Chiếc cầu Ý Hệ (cầu Hiền Lương)

Người bắn nhau nhưng đâu phải bắn nhau, Bắn những ngoại xâm sau lưng nhau đó (TrầnXuânAn)

QUANH VẤN NẠN LỊCH SỬ: KẺ CÁT CỨ HAY ANH HÙNG MỞ CÕI?

Posted by Trần Xuân An trên 27.07.2010

hidden hit counter






QUANH VẤN NẠN LỊCH SỬ:
KẺ CÁT CỨ HAY ANH HÙNG MỞ CÕI?
(những ý tưởng ngoài lề
khi đọc tiểu thuyết “Ký tự chìm trên bia đá cổ” của Tố Hoài)

Trần Xuân An

Mười hai tuổi rưỡi, tôi rời xa gấu áo của mẹ và quê nhà Quảng Trị. Vì thế, tôi không được vinh dự mang trên ngực áo trắng học trò thời trung học danh tính của một nhân vật lịch sử — Nguyễn Hoàng (1524 – 1613) — vốn là niềm tự hào của Quảng Trị, của cả Đàng Trong, rồi của cả nước hơn ba trăm năm (1558 – 1885…), và còn âm hưởng mãi đến sau này.

Thế rồi, sau Ngày Thống nhất đất nước (1975), những học sinh và cựu học sinh Trường Trung học Nguyễn Hoàng đồng hương phải bóc tên ông ra khỏi ngực áo hay kỉ niệm của mình.

Mặc dù tôi không là học sinh của ngôi trường mang tên ông, tôi cũng biết có những thập niên niềm tự hào ấy trở thành nỗi trăn trở, nhức nhối sử học, không phải bên ngoài mà phía trong ngực áo của nhiều người, không chỉ ở Quảng Trị mà trên cả mọi mảnh đất Tổ quốc.

Sự thật một thời vừa qua là vậy đó.

Gần đây, giới sử học gần như đã phục hồi danh dự cho nhân vật Nguyễn Hoàng. Sách báo mới xuất bản, ấn hành không còn gọi ông là kẻ cát cứ, chia cắt Đất nước thành hai đàng, Đàng Trong và Đàng Ngoài. Với cái nhìn lịch sử – cụ thể, sử học không còn bị chi phối bởi đường lối chính trị thời tiến hành chiến tranh thống nhất đất nước (1954 – 1975), Nguyễn Hoàng hầu như đã được phục hồi danh dự (tôi nhấn mạnh): Nguyễn Hoàng lại là người anh hùng mở cõi.

  

Cách đây một tháng, tôi được anh Tố Hoài tặng cuốn tiểu thuyết mới nhất của anh, “Ký tự chìm trên bia đá cổ” (Nxb. Thanh Niên, 12-2009). Trong tiểu thuyết này, với lời tự ngỏ đầu sách, người đọc ngỡ anh viết về Nguyễn Diễn (1), con trai của Nguyễn Hoàng. Nhưng cả cuốn tiểu thuyết lại không phải như vậy. Nguyễn Diễn chỉ được viết lướt qua trong khoảng mươi trang. Kì thực, Tố Hoài tỏ ra quan tâm đến thân sinh của Nguyễn [Phúc] Diễn hơn! Hơn thế nữa, anh đã thể hiện một cách nhìn không chỉ về Nguyễn Hoàng, mà cả những tiền bối, hậu bối trực hệ của ông, ấy là Nguyễn Văn Lang, Nguyễn Hoằng Dụ, Nguyễn Kim, ấy là Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi, ở ngôi: 1613-1635), Nguyễn Phúc Lan (chúa Thượng, ở ngôi: 1635-1548), Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền: 1648-1687)… Theo đó, tôi nhận ra Tố Hoài không tập trung khắc họa một nhân vật nào thành hình tượng quán xuyến từ đầu đến cuối tiểu thuyết, mặc dù nhân vật anh quan tâm nhất vẫn là Nguyễn Hoàng.

Tiểu thuyết của Tố Hoài vì thế, có thể gọi là tiểu thuyết biên niên, bao quát cả một chiều dài lịch sử từ thời nhà Hậu Lê suy đốn bởi hai tên vua Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, dẫn đến sự kiện Mạc Đăng Dung cướp ngôi, dựng nên triều Mạc (1527-1592), khiến cuộc chiến tranh Nam (Lê) – Bắc (Mạc) bùng nổ, kéo dài đến khoảng sáu mươi năm, song song và nối tiếp bởi thời kì Nguyễn Hoàng cùng các hậu duệ của ông từng bước xây dựng, mở mang Đàng Trong, và rồi, không cách nào khác, cuộc chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh tất yếu phải nổ ra, bất phân thắng bại, trong quãng thời gian bốn mươi lăm năm, tính từ trận đầu (1627) đến trận cuối (1672), chưa kể trận Hoàng Ngũ Phúc thừa lệnh Trịnh Sâm vào xâm chiếm Thuận Hóa (khoảng 1774-1775).

Theo tôi, “Ký tự chìm trên bia đá cổ”, nếu không gọi là tiểu thuyết biên niên, hẳn phải gọi là tiểu thuyết thế phả.

Tuy vậy, với ngọn bút tiểu thuyết, Tố Hoài có ý thức, rất có ý thức nữa là đằng khác, anh không muốn thuyết phục ai phải tin những điều anh thu nhặt từ sách sử để đưa vào trang văn của mình là tuyệt đối xác thực. Hầu như anh không có một chú thích nào ghi rõ xuất xứ những sử liệu anh sử dụng. Tôi biết, đối với tác giả Tố Hoài và nhiều người đọc tiểu thuyết, vấn đề là chất lượng tiểu thuyết có hấp dẫn, sinh động không, chứ không phải là có xác thực hay không. Đây chính là điểm khiến tôi đã cầm “Ký tự chìm trên bia đá cổ” lên tay, xem tổng quát, rồi buông khỏi tay. Nhưng rồi, tôi lại tự bảo, phải tự kìm lại quan điểm khoa học lịch sử phải thật sự khoa học của mình để đọc thử tiểu thuyết “Ký tự chìm trên bia đá cổ” theo cách viết của Tố Hoài, cũng là cách viết của nhiều nhà văn từ trước đến nay, vốn phóng túng như thế.

Đọc xong, tôi lại nhận ra, Tố Hoài cũng không có ý định viết tiểu thuyết dựa vào sử liệu để nhằm đưa ra những triết lí lịch sử, kiểu Shakespeare với những vở kịch lừng danh của ông, cũng không bay bướm, đầy chất nghệ sĩ, lặn sâu vào nội tâm nhân vật lịch sử, bất chấp điều tiếng “xuyên tạc lịch sử” như Nguyễn Xuân Khánh gần đây.

Thật ra, Tố Hoài viết tiểu thuyết nhưng không xa các bộ sử kí như “Đại Nam thực lục tiền biên”, “Đại Nam liệt truyện tiền biên” hay các bộ sử của giới sử học từ Trần Trọng Kim cho đến các nhà nghiên cứu ngày nay là bao. Anh còn chứng tỏ là đã tham khảo nhiều sách báo, nhưng anh không chú thích xuất xứ mà thôi. Tất nhiên, anh có hư cấu thêm cho sinh động và cũng để dẫn mạch truyện.

Điều đáng ghi nhận ở Tố Hoài là anh đã có một cái nhìn sáng tỏ hơn, như chê Lê suy tàn hung ác, dâm loạn, chê Lê trung hưng bạc nhược, hèn yếu, chê Mạc vô sỉ, đê hèn, xem ngai vàng, sự sang giàu của mình hơn cả quốc thể, đất đai Tổ quốc, chê Trịnh Kiểm và hậu duệ nham hiểm, đoạt công, cướp quyền, tham lam quyền lực, ức hiếp vua Lê; đồng thời anh đề cao “nhà đảo chính” Nguyễn Văn Lang, thực chất là phù chính diệt tà, trung trinh với nhà Hậu Lê, đề cao Nguyễn Kim sáng suốt, trầm tĩnh, quyết sang Lào lập căn cứ địa, bền chí phục hưng Hậu Lê, đề cao Nguyễn Hoàng và thân nhân, hậu duệ của ông đã thức thời, tỉnh táo, từ cái thế bị Trịnh Kiểm chèn ép, đe dọa đến tính mệnh bản thân, dòng tộc mà lánh vào chốn “biên châu ác địa” để lập nên một bờ cõi riêng, chủ yếu trên đất cũ của các triều trước (từ Đèo Ngang đến Thạch Bi), để rồi ở vào thế không thể không bẻ gãy gọng kìm Chiêm Thành phía nam để tồn tại, không thể không khai khá Thủy Chân Lạp để đủ thực lực kinh tế trong sự đối đầu với Đàng Ngoài, không thể không mở cửa giao thương với các nước xa gần để trao đổi và tìm kiếm sự ủng hộ. Tố Hoài cũng dành nhiều trang ca ngợi Đào Duy Từ, một kẻ sĩ vì lí lịch gia đình “con hát” mà bị Lê – Mạc bạc đãi.

Một điều khác, không rõ có phải vì anh từng là một bác sĩ quân y trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước vừa qua, tận mắt chứng kiến, chữa trị bao nhiêu thương binh với những vết thương khủng khiếp, nên anh sợ hãi máu me chiến trận, không hề miêu tả cận cảnh, chi tiết một trận chiến nào? Vả lại, Nam (Lê – Trịnh) – Bắc (Mạc), Trong (Nguyễn) – Ngoài (Lê – Trịnh) thực chất chỉ là nội chiến, không phải là hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chống ách ngoại xâm!

Một điều khác nữa, khi Tố Hoài cố sức biện minh cho việc Nguyễn Hoàng quyết gả con gái út Ngọc Tú của mình cho Trịnh Tráng (có nghĩa là cháu nội của Ngọc Bảo [Trịnh Tráng] lấy cháu gọi Ngọc Bảo là cô ruột [Ngọc Tú]), nhằm mục đích chính trị là cho Ngọc Tú làm con tin, để tránh sự truy sát của Trịnh Tráng đối với Nguyễn Hoàng, người đọc thấy Tố Hoài đã sa lầy vào hôn nhân đồng huyết, tuy không trực hệ, nhưng cũng nên tránh, nên phê phán (2).

Gấp tiểu thuyết “Ký tự chìm trên bia đá cổ” lại, tôi nghĩ, thực ra, “kẻ cát cứ” Nguyễn Hoàng muốn tạo dựng, mở mang một đất nước riêng, dẫn đến cuộc nội chiến Trong (Nguyễn) – Ngoài (Lê – Trịnh) về sau giữa các hậu duệ của hai Đàng, tổn hại biết bao xương máu nhân dân, mặc dù trong tám trận (kể cả trận 1774-1775), có đến bảy trận là do chúa Trịnh chủ động tiến đánh. “Kẻ cát cứ” ấy có tội với lịch sử hay không? Nhưng còn phải thấy Nguyễn Hoàng dẫu sao cũng là người biết Trịnh Kiểm “tạo điều kiện” cho Dương Chấp Nhất đầu độc thân sinh của chính Nguyễn Hoàng (là Nguyễn Kim), cướp công gầy dựng lực lượng trên đất Lào, công làm chủ cả Thanh Hóa, Nghệ An của cha mình, lại ức hiếp vua Lê, nhưng ông nhẫn nhịn, tìm kế vừa thoát thân vừa mở mang, khai hoang, lập ấp ở vùng “biên châu ác địa”; cũng phải thấy, trong bối cảnh “trâu mạnh trâu được, cỏ mạnh cỏ được”, giữa hai gọng kìm Đàng Ngoài và Chiêm Thành phía trong, đất nước ta cũng nhờ các chúa Nguyễn, biết phát huy ý chí, ước nguyện của tiền bối Nguyễn Hoàng, đành phài bẻ gãy gọng kìm phía nam, khai hoang vùng Thủy Chân Lạp vốn thưa vắng bóng dáng cư dân, trước hết để tồn tại, nên đất nước mới dài rộng như ngày nay.

Trong giai đoạn chiến tranh thống nhất đất nước (1954-1975), một khi Nguyễn Hoàng trở thành biểu tượng chính nghĩa trong việc chia cắt đất nước, đối với Miền Nam, thì ở Miền Bắc, tất nhiên Nguyễn Hoàng phải bị hạ bệ. Vả lại, ai bảo sử Miền Bắc không còn ảnh hưởng của quan điểm “chính thống” Đàng Ngoài phong kiến?

Đến nay, đã hơn ba mươi năm giang sơn quy về một mối, công cuộc Đổi mới (1986) đã mở ra khá lâu, nên ý thức sử học khách quan đã được phục hồi. Đây là lúc phải xác định cùng nhau rằng, mọi hiện tượng lịch sử có vẻ giống nhau, nhưng thực chất vẫn khác nhau, và phải mài sắc quan điểm lịch sử – cụ thể. Vâng, không thể đánh đồng Triệu Đà nhà Tần với Nguyễn Hoàng, càng không thể đánh đồng cuộc nội chiến Nam (Lê – Trịnh) – Bắc (Mạc) với cuộc nội chiến Trong (Nguyễn) – Ngoài (Lê – Trịnh), và lại càng không thể đánh đồng hai cuộc nội chiến thực sự ấy với cuộc chiến tranh chống Mỹ – tả đạo, thống nhất đất nước vừa qua (1954-1975). Vâng, cũng vậy, không thể đánh đồng lũy Thầy, lũy Trường Dục do kiến trúc sư quân sự Đào Duy Từ thực hiện với hàng rào điện tử Mac Namara!

Nếu không rạch ròi như thế, các nhân vật lịch sử vẫn còn bị lợi dụng, xuyên tạc với ý đồ, mục đích trước mắt của hậu thế.

Tôi cũng tin rằng “Ký tự chìm trên bia đá cổ” sẽ giúp cho chúng ta cảm thông được nỗi đau của những người bị lâm vào thế cùng đường, buộc phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để phiêu dạt đến chân trời, góc bể, biên châu ác địa. Riêng tôi, tôi vẫn nhận thức việc ra đi khỏi đất nước đến ba triệu người sau cuộc chiến tranh thống nhất đất nước vừa qua (1954-1975) là khác hẳn với những cuộc di dân thời phong kiến, nhưng biết đâu cũng là dịp để có một Nguyễn Hoàng nơi đất Mỹ, một nước Mỹ vốn hào phóng với nạn nhân của chính Nhà nước Mỹ và của chính Vatican.

Và dẫu sao, đây cũng chỉ là những ý tưởng ngoài lề khi đọc tiểu thuyết “Ký tự chìm trên bia đá cổ” của Tố Hoài.

Trần Xuân An

9:00 – 15:07’, ngày 27-7 HB10 (2010)
tưởng niệm các nhân vật lịch sử thời phong kiến đã bị hi sinh trong cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và tả đạo, thống nhất đất nước vừa qua (1945-1954-1975).

____________________________

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam liệt truyện tiền biên” (ĐNLT.TB.), bản dịch Viện Sử học, tập 1, Nxb. Thuận Hóa, 1993, tr. 36-37: Tiểu truyện về Nguyễn [Phúc] Diễn: …”Giặc họp quân lại để đánh, Diễn bị chết trận. Vua Lê truy tặng thái phó, thụy là Nghĩa Liệt. Diễn có 4 trai là Tuấn, Đường, Cơ, Phú đều theo Thái tổ (tức Nguyễn Hoàng – TXA. ct.) vào Nam”.

(2) ĐNLT.TB., sđd., tr. 66-67: Ngọc Bảo (con gái Nguyễn Kim) lấy Trịnh Kiểm, sinh ra Trịnh Tùng (Tòng). Trịnh Tùng là cha đẻ của Trịnh Tráng. Trịnh Tráng (cháu nội ruột của Ngọc Bảo) lấy Ngọc Tú (con gái Nguyễn Hoàng, tức là cháu gọi Ngọc Bảo bằng cô ruột). Cần có quan điểm lịch sử – cụ thể về phong tục tập quán của từng thời kì lịch sử và từng địa phương.

Đã gửi đăng trên Tcđttl TranNhuongCom, PhongDiepNet, lúc 16:00, 27-7 HB10

http://trannhuong.com/news_detail/5590/QUANH … MỞ-CÕI?

http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=10690

Ở phần đầu tiểu thuyết “Ký tự chìm trên bia đá cổ” của nhà văn, bác sĩ Tố Hoài còn có một lời ngỏ của chính tác giả (sđd., tr. 5-6). Lời ngỏ ấy còn được cụ thể hóa ở một ít trang tiểu thuyết (sđd., tr. 193-205). Trong đó, chứa đựng một vấn đề “bất khả tri” thuộc về bản thân Tố Hoài và Nguyễn Phước tộc (hậu thân của Tôn nhân phủ, hiện nay đặt văn phòng tại Huế).
Trân trọng,
TXA.

14 bình luận to “QUANH VẤN NẠN LỊCH SỬ: KẺ CÁT CỨ HAY ANH HÙNG MỞ CÕI?”

  1. TXA. said

    GOOGLE SEARCH:

    24 giờ qua

    Kết quả Tìm kiếm

    Ý KIẾN NGƯỜI ĐỌC & GIỚI CẦM BÚT6 phút trước đây – Điểm mạng toàn cầu của nhà thơ Trần Xuân An (địa phương TP.HCM. … Trần Xuân An. Mười hai tuổi rưởi, tôi rời xa gấu áo của mẹ và quê nhà Quảng Trị. Vì thế, …
    txawriter.wordpress.com/ – Tương tự

    QUANH VẤN NẠN LỊCH SỬ: KẺ CÁT CỨ HAY ANH HÙNG MỞ CÕI? « Ý KIẾN …26 phút trước đây – Điểm mạng toàn cầu của nhà thơ Trần Xuân An (địa phương TP.HCM. … Trần Xuân An. Mười hai tuổi rưởi, tôi rời xa gấu áo của mẹ và quê nhà Quảng Trị. Vì thế, …
    txawriter.wordpress.com/2010/07/27/ke-cat-cu-anh-hung-mo-coi/

    Bầu bạn góp cổ phần – tranhnhuong.com-Tranh tho Tran Nhuong, Hoi …11 giờ trước – 21/7/10, TỰ TÔN TIẾNG NÓI DÂN TỘC, GIỌNG NÓI QUÊ HƯƠNG, Trần Xuân An, 439. 24/7/10, HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN VỊ THÁNH TƯƠNG HIỀN MINH TRIỀU TRẦN …
    trannhuong.com/…/Bầu-bạn-góp-cổ-phần – Đã lưu trong bộ nhớ cache

    Chạm vào thu Praha – Nhà văn Xuân Đức17 giờ trước – 15/03/2010, Chùm thơ mới của Trần Xuân An, Trần Xuân An, 277. 13/03/2010, Nàng Tiên gặp quỷ dữ, Lưu Xuân Đạt, 313. 08/03/2010, Truyện không muốn đặt tên …
    xuanduc.vn/baiviet.aspx?… – Đã lưu trong bộ nhớ cache

    /

  2. TXA. said

    Thư của ông Nguyễn Ý Kiến:

    “BẤT KHẢ TRI” TẤT “BẤT KHẢ NGÔN”, “BẤT KHẢ NGỮ”
    (“Không thể biết” thì ắt phải “không thể nói”, “không thể viết”).

    TXA. trả lời:

    Thưa ông, tôi tôn trọng lời ngỏ và mươi trang tiểu thuyết cùng vấn đề của nhà văn, bác sĩ Tố Hoài, nhưng nào dám bày tỏ ý kiến gì đâu! Trong bài viết của tôi, như ông đã đọc ở bên trên, tôi không hề đề cập đến. Chỉ khi viết xong, đã đăng tải trên điểm mạng của tôi và hai Tcđttl. TranNhuongCom, PhongDiepNet, tôi nhận được những phản hồi, tôi mới ghi thêm vài dòng cuối và ngoài bài, vô thưởng, vô phạt.

    Trân trọng,
    TXA.

    • Nguyễn Ý Kiến said

      Tôi muốn gửi câu “xổ nho” ấy đến nhà văn, bác sĩ Tố Hoài, chứ không phải chê trách gì ông Trần Xuân An. Mong rằng ông Tố Hoài chỉ nêu vấn đề trong sách khi mọi điều đã được giám định khoa học, như tấm bia cổ ấy. Mà giám định niên đại rồi, cũng không thể kết luận! Ví dụ, tôi không có vợ bé, không có bồ bịch gì, và do đó cũng không có đứa con rơi nào, nhưng ai đó “chơi khăm” tôi bằng cách lén khoét đất mộ phần của tôi (sau khi tôi chết), chôn xuống một tấm bia đá với nội dung đại để là tôi đã “có bồ, có con rơi” thì sao? Vả lại, ngoài tấm bia đá cổ 5 thế kỷ ấy, mọi lí lẽ, chứng cứ văn tự (sử sách), chuyện kể (trong tiểu thuyết) đều không ủng hộ ông Tố Hoài. Tôn nhân phủ thời Nguyễn ghê lắm ông à…

      Ng.Y.K.

  3. Ngo Thu Le said

    “Riêng tôi, tôi vẫn nhận thức việc ra đi khỏi đất nước đến ba triệu người sau cuộc chiến tranh thống nhất đất nước vừa qua (1954-1975) là khác hẳn với những cuộc di dân thời phong kiến, nhưng biết đâu cũng là dịp để có một Nguyễn Hoàng nơi đất Mỹ, một nước Mỹ vốn hào phóng với nạn nhân của chính Nhà nước Mỹ và của chính Vatican.”
    – Có điểm giống đấy: họ đi tìm miếng ăn và tìm tự do.
    – Đừng mơ có một Nguyễn Hoàng nơi đất Mĩ, họ chỉ là những người cắt cỏ, làm neo, đánh cá lậu… để mỗi năm đóng góp cho GDP quê nhà năm sau tăng hơn năm trước. Nhưng cái nầy thì chắc chắn, phần lớn họ đã trở thành Việt kiều yêu nước. … Không [trơ] “trẻn” chút nào khi tuyên bố họ là một “khúc ruột của quê hương”…

    • TXA. said

      Nhà giáo Ngô Thủ Lễ quý mến,

      Trước hết, xin minh định: Mình đã tước bỏ những gì hậu thế (1954-1975) gán cho nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng (1525-1613) nhằm mục đích lợi dụng ông ấy như một biểu tượng chính nghĩa trong việc cát cứ, chia cắt đất nước, để trả lại Nguyễn Hoàng (1525-1613) cho chính Nguyễn Hoàng (1525-1613) với hành trạng, sự nghiệp đích thực của ông ấy trong lịch sử, thế kỉ XVI – thế kỉ XVII.

      Từ đó, mình mới mong có một Nguyễn Hoàng mới ở Mỹ hiện nay, với ý nghĩa là tạo dựng nên một CÕI BỜ VIỆT NAM HẢI NGOẠI, không mưu toan “phục quốc” gì cả. Tất nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng không khập khiễng đến mức biện minh cho ngoại xâm và bộ phận tả đạo trong TCG. ở việc chia cắt đất nước (1954-1975). CÕI BỜ VIỆT NAM HẢI NGOẠI thì có dính líu gì đến lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam hiện nay! Vả lại, có chính nghĩa đâu mà “phục quốc”!

      Những điều nhà giáo Ngô Thủ Lễ nói về Việt kiều cũng không phải không đúng, vì ngoài số tinh hoa, giỏi chuyên môn, khoa học – công nghệ, phần lớn còn lại là làm “neo” (nail), cắt cỏ, đánh cá lậu… Cộng đồng xã hội nào, nước nào mà chả thế! Vấn đề là phồn thịnh, không quên tiếng mẹ đẻ, không pha tạp huyết thống… Nước Mỹ mênh mông, Việt kiều xin vài chục ngàn cây số vuông (km2) để lập quốc cũng có thể mà! Đó là buộc Mỹ bồi thường chiến tranh đấy! Tây Ban Nha, Pháp, Nhật, Vatican cũng phải bồi thường chiến tranh cho cộng đồng người Việt hải ngoại bằng cách đó.

      Nhưng ấy là nói cho vui, cho phải đạo. Nhưng xem ra như thế còn dễ hơn, chính nghĩa hơn là “phục quốc”.

      Quý mến,
      TXA.

  4. TXA. said

    Thưa quý người đọc kính mến và thân ái,

    Tôi mới hỏi một người quen thân, am hiểu kĩ về những gì đổi mới ở Quảng Trị, ngay cả những điểm đổi mới mới nhất, và tôi được biết: Trường Trung học Nguyễn Hoàng cho đến nay vẫn chưa được phục hồi, không có trường học nào ở Quảng Trị hiện nay mang tên nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng (1525-1613) cả.

    Nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng (1525-1613) chỉ mới được phục hồi trong một số bài nghiên cứu (“Kỉ yếu Hội thảo về chúa Nguyễn & vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX”, 18-19/10/2008) và trên một số sách báo mà thôi.

    Thật là đáng tiếc!

    Trân trọng,
    TXA.

  5. Thư của ông (bà) Nguyễn B’Lao Đa Tẻh:

    Tôi không đồng ý với nhà văn Tố Hoài về việc ông không ghi xuất xứ các ý tưởng, sử liệu mà ông vay mượn (không tôn trọng bản quyền của người khác), không lập danh mục tài liệu tham khảo (không khoa học), mặc dù ông viết tiểu thuyết, vì lẽ, đó là tiểu thuyết lịch sử.

    Đừng giận tôi ông Tố Hoài nghe! “Nói thật mất lòng” mà!

    Mong ông tái bản sách có chỉnh sửa như tôi đã góp ý…

    Ký tên:
    Nguyễn B’Lao Đa Tẻh

    • TXA. said

      Tôi thấy rằng việc không ghi xuất xứ ý tưởng, sử liệu có một điểm rất tai hại cho nhà văn, bác sĩ Tố Hoài: Không ai biết nhà văn Tố Hoài đã đóng góp những điểm nào cho việc tái hiện xác thực lịch sử từ Lê Uy Mục (ở ngôi: 1497-1504) cho đến Nguyễn Phúc Tần (ở ngôi: 1648-1687), kể cả những suy tưởng của riêng anh ấy.

      Tôi nghĩ rằng anh có những đóng góp xuất sắc.

      TXA.

  6. Cung cấp tư liệu để bàn luận:

    “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện lính để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”

    (Đại Nam thực lục, tập 1, tiền biên & chính biên, bản dịch Viện Sử học, Nxb. Giáo Dục tái bản, 2002, tr. 37).

    Phải chăng từ lời trăn trối này của Nguyễn Hoàng mà có người lại diễn dịch ra rằng: Tương truyền Nguyễn Hoàng có trối dặn Nguyễn Phúc Nguyên “Nếu Bắc tiến được thì tốt nhất, bằng không giữ vững đất Thuận Quảng và mở mang bờ cõi về phía nam”?

    • txawriter said

      Vâng, thưa ông Nguyễn Ý Kiến, tôi đã tra lại “Đại Nam thực lục”, tiền biên, đúng như bản sách của ông, về từng chữ và về số trang. Còn câu diễn dịch ấy chỉ là “tương truyền”, không đáng tin cậy.

      Dẫu sao cũng phải đặt nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng (1525-1613) trong bối cảnh lịch sử cụ thể, với kẻ đối đầu của ông ấy là chúa Trịnh!

      Ngoài ra, tôi hiểu ý ông Nguyễn Ý Kiến, là nhiều người từ mấy chục năm nay gờm ý tưởng Bắc tiến (tuy diễn dịch cũng có cơ sở), nên không phục hồi trọn vẹn danh dự cho Nguyễn Hoàng chứ gì!

      Tuy nhiên, Bắc tiến thì Bắc tiến, chứ có sao? Nguyễn Huệ Bắc tiến đấy, nhưng vẫn được đề cao. Vấn đề là Nguyễn Huệ Bắc tiến để thống nhất đất nước (chưa kể là Nguyễn Huệ còn có gốc “nông dân”, theo tiêu chí giai cấp nữa)… Do đó, lí do để Nguyễn Hoàng bị hạ bệ là cát cứ mà thôi (nếu không kể là người lập nền khai sáng vương triều Nguyễn sau này). Theo đó, không khéo cái câu “tương truyền” Bắc tiến lại là cơ sở để đề cao Nguyễn Hoàng có ý định thống nhất đất nước!

      Không có quan điểm lịch sử – cụ thể thì mọi đánh giá đều không thích đáng. Thế kỉ XVI là thế kỉ XVI, Trịnh – Nguyễn phân tranh là Trịnh – Nguyễn phân tranh (XVII-XVIII), chứ gán ghép, xiên xẹo, sợ ám chỉ giai đoạn 1954-1975 là “bất bình thường trí óc” đấy, phải không, thưa ông?

      TXA.

  7. TXA. said

    Tư liệu “Thực lục” về NGUYỄN HOÀNG (1525-1613)

    Quốc sử quán triều Nguyễn
    ĐẠI NAM THỰC LỤC

    Tiền biên
    Bản dịch của Tổ Phiên dịch Viện Sử học
    (Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính)
    Nxb. Giáo Dục tái bản, tập 1, 2002, tr. 25-37
    Bản chữ vi tính: Google tìm kiếm: do Lãn Mã Nông Trang đăng trên điểm mạng www. tangthuvien. com .
    XIN LÃN MÃ NÔNG TRANG & WWW. TANGTHUVIEN. COM VUI LÒNG CHO PHÉP TXAWRITER. WORDPRESS. COM ĐĂNG LẠI BẢN CHỮ VI TÍNH NÀY ĐỂ PHỤC VỤ NGƯỜI ĐỌC.

    Ảnh: Bộ “Đại Nam thực lục” — Nhiếp ảnh: Trần Xuân An

    Tiền biên – Quyển I

    Thực lục về Thái tổ Gia dụ hoàng đế

    Thái tổ Triệu Cơ Thùy thống Khâm Minh Cung Ý Cẩn Nghĩa Đạt Lý Hiển Ung Chiêu Hựu Diệu Linh Gia dụ hoàng đế, họ Nguyễn, húy Hoàng, người Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa.

    Sinh ngày Bính dần, tháng 8, mùa thu, năm ất dậu [1525] (Lê – Thống Nguyên năm thứ 4, Minh – Gia Tĩnh năm thứ 4), là con trai thứ hai của Triệu tổ Tĩnh hoàng đế; mẹ là Tĩnh hoàng hậu Nguyễn thị (con gái Nguyễn Minh Biện, Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân thự vệ sự ở triều Lê).

    Tổ tiên trước là một họ có danh vọng ở Thanh Hoa.

    Ông nội là Trừng quốc công, húy là [Dụ] (1), lên 8 tuổi đã biết làm văn, 15 tuổi thông thuộc võ nghệ. Triều Hiến tông nhà Lê, làm kinh lược sứ Đà Giang, đến khi Uy Mục đế vô đạo, về Tây Kinh giúp Lê Oanh khởi binh ở Thanh Hoa, mưu việc giữ yên xã tắc. Khi Oanh lên làm vua (tức Tương Dực đế), được phong làm thái phó Trừng quốc công.

    Cha là Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế, húy [Kim], con trưởng Trừng quốc công, đầu làm quan triều Lê, chức Hữu vệ điện tiền tướng quân, [tước] An Thanh hầu. Năm Đinh hợi [1527], Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, nhà Lê mất. Triệu Tổ giận họ Mạc tiếm nghịch, chí muốn khôi phục nhà Lê, nên dẫn con em tránh sang Ai Lao. Vua nước ấy là Sạ Đẩu cho ở Sầm Châu. Bấy giờ thu nạp hào kiệt, quân chúng có hàng mấy nghìn người, voi có ba chục thớt, bàn mưu tìm con cháu nhà Lê để lập làm vua. Năm Canh dần [1530], ông đem quân ra Thanh Hoa. Mạc Đăng Doanh (con trưởng Mạc Đăng Dung) sai tướng là Ngọc Trục (không rõ họ) chống cự, đánh nhau ở huyện Lôi Dương (nay là Thọ Xuân Thanh Hóa), Ngọc Trục thua chạy. Năm Tân mão [1531], ông đánh phá được tướng Mạc là Nguyễn Kính ở huyện Đông Sơn (Thanh Hóa), chém hơn một nghìn đầu. Khi tiến đến đò Điềm Thủy huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình), lại đánh luôn mấy trận với tướng Mạc là Lê Bá Ly được to. Gặp trời mưa dầm, nước lụt lai láng, quân Mạc cho nhiều chiến thuyền tiếp nhau tiến đến, ông bèn rút quân về sách Sầm Hạ ở Ai Lao. Năm Quý tỵ [1533] ông đón con trai nhỏ của Lê Chiêu Tông là Ninh lập làm vua, lấy niên hiệu là Nguyên Hòa, tức là Trang Tông. (Khi nhà Lê mới mất, Trang Tông còn thơ ấu, bầy tôi là bọn Trịnh Duy Tuấn và Lê Lan rước tránh sang Ai Lao, ở trà trộn với nhân dân, không ai biết. Đến bấy giờ, Triệu Tổ tìm khắp nơi mới được, bèn lập làm vua). Do công ấy, được phong Thượng phụ thái sư Hưng quốc công chưởng nội ngoại sự. Bấy giờ có người xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc (huyện Vĩnh Lộc bây giờ) tên là Trịnh Kiểm đến yết kiến (Kiểm sau làm tổ họ Trịnh). Triệu Tổ thấy Kiểm có vẻ lạ, mới gả con gái lớn là Ngọc Bảo cho, sai coi mã quân và xin phong cho làm tướng quân. Năm Canh tý [1540], ông đem quân đóng giữ Nghệ An, hào kiệt theo rất nhiều. Năm Nhâm dần [1542] đi tuần hành trong đất Thanh Hoa, tiếng quân lừng lẫy, xa gần đều phục. Năm Quý mão [1543] rước vua Lê tiến binh ra Tây Đô (tức là Thanh Hoa) để đánh Mạc Chính Trung (con thứ hai Mạc Đăng Dung, có tên nữa là Đăng Xương), được tấn phong Thái tể đô tướng tiết chế các dinh thủy bộ, chia đường đều tiến, đánh đâu được đấy.

    Ngày Tân tỵ, tháng 5, mùa hạ, năm ất tỵ [1545] ông bị hàng tướng Mạc [tên Trung] đầu độc. Triệu Tổ băng, thọ 78 tuổi. (Trước là nhà Mạc thấy quân nhà vua hoạt động mạnh, rất lo, ngầm sai hoạn quan là Trung (không rõ họ) trá hàng, để đầu độc vua Lê; việc không thành, nó liền ngầm cho thuốc độc vào quả dưa hấu rồi đón dâng Triệu Tổ). Vua Lê thương tiếc mãi, tặng tước Chiêu huân tĩnh công, dùng lễ hậu đem táng ở núi Thiên Tôn (thuộc huyện Tống Sơn). Tương truyền huyệt đào trúng hàm rồng, khi đặt quan tài xuống thì cửa huyệt ngậm lại, bỗng trời đổ mưa, gió sấm sét, mọi người sợ chạy. Đến lúc tạnh trở lại tìm thì đá núi liên tiếp, cỏ cây xanh tốt, không nhận được là táng nơi nào nữa. Đến nay có việc [cúng tế] thì chỉ trông núi tế vọng thôi. Năm Minh Mệnh thứ 2, phong núi ấy là núi Triệu Tường). Thời quốc sơ chúa (1) tôn thụy hiệu (2) là Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Vĩ Tích Chiêu Huân Tĩnh vương. Thế Tôn Hiếu Vũ Hoàng Đế (1) lại truy tôn [Nguyễn Kim] làm Di Mưu Thùy Dụ Khâm Cung Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Vĩ Tích Chiêu Huân Tĩnh vương, và truy tôn phi là Từ Tín Chiêu ý Đức phi. Gia Long năm thứ 5 lại truy tôn là Di Mưu Thùy Dụ Khâm Cung Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Khải Vận Nhân Thánh Tĩnh hoàng đế, miếu hiệu (2) là Triệu Tổ, lăng gọi là Trường Nguyên, và truy tôn phi là Từ Tín Chiêu ý Hoằng Nhân Thục Đức Tĩnh hoàng hậu. (Tương truyền phi hợp táng với Triệu Tổ).

    Chúa (3) tướng vai lân, lưng hổ, mắt phượng, trán rồng, thần thái khôi ngô, thông minh tài trí, người thức giả đều biết là bực phi thường.

    Khi Triệu Tổ tránh họ Mạc, chạy sang Ai Lao thì chúa mới lên 2 tuổi, gửi nuôi ở nhà thái phó Nguyễn Ư Dĩ (tên tự là Vô Sự, bấy giờ gọi là Uy quốc công, anh ruột của Tĩnh hoàng hậu), Ư Dĩ hết lòng bảo hộ, khi đã lớn, thường đem chuyện xây dựng công nghiệp để khuyến khích. Đầu làm quan ở triều Lê, được phong là Hạ Khê hầu. Đem quân đánh Mạc Phúc Hải (con trưởng Mạc Đăng Doanh), chém được tướng là Trịnh Chí ở huyện Ngọc Sơn, khi khải hoàn vua yên ủy khen rằng: “thực là cha hổ sinh con hổ”.

    Đến khoảng năm Thuận Bình đời Lê Trung Tông, do quân công được tiến phong Đoan quận công. Bấy giờ Hữu tướng triều Lê là Trịnh Kiểm (bấy giờ xưng là Lượng quốc công) cầm giữ binh quyền, chuyên chế mọi việc. Tả tướng là Lãng quận công Uông (con trưởng Triệu Tổ) bị Kiểm hãm hại. Kiểm lại thấy chúa công danh ngày càng cao nên rất ghét. Chúa thấy thế, trong lòng áy náy không yên, cùng bàn mưu với Nguyễn Ư Dĩ rồi cáo bệnh, cốt giữ mình kín đáo để họ Trịnh hết ngờ.

    Chúa nghe tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm (người làng Trung Am, xứ Hải Dương, đỗ Trạng nguyên triều Mạc, làm đến chức Thái bảo về trí sĩ) giỏi nghề thuật số, nên ngầm sai người tới hỏi. Bỉnh Khiêm nhìn núi non bộ trước sân ngâm lớn rằng: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” [nghĩa là: Một dải núi ngang có thể dung thân muôn đời được]. Sứ giả đem câu ấy về thuật lại. Chúa hiểu ý. Bấy giờ xứ Thuận Hóa mới dẹp yên, tuy nhà Lê đã đặt tam ty (Đô ty, Thừa ty, Hiến ty) và phủ huyện để cai trị, nhưng nhân dân vẫn chưa một lòng. Kiểm đương lấy làm lo. Chúa mới nhờ chị là Ngọc Bảo nói với Kiểm để xin vào trấn đất Thuận Hóa. Kiểm thấy đất ấy hiểm nghèo xa xôi cho ngay. Anh Tông lên ngôi, Kiểm dâng biểu nói: “Thuận Hóa là nơi quan trọng, quân và của do đấy mà ra, buổi quốc sơ nhờ đấy mà nên nghiệp lớn. Nay lòng dân hãy còn tráo trở, nhiều kẻ vượt biển đi theo họ Mạc, sợ có kẻ dẫn giặc về cướp, ví không được tướng tài trấn thủ vỗ yên thì không thể xong. Đoan quận công là con nhà tướng, có tài trí mưu lược, có thể sai đi trấn ở đấy, để cùng với tướng trấn thủ Quảng Nam cùng nhau giúp sức thì mới đỡ lo đến miền Nam”. Vua Lê nghe theo và trao cho chúa trấn tiết (1), phàm mọi việc đều ủy thác cả, chỉ mỗi năm nộp thuế mà thôi.

    Mậu ngọ, năm thứ 1 [1558] (Lê – Chính Trị năm 1, Minh – Gia Tĩnh năm 37), mùa đông, tháng 10, chúa bắt đầu vào trấn Thuận Hóa, 34 tuổi. Những người bộ khúc đồng hương ở Tống Sơn và những người nghĩa dũng xứ Thanh Hoa đều vui lòng theo đi. Dựng dinh ở xã Ái Tử (thuộc huyện Vũ Xương, tức nay là Đăng Xương) (2). Phàm quan lại tam ty do nhà Lê đặt đều theo lệnh của chúa.

    Chúa vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục, bấy giờ thường xưng là chúa Tiên. Nghiệp đế dựng lên, thực là xây nền từ đấy.

    Kỷ mùi, năm thứ 2 [1559], mùa thu tháng 8, Thanh Hoa và Nghệ An bị lụt, dân lưu tán nhiều vào miền Nam.

    Bấy giờ mọi việc bắt đầu. Chúa khuya sớm chăm lo, nghĩ việc củng cố căn bản. Nguyễn Ư Dĩ cùng bọn Tống Phước Trị (bấy giờ gọi là Luân quận công), Mạc Cảnh Huống cùng lòng hợp sức, quy hoạch nhiều phương, chúa đều thành thực tin dùng.

    Canh thân, năm thứ 3 [1560], mùa đông, đặt đồn cửa biển giữ miền duyên hải (bấy giờ quân Mạc thường theo đường biển vào cướp Thanh Nghệ nên phải đề phòng).

    Tân dậu, năm thứ 4 [1561].

    Nhâm tuất, năm thứ 5 [1562].

    Quý hợi, năm thứ 6 [1563], mùa thu, tháng 7, ngày Giáp thìn, sinh hoàng tử thứ sáu (tức Hy tông Hiếu Văn hoàng đế).

    Giáp tý, năm thứ 7 [1564].

    Ất sửu, năm thứ 8 [1565].

    Bính dần, năm thứ 9 [1566].

    Đinh mão, năm thứ 10 [1567] (Lê – Chính Trị năm 10, Minh – Long Khánh năm 1).

    Mậu thìn, năm thứ 11 [1568], mùa xuân, tháng 3, Tổng trấn Quảng Nam là Bùi Tá Hán (bấy giờ xưng là Trấn quận công) chết. Vua Lê lấy Nguyễn Bá Quýnh (bấy giờ xưng là Nguyên quận công) làm Tổng binh, thay giữ đất ấy.

    Kỷ tỵ, năm thứ 12 [1569], mùa thu, tháng 9, chúa đi Thanh Hoa, yết kiến vua Lê ở hành cung Khoa Trường.

    Canh ngọ, năm thứ 13 [1570] mùa xuân, tháng giêng, chúa từ Tây Đô về, dời dinh sang xã Trà Bát (thuộc huyện Đăng Xương) (xem cước chú cuối trang).

    Vua Lê triệu tổng binh Quảng Nam là Nguyễn Bá Quỳnh về trấn thủ Nghệ An. Chúa bèn kiêm lãnh hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam.

    Thuận Hóa có 2 phủ, 9 huyện, 3 châu. Phủ Tiên Bình (xưa là Tân Bình), lĩnh 3 huyện: Khang Lộc, Lệ Thủy, Minh Linh, 1 châu: Bố Chánh; phủ Triệu Phong, lĩnh 6 huyện: Vũ Xương, Hải Lăng, Quảng Điền (xưa là Đan Điền), Hương Trà (xưa là Kim Trà), Phú Vang (xưa là Tư Vang), Điện Bàn, 2 châu: Thuận Bình, Sa Bồn. Quảng Nam có 3 phủ, 9 huyện. Phủ Thăng Hoa, lĩnh 3 huyện: Lê Giang, Hà Đông, Hy Giang; phủ Tư Nghĩa lĩnh 3 huyện : Bình Sơn, Mộ Hoa, Nghĩa Giang; phủ Hoài Nhân, lĩnh 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn. Đeo ấn tổng trấn tướng quân, đặt quân hiệu là dinh Hùng Nghĩa.

    Bấy giờ Mạc Mậu Hợp sai tướng là bọn Kính Điển đem quân xâm lấn Thanh Nghệ. Tướng trấn thủ Nghệ An Nguyễn Bá Quýnh nghe tin trốn chạy, thế giặc hung tợn, lòng dân xao xuyến. Chúa vốn có uy danh, nhiều mưu lược, kỷ luật rõ ràng, phòng giữ nghiêm ngặt, do đó quân giặc không dám phạm vào bờ cõi, nên riêng hai xứ Thuận Quảng được yên ổn.

    Tháng 2, Trịnh Kiểm nhà Lê chết. Con thứ là Tùng (con của Ngọc Bảo) được nối. Chúa sai sứ đến viếng.

    Tân mùi, năm thứ 14 [1571], mùa thu, tháng 7, người huyện Khang Lộc (tức Phong Lộc bây giờ) (1) tên là Mỹ Lương, Văn Lan và Nghĩa Sơn (đều không rõ họ) nổi loạn, đánh dẹp yên. Trước là Mỹ Lương cùng em là Văn Lang và Nghĩa Sơn đều tiến thóc được làm quan, chuyên việc thu tô thuế có công. Nhà Lê phong Mỹ Lương làm tham đốc, Văn Lan, Nghĩa Sơn làm thự vệ. Trịnh Kiểm nhân mật sai họ đánh úp dinh Vũ Xương, hẹn nếu thành công sẽ trọng thưởng. Tới đấy, Mỹ Lương sai Văn Lang và Nghĩa Sơn đem quân phục ở huyện Minh Linh (1) rồi tự mình dẫn quân lẻn theo đường núi đến chỗ Cầu Ngói ở Hải Lăng mai phục, định ngày giáp đánh. (có thuyết nói khi binh thuyền Mạc cướp Nghệ An thì Thuận Hóa xao xuyến, bọn Mỹ Lương mưu đánh úp Vũ Xương để hàng Mạc).

    Chúa biết được mưu ấy, liền sai phó tướng Trương Trà (bấy giờ xưng là Trà quận công) đánh Nghĩa Sơn, và tự đem quân ngầm đến Cầu Ngói đánh úp Mỹ Lương và đốt trại. Mỹ Lương trốn chạy, đuổi chém được. Trà tiến quân đến xã Phúc Thị, đánh nhau với giặc, bị Nghĩa Sơn bắn chết. Vợ Trà là Trần thị (người xã Diêm Trường) nghe tin nổi giận, mặc quần áo đàn ông thúc quân đánh, bắn chết Nghĩa Sơn tại trận. Quân Văn Lan thua, trốn về với Trịnh. [Thế là] dẹp hết đảng giặc. Chúa đem quân về. Phong Trần thị làm quận phu nhân.

    Bấy giờ Quảng Nam cũng có bọn thổ mục nổi loạn, cướp giết lẫn nhau. Chúa sai thuộc tướng là Mai Đình Dũng dẹp yên, nhân đấy, sai ở lại giữ đất để thu phục vỗ yên tàn quân.

    Nhâm thân, năm thứ 15 [1572] (Lê – Hồng Phúc năm 1, Minh – Long Khánh 6), mùa xuân, tháng giêng, vua Lê đổi niên hiệu là Hồng Phúc.

    Mùa thu, tháng 7, tướng Mạc là Lập Bạo (không rõ họ, tự xưng quận công) lấy người ở châu Bắc Bố Chính (nay là huyện Bình Chính) (2) dẫn đường đem 60 binh thuyền vượt biển vào đánh cướp, đóng trại từ con đường xã Hồ Xá đến đền Thanh Tương xã Lãng Uyển. Thế giặc đang mạnh. Chúa đem quân chống giữ, đóng ở sông ái Tử, đêm nghe từ lòng sông có tiếng kêu “trao trao”, lấy làm lạ. Khấn rằng: “Thần sông có thiêng thì giúp ta đánh giặc”. Đêm ấy, chúa ngủ mộng thấy một người đàn bà mặc áo xanh, tay cầm quạt the, đến trước trình rằng: “Minh công muốn trừ giặc thì nên dùng mỹ kế dụ đến bãi cát, thiếp xin giúp sức!”. Tỉnh dậy, chúa ngẫm nghĩ rằng: “Người đàn bà trong mộng báo ta nên dùng “mỹ kế”, phải chăng là dùng kế mỹ nhân ?”. Trong đám thị nữ có Ngô thị (tên gọi là Ngọc Lâm, người làng Thế Lại, có tên nữa là Thị Trà) có sắc đẹp, và mưu cơ biện bác. Chúa sai nàng đem vàng lụa đi dụ Lập Bạo tới chỗ sông có tiếng kêu “trao trao” để giết. Ngô thị đến trại Lập Bạo nói rằng: “Chúa công thiếp nghe tin tướng công ở xa đến, cho thiếp mang quà mọn đến để cùng giảng hòa, đừng đánh nhau nữa”. Lập Bạo thích sắc đẹp của Ngô thị, nhưng giả cách giận, nói rằng: “Người lại đây làm mồi dử ta phải chăng ?”. Ngô thị uyển chuyển thưa gửi, Lập Bạo liền tin, và giữ lại trong trướng. Ngô thị nhân đấy, mời Lập Bạo đến bờ sông để cùng chúa họp thề. Lập Bạo nghe lời. Ngô thị đem việc ấy mật báo trước. Chúa lập tức dựng một ngôi đền tranh ở bên bờ sông, chỗ có tiếng kêu “trao trao”, để làm nơi họp thề, và đào hầm đặt phục binh. Đến hẹn, Lập Bạo cùng Ngô thị ngồi thuyền nhỏ, chỉ vài chục người theo hầu. Khi đến bến, thấy dưới cờ chúa cũng chỉ có vài chục người thôi, Lập Bạo thản nhiên không ngờ, bèn lên bờ thong thả bước đến cửa đền. Thình lình phục binh nổi dậy. Lập Bạo sợ chạy xuống thuyền, thuyền đã xa bãi rồi. Lập Bạo nhảy theo, rơi xuống nước, quân ta bắn chết ngay, rồi thừa thắng tiến đến trại Thanh Tương. Gió to nổi lên, thuyền giặc đắm hết. Quân giặc đem nhau đầu hàng, chúa cho ở đất Cồn Tiên (1) (tức tổng Bái Ân bây giờ) đặt làm 36 phường. Chúa đem quân về, thưởng công cho Ngô thị, gọi phó đoán sự vệ Thiên võ là Vũ Doãn Trung gả cho. Lại phong thần sông làm “Trảo trảo linh thu phổ trạch tướng hựu phu nhân”, và lập đền thờ.

    Mùa đông, tháng 11, sai sứ về Tây Đô báo tin thắng trận. Vua Lê sai Phan Công Tích (bấy giờ xưng là Lai quận công) đến ủy lạo tướng sĩ. Chúa cùng [sứ giả] yến tiệc rất vui, khi sứ về lại tặng rất hậu.

    Bấy giờ chúa ở trấn hơn 10 năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều yên cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội lớn.

    Quý dậu, năm thứ 16 [1573] (Lê – Gia Thái năm thứ 1, Minh – Vạn Lịch năm 1), mùa xuân, tháng giêng, vua Lê bị Trịnh Tùng bắt phải thắt cổ chết ở Lôi Dương, lập người con thứ là Duy Đàm làm vua, đổi niên hiệu là Gia Thái, tức là Thế tông. Từ đấy Tùng ngày càng lấn quyền, vua Lê gia phong cho tước vương, sau thành thế tập.

    Tháng 2, vua Lê sai sứ đem sắc tấn phong chúa làm thái phó, khiến trữ thóc để sẵn lương ở biên giới, còn số tiền sai dư (2) thì hàng năm nộp thay bằng 400 cân bạc và 500 tấm lụa.

    Giáp tuất, năm thứ 17 [1574]

    Ất hợi, năm thứ 18 [1575]

    Bính tý, năm thứ 19 [1576], mùa hạ, tháng 4, hoàng tử cả là Hà mất, tặng Thái bảo Hòa quận công.

    Đinh sửu, năm thứ 12 [1577], mùa đông, tháng 11, sao chổi xuất hiện ở đông nam. Vua Lê đổi niên hiệu là Quang Hưng.

    Mậu dần, năm thứ 21 [1578] (Lê – Quang Hưng năm 1, Minh – Vạn Lịch năm 6)

    Kỷ mão, năm thứ 22 [1579]

    Canh thìn, năm thứ 23 [1580]

    Tân tỵ, năm thứ 24 [1581]

    Nhâm ngọ, năm thứ 25 [1582]

    Quý mùi, năm thứ 26 [1583]

    Giáp thân, năm thứ 27 [1584]

    Ất dậu, năm thứ 28 [1585], bấy giờ có tướng giặc nước Tây Dương hiệu là Hiển Quý (Hiển Quý là tên hiệu của bọn tù trưởng phiên, không phải là tên người) đi 5 chiếc thuyền lớn, đến đậu ở Cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ sáu lĩnh hơn 10 chiếc thuyền, tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan 2 chiếc thuyền giặc. Hiển Quý sợ chạy.

    Chúa cả mừng nói rằng: “Con ta thực là anh kiệt”, và thưởng cho rất hậu. Từ đó giặc biển im hơi.

    Bính tuất, năm thứ 29 [1586], mùa xuân, tháng 3, vua Lê sai Hiến sát sứ là Nguyễn Tạo đến khám những ruộng đất hiện cày cấy để thu thuế. (Bấy giờ thuế ruộng hai xứ Thuận Quảng chưa có định ngạch, mỗi năm gặt xong, sai người chiếu theo số ruộng đất hiện cấy mà thu thuế thôi). Khi Tạo đến, chúa lấy lòng thành tiếp đãi. Tạo rất cảm phục, rồi không đi khám đạc nữa, cho các phủ huyện tự làm sổ, sổ làm xong rồi đem về.

    Đinh hợi, năm thứ 30 [1587], mùa thu, tháng 9, ngày mồng 1, có nhật thực.

    Mậu tý, năm thứ 31 [1588].

    Kỷ sửu, năm thứ 32 [1589]. Bấy giờ mấy năm được mùa luôn, trăm họ giầu thịnh. Vua Lê thì liền năm đánh dẹp, quân dụng không đủ. Chúa xuống lệnh thu thuế cho đi giúp quân phí, chưa từng để thiếu thốn. Tây Đô được nhờ vào đấy.

    Canh dần, năm thứ 33 [1590], mùa thu, tháng 7, ngày mồng 1, có nhật thực.

    Tân mão, năm thứ 34 [1591].

    Nhâm thìn, năm thứ 35 [1592], mùa thu, tháng giêng, vua Lê sai Trịnh Tùng cử đại quân đi đánh Mạc Mậu Hợp (con Mạc Nguyên), lấy lại được Đông Đô (tức Hà Nội bây giờ).

    Tháng 5, chúa đem binh quyền [ra Đông Đô] yết kiến. Vua Lê yên ủi rằng: “Ông trấn thủ hai xứ, dân nhờ được yên, công ấy rất lớn”. Liền phong làm Trung quân đô đốc phủ tả đô đốc chưởng phủ sự thái úy Đoan quốc công.

    Chúa trở về Thanh Hoa, yết cáo tôn lăng.

    Bấy giờ tướng Mạc là Kiến và Nghĩa (hai người đều không rõ họ, tự xưng quận công) đều tụ họp có tới mấy vạn quân, Kiến chiếm giữ phủ Kiến Xương, đắp lũy đất ở bên sông, Nghĩa chiếm giữ huyện Thanh Lan (nay là huyện Thanh Quan), cắm cọc gỗ ở sông Hoàng Giang để chống cự nhà Lê. Tướng nhà Lê là Bùi Văn Khuê và Trần Bách Niên đánh không được. Chúa đốc suất tướng sĩ bản dinh, thống lãnh chiến thuyền của thủy quân các xứ nối tiến, dùng hỏa khí và đại bác đánh phá tan, chém được Kiến và Nghĩa tại trận, bắt sống, chém chết hàng vạn. Trấn Sơn Nam (nay là Nam Định) được dẹp xong. Mạc Kính Chương (tự xưng Tráng vương) lại cùng đồ đảng chiếm giữ Hải Dương. Chúa dời quân sang đánh dẹp được, bắt sống không xiết kể.

    Trước kia, trong chiến dịch Sơn Nam, hoàng tử thứ hai là Hán (làm quan triều Lê, có quân công được làm Tả đô đốc Lỵ quân công) theo chúa đi đánh giặc, ra sức đánh, mất tại trận. Vua Lê truy tặng tước Lỵ Nhân công (có thuyết là Lỵ Trung công) (năm Gia Long thứ 2 cho được tòng tự ở Nguyên miếu), cho con là Hắc được tập ấm, sau làm quan đến thái phó. (Con cháu ở Thanh Hoa, dòng dõi rất phồn thịnh. Năm Gia Long thứ 1, cho hệ tính là Nguyễn Hựu).

    Giáp ngọ, năm thứ 37 [1594], mùa hạ, tháng 5, Mạc Ngọc Liễn chiếm giữ núi Yên Tử, đánh cướp huyện Vĩnh Lại. Chúa đem thủy quân tiến đến Hải Dương đánh phá được. Ngọc Liễn thua chạy, chết ở châu Vạn Ninh.

    Mùa thu, tháng 9, Mạc Kính Dụng (tự xưng Uy vương) sai người đảng là Văn và Xuân (hai người đều không rõ tên họ, tự xưng quốc công) đánh úp Thái Nguyên.

    Chúa đem đại binh đánh quân Mạc ở huyện Võ Nhai, dẹp yên.

    Mùa đông, tháng 10, tướng làm phản nhà Lê là Vũ Đức Cung cướp phá các huyện thuộc Sơn Tây, và lùa những cư dân hai huyện Đông Lan và Tây Lan (nay là Hùng Quan và Tây Quan) vào đất Đại Đồng. Chúa lĩnh thủy quân cùng Thái úy nhà Lê là Nguyễn Hữu Liêu dẫn bộ binh cùng tiến, thẳng tới Đại Đồng, giáp đánh phá được. Đức Cung chạy đến đất Nghĩa Đô. Chúa dẫn quân về.

    Ất mùi, năm thứ 38 [1595], mùa xuân, tháng 3 nhà Lê thi tiến sĩ, chúa làm đề điệu, lấy được 6 người hợp cách là bọn Nguyễn Viết Tráng.

    Bính thân, năm thứ 39 [1596], mùa hạ, tháng 4, chúa theo hầu vua Lê đi Lạng Sơn. Trước là Mạc Kính Dụng chạy sang Long Châu nước Minh, vu cáo với nhà Minh rằng hiện nay người xưng là vua Lê tức là người họ Trịnh chứ không phải con cháu nhà Lê. Người Minh tin lời, sai án sát ty phó sứ Tả giang binh tuần đạo là Trần Đôn Lâm sang Trấn Nam quan, đưa thư hẹn hội khám. Vua Lê trước sai bọn thị lang Phùng Khắc Khoan đem hai quả ấn mực cũ, 100 cân vàng, 1.000 lạng bạc, cùng vài chục kỳ lão trong nước cùng đến cửa quan. Trần Đôn Lâm lại đưa điệp đòi vua Lê hẹn ngày đến cửa quan. Nhưng khi vua Lê đến thì sứ nhà Minh thác cớ không đến đúng hẹn. Chúa bèn hầu vua Lê trở về.

    Đinh dậu, năm thứ 40 [1597] mùa xuân, tháng 2, nhà Minh lại sai ủy quan là Vương Kiến Lập đến cửa quan báo tin để hội khám. Chúa lại theo hầu vua Lê đến cửa quan, cùng với Vương Kiến Lập và Trấn Đôn Lâm làm lễ giao tiếp hội khám, gặp nhau rất vui vẻ. Từ đấy Bắc Nam lại thông hiếu.

    Mùa đông, tháng 11, thổ phỉ Hải Dương là bọn Thủy, Lễ, Quỳnh, Thụy (đều không rõ họ, tự xưng quận công) kết bè đảng mấy nghìn, đánh úp giết tướng trấn thủ, cướp phá các huyện thủy Đường, Nghi Dương và Tiên Minh. Hoàng tử thứ tư là Diễn (có tên nữa là Miện, làm quan triều Lê, chức Tả đô đốc Hào quận công) cùng tướng nhà Lê là Bùi Văn Khuê và Phan Ngạn lĩnh 50 binh thuyền đến đánh ở sông Hổ Mang. Diễn đem 4 chiếc binh thuyền bản bộ vào trước xông lên đánh, mất tại trận. Vua Lê truy tặng Thái phó.

    Mậu tuất, năm thứ 41 [1598], mùa xuân, tháng 3, chúa đem thủy quân đánh dẹp Hải Dương, phá tan quân thổ phỉ ở dãy núi Thủy Đường, bắt được đồ đảng giặc đem về.

    Kỷ hợi, năm thứ 42 [1599], mùa thu, tháng 8, vua Lê băng. Con thứ là Duy Tân lên ngôi, đổi niên hiệu là Thận Đức, tức là Kính tông. Tấn phong chúa làm Hữu tướng.

    Canh tý, năm thứ 43 [1600] (Lê – Thận Đức năm 1, mùa đông, tháng 11, đổi kỷ nguyên là Hoằng Định; Minh – Vạn Lịch năm 28), mùa hạ, tháng 5, chúa từ Đông Đô trở về. Bấy giờ chúa đã ở Đông Đô 8 năm, đánh dẹp bốn phương đều thắng, vì có công to, nên họ Trịnh ghét. Gặp lúc bọn tướng Lê là Phan Ngạn, Ngô Đình Nga và Bùi Văn Khuê làm phản ở cửa Đại An (nay thuộc Nam Định), chúa nhân dịp đem quân tiến đánh, liền đem cả tướng sĩ thuyền ghe bản bộ, đi đường biển thẳng về Thuận Hóa, để hoàng tử thứ năm là Hải và hoàng tôn là Hắc ở lại làm con tin. Nghe tin ấy, lòng dân xao xuyến. Trịnh Tùng ngờ chúa vào chiếm Tây Đô, bèn đưa vua Lê chạy về Tây Đô, để giữ vững căn bản. Đi đến huyện An Sơn, bọn hoàng tử Hải đón đường nói rằng chúa về Thuận Hóa, chỉ nghĩ việc bảo vệ đất đai, thực không có ý gì khác. Vua Lê vỗ về, vẫn cho bọn Hải quản binh như cũ. Chẳng bao lâu vua Lê lại về Đông Đô.

    Chúa đến Thuận Hóa, cho dời dinh sang phía đông dinh Ái Tử (bấy giờ gọi là Dinh Cát). Vua Lê sai Thiêm đô ngự sử là Lê Nghĩa Trạch đem sắc đến phủ dụ, vẫn sai ở lại trấn thủ, hằng năm nộp thuế má. Trịnh Tùng cũng gửi kèm thư, khuyên giữ việc thuế cống. Chúa hậu đãi sứ giả và sai sứ đi tạ ơn vua Lê; lại gửi thư cho Trịnh Tùng hẹn kết nghĩa thông gia.

    Mùa đông, tháng 10, chúa gả con gái là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng (con cả Trịnh Tùng). Từ đấy chúa không ra Đông Đô nữa. Triều thần nhà Lê thường thường nói nên xử trí, nhưng Trịnh Tùng sợ việc dùng binh, không dám đả động.

    Tân sửu, năm thứ 44 [1601], mùa hạ, tháng 6 đặt kho thóc Thuận Hóa.

    Bắt đầu dựng chùa Thiên Mụ. Bấy giờ chúa dạo xem hình thế núi sông, thấy trên cánh đồng bằng ở xã Hà Khê (thuộc huyện Hương Trà) giữa đồng bằng nổi lên một gò cao, như hình đầu rồng quay lại, phía trước thì nhìn ra sông lớn, phía sau thì có hồ rộng, cảnh trí rất đẹp. Nhân thế hỏi chuyện người địa phương, họ đều nói rằng gò này rất thiêng, tục truyền rằng: Xưa có người đêm thấy bà già áo đỏ quần xanh ngồi trên đỉnh gò nói rằng : “Sẽ có vị chân chúa đến xây chùa ở đây, để tụ khí thiêng, cho bền long mạch”. Nói xong bà già biến mất. Bấy giờ nhân đấy mới gọi là núi Thiên Mụ. Chúa cho là núi ấy có linh khí, mới dựng chùa gọi là chùa Thiên Mụ.

    Mùa thu, tháng 7, ngày Tân hợi, sinh hoàng tôn (tức Thần tông Hiếu chiêu hoàng đế).

    Nhâm dần, năm thứ 45 [1602], mùa thu, tháng 7, sửa chùa Sùng Hóa. Chúa nhân tiết Trung nguyên đến chơi chùa Thiên Mụ, lập đàn chay làm lễ bố thí. Khi thuyền qua sông xã Triêm Ân (thuộc huyện Phú Vang), nhìn bờ sông phía đông – bắc, cây cối um tùm, chim chóc tấp nập, xem rất thích, chúa cho dừng thuyền ngắm xem. Nhận thấy chỗ ấy có nền chùa cổ, liền sai sửa lại, gọi là chùa Sùng Hóa.

    Sai hoàng tử thứ sáu làm trấn thủ dinh Quảng Nam. Quảng Nam đất tốt dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân thì cũng bằng quá nửa. Chúa thường để ý kinh dinh đất này. Đến đây, đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao dăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Chúa khen rằng: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Liền vượt qua núi xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên), xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ. Lại dựng chùa Long Hưng ở phía đông trấn.

    Bây giờ khám lý phủ Hoài Nhân (nay thuộc Bình Định) là Trần Đức Hòa (bấy giờ gọi là Cống quận công, là con Dương Đàm hầu Trần Ngọc Phân, phó tướng dinh Quảng Nam) đến yết kiến, chúa đãi rất hậu. Rồi trở về Thuận Hóa.

    Năm ấy nước Chiêm Thành sang thông hiếu.

    Quý mão, năm thứ 46 [1603], mùa xuân, tháng 3, trong mặt trăng có ba điểm đen.

    Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1, có nhật thực.

    Giáp thìn, năm thứ 47 [1604], lấy huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong đặt làm phủ Điện Bàn, quản 5 huyện (Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu), lệ thuộc vào xứ Quảng Nam. Đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình, phủ Tư Ngãi làm phủ Quảng Ngãi, huyện Lê Giang thuộc phủ Thăng Hoa (nay đổi làm Thăng Bình) làm huyện Lễ Dương, huyện Hy Giang làm huyện Duy Xuyên.

    Ất tỵ, năm thứ 48 [1605].

    Bính ngọ, năm 49 [1606].

    Đinh mùi, năm thứ 50 [1607], dựng chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu (thuộc Quảng Nam).

    Mậu thân, năm thứ 51 [1608], được mùa to, mỗi đấu gạo giá 3 đồng tiền. Bấy giờ từ Nghệ An ra Bắc bị đại hạn, giá gạo đắt, nhiều dân xiêu dạt chạy về [với chúa].

    Kỷ dậu, năm thứ 52 [1609], dựng chùa Kính Thiên ở phường Thuận Trạch (thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình; năm Minh Mệnh thứ 7 đổi làm chùa Hoằng Phúc).

    Canh tuất, năm thứ 53 [1610].

    Tân hợi, năm thứ 54 [1611], bắt đầu đặt phủ Phú Yên. Bấy giờ quân Chiêm Thành xâm lấn biên giới. Chúa sai chủ sự là Văn Phong (không rõ họ) đem quân đi đánh lấy được [đất ấy], bèn đặt làm một phủ, cho hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa lệ thuộc vào. Nhân sai Văn Phong làm lưu thủ đất ấy.

    Nhâm tý, năm thứ 55 [1612].

    Quý sửu, năm thứ 56 [1613], mùa hạ, tháng 5, ngày Mậu ngọ, chúa không được khỏe, triệu hoàng tử thứ sáu tự Quảng Nam vào hầu.

    Tháng 6 ngày Canh dần, chúa yếu mệt, triệu hoàng tử thứ sáu và thân thần đến trước đền trước giường, bảo thân thần rằng: “Ta với các ông cùng nhau cam khổ đã lâu, muốn dựng lên nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ông nên cùng lòng giúp đỡ, cho thành công nghiệp”. Rồi chúa cầm tay hoàng tử thứ sáu dặn bảo rằng: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung; anh em trước hết phải thân yêu nhau. Mày mà giữ được lời dặn đó thì ta không ân hận gì”. Lại nói: “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang [Hoành Sơn] và sông Gianh [Linh Giang] hiểm trở, phía nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia [Thạch Bi sơn] vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”. Hoàng tử thứ sáu và các thân thần khóc lạy vâng mệnh. Ngày ấy chúa băng. ở ngôi 56 năm, thọ 89 tuổi. Đầu thì yên táng ở núi Thạch Hãn (xã thuộc huyện Hải Lăng), sau cải táng ở núi La Khê (xã thuộc huyện Hương Trà) (năm Minh Mệnh thứ 2, phong núi ấy làm núi Khải Vận). Thời quốc sơ thì dâng thụy hiệu là Cẩn Nghĩa Đạt Lý Hiển ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia dụ vương. Thế tông Hiếu vũ hoàng đế truy tôn là Liệt tổ Triệu Cơ Thùy Thống Khâm Minh Cung ý Cẩn Nghĩa Đạt Lý Hiển ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia dụ thái vương và truy tôn phi là Từ Lương Quang Thục ý phi. Năm Gia Long thứ 5, truy tôn là Triệu Cơ Thùy Thống Khâm Minh Cung ý Cẩn Nghĩa Đạt Lý Hiển ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia dụ hoàng đế, miếu hiệu là Thái tổ, lăng gọi là Trường Cơ; truy tôn phi là Từ Lương Quang Thục Minh Đức ý Cung Gia dụ hoàng hậu, lăng gọi là Vĩnh Cơ.

    Chú thích:

    Sđd., tr. 25: 1. Có thuyết cho rằng An Hòa bá Nguyễn Hoằng Dụ sinh ra Nguyễn Kim (Đại Việt sử ký toàn thư) (*).

    (*) Theo nhiều nguồn và chủ yếu theo Đinh Công Vỹ, người khảo cứu 7 nguồn gia phả họ Nguyễn khác nhau, và viết trong sách ‘‘Nhìn lại lịch sử’’ (Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ, sách đã dẫn, tr. 803-805), thì Nguyễn Văn Lưu và Nguyễn Văn Lang là hai anh em chú bác (cùng một ông nội là ông Nguyễn Công Duẩn). Thân phụ của Nguyễn Kim (Nguyễn Cam [hay Câm, đọc là Kim]) là Nguyễn Văn Lưu; còn Nguyễn Hoằng Dụ (con trai của Nguyễn Văn Lang) chỉ là anh em chú bác lại của Nguyễn Kim. —– (TXA. chua thêm, theo Wikipedia, mục từ “Chúa Nguyễn”…v.v…).

    Sđd., tr. 26: 1. Chữ Hán là thượng, chỉ Nguyễn Hoàng.

    Sđd., tr. 26: 2. Thụy: tên đặt để thờ cúng.

    Sđd., tr. 27: 1. Tức là Phúc Khoát (1739 – 1756).

    Sđd., tr. 27: 2. Hiệu đặt cho các vua đã chết để thờ ở tôn miếu.

    Sđd., tr. 27: 3. Chúa, chỉ Nguyễn Hoàng.

    Sđd., tr. 28: 1. Trấn tiết: Cờ tiết vua giao cho làm huy hiệu của quyền trấn thủ.

    Sđd., tr. 28: 2. Nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

    Sđd., tr. 29: 1. Hiện nay là huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

    Sđd., tr. 30: 1. Nay là huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị.

    Sđd., tr. 30: 2. Nay là huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

    Sđd., tr. 31: 1. ở gần cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị.

    Sđd., tr. 31: 2. Tiền thuế thân, ngoài sự gánh vác sai dịch còn phải nộp.

    __________________________

    QUẢNG TRỊ, MẢNH ĐẤT THỦ PHỦ ĐẦU TIÊN CỦA ĐÀNG TRONG

    — Lập dinh lần 1: Ái Tử (1558-1570)
    — Dời dinh và lập dinh lần 2: Trà Bát (1570-1600)
    — Dời dinh và lập dinh lần 3: Dinh Cát, phía đông dinh cũ Ái Tử (1600-1626 [?]). Theo ĐNTL.TB., sđd., Dinh Chúa Nguyễn vẫn đóng tại đây cho đến khi dời vào Phước Yên, Quảng Điền, Thừa Thiên vào năm 1626.

    Trà Bát: Dinh Trà Bát, thủ phủ Đàng Trong thời Nguyễn Hoàng, nay thuộc địa phận làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

    Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đóng đô ở Quảng Trị trong quãng thời gian 68 năm (1558-1626).

    1626, Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi) mới dời dinh chúa từ Quảng Trị vào Phước Yên, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (xem ĐNTL.TB., sđd., tr. 42).

    Tham khảo thêm ở Cinet (Chưa chính xác ở một vài chi tiết)

  8. […] QUANH VẤN NẠN LỊCH SỬ: KẺ CÁT CỨ HAY ANH HÙNG MỞ CÕI? […]

  9. TXA. said

    XỨ THUẬN HÓA TRƯỚC KHI NGUYỄN HOÀNG VÀO TRẤN NHẬM (1558), CÓ THỂ BIẾT ĐẠI THỂ QUA “Ô CHÂU CẬN LỤC” (1555 …):

    Ô CHÂU CẬN LỤC
    Dương Văn An bổ cứu, nhuận sắc & tục biên (năm 1555)
    Bản dịch & chú giải: Văn Thanh, Phan Đăng
    Nxb. Chính trị quốc gia, 2009

     

    Ô CHÂU CẬN LỤC
    Dương Văn An nhuận sắc & tập thành (năm 1555)
    Bản dịch & chú giải (tân dịch hiệu chú): Trần Đại Vinh & Hoàng Văn Phúc
    Nxb. Thuận Hóa, 2001

Gửi phản hồi cho Nguyễn Ý Kiến Hủy trả lời

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.