.
NHÂN ĐỌC BÀI THƠ “PHẠM QUỲNH, PHẠM TUYÊN” CỦA THÁI BÁ TÂN
Trần Xuân An
Hôm qua, 11-01-2023, thấy trên Facebook của thầy giáo, nhà văn Thái Bá Tân một bài thơ năm chữ quá rõ nghĩa của ông, nhan đề “Phạm Quỳnh, Phạm Tuyên”. Hôm nay, lại thấy trên Facebook của nhà văn Trần Nguyên Vấn có đưa tin Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức sinh nhật thượng thọ của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Một người trách mắng, một người có ý đề cao.
Xin lạm bàn về sự tích bi kịch ấy.
1) Ông Phạm Quỳnh (1892-1945) là một học giả uyên thâm, đại thần triều Nguyễn thời bị giặc Pháp “bảo hộ”. Nhiều sách báo đã kết án Phạm Quỳnh là tay sai của Pháp, khi ở vai trò nhà báo của Pháp, kể cả việc giữ chức quan lớn triều đình đã bị Pháp khống chế. Cũng có sách báo nhẹ nhàng hơn, cho rằng ông vẫn có tinh thần dân tộc, thể hiện ở câu văn nổi tiếng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Ý ông là, dân tộc còn tiếng nói, văn tự (quốc âm, quốc ngữ Nôm hay la-tinh) thì dân tộc không tiêu vong, không bị đồng hoá. Và ngoài ra, còn ngụ ý về vận nước đen tối rằng, dù phải chịu thân phận làm đĩ như Kiều, nhưng cũng như Kiều, vẫn còn cơ hội đoàn viên, giũ sạch nhơ nhuốc, vì tâm tư luôn trinh trắng, không mất tư chất của mình.
2) Ông Phạm Quỳnh bị Việt Minh hành quyết trong thời điểm Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.
.
.
3) Phạm Tuyên là con trai ruột của Phạm Quỳnh. Ông là nhạc sĩ từ lúc trẻ tuổi, đã quên thù cha, theo Việt Minh làm cách mạng, đánh đuổi thực dân Pháp. Phạm Tuyên có nhiều bản nhạc ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ (tức là Việt Minh, lãnh tụ, thời Đảng giấu mặt, giải thể tạm thời). Ông Thái Bá Tân và nhiều người trước nữa, trách mắng Phạm Tuyên bất hiếu, phi đạo lí, và khuyên bảo: Thà ở ẩn, còn hơn cộng tác với Việt Minh, ca ngợi lãnh tụ, Đảng cầm quyền, chính quyền đã tử hình cha ruột mình. Trong lịch sử, cũng đã từng có vị tướng Mạc Cảnh Huống (*), hoàng thân triều Mạc, gần giống thế. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng nhiều năm đánh giết quan quân Nhà Mạc. Tuy vậy, Mạc Cảnh Huống vẫn tận trung với Chúa Nguyễn. Trong chừng mức nào đó, Phạm Tuyên cũng cùng bi kịch lịch sử – gia đình như Mạc Cảnh Huống.
4) Trước hết, xin thử bàn ngoài lề: Giả thiết chị X. có cha là một kẻ đồng loã, tay chân của bọn cướp của giết người, chiếm đoạt nhà đất người ta. Vậy khi cha chị ấy bị toà án thực thi công lí, phán quyết tử hình, thì chị X. cần có thái độ nào cho phải lẽ? Bản án ấy không sai, chiếu theo luật định. Dĩ nhiên, chị X. không thể căm thù toà án, căm thù chính quyền. Chị ấy vẫn nên là một công dân tốt, thừa nhận cha mình bị quyết án đúng người đúng tội, và tiếp tục tiến thủ trong xã hội do chính quyền ấy quản lí. Ứng xử như thế là đúng mực. Tuy nhiên, thực tế lịch sử không đơn giản như vậy.
5) Trở lại vấn đề Phạm Quỳnh – Phạm Tuyên:
5a.– Phạm Quỳnh có phải tay sai của thực dân Pháp không? Nam Phong tạp chí có phải là công cụ của thực dân Pháp? Khi đảm nhiệm chức quan thượng thư của Nam triều bị “bảo hộ”, Phạm Quỳnh dĩ nhiên cũng bị “bảo hộ”, làm việc theo sự chỉ đạo của thực dân Pháp. Ông có tinh thần dân tộc, nhưng như Kiều, chịu làm đĩ, cố giữ chút lòng trinh bạch, khát vọng thoát khỏi thân phận đĩ, hi vọng lại “trong giá, trắng ngần” — triều Nguyễn và đất nước lại độc lập, tự chủ, thoát ách “bảo hộ” của giặc Pháp? Hơn thế nữa, Phạm Quỳnh từng chủ trương chủ nghĩa quốc gia, theo chính thể quân chủ lập hiến.
5b.– Phạm Quỳnh bị Việt Minh tử hình, có phải là án oan không? Thật ra, chẳng xét xử, tuyên án gì. Ông bị bắt và bị tử hình theo lệnh hành quyết của Việt Minh.
5c.– Việt Minh chủ trương đánh Pháp, nhưng theo phe Liên Xô, Liên Xô uỷ nhiệm cho Trung Quốc cố vấn, viện trợ và chuyển tiếp viện trợ… Phạm Tuyên có vướng mắc Việt Minh đánh Pháp cho Tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam hay đánh Pháp cho Liên Xô, phong trào Cộng sản (như Trần Trọng Kim đã viết trong “Một cơn gió bụi”) không? Rõ ràng Việt Minh, Việt Nam dân chủ cộng hoà không có cờ Tổ quốc mà chỉ có cờ Búa liềm và cờ Sao Lenin nền đỏ, phiên bản cờ Liên Xô! Phạm Tuyên có phải chỉ ca ngợi mặt phải mà quên mặt trái ấy của Việt Minh, Việt Nam dân chủ cộng hoà chăng?
5d.– Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã theo Việt Minh chống Pháp, đã ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi Việt Minh, ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông không có nỗi lòng thù hận vì cha bị Việt Minh hành quyết. Ông có nhắc lại lời Bác Hồ nói với hai người chị của ông, vào mùa thu 1945: “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ vững tâm đi theo cách mạng” (**). Tác phẩm của Phạm Quỳnh cũng đã được nhiều người sưu tập, ấn hành gần đây. Nhưng nên chăng Phạm Tuyên cần minh oan cho cha, nếu Phạm Quỳnh xứng đáng được minh oan, về hành trạng chính trị. Và Phạm Tuyên cũng cần nói thật lòng về nhận thức của ông đối với Việt Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam, về Bác Hồ, một cách toàn diện, chứ không chỉ ca ngợi mặt phải, trong khi mặt trái, khá rõ ràng, như Trần Trọng Kim cùng thời đã viết trong “Một cơn gió bụi” rằng, phương tiện là cứu nước để đi đến cứu cánh là cộng sản hoá, nhập vào khối do Liên Xô đứng đầu với ngọn cờ Búa liềm Sao Liên Xô. Ông không hiểu, hay ông chấp nhận hoàn toàn, hoặc ông giấu kín một nửa lòng mình?
.
.
6) Thử nghĩ về bối cảnh Triều Nguyễn từ sau Kinh đô quật khởi và thất thủ (05-07-1885), Đồng Khánh lên ngôi, cho đến triều Bảo Đại, kéo dài cả thời Bảo Đại chỉ xưng là quốc trưởng (quốc hiệu Quốc gia Việt Nam: 1949-1955), hễ ai cộng tác với thực dân Pháp, thì đều có thể gọi là nguỵ, là Thuý Kiều, kể cả cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Bác Hồ. Chức càng lớn, càng làm lợi cho giặc Pháp. Trong tầng lớp, thành phần đó, vẫn có người mặc dù phải nương vào Pháp, nhưng ít nhiều cũng giúp dân, giúp nước, chứ không đến nỗi nịnh Pháp trên nạt dân dưới, chỉ vinh thân phì gia một cách đê tiện.
Vấn đề là tại sao họ không ủng hộ, tham gia Việt Minh (cộng sản quốc tế) — tôi muốn nhấn mạnh câu này, một câu hỏi đồng thời tự nó là câu trả lời (và tôi cũng đã mạn phép giãi bày hộ bên trên).
Phong trào Cộng sản đã có thực lực từ 1917 tại Nga. Ở nước ta, phong trào Xô-viết Nghệ – Tĩnh đã nổ ra từ 1930-1931, và giành được chính quyền từ Cách mạng Tháng Tám 1945. Phạm Quỳnh cộng tác, ăn lương Pháp từ năm ông mới 16 tuổi, và làm quan cho triều Nguyễn thuộc Pháp ở chức vị không thể cao hơn được nữa, là thượng thư Bộ Lại, Cơ mật viện đại thần. Có điều, ông chủ trương chủ nghĩa quốc gia, chính thể quân chủ lập hiến và mong muốn tự trị trong Liên hiệp Pháp. Đó là chủ trương mà sau này, từ 1949, Bảo Đại đã thực thi sau khi kí hiệp ước với tổng thống Pháp Auriol (Việt Nam độc lập trong Liên hiệp Pháp). Tuy vậy, sự thể đó, thời Phạm Quỳnh, đang còn là mong mỏi, hoài bão. Đến 1949, mới đạt được, nhưng đạt đạt được lại nhờ công cuộc kháng chiến vũ trang của Việt Minh — Việt Minh đánh Pháp, buộc Pháp ở thế phải nhân nhượng, nhưng không nhân nhượng cho Việt Minh, mà cho Triều Nguyễn của Bảo Đại (giai đoạn 1949-1955).
Vấn đề lịch sử là phong trào Quốc gia không thể không đương đầu với phong trào Cộng sản quốc tế tạm thời giấu mặt sau chiêu bài Việt Minh. Quốc gia ngả hẳn về Khối do Mỹ đứng đầu. Việt Minh ngả hẳn về Khối do Nga Xô đứng đầu. Phạm Quỳnh bị Việt Minh hành quyết ngay từ thời điểm Cách mạng Tháng Tám 1945, cùng với cha con Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân. Có tư liệu cho rằng tổng đốc Nam – Ngãi Ngô Đình Khôi đã từng chống giết Việt Minh.
Sự thật lịch sử là nước ta bấy giờ phân hoá thành hai phe, một dựa Pháp – Nhật – Mỹ và một dựa Liên Xô – Trung Quốc (đứng đầu là Mỹ và Liên Xô). Bên trước, bên sau, rồi đều dựa vào hai cường quốc đứng đầu, một bên dựa Nga Xô, một bên dựa Mỹ — hai cường quốc ấy không phải là cựu thù truyền kiếp, xem ra cũng “dễ coi” hơn giặc Pháp và giặc Tàu. Còn phát-xít Nhật chỉ chiếm trọn vẹn nước ta trong vòng mấy tháng (09-03 đến 15-08 và 02-09-1945), lúc đã quá suy vi, rồi nhanh chóng đầu hàng Đồng minh. Nhưng Phạm Quỳnh đã chết từ cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9-1945.
7) Trong cuộc nội chiến – Chiến tranh Lạnh (1945-1954-1975 cho đến 1991), ở nước ta, số người có cha (hay thân nhân nói chung) bị Việt Minh, Việt cộng giết không ít. Ngược lại, số người có ruột thịt bị Quốc gia, Cộng hoà giết cũng không ít. Oan ức hoặc đúng người, đúng tội chăng? Ứng xử thế nào cho đúng mực? Tôi nghĩ mọi người đều có thể tự trả lời. Thế là hoà giải, hoà hợp dân tộc.
T.X.A.
09:01-11:52, 12-01-2023
…………………
(*) Mạc Cảnh Huống (1542-1677), con trai của vua Mạc Đăng Doanh, cháu nội của thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung.
(**) Nguyễn Hoàng Diệu Thuý, “Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Lịch sử sẽ công bằng với cha tôi”, báo Tiền Phong điện tử, 04-12-2007:
https:// tienphong. vn /nhac-sy-pham-tuyen-lich-su-se-cong-bang-voi-cha-toi-post103739.tpo?ArticleID=103739&ChannelID=7
.
https:// www. facebook. com/tranxuanan.writer/posts/3351193855154542/
.
Xem thêm:
VUA, THẦY, CHA
(bàn luận thêm về “Phạm Quỳnh, Phạm Tuyên”)
Trần Xuân An, 13-01-2023
.
Xem bài thơ của nhà giáo, nhà văn Thái Bá Tân:
https:// www. facebook. com/100085437663204/posts/143699655154623/
.