TÔI KÍ TÊN
DƯỚI BA (+ HAI) BÀI THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ ĐƯỜNG LUẬT,
KHÔNG ĐỂ KHUYẾT DANH
Trần Xuân An
Thành thật thưa rằng, trong 26 (hai mươi sáu) tập thơ của tôi, tôi chưa từng sáng tác theo thể thơ thất ngôn bát cú luật Đường nghiêm chỉnh, mặc dù trong một ít truyện Nôm, thơ Lý – Trần cho đến các đại thụ như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, rồi cả các tác gia như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, và cả Quách Tấn thời tiền chiến đều dùng thể thơ này, với niêm luật không phá cách. Tuy vậy, tôi có dịch thơ Nguyễn Văn Tường (1824-1886) từ nguyên tác chữ Hán, chủ yếu là chuyển từ bản dịch nghĩa của các vị khác ra dịch vần, thành bản thơ tiếng Việt đúng niêm luật thể thơ ấy. Mỗi bài thơ đều có bản dịch thơ của người biên soạn là tôi, và tôi chú thích (cũng có thể gọi là chú giải) tất cả các bài thơ trong cuốn sách “Thơ Nguyễn Văn Tường (1824-1886) – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng” (vi tính 2000 & Nxb. Thanh Niên, 2008).
Đây là lần đầu tiên tôi sáng tác (3+2 bài xướng hoạ) theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đưa cái tục tằn, cái tục tĩu, thô tục vào thơ, mặc dù cũng trong phạm trù mĩ học, “mĩ học là đạo đức học tương lai” (M. Gorki), với tinh thần cái đẹp nói chung (nguyên lí mĩ học) đã quy định giới hạn cho cái tục tằn, tục tĩu ấy. Do đó, tôi không khỏi ngần ngại, do dự.
Sau ba ngày tham khảo mặc nhiên quý độc giả, gồm cả những anh chị em quen biết và bạn bè cũ mới, tôi nghĩ rằng mình nên kí tên dưới ba (+ hai) bài thơ xướng hoạ ấy, không nên để khuyết danh như ban đầu.
Tôi cũng thể hiện ý thức:
ĐỪNG KHIÊU DÂM HOÁ
Trần Xuân An
bỏ cái tục tằn trong mĩ học
là xoá Xuân Hương và Tú Xương
Thánh Kinh, cũng đục trắng nhiều đoạn
xin miễn khiêu dâm hoá nõn nường!
(T.X.A. ~~ 13-12-2020 ~~ https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2783076935299573/ )
T.X.A.
15-12-2020
Xem thêm:
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2784287428511857/
Thơ thất ngôn bát cú Đường luật cổ xưa:
BÀI XƯỚNG (THÁCH HOẠ):
“GIỄU NHẠI THEO TRẦN TẾ XƯƠNG,
VŨ TRỌNG PHỤNG, LỖ TẤN”
Trần Xuân An
hạ thành Hà Nội, nhục sông Hồng
Tây hiếp, sướng rên, phải gậy chồng *
trên ghế, bà đầm ngoi đít vịt
dưới sân, ông kẹc ngỏng đầu rồng! *
chú Hoàng Hải Thuỷ ghi thành chữ
bác Lại Nguyên Ân chép đủ dòng
sa-đích thời nào đau xé thịt *
ai bình “sướng”, “ngỏng”, máu ròng ròng! *
T.X.A.
09-12-2020
……………
(*) Theo hai website của nhà văn Hoàng Hải Thuỷ (bài trả lời phỏng vấn, 2011) và nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân (công trình nghiên cứu văn bản, 2007): Truyện tiếu lâm chính trị trong “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng (“Thị Mịch”, VI , xã hội tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, Hà Nội báo, số 24 (17 Juin 1936), tr. 26-30; in thành sách lấy tên sách là “Giông tố”, XIV, xã hội tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, Nxb. Văn Thanh, Hà Nội, 1937, tr. 165-174). Chuyện tiếu lâm chính trị “Pháp hiếp dâm, một phân số dân Hà Nội hưởng ứng”, trước 1975, tôi đã nghe nhiều người kể, tôi cũng kể lại cho nhiều người nghe, nhưng không ngờ Vũ Trọng Phụng đã đưa vào “Giông tố” từ năm 1936, 1937. ~ Gần trọn nguyên văn hai câu thơ của Trần Tế Xương (xin xem tiếp chú thích này). ~ Sadisme: bạo dâm gây đau. Theo tôi biết, trong cuốn “Một bông hồng cho văn nghệ”, nhà thơ Nguyên Sa là người đầu tiên phiên âm từ “sadisme” (bạo dâm gây đau) thành “sa-đích”: bọn sa-đích văn nghệ, học thuật… “Bạo dâm gây đau văn nghệ, học thuật” chính xác hơn thuật ngữ “hiếp dâm văn nghệ, học thuật” thường dùng. ~ Trên Facebook riêng, nhà thơ Thạch Quỳ bình chữ “ngỏng” trong bài “Giễu người thi đỗ”, thơ của Trần Tế Xương. Theo Google, nhà giáo Nguyễn Khắc Phước và vài tác giả khác cũng có bàn về chữ đó ở câu thơ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX ấy.
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2779849132289020/
HOẠ NGUYÊN VẦN, KHẮC LỤC, LUẬT TRẮC & LUẬT BẰNG
HOẠ LẦN 1:
BÀI “GIỄU NHẠI THEO TRẦN TẾ XƯƠNG,
VŨ TRỌNG PHỤNG, LỖ TẤN”
Trần Xuân An
(nguyên vần, khắc lục, luật trắc):
sông Cửu, sông Hương chung nhục Hồng
Tây đè, vùng dậy, đứng bên chồng
bà đầm, trên ghế, ngoi trôn vịt
ông cử, dưới sân, chĩa vảy rồng
“Giông tố”, viết văn, luồn lách chữ *
“Giễu thi”, đánh bút, vuốt xoa dòng *
bạo quyền “cởi trói”, thôi sa-đích *
mềm dẻo, nước triều, lớn lại ròng *.
(nguyên vần, khắc lục, luật bằng):
sông Hương, sông Cửu nhục như Hồng
Tây hiếp, vùng lên, sát cạnh chồng
trên ghế, bà đầm ngoi đít vịt
dưới sân, ông cử chĩa vi rồng
viết trong “Giông tố”, lách từng chữ *
đánh ở “Giễu thi”, xoa mỗi dòng *
sa-đích, đến thời phải “cởi trói” *
dẻo mềm, triều nước, lớn rồi ròng *.
T.X.A.
10-12-2020
………..
(*) “Giông tố”, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, bản 1937. “Giễu người thi đỗ”, thơ Trần Tế Xương (1870-1907). ~ Xã hội Việt Nam, trong đó có văn học, đã một lần được “cởi trói” trong giai đoạn 1936-1939, khi Mặt trận Bình dân của Léon Blum (1872-1950) lên cầm quyền ở chính quốc Pháp. ~ Đây chỉ là bài hoạ nguyên vần trong khuôn khổ chủ đề thuộc loại “chủ hoà” hoặc “minh xã” (ngầm chống Pháp trong vỏ bọc hợp pháp). Nếu có thể, câu cuối nên chăng là thế này: minh xã thăm tù máu ứa ròng (luật trắc); thăm tù đuổi Pháp, máu tươm ròng (luật bằng).
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2780596328880967/
HOẠ LẦN 2
BÀI “GIỄU NHẠI THEO TRẦN TẾ XƯƠNG,
VŨ TRỌNG PHỤNG, LỖ TẤN”
Trần Xuân An
(nguyên vần, khắc lục, luật trắc):
Hà Nội Pháp đè, nhục Tản Hồng
Huế truy tội sướng, bị roi chồng
bà đầm trên ghế ngoi trôn vịt
ông cử dưới sân ngỏng trốc rồng
người nuốt thịt người, kinh vạn chữ *
sử bôi máu sử, hãi nghìn dòng *
Lỗ gào địa ngục, Mao thêm ngục *
sa-đích, khoá mồm, máu chảy ròng.
(nguyên vần, khắc lục, luật bằng):
Pháp đè Hà Nội, nhục dòng Hồng
Huế đánh tội rên sướng quá chồng
thẹn chuyện bà đầm ngoi đít vịt
hổ danh ông cử ngỏng mào rồng
thịt người, người nuốt, kinh từng chữ *
máu sử, sử bôi, hãi mỗi dòng *
Lỗ Tấn thét gào Mao địa ngục
khoá mồm, sa-đích, máu tuôn ròng.
T.X.A.
12-12-2020
…………….
(*) Lỗ Tấn, “Nhật kí người điên” (1918).
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2782170198723580/
Xem Facebook Trần Xuân An ngày 09-12-2020 – 12-12-2020
.
Xem thêm:
https://txawriter.wordpress.com/2020/08/22/bi-tay-cuong-chiem-ma-cu-ren-len-mot-cach-he-ha-lam/