn, đảo Cao Đăng, các đảo Mã Tổ, các đảo Bạch Khuyển, đảo Điểu Khâu, Ðại và Tiểu Kim Môn, đảo Đại Đảm, đảo Nhị Đảm, và đảo Đông Đĩnh, là các đảo thuộc nội hải Trung Quốc.

(3) Nếu không có sự cho phép của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tất cả máy bay nước ngoài và tàu bè quân sự không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải phận này. Bất cứ tàu bè nước ngoài nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều phải tuyên thủ các luật lệ liên hệ của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

(4) Ðiều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.

Khu vực Ðài Loan và Bành Hồ hiện tại vẫn bị lực lượng vũ trang Hoa Kỳ xâm chiếm. Ðây là hành vi phi pháp, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ðài Loan và Bành Hồ đang chờ được thu phục. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền dùng mọi biện pháp thích ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai, không cho phép nước ngoài can thiệp”.

—————————-

TXA. chú thích theo Wikipedia:

a) Quần đảo Bành Hồ: quần đảo Pengu, nằm ở phía tây đảo Đài Loan thuộc eo biển Đài Loan (hiện quần đảo này do Đài Loan quản lí).
b) Quần đảo Đông Sa: Pratas, quần đảo Dong-Sha là một nhóm 3 hòn đảo nằm ở vị trí 20°43′B 116°42′Đ, phía đông bắc biển Đông, cách Hồng Kông 350 km, cách Đài Bắc 850 km. Hiện quần đảo này do Đài Loan quản lí, đặt trong thành phố Cao Hùng.
c) Quần đảo Trung Sa: Bãi Macclesfield (tiếng Anh: Macclesfield Bank).

d) Quần đảo Tây Sa: quần đảo Hoàng Sa (của nước Quốc gia Việt Nam, về sau đổi lại là Nước Việt Nam cộng hòa, nay thuộc Nước CHXHCH. Việt Nam).
e) Quần đảo Nam Sa: quần đảo Trường Sa (của nước Quốc gia Việt Nam, về sau đổi lại là Nước Việt Nam cộng hòa, nay thuộc Nước CHXHCH. Việt Nam).

.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.