Kính mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Kính biết ơn thầy cô (cùng với cha mẹ) đã dạy tôi nên người có học và có nhân cách.
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2763758900564710/
Bài 1:
NHÀ GIÁO PHẢI TỰ HOÀN THIỆN
ĐỂ NGHỀ DẠY HỌC TRỞ THÀNH CAO QUÝ
(ý nghĩ về nghề giáo nói chung của một người từng là sinh viên sư phạm và có dăm năm làm thầy giáo môn ngữ văn Việt)
Động lực phát triển tồn tại thường xuyên ở nhà giáo là ý thức tự điều chỉnh thầm lặng giữa con người phàm tục bình thường và con người mẫu mực về đạo đức, lối sống, và càng thêm tuổi, họ càng mẫu mực hơn. Ví dụ, có lẽ chúng ta đã từng thấy, một nhà giáo trẻ nào đó mới vào nghề có khi quá chén, do tửu lượng không cao, bị ai đó nhiệt tình mời ép, phải bước ngúc ngắc, nghiêng ngả giữa đường, nhưng lúc đã có vài ba tuổi nghề trở lên, nhà giáo biết tự tránh khỏi tình huống ấy, không để trở thành kẻ say rượu khó coi trước mắt học sinh, phụ huynh và thiên hạ. Ví dụ, người làm nghề khác có thể vừa đi bộ dọc đường vừa ăn bánh mì, nhưng nhà giáo thì không được phép như vậy. Xã hội chỉ muốn thấy hình ảnh nhà giáo ung dung ngồi vào bàn, từ tốn ăn cái bánh mì ấy một cách lịch sự. Trong truyền thống nghìn năm và cho đến nay, xã hội luôn đặt nhà giáo ở một mức chuẩn đạo đức, lối sống cao hơn những người thuộc ngành nghề khác. Điều đó trở thành ý thức tự giác điều chỉnh có tính nội tại về nhân cách, biết tích luỹ kinh nghiệm sống để tự bảo vệ nhân cách (và đồng thời nâng cao hơn, có cơ sở thực tế hơn cho cả kiến thức nữa), ở nhà giáo, để họ mỗi tuổi mỗi hoàn thiện hơn, như đã nói ở trên.
T.X.A.
20-11-2020
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2763795597227707/
Bài 2:
THI VÀO TRƯỜNG SƯ PHẠM
PHẢI ĐƯỢC “COI TƯỚNG”
Thuở chuẩn bị thi vào trường đại học sư phạm, tôi nghe người đi trước kể chuyện: Sau môn thi viết (làm bài trên giấy), nếu đỗ thì sẽ vào thi vấn đáp, và thi vấn đáp không chỉ “bị” kiểm tra thêm về kiến thức mà còn được “coi tướng”, tức là giám khảo trực tiếp xem xét tác phong thí sinh có tướng làm thầy giáo, cô giáo không.
Thí sinh có thể đạt điểm cao thi viết, nhưng tướng dáng ba trợn, thiếu đứng đắn là rớt luôn!
Nhân Ngày Nhà giáo, tôi xin kể lại.
T.X.A.
20-11-2020
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2763917900548810/
Bài 3:
NỘI DUNG GIẢNG DẠY: PHI CHÍNH TRỊ CẦM QUYỀN
VÀ ĐẬM ĐẶC CHÍNH TRỊ CẦM QUYỀN
Đúng là nội dung giảng dạy từ mẫu giáo, tiểu học cho đến trung học, đại học trong hệ thống trường học Việt Nam cộng hoà là phi chính trị, hiểu theo nghĩa hẹp, cụ thể là nội dung ấy không phục vụ cho chế độ cầm quyền đương thời thuở bấy giờ. Có lẽ chỉ dưới chế độ Đệ nhất Cộng hoà (1955-1963) mới có ít nhiều đề cao tổng thống Ngô Đình Diệm ở chương trình môn sử lớp đệ nhất (tức lớp 12) và bài hát “Suy tôn Ngô tổng thống”. Sau 1963, không còn chút nào đề cao, suy tôn cá nhân nguyên thủ hay chế độ cầm quyền bấy giờ nữa.
Tôi còn nhớ, chính trị với nghĩa hẹp, cụ thể, có tính lợi dụng học đường nói trên thực sự chỉ có ở những buổi tổ chức tại hội trường cho tỉnh trưởng, cán bộ chiêu hồi, sinh viên sĩ quan đi tuyên truyền thời sự nhất thời, nhưng thỉnh thoảng mà thôi. Trong nội dung giảng dạy, có một bài thuộc môn công dân giáo dục lớp 9 và một bài cũng môn ấy ở lớp 12 đề cập đến “nền kinh tế hoạch định” trong sự so sánh với “nền kinh tế tự do”, tức là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, về mặt kinh tế, nhưng khá khách quan, không phải “địch – ta”.
Tuy vậy, nếu chính trị ở nghĩa rộng, như lòng yêu nước, chống quân xâm lược như chống Trung Hoa phong kiến, chống thực dân Pháp, chống phát xít Nhật, thì dĩ nhiên nhà trường Việt Nam cộng hoà vẫn đậm nét, rõ nét. Cũng có giảng dạy, nhưng không xoáy đi xoáy lại, về Hiệp định Geneve 1954, chia cắt đất nước, và Miền Bắc thuộc Khối Cộng sản xâm lược do Nga Sô đứng đầu, Trung cộng ở vị trí thứ hai…
Nếu xét một cách tinh vi hơn, người ta cũng chỉ thấy môn văn học trong nhà trường Việt Nam cộng hoà không quá đề cao khuynh hướng hiện thực hay khuynh hướng lãng mạn. Nhà trường chế độ cũ xem trọng cả hai. Điều này khác với nhà trường sau 1975, gạt văn học lãng mạn ra khỏi chương trình, chỉ học lướt qua, trong khi đó, đánh giá rất cao khuynh hướng hiện thực.
Nhà trường Việt Nam cộng hoà khác hẳn vấn đề chính trị ở nghĩa hẹp đó, như đã nói trên kia, so với nhà trường Việt Nam dân chủ cộng hoà và cả nước sau 1975. Nhà trường Cách mạng, xã hội chủ nghĩa nước ta xác định công khai là nội dung giảng dạy chuyên môn và giáo dục đạo đức, nhân cách gắn liền với nhiệm vụ chính trị cụ thể, trước mắt và lâu dài: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào”, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời bồi dưỡng lí tưởng cộng sản chủ nghĩa, căm thù các chế độ bóc lột, vun đắp lòng kính yêu lãnh tụ, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa… Tinh thần chính trị ấy thấm đẫm trong từng bài học, thể hiện ở mục đích yêu cầu nơi mỗi giáo án.
Đó là nội dung giảng dạy và giáo dục trước Đổi mới.
T.X.A.
20-11-2020
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2764206637186603/
Bài 4:
HOÀN CẢNH XUẤT THÂN, MÔI TRƯỜNG TRƯỞNG THÀNH CỦA NHÀ GIÁO
Có một ý nhỏ thuộc loại cần phải tế nhị, vì nó khá “nhạy cảm”, đó là hoàn cảnh xuất thân hay môi trường trưởng thành đối với người tự chọn hay “bị” chọn vào ngành giáo dục. Tôi không nói đến huyết thống.
Chúng ta biết rằng, ở xã hội Việt Nam từ nghìn xưa, sự kì thị giai cấp không có hoặc chỉ đơn lẻ. Thuở ấy, ai có học, có đỗ đạt dù chỉ tú tài thôi, cũng có thể hành nghề dạy học, bằng cách mở trường tư ở làng thôn, bất kể có thuộc nòi thư hương hay chỉ là cậu chăn trâu có chí dùi mài kinh sử. Thời trước và sau 1975 cũng vậy (đặc biệt sau Ngày Thống nhất ấy, rất ưu tiên cho công nông và các tầng lớp dưới), nhưng hầu hết giáo viên, giáo sư trung học đều phải học trường sư phạm, dù chỉ học khoá cấp tốc (vài ba dịp vào quãng thời gian học sinh nghỉ hè, giáo sinh phải về trường học cho đủ khoá). Vì không phân biệt giai cấp, thành phần, hoàn cảnh riêng, nên có nhiều thầy cô giáo không được may mắn có vốn văn hoá được un đúc từ tấm bé, do đó cách ăn nói, đi đứng, giao tiếp xã hội hơi bỗ bã, suồng sã, “tự nhiên chủ nghĩa”, mặc dù có thể, họ cũng rất thông minh, lanh lẹ và căn bản tri thức thuộc loại đáng nể.
Đây là một mẩu đối thoại trong lớp giữa giáo viên với học sinh trung học:
Thầy: Sao? Không hiểu nổi cách chứng minh định lí này hả? Cái đầu mày là cái đầu cứt hay sao mà dốt thế!
Trò: Dạ, em chưa hiểu được thầy ạ!
Thầy: Thôi, cái đầu cứt thì tay cũng bốc cứt cho luôn! Nghỉ học, về làm nghề bốc cứt!
Trò: (bật khóc tức tưởi).
Bạn có thể tin là có một nhà giáo như thế không? Đến thế đấy!
Khi học trường sư phạm xong, được bổ nhiệm đi dạy học, họ sẽ bị áp lực xã hội tại địa phương và nội quy nhà trường, nơi họ giảng dạy, dần dần điều chỉnh cho họ song song với ý thức tự điều chỉnh tính cách, thói quen sống, cho phù hợp với nghề giáo, với môi trường giáo dục. Nhiều người rất thành công.
Xuất thân từ giai tầng nào, từ hoàn cảnh, môi trường sống nào, mỗi người đều trải qua tuổi nghề, tuổi đời như một quá trình rèn luyện, tu dưỡng liên tục. Và rốt cục, đều trở thành tầng lớp tinh hoa, trí thức quý tộc mới (chứ không thể xoá giai tầng, đồng nhất hoá mọi hoàn cảnh, mọi môi trường sống trong xã hội được!). Cơ cấu xã hội như trong các chế độ trước, chỉ có con người này thay thế con người kia!
T.X.A.
21-11-2020
https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2764586210481979/