“CƯỠNG BỨC TÌNH DUYÊN”,
CHUYỆN THỜI CHIẾN TRANH
Trần Xuân An
người làm ơn, ngầm cưỡng bức lòng người
ân đức ấy ngầm buộc người phải chọn
thoát nhà lao, vào tình duyên không trọn
người thuỷ chung, người chung thuỷ suốt đời
khi tấn tuồng lịch sử đổi màn rồi
người vỡ mộng lại gặp người mộng vỡ
người ngoài lao nhờ kẻ quen giúp đỡ
người trong lao thoát ra, thành vợ chồng
thời chiến tranh cũng đời thường nỗi lòng
rời Việt Minh, người về sau bị bắt
người về trước, theo chính danh, dù nát
dựa quan quyền triều Nguyễn, cứu tình duyên
cứu khỏi tù, lễ cưới tơ hồng thiêng
dùng ân nghĩa trói đời nhau bền chặt
sợi lạt mềm buộc đời nhau, tẩm mật
vậy có là cưỡng bức tình duyên không?
vị đắng chát, trà, cà phê, tỉnh lòng
viết văn chương, nhìn đâu cũng bi kịch
thấy ân nghĩa sáng trong như ngọc bích
mang cạnh sắc vị kỉ cứa đau tim
tuổi sóng tràn và bay bổng cánh chim
gọi đó là tình duyên bị áp lực
cứu khỏi tù, cưới nở hoa tâm phục
khi bạc đầu thấy vậy cũng thương thương
tôi bạc đầu, học lại về yêu đương
thành vợ chồng, có nhiều người chinh phục
lớp sơ cấp hôn nhân và hạnh phúc
chịu cưỡng bức học cho xong, xoá mù *
tình duyên đó như ca dao hát ru *
chuyện Thạch Sanh nhưng Lý Thông không có
cứu thoát hang Đại Bàng, nên chồng vợ
ân hoá tình, đâu chỉ yêu với yêu.
T.X.A.
22 & 23-12-2020
…………..
(*) Chính sách cưỡng bức (cưỡng bách) giáo dục, bắt buộc phải đi học trường phổ thông, ở các nước tiên tiến, ngày xưa. Trong “Chương trình Việt Minh” (Hồ Chí Minh, 1941), có sử dụng cụm từ “cưỡng bức giáo dục”. Ở đây, nói về điều kiện đăng kí kết hôn, buộc phải có chứng chỉ đã học xong lớp hôn nhân, xây dựng gia đình hạnh phúc, “xoá mù” kiến thức về lĩnh vực này. Tác giả cũng chỉ nói đùa, rằng bản thân tuy bạc tóc, vẫn lơ tơ mơ. ~ Trích “Thạch Sanh”, truyện thơ dân gian:
“Đàn kêu: tích tịch tình tang
Tiếng ti, tiếng trúc cung đàn đua vui.
Đàn kêu hơn thiệt mọi lời
Nhân duyên phu phụ số trời đã se”.
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2789568704650396/
.