Chiếc cầu Ý Hệ (cầu Hiền Lương)

Người bắn nhau nhưng đâu phải bắn nhau, Bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó (TrầnXuânAn)

HẬU CHIẾN, KHÔNG RIÊNG AI (VIII) – tiếp theo

Posted by Trần Xuân An trên 27.03.2013

hidden hit counter

HẬU CHIẾN, KHÔNG RIÊNG AI
Chương VIII
Trần Xuân An

1

Chỉ một ngón tay vào xách tay của Huyên, người cùng đi xe khách nói với giọng điệu tuy không gay gắt, dữ tợn nhưng là lạ, như thể doạ dẫm:
– Cái xách này “nặng” lắm đấy!
Huyên cau mày, sau một thoáng ngạc nhiên, nhưng anh kịp hiểu ngay, và đưa cao cái xách tay lên:
– Nhẹ thôi! Chỉ vài cuốn sách, sổ tay, bút viết, ít bộ áo quần, bàn chải răng và khăn mặt… Không có hàng lậu, quốc cấm đâu! Nhưng anh là ai? Tại sao lại chỉ vào xách tay tôi rồi bảo “nặng” lắm?
Gã đàn ông ấy cười gằn và im lặng. Huyên nghĩ có thể gã đàn ông muốn ám chỉ bài thơ “Lại bắt đầu bằng chữ cái thứ nhất” (hay “Lại tập đánh vần”) của anh chăng? Nhưng biết đâu, đó chỉ là sự vô tình, ngẫu nhiên, chứ chẳng có ai hơi đâu lại theo dõi Huyên và doạ dẫm như thế. Dẫu sao, cũng tỏ thái độ mặc kệ y, Huyên ngồi vào chỗ, chờ xe chạy. Suốt mấy tiếng đồng hồ, xe đã vượt qua hai phần ba hành trình, Huyên vẫn ngồi yên với xách tay trong lòng, đặt gọn trên hai bắp vế chân, vì sợ mất tập bản thảo thơ của chính anh. Đến lúc này, Huyên mới quay mặt lại, tìm xem có gã đàn ông vớ vẩn kia không. Quả là vẫn có y ngồi cách anh hai dãy ghế. Huyên bỗng ước ao sao được dịp công bố bài thơ ấy (*) càng rộng khắp càng đỡ bõ ghét, chứ rơi vào cảnh dấm dớ, úp mở, thật khó chịu. Thơ Huyên, Huyên không chịu đốt bỏ! PA.25 không muốn bắt quả tang bài thơ ấy trong tập bản thảo anh đang để trong xách tay! Nếu không có vụ khủng bố tinh thần ở hồ Xuân Hương và ở dốc bưu điện trung tâm Đà Lạt, hẳn Huyên cũng không tin anh đang bị theo dõi, doạ dẫm thế này. Mà thực ra, đây cũng là một cách khủng bố.
Xe đỗ trước quán “Bít tất”, đối diện với cột cây số 270 bên kia đường, chờ cho Huyên xuống xe xong, lại vụt chạy đi. Gã đàn ông vẫn còn trên xe. Hẳn y lên thẳng Đà Lạt. Còn Huyên, anh vào Trường Phổ thông trung học Đạ Nông, để bắt đầu niên khoá thứ ba, 1982-1983, tại ngôi trường này. Huyên tự biết, anh cố làm cứng như vậy, nhưng thật ra, chừng như thần kinh anh cũng quá căng thẳng, không khéo cũng đã rão ra.
Những vạt ruộng ngô quanh trường vẫn xanh. Sân trường vẫn đang vắng bóng học sinh. Cỏ vẫn thưa thớt mọc dăm vạt. Cây thông cao ngất giữa sân trường vẫn ngạo nghễ tốt tươi.
Hình như giáo viên chỉ có mặt ở trường vài ba người, vì đợt phép hè chưa hết.
Vào đến thềm dãy nhà tập thể, Huyên thấy anh Nguyễn Thái Tráng đang ngồi trong phòng vốn là phòng anh Bùi Sĩ Khen ở, trong năm học vừa qua. Ngoài anh Tráng, còn có một người đàn ông đứng tuổi khác, dáng người khá bệ vệ, mặc áo sơ mi trắng, chiếc mũ cối bọc vải vàng pha cam đặt bên cạnh, mới trông biết ngay là cán bộ công an ngoài Bắc mới vào. Huyên ngạc nhiên, thầm thốt trong lòng, “lại công an!”. Anh khẽ chào hai người, rồi đi vòng lui sau dãy phòng đơn. Một trong năm phòng đơn phía sau đã được Công đoàn trường sắp xếp cho Huyên, từ cuối năm học trước. Huyên tìm chìa khoá trong xách tay, rồi mở cửa phòng, bật công tắc đèn.
Huyên để cả áo quần đi đường, nằm nghỉ trên chiếc giường của mình.
Lát sau, Huyên nghe tiếng chào tạm biệt giữa anh Tráng và ông cán bộ công an ấy. Sau đó dăm phút, lại nghe tiếng chân anh Tráng đang tiến đến phòng Huyên.
Bước vào phòng, ngồi vào ghế sau bàn soạn giáo án, anh Tráng hỏi:
– Ra nghỉ phép có gì vui không?
Huyên ngồi dậy, trên giường của mình:
– Cũng bình thường, anh à. Ông công an nào vậy?
– Anh ruột của anh Lê Thừa Ích, hiệu trưởng cũ của trường mình đó! Ông ta vào hỏi thăm xem tại sao em ruột của ông ta lại bị Sở Giáo dục cho thôi chức ấy mà!
– Thì ra là vậy. Nhưng sao không hỏi Sở Giáo dục, mà hỏi trường mình, lúc chưa tựu trường, khai giảng?
– Ai mà biết ý ông ta thế nào! Công an vốn hay méo mó, lạm dụng nghề nghiệp, thích điều tra, kiện tụng gì đó.
Huyên cười:
– Tôi tưởng PA.25 đến bắt ai trong trường mình đó chứ! Còn như thế thì thây kệ họ với nhau. Rắc rối!
Nói thế, nhưng Huyên cũng nghĩ, biết đâu, người ta điều tra vụ anh Lê Thừa Ích, nhưng lại moi ra vụ khác, cũng là chuyện có thể xảy ra. Nghĩ thế, Huyên nghe lạnh ở sống lưng, khi nhớ đến bài thơ “Lại bắt đầu bằng chữ cái thứ nhất” của mình.
Sau vài câu chuyện trò thăm hỏi khác, anh Tráng và Huyên lại rủ nhau ra quán cà phê 99.
– Năm nay, Nguyễn Văn đã có quyết định của Bộ Giáo dục cho chuyển về Đồng Tháp rồi! Thế là trường mình vắng mất một tay đàn, giọng hát!
– Anh ấy về Đồng Tháp thì anh em mình cũng buồn thật.
Khi băng qua sân trường, băng tiếp qua quốc lộ 20 để đến quán 99, Huyên nghĩ chính bản thân anh cũng bướng, cứ giữ bản thảo bài thơ viết trong lúc say rượu, lại mất bình tĩnh ấy làm gì cho mệt chuyện, sao không đốt quách đi cho nhẹ người. Và anh hối hận là đã đưa cho anh Nguyễn Huynh một bản viết tay mất rồi!
Sau khi gọi cà phê, nhạc hoà tấu đã được bật, Huyên lại nghĩ ngợi tiếp như không thể dứt được luồng ý nghĩ trong đầu mình. Ờ, mà có gì đâu, bài thơ ấy. Chẳng qua là không thể làm thơ lãng mạn cách mạng về niềm vui hư ảo, như thoáng nắng xen lẫn thoáng mưa sương ven hồ Xuân Hương, Đà Lạt, một hồ nước bị bỏ bê đến mức rong nhờn tanh tưởi, rác rến nhớp nhúa, thì lao vào hiện thực để làm thơ nhưng không đích thực là thơ, như trong “Quán bên đường” của Trang Thế Hy, “đời thối phải nói là thơm”, “nghệ thuật… là câm, là điếc, là đui, mà đi…”, và để rồi hối tiếc, thấy mình rơi vào cảnh phá sản loại thơ-phi-thơ đó, đồng thời cũng khánh kiệt cả vốn liếng thơ ca lãng mạn cách mạng, của bản thân, khi đọc “Đêm cuối năm” của Tố Hữu. Suốt cả bài thơ đều được cường điệu để khắc đậm ấn tượng. Cường điệu cả hư cấu chính mình để tự phỉ báng bản thân mình không phải là nhà thơ trẻ, mà là gã lái buôn, đóng thuế bằng lương tâm, chế biến chất liệu đời đen tối thành thi ca tươi sáng trong thực tế cuộc sống! Tự phủ nhận sạch trơn chính mình, một cách thiếu bình tĩnh! Để rồi cuối cùng, thoát xác, trở lại là đứa trẻ tập đánh vần với bảng chữ cái, học tập lại từ đầu… Ờ, có gì đâu, bài thơ ấy! Chỉ là khủng hoảng phương pháp sáng tác thôi mà…
Huyên mỉm cười, tự trấn tĩnh. Thật ra, cho đến giờ phút này, trừ những bản nháp, phác thảo, chưa diễn đạt hết ý, Huyên vẫn giữ kĩ tất cả những tác phẩm hoàn chỉnh anh đã viết. Huyên chẳng phủ nhận bài thơ, đoạn văn nào của mình cả!
Đêm đó, Huyên lại lấy tập truyện Lỗ Tấn ra khỏi xách hành lí để đọc lại “Nhật kí người điên”.

2

Bước dạo trên lối đi ven bờ vực, bên dưới là con sông từ thác Liên Khương chảy về, hai thầy giáo, Huyên và Ngàn, trò chuyện bâng quơ trong ánh nắng buổi xế chiều. Huyên muốn kể cho Ngàn nghe vài ý tưởng đậm chất đời thường gần đây khiến Huyên đến lúc này mới có thể gạt bỏ khỏi lòng mình được. Anh đang tìm một cách nói tế nhị và tự nhiên hơn.
– Tháng vừa qua Ngàn đi tập huấn thể dục thể thao à?
– Đúng rồi, anh! – Ngàn xác nhận –.
Huyên cười một mình, rồi nói:
– Tháng qua, mình suy nghĩ mãi về hai cái truyện ngắn, khiến mình khá đau đầu.
– Truyện gì? Tôi đọc được chứ?
– Không. Mình chưa viết, và có lẽ cũng không viết, mặc dù cốt truyện, với các tình tiết ở truyện thứ nhất, và mặc dù sự việc cùng những suy nghĩ lao lung quanh sự việc đó ở truyện thứ hai, tất thảy đã đầy đủ trong đầu mình. – Huyên đáp –.
Đi qua khỏi xóm nhà ở phía tay trái, Huyên đã thấy quốc lộ 20 song song với con đường đất Huyên và Ngàn đang đi. Trước mặt họ, đằng xa kia là nơi được gọi là Miếu Ba Cô, nhưng đó không phải là ngôi miếu cổ được xây bằng gạch và lợp ngói âm dương, mà là một ngôi nhà lợp tôn, phên thưng cũng bằng tôn, khá lớn.
– Ngàn à, để mình kể cho Ngàn nghe. Ngàn có nghe không?
– Anh cứ kể đi. Rất mong được nghe.
– Truyện thứ nhất thế này: Có một anh giáo viên đang dạy học ở một trường phổ thông trung học nọ, tình cờ gặp và chuyện trò với một cô gái người Nam Bộ, cũng suýt soát tuổi với anh ta, ở một bến xe tại TP.HCM., trong khi sắp hàng mua vé. Anh còn được biết cô ấy là công nhân viên ở một ga đường sắt thuộc tỉnh Phú Khánh. Chỉ thế thôi. Vậy mà bẵng đi một thời gian, cô ta đột ngột đến thăm anh giáo viên ấy tại trường và nhà tập thể. Ban đầu, anh giáo viên cảm động vì sự thăm viếng đó. Nhưng cảm thấy cũng rất bất tiện vì không thể mua vé xe cho cô ta về Nha Trang trong ngày được, bởi vé xe đường dài, ngoại tỉnh, chỉ bán vào mỗi buổi sáng sớm. Do đó, anh ta phải xin cô giáo đồng nghiệp cho cô ta ngủ lại chung phòng trong một đêm. Nào ngờ, cô ta lại nấn ná ở đến cả ngày hôm sau. Điều đó khiến anh giáo viên trẻ bắt đầu nghi ngờ về tư cách của cô khách ấy. Hôm sau nữa, cô ta vẫn ở lại cùng với cô giáo đồng nghiệp của anh giáo viên! Lần này, anh giáo viên phải nói thẳng với cô giáo đồng nghiệp, đề nghị đừng tiếp tục cho cô ta ngủ lại, và anh ta sẽ không chịu trách nhiệm trước đồng nghiệp, nhà trường. Từ đó, anh giáo viên không tiếp xúc với cô khách kia nữa. Nhưng chẳng hiểu thế nào, cô khách ấy vẫn ở lại với cô giáo kia đến cả một tuần lễ, mặc dù ở ngày thứ ba, anh giáo viên đã bảo thẳng vào trước mặt cô khách: Tuy quý tình cảm của cô, nhưng cô không thể nấn ná ở đây, vì đây là nhà tập thể, trường học. Như vậy, việc cô khách vẫn nấn ná cả tuần lễ, hẳn là do cô giáo đồng nghiệp vốn cả nể và tốt bụng! Thế rồi, cũng đột ngột cô khách ấy bỏ đi, lấy theo cả chiếc xe đạp của cô giáo đồng nghiệp! Điều đó, khiến anh giáo viên muốn chết đứng. May thay, cô giáo đồng nghiệp không trách cứ gì anh giáo viên ấy cả, vì tính cách thực của cô khách kia đã biểu lộ rõ rệt ở hành vi cuối cùng. Cô ta không phải là một người tử tế. Anh giáo viên hú hồn, vì nếu không cứng rắn, không thuần lí trí trong trường hợp ứng xử đó, hẳn anh ta sẽ chuốc lấy những phiền toái tày trời! Dẫu sao đi nữa (có thể cô khách kia đã vứt chiếc xe đạp ở đâu đó), Huyên cũng định bụng sẽ có dịp mua lại xe đạp để bồi thường.
Ngàn nói:
– Truyện cũng không hay lắm.
Huyên cười thành tiếng:
– Ừ, không hay. Truyện thứ hai lại giản đơn hơn nữa. Ngàn có nghe không?
Ngàn cười:
– Truyện dở cũng nghe.
Huyên kể tiếp:
– Ở truyện thứ hai, sự việc lại diễn ra cách sự việc trong truyện thứ nhất khoảng gần một tháng. Lần này, lại là một cô gái khác. Cô này là y sĩ ở Đạ Dương (D’Ran), tỉnh mình. Mấy năm trước, khi đi công tác, sinh hoạt chuyên đề về chuyên môn trong vài ngày, ở huyện đó, họ có quen biết nhau. Cô ta cũng đột ngột đến thăm anh giáo viên trẻ, và trong bữa ăn trưa, cô ấy nói có một nhóm người mà cô ta chưa từng quen biết, bảo với cô ta rằng, nếu đến được với anh giáo viên kia, họ sẽ cho hai người một miếng đất để cất nhà và làm vườn. Chỗ đất đó cũng gần đây. Anh giáo viên rất kinh ngạc. Cô khách bảo, trước đây, cô ta cũng rất kinh ngạc khi nghe nhóm người đó hứa hẹn như vậy! Thế rồi, sau bữa ăn trưa đó, anh giáo viên liền đưa cô khách ấy ra bến xe Đạ Nông, mua vé chuyến xe chiều Đạ Dương, để cô ta về lại bệnh viện của mình. Anh đã xử sự một cách lạnh lùng, tuy rất khổ tâm vì hành xử như vậy. – Huyên nói –. Truyện thứ hai này cũng nhạt nhẽo quá, phải không?
– Nhạt lắm, và hơi kì quặc! – Ngàn nói thật cảm nhận của mình –. Anh giáo viên đó cũng đào hoa ra phết đó chứ! Lại quá lí trí!
– Nhiều khi đó là những cái bẫy! Nhưng thôi, đa nghi, suy diễn làm gì cho thêm đau lòng!
Huyên và Ngàn vẫn thong thả bước.
– Cả hai truyện đều nhạt và kì quặc! – Huyên nói tiếp –. Chính vì thế nên mình không viết ra giấy làm gì. Nếu viết thành truyện ngắn, phải hư cấu thêm, để phản ánh hiện thực một cách khái quát hơn, và có giá trị tư tưởng, giá trị thẩm mĩ hơn. Nếu vẫn để thô sơ như vậy, thì chỉ là hai mẩu chuyện thuộc loại thông tin mà thôi.
Ngàn ngạc nhiên hết sức, vì từ trước đến nay, chưa bao giờ Ngàn thấy Huyên lại nhạt nhẽo và vô duyên trong lúc chuyện trò như thế cả.
Họ im lặng tiếp tục bước, bỏ lại Miếu Ba Cô phía sau lưng khá xa, rồi bước ra phía quốc lộ 20, đi trên lề đường để trở về trường. Mặt trời chiều đã xuống thấp.
– Thôi, quên đi. Nhạt nhẽo quá và kì quặc quá! – Huyên nói –.
Ngàn lại bắt đầu ngẫm nghĩ, về cái nhạt nhẽo và cái kì quặc, nhưng anh chỉ đùa:
– Nhạt như nước ốc, nhưng cũng ngon miệng và bổ dưỡng hơn canh “toàn quốc”, lèo tèo vài cọng rau với bột ngọt ở bếp tập thể trường mình. – Ngàn nói và cười đến ngả nghiêng trên lề đường nhựa –.
Huyên im lặng. Lát sau, Huyên nói:
– Nếu đó là hai truyện ngắn hay hai chương đoạn của tiểu thuyết trường thiên, thì nhạt nhẽo và kì quặc, nhưng nếu đó là hai chuyện xảy ra trong đời một người, dăm người, thì đó là cả một sự kiện, sự cố, gây tổn thương và mãi kinh ngạc, rất đỗi kinh ngạc, Ngàn à!
Trường Phổ thông trung học Đạ Nông đã ở phía trước mặt họ.

3

Việc dạy và học ở trường của Huyên vẫn bình thường diễn ra. Huyên cũng vẫn ngày ngày lên lớp giảng bài, về phòng soạn bổ sung giáo án, chấm bài.
Một buổi sáng nọ, có một học sinh xin gặp thầy giáo Huyên. Em ấy nói:
– Thưa thầy, gia đình của anh học sinh lớp mười hai năm kia, có nhờ em thưa lại với thầy một việc. Đó là… Dạ, anh ấy đã đi nước ngoài, đâu tận Canada gì đó, có gửi về một món quà cho gia đình anh ấy, trong đó có cả một phần quà nhỏ kính biếu thầy. Vậy gia đình anh ấy mang lên trường cho thầy được không ạ?
– Tưởng là gì, chứ vậy thì có chi quan trọng đâu. Tôi gửi lời cảm ơn trước đến gia đình ấy nghe!
Chiều lại, có một ông trung niên đến nhà tập thể để trao món quà cho thầy giáo Huyên. Huyên mở ngay trên bàn viết, thấy có khoảng mười hộp thuốc Maalox, trị chứng đau bao tử. Anh không ngạc nhiên, vì biết Việt kiều khó gửi ngoại tệ về nước, nên phải mua các mặt hàng nhu yếu gửi về dưới dạng gửi quà, để giúp gia đình. Quà có thể là vải vóc, tân dược, đủ thứ, sẽ được thân nhân bán ra thị trường, thu lại tiền, và chi tiêu vào những việc cần thiết khác.
Khi nhận món quà tân dược Maalox ấy, Huyên nghĩ ngay đến bà mẹ của Hồng Vàng, vì anh biết bà mắc bệnh dạ dày cách đây đã khá lâu.
Sau khi tiễn chân người phụ huynh với lời cảm ơn, thầy giáo Huyên liền ra nhà chị Ninh, nhân viên phụ trách đời sống, để mượn xe đạp. Anh đạp thẳng lên bưu điện huyện Đạ Nông, để gửi biếu bà mẹ của cô sinh viên năm thứ hai Hồng Vàng thân mến của anh.
Nhân viên bưu điện mở từng hộp thuốc, xem xét từng vỉ một, rồi gói lại theo cách gói của bưu điện, cuối cùng là bấm chì niêm phong. Chỉ một lát sau, Huyên trả tiền cước phí và nhận biên lai. Huyên cảm thấy thật vui vì đã giúp được mẹ của Hồng Vàng, Cúc Trắng. Anh hi vọng hai cô gái này sẽ nhẹ được nỗi cánh cánh về căn bệnh của mẹ.
Dắt xe ra đến cổng, Huyên nghe tiếng thác Liên Khương theo gió vọng về.
Trên đường về lại trường, Huyên cảm thấy nhẹ nhàng vì đổ dốc là chính. Bỗng dưng, Huyên hoảng hốt, khi thấy một cây dao cỡ lớn, ai đó sau hàng rào nhà bên đường, ném ra ngay giữa mặt đường, toé lửa. Trong khi đó, trên đường không có ai. Huyên thầm nghĩ, lại khủng bố chăng, hay chỉ là ngẫu nhiên?
Huyên chưa vội về lại trường, anh vào quán 99 để tìm không khí thân quen và yên tĩnh. Anh dựa xe đạp vào sau gốc cây xoài thấp, ngồi tựa lưng vào cây xoài đó, nhìn ra cổng. Hương cà phê phin thơm ngát.
Thầy giáo Huyên đang lắng hồn theo các giai điệu hoà tấu từ nhà sàn vọng ra, bỗng thấy một nhóm thanh niên có vẻ bặm trợn đi vào. Một tên rút dao từ trong người ra, ném vào thầy giáo Huyên, khiến anh tưởng con dao ấy đã cắm phập vào tim anh. Hoảng hốt, nhưng Huyên chỉ sững sờ ngồi, sau một tiếng la tắt nghẹn trong họng. Nhóm thanh niên táo tợn kia lại bỏ đi. Sau mấy phút định thần, Huyên nhìn lên thân cây xoài, phía trên đầu mình, và thấy rõ con dao ấy đã cắm vào, khiến nhựa xoài đang ứa ra.
Thầy giáo Huyên ngơ ngác không hiểu gì cả. Anh chỉ nghĩ, lại thêm một trò khủng bố chăng? Bộ phận PA.25 bị lạm dụng? Hay chỉ là những kẻ xấu có tổ chức nào đó? Huyên đọc nhiều cuốn sách, trong đó có viết về lực lượng cảnh sát, an ninh của nhiều nước, họ cũng có sử dụng thủ đoạn của bọn xã hội đen để khủng bố trí thức, hay về các đảng phái chính trị làm áp lực nhau, cũng bằng thủ đoạn khủng bố đó, nhưng cũng viết rõ là có bọn xã hội đen hay lực lượng phản động tổ chức khủng bố quan chức, nhân viên nhà nước, như ám sát, bắt cóc, đe doạ…
Đến lúc này, Huyên vẫn ngơ ngác không hiểu gì cả. Anh có làm gì đâu, ngoài một giáo viên ngữ văn Việt và là một người trẻ tuổi làm thơ?
Đêm đó, thầy giáo Huyên lại một lần nữa nghiền ngẫm đọc “Nhật kí người điên” của Lỗ Tấn.

4

Huyên vẫn tiếp tục suy nghĩ để tìm giải pháp cho việc nâng cao lòng yêu thích, quý trọng tiếng Việt cho học sinh, nhất là niềm say mê đọc sách văn chương, các tác phẩm chứa đựng những giá trị cao đẹp về nhân văn, thẩm mĩ, đặc biệt là những giá trị thuộc về bản sắc văn hoá dân tộc, không thể tìm thấy ở những cuốn sách dịch từ văn chương nước ngoài. Huyên cũng biết, trong thời gian trước mắt, việc đổi mới nội dung phân môn giảng văn là bế tắc, vì chưa một ai dũng cảm viết bài, chưa một tờ báo nào dám dũng cảm đăng bài luận bàn về việc bất cập ấy ở sách giáo khoa.
Nghĩ ngợi mãi rồi cũng phải làm việc cụ thể, cần kíp. Huyên lấy một xấp bài tập của học sinh ra chấm.
Một học sinh thập thò ở cửa phòng Huyên. Huyên nhìn ra, thấy đó là bí thư chi đoàn lớp, được đặt biệt danh là Paven Korsaghin.
– Có việc gì không em? – Thầy giáo Huyên nói, và kéo một chiếc ghế, tỏ ý mời em ấy vào phòng ngồi nói chuyện –.
Sau một lúc thăm hỏi, Huyên nói:
– Năm học này, tôi không còn dạy lớp em. Tuy thế, tôi thấy mình còn một chút nợ với lớp em đó.
Học sinh ấy khẽ cười, nghĩ thầy giáo nói đùa.
– Thưa thầy, năm học vừa rồi, em nhận thấy mình có lỗi với thầy và các bạn trong lớp quá. Em không ngờ năm học này, thầy hiệu trưởng mới được bổ nhiệm về trường mình lại là người Miền Bắc chi viện.
Huyên cảm thấy có gì đó hơi bất ổn. Anh nhìn kĩ gương mặt học sinh ấy:
– Việc đó can hệ gì đến tôi đâu. Ai làm hiệu trưởng thì cũng thế.
– Thật ra, trong kì nghỉ hè vừa qua, em có tìm sách đọc về nghệ thuật sử dụng người trong lịch sử, và thấy mình thật kém cỏi, cố chấp quá.
– Tôi nói về việc ấy, trong năm ngoái, là do tình cờ, ngẫu nhiên đọc bài báo tường “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở trường ta” của em. Đơn giản chỉ vậy thôi. Có điều, lúc đó tôi nói, cũng chỉ nương theo ý em để góp ý cho em. Điều cần thiết là em cần phải nâng cao nhãn quan của mình, để nhìn rộng, nhìn xa hơn, chứ đừng suy nghĩ bằng cái bụng cá nhân. Cần phải có cái nhìn lịch đại và cả đồng đại, nghĩa là, học tập trong lịch sử và học tập ở các nước hiện thời, cùng thời với nước chúng ta. Cần phải thế, mới đoàn kết dân tộc được. Em có ý muốn phấn đấu làm lãnh đạo, thì cần phải thế, mới là nhà lãnh đạo có tầm vóc. – Huyên sực nhớ mấy dòng thơ Bertolt Brecht anh đọc tặng học sinh bí thư chi đoàn lớp này, và mỉm cười –.
– Dạ, em đã biết mình sai lầm, “ham cái lợi nhỏ nhặt trước mắt mà quên cái hại to lớn sau lưng”.
– Nhưng, em à, em nên lo việc học tập chuyên môn đi. Đó mới là điều cốt yếu. Cho dù em là bí thư chi đoàn lớp, thì chuyện chính trị cũng ở mức nào đó thôi. Vả lại, tôi là giáo viên ngữ văn Việt, chứ đâu phải là giáo viên chính trị. – Huyên đứng dậy, xem đồng hồ, và nói tiếp –. Thôi, xin lỗi em, tôi bận chút việc, phải làm cho xong. Em có thể gặp giáo viên bí thư Đoàn trường, hoặc giáo viên bí thư chi bộ Đảng, để tham khảo.
Thầy giáo Huyên tiễn học sinh ấy ra khỏi cửa phòng. Anh lại ngồi vào bàn viết, chấm nốt xấp bài, ngày mai anh phải trả cho lớp mười A, lớp anh được phân công làm giáo viên chủ nhiệm.

5

Tết Nguyên đán Quý hợi 1983, đối với thầy giáo Huyên, là một cái Tết buồn rầu và khủng khiếp. Anh có ý định tranh thủ mấy ngày nghỉ này để viết một bài phân tích, bình luận về mỗi một truyện ngắn “Nhật kí người điên”. Cách đó khoảng hơn nửa tháng, Huyên đã tìm ra một cách giải mã mới, chưa từng có trong bất kì cuốn sách phê bình văn chương, giáo trình văn học nào. Ngoài ra, thầy giáo Huyên còn muốn đề xuất một cách tân biên “Nhật kí người điên” .
Diễn tiến mới trong chuỗi suy tưởng của Huyên, đã khác với những tuần trước, là anh đang phải đứng giữa hai lực ép. Một bên là bộ phận PA.25 bị ai đó lạm quyền lạm dụng và một bên là phe nhóm tạm gọi là kẻ xấu. “Nhật kí người điên” phải được giải mã để đánh chặn cả hai phía: Kêu đòi Nhân quyền và phủ nhận Thượng đế. Đây cũng là một cách phê phán bè lũ bành trướng Trung Quốc.
Không bắt làm kiểm điểm, không thi hành kỉ luật nội bộ, không truy tố ra toà, mà chỉ khủng bố. Khủng bố để ép buộc Huyên đừng bao giờ dám viết loại tác phẩm cùng dạng như “Lại bắt đầu từ chữ cái thứ nhất” ư?
Không cấm được việc dạy ngữ văn Việt, nên chỉ khủng bố. Khủng bố để ép buộc Huyên đừng quá nhiệt tình, nhiệt tâm, lừng lẫy quá trong lĩnh vực giảng dạy ngữ văn Việt ư?
Đêm cuối năm âm lịch, sau giây phút giao thừa lặng lẽ và hình như cô độc, vì cơ chừng chẳng còn giáo viên nào trong nhà tập thể, Huyên đóng cửa, đắp chăn nằm ngủ, sau khi chỉ bật lên ngọn đèn nhỏ màu xanh ở góc phòng.
Lúc Huyên đang dần đi sâu vào giấc ngủ, chợt nghe tiếng xô giật cửa rất dữ dội. Chốt cửa bị bung ra. Và một người nhảy vào phòng, chồm lên người thầy giáo Huyên. Anh chỉ kịp hét lên, nhưng tiếng hét của anh đã bị chặn lại bởi một bàn tay mang găng đè chặt miệng anh. Huyên vùng quẫy, chòi đạp bằng tất cả sức lực của mình.
Nhưng không có gì xảy ra sau đó. Kẻ xấu ấy đã rời khỏi phòng sau khi ném một cái gì, vang lên tiếng phập, trên mặt bàn. Hắn chỉ khủng bố tinh thần của thầy giáo Huyên! Khủng bố! Khủng bố! Phải chăng Huyên đang rơi vào hoang tưởng bị khủng bố?
Huyên mệt đến muốn ngất đi, nhưng anh vẫn ý thức được anh đang tỉnh. Một quãng thời khắc khá lâu sau, anh ngồi dậy, bật bóng đèn lớn. Anh thấy rõ ràng trên bàn là một con dao nhọn, cắm vào mặt bàn.
Thầy giáo Huyên biết mình không thể gắng gượng thêm được nữa. Chắc hẳn mình phải rời bỏ ngôi trường này, vùng đất cao nguyên này. Huyên nghĩ thế, và buông mình nằm xuống, như ngất đi, cho đến sáng hôm sau.
Huyên vẫn tự đấu tranh, tự phân tích, tự luận giải đến mấy ngày sau. Sáng sớm mùng bốn Tết, hình như thế, Huyên chỉ mang theo một xách tay, gọn nhẹ như hôm đầu năm học về lại trường, để lại cả một tủ sách nhỏ, nhiều cuốn vở giáo án, chăn mùng, để ra bến xe, mua vé về TP.HCM..
Huyên ôm xách tay vào lòng, trong đó có bản thảo thơ của anh và tập truyện ngắn của Lỗ Tấn, ngồi trên chuyến xe rời khỏi Đạ Nông. Huyên biết mình đang bị sức ép, buộc phải làm kẻ đào ngũ khỏi ngành giáo dục! Anh nói thầm với chính mình: “Nhật kí người điên” mới, kêu đòi Nhân quyền, phủ nhận Thượng đế! Huyên quyết tâm sẽ phân tích, giải mã, bổ sung theo phát hiện mới của chính anh! Và còn nhiều đề tài, nhiều lĩnh vực khác nữa, Huyên ấp ủ bao nhiêu năm qua. Anh quyết tâm sẽ mãi làm thơ, viết truyện, nghiên cứu sử, phê bình văn chương, và chờ cơ may để đăng báo, in sách. Huyên không phải là kẻ đầu hàng số phận.

T.X.A.
TP.HCM., 09:15, 25-03 – 11:12, 26-03 HB13 (2013)

(*) Xem ở chương VI.

ĐÃ GỬI TTTĐT. HỘI NHÀ VĂN TP.HCM. (26-03 HB13 [2013])
& TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG (26-03 HB13 [2013]),
trước khi đưa lên website này

HẬU CHIẾN, KHÔNG RIÊNG AI (VIII) – tiếp theo

Chương I:
http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-i

Chương II:
http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-ii

Chương III:
http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-iii

Chương IV:
http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-iv

Chương V:
http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-v

Chương VI:
http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-vi

Chương VII:
http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-vii

Chương VIII:
http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/bai-moi-viet-3/hau-chien-khong-rieng-ai-viii

Xem tiếp:
“Hậu chiến, không riêng ai” — tiếp theo — (IX)

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.