Chiếc cầu Ý Hệ (cầu Hiền Lương)

Người bắn nhau nhưng đâu phải bắn nhau, Bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó (TrầnXuânAn)

Doi that va hinh tuong van chuong

Posted by Trần Xuân An trên 09.09.2007

WebTgTXA. & WebTXAwriter

SỰ “KHÚC XẠ” TỪ ĐỜI THẬT ĐẾN HÌNH TƯỢNG VĂN CHƯƠNG

Lê Phương Sanh (Thành Nội, TP. Huế): Xin vui lòng cho biết mối quan hệ giữa lí lịch tác giả với các hình tượng nhân vật trong tác phẩm?

WebTgTXA. xin trả lời:

Tôi đã có vài lần bàn đến vấn đề này trong những cuốn tiểu thuyết hay trong một vài bài thơ của mình. Tuy vậy, nhờ câu hỏi của anh Lê Phương Sanh (Thành Nội, TP. Huế) hôm nay, tôi có dịp ngẫm nghĩ thêm.

Trước đây, tôi vẫn nghĩ một người cầm bút (sáng tác, nghiên cứu) phải đích thực là một kẻ “mồ côi”, và tôi cũng mong ước những người bạn đồng nghiệp của tôi cũng phải “tự sinh nở ra chính mình”. Đó là một ý tưởng tôi cho là hết sức quan trọng, nếu nhà văn, nhà nghiên cứu muốn phản ánh trung thực hiện thực xã hội, khảo sát và nhận định đúng hiện thực lịch sử. Tuy nhiên, ý tưởng thoát li gia đình, họ tộc ấy chỉ trở thành ý thức và quyết tâm trong quá trình sáng tác, nghiên cứu. Điều đó không có nghĩa là lời đề nghị điên rồ: Người cầm bút, phải cô độc tuyệt đối, rời bỏ cha mẹ, phủ nhận quê hương, huyết thống, không lập gia đình riêng, không sinh con, cũng không nên có quan hệ xã hội nào. Hoàn toàn không phải như vậy. “Mồ côi”, “tự sinh nở ra chính mình” chỉ là một cách nói hình ảnh, nhằm nhấn mạnh đến tinh thần độc lập mà người cầm bút cần phải có. Trong thực tế đời sống, người cầm bút vẫn là một con người bình thường trong tất cả các quan hệ gia đình, xã hội bình thường khác.

Trình bày với anh Lê Phương Sanh (Thành Nội, TP. Huế) như vậy, để anh hiểu giúp rằng, ít nhất đó cũng chính là ý thức và quyết tâm của riêng cá nhân tôi.

Về mặt nghiên cứu sử học, tôi tuyệt đối tôn trọng sử liệu, không cho phép mình chép sai trích đoạn nào, cho dù chỉ sai một chữ. Tôi lí giải sử liệu cũng chính trên các trích đoạn sử liệu trực tiếp rõ ràng, chính xác, có xuất xứ theo đúng yêu cầu nghiên cứu khoa học. Chính nhờ cách làm việc như vậy, nên tôi không giấu giếm gì lí lịch, huyết thống của mình. Trái lại, người giấu giếm lí lịch, huyết thống của mình cho ra vẻ khách quan mà làm việc không nghiêm túc, không minh bạch, nói chung là không khoa học, thì tác phẩm họ cũng không có trọng lượng giá trị thuyết phục.

Nhưng điều quan trọng hơn, theo câu hỏi của anh, một người đọc tôi chưa có dịp quen biết, anh muốn đặt trọng tâm vấn đề về mảng thơ ca và tiểu thuyết của tôi, chứ không phải là mảng nghiên cứu sử, truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử và phê bình thơ.

 Bìa 1 sách Ngẫu hứng đọc thơ      bìa 4 sách Ngẫu hứng đọc thơ

Bấm vào ảnh để xem ảnh được phóng lớn.           

Lưu ý: Nút mở rộng kích cỡ ở góc phải, bên dưới
Xem thêm: DANH MỤC TÁC PHẨM TRẦN XUÂN AN

Bây giờ tôi đi vào trọng tâm câu hỏi, sau khi đã trả lời một cách chung nhất.

Ngoài ý thức và quyết tâm độc lập trong sáng tác thơ ca, tiểu thuyết, nhà thơ, nhà văn luôn luôn tự sáng tạo, tự sinh nở cho chính mình một quan điểm thẩm mĩ, một lí tưởng thẩm mĩ riêng. Tuy nhiên, trong xã hội nước ta, trước đây, vấn đề tính giai cấp là một vấn đề hết sức quan trọng. Đối với người cầm bút có cha mẹ xuất thân từ nông thôn, có quan hệ bà con xa gần là nông dân hay dân nghèo thị trấn hoặc dân nghèo thành phố, thì định hướng về tính giai cấp xã hội chủ nghĩa ấy rất thuận lợi. Đối với người cầm bút khác, xuất thân từ tầng lớp thượng lưu, họ phải lột xác, phải “đi vô sản hoá” (có lẽ anh cũng không quên là Karl Marx, Engels, Lénine, Hồ Chí Minh, Trường Chinh… đều xuất thân từ tầng lớp giàu có hay quan lại, trí thức — đối tượng của cách mạng vô sản; trong giới văn nghệ sĩ cũng nhiều người có lí lịch tương tự).

Như vậy, ý thức và quyết tâm độc lập của cá nhân vẫn bị ước lệ truyền thống, định hướng của thiết chế chính trị, xã hội thời đại quy định. Nhưng ngay trong việc chấp nhận, tán thành định chế chính trị (trước đây, gọi là giác ngộ giai cấp, giác ngộ lí lưởng cách mạng), người cầm bút có bản lĩnh vẫn tự mình vận dụng một cách sáng tạo, có thể đạt đến mức độc sáng nữa.

Tôi nghĩ rằng, lí lịch, huyết thống và các quan hệ quê hương, bạn bè, xã hội của bản thân và quy định của thiết chế chính trị đều phải “khúc xạ” trong thâm thức sáng tạo của nhà văn, nhà thơ theo một lí tưởng thẩm mĩ riêng với tất cả tấm lòng chân thành nhất. Do đó, hình tượng nhân vật người cha, người mẹ, người yêu, người bạn trong tác phẩm có thể khởi đầu từ những con người thật (người thân yêu của mình hay những người mình từng biết đến), nhưng đến khi hình thành trong tác phẩm lại là những hình tượng đã được soi chiếu bằng lí tưởng thẩm mĩ của mình và của thời đại. Hơn nữa, mặt khác, một khi có ý thức sáng tác để phục vụ giai cấp, phục vụ xã hội, để thoả mãn lí tưởng thẩm mĩ của bản thân một cách chân thành, người cầm bút, ngay cả người làm thơ, vốn lấy cái tôi trữ tình làm hình tượng trung tâm, đều có sự “khúc xạ” ấy — sự khúc xạ của mối quan hệ giữa lí lịch tác giả (nghĩa rộng) với các hình tượng nhân vật trong tác phẩm. “Con người là tổng hoà của các quan hệ xã hội, trong tính hiện thực của nó”, đó là một câu danh ngôn ai cũng biết, xin nhắc lại ở đây. Vâng, có thể nói, nhà văn, nhà thơ là tổng hoà của các quan hệ xã hội, trong tính hiện thực của nó, bao gồm cả cấu trúc sinh động, với tiến trình biện chứng, của tâm lí sáng tạo văn chương.

Thiết tưởng cũng cần lưu ý thêm điều này: Nếu so với tiểu thuyết, kể cả truyện ngắn (trừ ra tự truyện), thì thơ ca là loại hình văn chương gần với đời thật của tác giả nhất, đặc biệt là về phương diện tình cảm. Trong loại văn xuôi tự sự (tiểu thuyết, truyện ngắn), các hình tượng nhân vật thường là nhiều dạng, chính diện, phản diện, không hẳn là chính diện cũng không hẳn phản diện, đều có. Nói theo cách nói của Lỗ Tấn, nhân vật có thể được sáng tạo bằng sự tổng hợp, lắp ghép, với cái mũi Huế, cái tai Sài Gòn, đôi mắt Hà Nội (những người tác giả có thể thoáng gặp hay quen biết), nhân vật cũng có thể được lấy từ nguyên mẫu có thật. Thơ ca chủ yếu biểu đạt tình cảm, tư tưởng, cảnh huống trong những tứ thơ nhất định, chứ ít đi vào miêu tả, xây dựng tính cách nhân vật. Thơ ca, thường là tự biểu hiện hay biểu hiện bằng tự biểu hiện, vẫn có hình tượng trung tâm là cái tôi trữ tình của chính tác giả hay tác giả nhập thân. Do đó, dẫu sao, tiểu thuyết, dài hay ngắn, và thơ ca đều được các nhà lí luận văn học xếp vào loại hư cấu (fiction). Phương thức hư cấu và phương thức phản ánh, biểu hiện lại không đơn giản chút nào, bởi thế giới con người, thế giới tâm hồn có bao giờ đơn giản, máy móc, kiểu hai lần hai là bốn đâu! Nhưng nói chung, thơ ca phần lớn vẫn gần với đời thật tác giả hơn là tiểu thuyết, truyện ngắn không phải tự truyện. Và cũng cần phải nói cho đầy đủ: Nếu thơ ca gần với đời thật tác giả nhất về mặt tình cảm, thì văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ngắn), kể cả nghiên cứu, phê bình, lại thể hiện rõ nhất đời thật của tác giả về phương diện nhận thức nói chung (triết học, sử học; hiện thực…) và về thái độ chính trị – xã hội.

Có một câu nhận định văn chương nhiều người tâm đắc: “Style, c’est l’homme” (Bút pháp, ấy là người). Bút pháp còn được gọi là phong cách sáng tác. Chính bút pháp, chứ không phải thế giới các hình tượng nhân vật, cũng không phải tứ thơ, mới chính là phương diện tác giả thể hiện rõ con người của mình (tư tưởng, thái độ, bản sắc, lòng yêu – ghét theo hệ giá trị khá nhất quán, bền vững và cả thiên hướng thẩm thức ngôn từ của riêng tác giả…).

Liệu tôi có cần thiết trả lời thật cụ thể về mình không?

Cảm ơn anh Lê Phương Sanh (Thành Nội, Huế) đã nêu vấn đề.

Trân trọng,

WebTgTXA.:
Trần Xuân An

____________________

Bổ sung lúc 19 giờ 30′, cùng ngày:

Ở bài trả lời trên đây, tôi nhấn mạnh đến vấn đề giai cấp, trong đó có ý thức thoát li giai cấp xuất thân của người cầm bút theo định hướng của thiết chế chính trị, đặc biệt là trước Đổi mới. Tôi không phải nói cho riêng tôi. Và tôi thấy cũng cần viết rõ thêm: Người cầm bút trong cho dù xuất thân từ giai cấp nào cũng cần phải xem mình như thể “mồ côi”, cần “tự sinh nở ra chính mình” để đạt được tính độc lập, trung thực cần thiết. Tuy nhiên, yêu cầu đó không có nghĩa là người cầm bút phải như “tự trên trời rớt xuống”, mà phải kế thừa, gạn lọc những yếu tố tích cực, và loại bỏ yếu tố tiêu cực, trong “tổng hoà các quan hệ” với “tính hiện thực” của mỗi người, mỗi quan hệ. Nói cho công bằng, cho dù thuộc giai cấp, chính kiến nào, tuyệt đại đa số người Việt Nam chúng ta đều yêu nước. Vấn đề là trước đây, lòng yêu nước còn được thẩm định qua lăng kính giai cấp, quan điểm và lập trường chính trị…

TXA.

2 bình luận to “Doi that va hinh tuong van chuong”

  1. hvt said

    Dieu toi thay ro nhat o toan bo tac pham cua nha van, nha nghien cuu Tran Xuan An la ban sac Hue – Quang Tri.

  2. WebTgTXA said

    Thành thật cảm ơn ông (bà) HVT.. Tôi hết sức xúc động khi đọc được câu nhận định trên: “Điều tôi thấy rõ nhất ở toàn bộ tác phẩm của nhà văn, nhà nghiên cứu Trần Xuân An là bản sắc Huế – Quảng Trị”.

    Nhân đây, tôi xin bổ sung là có thêm trong tác phẩm của tôi chất Nam Bộ, chất Quảng Nam và chất Lâm Đồng nữa, vì đó là những địa phương, những vùng đất tôi đã ít nhiều được sống, học tập hay giảng dạy. Tuy nhiên, trong sâu thẳm và ở những biểu hiện ra bên ngoài, suốt quãng đời và cả các mặt thuộc cuộc sống của bản thân, cũng như trong toàn bộ tác phẩm của tôi (cái chính là toàn bộ tác phẩm), tôi cũng thừa nhận chất Huế – Quảng Trị là đậm đặc, nhất quán nhất. Bản sắc địa phương là một đặc điểm có tính quy luật chung cho mọi người, nhưng mức độ, nét riêng ở mỗi người mỗi khác.

    Trân trọng,
    WebTgTXA.: Trần Xuân An

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.