Chủ nghĩa lí lịch không khoa học nên không có giá trị văn chương
Posted by Trần Xuân An trên 29.06.2010
VẤN ĐỀ NHÂN VẬT: CHỦ NGHĨA LÍ LỊCH KHÔNG PHẢI LÀ KHOA HỌC, DO ĐÓ KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ TRONG TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG
Trần Xuân An
Nhà giáo Ngô Thủ Lễ thân mến,
Trước hết, xin xác định với bạn, đây là chuyện CON NGƯỜI – VĂN CHƯƠNG ( “Văn học là nhân học”).
Chuyện có thật về lời phê của cán bộ địa phương vào lí lịch như bạn kể thì đầy rẫy ra! Nhiều lắm!
Điều mình muốn bạn lưu ý là đoạn này:
“Cơ sở nào để chứng minh rằng chủ nghĩa lí lịch 3 đời là thiếu tính biện chứng, tôi đã có nhiều dịp để trình bày trong tác phẩm của mình, đặc biệt là trong “Mùa hè bên sông” (tiểu thuyết), qua lời của nhân vật nhà văn Quyển. Nhà văn Quyển không lấy căn cứ ở đâu xa lạ, mà chính là một câu nổi tiếng của Karl Marx: “Con người là tổng hòa của các quan hệ xã hội, trong tính hiện thực của nó”. Marx không chú trọng đến quan hệ gia đình lắm, mà chủ yếu là quan hệ xã hội… Xin nhấn mạnh là “trong tính hiện thực của nó”. Một lãnh tụ cách mạng Việt Nam, quê gốc Quảng Trị, ông Lê Duẩn, cũng cho rằng con người chỉ có 3 cấp độ sống: cá nhân, vợ chồng, xã hội“(*).
Một điều nữa, chắc bạn không thể không lưu ý:
Mình muốn nói là muốn tìm hiểu CON NGƯỜI NÀO, phải căn cứ vào quá trình từ lúc mới được sinh ra cho đến thời điểm mình đang tìm hiểu, về nhận thức, suy nghĩ, tình cảm, lối sống, hoạt động của CON NGƯỜI ẤY và CHỈ CON NGƯỜI ẤY mà thôi. Thật vậy, nếu căn cứ vào hồ sơ chứng từ, thì bộ học bạ là quan trọng hơn bản lí lịch 3 đời, vì bộ học bạ là hồ sơ chứng từ về con người ấy ở giai đoạn hình thành tính cách, bộc lộ trí thông minh, đạo đức, tác phong rõ nhất, và có nhiều người chứng nhất (cả trăm lời phê, chữ kí của thầy cô giáo, cả chục dấu ấn từ khuôn dấu của nhà trường) còn bản lí lịch 3 đời thì giúp hiểu thêm về ông bà, cha mẹ, nhưng về bản thân con người ấy lại chẳng có nhiều thông tin, lại chỉ có mỗi một chữ kí của công an hay chủ tịch xã (phường).
Mình cũng cho rằng lí lịch 3 đời hay tộc phả nhiều đời cũng chỉ có giá trị tham khảo mà thôi, nhất là về mặt di truyền thể chất. Và còn môi trường sống, bối cảnh lịch sử – xã hội nữa chứ! Nếu cần thêm vào bài viết, mình nghĩ cũng nên bổ sung thêm ít dẫn chứng. Các câu tục ngữ, ngạn ngữ sau đây cũng nói về lí lịch, hồ sơ học bạ:
1) Tính cách (tính nết, khí chất, năng lực, tình cảm, khuynh hướng bản thân, lối sống…) : “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”; “cha dạy học, con đốt sách”… mặc dù cũng có “cha anh hùng, con hảo hớn” (tương đồng về phẩm chất thuộc tính cách)…
2) Mã di truyền thể chất (gène): “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” (lông và cánh thuộc thể chất — thể chất bao gồm cả bộ não); “hổ phụ sinh hổ tử” (cọp cha sinh cọp con; cọp là biểu tượng về về sức khỏe thể chất)… mặc dù cũng có: “mẹ cú sinh con tiên” (tương phản về diện mạo thuộc thể chất)…
3) Môi trường sống, bối cảnh lịch sử – xã hội: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”; “cây quất ở đất phương Nam vốn ngọt, nhưng đem trồng ở đất phương Bắc lại biến chất thành chua” (hay “Cây quất trồng ở đất Giang Nam thì ngọt nhưng mang trồng ở đất Giang Bắc thì chua”); “sông có khúc, người có lúc”…; nhưng cũng có: “gừng càng già càng cay” (khí chất không thay đổi, bất chấp thời gian, tuổi tác)…
Lí lịch 3 đời, tộc phả chỉ giúp cho ta thấy được yếu tố “gène” trội – lặn – phát sinh (đột biến) mà thôi. Còn nghiên cứu về tài và đức của con người cụ thể thì bộ hồ sơ học bạ có cơ sở hơn, xác thực hơn.
Chắc hẳn chủ nghĩa lí lịch 3 đời có căn nguyên là vấn đề thành phần xã hội, giai cấp, địch – ta, chứ không phải là để tìm hiểu con người cụ thể (“con người này”) với mục đích sử dụng trong công việc hay với mục đích khắc họa hình tượng văn chương.
Chủ nghĩa lí lịch hiện hành chắc hẳn xuất phát từ quan điểm đấu tranh giai cấp (thậm chí là biểu hiện trả thù giai cấp), đồng thời xuất phát từ quyền lợi giai cấp, quyền lợi của bộ phận cầm quyền! Nó không phải là khoa học về con người (như Karl Marx và Lê Duẩn đã viết). Do đó, nó không có giá trị văn chương.
Nếu chủ nghĩa lí lịch quá cứng nhắc, nó trở thành rào cản chia rẽ xã hội, dân tộc, ngăn chận sự chuyển hóa giai cấp từ phía “địch” sang phía “ta”, khiến những ai xuất thân từ các giai cấp, thành phần vốn là đối tượng đánh đổ của cách mạng bị dồn vào chân tường, ngõ cụt, bờ vực, chỉ còn một con đường duy nhất là chống lại cách mạng! Về khía cạnh này, nhiều người lầm lẫn, ngỡ rằng hệ quả (hậu quả) là nguyên nhân (căn nguyên). Thật ra, họ chống lại cách mạng vì cách mạng dồn họ và cả cha ông cùng con cháu họ vào chân tường, ngõ cụt, bờ vực, không lối thoát. Họ phải chống lại, theo bản năng sinh tồn, bản năng tự vệ. Nếu cách mạng không dồn họ vào chân tường, ngõ cụt, bờ vực, mà biết trọng dụng họ, hoặc cho họ được hưởng quyền bình đẳng, được đối xử công bằng như mọi người, không triệt đường tiến thủ của con cháu họ, chắc hẳn họ không chống lại, mà họ và con cháu họ còn phục vụ cách mạng một cách tích cực.
Về chủ nghĩa lí lịch quả thật là một thứ rào cản, các thế lực thù địch với cách mạng cũng đã, đang và sẽ lợi dụng rào cản ấy để chia rẽ xã hội, dân tộc chúng ta.
Nhà giáo Ngô Thủ Lễ thân mến, vấn đề ở đây là VẤN ĐỀ NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG. Càng hiểu sâu con người – cuộc đời thì viết văn càng sâu.
Nhà văn mà lề lối làm việc máy móc chủ nghĩa, quan liêu, bàn giấy chủ nghĩa, tư duy thiếu tính biện chứng và nhận thức thiếu kinh lịch, thiếu vốn sống thì hình tượng nhân vật rập khuôn, “giáo điều”, “công thức”, sơ lược, xơ cứng…
Thân & quý,
Trần Xuân An
16:10 – 5:33, ngày 28-6 HB10 (2010)
____________________________
(*) Xem bài đã đăng ở TranNhuongCom, ngày 26-6 HB10 (2010).
hay đọc tại đây:
Bấm vào đây
Nhà của gia đình Karl Marx (trí thức khá giả)
Nhà của gia đình F. Engels (tư sản công nghiệp giàu có)
Nguồn ảnh 1 & 2: Wikipedia (bản tiếng Đức)
NHÀ GIÁO NGÔ THỦ LỄ THÂN MẾN, VẤN ĐỀ LÀ CON NGƯỜI CỤ THỂ (BỘ HỒ SƠ HỌC BẠ…), CHỨ KHÔNG PHẢI BẢN LÍ LỊCH 3 ĐỜI!
Đã đăng ở tạp chí điện tử TranNhuongCom:
http://trannhuong.com/news_detail/5286/VẤN-ĐỀ-NHÂN-VẬT:-CHỦ-NGHĨA-LÍ-LỊCH…
Xin vui lòng xem thêm ít chữ mới được tác giả (TXA.) bổ sung, lúc 6:25, sáng sớm 30-6 HB10:
https://txawriter.wordpress.com/2010/06/29/cnll…#comment-595
và, lúc 11:20, ngày 01-7 HB10:
https://txawriter.wordpress.com/2010/06/29/…/#comment-602
TXA.
______________________________
I. Bài chính:
Văn chương về các “vết thương” chiến tranh, hậu chiến…
II. Hai bài phát sinh:
1) Vấn đề nhân vật: Bản lí lịch 3 đời hay bộ hồ sơ học bạ?
2) Vấn đề nhân vật: Chủ nghĩa lí lịch không khoa học nên không có giá trị văn chương
TẠM KẾT VỀ CHỦ NGHĨA LÍ LỊCH TRONG TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG:
Chủ nghĩa lí lịch là sự đánh giá mỗi con người cụ thể qua các mối liên hệ về nhân tộc, tôn giáo, huyết thống (3 đời: ông bà nội ngoại, cha mẹ, chú bác cô, cậu dì, anh chị em và có thể cả đời thứ tư là các con), về hôn nhân (3 đời của người phối ngẫu), về bạn bè, và qua quá trình học tập, công tác (hay hành nghề) của bản thân, chứ không chỉ đánh giá mỗi con người cụ thể bằng chính quá trình học tập, công tác (hay hành nghề) của con người ấy.
Chủ nghĩa lí lịch thể hiện sự tính toán nhằm loại trừ những con người xuất thân từ các thành phần, giai cấp vốn là đối tượng đánh đổ của cách mạng hoặc có liên hệ với các thành phần, giai cấp ấy. Một mục đích khác là nhằm đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt những con người có mối liên hệ với cách mạng — liên hệ càng mật thiết, càng nhiều, càng được hưởng sự ưu đãi. Có thể vắn tắt: xác định mức độ LIÊN LỤY hay mức độ THỪA HƯỞNG. Nó còn có tính chất RĂN ĐE (không được phản cách mạng) hay tính chất KHUYẾN KHÍCH (phải ủng hộ và trung thành với cách mạng).
Chủ nghĩa lí lịch có nguồn gốc từ chế độ phong kiến độc tài, chuyên chế, thể hiện bằng các hình án mà nặng nhất là tru di tam tộc, bằng sự khen thưởng cho những người có liên hệ với đương sự, như phong hàm tước (danh dự), ban sắc cho vợ, cho cha mẹ, ông bà, và định lệ hưởng tập ấm cho con cháu. Chủ nghĩa lí lịch hiện hành còn là sự kết hợp với quan điểm đấu tranh giai cấp. Các mối liên hệ bao gồm cả hai chiều: giữa những đối tượng liên hệ với đương sự và giữa đương sự với những đối tượng liên hệ.
Vì không thừa nhận mỗi con người là một chủ thể độc lập, tự do, tự chủ trong nhận thức, tư tưởng, hành động, với tài và đức của bản thân mà đánh giá qua các mối liên hệ có tính chất thành phần, giai cấp với mục đích chính trị, có tác động thực tế nhất thời, nên nó chỉ là một biện pháp chính trị thiếu tính nhân văn, chứ không phải là khoa học nghiên cứu về con người cụ thể nói chung.
Do đó, những tác phẩm văn chương, đặc biệt là tiểu thuyết, nhất là các tiểu thuyết miêu tả cặn kẽ, chi tiết về những con người trong các mối liên hệ ấy, để minh họa (có ý thức hay vô ý thức) cho chủ nghĩa lí lịch theo cách như trên, là phi khoa học và không có giá trị văn chương. Đó chỉ là những tác phẩm thuộc loại tuyên truyền cho một biện pháp chính trị thiếu tính nhân văn, gây chia rẽ xã hội, chia rẽ dân tộc (*).
Trần Xuân An
01-7 HB10 (2010)__________________
(*) Xem thêm: Võ Văn Kiệt (nguyên Thủ tướng Chính phủ), “Đại đoàn kết dân tộc – cội nguồn sức mạnh của chúng ta”, VietnamNet, cập nhật lúc 16:03, Chủ Nhật, 28/08/2005 (GMT+7)
http : //vietnamnet. vn /60nam /ctdod /2005/08/ 483852/
Bấm vào đây
Phần kết này cũng đã đăng ở TranNhuongCom (03-7 HB10):
http://trannhuong.com/news_detail/5320/VẤN-ĐỀ-NHÂN-VẬT: …
Có sai khác, thêm vào ít chữ là do tác giả (TXA.) tự sửa chữa, bổ sung sau khi gửi đăng (01-7 HB10). Nội dung không có gì thay đổi.
TXA. said
Không ngờ lại tìm thấy trên từ điển mở Wikipedia mục từ này:
XIN MỜI QUÝ NGƯỜI ĐỌC THAM KHẢO:
WIKIPEDIA: CHỦ NGHĨA LÝ LỊCH Ở VIỆT NAM:
http://vi.wikipedia.org/wiki/Chủ_nghĩa_lý_lịch_ở_Việt_Nam
TXA.
20:50, 29-6 HB10
TXA. said
Quý người đọc cũng có thể tìm kiếm ở Google với cụm từ “Chủ nghĩa lý lịch” hay “Chủ nghĩa lí lịch”.
TXA. said
30-6 HB10 (2010):
TRONG BÀI VIẾT TRÊN, CÓ MỘT ĐOẠN, TRONG ĐÓ, Ở MỘT CÂU, CẦN BỔ SUNG THÊM ÍT CHỮ (những chữ mới thêm vào, tôi dùng màu “mực” đỏ để dễ thấy):
“Nếu chủ nghĩa lí lịch quá cứng nhắc, nó trở thành rào cản chia rẽ xã hội, dân tộc, ngăn chận sự chuyển hóa giai cấp từ phía “địch” sang phía “ta”, khiến những ai xuất thân từ các giai cấp, thành phần vốn là đối tượng đánh đổ của cách mạng bị dồn vào chân tường, ngõ cụt, bờ vực, chỉ còn một con đường duy nhất là chống lại cách mạng! Về khía cạnh này, nhiều người lầm lẫn, ngỡ rằng hệ quả (hậu quả) là nguyên nhân (căn nguyên). Thật ra, họ chống lại cách mạng vì cách mạng dồn họ và cả cha ông cùng con cháu họ vào chân tường, ngõ cụt, bờ vực, không lối thoát. Do đó, họ phải chống lại, theo bản năng sinh tồn, bản năng tự vệ. Nếu cách mạng không dồn họ vào chân tường, ngõ cụt, bờ vực, mà biết trọng dụng họ, hoặc cho họ được hưởng quyền bình đẳng, được đối xử công bằng như mọi người, không triệt đường tiến thủ của con cháu họ, chắc hẳn họ không chống lại, mà họ và con cháu họ còn phục vụ cách mạng một cách tích cực.
Về chủ nghĩa lí lịch quả thật là một thứ rào cản, các thế lực thù địch với cách mạng cũng đã, đang và sẽ lợi dụng rào cản ấy để chia rẽ xã hội, dân tộc chúng ta”.
Xin cáo lỗi.
Trân trọng,
TXA.
lúc 6:25, ngày 30-6 HB10
Vấn đề nhân vật: Bản lí lịch 3 đời hay bộ hồ sơ học bạ? « Ý KIẾN NGƯỜI ĐỌC & GIỚI CẦM BÚT said
[…] Chủ nghĩa lí lịch không khoa học nên không có giá trị văn chương […]
Văn chương về các “vết thương” chiến tranh, hậu chiến… « Ý KIẾN NGƯỜI ĐỌC & GIỚI CẦM BÚT said
[…] Chủ nghĩa lí lịch không khoa học nên không có giá trị văn chương […]
TXA. said
BỔ SUNG MỘT VÀI CÂU TỤC NGỮ:
Trong bài viết, đã có những câu tục ngữ, ngạn ngữ dẫn chứng, nhưng chưa toàn diện (đầy đủ hai mặt tương đồng và tương phản).
Sau đây là một vài câu bổ sung:
1) Tính cách: “cha anh hùng, con hảo hớn” (tương đồng về phẩm chất tinh thần, thuộc tính cách)
2) Mã di truyền thể chất (gène): “mẹ cú sinh con tiên” (tương phản về mặt diện mạo thuộc thể chất)
3) Môi trường sống, bối cảnh lịch sử – xã hội: “gừng càng già càng cay” (khí chất không thay đổi, bất chấp thời gian, tuổi tác)
Xin đọc đoạn trên như sau:
1) Tính cách (tính nết, khí chất, năng lực, tình cảm, khuynh hướng bản thân, lối sống…) : “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”; “cha dạy học, con đốt sách”…; mặc dù cũng có “cha anh hùng, con hảo hớn” (tương đồng về phẩm chất tinh thần, thuộc tính cách)…
2) Mã di truyền thể chất (gène): “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” (lông và cánh thuộc thể chất — thể chất bao gồm cả bộ não); “hổ phụ sinh hổ tử” (cọp cha sinh cọp con; cọp là biểu tượng về về sức khỏe thể chất)…; mặc dù cũng có: “mẹ cú sinh con tiên” (tương phản về mặt diện mạo thuộc thể chất)…
3) Môi trường sống, bối cảnh lịch sử – xã hội: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”; “cây quất ở đất phương Nam vốn ngọt, nhưng đem trồng ở đất phương Bắc lại biến chất thành chua” (hay “Cây quất trồng ở đất Giang Nam thì ngọt nhưng mang trồng ở đất Giang Bắc thì chua”); “sông có khúc, người có lúc”… ; nhưng cũng có: “gừng càng già càng cay” (khí chất không thay đổi, bất chấp thời gian, tuổi tác)…
Tuy nhiên, nhận định khái quát trong bài viết vẫn không có gì thay đổi.
TXA.
11:20, ngày 01-7 HB10
txawriter said
TẠM KẾT VỀ CHỦ NGHĨA LÍ LỊCH TRONG TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG
(bổ sung ở cuối bài, lúc 5:10, ngày 01-7 HB10 [2010])
TXA.
TXA. said
THAM KHẢO:
VÕ VĂN KIỆT
(nguyên thủ tướng chính phủ)
Đại đoàn kết dân tộc – cội nguồn sức mạnh của chúng ta
Cập nhật lúc 16:03, Chủ Nhật, 28/08/2005 (GMT+7)
Mấy hôm nay, thủ đô Hà Nội đang chuẩn bị lễ kỷ niệm 60 năm quốc khánh. Đi qua quảng trường Ba Đình lịch sử, tôi thấy anh em đang dựng một khẩu hiệu rất lớn: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Với hơn 60 năm tham gia chiến đấu và xây dựng, tôi không nhìn khẩu hiệu đó như một vật trang trí bằng gỗ, bằng giấy, bằng vải… Tôi bồi hồi xúc động với nhận thức rằng nó là một tư tưởng lớn của Bác, một đạo lý lớn của dân tộc. Từ 60 năm trước nó đã thể hiện ở chính nơi đây, nó vẫn thấm trong tim của Người đã yên nghỉ trong lăng kia.
Nhân những ngày này, ngẫm lại, tôi càng thấy thấm thía tư tưởng lớn đó của Bác: Đoàn kết là bản năng của nhiều loài sinh vật (đàn chim, bầy kiến, bầy ong,…). Ở loài người, bản năng đó đã phát triển thành một nhu cầu có ý thức. Tuỳ nơi, tuỳ lúc, ý thức đó có thể đậm hay nhạt. Mà nghiệm trong lịch sử Việt Nam và lịch sử các dân tộc trên thế giới, thấy sự đậm nhạt này có quan hệ mật thiết với sức mạnh của quốc gia, với sự hưng thịnh của các nền văn minh.
Trong tác phẩm “Nên Học Sử Ta”, viết vào đầu năm 1942, Bác đã viết: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào nhân dân ta đoàn kết muôn người như một thì đất nước ta độc lập tự do. Trái lại, lúc nào nhân dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi…” (Báo Việt Nam Độc lập ngày 1/2/1942)
Ngay từ năm 1941, trong bài “Kính cáo đồng bào”, Bác viết: “Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết. Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại. Cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm…” (Hồ Chí Minh toàn tập ; Tập III, tr.198).
Cách mạng tháng Tám là một kết quả rực rỡ của tư tưởng đó.
Không chỉ có sĩ, nông, công, thương, binh, mà cả vua quan triều Nguyễn cũng ngả theo cách mạng. Nhờ đó kẻ xâm lược mất đi chỗ dựa ban đầu. Kẻ thù trong nước bị tê liệt. Còn những người có tâm huyết với nước với dân thì được thu phục và tận tụy đến cùng với cách mạng và kháng chiến.
Đoàn kết đồng thời có nghĩa là phải khoan dung. Chính phủ Hồ Chí Minh chủ trương xoá bỏ mọi hận thù và chia rẽ do chế độ cũ để lại, sẵn sàng thu dụng những người có tài, có năng lực, có tâm huyết, mà không kể đến quá khứ. Bác đã tuyên bố: “Chính phủ không để tâm moi ra những tội cũ để đem ra làm án mới làm gì”.
Ở Bác, đại đoàn kết không chỉ đóng khung trong phạm vi quốc gia, mà được thể hiện cả trên phạm vi quốc tế. Ngay từ trước cách mạng, Bác đã ra sức tìm kiếm những quan hệ với bất cứ nước nào có thể đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó, tư tưởng này không phải lúc nào cũng đem lại kết quả như ý, nhưng ít nhất thì tấm lòng chân thành của Bác cũng đã có sức mạnh kiềm chế kẻ thù, giảm thiểu được khả năng đối đầu, trì hoãn những xung đột bất lợi, bảo vệ những thành quả đầu tiên của cách mạng…
Đến Đại hội đảng lần thứ II đầu năm 1951, vấn đề đại đoàn kết được đặt ra và nhìn nhận trong những hoàn cảnh khác. Đã có không ít ý kiến xung quanh vấn đề này. Bác kết luận: “Chính vì Đảng Lao Động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Lời giải thích đó của Bác đã có sức thuyết phục mạnh mẽ trong Đại hội Đảng.
Về phần mình, trải qua bao năm tháng suốt từ trước Cách Mạng Tháng Tám đến ngày nay, từ những phút gian nguy giữa sống và chết, đến những ngày chia ngọt sẻ bùi từng thắng lợi, tôi đã bao lần được đồng bào che chở cưu mang, đã chứng kiến bao tấm gương hy sinh của những người thuộc mọi tầng lớp và lứa tuổi… Tôi càng thấm thía những bài học lớn đó của Hồ Chí Minh.
Tiếc rằng một số năm sau đó, tư tưởng đại đoàn kết đã bị coi nhẹ, quan điểm giai cấp đã được vận dụng một cách máy móc, một chiều.
Trong các chiến dịch cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp, nhiều nhân sỹ yêu nước, nhiều nhà kinh doanh có công với cách mạng đã không được coi là bạn nữa, gây những tổn thất lớn về chính trị và kinh tế.
Tư tưởng thành phần chủ nghĩa đã dẫn tới hai kết quả: Làm mất đi nhiều tài năng của một bộ phận đáng kể trong dân tộc, đồng thời đưa một cách gượng ép những nhân tố tuy rất cơ bản về chính trị nhưng lại không đủ chất lượng trong quản lý và xây dựng.
Bước vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tư tưởng đại đoàn kết của Bác lại một lần nữa bừng lên như một sức mạnh vĩ đại của cả dân tộc. Nhiều thành phần khác nhau trong xã hội miền Nam, kể cả các nhân sĩ, các nhà tư sản, thậm chí cả những sỹ quan cao cấp trong quân đội chính quyền Sài Gòn cũng đã hình thành nhiều tổ chức, nhiều khuynh hướng khác nhau chống lại chế độ độc tài tay sai của Mỹ (Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu). Có một số là thành viên bí mật của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam và Mặt trận Sài gòn – Gia Định. Do đó, chính quyền tay sai đã cô lập càng cô lập hơn, đã suy yếu càng suy yếu hơn. Lực lượng cách mạng đã lớn mạnh càng lớn mạnh hơn.
Trong thời gian này tôi có may mắn được sống và chiến đấu cùng đồng bào các giới trong lòng Sài Gòn – Gia Định, sau đó hơn 15 năm tiếp theo tại miền Tây Nam bộ. Sài Gòn là thành phố lớn, có đủ mọi tầng lớp dân cư đô thị khác nhau. Còn Tây Nam bộ suốt kháng chiến chống Pháp và nhiều năm kháng chiến chống Mỹ là một vùng có những nhà địa chủ giàu có nhất nước ta, những nhà trí thức từng du học ở Pháp, những quan chức cao cấp của chính quyền đương thời, những nhà tu hành và tín đồ của nhiều tôn giáo, những người thuộc những dân tộc khác nhau, như Khơ-me, Chăm, Hoa… Nhưng ở cả hai địa bàn ấy, chúng tôi vẫn tồn tại và hoạt động được là nhờ được sống giữa lòng dân, thuộc đủ các tầng lớp xã hội. Bài học về sức mạnh dân tộc càng thấm sâu trong máu thịt tôi.
Trên lĩnh vực quốc tế, tinh thần đoàn kết cũng đã đạt được nhiều kết quả thật ngoạn mục. Phong trào phản chiến ở Mỹ, ở Pháp và phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới, đã làm cho kẻ thù xâm lược Việt Nam càng ngày càng bị cô lập. Trong các nước xã hội chủ nghĩa, tư tưởng đoàn kết quốc tế của Bác Hồ đã làm cho những người bạn lớn của chúng ta dù còn mếch lòng với nhau nhưng vẫn luôn luôn nhất trí ủng hộ sự nghiệp kháng chiến của chúng ta.
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, rất nhiều vận hội đã mở ra cho cả nước:
– Đất nước đã được hoà bình, thống nhất. Giang sơn đã trở về một mối. Lòng người cũng quy về một mối.
– Toàn dân, vui mừng được yên ổn làm ăn, kiến tạo lại đất nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển chung của cả dân tộc.
– Một đội ngũ đông đảo công thương gia và trí thức miền Nam, có những khả năng và kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực khác nhau, là một vốn quý, có thể đóng góp vào việc xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, giàu mạnh.
– Hầu hết quân đội, sỹ quan và những viên chức trong chính quyền cũ cũng đều mong mỏi được sống trong hoà bình, hoà hợp, có cơ hội làm lại một cuộc sống yên ổn.
– Trên bình diện quốc tế, cả những nước đã từng đem quân tham gia vào cuộc chiến ở Việt Nam cũng thấy cần xoá đi những ám ảnh của quá khứ và bày tỏ thiện chí với Việt Nam. Kể cả trong chính quyền Mỹ cũng thấy có những dấu hiệu muốn sớm đi tới bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, như một cách để làm dịu vết thương nhức nhối của cuộc chiến …
Rất tiếc là ý thức đoàn kết dân tộc lại một lần nữa bị phần nào xao nhãng bởi bệnh chủ quan và say sưa vì chiến thắng, bởi những cách nhìn hẹp hòi, biệt phái, bởi chuyện phân biệt thắng- thua, bởi những kỳ thị ta – ngụy…
Tiếp đó, cuộc cải tạo công thương nghiệp tư nhân ở miền Nam và việc hợp tác hoá nông nghiệp một cách rập khuôn, mà sau này Đại hội Đảng lần thứ VI đã rút kinh nghiệm, là vừa đụng chạm tới cả những người đã từng có công đóng góp cho cách mạng, vừa triệt tiêu đi một nguồn lực kinh tế rất quan trọng.
Kinh tế khó khăn, đời sống bế tắc, cộng với những phương thức quản lý xã hội quá cứng nhắc và tình trạng kỳ thị thành phần…đã làm cho cả một số người yêu nước, muốn đóng góp cho đất nước cũng đành dứt áo ra đi.
Những tổn thất kể trên ít nhiều đã trực tiếp liên quan đến nhiệm vụ của tôi, một người lãnh đạo thành phố mang tên Bác. Tôi đã chứng kiến nhiều nhà trí thức, nhà công thương trước khi rời quê hương vẫn trăn trở cân nhắc, rồi cũng phải “liều mình nhắm mắt đưa chân”. Mặc dầu trong phạm vi khả năng và quyền hạn của mình, Thành uỷ chúng tôi cũng đã chân tình giúp đỡ và động viên nhiều anh chị em, nhưng tôi vẫn thấy lúc bấy giờ Thành uỷ vẫn có nhiều bất lực và có phần trách nhiệm về tình hình đó.
Trên bình diện quốc tế, một số chủ trương cứng rắn quá mức cần thiết đã làm cho Việt Nam lâm vào tình cảnh thêm thù bớt bạn, mà thực ra không phải là hoàn toàn không tránh được.
Kết quả là Việt Nam bỏ lỡ rất nhiều vận hội. Tiếp đó là những năm tháng đầy khó khăn, với những khủng hoảng kéo dài. Đó chính là một bài học lớn của lịch sử.
Từ ngày Đảng ta có chủ trương đổi mới, tư tưởng hoà hợp dân tộc lại được phục hưng và ứng nghiệm với nhiều kết quả khả quan. Quan điểm kinh tế nhiều thành phần, quan điểm kinh tế mở, tư tưởng Việt Nam làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, khép lại quá khứ, hướng về tương lai… đã giúp cho nước ta khai thác được cả nội lực và ngoại lực để vượt khỏi khủng hoảng, liên tiếp thu được những thành quả về mọi mặt.
Từ khi làm nhiệm vụ quản lý ở địa phương cũng như ở tầm quốc gia, tôi đã có dịp tìm hiểu nhiều nước và tiếp xúc với nhiều chính khách lớn trên thế giới. Qua đó, tôi kiểm nghiệm lại nhiều điều và rút ra một bài học: thời bình cũng không khác trong thời chiến về một chân lý muôn thủơ: Quốc gia nào khắc phục được những mâu thuẫn nội tại để cùng tìm thấy niềm tự hào chung, lợi ích chung thì có thể tạo ra sức mạnh nội lực và do đó càng có uy tín quốc tế. Kể cả những nước nhỏ, nếu có những yếu tố đó thì cũng vẫn tạo ra thế mạnh. Ngược lại, nơi nào mà dân tộc chia rẽ, đối địch với nhau, thì dù có tài nguyên quốc gia phong phú, có dân số đông đúc, vẫn không tạo ra sức mạnh, vị thế quốc tế, do đó cũng không thể vững vàng.
Ngày nay chúng ta đã có một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và đang trên đường tiến tới thực hiện lý tưởng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Chúng ta đã từng bước nâng cao uy tín quốc tế. Do đó, chúng ta càng có sức cảm hóa nhiều hơn. Những kinh nghiệm quốc tế vừa qua càng chỉ rõ thêm rằng nếu chỉ dùng đối đầu và bạo lực để giải quyết những thù hận thì chỉ đẻ ra thù hận. Nếu dùng cách cảm hoá để giải quyết thù hận thì có thể triệt tiêu được thù hận và tạo ra sức mạnh càng ngày càng dồi dào hơn.
Nếu cứ còn chia rẽ do hận vì bại, kiêu vì thắng, thì có ích gì cho bản thân, cho đất nước, cho hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế?
Nhìn ra thế giới, càng nghiệm thấy rằng tài nguyên lớn nhất cho mọi quốc gia chính là tài nguyên con người. Nếu quy tụ được sức người, thì nhiều nguồn lực khác cũng có thể được quy tụ. Con người mà không quy tụ, thì mọi nguồn lực khác cũng rơi rụng.
Trong thế giới ngày nay, nguồn lực hàng đầu là trí thức. Nói như thế không có nghĩa là đề cao những con người trí thức cụ thể, mà nói đến một điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển: Trong cuộc đua tranh để phát triển, không thể chỉ dựa vào nhiệt tình và ý chí, mà phải dựa vào kiến thức, học vấn, sự nhận thức các quy luật của thiên nhiên và của xã hội. Theo kinh nghiệm lịch sử của thế giới và bản thân nước ta, nhất là qua những kinh nghiệm của Bác Hồ, thấy rằng trí thức tận tuỵ hay không là tuỳ thuộc vào chúng ta có tin dùng trí thức hay không, có giao cho họ đảm nhiệm những trọng trách mà họ xứng đáng được đảm nhiệm hay không. Điều đó không tuỳ thuộc vào bản thân trí thức, mà vào lãnh đạo: có đủ khả năng thu phục nhân tâm và nhân tài hay không. Thu hút được nhân tài cũng là một tài năng.
Ngày nay, nước ta không còn những kẻ xâm lược. Nhưng kẻ thù vẫn còn: Kẻ thù đó là sự nghèo nàn, lạc hậu. Lạc hậu thì sẽ tụt hậu. Tụt hậu thì khó thoát khỏi vòng lệ thuộc. Tất cả những ai có thể góp một phần vào việc chống kẻ thù đó đều nên và có thể có mặt trong hàng ngũ của chúng ta.
Muốn thế, cần ngồi lại với nhau. Bằng thiện chí, bằng tấm lòng chân thật, hãy cùng nhau xem lại một cách sòng phẳng những chỗ hay, chỗ dở, chỗ nào đã khắc phục được rồi, chỗ nào còn phải hoàn thiện tiếp…
Đến nay, 30 năm rồi, những điểm có thể gặp nhau là rất cơ bản, đó là đất nước Việt Nam, là dân tộc Việt Nam, là phát triển, là phồn vinh, là độc lập, tự do, hạnh phúc.
Những điểm gặp thì đã có. Nhưng người đến gặp thì vẫn chưa được đông đúc lắm.
Nhân kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Tám, chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại không khí hào hùng và sôi nổi của những ngày tháng đó. Ngọn lửa tạo nên không khí đó chính là tinh thần yêu nước và đại đoàn kết dân tộc, mà người thắp nên ngọn lửa đó chính là Bác Hồ. Khi đó, tất cả mọi người Việt Nam đều như một. Khi đó, yêu nước là cách tốt nhất để yêu mình.
Để ngọn lửa đó còn sáng mãi, chúng ta hãy cùng ôn lại mấy bài học lớn của Bác:
– Đất nước Việt Nam, giang sơn Việt Nam cùng mọi thành quả của nền văn hoá Việt Nam không phải là của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của mọi người Việt nam, của cả dân tộc Việt Nam.
– Đã thế thì mọi người Việt Nam đều có trách nhiệm và có quyền được đóng góp vào việc tô điểm cho giang sơn đó, làm giàu thêm và đẹp thêm cho nền văn hoá đó.
– Lại vì thế nên phải làm sao để cho mọi người Việt Nam đều được sống với giang sơn gấm vóc này, được hưởng mọi giá trị vật chất và tinh thần của nền văn hoá này.
Nếu thực hiện tốt những tư tưởng đó, với kỷ niệm 60 năm quốc khánh, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng dòng chữ “ Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công” trên quảng trường Ba Đình sẽ không chỉ là một khẩu hiệu bằng sắt, bằng gỗ, bằng vải màu…, mà sẽ là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua bao thách thức trước mắt. Từ tinh thần của Ba Đình ngày ấy, nó sẽ trở lại với dân tộc, nó sẽ đem lại cả sức sống, niềm tin, niềm vui, nghĩa tình và hạnh phúc cho hàng triệu và hàng triệu người Việt Nam chúng ta.
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Cũng có thể xem tại:
Bấm vào đây: VietnamNet
Bấm vào đây: Báo Tuổi Trẻ
TXA. said
1
Những kỷ niệm về Bác Hồ
HOÀNG TÙNG (*)
Trích:
“Nỗi đau thứ năm là 1950-52, Mao Trạch Đông và Stalin gọi Bác sang phê phán gay gắt, buộc phải thay đổi đường lối, dẫn ta đến sai lầm trong cải cách ruộng đất. Tuy nhiên Trung Quốc giúp ta chỉnh lại quân đội có phần đúng. Mục đích của họ là sửa lại cả quân sự, chính trị, tổ chức, cách dùng người. Nhân nói về chính sách dùng người của Bác, tôi muốn kể chuyện này. Có lần trong một cuộc hội nghị về công tác tổ chức, Lý Ban nói : ” Đối với con cán bộ khi kết nạp vào Đảng không cần phải thời gian dự bị, mà được chính thức ngay “. Bác nói ngay : ” Chú nói như thế không đúng. Đối với cách mạng phải xem cụ thể người ấy như thế nào. Vì có chuyện hổ phụ sinh khuyển tử, tức là hổ đẻ ra con là chó. Phan Bá Ngọc là con của Phan Đình Phùng đã đưa mật thám bắt Phan Bội Châu. Nhưng cũng có những địa chủ lớn như Bành Bái, địa chủ nổi tiếng ở tỉnh Quảng Đông lại là người tiến bộ, Đảng cộng sản coi là anh hùng. Cho nên không được máy móc, không được xem nguồn gốc xuất thân, lí lịch làm quan trọng“.
Họ sửa khá nhiều nên Bác đau lòng. Bao nhiêu nhân sĩ Bác lôi kéo tranh thủ, sau đó phải gạt hết, có những người còn bị đấu tố nữa”.
_____________________
(*) Ông Hoàng Tùng từng trải qua các chức vụ “… phó trưởng Ban Tổ chức trung ương, phó trưởng Ban Thi đua trung ương, tổng biên tập báo Sự Thật, tổng biên tập báo Nhân Dân, phụ trách Văn phòng Tổng bí thư, chánh Văn phòng Trung ương, trưởng Ban Tuyên huấn trung ương, bí thư Trung ương Đảng”.
Nguồn: http://nguyentrongtao.org/hoang-tung-những-kỷ-niệm-về-Bác-Hồ.xml
2
Cũng có nghe phong thanh là có sự kiện
18 tướng lĩnh và đảng viên lão thành
gửi thư cho Bộ chính trị (Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2010)
Trong thư đó có một câu rất chí lí:
“Dứt khoát không để những người có dính đến tham nhũng và những người Việt gốc nước ngoài vào Ban Chấp hành Trung ương”.
Các vị không đồng ý cơ cấu người Việt gốc Hoa (“người Việt gốc nước ngoài”) vào Ban Chấp hành Trung ương.
Nguồn: (?)
Một người ở quận Tân Bình said
Thư “Một người ở quận Tân Bình, TP.HCM”:
1) Người dính đến tham nhũng thì phải bị ở tù, còn nói chi việc vào BCH.TW.. Bộ làm các chức vụ nhỏ hơn ở thành phố, quận, huyện, phường và các cơ quan ban ngành không tham ô, nhũng nhiễu dân được sao?
2) Người Việt gốc nước ngoài dù sao vẫn là khách. Khách thì chỉ nên “ngồi chơi xơi nước” mà thôi. Trong tình hình nước ta đang đấu tranh giành lại Hoàng Sa, Trường Sa hiện nay, lại càng nên vận động người Việt gốc Hoa đừng dính líu đến Đảng, chính quyền, cơ quan ban ngành từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao.
TXA. said
XIN VUI LÒNG ĐỪNG SA ĐÀ
VÀO NHỮNG VẤN ĐỀ QUÁ XA
Thành thật cảm ơn ý kiến phản hồi của “Một người đọc ở quận Tân Bình, TP.HCM.”. Nhưng…
TXA.